GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 24
QUÁ TRÌNH PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN ở TRUNG QUỐC (phần 3)

Đến thời Khai-nguyên1(1), các kinh điển thuộc về Hiển giáo hầu như đã được dịch hết. Những kinh điển được dịch từ sau đó đều liên quan đến Mật thừa. Đó là thời kì cực thịnh của Mật giáo2, dịch sư do những vị a-xà-lê3(2) kiêm nhiệm; cũng có vị chỉ chuyên phiên dịch Phạn bản mà không khai đàn quán đảnh4(3), trong đó có 4 vị, đều là những dịch sư kiệt xuất của Mật giáo.

Ngài Thiện Vô Úy5(4) đến Trường-an(5) vào năm thứ 4 niên hiệu Khai-nguyên. Vì dung mạo của ngài trông giống với vị chân tăng trong giấc mộng của vua Đường Huyền-tông, nên ngài rất được nhà vua kính trọng. Vua ban sắc cho ngài ở tại viện Bồ-đề để dịch kinh. Dịch phẩm của ngài phần nhiều là kinh điển thuộc Chân Ngôn tông6(6), như Hư Không Tạng Cầu Văn Trì Pháp7, Đại Nhật Kinh(7) Tam Thiên Yếu Tụng8, Đại Nhật Kinh Quảng Đại Nghi Quĩ, v.v… Ngài viên tịch tại Trường-an vào năm thứ 23 niên hiệu Khai-nguyên, thế thọ 99 tuổi.

Ngài Kim Cương Trí9(8) đến kinh đô năm thứ ba niên hiệu Khai-nguyên, kiến lập đạo tràng quán đảnh, đã nhiều lần tác pháp(9) trong cung điện, lần nào cũng linh nghiệm. Năm thứ 11 niên hiệu Khai-nguyên ngài bắt đầu dịch kinh, chưa đến 10 năm, đã dịch được 10 loại gồm kinh điển và nghi quĩ(10) của Mật giáo. Năm thứ 29 niên hiệu Khai-nguyên ngài viên tịch, thế thọ 71 tuổi. Kế đó, đệ tử của ngài là Bất Không10(11), nguyên là người nước Sư-tử(12) ở Nam-Ấn, đã theo thầy cùng đến Trung-quốc. Năm thứ 12 niên hiệu Khai-nguyên, ngài thọ giới cụ túc ở chùa Quảng-phúc, rồi phụ giúp thầy phiên dịch kinh giáo, được thầy truyền cho pháp axà-lê và phú chúc cho hết các kinh điển thuộc Mật thừa(13). Sau khi bổn sư viên tịch, ngài trở về Tây, sưu tập rất nhiều nguyên bản Phạn văn, rồi trở lại Trungquốc, vâng chiếu chỉ của vua mà tùng sự dịch kinh. Từ niên hiệu Thiên-bảo11(14) cho đến niên hiệu Đại-lịch12(15), trước sau ngài đã dịch được 110 bộ, gồm 143 quyển. Tháng 6 năm thứ 9 niên hiệu Đại-lịch ngài viên tịch, thế thọ 70 tuổi.

Ngài Tam Tạng Bát Nhã13(16) cũng học Mật giáo, sau khi đến Trung-quốc, vào năm thứ 4 niên hiệu Trinh-nguyên14(17) đã dịch bộ Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, gồm 10 quyển, và bộ Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh. Ngài cũng dịch bộ Hoa Nghiêm Kinh gồm 40 quyển, mà phẩm “Phổ Hiền Hạnh

Nguyện” ở quyển cuối của bản dịch này đã chưa có trong hai bản dịch trước15; đến đây mới là đầy đủ(18), cho nên công đức của ngài thật lớn lao.

Thời nhà Đường, từ sau niên hiệu Trinh- nguyên, không có bộ kinh nào được phiên dịch. Sau đó nữa, trải qua hai lần phá hoại của Vũ- tông(19) và Chu Thếtông16(20), Phật giáo như chỉ còn hơi thở. Đến khi nhà Tống(21) dựng nghiệp, vì thấy được sự quan hệ lớn lao giữa Phật pháp và vận nước, nên cả hai vua Thái-tổ và Thái-tông(22) đều cực lực đề cao Phật giáo; một mặt cho sưu tập các kinh đã dịch từ trước, một mặt thúc đẩy việc phiên dịch các kinh mới. Năm thứ 7 niên hiệu Thái-bình-hưng-quốc17(23), nhà vua ban chiếu kiến lập viện Dịch-kinh-truyền-pháp ở Đông-kinh18, mời các vị Phạn tăng chia nhau phiên dịch kinh điển, mà ba vị có thành tích đáng kể nhất là: một, Thi Hộ19(24) đã dịch được 111 bộ, gồm 236 quyển; hai, Pháp Thiên20(25) dịch được 118 bộ, gồm 167 quyển; ba, Thiên Tức Tai21(26) dịch được 19 bộ, gồm 59 quyển. Dưới triều vua Chân-tông(27) lại có ngài Pháp Hộ22(28) dịch được 14 bộ, gồm 170 quyển; phần nhiều trong số đó có liên quan đến Mật thừa.

Vua Tống Huy-tông(29) cũng bài Phật; vua Cao-tông(30), khi dời xuống phương Nam thì lại không rảnh rỗi để quan tâm đến Phật giáo. Khi vua Nguyên Thế-tổ(31) thống nhất Trung-quốc, tuy có quan tâm hơn đối với Phật giáo, nhưng lại thiên trọng về Lạt-ma giáo(32) của Tây-tạng. Vị đại sư Tây-tạng là Phát Tư Ba(33) được tôn làm thầy của vua, đã dịch hai loại giới luật của Nhất Thiết Hữu bộ, mỗi loại 1 quyển; vị đệ tử của ngài là Sa La Ba(34) thì dịch vài cuốn thuộc về Mật điển, nhưng chỉ là các cuốn sách nhỏ, không giá trị.

Trong hai triều đại Minh(35) và Thanh(36) đều không có dịch kinh; hoặc nếu có thì cũng chỉ được cất giữ ở nội phủ, không ai biết.

Hiện tại, chúng ta đang đối diện với ba vấn đề trọng yếu liên quan đến công việc dịch thuật, cần phải tập trung đông đảo chư vị cao tăng đại đức mới làm được:

1) Các kinh luận hiện đang được cất giữ ở các nơi như Tây-tạng, Nhật-bản, mà ở Trung-quốc không có, nên được phiên dịch ra Trung văn để bổ sung vào Đại Tạng.

2) Đem Đại Tạng dịch ra văn ngữ-thể(37) nhằm thích ứng với nhu yếu của (người Trung-hoa) thời đại, để khỏi phải trở thành những vật phẩm chỉ để trưng bày, rồi một ngày nào đó sẽ bị tiêu hoại.

3) Đem Đại Tạng Trung văn dịch ra ngôn ngữ các nước Anh, Pháp, v.v… để truyền bá Phật pháp ra các nước, khiến cho Phật pháp được giáo hóa trên toàn thế giới.

 

CHÚ THÍCH

1. Khai-nguyên là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông.

2. Giáo pháp hai bộ Kim và Thai do đức Đại Nhật Như Lai nói, đó là cảnh giới nội chứng của Phật pháp thân, sâu kín ảo diệu, đối lập với hiển giáo, gọi là mật giáo. Lại nữa, loại giáo pháp không được hiển thị cho người chưa thọ lễ quán đảnh, cũng gọi là mật giáo. (Xin xem lại chú thích số 26, bài 23 ở trước.)

3. A-xà-lê dịch là giáo thọ, hoặc quĩ phạm chánh hạnh, hoặc duyệt chúng. Luật Tứ Phần nói rõ có 5 loại a-xà-lê, là: xuất gia, thọ giới, giáo thọ, thọ kinh, và y chỉ; nhưng ở đây thì chỉ cho chân-ngôn a-xà-lê, tức là vị pháp sư của Mật tông giữ nhiệm vụ trao truyền bí pháp hay tác pháp quán đảnh.

4. Mật giáo có phép quán đảnh. Quán nghĩa là đại bi hộ niệm, đảnh nghĩa là quả Phật tối thượng; ý nói, chư Phật dùng nước đại bi rưới trên đầu, khiến cho công đức viên mãn. Có rất nhiều cách thức quán đảnh khác nhau.

5. Thiện Vô Úy, tiếng Phạn là Thâu-ba-ca-la, người Trung Ấn, vốn là hậu duệ của Cam Lộ Phạn vương (tức chú út của đức Thích Ca). Năm 13 tuổi ngài nối ngôi làm vua nước Ô-trà, về sau đã nhường ngôi cho anh để đi xuất gia. Có lần đang ngồi trên thuyền thì bị ăn trộm, ngài liền âm thầm niệm thần chú, cảm ứng được đức Bồ-tát Chuẩn Đề hiện thân, bọn trộm đều hối lỗi xin qui y. Biết rằng việc trì chú có hiệu nghiệm, ngài bèn chú tâm nghiên cứu. Về sau gặp được Bồ-tát Long Trí, được truyền pháp và trở thành một vị a-xà-lê của tông Chân Ngôn. Từ đó, sự thần nghiệm ở nơi ngài càng lớn.

6. Kinh điển mà Mật tông y cứ đã không do đức Thích Tôn nói, mà do đức Đại Nhật Như Lai trao truyền; giáo pháp do đức Thích Ca nói đều là phương tiện, chỉ có loại giáo pháp đó mới là chân thật, vì vậy mà Mật tông cũng gọi là Chân Ngôn tông.

7. Nguyên tên của bộ kinh này là “Hư Không Tạng Bồ Tát Năng Mãn Sở Nguyện Tối Thắng Tâm Đà La Ni Cầu Văn Trì Pháp”. Cầu văn trì là ý nói, cầu được nghe pháp và ghi nhớ hành trì không quên mất; đó là phép niệm đức Bồ-tát Hư Không Tạng để cầu được thành tựu sức ghi nhớ.

8. Kinh Đại Nhật nguyên gồm 10 vạn kệ tụng, trong đó, ngài Thiện Vô Úy đã dịch 3.000 kệ tụng tinh yếu nhất, và đệ tử của ngài là Nhất Hành ghi chép ra, tất cả gồm 7 quyển.

9. Kim Cương Trí, người nước Quang-minh ở Nam Ấn-độ. Ngài xuất gia từ tuổi nhỏ, sau đó thọ giới cụ túc. Ngài theo học tại chùa Na-lan-đà ở Trung-Ấn, thông suốt Ba Tạng, gồm cả tiểu và đại thừa. Năm 31 tuổi, ngài kính lễ Bồ-tát Long Trí làm thầy, trải qua 7 năm, không có loại kinh giáo nào của Mật tông mà ngài không thông suốt. Trong một buổi tác pháp, ngài cảm nhận được sự hiện thân của Bồ-tát Quán Tự Tại để chứng giám cho sở học của ngài được thành tựu, và bảo ngài nên sang Đông-độ truyền bá Mật thừa. Ngài bèn theo đường biển đến Trung-hoa truyền pháp.

10. Bất Không nguyên tên là Tri Tạng, giỏi cả Mật và Hiển giáo. Ngài thường nêu lên các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, v.v… và những nghĩa lí cao siêu của Hiển giáo, rồi dùng giáo pháp Mật giáo chứng minh cho những diệu cảnh ấy, làm cho Hiển, Mật dung hợp thành một nhà. Ngài hành đạo trải ba triều vua, đều được tôn làm thầy của vua, quan dân thọ phép quán đảnh với ngài đông vô số.

11. Thiên-bảo là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông.

12. Đại-lịch là niên hiệu của vua Đường Đại-tông.

13. Bát Nhã nghĩa là trí tuệ. Ngài là người nước Kế-tân ở Bắc Ấn-độ. Sau khi xuất gia, ngài đã học ở chùa Na-lan-đà 18 năm; sau đó mới phát nguyện sang Trung-quốc.

14. Trinh-nguyên là niên hiệu của vua Đường Đức-tông.

15. Ở đây là chỉ cho hai bộ Lục Thập và Bát Thập Hoa Nghiêm.

16. Vua Thế-tông nhà Hậu-Chu ở thời Ngũ-đại họ Sài tên Vinh, bình sinh tôn Nho bài Phật, phá hủy hết chùa chiền trong nước, đem nấu tất cả tượng Phật bằng đồng để đúc tiền. Vua tại vị 6 năm thì chết.

17. Thái-bình-hưng-quốc là niên hiệu của vua Tống Thái-tông.

18. Đông-kinh tức kinh đô của nhà Triệu-Tống, cũng gọi là Biện-kinh, tức là phủ Khai-phong, tỉnh Hànam.

19. Ngài Thi Hộ là người Vu-điền, được vua ban hiệu là Hiển Giáo đại sư.

20. Ngài Pháp Thiên, sau đổi tên là Pháp Hiền, người Trung-Ấn, được vua ban hiệu là Truyền Giáo đại sư.

21. Ngài Thiên Tức Tai là người nước Kế-tân, được vua ban hiệu là Minh Giáo đại sư.

22. Ngài Pháp Hộ là người nước Ma-kiệt-đà ở Trung-Ấn, được vua ban hiệu là Truyền Phạn đại sư.

 

PHỤ CHÚ

1. Khai-nguyên: nghĩa là mở đầu; năm mới; ở đây, đó là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông (712756). Niên hiệu này kéo dài 29 năm (713-741). Ngoài ra, vua Huyền-tông còn có hai niên hiệu khác nữa: trước Khai-nguyên là Tiên-thiên, kéo dài 2 năm (712-713); và sau Khai-nguyên là Thiên-bảo, kéo dài 15 năm (742-756). Năm đầu tiên của một niên hiệu được gọi là nguyên niên (năm thứ nhất); vậy, nếu nói năm thứ 4 niên hiệu Khai-nguyên chẳng hạn, đó là nhằm năm 716 TL.

2. A-xà-lê (acarya): dịch ý là bậc thầy mô phạm, thầy chánh hạnh, thầy giáo thọ, tự mình làm khuôn mẫu cho đệ tử, và dạy dỗ, hướng dẫn đệ tử trở thành những người có hành vi đoan chính. Như vậy, từ thích hợp nhất để dịch chữ a-xà-lê là “đạo sư”.

Vào thời cổ Ấn-độ, từ a-xà-lê vốn được dùng trong Bà-la-môn giáo, để chỉ cho vị thầy chuyên dạy đệ tử những nghi thức, qui tắc liên quan đến việc cúng tế theo truyền thống Phệ-đà. Sau đó, danh từ này cũng được Phật giáo sử dụng, và đã rất phổ biến ngay từ thời Phật còn tại thế. Theo Luật tạng, a-xà-lê gồm có 5 loại:

1- Xuất gia a-xà-lê: Một người Phật tử được chính thức chấp nhận cho xuất gia, trước hết là phải thọ 10 giới sa di. Vị thầy trao truyền 10 giới trong lễ thọ giới đó, được gọi là “Xuất gia A-xà-lê”, hay “Thọ giới A-xà-lê”.

2- Thọ giới a-xà-lê: Khi đủ các điều kiện qui định, vị sa di được phép thọ cụ túc giới để trở thành một vị tì kheo. Vị thầy trao truyền giới cụ túc trong lễ thọ giới đó, được gọi là “Thọ giới A-xà-lê”, hay “Yết-ma A-xà-lê”.

3- Giáo thọ a-xà-lê: Trong lễ thọ giới cụ túc, vị thầy trao truyền các phép oai nghi cho giới tử, được gọi là “Giáo thọ A-xà-lê”, hay “Oai nghi A-xà-lê”.

4- Thọ kinh a-xà-lê: Vị thầy dạy cho cách thức đọc tụng cũng như nghĩa lí của kinh điển, gọi là “Thọ kinh A-xà-lê”.

5- Y chỉ a-xà-lê: Vị cao tăng thường ở chung với chúng tì kheo để thường xuyên chỉ bảo, nhắc nhở cho tăng chúng trong mọi hành vi cử chỉ, những lúc đi đứng ngồi nằm v.v…, gọi là “Y chỉ A-xà-lê”. Lại nữa, vị cao tăng được một vị tì kheo xin nương theo để tu học, dù chỉ một ngày đêm, cũng được gọi là “Y chỉ A-xà-lê”.

Ngoài 5 loại a-xà-lê như trên, có chỗ còn thêm một loại nữa, đó là vị thầy xuống tóc cho người Phật tử trong lễ xuất gia, được gọi là “Thế phát A-xà-lê”; thành ra có 6 loại a-xà-lê.

Trong Mật giáo, từ “a-xà-lê” được dùng để chỉ cho vị pháp sư đã thông đạt về mạn-đà-la cùng tất cả Chư Tôn, chân ngôn, thủ ấn, truyền pháp quán đảnh, v.v… thuộc về Mật giáo. A-xà-lê chính là vị “đạo sư” đầy đủ khả năng và đạo hạnh để truyền thọ cho người tín đồ Mật giáo những phương pháp tu tập thích hợp và hữu hiệu thực sự để tiến đến giải thoát, không phải bằng sách vở mà bằng sự hướng dẫn riêng biệt, trực tiếp. Không có sự truyền thọ của vị a-xà-lê thì không thể trở thành tín đồ Mật giáo; bởi vậy, vị a-xà-lê luôn luôn được tín đồ phục tùng tuyệt đối, coi như Phật, vì chỉ có vị đó mới có thể diễn dịch được những bí yếu, những huyền nghĩa đích thực của giáo lí. Trong ý nghĩa đó, những vị a-xà-lê trong Mật giáo có lúc cũng được người ta xưng là thượng sư, hoặc kim cương thượng sư, hoặc đại a-xà-lê.

Theo kinh Đại Nhật, một vị a-xà-lê Mật giáo phải gồm đủ 13 đức tính: 1) phát tâm bồ đề; 2) đầy đủ trí tuệ và từ bi; 3) thống hợp được mọi người; 4) tu tập có hiệu quả về trí tuệ bát nhã; 5) thông đạt cả ba thừa; 6) hiểu rõ ý nghĩa chân thật của chân ngôn; 7) biết rõ tâm tính của mọi người; 8) tin tưởng vững chắc vào chư Phật và Bồ-tát; 9) được truyền thọ phép quán đảnh và thông hiểu đồ hình mạn-đà-la; 10) điều phục tính tình cho thật nhu thuận, diệt bỏ ngã chấp; 11) đối với chân ngôn, hành thiện, tự mình có quyết định (tức là có khả năng và quyền lực tuyệt đối trong mọi Phật sự thuộc Mật giáo); 12) nghiên cứu và thực tập Du Già; 13) luôn luôn an trú trong tâm bồ đề mạnh mẽ. Người tín đồ được phụng sự một vị axà-lê như vậy thì sẽ có được phúc báo rất lớn; cho nên vị a-xà-lê đó cũng được gọi là “a-xà-lê điền” (ruộng phước a-xà-lê – một trong 8 loại phước điền).

3. Quán đảnh: “Quán đảnh” nghĩa là dùng nước rưới trên đầu; đó là một nghi lễ được tổ chức trang trọng để thăng tiến một người (đã được chọn lựa) lên một địa vị nhất định; hay nói chính xác hơn, quán đảnh là lễ “rưới nước”, một nghi thức quan trọng của Mật giáo, trong đó, một vị a-xà-lê sẽ “truyền thọ” cho một Phật tử để người này trở thành một tín đồ chính thức của Mật giáo. Thật ra, lễ quán đảnh đã từng được dùng ở triều đình các vua chúa Ấn-độ thời cổ, tiếng Phạn gọi là “abhisekha”. Nghi thức này là phần quan trọng nhất trong lễ đăng quang của vua và lễ lập thái tử. Khi cử hành nghi thức này, một vị đạo sĩ Bà-la-môn danh tiếng, đạo cao đức trọng – thường là vị quốc sư của triều đình – sẽ dùng nước lấy từ bốn biển, rưới lên đầu vua hay thái tử để chúc phúc; đối với vua thì có ý nghĩa rằng, kể từ lúc ấy, ông đã được công nhận là vị chúa tể của cả thần dân; đối với vị thái tử thì có ý nghĩa rằng, kể từ lúc ấy, ông đã được công nhận là người thừa kế chính thức để sẽ trở thành vị chúa tể của thần dân. Tương tự như thế, trong Mật giáo, người tín đồ khi thọ nhận lễ quán đảnh, cũng được thừa nhận sẽ trở thành một vị chủ tể của một thế giới tâm linh, tức là một đức Phật. Trong lễ quán đảnh này, vị a-xà-lê dùng nước từ năm bình (tượng trưng cho năm trí của Phật) rưới lên đầu của đệ tử, biểu thị ý nghĩa rằng, đó là người thừa kế địa vị Phật-đà.

