GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 24
TÔNG CHÂN NGÔN (phần 2)
V. HAI BỘ MẠN ĐÀ LA
Kim-cương-giới mạn đà la và Thai-tạng-giới mạn đà la, gọi là hai bộ Kim Thai mạn đà la. Trí tuệ của Như Lai có khả năng phá trừ các hoặc chướng mà chứng ngộ lí thật tướng, cứng rắn lại sắc bén, giống như đá kim cương, cho nên gọi là “Kim-cương-giới”; đó là nói lên trí tuệ do tu tập mà bừng sáng. Cái tính đức vốn có của chúng sinh, hàm chứa và giữ gìn công đức của tất cả các đức Như Lai, giống như thai mẹ hàm chứa và giữ gìn thai nhi, cho nên gọi là “Thai-tạng-giới”; đó là nói lên chân lí vốn đầy đủ trong tự tánh. Thai-tạng-giới là nhân, tự nhiên1 mà có, chúng sinh và Phật bình đẳng, mỗi mỗi đều hoàn thành; ở trong 6 đại2, nó thuộc vào 5 đại trước. Kim-cang-giới là quả, do tu tập mà thành, trong đó có vô lượng điều sai khác nhau, chỉ có bậc thánh mới có thể chứng được; ở trong 6 đại, nó thuộc về thức đại. Vì lí và trí đồng nguồn cội, không ra ngoài tánh cảnh và hiện lượng, cho nên hai bộ mạn đà la này, là một mà là hai, là hai mà là một, nếu lại thêm chứng ngộ rõ ràng, thì cái thân do cha mẹ sinh thành này lên ngay địa vị Đại Giác; đó tức là điều mà Mật giáo gọi là “tức thân thành Phật” vậy.
VI. BỐN LOẠI MẠN ĐÀ LA
Bốn loại mạn đà la, cũng gọi tắt là bốn mạn, tức là trên bản thể của 6 đại mà hiện ra các tướng trạng sai biệt, mỗi mỗi đều vô lượng vô biên, gọi là “bốn mạn tướng đại”. Từ Phật, Bồ-tát cho đến chúng sinh, thảy đều đầy đủ 4 mạn tướng này, mỗi mỗi đều hàm chứa công đức thật tướng, khắp cõi hư không, không có chỗ tận cùng. Như Lai có đầy đủ 4 mạn của chúng sinh, chúng sinh cũng có đầy đủ 4 mạn của Như Lai; chúng sinh và Phật không hai, đi vào lẫn nhau, đầy đủ, viên mãn, gọi là “bốn mạn không rời nhau”; xin giải thích như sau:
1) Đại mạn đà la: Bản thể của pháp giới thật to lớn, lồng lộng, rộng rãi, mênh mông. Thân pháp tánh của chư Phật, Bồ-tát như ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn chiếu rọi lẫn nhau, một và nhiều không chướng ngại. Thân pháp tánh vô lượng vô biên này sắp xếp liên hệ lẫn nhau, gọi là “đại mạn đà la”; nếu phát ra thành hình tướng bên ngoài, thì đó là tướng hảo tôn nghiêm của Chư Tôn(1), thuộc về cảnh giới của thân kim cang kiên cố.
2) Tam muội da mạn đà la: “Tam muội da” hàm nhiều ý nghĩa, như: bình đẳng, thệ nguyện, cảnh giác, trừ khử cấu chướng v.v… Nội đức của chư Phật, Bồtát khi phát hiện ra ngoài, thì thành các loại khí vật hình dạng khác nhau. Nay lấy các thứ cầm tay như đao, kiếm, linh, xử, bánh xe báu, hoa sen, v.v… làm đại biểu, để biểu thị thệ nguyện của Chư Tôn. Các khí vật vô lượng vô biên này, mỗi cái đều là phù hiệu dùng để trưng bày, đó gọi là “tam muội da mạn đà la”, thuộc về cảnh giới của thân phước đức trang nghiêm.
3) Pháp mạn đà la: Lí lẽ của các pháp được diễn dịch ra, diệu nghĩa vô tận; nếu dùng danh cú để đại biểu, thì ngôn ngữ văn tự là công cụ của chúng. Nay phát làm mật ngữ mà trình bày, thì nơi tập hợp các chủng tử(2) chân ngôn của Chư Tôn, tức gọi là “pháp mạn đà la”, thuộc về cảnh giới của thân thọ dụng trí tuệ.
4) Yết ma mạn đà la: “Yết ma” dịch là “sự nghiệp”, cũng dịch là “pháp biện sự”, nghĩa là pháp sự do đây mà làm thành. Chư Phật, Bồ-tát tùy theo căn cơ mà cứu độ chúng sinh, thị hiện nhiều loại hình tướng, làm nhiều loại sự nghiệp, biểu hiện nhiều loại oai nghi; nếu đem trình bày ra, tức gọi là “yết ma mạn đà la”, thuộc về cảnh giới của thân thiên biến vạn hóa.
VII. BA MẬT GIA TRÌ
Thể tướng của chúng ta vốn cùng với đức Đại Nhật Như Lai không khác. Nhưng sở dĩ không thể thành Phật, là tại vì ba nghiệp thân ngữ ý của chúng ta không giống với đức Như Lai. Nay, nếu tay bắt ấn, có các tư thế của thân, mắt, cánh tay, chân phụ giúp, tức cùng tương ứng với phù hiệu yết ma mạn đà la, mà thành tựu thân mật của Như Lai. Miệng đọc chân ngôn đà la ni, tức tương ứng với phù hiệu của pháp mạn đà la, mà thành tựu khẩu mật của Như Lai. Tâm quán sát pháp tướng của Bổn Tôn(3), tức tương ứng với phù hiệu tam muội da mạn đà la, mà thành tựu ý mật của Như Lai. Đó là “ba mật gia trì”(4). Hành giả nhờ có tác dụng của ba mật gia trì mà có thể tức thân thành Phật. Đây là cái lí lẽ mà Mạnh Tử từng nói với Tào Giao: “Ông mặc y phục như vua Nghiêu, nói cách nói của vua Nghiêu, làm những việc vua Nghiêu đã làm, thì ông chính là vua Nghiêu vậy.” Ngoài ra còn có thuyết về “3 loại thành Phật”, không thể không biết.(5)
CHÚ THÍCH
1. “Pháp nhĩ” tức là thiên nhiên, tự nhiên, không có ý tạo tác, như tính nóng của lửa, tính ướt của nước.
2. Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức, gọi là sáu đại. Xin xem mục “Lục Đại Duyên Khởi” trong bài 25 ở sau.
PHỤ CHÚ
1) Chư Tôn: Từ “Chư Tôn” ở đây được dùng để chỉ cho chư Phật, chư Bồ-tát, các Minh vương, chư thiên v.v… trong lễ nghi Mật giáo.
2) Chủng tử: “Chủng tử” là một thuật ngữ trọng yếu trong giáo lí Duy Thức; ngoài ra, nó cũng được dùng với ý nghĩa đặc biệt trong Mật giáo – như trong trường hợp ở đây. Trong Mật giáo, chữ “chủng tử” chỉ cho chữ Phạn mà chư Phật, Bồ-tát dùng để nói các chân ngôn; vì vậy, nó cũng được gọi là “chủng tự”, hay “chủng tử tự”. Các hành giả Chân Ngôn, khi tu tập phép quán “tự luân” (vòng chữ Phạn), là quán tưởng các chủng tử này. Gọi là “chủng tử” là có ý nói rằng, từ một chữ có thể sinh ra nhiều chữ, và từ nhiều chữ lại có thể thu về một chữ. Cho nên, từ “chủng tử” bao hàm hai nghĩa: vừa là “dẫn sinh”, vừa là “nhiếp trì”. Mật giáo đã dùng cái lí lẽ này để biểu thị rằng, nếu biết rõ một pháp, tức là biết rõ tất cả pháp; nếu biết rõ một pháp là không, tức thì biết rõ tất cả pháp là không; nếu chuyên chú quán tưởng một chữ, tu các hạnh nguyện, tức có thể ở nơi tất cả hạnh nguyện đều được viên mãn. Nói một cách tổng quát, từ “chủng tử” dùng trong Mật giáo gồm 3 ý nghĩa: 1) Biết rõ nguyên nhân, ví như thấy khói thì biết có lửa, cũng vậy, hành giả Mật giáo quán tưởng chữ (chủng tử) mà biết rõ Phật trí. 2) Nguyên nhân sinh khởi, ví như do hạt giống mà sinh ra gốc rễ cây lá hoa trái, cũng vậy, do chủng tử mà sinh ra hình tướng “tam muội da”. 3) Vốn có, ý nói chữ là căn nguyên của các pháp, đầy đủ tánh đức vốn có xưa nay, có thể làm qui phạm cho tất cả. Vì có đầy đủ 3 ý nghĩa đó, cho nên Chư Tôn trong Mật giáo dùng nó để biểu trưng.