Do vì có nhiều nghi thức khác nhau với ý nghĩa khác nhau mà lễ quán đảnh trong Mật giáo cũng có nhiều loại khác nhau; nhưng ba loại sau đây được xem là chủ yếu:

1- Kết duyên quán đảnh: tức lễ quán đảnh được tổ chức rộng rãi cho mọi người, nhằm kết mối duyên lành với Mật giáo, trước khi trở thành tín đồ chính thức. Trong lễ này, mỗi người tham dự (bất luận tăng tục hay căn cơ cao thấp) đều được bịt kín mặt bằng một mảnh lụa, cầm một bông hoa ném trên đồ hình mạn-đà-la. Bông hoa ấy rớt xuống trúng vào hình đức Phật hay Bồ-tát nào, tức là mình có duyên lành với đức Phật hay Bồ-tát ấy, và lấy đức Phật hay Bồ-tát ấy làm vị “Bổn Tôn” của mình. Lúc đó, vị a-xà-lê (tức thọ giới sư) xướng danh hiệu đức Phật hay Bồ-tát ấy, dùng nước trong bình rảy lên đầu ba lần, rồi truyền cho một loại “ấn quyết” và một câu thần chú để thọ trì.

2- Đệ tử quán đảnh: tức lễ quán đảnh chỉ được tổ chức cho người Phật tử đã trải qua lễ “kết duyên quán đảnh”, đã có vị “Bổn Tôn” của mình, và đã được truyền cho ấn, chú. Người Phật tử này (bất luận tăng tục), như vậy là đã có tâm thành muốn tu học theo Mật giáo, cho nên sau lễ quán đảnh này, người đó sẽ được vị a-xà-lê chính thức công nhận là đệ tử của Mật giáo, và được truyền dạy cho giáo pháp bí mật của Mật giáo. Chưa được công nhận là đệ tử chính thức mà học tập Mật giáo là phạm trọng tội – giống như tội nghe trộm chư tăng bố tát.

3- A-xà-lê quán đảnh: cũng gọi là truyền pháp quán đảnh, tức lễ quán đảnh được tổ chức để trao chức a-xà-lê cho một hành giả Mật giáo. Đây là lễ quán đảnh cao cấp nhất trong Mật giáo. Vị hành giả Mật giáo, sau một thời gian dài tu tập tinh cần Mật pháp, công đức cao dầy, trong lễ quán đảnh này, sẽ chính thức tiếp nhận địa vị a-xà-lê, tức được công nhận là người có đầy đủ tư cách của một vị đạo sư truyền pháp.

4. Thiện Vô Úy (Subhakara-simha, 637-735): là một trong những vị tổ sư của Mật giáo Trung-quốc, cùng với hai ngài Kim Cương Trí và Bất Không, được người đời xưng là “Khai-nguyên tam Đại-sĩ” (ba vị Bồ-tát thời Khai-nguyên). Ngài là người nước Ô-trà (Odra) ở Đông-Ấn (tác giả nói là Trung-Ấn), thuộc dòng Sát-đế-lị, vốn là hậu duệ của Cam Lộ Phạn vương (chú ruột của đức Thích Ca). Năm 13 tuổi ngài nối ngôi vua, nhân vì nội loạn, ngài đã nhường ngôi rồi đi xuất gia. Ngài đi về bờ biển phía Nam, gặp được ngài Thù Thắng Chiêu Đề, và ngộ được Pháp-hoa tam-muội. Sau đó ngài đi ngược lên Trung Ấn, đến chùa Na-lan-đà, cầu học với ngài Đạt Ma Cúc Đa (Dharmagupta), được trao truyền trọn vẹn pháp Tam-mật Du-già và thọ lễ a-xà-lê quán đảnh, trở thành vị đại học giả của Mật giáo. Năm 716, ngài vâng mệnh sư phụ rời Thiên-trúc, đi xuyên qua vùng Trung Á để đến Trường-an, được vua Đường Huyềntông dùng trọng lễ tôn làm quốc sư, mời ở chùa Hưng-phước, rồi chùa Tây-minh. Năm 717 ngài vâng chiếu dịch kinh tại chùa Bồ-đề, và đã dịch được quyển Hư Không Tạng Bồ Tát Năng Mãn Chư Nguyện Tối Thắng Tâm Đà La Ni Cầu Văn Trì Pháp. Và từ đó ngài dốc lòng chuyên việc dịch kinh.

Ngài là người đầu tiên đem Mật giáo truyền vào Trung-quốc; và cùng với ngài Kim Cương Trí, được coi là những người đã có công đặt định cơ sở cho Mật giáo Trung-quốc. Thánh điển căn bản của Mật giáo là kinh Đại Nhật (tức kinh Đại Tì Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì) là do ngài khẩu tụng, và đệ tử của ngài là ngài Nhất Hành (638-727) ghi chép làm thành. Ngoài ra, ngài đã dịch các bộ kinh quan trọng khác thuộc Mật giáo như Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh, Tô Tất Địa Yết La Kinh, v.v… Năm 735 ngài dâng biểu xin trở về nước, nhưng chưa được vua chuẩn hứa thì ngài viên tịch, thế thọ 99 tuổi. Vua Huyền-tông vô cùng thương tiếc, truy tặng là Hồng-lô khanh, an táng tại chùa Quảng-kỉ ở Long-môn. Phú pháp đệ tử của ngài có các vị: Nhất Hành, Huyền Siêu, Nghĩa Lâm, Trí Nghiêm, Hỉ Vô Úy, Bất Khả Tư Nghị (người Cao-li), Đạo Từ (người Nhật), v.v…

5. Trường-an: là một trong những cố đô nổi danh của Trung-quốc, nằm ở lưu vực sông Hoàng-hà thuộc tỉnh Thiểm-tây, tức là thành phố Tây-an ngày nay.

Trong khoảng hơn một ngàn năm từ nhà Hán tới nhà Đường (206 tr. TL – 907 s. TL), Trường-an đã từng là kinh đô của các triều đại Tây-Hán (206 tr. TL – 25 s. TL), Tiền-Triệu (304-329), Tiền-Tần (351394), Hậu-Tần (384-417), Tây-Ngụy (535-551), Bắc-Chu (559-581), Tùy (581-619) và Đường (618-960); dưới những triều đại khác thì nó cũng là một thành thị trọng yếu. Riêng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Trung-quốc, Trường-an cũng từng chiếm một địa vị cực kì quan trọng. Thời cổ đại, Trường-an là một đô thành của Trung-quốc nằm gần vùng Tây-vức nhất, cho nên nó đã nghiễm nhiên trở thành cửa ngõ thông thương giữa Trung-quốc và Tây-vức, đồng thời cũng là địa điểm giao lưu văn hóa giữa hai vùng; theo đó, Phật giáo từ Tây-vức cũng đã được truyền nhập vào Trung-quốc bằng cửa ngõ Trường-an này. Từ buổi đầu, các vị cao tăng ở Tây-vức cùng các nước phía Tây Bắc, đã mang kinh điển Phật giáo vào Trung-quốc, trước hết là đến địa điểm giao lưu văn hóa Trường-an, từ đây mới lưu bố, hoằng dương. Các cao tăng truyền giáo cũng tới dừng chân ở thành phố này trước nhất.

Trường-an từng là đạo tràng hoằng pháp và dịch kinh nổi tiếng của các bậc đại sư lừng danh như

Đạo An, Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Bất Không, v.v… Dưới hai triều đại Tùy và Đường, Trường-an cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng, từ đó mà các tông phái như Tam Luận, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Câu Xá, Luật, Mật, v.v… được lưu truyền rộng rãi về phương Nam. Ngài Thiện Đạo của tông Tịnh Độ, ngài Thần Tú của Thiền tông cũng lập đạo tràng hoằng pháp tại kinh thành này. Lại nữa, rất nhiều vị sư từ Nhật-bản, Triều-tiên cũng từng đến đây tu học, và sau khi trở về nước đã tích cực truyền bá Phật giáo, trở thành những vị tổ sư của nhiều môn phái nổi tiếng ở địa phương. Trường-an cũng là căn cứ địa của nhiều tự viện nổi tiếng: đạo tràng dịch kinh do triều đình bảo hộ như các chùa Đại Hưngthiện, Hoằng-phúc, Đại Tiến-phúc; chùa Nhật-nghiêm của ngài Cát Tạng; chùa Tây-minh của hai ngài Đạo Tuyên và Viên Trắc; chùa Đại Từ-ân của hai ngài Huyền Trang và Khuy Cơ; chùa Chí-tướng của ngài Đỗ Thuận; chùa Thái-nguyên của ngài Pháp Tạng; chùa Thanh-long của Mật tông; chùa Hóa-độ của Tam-giai giáo; v.v… Các hệ thống chùa công được kiến tạo ở mỗi châu quận như chùa Đại-vân, chùa

Trung-hưng, chùa Khai-nguyên, v.v… cũng lấy Trường-an làm trung tâm.

Từ đời Tống về sau, Trường-an không còn là trung tâm chính trị nữa; Phật giáo cũng đã lưu hành khắp mọi nơi, nhiều trung tâm Phật giáo mới dần dần xuất hiện, và Trường-an cũng dần dần mất đi cái địa vị “trung tâm Phật giáo” của Trung-quốc mà nó đã hãnh diện đảm nhận trải cả ngàn năm trước đó.

6. Chân Ngôn tông: ở đây là chỉ cho Mật tông ở Trung-quốc. Tông này, chủ yếu lấy kinh Kim Cương Đảnh làm Kinh tạng; lấy kinh Tô Bà Hô làm Luật tạng; và lấy luận Thích Ma Ha Diễn làm Luận tạng. Tông phái này nói rằng, giáo pháp do Hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy chỉ là những phương tiện cứu khổ, rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhận, gọi là “hiển giáo”; còn giáo pháp do Pháp thân Phật Thích Ca Mâu Ni (tức Đại Nhật Như Lai) giảng nói mới là giáo pháp chân thật, đó chính là kinh nghiệm nội chứng của Phật, cực kì bí áo thâm diệu, khó ai có thể hiểu thấu được; bởi vậy, giáo pháp ấy được gọi là “chân ngôn”, hay “mật giáo”. Trong khoảng niên hiệu Khai-nguyên (713-741) đời vua Đường Huyềntông, hai vị cao tăng đại học giả của Mật giáo Ấn-độ là Thiện Vô Úy và Kim Cương Trí trước sau đến kinh đô Trường-an, phiên dịch các kinh điển căn bản của Mật giáo, kiến lập đạo tràng quán đảnh, và Mật tông (tức Chân Ngôn tông) Trung-quốc được chính thức thành lập từ đó. Vì nguyên do này, Chân Ngôn tông Trung-quốc cũng được gọi là Khai Nguyên tông.

Chân Ngôn tông cũng là tên một tông phái của Phật giáo Nhật-bản, do đại sư Không Hải (tức Hoằng Pháp đại sư [774-835], năm 804 sang Trung-quốc tham học, năm 806 trở về nước) sáng lập vào năm 808.

7. Kinh Đại Nhật: cũng gọi là kinh Đại Tì Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì, là một bộ kinh căn bản của Mật giáo. Theo Mật giáo, kinh này (cùng với kinh Kim Cương Đảnh) do Pháp thân Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Đại Nhật Như Lai giảng nói tại cung Kim-cương pháp-giới. Vị thượng thủ của pháp hội là Bồ-tát Kim Cương Tát Đỏa đã lãnh thọ kinh này từ kim khẩu của Phật, rồi ghi chép lại thành kinh, cất giữ trong một ngôi tháp bằng sắt ở miền Nam Ấn-độ, đợi khi nào có người đầy đủ khả năng và đức độ mới trao truyền. Về sau có ngài Long Thọ xuất hiện ở miền Nam Ấn-độ; nhờ sức gia hộ của đức

Đại Nhật Như Lai, ngài đã mở được cánh cửa của ngôi tháp sắt, vào bên trong, đảnh lễ Bồ-tát Kim Cương Tát Đỏa, được thọ lễ quán đảnh và tiếp nhận hai bộ kinh (Đại Nhật và Kim Cương Đảnh), đem truyền bá ở đời. Đó là truyền thuyết được ngài Kim Cương Trí kể lại cho đệ tử là ngài Bất Không, và được ghi lại trong tập Phú Pháp Truyện của ngài Hoằng Pháp đại sư (774-835), sáng tổ của phái Đông Mật, Nhật-bản. Theo sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục, nguyên bản tiếng Phạn của kinh Đại Nhật gồm 10 vạn kệ tụng, là do đại sư Vô Hành (?-?, cùng thời với ngài Nghĩa Tịnh, đời Đường) sang Thiên-trúc du học mang về, được giữ kín ở chùa Hoa-nghiêm tại kinh thành Trường-an. Năm 724, ngài Thiện Vô Úy cùng thiền sư Nhất Hành đến chùa này, đã tuyển chọn 3.000 kệ tụng tinh yếu nhất của bộ kinh Đại Nhật bản tiếng Phạn kia, dịch ra Hán văn gồm 7 quyển, tổng cộng có 36 phẩm.

8. Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 671?-741, có thuyết nói là 663-723): là vị tổ phú pháp thứ 5 của Mật giáo Ấn-độ, và là sơ tổ (cùng với ngài Thiện Vô Úy) của Mật giáo Trung-quốc. Ngài vốn là con của một gia đình Bà-la-môn ở miền Nam Ấn-độ (có thuyết nói là một vị vương tử ở Trung Ấn-độ), nhưng khi lên 10 tuổi thì xuất gia theo đạo Phật, tu học tại Phật học viện Na-lan-đà. Năm 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc, học khắp các kinh luận đại, tiểu thừa, thông hiểu các môn Nhân Minh, Duy Thức, Trung Quán, Du Già, Luật,v… Năm 31 tuổi thì trở về miền Nam, theo ngài Long Trí tu học và nghiên cứu Mật giáo. Sau 7 năm, ngài thể nhận mọi yếu nghĩa của Mật giáo, được thọ lễ quán đảnh, rồi trở lên lại Trung-Ấn. Sau đó ngài sang Tích-lan, rồi theo tàu buôn đi đến Java (một hòn đảo của quần đảo Nam-dương). Tại đây ngài thu nhận một người đệ tử là Bất Không (người Tích-lan, lúc đó mới 14 tuổi). Tạm trú ở đây một thời gian rồi ngài lại xuống thuyền đi Trung-quốc, dẫn theo chú tiểu Bất Không. Đoàn thuyền đi có đến 30 chiếc, giữa đường bị sóng đánh tan nát, nhưng chỉ có chiếc thuyền của ngài là bình yên vô sự.

Ngài đến Quảng châu vào cuối năm 719, liền lập đạo tràng quán đảnh, hóa độ bốn chúng. Năm sau, 720, ngài đến Lạc-dương, rồi Trường-an, chuyên việc phiên dịch kinh điển Mật giáo và truyền thọ bí pháp quán đảnh. Dịch phẩm của ngài có Kim Cương Đảnh Kinh, Du Già Niệm Tụng Pháp, Quán Tự Tại Du Già Pháp, v.v… cả thảy 8 bộ, gồm 11 quyển (có thuyết nói là 25 bộ, 32 quyển). Cuối đời, ngài muốn trở về Ấn-độ, nhưng lại bị bệnh và viên tịch tại chùa Quảng-phúc ở Lạc-dương, năm 741, thế thọ 71 tuổi. Ngài, cùng với hai ngài Thiện Vô Úy và Bất Không, từng được người đương thời xưng là “Khai-nguyên tam đại sĩ” (ba vị Bồ-tát thời Khai-nguyên).

9. Tác pháp: là một thuật ngữ Phật học được dùng trong nếp sống tu hành hằng ngày của người xuất gia. Đó là những pháp tắc phải tuân thủ trong các hành vi đi, đứng, ngồi, nằm, học tập, ăn uống, thăm bệnh, v.v…; những cách thức qui định trong các nghi thức thọ giới, xả giới, bố tát, sám hối, kì nguyện, v.v… Riêng trong bài học này, từ tác pháp được tác giả dùng để nói về “tác pháp quán đảnh”, tức nghi thức “điểm đạo” trong truyền thống Mật giáo, bao gồm các cách thức như dẫn nhập (dẫn đệ tử vào đàn tràng), đầu hoa (ném hoa trên đồ hình mạn-đà-la), trao mão và gương soi, v.v…

10. Nghi quĩ: là những qui định về các cách thức hành trì dùng cho tứ chúng của Mật giáo, như phép tụng trì mật chú và ấn quyết để tiêu trừ nghiệp chướng; phương pháp quán tưởng đức Phật Bổn Tôn; phương pháp tạo đồ hình mạn-đà-la; nghi thức tác pháp quán đảnh; nghi thức sám hối; làm lễ cúng dường; v.v…

11. Bất Không (705-774): tức ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra), vị tổ phú pháp thứ 6 của Mật giáo. Ngài là người nước Sư-tử (Tích-lan), tư chất thông minh, thuở nhỏ đã theo chú đi đến các nước vùng biển Nam-hải. Năm 14 tuổi, lúc đó ngài đang ở tại Java (hòn đảo nơi đặt thủ đô Jakarta của Namdương ngày nay) thì gặp ngài Kim Cương Trí từ Tích-lan tới, liền kính mộ, xin xuất gia làm đệ tử, học tự mẫu tiếng Phạn và trì tụng kinh tiếng Phạn. Năm 720 ngài theo thầy đến Lạc-dương. (Có thuyết nói, ngài là con trong một gia đình Bà-la-môn ở Bắc Ấn-độ, mồ côi từ nhỏ, theo chú đến Thái-nguyên, sau đó xuất gia làm đệ tử ngài Kim Cương Trí.) Năm 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc tại chùa Quảng-phúc ở Lạc-dương. Ngài là người thông tuệ tột bực, trong 20 năm trời học đạo, vừa học với ngài Kim Cương Trí lại vừa học với ngài Thiện Vô Úy, ngài hoàn toàn nắm vững bí nghĩa Mật giáo. Sau khi ngài Kim Cương Trí viên tịch (năm 741), tuân di mệnh của thầy, ngài đã cùng với vài vị đệ tử như Hàm Quang, Tuệ Biện v.v… theo đường thủy trở về Tích-lan. Tại đây ngài được a-xà-lê Phổ Hiền (có thuyết nói là a-xà-lê Long Trí) truyền cho Chư Tôn mật ấn và các kinh luận Mật giáo hơn một trăm bộ. Sau đó ngài sang Ấn-độ, đi khắp các nơi để tham vấn các bậc đại học giả Mật giáo đương thời, cùng sưu tầm rất nhiều kinh điển Mật giáo. Năm 746 ngài trở lại kinh đô Trường-an với số kinh điển Mật giáo đồ sộ, rồi chuyên việc dịch kinh. Mấy lần lập đàn cầu mưa linh nghiệm, được vua Đường Huyền-tông kính trọng, ban hiệu là Trí Tạng, cùng ban cho áo cà sa tía, vô cùng vinh diệu.

Khi An Lộc Sơn (?-757) khởi loạn (năm 755), ngài trú tại chùa Đại Hưng-thiện trong kinh thành Trường-an, thường hành lễ tiêu trừ tai họa. Bấy giờ Trường-an đã mất vào tay giặc loạn, vua Huyền-tông (712-756) lánh ẩn tại Thành-đô (Tứ-xuyên), vua Túc-tông (756-762) lên ngôi tại Linh-vũ (xưa thuộc tỉnh Thiểm-tây, nay là khu tự trị Ninh-hạ của Hồi tộc). Tuy ngài ở trong vòng kiểm soát của giặc loạn, nhưng vẫn cho người bí mật đưa thư cho vua Túc-tông để khuyên nhủ vua trong mọi hành động hằng ngày; nhà vua cũng thường cho sứ giả liên lạc với ngài để cầu học Phật pháp. Năm 757 triều đình dẹp yên giặc loạn, vua Túc-tông trở về Trường-an, vẫn lấy lễ quốc sư đãi trọng ngài. Vua Đại-tông, sau khi lên ngôi (năm 762), đã đặc cách tiến chức cho ngài làm thí Hồng-lô khanh (quan khanh Hồng-lô không chính thức), gia hiệu cho ngài là Đại Quảng Trí tam tạng. Ngài liền mở đạo tràng Mật giáo ở Ngũ-đài sơn, Thái-nguyên, triển khai hoạt động truyền bá Mật giáo. Năm 771 ngài dâng biểu xin cho nhập vào Đại Tạng tất cả 77 bộ kinh (gồm 101 quyển) mà ngài đã dịch từ trước đến giờ.

Năm 774, biết giờ đã đến, ngài dâng biểu từ biệt vua, tặng vua năm bộ chày và linh kim cương (biểu tượng hành lễ của các tu sĩ Mật giáo), rồi viên tịch, thế thọ 70 tuổi. Vua truy tặng chức tư không, thụy hiệu là Đại Biện Chánh, xây tháp tại chùa Đại Hưng-thiện. Ngài cùng với ba ngài Cưu Ma La Thập, Chân Đế và Huyền Trang, từng được người đời xưng là bốn nhà dịch kinh lỗi lạc nhất. Ngài cũng cùng với hai ngài Thiện Vô Úy và Kim Cương Trí, được xưng là ba vị Bồ-tát thời Khai-nguyên.

12. Nước Sư-tử: tức nước Tích-lan, một đảo quốc ở Ấn-độ dương, cách bán đảo Ấn-độ khoảng 32 cây số về hướng Đông Nam, là một trong những căn cứ địa chủ yếu của Phật giáo Nam truyền Thượng Tọa bộ. Tích-lan, vốn tên tiếng Phạn là Simhala, dịch âm Hán Việt là Tăng-già-la, dịch ý là sư tử. Ngày xưa người Trung-quốc thường gọi đó là nước Sư-tử, cũng gọi là đảo Đồng-chưởng, hay đảo Lăng-già; người Âu-châu gọi là nước Ceylon (dịch âm Hán Việt là Tích-lan). Từ năm 1505 đến năm 1658, Tích-lan bị người Bồ-đào-nha đô hộ; rồi từ năm 1796 đến năm 1948, lại bị người Anh đô hộ. Tích-lan đã lấy lại nền độc lập vào năm 1948, và đến năm 1972 thì đổi tên thành Sri Lanka (dịch âm Hán Việt là Tư-lí-lan-ca).

13. Mật thừa: Theo kinh điển Mật giáo, Phật giáo gồm có ba thừa: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim-cương thừa. Với các đệ tử có trí tuệ thấp kém, Phật dạy cho giáo pháp Tiểu thừa; với các đệ tử có trí tuệ trung bình, thêm vào giáo pháp Tiểu thừa, Phật dạy cho giáo pháp Đại thừa; với các đệ tử có trí tuệ cao siêu, sau các giáo pháp Tiểu và Đại thừa, Phật còn dạy cho giáo pháp Kim-cương thừa. Bởi vậy, Kim-cương thừa mới là tối thượng thừa. Mật giáo cho rằng, trong khi giáo pháp Tiểu và Đại thừa chỉ là giáo pháp phương tiện, đã được đức Phật dùng loại ngôn ngữ thông thường để giảng dạy, dễ hiểu, dễ nhận, thì giáo pháp Kim-cương thừa là loại giáo pháp “bí mật”, thù thắng nhất, sâu xa nhất, không thể phát biểu bằng ngôn ngữ thông thường, mà được nói bằng chính ngôn ngữ chân thật (chân ngôn) của Phật; vì vậy, Kimcương thừa cũng được gọi là Mật thừa, hay Bí-mật thừa.

14. Thiên-bảo: là niên hiệu thứ ba mà cũng là niên hiệu cuối cùng của vua Đường Huyền-tông, kéo dài 15 năm (742-756). Hai niên hiệu trước đó của vua Huyền-tông là Tiên-thiên (712-713) và Khai-nguyên (713-741).

15. Đại-lịch: là niên hiệu thứ tư, và cũng là niên hiệu cuối cùng của vua Đường Đại-tông (762-779), kéo dài 14 năm (766-779). Ba niên hiệu trước đó là Bảo-ứng (762-763), Quảng-đức (763-764) và Vĩnh-thái (765-766).

16. Bát Nhã (Prajna, 734-?): Ngài là người nước Kế-tân ở phía Bắc Ấn-độ, 7 tuổi xuất gia, 20 tuổi thọ đại giới, 23 tuổi đến miền Trung-Ấn, vào học viện Na-lan-đà, theo học với ba vị đại luận sư thời bấy giờ là Trí Hộ, Tấn Hữu và Trí Hữu, thông hiểu các môn Du Già, Duy Thức, Ngũ Minh, v.v… Sau đó, ngài xuống thuyền chu du khắp các nước vùng biển Nam-hải. Năm 781 (đời vua Đường Đức-tông, 780-805) ngài đến Quảng-châu, rồi ra Trường-an; năm 788 khởi sự dịch kinh điển Mật giáo. Năm 790 ngài vâng chiếu đi sứ sang nước Ca-thấp-di-la. Sau đó không bao lâu, ngài được vua ban hiệu Bát Nhã tam tạng cùng áo cà sa tía; rồi lại tiếp tục công việc dịch kinh. Ngài viên tịch tại Lạc-dương, nhưng không rõ năm nào. Dịch phẩm của ngài gồm có: Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Tứ Thập Hoa Nghiêm, Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán Kinh, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh.

17. Trinh-nguyên: Trinh-nguyên là niên hiệu thứ ba và cũng là niên hiệu cuối cùng của vua Đường Đức-tông, kéo dài 21 năm (785-805); hai niên hiệu trước đó là: Kiến-trung (780-783) và Hưng-nguyên (784).

18. Kinh Hoa Nghiêm, tên đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Theo truyền thuyết, sau khi thành đạo, đức Thích Ca Mâu Ni đã ngồi yên tại cội bồ-đề trong 21 ngày, đầu tiên là chiêm nghiệm lại tất cả những gì Ngài đã vừa thực chứng; rồi tiếp đó, Ngài đã khai pháp hội đầu tiên, tuyên thuyết kinh Hoa Nghiêm, để nói những pháp môn nội chứng của chính Ngài, mà thính chúng toàn là các vị Đại Bồ-tát như Văn Thù, Phổ Hiền, v.v…; bởi vậy, người phàm phu thế gian lúc bấy giờ không thể trông thấy pháp hội này. Giáo pháp Hoa Nghiêm là loại pháp môn đốn giáo, vô cùng cao sâu mầu nhiệm, không phù hợp với căn cơ của chúng sinh đương thời, vì thế, cũng như các kinh điển cao diệu (đại thừa) khác, kinh Hoa Nghiêm đã không được phổ biến ở thế gian trong một thời gian dài. Mãi đến khoảng thế kỉ thứ nhất TL, kinh này mới được kết tập, và sang thế kỉ thứ 2 mới được Bồ-tát Long Thọ chính thức tuyên dương, trong phong trào hưng khởi và phát triển Phật giáo đại thừa.

Theo ngài Pháp Tạng viết trong quyển Hoa Nghiêm Kinh Truyện Kí, bộ kinh Hoa Nghiêm do ngài Long Thọ phát hiện được, gồm có 3 phần Thượng, Trung và Hạ. Hai phần Thượng và Trung thì số phẩm cũng như số kệ tụng quá lớn, sức người không thể nào thọ trì nổi, nên ngài Long Thọ đã không truyền bá. Ngài chỉ giới thiệu phần Hạ của bộ kinh này mà thôi, tức bản Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh gồm mười vạn kệ tụng. Bản kinh này, vào đầu thế kỉ thứ 5 bắt đầu được truyền sang Trung-quốc, trước sau có ba bản dịch:

1) Năm 392, đệ tử của ngài Tuệ Viễn ở Lô-sơn là Chi Pháp Lãnh, khởi hành sang Tây-vức cầu pháp. Khi sang đến nước Vu-điền, ngài tìm được bản Phạn văn của kinh Hoa Nghiêm gồm 36.000 kệ tụng. Năm 408 ngài về nước, đã mang theo bản kinh chữ Phạn ấy về; và đến năm 418 thì ngài Phật Đà Bạt Đà La, tại chùa Đạo-tràng ở kinh đô Kiến-khang của nhà Đông-Tấn, đã dịch kinh ấy ra Hán văn với tên Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, gồm 60 quyển. Đó là bản dịch kinh Hoa Nghiêm đầu tiên ở Trung-quốc, thường được gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm Kinh, cũng gọi là Cựu Hoa Nghiêm Kinh, hay Tấn Kinh.

2) Năm 695, ngài Thật Xoa Nan Đà, đáp ứng lời thỉnh cầu của nữ hoàng Võ Tắc Thiên, từ nước Vuđiền đã đến Thần-đô (Lạc-dương), mang theo bản chữ Phạn của bộ kinh Hoa Nghiêm đầy đủ hơn; rồi tại chùa Đại Biến-không, ngài đã cùng với hai ngài Nghĩa Tịnh, Bồ Đề Lưu Chí, dịch bản kinh ấy ra Hán văn, gồm 80 quyển. Đó là bản dịch kinh Hoa Nghiêm thứ hai tại Trung-quốc, thường được gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh, cũng gọi là Tân Hoa Nghiêm Kinh, hay Đường Kinh.

3) Năm 795, quốc vương nước Ô-trà ở miền Nam Ấn-độ, đã sai sứ thần mang một bản Phạn văn kinh

Hoa Nghiêm do chính nhà vua sao chép lại, đem sang Trung-quốc tặng cho vua Đường Đức-tông (780805). Sang năm 796, bản kinh này đã được ngài Tam Tạng Bát Nhã dịch ra Hán văn tại chùa Sùng-phúc ở Trường-an; đến năm 798 thì dịch xong, với tên đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, cũng gọi là Trinh Nguyên Kinh, gồm 40 phẩm, cho nên cũng gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh.

19. Vũ-tông: tức vua Vũ-tông (Lí Triền) nhà Đường, là một ông vua từng phá hoại Phật giáo. Ông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Hội-xương (841-846), nên kì pháp nạn này được gọi là cuộc “Pháp nạn Hội-xương”, là một trong bốn kì pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc, được các sử gia gọi là “tam Vũ nhất Tông”. Nguyên nhân của cuộc Pháp nạn Hội-xương này bắt nguồn từ mối liên quan giữa Đạo giáo và Phật giáo dưới triều đại nhà Đường. Nguyên vì, họ của các vua nhà Đường là họ Lí, cùng họ với vị khai tổ của Đạo giáo là Lão Tử, tức Lí Nhĩ; bởi vậy, các vua nhà Đường đã cho Lão Tử là tổ tiên của họ, và Đạo giáo đã chiếm được địa vị trọng yếu trong suốt vương triều Đường. Ngay từ đầu nhà Đường, khi vua Cao-tổ (618-626, là vị vua đầu tiên của vương triều này) vừa lên ngôi được 4 năm (năm 621), đạo sĩ Phó Dịch (lúc đó đang làm quan thái sử lệnh), với ý đồ tiêu diệt Phật giáo để bảo tồn Đạo giáo, đã dâng sớ gồm 11 điều tâu lên vua để bài xích Phật giáo, xin vua hạ lệnh tăng ni hoàn tục, giảm bớt việc xây dựng chùa tháp. Lúc ấy có đại sư Pháp Lâm (572-640) nhiệt tình bảo vệ Phật giáo, đã đem hết biện tài viết sách Phá Tà Luận, phản bác các điều vu cáo của đạo sĩ Phó Dịch, nêu rõ các tà thuyết hại dân của Đạo giáo, làm cho Phó Dịch không thể ứng đối được, nhà vua bèn không nghe theo lời Phó Dịch, sự công kích Phật giáo bị dập tắt ngay. Từ đó, Phật giáo lại càng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.

Nhưng từ khoảng trung diệp của nhà Đường trở về sau, trong nội bộ Phật giáo dần dần phát sinh nhiều tệ hại, giáo đoàn chứa giữ quá nhiều tài sản tư hữu, một số đông tăng ni chỉ lo khu danh trục lợi, làm tăng lòng căm ghét của các tín đồ ngoại đạo. Gặp lúc vua Đường Vũ-tông là một vị vua sùng tín Đạo giáo, là cơ hội thuận tiện để vùng lên, đạo sĩ Triệu Quang Châu bèn toa rập với tể tướng Lí Đức Dụ, tâu vua phá hoại Phật giáo. Nghe lời hai vị này, nhà vua đã thẳng tay đả phá Phật giáo. Vua Vũ-tông lên ngôi năm 841, ngay năm sau (842) liền hạ lệnh cho tất cả tăng ni trong nước, những ai phạm giới luật Phật chế đều phải hoàn tục, tất cả tài sản tư hữu đều bị tịch thu. Hai năm sau nữa (844), nhà vua lại ban lệnh nghiêm trọng hơn: Phải phá hủy hết tất cả những chùa nhỏ ở trong nước, và các tăng ni ở trong các chùa đó đều phải hoàn tục. Năm sau đó (845), nhà vua lại ban hành sắc lệnh gắt gao hơn: Trong hai kinh thành Trường-an và Lạc-dương, mỗi nơi chỉ giữ lại 4 ngôi chùa và 30 vị tăng ni ở mỗi chùa; ở các châu quận lớn, mỗi nơi chỉ giữ lại một ngôi chùa và 20 tăng ni; ở các châu vừa, mỗi nơi giữ lại một ngôi chùa và 10 tăng ni; ở các châu nhỏ, mỗi nơi giữ một ngôi chùa và 6 tăng ni. Tất cả những ngôi chùa khác đều bị phá hủy, hoặc làm các cơ sở công cộng dùng cho dân chúng; tất cả số tăng ni còn lại đều phải hoàn tục. Tất cả tượng Phật và chuông, khánh v.v… bằng đồng, đều bị đem nấu chảy để đúc tiền hoặc làm nông cụ.

Sang năm sau (846) thì vua Vũ-tông chết; vua Tuyên-tông (847-860) lên ngôi, lập tức hạ chiếu phục hưng Phật giáo. Trong 5 năm (842-846) bị triệt hạ đó, các tông phái Phật giáo bị tan rã, tản mác khắp nơi; kinh điển thất lạc, tiêu điều; Phật giáo bước vào thời vận suy thoái theo nhịp suy thoái của vương triều Đường.

20. Chu Thế-tông: tức vua Thế-tông (954-959) của nhà Hậu-Chu (951-960, đóng đô ở Biện-lương, cũng gọi là Đại-lương, tức nay là huyện Khai-phong, tỉnh Hà-nam) thuộc thời Ngũ-đại (907-960). Vua Thếtông tên là Sài Vinh, là con nuôi của vua Thái-tổ (951-954), một năm sau khi lên ngôi (năm 955), liền thi hành chính sách đàn áp Phật giáo. Ông đã hạ lệnh phá hủy tất cả các chùa viện không có danh tiếng trong nước, tổng cộng có đến 3.336 ngôi (có thuyết nói 30.336 ngôi). Tất cả tăng ni ở trong các chùa đó đều bị cưỡng bách hoàn tục. Tất cả tượng Phật, pháp khí bằng kim loại đều đem nấu để đúc tiền. Bấy giờ, trong một ngôi chùa ở Trấn-châu có một tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng đồng, rất linh thiêng, cho nên, dù có chiếu vua ban xuống, người địa phương không ai dám đụng tới. Nhà vua nghe tin, liền thân hành đến chùa đó, tự tay cầm búa đập tới tấp vào mặt vào ngực pho tượng, làm mọi người run sợ vô cùng. Năm 959, nhân đi chinh phạt miền Bắc, ở giữa đường, nhà vua bỗng nhiên bị một mụt nhọt ở ngực, đau đớn vô cùng, không ai cứu chữa được, chỉ một thời gian ngắn thì chết. Đây là kì pháp nạn thứ tư trong lịch sử Phật giáo Trung-quốc. Nguyên nhân đưa đến pháp nạn kì này đã không phải do óc kì thị tôn giáo, mà do nền tài chánh của triều đình bị kiệt quệ. Sau kì pháp nạn này, trên toàn nước Hậu-Chu chỉ còn lại 2.964 ngôi chùa danh tiếng, với 91.200 tăng ni.

21. Nhà Tống (960-1279): tức nhà Triệu-Tống, là vương triều thống nhất được kiến lập kế tiếp thời đại “Ngũ-đại Thập-quốc” (907-979), bởi Triệu Khuông Dẫn (927-976). Ông nguyên là một viên chiến tướng của triều đình Hậu-Chu (951-960), nhờ chiến công mà được thăng dần đến chức thống lãnh cấm quân điện tiền đô kiểm điểm, kiêm lãnh Tống-châu Qui-đức tiết độ sứ, dưới triều vua Chu Thế-tông (954-959). Năm 960, ông dẫn quân đi chinh phạt tộc Khiết-đan, nhưng vừa tới Trần-kiều thì ông gây cuộc binh biến, được toàn thể quân lính tôn xưng là hoàng đế. Ông lập tức quay trở về kinh đô, bắt ép vua Chu Cung-đế (959-960), bấy giờ mới có 7 tuổi, phải nhường ngôi cho ông. Thế là ông diệt nhà Hậu-Chu, xưng đế, kiến lập triều đại nhà Tống, vẫn đóng đô ở Khai-phong. Để phân biệt với nhà Lưu-Tống (420-479), người ta gọi đây là nhà Triệu-Tống. Thế là thời kì “Ngũ-đại” (907-960) đã chấm dứt ở phương Bắc, nhưng vẫn còn vài nước của thời kì “Thập-quốc” (908-979) ở phương Nam. Vì vậy, sau khi lập quốc, nhà Tống tiếp tục đánh chiếm các nước kia, chấm dứt thời kì phân liệt, thống nhất đất nước Trung-hoa.

Đến đời vua Huy-tông (1101-1125) thì triều đình nhà Tống đã quá suy yếu, thường bị rợ Kim uy hiếp. Năm 1126 Huy-tông truyền ngôi cho con, tức là vua Khâm-tông (1126-1127), thì cũng là lúc rợ Kim đã đánh tràn xuống đến Yên-kinh (tức Bắc-kinh ngày nay); sau đó thì vây hãm Biện-kinh (tức kinh đô Biệnlương), vua Khâm-tông phải cầu hòa và xin triều cống. Nhưng năm sau, 1127, rợ Kim lại đánh chiếm Biện-kinh, lập một vị đại thần là Trương Bang Xương làm Sở đế, rồi bắt vua Khâm-tông cùng thượng hoàng Huy-tông, thái tử, hậu phi, hoàng tộc v.v… cả thảy 3.000 người, đem về nước Kim; chấm dứt thời kì đầu của vương triều Triệu-Tống, mà sử thường gọi là nhà Bắc-Tống.