3) Bổn Tôn: Trong phép tu Mật giáo, mỗi hành giả tự chọn cho mình một đức Phật hay Bồ-tát để làm đối tượng kính lễ tôn sùng cho riêng mình, gọi đó là vị “Bổn Tôn”. Về ý nghĩa của “Bổn Tôn”, xin xem chú thích số 1 của tác giả trong bài 26 ở sau.
4) Gia trì: Trong Mật giáo, từ “gia trì” có nghĩa là gia hộ. Sức oai thần của Phật và Bồ-tát giúp đỡ cho hành giả tinh tấn tu tập, không bị sa lạc vào nẻo tà. Nhờ sức “ba mật” của Phật nâng đỡ cho “ba nghiệp” của hành giả, làm cho ba mật và ba nghiệp tương ứng nhau, khiến cho hành giả có thể thành tựu đạo quả ngay trong đời hiện tại. Lại nữa, “gia trì” còn có nghĩa là cầu đảo, vì cầu đảo là cầu Phật lực thêm sức cho hành giả vượt khỏi tai nạn, bệnh tật, hoặc giúp trừ khử tà ma, ác quỉ, hoặc giúp tiêu trừ tội chướng cho vong linh. Vì vậy, cầu đảo đôi khi được gọi thẳng là gia trì, hay gia trì kì đảo.
5) Về thuyết “3 loại thành Phật”, xin xem bài 25 tiếp theo sau.
BÀI TẬP
1) Hãy giải thích ý nghĩa của Kim-cang-giới và Thai-tạng-giới.
2) Trong 6 đại, Thai-tạng-giới thuộc về đại nào? Kim-cang-giới thuộc về đại nào?
3) Sao gọi là “bốn mạn không rời nhau”?
4) Sao gọi là “bốn mạn”? Sao gọi là “đại mạn đà la”?
5) Ba mật gia trì như thế nào?
Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 22, 23, và 24
1. Xem đoạn kinh văn số 29 của bài 22 ở trước, các hành giả tu đại thừa, muốn biết họ giữ gìn giới luật có thanh tịnh hay không, cần xét mối quan hệ giữa tư tưởng của họ ở bên trong và hành vi của họ ở bên ngoài. Giữa hai mặt tư tưởng và hành vi đó, nếu bên ngoài tuy không từng có hành vi phạm giới, mà trong tâm xác thật có tư tưởng ấy, –ví dụ như bề ngoài thì hoàn toàn không có hành động tà dâm, mà trong tâm xác thật có tư tưởng tà dâm– trường hợp này, ở giới luật tiểu thừa thì chưa được coi là phá giới, nhưng ở giới luật đại thừa thì được coi là đã phá giới. Nhân vì giới luật đại thừa đặt nặng ở tâm pháp, cho nên, hễ vừa khởi niệm dâm thì liền phá giới bất dâm; nếu thực sự lại có hành động dâm, thì tội phá giới càng được xác định mạnh mẽ. Cho nên các hành giả đại thừa phải cực lực giữ gìn niệm niệm thanh tịnh, khiến cho trong ngoài đều hợp qui luật, mới có thể hoàn chỉnh được “biệt giải thoát luật nghi vô biểu sắc”.(1)
2. Người nói không nhân không quả, dù cho không làm ác, nhưng lời nói ấy đã không phù hợp với luật nhân quả; là vì, bất cứ sự việc gì, rõ ràng là đều có nhân có quả, mà họ bảo là không nhân không quả, thì đó là cái nhìn điên đảo, tức là tà kiến; đó là một lẽ. Một người nào đó nếu nghe nói không nhân không quả, thì nghĩ rằng, nếu làm thiện mà không có quả thiện, thì cần gì phải làm thiện! Nếu làm ác mà không có quả ác, thì làm ác đâu có sao! Và nếu quả thực như thế thì con đường thiện sẽ bị dứt tuyệt, còn các hành động xấu ác thì sẽ đầy dẫy. Chỉ vì một lời nói đầy tính tà tri tà kiến mà khiến cho vô số người, sống thì làm người ác, chết thì đọa ác đạo, cho nên tội lỗi của cái miệng đầy cả thiên hạ; đó là hai lẽ. Đứng về Phật pháp mà nói, cả 12 bộ kinh đều nói tới nhân quả. Đức Phật dùng giáo lí ấy làm công cụ độ sinh. Nay nếu nói không nhân không quả, tức là vừa hủy báng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vừa hủy báng 12 bộ kinh, đây gọi là hủy báng Phật, hủy báng Pháp; đó là ba lẽ. Vì có ba lẽ trên đây, cho nên người nào bài bác nhân quả, thì người đó là kẻ bị dứt tuyệt thiện căn.
3. Trong Hiển giáo cũng có Mật pháp, nhân vì có Hiển có Mật, Hiển Mật dung hợp nhau, cho đến trong kinh Hiển giáo cũng có nói thần chú, trong kinh Mật giáo cũng có nói đạo lí; như thế mới là trung đạo viên dung vô ngại. Không thấy ư? Đoạn cuối của Tâm Kinh có chân ngôn; thông thường, mỗi khi tụng kinh Kim Cang đều tụng chú “Tịnh Khẩu”, chú “Tịnh Thân”, chân ngôn “Bổ Khuyết” v.v…; sau khi tụng kinh A Di Đà thì tụng 3 biến chú “Vãng Sinh”. Như thế là chứng minh trong Hiển giáo có gồm cả Mật giáo. Trung tâm của bộ kinh Lăng Nghiêm, ở nơi chương cú vi diệu “Ma ha tất đát đa bát đát ra”, nếu đem dịch nghĩa thì đó là chú “Đại bạch tán cái”(2), tức là mật ngữ; cho nên kinh Lăng Nghiêm thuộc về Mật bộ. Người học Mật giáo, nếu không nghiên cứu giáo nghĩa trước, thì sự linh nghiệm của mật pháp ắt bị ảnh hưởng. Đó là tâm không cao rộng, cho nên pháp bị hạn chế. Thế mới biết, mối quan hệ của giáo nghĩa đối với mật pháp thật là trọng yếu.
4. Hành giả tuy không học Mật, nhưng trong hai thời khóa tụng sáng tối có chứa nhiều phần Mật giáo; như chú “Lăng Nghiêm”, chú “Đại Bi”, 10 tiểu chú, cúng ngọ, Mông Sơn Thí Thực, v.v… đều là chú đà la ni. Ở buổi đầu Phật nói kinh, cũng thường có nói chú. Có thể biết, khi đức Thế Tôn chuyển pháp luân, sớm đã thi thiết gồm đủ Hiển Mật. Công hiệu của lời chú cũng không thể nghĩ bàn, như trong phương thuốc dân gian, có khi chỉ dùng một vài ngọn cỏ ở trước thềm mà có thể chữa lành một chứng bệnh ngặt nghèo mà bao thầy thuốc đã chịu bó tay. Trường hợp này thì làm sao có thể lấy cái thấy biết hẹp hòi để chê bai!