Khi rợ Kim đã bắt vua Khâm-tông và cả hoàng tộc Tống thất đem về nước Kim rồi, Trương Bang Xương tự biết không được mọi người kính phục và hợp tác, bèn cùng triều thần tôn thân vương Triệu Cấu (con trai thứ 9 của vua Huy-tông) lên ngôi hoàng đế tại Nam-kinh (nay là huyện Thương-khâu, tỉnh Hànam), tức là Tống Cao-tông (1127-1162); sau lại dời xuống đóng đô tại Lâm-an (nay là phố Hàng-châu, tỉnh Triết-giang), sử gọi là Nam-Tống. Đến năm 1276, quân Mông-cổ (lúc này đã diệt nước Kim) đánh phá kinh thành Lâm-an, bắt toàn bộ vua Tống Cung đế (1275-1276), hoàng thái hậu, tôn thất, quan lại v.v… đem về phương Bắc, triều thần phải chạy sang Phúc-kiến, lập em của Cung đế lên ngôi, tức vua Đoan-tông (1276-1278). Năm 1278, vua Đoan-tông chết tại Quảng-đông, em là Vệ vương (1278-1279) lên ngôi, được triều thần dời ra đảo Nhai-sơn ngoài biển Quảng-đông. Năm 1279, trong một trận hải chiến cuối cùng với quân Mông-cổ, vua Vệ vương đã cùng triều thần nhảy xuống biển tự tử; nhà NamTống bị diệt. Kể cả Bắc và Nam, vương triều Triệu-Tống truyền nối được 18 đời vua, kéo dài 320 năm.

22. Thái-tổ (960-976) và Thái-tông (976-997) ở đây là hai ông vua đầu của vương triều Triệu-Tống. Vua Thái-tổ là người khai sáng ra nhà Tống (xin xem phụ chú số 21 ở trên), có công thống nhất Trungquốc, nhưng chưa trọn vẹn. Vua Thái-tông là em của Thái-tổ, sau khi lên ngôi kế vị, liền tiếp tục công nghiệp của vua anh, đem quân bình định các nước còn sót lại của thời “Thập-quốc” như Ngô-Việt (908978) và Bắc-Hán (951-979); bấy giờ nước Trung-quốc mới được thống nhất, tuy vậy, miền Hà-bắc vẫn còn mất trong tay nước Kim. Cả hai ông vua này đều rất nhiệt tâm ủng hộ Phật giáo.

23. Thái-bình-hưng-quốc: là niên hiệu đầu tiên trong 5 niên hiệu của vua Tống Thái-tông, kéo dài 9 năm (976-984); năm thứ 7 niên hiệu Thái-bình-hưng-quốc tức là năm 982 TL. Bốn niên hiệu sau là: Unghi (984-987), Đoan-củng (988-989), Thuần-hóa (990-994), và Chí-đạo (995-997).

24. Thi Hộ (Danapala): là vị cao tăng dịch kinh ở đời Tống. Ngài người nước Ô-điền-nang (Udyana, Udnvanaka) ở phía Tây Bắc Ấn-độ (trong chú thích số 19 ở trên, tác giả đã nói nhầm là nước Vu-điền). Năm 980 (dưới triều vua Tống Thái-tông), ngài đã cùng với ngài Thiên Tức Tai (người nước Ca-thấp-dila ở phía Bắc Ấn-độ) đến Biện-kinh (tức phủ Khai-phong, kinh đô nhà Triệu-Tống), trú tại Dịch-kinh viện của chùa Thái-bình-hưng-quốc, chuyên việc dịch kinh. Ngài đã dịch được các bộ như Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, Cấp Cô Trưởng Giả Nữ Đắc Độ Nhân Duyên Kinh, Quảng Thích Bồ Đề Tâm Luận, Đại Thừa Nhị Thập Tụng Luận, Lục Thập Tụng Như Lí Luận, Thủ Hộ Đại Thiên Quốc Độ Kinh, Biến Chiếu Bát Nhã Ba La Mật Kinh,v… tất cả là 115 bộ, gồm 255 quyển. Người đời xưng ngài là Hiển Giáo đại sư. Không ai biết năm sinh và năm mất của ngài.

25. Pháp Thiên (Dharmadeva, ?-1001): Ngài người Trung Ấn-độ, xuất thân từ chùa Na-lan-đà ở nước Ma-kiệt-đà. Năm 973 (dưới triều vua Tống Thái-tổ) ngài đến Trung-quốc. Mới đầu ngài trú tại Lộc-châu (nay là huyện Thủy-tế, tỉnh Sơn-tây), dịch được bộ Thánh Vô Lượng Thọ Kinh và Thất Phật Tán. Đến năm 980, ngài được các quan viên địa phương dâng sớ tiến cử lên vua Tống Thái-tông. Vua mừng lắm, cho mời ngài về kinh đô. Nhân đó, nhà vua cho xây Dịch-kinh viện tại chùa Thái-bình-hưng-quốc. Năm 982, viện Dịch-kinh xây xong, nhà vua ban sắc mời ngài, cùng với hai ngài Thi Hộ và Thiên Tức Tai, đều vào cư trú tại Dịch-kinh viện để chuyên việc dịch kinh. Ngài đã dịch được bộ Đại Thừa Thánh Cát Tường Trì Thế Đà La Ni Kinh, được vua ban hiệu là Truyền Giáo đại sư. Năm 1001 (dưới triều vua Tống Chântông, 998-1022) ngài viên tịch, thụy hiệu là Huyền Giác đại sư. Từ năm 980 đến năm 1000, ngài đã dịch cả thảy 46 bộ kinh, gồm 71 quyển.

26. Thiên Tức Tai (?-1000): Ngài là người nước Ca-thấp-di-la ở phía Bắc Ấn-độ, nguyên cư trú tại chùa Mật-lâm, nước Xà-lan-đạt-la (Jalandhara), cũng phía Bắc Ấn-độ. Năm 980, ngài đã cùng với ngài Thi Hộ sang đến Biện-kinh, được vua Tống Thái-tông triệu kiến và tiếp đãi trọng vọng. Nhà vua liền cho xây viện Dịch-kinh ở mé Tây chùa Thái-bình-hưng-quốc, rồi ban sắc mời ngài cùng với hai ngài Pháp Thiên và Thi Hộ vào đây cư trú để chuyên việc dịch kinh. Ngài được vua ban hiệu là Minh Giáo đại sư. Trước sau ngài đã dịch được 22 bộ kinh, gồm 75 quyển. Ngài viên tịch năm 1000 (dưới triều vua Tống Chân-tông), thụy hiệu là Tuệ Biện. Có thuyết nói rằng, vào năm 987, ngài đã vâng chiếu vua (Thái-tông), đổi tên lại là Pháp Hiền.

27. Chân-tông (998-1022): là đời vua thứ ba của vương triều Triệu-Tống, thâm tín và ủng hộ Phật giáo nhiệt thành. Tổng số tăng ni dưới thời ông có đến gần nửa triệu người.

28. Pháp Hộ (Dharmapala, 963-1058): Ngài là người nước Ca-thấp-di-la ở Bắc Ấn-độ, họ Kiều-thi-ca, nguyên thuộc dòng Bà-la-môn. Thuở nhỏ học thông bốn kinh Phệ Đà cùng các kí luận. Về sau ngài xuống vùng Trung-Ấn xuất gia theo Phật giáo, theo học cả tiểu lẫn đại thừa với nhiều vị cao tăng. Năm 1004 ngài sang đến Biện-kinh, dâng tặng vua Tống Chân-tông xá lợi Phật cùng kinh bản chữ Phạn, được vua ban cho cà sa tía và mời tham gia công tác phiên dịch kinh điển; lại được vua ban hiệu là Truyền Phạn đại sư. Trước sau ngài đã dịch được 35 bộ kinh luận, gồm 270 quyển. Ngài viên tịch năm 1058 (dưới triều vua Tống Nhân-tông (1023-1063), thụy hiệu là Diễn Giáo tam tạng.

29. Tống Huy-tông (1101-1125): là đời vua thứ 8 của vương triều Bắc-Tống. Ông nối ngôi của vua anh là Triết-tông (1086-1100), và cả hai đều là con của vua Thần-tông (1068-1085). Huy-tông là người có óc nghệ thuật, viết chữ rất đẹp; nhưng lại ưa thích kẻ gian nịnh mà đố kị người trung lương. Nhà vua đã dùng nịnh thần Sái Kinh làm tể tướng, cho nên chính sự đại loạn. Sái Kinh lại tiến cử đạo sĩ Lâm Linh Tố, cùng nhau bày mưu kết đảng, đã đưa đến cuộc bài trừ Phật giáo vào niên hiệu Tuyên-hòa (11191125). Trước tiên, nhà vua đã đổi danh hiệu Phật bằng “Đại giác kim tiên”, đổi danh hiệu Bồ-tát bằng “Tiên nhân đại sĩ”, gọi tăng là “đức sĩ” và phải đổi y phục giống như các đạo sĩ; sau đó, các chùa lớn, các danh lam, tranh tượng, pháp khí, v.v… bị phá hủy gần như tận tuyệt. Theo sự nhận xét của các sử gia, tai họa của kì pháp nạn này còn trầm trọng hơn cả bốn kì pháp nạn “tam Võ nhất Tông” trước kia. Năm 1227 (lúc đó đã truyền ngôi cho Khâm-tông để làm thái thượng hoàng), ông đã bị quân Kim bắt (cùng với vua Khâm-tông) đem về đất Bắc; sau 9 năm làm tù binh, năm 1135 ông đã chết ở nước Kim.

30. Tống Cao-tông (1127-1162): là vị vua đã kiến lập nên vương triều Nam-Tống (1127-1279). Năm 1127, sau khi cả hai vua Huy-tông và Khâm-tông đều bị quân Kim bắt đem về nước Kim ở phương Bắc, thân vương Triệu Cấu, con thứ 9 của vua Huy-tông, bèn bỏ Biện-kinh và dời xuống Nam-kinh (nay là huyện Thương-khâu, tỉnh Hà-nam), được triều thần phò lên ngôi hoàng đế, tức là Tống Cao-tông; sử gọi đó là nhà Nam-Tống. Chẳng bao lâu, vì sợ quân Kim đánh bắt, vua Cao-tông lại chạy trốn xuống Dươngchâu (tỉnh Giang-tô). Năm 1129 quân Kim tiến đánh xuống Nam, vua Cao-tông lại trốn chạy, lưu lạc mấy nơi, rồi xuống tới Ôn-châu (Triết-giang). Tại đây, vì được các hiền thần, tướng giỏi như Hàn Thế Trung, Nhạc Phi, v.v… cương quyết phản công quân Kim, cộng với sự hưởng ứng của nhiều nghĩa quân ở cả hai miền Giang-bắc và Giang-nam, quân Kim phải rút lui về Bắc; do đó vua Cao-tông lại trở lên phương Bắc, đến năm 1132 thì tạm dừng chân ở Lâm-an (Hàng-châu, Triết-giang). Năm 1138, khi đã chủ quyết nghị hòa với quân Kim, Cao-tông bèn chính thức chọn Lâm-an để đặt kinh đô nhà Nam-Tống.

Từ đó ông tin dùng bọn gian thần Tần Cối (làm nội gián cho quân Kim), cho làm đến chức tể tướng, và sát hại các anh hùng quyết tâm cứu nước như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Hồ Thuyên v.v…, khiến cho thế nước ngày càng suy yếu, đến nỗi, vào năm 1141, triều đình nhà Tống phải kí hòa ước chịu xưng thần và triều cống nhà Kim; vua Cao-tông phải cắt đất dâng cho vua Kim để được phong chức là Khang vương! Để có đủ vàng bạc tiến cống cho vua Kim, ông đã bóc lột nhân dân vô cùng thảm khốc. Năm 1162 ông truyền ngôi cho người cháu bảy đời của vua Thái-tổ là Triệu Thận (tức Tống Hiếu-tông) để làm thái thượng hoàng, đến năm 1187 thì mất.

31. Nguyên Thế-tổ: tức vua Thế-tổ (1215-1294) nhà Nguyên (1271-1368). Ông tên là Hốt Tất Liệt, chủng tộc Mông-cổ, tiêu diệt nhà Nam-Tống, thống trị toàn bộ lục địa Trung-quốc. Tộc Mông-cổ tự xưng là giống người Thát-đát, gồm nhiều bộ lạc Mông-cổ, Hung-nô, Đột-quyết v.v…, sống du mục ở vùng đất bao la phía Bắc Trung-quốc. Từ thế kỉ thứ 12 họ lệ thuộc nước Kim (ở phía Đông Bắc Trung-quốc). Vì bị người Kim ức hiếp quá, vào đầu thế kỉ 13 họ vùng lên đánh lại nước Kim, tự xưng là nước Đại Mông-cổ (Mông-cổ hãn quốc). Năm 1206, một vị tù trưởng của Mông-cổ là Thiết Mộc Chân (1162-1227), đã thống nhất các bộ lạc Mông-cổ, được các thủ lãnh của các bộ lạc tôn lên ngôi hãn (hoàng đế của Mông-cổ), xưng hiệu là Thành Cát Tư hãn, đóng đô ở Karakorum (phía Bắc tỉnh Nội-mông ngày nay). Năm 1210, Thành Cát Tư hãn đánh Kim, bắt nước này phải thần phục, triều cống; rồi quay sang hướng Tây, đánh chiếm các nước vùng Tây-vức, đến tận bờ biển Hắc-hải và xứ Kiev của Nga. Rồi ông lại quay về đánh nước Tây-hạ (phía Tây Bắc của Trung-quốc), định diệt xong Tây-hạ thì sẽ đánh Trung-quốc, nhưng ngay trong đêm trước ngày nước Tây-hạ đầu hàng thì ông bệnh chết (1127). Năm 1129, người con thứ ba của Thành Cát Tư hãn là Oa Khoát Đài (1186-1241) lên ngôi hãn, tiếp tục công nghiệp của cha, năm 1234, phía Tây thì đánh chiếm tới Hồi-quốc, Đông Âu, phía Đông thì tiêu diệt nước Kim.

Năm 1251, con trưởng của Đà Lôi (1193-1232, con thứ tư của Thành Cát Tư hãn) tên Mông Kha (1208-1259) lên ngôi hãn, sai em là Hốt Tất Liệt đem quân đi đánh Đại-lí, Thổ-phồn; tự thân ông dẫn quân đánh Tống. Khi ông đánh vào Tứ-xuyên, vì gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân Tống, ông đã bị tử thương ngay trong trận. Nghe được tin này, Hốt Tất Liệt liền đem quân quay về Karakorum, chiếm lấy ngôi hãn (năm 1260). Năm 1264, Hốt Tất Liệt dời đô xuống Yên-kinh (tức nay là Bắc-kinh). Năm 1271 ông đổi quốc hiệu là Nguyên, và ông trở thành Nguyên Thế-tổ; sang năm sau ông lại đổi Yên-kinh thành Đại-đô. Năm 1279 ông tiêu diệt nhà Nam-Tống, thống trị toàn cõi Trung-hoa, dựng nên một đế quốc rộng lớn từ Âu sang Á, chưa từng có trên thế giới trong lịch sử cổ kim. Ông chết năm 1294, tại vị 35 năm.

32. Lạt-ma giáo: là giáo phái Phật giáo được thành lập và thịnh hành tại nước Tây-tạng, và được truyền bá ở Trung-quốc (trong địa khu của các dân tộc Mông-cổ, Tây-tạng) và các nước Bhutan, Sikkim, Nepal. Chữ “lạt-ma” là dịch âm từ chữ Tây-tạng “blama”, dịch nghĩa là “thượng nhân”. Thượng nhân tức là bậc thượng đức, là một danh từ Phật học vốn được dùng để tôn xưng các vị đệ tử Phật có đầy đủ trí tuệ và đạo hạnh trên hẳn mọi người; – tương đương với chữ Phạn “guru”. Như vậy, không phải bất cứ vị tăng nào ở Tây-tạng cũng là “lạt-ma”, nhưng về sau thì từ này đã biến thành tiếng thông dụng để gọi chung cho tăng sĩ Tây-tạng, với ý nghĩa là sư trưởng hay thiện tri thức. Ở Tây-tạng, chư vị lạt-ma (tăng sĩ) được dân chúng đặc biệt sùng kính. Đối với tín đồ Mật giáo, ngoài chư vị cao tăng Phật giáo, chư Phật và Bồ-tát ra, không có vị thánh hiền nào khác đáng được tôn kính; cũng không có nguyên tắc luân lí đạo đức nào đáng tuân thủ ngoài lời dạy của Phật qua vị lạt-ma. Phật giáo đồ Tây-tạng không những qui y Tam Bảo mà còn thêm một “Bảo” thứ tư, ở trên cả Tam Bảo, đó là vị lạt-ma của họ. Không có vị lạt-ma này là không có Phật Pháp Tăng; không có vị lạt-ma này thì không thể nhập đạo, không thể thành Phật! Cho nên, sự sùng bái lạt-ma ở Tây-tạng là tuyệt đối; và đó là lí do để người ngoại quốc gọi Phật giáo Tây-tạng là “Lạt-ma giáo” (Lamaism); chứ chính người Tây-tạng không tự xưng mình là Lạt-ma giáo, mà xưng là “Nan-chos” (Nam-xác-tư, có nghĩa là tôn giáo Chính-thống – để phân biệt với ngoại giáo là đạo Bon của dân bản xứ), hoặc “Sans-rgyas-kyi-chos” (Triệt-cái-da-cơ-xác-tư, có nghĩa là tôn giáo Phật).

Sau khi được truyền vào từ Ấn-độ, Phật giáo Tây-tạng đã kết hợp với tôn giáo nguyên thỉ của dân bản xứ là đạo Bon, mà hình thành nên Lạt-ma giáo, khác biệt rất nhiều với Phật giáo ở các nước Trungquốc, Việt-nam, v.v… Sử liệu Trung-quốc nói rằng, vào năm 641 TL, nhằm kết tình thân hữu giữa hai nước, vua Tây-tạng là Sron-btsan-sgam-po (Song-tán-tư-cam-phổ) đã cưới công chúa Văn Thành, con của vua Đường Thái-tông làm hoàng hậu (trước đó nhà vua cũng đã lập hoàng hậu là công chúa nước Nepal, kiền thành tin Phật). Khi sang Tây-tạng, công chúa đã mời rất nhiều cao tăng, mang kinh tượng cùng theo. Đến nơi, công chúa đã giúp vua Tây-tạng trong việc triều chính, cùng khuyến hóa nhà vua sùng phụng Phật pháp. Nhân đó, nhà vua đã cho sứ giả sang Ấn-độ mời các vị cao tăng mang kinh điển sang Tây-tạng phiên dịch và hoằng dương Phật pháp. Đó là bước mở đầu nền tảng cho Phật giáo Tâytạng. Vào thế kỉ thứ 8, ngài Tịch Hộ (Santaraksita) ở Ấn-độ sang Tây-tạng, phiên dịch kinh điển cùng truyền bá Phật pháp. Đồng thời, ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) cũng từ Ấn-độ sang Tây-tạng truyền bá Mật giáo. Ngài đã dung hợp Mật giáo với Bon giáo của người bản xứ, chuyên sùng bái quỉ thần và bói toán, hình thành một thứ Mật giáo riêng biệt của nước Tây-tạng, tức Lạt-ma giáo; và ngài đã trở thành vị tổ khai sáng Lạt-ma giáo. Những kinh điển do ngài dịch đã làm thành tạng Kinh của Lạt-ma giáo. Một thế kỉ sau, vua Glan-dar-ma (Lãng-đạt-ma), vì là tín đồ thuần thành của Bon giáo, cho nên đã hủy diệt Lạt-ma giáo. Đến thế kỉ thứ 11, ngài A Đề Sa (Atisa) từ Ấn-độ sang, đã ra sức phục hưng Lạt-ma giáo.

Đến thế kỉ thứ 13, khi Thành Cát Tư hãn kiến lập đế quốc Mông-cổ thì Tây-tạng trở thành một bộ của đế quốc đó. Năm 1260, vua Mông-cổ là Hốt Tất Liệt đã tôn vị lạt-ma Tây-tạng Chos-rgyal-hphags-pa (Bát-tư-ba, 1239-1280) làm quốc sư, và Lạt-ma giáo nghiễm nhiên trở thành quốc giáo của đế quốc Mông-cổ (trong đó có hơn một nửa nước Trung-hoa, từ sông Trường-giang về phía Bắc). Năm 1271, vua Hốt Tất Liệt đã đổi quốc hiệu Mông-cổ thành nước Nguyên; năm 1279 ông tiêu diệt Nam Tống, thống trị toàn cõi Trung-quốc, và Lạt-ma giáo đương nhiên cũng trở thành quốc giáo của Trung-quốc. Từ khi tiếp nhận Lạt-ma giáo, vương triều Nguyên đã tận lực bảo hộ giáo phái này, mà ít quan tâm đến nền Phật giáo truyền thống của Trung-quốc. Các vị quốc sư đều là các vị lạt-ma được thỉnh từ Tây-tạng. Tăng lữ của Lạt-ma giáo, đặc biệt là các vị tăng Tây-tạng, rất được triều đình biệt đãi và tôn kính cuồng nhiệt; ai ẩu đả các vị này sẽ bị chặt tay, ai nhục mạ các vị này sẽ bị cắt lưỡi! Các chức vụ thống lãnh tăng đoàn Trung-quốc đều do các “tăng quan” Lạt-ma giáo nắm giữ. Lệnh của vị đế sư (quốc sư) có giá trị như lệnh của vua. Tự viện dành riêng cho Lạt-ma giáo được triều đình xây dựng rất nhiều, rất khang trang lộng lẫy. Đời sống của các lạt-ma tràn đầy lợi dưỡng.

Bởi vậy, những sinh hoạt của tăng lữ Lạt-ma giáo ngày càng đi ra ngoài giới luật. Họ say đắm vào các thói hư trần tục, thậm chí còn có cả vợ con, làm cho kỉ cương của Phật giáo trở nên hỗn loạn. Để “điều chỉnh” tình trạng này, năm 1293, vua Nguyên Thế-tổ đã ban sắc lệnh: Các chức vị tăng quan, nếu ai có vợ con đều bị cách chức. Sau đó lại có sắc lệnh: Tăng sĩ hay đạo sĩ, nếu ai có vợ con thì phải nộp đủ các thứ thuế như người dân thường. Sắc lệnh này đã như là một điều kiện để hợp thức hóa cho các tu sĩ lập gia đình, vì vậy, số tăng sĩ Lạt-ma giáo có gia đình đã tăng gia ngày một nhiều, đưa Lạt-ma giáo đi vào con đường trụy lạc, xa cách nhân tâm; và cũng là cái nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của nhà Nguyên ở Trung-hoa. Tuy Lạt-ma giáo vào thời đại nhà Nguyên hưng thịnh như vậy, nhưng nó chỉ thịnh ở chốn cung đình, còn trong dân gian thì người Trung-hoa vẫn tín ngưỡng nền Phật giáo truyền thống, lấy việc tu thiền, niệm Phật, giữ giới làm các môn tu tập hằng ngày.

Năm 1368, nhà Nguyên bị nhà Minh (1368-1644) tiêu diệt, người Mông-cổ trở về nơi đất cũ của họ ở phía Bắc Trung-quốc. Vì thấy các tệ hại của Lạt-ma giáo ở vương triều Nguyên, các hoàng đế nhà Minh đều để tâm phục hưng nền Phật giáo truyền thống của Trung-quốc, còn đối với Lạt-ma giáo thì chỉ đối xử bình thường, vừa phải. Tuy nhiên, Lạt-ma giáo vẫn tiếp tục được ủng hộ nhiệt tình ở nước Mông-cổ và những địa khu có người Mông-cổ sinh sống (như tỉnh Nội-mông của Trung-quốc chẳng hạn).

Trong khi Lạt-ma giáo ở Trung-quốc (dưới thời nhà Nguyên) đi vào con đường trụy lạc, thì Lạt-ma giáo ở Tây-tạng cũng sa đọa y hệt như vậy. Có thể nói, tình trạng chung của Lạt-ma giáo (ở cả Tây-tạng và Trung-quốc) vào thời kì đó (thế kỉ 13 và 14) là như vậy. Đến thế kỉ 15, ở Tây-tạng có ngài Tson-khaba (Tông-khách-ba) ra đời, dũng mãnh đứng ra dốc lực vận động cải cách Phật giáo Tây-tạng, đưa Lạtma giáo vào hệ thống tổ chức mới, lấy sự nghiêm trì giới luật làm nền tảng căn bản, chấn chỉnh tất cả những tệ hại cũ, tăng lữ phải sống độc thân, đem lại cái không khí thanh tịnh cho tăng đoàn. Lạt-ma giáo trong hệ thống mới này được gọi là “Hoàng-mạo phái” (phái mũ vàng), để phân biệt với Lạt-ma giáo trước đó là “Hồng-mạo phái” (phái mũ đỏ, tăng lữ có gia đình). Hoàng-mạo phái từ đó ngày càng có nhiều thế lực, vị pháp vương của giáo phái này (tức Đạt Lai Lạt Ma) nắm hết quyền bính về tôn giáo và chính trị trong nước. Bởi vậy, tư tưởng của Hoàng- mạo phái được phát huy, truyền bá khắp nước, trình hiện một bộ mặt mới, một thanh thế mới cho Lạt-ma giáo, ảnh hưởng của nó lan rộng đến Trung-quốc; cho nên, Lạt-ma giáo dưới triều đại nhà Minh, Hoàng-mạo phái đã áp đảo hoàn toàn Hồng-mạo phái, khiến cho Hồng-mạo phái phải rút dần về Mông-cổ. Tới đời đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3, đích thân ngài đã sang Mông-cổ hoằng pháp, và hầu hết nhân dân Mông-cổ đều đổi theo Hoàng- mạo phái, cho đến ngày nay.

Dưới triều đại nhà Thanh (1616-1911), Lạt-ma giáo cũng được triều đình ủng hộ, do thuần túy tín ngưỡng cũng có, nhưng cũng còn vì nương theo mối liên hệ Lạt-na giáo để thực hiện chính sách thống trị Mông-cổ và Tây-tạng. Năm 1720, vua Khang Hi (1662-1722) cất quân đánh chiếm Tây-tạng, nhưng vẫn tôn trọng Lạt-ma giáo. Có thể nói, trong những thế kỉ cận đại, dưới sự lãnh đạo của các đức Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma, Lạt-ma giáo rất thịnh hành ở cả Tây-tạng, Trung-hoa và Mông-cổ. Cuối thời đại nhà Thanh, sau khi bị loạn Thái-bình thiên-quốc phá hủy, Phật giáo Trung-quốc nói chung, bị suy vi, mà Lạt-ma giáo cũng chỉ còn là cái bóng mờ, và từ đó thì chìm lắng trong dân gian, không còn thanh thế gì nữa. Riêng ở Tây-tạng, năm 1959 Trung-cộng đã tiến quân sang xâm chiếm và thống trị toàn cõi lãnh thổ, giết hại và bắt hoàn tục vô số lạt-ma, phá hủy tự viện, đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 phải bôn đào sang sống lưu vong ở Ấn-độ. Chỉ trong vòng 7 năm dưới sự áp bức của Trung-cộng, số tăng lữ 23.000 vị trong 3 ngôi chùa lớn ở kinh đô Lhasa, chỉ còn có 300 vị. Thật là một thời kì đại pháp nạn của Phật giáo Tây-tạng; nhưng bù lại, kể từ ngày đó, Phật giáo Tây-tạng dần dần được nhiều người trên thế giới (Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, v.v…) biết đến và kính ngưỡng.

33. Phát Tư Ba (1239-1280): cũng gọi là Bát Tư Ba, dịch âm của Tạng ngữ “Chos-rgyal-hphags-pa”, là một vị lạt-ma Tây-tạng. Ngài là vị tổ thứ 5 của phái Sakyapa, một trong 4 phái Mật-tông thuộc Hồngmạo phái ở Tây-tạng. Năm 15 tuổi ngài đã làm thầy truyền giới, đồng thời làm cố vấn cho vua Mông-cổ là Hốt Tất Liệt. Năm 19 tuổi, ngài đã dùng quan điểm Phật giáo để phê phán sách Lão Tử Hóa Hồ Kinh và đả kích đạo sĩ. Năm 1260, Hốt Tất Liệt (bấy giờ đã thống trị hơn một nửa nước Trung-hoa) đem ngài sang kinh đô Karakorum của Mông-cổ, tôn làm đế sư (quốc sư), thống lãnh Phật giáo toàn đế quốc (trong đó phần lãnh thổ của Trung-quốc). Uy quyền của ngài thật là lẫm liệt, mỗi khi tới chốn cung đình, ngài được trên từ hoàng đế, xuống đến công khanh, bách quan, tất cả đều ra tận cửa điện để nghênh tiếp. Năm 1269, vâng mệnh vua, ngài đã lấy văn tự Tây-tạng làm cơ sở, sáng chế ra văn tự Mông-cổ để sử dụng riêng cho dân Mông-cổ, gọi là “Bát-tư-ba văn” (tức văn tự Mông-cổ). Bởi thế, ngài càng được vua trọng đãi, và được ban hiệu là Đại Bảo pháp vương; lại được ban cho ngọc ấn.

Năm 1276 (có thuyết nói 1274), vua Hốt Tất Liệt lại đưa ngài trở về Tây-tạng, ủy thác cho ngài trách nhiệm vừa làm vua cai trị Tây-tạng, vừa lãnh đạo Phật giáo Tây-tạng; đó là vị “vua sư” đầu tiên của vương quốc Tây-tạng. Ngài đã xúc tiến việc giao lưu văn hóa giữa Tây-tạng và Trung-quốc, đem các kĩ thuật về ấn loát, nghệ thuật và kịch nghệ của Trung-quốc truyền vào Tây-tạng, và đem các kĩ xảo về kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật của Tây-tạng hội nhập vào Trung-quốc. Năm 1280 ngài viên tịch, thế thọ 42 tuổi. Vua Hốt Tất Liệt rất mến tiếc, tặng cho ngài thụy hiệu “Đại Bảo Pháp Vương, Tây Thiên Phật Tử, Đại Nguyên Đế Sư”. Nhà vua còn cho dựng chùa Đế-sư ở các nơi và tạc tượng ngài để thờ.

34. Sa La Ba (1259-1314): là một vị tăng dịch kinh ở triều đại nhà Minh. Tương truyền, ngài là người ở Hà-tây (Trung-quốc), nhưng cũng có thuyết nói ngài là người Tây-vức. Ngài xuất gia với đế sư Bát Tư Ba (xin xem phụ chú số 33 ở trên) từ lúc nhỏ, tu tập các pháp quán đảnh; về sau lại theo học giáo pháp đại tiểu thừa với Trước Lật Xích thượng sư (?-?). Ngài thông hiểu Tạng văn và nhiều thứ văn tự khác, được đế sư Bát Tư Ba tiến dẫn lên vua Nguyên Thế-tổ, được vua ủy nhiệm phiên dịch các kinh điển hiển, mật trước nay chưa được truyền vào Trung-quốc. Vua ban hiệu cho ngài là Đại Biện Quảng Trí. Thời bấy giờ, đạo phong của tăng lữ xuống thấp tồi tệ, vua Nguyên Thế-tổ rất lo lắng, bèn cử ngài làm Thích giáo đô tổng thống ở các xứ Giang, Triết (Giang-tô và Triết-giang) để chấn chỉnh các tệ hại của tăng lữ vùng Giang-nam. Từ sau khi ngài đến nơi nhậm chức, các chuyện phiền toái đều trừ khử, các tự viện được an định. Quan sát tình hình các tỉnh Phúc-kiến, Quảng-đông, ngài nhận thấy giáo đồ thường bị khổ sở về nỗi quan sự nhũng nhiễu, bèn tâu lên vua bãi chức tổng thống ở các lộ, rồi tự mình rút lui về ẩn cư ở Lũngsơn, tỉnh Thiểm-tây. Năm 1314, một hôm ngài tĩnh tọa trước Phật mà viên tịch, thế thọ 56 tuổi. Những dịch phẩm của ngài hiện còn gồm có: Dược Sư Lưu Li Quang Vương Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Kinh Niệm Tụng Nghi Quĩ, Dược Sư Lưu Li Quang Vương Thất Phật Bản Nguyện Công Đức Kinh Niệm

Tụng Nghi Quĩ Cúng Dường Pháp, Hoại Tướng Kim Cương Đà La Ni Kinh, Phật Đỉnh Đại Bạch Tản Đà La Ni Kinh, Văn Thù Bồ Tát Tối Thắng Chân Thật Danh Nghĩa Kinh, Chướng Sở Tri Luận (trước tác của ngài Bát Tư Ba).

35. Nhà Minh (1368-1661): Minh là vương triều Trung-quốc kế tiếp nhà Nguyên, do Chu Nguyên Chương (1328-1398) kiến lập. Chu Nguyên Chương tự là Quốc Thụy, quê ở Hào-châu (tỉnh An-huy), mới 7 tuổi đã mồ côi cha mẹ, nhà nghèo, bèn xin vào làm tiểu ở chùa Hoàng-giác ngay tại Hào-châu. Ông ở chùa được 7 năm, gặp lúc xã hội tao loạn, quân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi để chống lại triều đình nhà Nguyên, ông bèn trở về làng, hợp các dân nghèo lại để lập đảng khởi nghĩa, rồi sát nhập làm thân binh dưới trướng của Quách Tử Hưng (người cùng làng), dần dần được thăng đến đại tướng; lại gả con gái cho. Khi Hưng chết, ông lên thay làm chủ tướng, quân sĩ dưới trướng có đến vài ngàn người. Đảng của ông ngày càng phát triển lớn mạnh, thanh thế tăng cao, nổi bật hơn hết các tổ chức nghĩa quân khác, được nhiều giới sĩ tộc, điền chủ ủng hộ. Thấy thực lực vững mạnh, năm 1356, Chu Nguyên Chương khởi binh vượt Trường-giang đánh chiếm Kim-lăng (Nam-kinh), tự xưng là Ngô quốc công, rồi tiếp tục đánh chiếm hết các tỉnh trù phú miền Đông Nam. Đến năm 1366 thì ông đã làm chủ trọn vẹn miền Nam Trungquốc, bèn xưng là Ngô vương và bắt đầu thiết lập triều đình tại Kim-lăng. Sang năm 1367, ông cho quân Bắc tiến. Năm sau, 1368, ông tự lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Minh, định đô tại Kim-lăng, rồi ra Bắc tấn công chiếm Đại-đô (Bắc-kinh), chấm dứt sự thống trị của nhà Nguyên. Tuy nhiên, cũng phải tới 19 năm sau (tức năm 1387), ông mới thu hồi trọn vẹn lãnh thổ Trung-hoa từ tay người Mông-cổ, để thống nhất Trung-quốc từ Bắc tới Nam, từ Tây sang Đông.

Tới đời vua thứ ba là Thành đế (1403-1424), sau khi lên ngôi, đã đổi Đại-đô (tức Yên-kinh) thành Bắc-kinh, và dời đô lên đó; còn Kim-lăng thì đổi tên là Nam-kinh. Từ đó về sau, các đời vua kế tiếp đều giữ đô tại Bắc-kinh. Cuối đời Minh, vua quan thối nát, chính trị suy hoại, đảng phái thi nhau xuất hiện; cuối cùng thì bạo loạn bộc phát. Năm 1644, Lí Tự Thành đem quân chiếm Bắc-kinh, hoàng đế Tư-tông (1628-1644) thắt cổ chết, nhà Minh diệt vong, trước sau tồn tại 277 năm.

Dưới vương triều Minh, Phật giáo được các vua ủng hộ nên rất thịnh hành, có nhiều vị cao tăng xuất hiện, tăng đoàn đông đúc mà nghiêm chỉnh, nền giáo học được chăm lo chu đáo; tuy nhiên, về công tác phiên dịch kinh điển, ngoài một số kinh Mật giáo do lạt-ma Sa La Ba dịch (xin xem phụ chú số 34 ở trên), còn thì không thấy để lại dấu vết gì.

36. Nhà Thanh (1644-1911): là vương triều Trung-quốc kế tiếp nhà Minh, do tộc người thiểu số Mãnchâu kiến lập. Người Mãn vốn là tộc Kim (cũng tức là tộc Nữ-chân), từng lật đổ nhà Bắc Tống (1127) và làm chủ phần Hoa-bắc trên một trăm năm (từ thế kỉ 12 sang thế kỉ 13), đối địch với vương triều Nam

Tống. Khi người Mông-cổ chiếm trọn Trung-hoa thì người Kim bị dồn về ở vùng phía Đông Bắc (vùng Hắc-long-giang), chia thành 3 bộ Kiến-châu, Hải-tây và Đông-hải, chịu lệ thuộc nhà Nguyên. Từ khi nhà Minh lên làm chủ Trung-quốc, người Kim (Nữ-chân) lại tìm cách bành trướng, lan dần xuống phía Nam, phía Đông và sang phía Tây. Vì sống chung với người Hán hơn một thế kỉ, họ được Hán hóa ít nhiều, cũng lập triều đình giống như triều đình Trung-hoa.

Năm 1616 (dưới triều vua Minh Thần-tông, 1573-1620), thủ lãnh của bộ Kiến-châu là Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ khác, tự xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Hậu Kim; đó là vua Thái-tổ nhà Hậu Kim. Sau đó ông chiếm Thẩm-dương (Phụng-thiên, tỉnh Liêu-ninh) và đặt kinh đô của Hậu Kim ở đó. Năm 1636, vua Thái-tông (1627-1643) lại đổi quốc hiệu là Đại Thanh, và đổi tên tộc Nữ-chân thành tộc Mãn-châu. Năm 1644, viên phản tướng của triều Minh là Ngô Tam Quế, đã dẫn quân Thanh tiến vào Bắc-kinh (lúc đó vua cuối của nhà Minh là Tư-tông vừa tự tử chết), thái tử Phúc Lâm (con của vua Tháitông), lúc đó mới 7 tuổi, được đưa lên ngôi đế, trở thành vua Thế-tổ của vương triều Thanh, tức là vua Thuận Trị (1644-1661). Vua Thanh Thế-tổ tên là Ái Tân Giác La Phúc Lâm, sau khi lên ngôi, đặt niên hiệu là Thuận-trị. Từ đó về sau, các đời vua kế tiếp đều chỉ đặt một niên hiệu, và lấy niên hiệu đó để gọi thay tên, ví dụ: Thuận Trị, Khang Hi, Quang Tự, v.v… Vương triều Thanh chính thức làm chủ Trung-quốc vào năm 1644, nhưng thực sự đã được kiến lập từ năm 1616, và phải đến năm 1662 (năm đầu vua Khang Hi, 1662-1722) mới bình định và thống nhất hoàn toàn lãnh thổ Trung-quốc.

Nhà Thanh (bao gồm Hậu Kim) truyền nối được 12 đời vua, kéo dài gần 300 năm. Cuối năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi thành công, vua Tuyên Thống (1909-1911) thoái vị; đầu năm 1912, Tôn Trung Sơn (1866-1925) tuyên bố thành lập chính thể cộng hòa, chấm dứt triều đại nhà Thanh, đồng thời chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến từng ngự trị trên đất nước Trung-hoa trải mấy ngàn năm.