5. Kinh điển Mật tông cũng có chỗ nói đạo lí, chỉ có điều là rất ít. Như kinh Đại Nhật nói: “Tâm không ở trong, không ở ngoài, và ở giữa trong và ngoài cũng không nắm bắt được tâm.” Lời nói đó so với kinh Lăng Nghiêm thì có gì khác đâu! Kinh ấy lại nói: “Hư không là bồ đề, người không hiểu biết cũng không thông suốt, vì sao vậy? Vì bồ đề không có hình tướng vậy.” Đó rõ ràng là ngôn ngữ của Bát Nhã, Bảo Tích. Kinh ấy lại nói: “Sao gọi là bồ đề? Nghĩa là biết như thật về tự tâm.”; “Tâm, hư không giới và bồ đề, ba thứ đó không khác nhau. Những thứ đó lấy bi làm căn bản, phương tiện ba la mật đầy đủ.” Nếu đem các câu kinh văn ấy để lẫn lộn vào trong kinh Hiển giáo, thì làm cách nào để biết được đó là lời kinh Mật thừa? Trong kinh điển Mật giáo có nói đạo lí, trong kinh điển Hiển giáo gũng có nói chú; bởi vậy, Hiển và Mật vốn là một nhà, đều chảy ra từ trong tâm giác ngộ của bậc Vô Thượng Pháp Vương vậy.
6. Mật tông không giống Thiền tông, có hệ thống rõ ràng, tóm lược như sau: Đức Phật Tì Lô Giá Na là thỉ tổ, đức Kim Cang Tát Đỏa là tổ thứ nhì, Bồ-tát Long Mãnh là tổ thứ ba, Long Trí là tổ thứ tư. Ngài Long Trí truyền cho hai vị đệ tử: Thiện Vô Úy thuộc Thai-tạng-giới, Kim Cang Trí thuộc Kim-cang-giới, đều sánh hàng tổ thứ năm; hai vị này cũng từng đến Trung-quốc. Ngài Thiện Vô Úy truyền cho Nhất Hạnh, chưa từng khai tông lập giáo. Ngài Kim Cang Trí thì hoằng dương Mật giáo vô cùng rộng lớn, trở thành vị sơ tổ của Mật tông Trung-quốc; ngài Bất Không thừa kế làm nhị tổ. Môn hạ của ngài Bất Không có 8 vị a xà lê, trong đó ngài Huệ Quả a xà lê truyền pháp cho Hoằng Pháp đại sư, là vị tổ của tông Chân Ngôn Nhật-bản. Đó là sơ lược hệ thống truyền thừa của Mật tông.
7. Mật pháp thì không có vấn đề gì, mà vấn đề là ở nơi người hành pháp vậy. Làm sao biết là Mật pháp không có vấn đề? Vào buổi đầu, khi ba vị Đại-sĩ thời Khai-nguyên đem pháp này truyền đến Trung-quốc, gặp đúng vào thời đại cực thịnh của Hiển giáo, nếu không linh nghiệm thì làm sao được các nhân sĩ từ trong triều đình ra đến ngoài dân gian tiếp nhận, để rồi ở trong rừng lí biển nghĩa mà mở ra được cho mình một chỗ ngồi vững vàng? Vì sao mà biết vấn đề là ở nơi người hành pháp? Tôi thường thấy ở bên đường có nhiều người bày sạp bói quẻ, ai cũng tự cho mình là được chân truyền từ Phục Hi, Văn Vương; nhưng nghe lời đoán thì toàn là kiểu nói năng tùy tiện, chẳng có chút công hiệu gì. Phục Hi, Văn Vương mở sáng Dịch lí nhằm dạy thiên hạ đời sau tránh điều hung dữ mà tìm đến điều tốt lành; Khổng Tử đọc kinh Dịch, đọc đi đọc lại đến ba lần, đọc kinh Thơ cũng đến ba lần, thế mà đến cuối đời vẫn còn muốn học kinh Dịch để mong tránh được lỗi lớn. Trong sách Trung Dung cũng có câu: “Có thể biết trước bằng bói toán.” Như thế có thể biết, môn bói toán thật là môn học của thánh nhân; người xưa thường dựa vào đó mà quyết định các việc lớn của quốc gia, tại sao cho là không hiệu nghiệm? Sở dĩ ngày nay không có hiệu nghiệm là tại vì những người bày sạp coi bói, không phải nằm trong dòng thánh. Nhân nơi các sạp coi bói này, tôi hiểu được tình hình Mật pháp, cho nên biết vấn đề là ở nơi người hành pháp vậy.