Dưới vương triều Thanh, Phật giáo truyền thống lẫn Lạt-ma giáo đều được triều đình cực lực ủng hộ, chùa viện được xây cất nhiều, tăng ni đông đảo, nhưng Phật giáo lại ở tình trạng suy vi vì tăng đoàn thiếu phẩm chất, kém học thức, giáo pháp không được hoằng dương. Riêng về công tác phiên dịch kinh điển, cũng như ở triều Minh trước đó, không có sự nghiệp gì được ghi chép để lại.

37. Ngữ thể: tức là bạch thoại, là thể văn mới của người Trung-hoa, viết như lời nói thường ngày của dân chúng, rõ ràng, dễ hiểu, chứ không hóc búa, khó hiểu như cổ văn (hay văn ngôn). Ở các triều đại quân chủ, lối văn này đã từng được các nhà văn dùng để viết truyện ngắn, tiểu thuyết, hoặc có lúc nó cũng được dùng làm thơ; nhưng phải đến đầu thế kỉ 20, sau khi cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) thành công, lối văn này mới đích thực được các nhà cải cách văn học tích cực vận động, để trở thành thể văn chính thức của người Trung-hoa trong thời đại mới. Hai người có công hàng đầu trong cuộc vận động đó là hai vị giáo sư của viện đại học Bắc-kinh: Trần Độc Tú (1879-1942) và Hồ Thích (1891-1962). Năm 1917, trong một bài viết về cải cách văn học, ông Hồ Thích viết: “Văn học phải tùy thời mà thay đổi.”, và: “Văn bạch thoại là thể văn chính thức của Trung-quốc, và là lợi khí của văn học tương lai.”. Các vị này muốn người Trung-hoa trong thời đại mới hãy bỏ cổ văn mà dùng ngữ thể. Cổ văn thì phải học giỏi mới hiểu được, còn ngữ thể, hễ ai đọc được là hiểu được, thậm chí nếu không biết đọc, mà nghe người khác đọc lên thì tức khắc hiểu liền; vì chính nó là tiếng nói hằng ngày của mọi người.

Năm 1919, từ sau cuộc “Ngũ tứ vận động”, phong trào dùng văn bạch thoại lại càng lên cao. Tất cả trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh đều thấy rằng, muốn cải tạo quốc gia thì phải dùng văn bạch thoại; muốn vận động sự tham gia đông đảo của đồng bào trong công tác cải cách thì phải dùng văn ngữ thể. Báo chí xuất hiện khắp nơi, mà tờ nào cũng dùng văn ngữ thể để viết bài và cùng hô hào đồng bào toàn quốc hãy sử dụng lối văn ấy. Chỉ trong vòng 3 năm (1919-1922), văn ngữ thể đã được toàn dân chấp nhận; bộ Giáo-dục của chính phủ cũng chính thức cho dạy lối văn này ở khắp các trường học. Từ đó, văn ngữ thể đã trở thành “quốc ngữ” của toàn thể người Hoa, dù thuộc sắc tộc nào, dù đang sinh sống ở vùng đất nào trên thế giới. – Cổ văn đã trở thành “tử ngữ”, và ngữ thể mới là “sinh ngữ” của người Hoa.

 

BÀI TẬP

1. Bốn vị dịch sư xuất sắc của Mật giáo trong khoảng thời gian từ niên hiệu Khai-nguyên đến niên hiệu Trinh-nguyên là những vị nào?

2. Bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm đã do ngài nào phiên dịch? Phẩm nào trong bộ kinh đó đã không có trong hai bộ Lục Thập và Bát Thập Hoa Nghiêm?

3. Đời vua Tống Thái-tông, ba vị dịch sư có thành tích đáng kể nhất là ai? Mỗi vị đã dịch được bao nhiêu bộ, gồm bao nhiêu quyển?

4. Vua Nguyên Thế-tổ rất tín phụng Phật pháp, nhưng đã thiên trọng về giáo phái nào?

5. Hiện tại có ba vấn đề trọng yếu liên quan đến công việc dịch thuật, đó là những vấn đề nào?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 22, 23 và 24

1. Đức Phật ra đời ở Ấn-độ, kinh giáo của Ngài lưu truyền đến Trung-quốc, tất phải trải qua quá trình vận chuyển và phiên dịch, thì mới hình thành kinh bản quốc văn để trình hiện trước mắt chư vị nhân sĩ Đông-phương. Nói đến “vận chuyển”, về đường bộ thì sa mạc ngàn dặm, núi cao vạn tầng; về đường thủy thì biển rộng không thấy bờ, sóng gió cực hiểm ác; đó là một điều khó khăn. Nói đến “phiên dịch”, vừa phải giỏi cả Phạn ngữ và Hán ngữ, vừa phải tinh tường Phật pháp; lại phải có quyết tâm hi sinh tinh lực một đời cho sự nghiệp bút nghiên, có thế thì công việc mới thành tựu; đó cũng là một điều khó khăn. Một bộ kinh Phật, có lúc phải mấy lần mang đi, rồi phải mấy người phiên dịch, người trước ngã xuống thì người sau kế tục, nhiên hậu mới hình thành kho pháp bảo hoàn chỉnh.

Tất cả các bộ kinh như Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích, Đại Niết Bàn, Đại Phương Đẳng Đại Tập, v.v… đều như thế cả. Đặc biệt hơn nữa, bộ kinh Lăng Nghiêm là loại quốc bảo của Ấn-độ, đã từng bị cấm lưu truyền ra nước ngoài. Vào thời đó, những người ra khỏi nước Ấn-độ đều bị quan viên các trạm canh biên giới lục soát nghiêm nhặt. Thế mà đã có người đem bộ kinh ấy chép lại với chữ thật nhỏ, lấy sáp bọc kĩ, rồi xẻ bắp đùi mình ra, nhét kinh vô trong đó, may bít lại, chờ cho đến khi vết may lành lặn mới ra đi. Khi đến được Trung-quốc rồi, lại xẻ bắp đùi ra để lấy kinh mà phiên dịch!(1) Tinh thần hi sinh tráng liệt như thế, người nghe ai mà không cảm động đến rơi nước mắt! Ngày nay chúng ta được ngồi thoải mái trước bàn, mở quyển kinh ra đọc, tức là chúng ta đã có được chút ít nhân duyên; nếu đã không từng gieo nhân lành từ kiếp trước, há chúng ta có được cái phúc đức thọ hưởng ngày hôm nay ư! Cho nên người tu học nên nhớ nghĩ đến nỗi gian khổ của các bậc tiền nhân, có được ba tạng thánh điển như ngày nay không phải là chuyện dễ! Chúng ta hãy trân quí thời giờ, đừng để nó trôi qua uổng phí. Bài kệ mở kinh nói rằng:

Phật pháp thâm diệu không gì hơn
trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp
con nay thấy nghe được thọ trì
xin rõ chân nghĩa của Như Lai.

Đọc bài kệ ấy mà nước mắt ràn rụa, cảm ơn   Phật, lòng luôn mong báo đáp.

2. Các vị tăng Trung-quốc từng sang Ấn-độ thỉnh kinh, không biết có bao nhiêu vị đã hi sinh tính mạng. Chư Phật và Bồ-tát có uy lực lớn, nếu đã muốn giáo pháp được lưu hành ở Trung-thổ, sao lại không gia hộ cho những vị thỉnh kinh ấy? Để cho các ngài phải chết ở giữa đường, làm trở ngại cho sự nghiệp thỉnh kinh vĩ đại! Về vấn đề này, chúng ta nên hiểu rõ rằng, tất cả các pháp đều không rời khỏi định luật nhân quả; mà QUẢ thì có “quả quyết định”, và cũng có “quả không quyết định”.(2) Quả không quyết định thì còn có thể biến đổi được, nhưng quả quyết định thì không có cách nào cải biến. Ngày xưa có ông vua ác,(3) muốn tiêu diệt dòng họ Thích-ca. Tôn giả Mục Kiền Liên xin phép đức Phật cho đi cứu, nhưng Phật chưa hứa khả. Tôn giả bèn dùng thần thông, đem năm trăm người trong dòng họ Thíchca bỏ vào bình bát, rồi đem gửi trên cung trời Phạm-thiên. Sau khi sự biến qua rồi, tôn giả xem lại thì trong chiếc bình bát chỉ toàn là máu! Thế mới biết, đối với “định nghiệp” thì dù là đức Phật cũng không thể cứu được. Đến như đức Thích Tôn gặp lúc phải ăn lúa ngựa;(4) ngài Tăng Triệu chịu họa chặt đầu;(5) ngài An Thế Cao bị nạn ở Cối-kê;(6) ngài Thiện Đạo leo lên ngọn cây gieo mình;(7) Lương Vũ đế bị khốn ở Đài-thành;(8) ngài Huyền Trang chịu đau đớn lúc lâm chung;(9) đó đều là những minh chứng cho thấy định nghiệp không dễ dàng chuyển đổi. Cũng có thể giải thích rằng: Trong khi cái nhân thiện ở đời này chưa đủ chín thì cái quả ác ở đời trước đã chín trước rồi, cho nên cuối cùng phải chịu quả báo; còn cái quả báo an vui của cái nhân thiện đời này thì sẽ được hưởng ở đời sau; chứ quyết không thể không có quả báo!

3. Vấn đề đem Kinh Tạng dịch ra văn ngữ thể, hiện tại cũng không gấp gáp gì; vì lẽ, văn tự vẫn còn đang trong thời kì diễn biến, chưa thành cục diện nhất định; nếu cật lực đem công sức ra mà làm việc, rồi sau khi việc dịch ra văn ngữ thể đã thành, vạn nhất văn tự lại biến cải nữa (như dùng mẫu tự để ghép vần chẳng hạn), thì có phải là bao nhiêu công sức đều vất bỏ hết không! Hiện giờ các sách học của học sinh tiểu học, bên cạnh mỗi chữ đều có ghi thêm mẫu tự chú âm; rồi đây bao nhiêu năm sau nữa, rất có thể văn tự sẽ bị bỏ đi, mà chỉ dùng mẫu tự ghép vần mà thôi. Cho nên việc dịch kinh ra văn ngữ thể, xin cứ để thong thả.

4. Kinh điển Mật giáo cũng giảng nghĩa lí, và nghĩa lí ấy cũng giống như kinh điển Hiển giáo. Nhưng người học kinh điển Mật giáo phần nhiều chỉ chú trọng đến đàn tràng, nghi quĩ và chú thuật, mà bỏ quên phần giáo nghĩa, mới sinh ra tệ hại, khiến cho con đường chân lí mịt mờ; đó là điều không đúng. Cho nên người học Mật giáo vẫn cần phải nghiên tầm giáo nghĩa. Người đầu tiên khởi xướng ra Mật giáo là Bồ-tát Long Thọ. Ngài đã đọc kinh Hoa Nghiêm, đã soạn nhiều bộ luận, được tôn xưng là tổ sư của tám tông phái; như thế thì ngài là bậc bác thông giáo nghĩa đến mức nào! Lấy lí mà nói, người tu Mật giáo mà bác thông giáo lí thì mới có được cái công dụng to lớn tự tại; còn chưa đạt được giáo lí thì rốt cuộc chỉ là kẻ thua kém hơn người mà thôi.

5. Nghe nói chính quyền trải qua các triều đại đều coi Đại Tạng Kinh như là quốc bảo. Cả nước không có được bao nhiêu bộ. Một ngôi chùa lớn muốn thỉnh một bộ, trước hết phải xin vua phê chuẩn cấp cho. Trên đường chở về, trên các hòm Kinh phải được phủ nhiễu vàng, lại phải có chuyên viên của triều đình đi theo để trông nom; có đánh trống, thổi kèn, tấu nhạc. Khi Kinh về tới cổng chùa, tất cả tăng chúng đều quì thành hàng, cử hành lễ nghênh tiếp thật là long trọng. Lại nghe rằng, để tránh cho pháp bảo bị hủy hoại bởi thiên tai, binh hỏa v.v…, triều đình đã phân chia toàn quốc ra làm năm khu vực là Đông, Nam, Tây, Bắc, và Trung-ương, mỗi khu vực được cúng dường một bộ Đại Tạng Kinh để tàng trữ. Địa điểm của năm khu vực này thường là Hàng-châu, Quảng-châu, Tây-an (hoặc Tứ-xuyên), Bắc-kinh, và Hà-nam (hoặc Hồ-bắc). Thật là trịnh trọng, nhưng chưa biết việc ấy có xác thật hay không. Ngày nay thì kĩ thuật ấn loát rất phát đạt, chỉ ở một đảo Đài-loan thôi, mà đã có đến mấy trăm bộ! Nếu luận về cái phước trước mắt, nó lớn hơn người xưa rất nhiều. Tuy nhiên, tôi từng đến các cơ sở Phật giáo, thấy họ có từ một đến hai, ba bộ Đại Tạng Kinh, nhưng chúng đã biến thành vật trang trí, tợ hồ ít có người để mắt đến, đó quả là tội lỗi! Đáng lí ra, họ nên mở phòng đọc kinh, lập chương trình đàng hoàng, cử người chuyên môn để điều hành công việc; hoặc đọc kinh tại chỗ, hoặc cho mượn đem về nhà đọc, làm mọi chuyện thuận tiện cho người đọc, để cổ lệ cho việc đọc kinh sách. Người ta có cơ hội đọc thì sẽ có cơ hội ngộ, thậm chí còn có cơ hội y theo kinh giáo để tu tập; như thế mới phát huy được cái công dụng lớn của Tam Tạng. Sự việc tệ hại nhất là tự mình không đọc, lại không cho người khác mượn đọc; thành ra, người có kinh lại không muốn đọc, mà người muốn đọc lại không có kinh, khiến cho pháp bảo trở thành một thứ đồ cổ chuyên để trưng bày; thật là tội lỗi!

6. Đa số các vị cao tăng dịch kinh chính là Bồ-tát thừa nguyện hóa thân. Cho nên, việc các ngài đã đảm nhiệm sự nghiệp dịch kinh trong thời kì pháp vận của đức Thích Tôn, đâu phải là việc ngẫu nhiên! Truyền thuyết nói rằng, ngài Cưu Ma La Thập đã từng là vị cao tăng dịch kinh trải cả bảy đức Phật. Vậy thì, từ đức Phật Tì Bà Thi cho đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi lần đại pháp được truyền về phương Đông, là mỗi lần ngài chủ trì công việc dịch kinh. Chúng ta đọc cuốn sách Viễn Thập Đại Thừa Yếu Nghĩa Vấn Đáp(10) (vấn đáp về yếu nghĩa đại thừa giữa hai đại sư Tuệ Viễn và Cưu Ma La Thập), thấy cách ngài trả lời các vấn đề do ngài Tuệ Viễn nêu ra, nghĩa lí tinh tường tuyệt diệu, tức biết được phước đức và trí tuệ hàm tàng trong con người của ngài; quả thật đó là một vị Bồ-tát lớn! Vậy thì, cái tên của ngài đã được gắn liền với tôn hiệu “Tam Tạng” để cùng sống đời đời, thật quả là vô cùng xứng đáng. Các vị dịch sư khác như Trúc Pháp Hộ, Phật Đà Bạt Đà La, Phật Đà Da Xá, Chân Đế, Bồ Đề Lưu Chi, Huyền Trang, Thật Xoa Nan Đà, Nghĩa Tịnh, cho đến ba vị Bồ-tát thời Khai-nguyên, cũng đều là những nhân vật siêu phàm, không thể coi như những người bình thường được!

7. Phật điển được phiên dịch ra văn tự ngoại quốc, lưu truyền sang các quốc gia Âu, Mĩ, cho đến nay vẫn nặng về giáo pháp tiểu thừa, và quyển số thì ít ỏi. Kinh luận đại thừa với giáo nghĩa thâm diệu, mỗi bộ có đến cả trăm hay vài mươi quyển, thì vẫn chưa được dịch ra ngoại ngữ, nguyên do then chốt là đã không có người đảm nhiệm công tác này. Nghe nói, sau thế chiến thứ hai, người Mĩ có thỉnh Đại Tạng Kinh từ Nhật-bản, và nhiều chuyên gia về Phật học cũng đã sang Mĩ, chắc là để tùng sự dịch kinh. Nếu quả thật như thế, thì đó là tin tức rất tốt. Những người này nếu không thông thạo Anh ngữ cũng không có gì trở ngại. Chỉ cần họ đem kinh nghĩa, dùng tiếng Nhật thuật lại cho người thông dịch, rồi người thông dịch ấy dịch ra Anh ngữ là được. Có điều, trong bản Anh ngữ nếu có chỗ sai lầm thì họ không thể trực tiếp hiệu đính được. Vào những năm đầu thời Dân-quốc, ở Phúckiến có ông Lâm Thư, do việc phiên dịch tiểu thuyết ngoại quốc mà vang danh. Ông vốn không biết Anh văn, cho nên thường cùng với người bạn là Trần Gia Lân hợp lại mà dịch. Trước tiên, ông Trần thuật lại ý nghĩa của câu Anh ngữ, rồi ông Lâm theo đó viết thành Trung văn; cứ như thế mà Lâm trở thành một dịch giả có tiếng.(11) Trong giới dịch kinh, nếu thiếu người thông thạo cả Anh và Trung văn, cũng có thể theo cách thức ấy mà làm việc.

8. Nghi thức dịch kinh ngày xưa, mỗi vị dịch sư, tuy về chi tiết có khác nhau chút ít, nhưng tất cả đều giống nhau ở nghi thức cực kì trịnh trọng. Sau đây xin lược thuật về nghi thức dịch kinh ở đàn tràng của ngài Thiên Tức Tai dưới triều vua Tống Thái-tông, lấy đó như một đàn tràng dịch kinh điển hình:

Đàn tràng được thiết trí ở nhà Đông, mặt quay về hướng Tây. Trên đàn có bốn cửa, mỗi cửa có một vị Phạn tăng làm chủ. Trước tiên, chư tăng tụng mật chú trong bảy ngày đêm. Danh hiệu Phật và Bồ-tát sắp xoay vòng như hình dạng chiếc bánh xe, gọi là “Đại pháp mạn đà la”; dùng hương, đèn, đuốc, hoa, trái, thức ăn để cúng dường. Sau đó thì tắm Phật, lễ bái và đi nhiễu quanh đàn, cầu xin gia bị, tiêu trừ ma chướng.

– Vị thứ nhất là Dịch-chủ, ngồi ở tòa trung ương, tuyên đọc Phạn văn;

– Vị thứ nhì là Chứng-nghĩa, ngồi ở bên trái, cùng với vị Dịch-chủ thẩm định Phạn văn;

– Vị thứ ba là Chứng-văn, ngồi bên phải, lắng nghe vị Dich-chủ đọc lớn Phạn văn để xét nghiệm nếu có chỗ sai sót;

– Vị thứ tư là Thơ-tự Phạn-học tăng, nghe kĩ Phạn văn, rồi y theo âm tiếng Phạn mà phiên thành chữ Hán – như “tố-hằng-lãm”;

– Vị thứ năm là Bút-thọ, dịch tiếng Phạn thành nghĩa chữ Hán – như dịch nhóm chữ đã phiên âm tiếng Phạn “tố-hằng-lãm”(12) thành ra nghĩa, là “kinh”;

– Vị thứ sáu là Xuyết-văn, kết nối các chữ lại thành một câu có ý nghĩa;

– Vị thứ bảy là Tham-dịch, xem xét văn tự của hai nước, so sánh, đối chiếu, làm cho bản dịch thật chính xác, tránh các lầm lỗi;

– Vị thứ tám là San-định, bỏ bớt các chữ rườm rà, thừa thãi, làm cho câu văn thật gẫy gọn;

– Vị thứ chín là Nhuận-văn, chỗ ngồi ở hướng Nam của tăng chúng, có nhiệm vụ xem xét bản dịch kĩ càng lần chót, sửa chữa câu văn cho trơn tru, trong sáng.

Tăng chúng mỗi ngày đều tắm gội, ba y và tọa cụ đầy đủ, oai nghi chỉnh tề, tất cả các vật dụng cần thiết đều được triều đình cung cấp.

Xem thế thì biết được công việc dịch kinh được trân trọng và tôn nghiêm đến mực nào! Từ đó chúng ta cũng thấy được điều quan trọng rằng, hễ quốc gia mà tôn sùng thánh đạo thì chắc chắn hưởng được thái bình; còn hủy hoại Phật pháp (như vua Huy-tông chẳng hạn) thì chắc chắn phải gặp hoạn nạn (như nạn Tĩnh-khang chẳng hạn).(13) Đối chiếu cái mạnh với cái yếu ấy, người ta cảm thán xiết bao!

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Kinh Lăng Nghiêm truyền sang Trung-quốc: Theo truyền thuyết, bộ kinh Lăng Nghiêm từng là vật quốc bảo của Ấn-độ vào thời cổ. Vào thời đó đã có nhiều đại đức tăng Trung-quốc sang Ấn-độ du học, nhưng đã không ai thấy biết gì về bộ kinh này; ngay như ngài Huyền Trang sang ở Ấn-độ đến 17 năm, cũng chưa từng thấy kinh Lăng Nghiêm. Rồi bao nhiêu đại đức tăng từ Ấn-độ sang Trung-quốc, đã đem theo rất nhiều kinh sách, nhưng bộ kinh ấy thì không có. Sở dĩ như vậy là vì bộ kinh Lăng Nghiêm là vật quốc bảo của Ấn-độ, không những bị cấm mang ra khỏi nước mà còn bị cấm dạy cho các du tăng ngoại quốc đến Ấn-độ tu học. Mãi đến đầu triều đại nhà Đường, khi một vị Phạn tăng lên núi Thiên-thai tham kiến đại sư Trí Khải, nghe đại sư giảng pháp môn “Chỉ Quán”, vị Phạn tăng rất bội phục, nói rằng: “Pháp môn Chỉ Quán do ngài phát minh ra rất gần với giáo nghĩa của kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm ở Ấn-độ!” Từ đó người Trung-quốc mới biết được ở Ấn-độ có một bộ kinh tên là “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm”. Đại sư Trí Khải rất xúc động khi nghe vị Phạn tăng nói lên điều đó. Ngài muốn được xem tận mắt bộ kinh ấy để xem pháp môn Chỉ Quán của mình giống với lời dạy của đức Phật tới mức nào; hoặc có gì khác nhau? Nhưng thời bấy giờ giao thông không tiện lợi, đường xa diệu vợi, muôn vàn hiểm trở khó khăn, biết làm sao đi thỉnh! Vì lòng quá tha thiết với kinh Lăng Nghiêm, ngài liền xây một cái đài ngay trên núi Thiên-thai, gọi là Bái-kinh đài; mỗi ngày đều hướng về phương Tây lễ lạy, cầu nguyện cho bộ kinh ấy được truyền sang Trung-quốc. Ngài đã lễ lạy như thế cho đến ngày viên tịch, ròng rã 18 năm, không một ngày gián đoạn!

Mãi cho tới năm 705 đời vua Đường Trung-tông, vị Phạn tăng Bát Lạt Mật Đế mới đem kinh Lăng Nghiêm sang đến Trung-quốc. Vì bộ kinh ấy bị cấm truyền ra nước ngoài, nên lúc đó, các trạm gác biên giới kiểm soát rất gắt gao, ngài phải đem lén bộ kinh ấy đi ba lần mới qua lọt biên giới. Hai lần đầu, dù ngài dấu kĩ đến thế nào, các quan viên biên phòng vẫn khám xét ra. Vì là người xuất gia, ngài đã không bị xử phạt, nhưng vẫn bị đuổi về, không cho đi ra khỏi nước. Tuy vậy, ngài vẫn quyết chí đi nữa. Lần này, không còn cách nào khác, ngài bèn chép lại bản kinh Lăng Nghiêm ấy với chữ thật nhỏ, trên những miếng da thật mỏng, cuộn lại, rồi xẻ bắp đùi của chính mình ra, nhét bộ “kinh da” vào trong đó, và may kín lại. Đợi cho đến khi vết thương hoàn toàn lành lặn, ngài lại ra đi. Lần này thì bộ kinh đã không bị khám phá, cho nên ngài đã được phép rời Ấn-độ. Ngài theo đường hàng hải đến Quảng-châu. Sau khi gặp được chư đại đức tăng ở Quảng-châu, ngài mới cho biết là ngài đã mang được bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm đến đây. Ai nghe cũng đều vui mừng, vì đó là điều mọi người từng mong đợi đã mấy chục năm nay. Khi được hỏi bộ kinh ở đâu, ngài mới rạch bắp đùi theo vết may cũ, lấy bộ “kinh da” từ trong ấy ra. Máu chảy dầm dề, phải rửa thật sạch sẽ, bấy giờ bộ kinh mới hiện ra tỏ rõ. Sau đó thì bộ kinh đã được phiên dịch ngay tại Quảng-châu. Sau khi bộ kinh này được dịch xong, ngài Bát Lạt Mật Đế đã xuống thuyền trở về Thiên-trúc để chịu tội với vua vì đã trái lệnh vua, tự ý đem kinh Lăng Nghiêm truyền sang Trung-quốc. Đặc biệt, tại dịch trường lúc đó có cư sĩ Phòng Dung (một nhà văn học, nguyên là tể tướng dưới triều nữ hoàng Vũ Tắc Thiên, phạm lỗi, bị giáng cấp xuống làm quan ở Quảng-châu), cũng tham gia vào việc phiên dịch. Vì vậy, về phương diện văn học, trong tất cả các kinh điển Hán dịch, văn từ của kinh Lăng Nghiêm là hay đẹp hơn hết.

Trên đây là tóm lược truyền thuyết về sự xuất hiện của bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm tại Trung-quốc, do pháp sư Tịnh Không thuật lại. Nhưng truyền thuyết ấy có vài điểm không phù hợp với thực tế. Thứ nhất là về niên đại. Đại sư Trí Khải ra đời năm 538 và viên tịch năm 597, đó là khoảng thời gian cuối thời đại Nam-Bắc-triều và đầu thời đại nhà Tùy, chứ không phải là thời sơ Đường như pháp sư Tịnh Không đã nói. Thứ đến, bộ kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm này, từ đời Hậu-Tần (384-417) đã từng có một biệt bản, được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch với tên kinh là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (2 quyển), cũng gọi là Cựu Thủ Lăng Nghiêm Kinh. (Đó là chưa nói tới, theo Xuất Tam Tạng Kí Tập, quyển 7, trước đó, trong hai thế kỉ 2 và 3 TL, bộ kinh này cũng đã từng có các bản biệt dịch của các vị tăng và cư sĩ như Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Bạch Diên, Trúc Pháp Hộ, Trúc Thúc Lan, Chi Thi Luân, nhưng đều thất truyền.) Chính ngài Pháp Hiển (340?-426?) đã thuộc lòng kinh này, cho nên, theo Cao Tăng Pháp Hiển Truyện (do chính ngài Pháp Hiển soạn), trong thời gian du hành sang Ấn-độ chiêm bái Phật tích (399-414), khi lên đến đỉnh núi Linh-thứu, được đứng tại nơi mà ngày xưa đức Thế Tôn từng sống, từng giảng kinh pháp, ngài đã quá xúc động mà bật khóc, thương mình sinh sau đẻ muộn, không có phước duyên được nghe chính đức Thế Tôn nói kinh Lăng Nghiêm; rồi ngồi ngay trước hang động ngày xưa Phật ngự, ngài tụng kinh Lăng Nghiêm…, cứ như thế, ngài trải qua đêm trên đỉnh núi Thứu.

Điều đó cho thấy, kinh hệ Lăng Nghiêm đã từng được truyền vào Trung-quốc từ cuối thế kỉ thứ 2 TL, chứ không phải đến thời đại ngài Trí Khải (thế kỉ thứ 6) người Trung-quốc mới được nghe đến tên kinh này; và mãi hơn một thế kỉ nữa, đầu thế kỉ thứ 8 (đời vua Đường Trung-tông), bộ kinh này mới xuất hiện lần đầu ở Quảng-châu. Vả lại, bộ kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm (gồm 10 quyển) do ngài Bát Lạt Mật Đế (Pramiti) dịch tại chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu vào năm 705, chính là biệt bản của bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (gồm 2 quyển) mà ngài Cưu Ma La Thập đã dịch từ mấy thế kỉ trước tại kinh đô Trường-an của nhà Hậu-Tần. Lại nữa, theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục (quyển 9), bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm (10 quyển) này đã do sa môn Hoài Địch (?-?) dịch chung với một vị Phạn tăng (không nói tên là gì) tại Quảng-châu. Về thời gian dịch kinh, bộ kinh lục dẫn ttrên cho biết, năm 706 ngài Hoài Địch được vua Đường Trung-tông (705-710) triệu ra kinh đô Trường-an để cùng với ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch kinh Đại Bảo Tích; xong việc, ngài trở về Quảng-châu, gặp vị Phạn tăng mới cùng dịch bộ kinh Lăng Nghiêm này.

(02) Quả quyết định và quả không quyết định: Theo luật Nhân Quả, hễ tạo Nhân thì phải nhận Quả. Nhưng nhân quả là một qui luật tự nhiên rất sinh động và phức tạp, không đơn giản như chúng ta thường nói “trồng dưa được dưa; trồng đậu được đậu”. Mà ngay như trong cái đơn giản “trồng dưa được dưa” ấy, cũng vẫn là một quá trình nhân quả phức tạp, chứ không đơn giản tí nào. Đâu phải chỉ cần gieo nhân là chắc chắn có kết quả? Mà từ lúc gieo nhân còn phải có bao nhiêu trợ duyên, duyên thuận, duyên nghịch, duyên tăng duyên giảm, bao nhiêu biến đổi…, cho tới lúc thọ quả; thậm chí, có thể có quả mà cũng có thể không có quả, hoặc lúc gieo nhân thì cái nhân rất tốt, nhưng đến lúc có quả thì cái quả lại rất xấu, v.v… vô cùng phức tạp! Bởi vậy, khi gieo nhân mà chắc chắn có quả, thì cái quả ấy được gọi là “quyết định quả” (quả quyết định); và khi gieo nhân mà kết quả không chắc chắn đến thì cái kết quả ấy được gọi là “bất quyết định quả” (quả không quyết định). Chữ “quyết định” có nghĩa là nhất định, chắc chắn phải như vậy, không thể thay đổi; “bất quyết định” có nghĩa là không nhất định, không chắc chắn phải như vậy, có thể thay đổi. Những nghiệp nhân (thiện hay ác) chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo (lạc hay khổ) nhất định, gọi là “định nghiệp”; những nghiệp nhân không chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo gọi là “bất định nghiệp”. 

Theo Du Già Sư Địa Luận giải thích, định nghiệp tức là trọng nghiệp (nghiệp nặng). Nghiệp nặng (thiện hay ác) thì chắc chắn phải nhận quả báo (lạc hay khổ), gọi là “quyết định quả”; nghiệp nhẹ thì không chắc chắn nhận quả báo, gọi là “bất quyết định quả”. Có ba loại nghiệp được gọi là nghiệp nặng: 1) Các loại phiền não độc dữ (tham, sân, si, v.v…) làm động cơ tạo nghiệp ác; hoặc do thiện tâm mạnh mẽ thúc đẩy tạo nghiệp thiện: đó là nghiệp nặng. 2) Một hành động (thiện hay ác) được làm thường xuyên, không dừng lại, quyết tâm thực hiện cho bằng được: đó là nghiệp nặng. 3) Đối tượng tạo nghiệp thuộc loại “công đức điền” (ruộng công đức) như Tam Bảo và cha mẹ, nếu tôn kính cúng dường là nghiệp thiện, nếu xúc phạm là nghiệp ác; cả hai loại nghiệp đều nặng. Ba loại nghiệp nặng này đều là “định nghiệp”, và chắc chắn sẽ chiêu cảm kết quả, gọi là “quyết định quả”. Trái lại là nghiệp nhẹ, gọi là “bất định nghiệp”, không chắc chắn sẽ chiêu cảm kết quả, gọi là “bất quyết định quả”. Lại nữa, theo đại sư Trạm Nhiên (711-782), trong tác phẩm Pháp Hoa Văn Cú Kí, thì “định nghiệp cũng có thể chuyển đổi”! Theo thuyết này, định nghiệp tất phải thọ quả báo, định nghiệp mà ác thì tất phải chịu quả báo đau khổ; nhưng nếu chúng sinh cảm nhận được công đức sâu dày của chư Phật và Bồ-tát, chuyên tâm niệm Phật, lòng không do dự hồ nghi, phát nguyện tu hành tinh tấn, thì ác báo trong đời này và cả ở đời sau, nhờ thần lực chư Phật và Bồ-tát mà định nghiệp được chuyển đổi, sẽ không bị quả báo khổ đau, mà còn chứng được đạo quả.

(03) Vua ác: Đây là chỉ cho Tì Lưu Li (Virudhaka), vua nước Kiều-tát-la (Kausala) vào thời đức Phật còn tại thế. Ông là con của vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), em khác mẹ của thái tử Kì Đà (Jeta). Năm 79 tuổi, sau mùa an cư, đức Thế Tôn du hành về đến vương quốc Sakya, tạm trú nơi một quận lị nhỏ để hành đạo. Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc (vua cùng tuổi với đức Thế Tôn) cũng đang du ngoạn ở một thị trấn gần đó, biết tin, liền đến hầu Phật. Trong đoàn tùy tùng của nhà vua có cả hoàng tử Tì Lưu Li và viên tướng tổng tư lệnh quân đội hoàng gia. Trước khi tiến vào căn nhà nhỏ, trong đó Phật đang ngự, nhà vua cởi thanh bảo kiếm cùng vương miện trao cho vị tướng lãnh, để tất cả đoàn tùy tùng ở ngoài, một mình nhà vua vào hầu Phật. Lợi dụng lúc nhà vua và đức Phật đàm đạo trong căn nhà, hoàng tử Tì Lưu Li đã cùng vị tướng lãnh dẫn cả đoàn tùy tùng trở về kinh đô Xá-vệ (Sravasti), giết thái tử Kì Đà và tự lên ngôi vua, trở thành quốc vương của nước Kiều-tát-la. Lúc vua Ba Tư Nặc bái biệt đức Phật để trở lại chỗ cũ thì chỉ thấy còn có một người cung nữ già. Nhà vua biết việc chẳng lành, bèn đi thẳng về thành Vương-xá (Rajagrha), và đã chết tại đây.

Sau khi lên ngôi vua, Tì Lưu Li nhớ lại mối hận cũ, bèn cất quân sang đánh thành Ca-tì-la-vệ, muốn tiêu diệt cho hết những người thuộc dòng họ Thích-ca. Mối hận cũ đó là gì? Hai bộ luật Ngũ Phần và Tứ Phần đều thuật như sau: Trước kia vua Ba Tư Nặc có xin cưới một người con gái dòng họ Thích-ca làm phu nhân. Nhưng luật lệ của dòng họ này không cho trai gái lập hôn nhân với người khác họ. Vua Ma Ha Nam (Mahamana) bèn đem con gái của một tì nữ trong cung, giả xưng là con gái dòng họ Thích-ca, gả cho vua Ba Tư Nặc, về sau đã sinh ra hoàng tử Tì Lưu Li. Tì Lưu Li vừa lớn lên (kinh Tăng Nhất A Hàm nói là 8 tuổi), nhà vua cho sang thành Ca-tì-la-vệ để theo học nghề bắn cung. Lúc bấy giờ, những người dòng họ Thích-ca vừa xây một tòa nhà lớn, nguyện rằng, trước hết phải cúng dường Phật và chúng tăng, sau đó họ mới sử dụng. Tì Lưu Li không biết điều đó, ngang nhiên dẫn đoàn tùy tùng vào tòa nhà ấy vui chơi. Những người dòng họ Thích bèn mắng: “Đứa con của tiện tì sao dám vô lễ! Đức Thế Tôn và chúng tăng chưa vào ngồi mà sao ngươi dám vào trước vui chơi!” Họ đuổi Tì Lưu Li đi, rồi phá bỏ tòa nhà đó để xây tòa nhà khác, sau đó mới thỉnh Phật và chúng tăng vào ngự. Tì Lưu Li giận lắm, bảo người tùy tùng: “Ngươi nhớ kĩ việc này. Sau khi ta làm vua, hãy nhắc lại cho ta!”. Rồi bỏ về nước. Bây giờ ông đã làm vua, liền cử binh sang tiêu diệt dòng họ Thích-ca để rửa hận. Tôn giả Mục Kiền Liên xin phép Phật hóa làm một cái lồng bằng sắt, trùm lên cả hoàng thành để bảo vệ họ Thích, nhưng đức Phật ngăn lại bảo: “Dù thầy có thần lực lớn, nhưng đâu có thể cải được định nghiệp này!”

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, trong trận này, quân của vua Tì Lưu Li đã tàn sát đến chín ngàn chín trăm chín mươi vạn (tức 99.900.000) người dòng họ Thích, máu chảy thành sông. Sau trận tàn sát này, đức Phật đã báo cho chư vị tì kheo biết trước, sau 7 ngày, vua Tì Lưu Li và tất cả đoàn quân đều sẽ bị tận diệt. Quả nhiên, 7 ngày sau đó, vua Tì Lưu Li đã dẫn cả binh lính cùng các thể nữ đến sông A-chỉ-la để vui chơi, tới nửa đêm, thình lình nổi cơn gió dữ, nước sông dâng cao, cuốn trôi vua Tì Lưu Li cùng tất cả binh lính, thể nữ, không một ai sống sót!

(04) Đức Thích Tôn ăn lúa ngựa: Năm thứ 12 sau ngày thành đạo, đức Phật cùng 500 vị tì kheo đã trải qua ba tháng an cư tại tiểu quốc Tì-lan-nhã (Vejanra). Năm đó xứ này bị hạn hán, mất mùa, khắp nơi bị nạn đói, Phật và chúng tăng khất thực không được gì, đành phải ăn lúa ngựa. Theo luật Thiện Kiến Tì Bà Sa thuật lại, trước mùa an cư năm đó, một phú thương Bà-la-môn ở nước Tì-lan-nhã, sau khi được nghe Phật thuyết pháp liền xin qui y làm ưu-bà-tắc, rồi thỉnh Phật và chúng tăng đến nước Tì-lan-nhã để an cư. Gặp năm đó xứ này bị mất mùa, dân chúng đói kém, chư vị tì kheo đi khất thực chỉ được chút ít thức ăn, hoặc không có gì. Lúc bấy giờ có một người buôn ngựa, từ miền Bắc lùa đàn ngựa 500 con xuống miền Nam để bán. Ông ta dừng lại ở xứ Tì-lan-nhã, lập trại nuôi ngựa ở gần chỗ Phật và chư tăng đang cư trú. Thấy tình trạng đói khát của Phật và chúng tăng, ông phát tâm cúng dường lúa (dùng cho ngựa ăn) để Phật và chúng tăng sống tạm qua cơn hoạn nạn. Vậy là ông phải chia bớt phần ăn hằng ngày của ngựa để cúng dường Phật và tăng chúng. Lúa ấy chư tăng đem về phải tự chà vỏ trấu rồi nấu thành cơm mới ăn được. Riêng phần lúa của Phật thì đại đức A Nan tự làm lấy để dâng lên Phật.