8. Ứng thân của chư Phật, vì hạnh nguyện không giống nhau mà danh hiệu khác biệt, cho nên có sự phân biệt Thích Ca với Đại Nhật. Nhưng nếu đứng về mặt pháp thân mà nói thì hoàn toàn không danh không tướng; ví như áng sáng của ngàn ngọn đèn dung hợp thành một mảnh sáng, tức là nhau, ở trong nhau, không có cách gì để phân biệt ánh sáng ngọn đèn này với ánh sáng ngọn đèn kia. Như thế thì nói “Thích Ca tức là Đại Nhật”, có gì mà không được! Nói tóm lại, thân Phật không thể nghĩ bàn, không phải là cảnh giới của phàm phu; nếu đem cái trí phân biệt mà suy nghĩ, lượng định, thì chẳng khác nào đem cái hiểu biết về con chim cút mà luận bàn về chim đại bàng, hay con ếch ngồi ở đáy giếng mà đo biển cả, làm sao mà đạt đến được!
CHÚ THÍCH (của người dịch)
1) Biệt giải thoát luật nghi vô biểu sắc: Y thuận giới luật thọ giới tác pháp, có được giới thể, phát động thiện tánh nơi thân miệng, gọi là “luật nghi vô biểu sắc”; giữ giới luật không còn gây lỗi lầm, thoát khỏi ác nghiệp, được thanh tịnh, gọi là “giải thoát”; vì có 8 loại luật nghi vô biểu sắc khác nhau, cho nên nói là “biệt”: 1) Tì kheo luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp tì kheo mà thọ giới cụ túc, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 2) Tì kheo ni luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp tì kheo ni mà thọ giới cụ túc, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 3) Chánh học luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp thức xoa ma na mà thọ 6 pháp, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 4) Cần sách nam luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp sa di mà thọ 10 giới, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 5) Cần sách nữ luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp sa di ni mà thọ 10 giới, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 6) Cận sự nam luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp ưu bà tắc mà thọ 5 giới, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 7) Cận sự nữ luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp ưu bà di mà thọ 5 giới, phát ra luật nghi vô biểu sắc. 8) Cận trụ luật nghi vô biểu sắc: tức là y theo giới pháp quan trai của ưu bà tắc và ưu bà di mà thọ 8 giới, phát ra luật nghi vô biểu sắc.
2) Đại bạch tán cái: Trong kinh Lăng Nghiêm (quyển 7, bản Hán dịch của pháp sư Bát Lạt Mật Đế, đời Đường) đức Phật dạy tôn giả A Nan: “Nếu người có tập khí từ đời trước mà không thể diệt trừ, thầy nên dạy người đó nhất tâm tụng thần chú vô thượng của Như Lai, tên là ‘Phật Đảnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra’……” Thần chú “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra” được dịch ra Hán ngữ là “Đại Bạch Tán Cái”, đó tức là thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Chữ “đại” nghĩa là lớn, biểu thị cho cái thể của Như lai tạng tâm (cũng tức là bản tánh chân như), dứt tuyệt mọi đối đãi; chữ “bạch” nghĩa là trắng, biểu thị cho cái tướng của Như lai tạng tâm, xa lìa mọi nhiễm ô, hoàn toàn thanh tịnh giải thoát; chữ “tán cái” nghĩa là lọng che, biểu thị cho cái dụng của Như lai tạng tâm, sức từ bi phủ trùm tất cả mình và chúng sinh.