(05) Tăng Triệu (374-414): là vị cao tăng thời Đông-Tấn. Ngài họ Trương, quê ở Kinh-triệu (tỉnh Thiểmtây), thiếu thời nhà nghèo, phải làm nghề chép sách mướn để sinh sống; nhưng cũng do làm nghề này mà được đọc nhiều, và trở thành người bác thông kinh sử. Tính thích lẽ huyền vi, nên ban đầu sùng bái tư tưởng Lão Trang, nhưng rồi vẫn cảm thấy đó không phải là chỗ cứu cánh. Sau gặp duyên đọc được kinh Duy Ma Cật, bèn vui mừng tỉnh ngộ, biết đó mới là nơi qui hướng, bèn xuất gia học Phật. Ngài đọc khắp Ba Tạng, tinh chuyên các kinh phương đẳng đại thừa. Đến năm 20 tuổi thì danh tiếng ngài vang khắp bốn phương. Ngài suy tư uyên áo, lại có biệt tài biện luận, bao nhiêu bậc túc Nho cùng ngài tranh biện đều bị bẻ gẫy. Khi nghe có pháp sư Cưu Ma La Thập đang ở Cô-tàng (kinh đô nhà Hậu-Lương, Lương-châu, tỉnh Cam-túc), ngài liền sang đó xin theo học, được pháp sư La Thập khen ngợi là bậc kì tài.

Khi Diêu Hưng (vua nhà Hậu-Tần) đánh Hậu-Lương, rước pháp sư La Thập về Trường-an (năm 401), ngài cũng theo về. Tại đây, ngài vâng mệnh vua, cùng với ngài Tăng Duệ (?-?) cư trú tại vườn Tiêu-diêu, vừa biên soạn luận sớ, vừa phụ giúp pháp sư La Thập trong việc dịch kinh, được người đời xưng là bậc “giải không đệ nhất”. Khi pháp sư La Thập dịch bộ kinh Đại Phẩm Bát Nhã (năm 404), ngài soạn bộ Bát Nhã Vô Tri Luận, được ngài La Thập và cả đại sư Tuệ Viễn duyệt đọc và khen ngợi, cho là chưa từng có. Tiếp đó ngài lại soạn các cuốn Tông Bản Nghĩa, Bất Chân Không Luận, Vật Bất Thiên Luận, Niết Bàn Vô Danh Luận, v.v… cùng chú thích kinh Duy Ma Cật. Ngài tịch năm 416, thế thọ 41 tuổi. Người sau đã đem cuốn Tông Bản Nghĩa và bốn cuốn luận Bát Nhã Vô Tri, Bất Chân Không, Vật Bất Thiên, và Niết Bàn Vô Danh của ngài, gộp lại thành một bộ lớn, gọi là Triệu Luận.

Về năm sinh của ngài Tăng Triệu, các sách truyện như Cao Tăng Truyện v.v… đều nói đó là năm thứ 9 niên hiệu Thái-nguyên (376-396), tức năm 384 TL. Như thế thì tuổi thọ của ngài chỉ có 31 tuổi. Sách Cao Tăng Truyện có nói: “Hậu La Thập chí Cô-tàng, Triệu tự viễn tùng chi.” (Về sau, khi ngài La Thập đến Cô-tàng thì Tăng Triệu từ nơi xa xôi cũng đến đó xin được làm môn đệ.) Pháp sư La Thập đến Côtàng vào năm 386 (xin xem lại phụ chú số 23, bài 22 ở trước). Nếu ngài Tăng Triệu sinh năm 384, thì đến năm 386, ngài mới lên 3 tuổi, làm sao mà đến Cô-tàng để theo học với pháp sư La Thập? Thậm chí, năm 401, pháp sư La Thập được rước vào Trường-an, ngài Tăng Triệu cũng chỉ mới lên 18 tuổi. Mà như trên đã cho biết, năm Tăng Triệu sang Cô-tàng thọ học với ngài La Thập, phải là sau 20 tuổi, cho nên nói ngài ra đời năm 384 là không hợp lí. Ngày nay có vài học giả suy định rằng, năm sinh của ngài Tăng Triệu là năm thứ 2 niên hiệu Ninh-khang (tức năm 374 TL) đời vua Vũ đế nhà Đông-Tấn. Chúng tôi thấy thuyết này rất hợp lí, nên đã chọn ghi niên đại của ngài Tăng Triệu là “374-414”.

Về việc ngài Tăng Triệu bị “họa chặt đầu”, trong các sử liệu như Cao Tăng Truyện, Xuất Tam Tạng Kí Tập, v.v… đều không thấy nói đến; chỉ thấy trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (quyển 27) có ghi vắn tắt như vầy: “Pháp sư Tăng Triệu gặp phải nạn vua Tần. Trước phút thọ hình có nói bài kệ: Bốn đại nguyên không chủ, năm uẩn vốn đều không, đưa đầu cho dao chém, như chém ngọn gió xuân.”

(06) An Thế Cao bị nạn ở Cối-kê: Ngài An Thế Cao (Arsakes) người nước An-tức, đến Trung-quốc vào giữa thế kỉ thứ 2 TL, dưới vương triều Đông-Hán, cư trú tại kinh đô Lạc-dương, chuyên việc dịch kinh (xin xem lại phụ chú số 3, bài 22 ở trước). Theo bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập (quyển 13) chép, vào cuối đời vua Hán Linh đế (168-189), đất Hán đầy nhiễu loạn, ngài An Thế Cao đã phải di cư xuống miền Giangnam để lánh nạn. Dần dà thuyền ngài cập bến Quảng-châu, rồi từ đây ngài lại theo hướng Đông Bắc để đi Cối-kê (nay là Thiệu-hưng thị, tỉnh Triết-giang). Khi ngài vừa đến thị trấn Cố-kê thì gặp ngay một đám đánh lộn, và ngài đã bị người ta đánh nhầm, chết ngay tại chỗ.

(07) Thiện Đạo leo lên ngọn cây gieo mình: Theo Phật Quang Đại Từ Điển, đại sư Thiện Đạo là vị tổ thứ ba của tông Tịnh Độ Trung-quốc (xin xem lại chú thích số 22, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách HKPH I). Nhưng theo các sách Phật Tổ Thống Kỉ, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Liên Tông Thập Tam Tổ, đều nói ngài là tổ thứ hai của tông Tịnh Độ. Theo Phật Tổ Thống Kỉ (quyển 26) và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (quyển 2) ghi chép về giờ phút lâm chung của ngài Thiện Đạo: Bỗng một hôm, đại sư Thiện Đạo gọi mọi người bảo rằng: “Thân này thật đáng chán, tôi sắp trở về cố hương Tây-phương Cực-lạc đây!” Nói xong, ngài leo lên cây liễu ở trước chùa, hướng về phương Tây kì nguyện: “Xin đức Phật A Di Đà tiếp dẫn con. Xin chư vị Bồ-tát hộ niệm, giúp cho con không mất chánh niệm, được vãng sinh về thế giới Cực-lạc!” Kì nguyện vừa xong, ngài liền gieo mình xuống đất tự tuyệt. Vua Đường Caotông biết tin, vô cùng cảm kích, bèn ban tên cho ngôi chùa là Quang-minh. Về việc “gieo mình tự tuyệt” này của ngài Thiện Đạo, trong Tục Cao Tăng Truyện (quyển 27) cũng có nói tới.

(08) Lương Vũ đế bị khốn ở Đài-thành: Lương Vũ đế (464-549) tên là Tiêu Diễn, nguyên là quan thứ sử ở Ung-châu dưới triều đại Nam-Tề (479-502). Vì vua Tề là Tiêu Bảo Quyển (tại vị 499-501) tàn nhẫn giết anh của ông đang là thứ sử Dự-châu, nên ông đem quân về chiếm kinh đô Kiến-khang, phế vua Tề, rồi phò Nam-khang vương lên ngôi hoàng đế (năm 501), tức vua Tề Hòa đế. Ông tự nhậm chức đại tư mã, chuyên nắm việc triều chính. Năm sau (502) ông lại giết Hòa đế, soán ngôi nhà Tề, tự xưng đế, kiến lập triều đại nhà Lương, sử gọi là Tiêu-Lương (502-558).

Sau khi lên ngôi, ông sửa sang mọi việc trong nước, làm cho quốc gia trở nên đại thịnh. Lúc đầu ông theo Nho, Lão, nên không quan tâm tới Phật giáo. Nhưng về sau, khi biết đến Phật giáo thì ông lại nhất tâm qui ngưỡng tín phụng, trở thành ông vua sùng tín Phật giáo bậc nhất trong các đế vương Trung-hoa; người đương thời từng gọi ông là “Hoàng đế Bồ-tát”. Năm 504, ông tổ chức đại lễ Phật Đản thật long trọng trong hoàng cung. Nhân buổi lễ này, ông đã trịnh trọng tuyên bố bỏ hẳn Đạo giáo để qui y Phật giáo. Năm 517 ông ra lệnh hủy bỏ hết đạo quán (miếu của đạo Lão) trong nước, và lệnh cho tất cả đạo sĩ phải hoàn tục; đồng thời ra lệnh cho toàn dân không được cúng tế quỉ thần bằng rượu thịt, mà phải thay bằng hoa quả. Năm 519 ông phát tâm thọ giới Bồ-tát với ngài Tuệ ước tại chùa Thảo-đường ở núi Chung-sơn. Noi gương ông, mấy vạn người gồm công khanh sĩ thứ cũng phát tâm thọ giới. Ngay tại kinh đô Kiến-khang, ông đã cho xây dựng hơn 700 ngôi chùa lớn, tăng ni vân tập thường có đến vạn người.

Năm 527 ông khánh thành chùa Đồng-thái, tổ chức các pháp hội Vô-già, Bình-đẳng, Vu-lan-bồn; và chùa này đã trở thành đạo tràng chính thức để ông nghiên cứu giáo lí, chuyên việc tu trì, và tự mình giảng kinh pháp – như năm 533, ông đã khai đàn giảng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, thính chúng có đến 700 quan viên văn võ và hàng vạn người gồm tăng ni, đạo sĩ và dân chúng; cả các sứ thần ngoại quốc cũng dự thính. Ông cũng đã ba lần bỏ ngôi vào chùa xin làm các việc như nhổ cỏ, quét sân, v.v… như sinh hoạt của chư tăng. Mỗi lần như vậy, triều thần phải xuất tiền ra đem vô chùa xin chuộc, ông mới trở về cung. Đầu năm 548, viên phản tướng của nhà Đông-Ngụy ở Bắc-triều là Hầu Cảnh (?-552, nguyên là một viên tướng của nhà Bắc-Ngụy, nhưng phản Bắc-Ngụy, theo Cao Hoan lập nhà Đông-Ngụy. Hoan chết lại bỏ Đông-Ngụy để theo nhà Tiêu-Lương), được Lương Vũ đế thâu nhận và phong tước Hà-nam vương. Nhưng chỉ đến tháng 8 năm đó thì Hầu Cảnh lại phản bội nhà Lương, năm sau (549) đem quân đánh chiếm Đài-thành (tức Đài-cung, hay Kiến-khang-cung, cũng tức là kinh đô Kiến-khang), Lương Vũ đế bị bắt giam vào ngục, và bị bỏ đói; rồi do uất ức quá mà chết.

(09) Huyền Trang chịu đau đớn lúc lâm chung: Sách Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (quyển 10) chép: Mùa đông năm thứ 4 niên hiệu Hiển-khánh (tức năm 659 TL), pháp sư Huyền Trang dời đến Ngọc-hoa cung cư trú. Sang đầu năm sau (660), pháp sư bắt đầu dịch bộ kinh Đại Bát Nhã. Trước khi khởi sự dịch bộ kinh đồ sộ này, ngài đã mở lời khích lệ chư tăng: “Huyền Trang nay đã 65 tuổi, tất là sẽ chết tại chùa này; mà bộ kinh này thì quá lớn, sợ rằng không dịch hết kịp. Vậy xin quí thầy hãy cố gắng hết sức, chớ nề lao khổ!” Đến mùa đông năm thứ 3 niên hiệu Long-sóc (663) thì bộ kinh được dịch hoàn tất, cả thảy gồm 600 quyển. Cuối năm đó, ngài tự biết sức khỏe đã quá yếu, cơn vô thường sắp đến, bèn gọi môn đồ dạy rằng: “Tôi đến chùa Ngọc-hoa vì vốn có duyên với kinh Bát Nhã. Nay kinh đã dịch xong thì sức người cũng đã kiệt. Sau khi tôi chết, quí thầy hãy làm tang lễ đơn giản, đem chôn ở nơi hẻo lánh tĩnh mịch. Cái thân bất tịnh này đừng nên để gần chùa làm gì!”

Sang ngày Mồng 1 tháng Giêng năm đầu niên hiệu Lân-đức (664), toàn chúng dịch kinh và tăng chúng chùa Ngọc-hoa lại ân cần xin ngài tiếp tục dịch bộ kinh Đại Bảo Tích. Thấy đại chúng quá thành khẩn, ngài lại hoan hỉ cầm bút, nhưng chưa dịch được bao nhiêu thì ngài để bút xuống, xếp bản kinh chữ Phạn lại, nói với đại chúng rằng: “Bộ kinh này đồ sộ không thua gì bộ kinh Đại Bát Nhã. Huyền Trang tự biết sức mình, giờ chết cũng sắp đến rồi, không còn lâu nữa đâu! Bây giờ tôi chỉ muốn sang hang Chi-lan để lễ bái tạ từ Phật tượng mà thôi.” Rồi ngài rời dịch trường, đại chúng cùng đi theo ngài, lặng lẽ nhìn nhau rơi lệ. Lễ Phật xong ngài trở về chùa, ngưng hẳn việc dịch kinh, chuyên tinh hành đạo. Ngày Mồng 8 tháng Giêng, một vị đệ tử của ngài nằm mộng thấy một ngôi tháp đoan nghiêm cao lớn, tự nhiên đổ sụp xuống. Ông tỉnh dậy, rất lo sợ, lên trình giấc mộng cho ngài biết. Ngài bảo: “Đó là điềm ứng về tôi, không phải là thầy đâu!”. Buổi chiều hôm sau (ngày Mồng 9 tháng Giêng), nhân bước qua một cái rãnh ở sau phòng, ngài đã bị té, và bị thương nơi bắp đùi. Rồi ngài nằm liệt, hơi thở yếu dần (đây là điều tác giả muốn nói tới trong bài trên).

Nửa đêm ngày Mồng 4 tháng Hai, vị thiền sư đang ngồi xem bệnh cho ngài, bỗng thấy có hai người cùng khiêng một đóa hoa sen lớn bằng bánh xe, màu sáng thanh khiết, đem đến trước mặt ngài nói rằng: “Ngài từ vô thỉ đến nay, có những ác nghiệp gì từng gây não hại cho chúng hữu tình, ngày nay nhân bị chút ít đau đớn này mà bao ác nghiệp ấy được tiêu trừ hết. Xin ngài hãy vui lên!” Lúc đó pháp sư Huyền Trang ngước lên nhìn hai người kia một chập lâu, rồi đưa bàn tay phải lên áp vào má, duỗi tay trái xuống để dọc theo bắp vế chân trái, xoay người đặt hông bên phải xuống giường, hai bàn chân chồng lên nhau, cứ tư thế mà nằm yên, không xoay trở, không cử động, dứt tuyệt ăn uống thuốc thang. Đến nửa đêm ngày Mồng 5, một vị môn đồ hỏi ngài: “Hòa Thượng quyết định vãng sinh về Nội-viện của đức Di Lặc chăng?” Ngài đáp: “Quyết định vãng sinh!” Nói dứt lời thì hơi thở yếu dần, một chốc sau thì an nhiên viên tịch. Như vậy, theo sử liệu trên đây thì ngài Huyền Trang thọ 69 tuổi; tính ra, năm sinh của ngài là năm 596. Tuy nhiên, về tuổi thọ của ngài, nhiều thuyết nói khác nhau: như là 56 tuổi, 61 tuổi, 63 tuổi, 65 tuổi, hoặc 69 tuổi.

(10) Viễn Thập Đại Thừa Yếu Nghĩa Vấn Đáp: Bộ sách này nguyên được biên tập và lưu hành từ trước thời đại nhà Tùy (581-619) với nhiều tên khác nhau như Đại Thừa Nghĩa Chương, Đại Thừa Đại Nghĩa

Chương, Cưu Ma La Thập Pháp Sư Đại Nghĩa, Pháp Vấn Đại Nghĩa, Vấn Đại Thừa Trung Thâm Nghĩa Thập Bát Khoa; đến năm 1930 (dưới thời Dân-quốc), nó đã được cơ sở Trung Quốc Phật Giáo Lịch Sử Bác Vật Quán in lại, và đổi tên thành Viễn Thập Đại Thừa Yếu Nghĩa Vấn Đáp, được nhập vào Tạng Đại Chánh (quyển 45). Bộ sách có 3 quyển, gồm 18 chương, ghi lại 18 vấn đề do đại sư Tuệ Viễn (334-416, ở

Lô-sơn, tỉnh Giang-tây, Hoa-nam, thuộc nhà Đông-Tấn) nêu ra, và đại sư Cưu Ma La Thập (344-413, ở Trường-an, Hoa-bắc, thuộc nhà Hậu-Tần) trả lời. Hai vị đại sư, một ở Nam, một ở Bắc, hỏi và trả lời nhau bằng những bức thư, sau đó đã được các môn đồ sưu tập và biên chép thành sách. Những vấn đề được nêu lên ở đây, ngài La Thập đã trực tiếp xiển dương giáo nghĩa của Phật giáo đại thừa, lí giải về tín ngưỡng cùng giới thiệu với người Trung-quốc về hệ thống tư tưởng Trung Quán của hai ngài Long Thọ và Đề Bà; nhân đó mà gây nên một phong trào dịch thuật và nghiên cứu kinh hệ Bát Nhã cùng các kinh hệ đại thừa khác. Lại nữa, trong sách này, vấn đề pháp thân Phật và Bồ-tát cũng được đặc biệt nhấn mạnh, chứng tỏ vào thời đại ngài Tuệ Viễn, vấn đề đó cũng từng được giới học Phật quan tâm triệt để.

(11) Lâm Thư: Lâm Thư (1852-1924), tự là Cầm Nam, là một trong những người mở đường cho cuộc cách mạng văn hóa trong buổi đầu của chế độ cộng hòa (Dân-quốc) ở Trung-quốc. Vào thời này, phong trào dịch sách Tây phương ra Hoa ngữ nổi lên thật rầm rộ, trong đó, ông chuyên về việc dịch tiểu thuyết. Thiện chí và nỗ lực của ông được sánh với pháp sư Huyền Trang ở 13 thế kỉ về trước. Theo con số thống kê, ông đã dịch được 171 tựa sách, gồm 270 quyển (đã in); đó là chưa kể còn 14 tựa sách nữa chưa được in. Ông dịch đủ cả các loại tiểu thuyết của Anh, Mĩ, Pháp, Na-uy, Thụy-sĩ, Mĩ, Nga, Nhật, Tây-ban-nha, v.v…; của các tác giả từ Shakespeare, Swift, Dickens, Washington Irving, tới Victor Hugo, Alexandre Dumas (cha và con), Balzac, Ibsen, Cervantes, Tolstoi, v.v… Nhưng, điều đáng ngạc nhiên là ông không hề biết một ngoại ngữ nào, dù là Anh, Pháp, hay Đức… Ông chỉ cần nhờ người bạn thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, dịch miệng cho, rồi ông diễn ra Hoa văn. Mỗi giờ ông có thể viết được tới 1.500 chữ; có khi người bạn chưa kịp dịch miệng xong, mà ông đã viết xong! Nhưng chắc chắn bạn ông không thể biết hết các ngôn ngữ phương Tây, tất phải dùng những bản đã dịch ra Anh văn hay Pháp văn (như Nga văn dịch ra Pháp văn, Đức văn dịch ra Anh văn v.v…). Như vậy, có nhiều tác phẩm khi tới ông thì đã qua hai, ba lần dịch, và dĩ nhiên, nếu đem so với nguyên tác thì sai lầm rất nhiều. Độc giả có chỉ trích thì ông thẳng thắn nhận lỗi và cảm ơn. Nhưng nhờ vậy mà lại được việc. Sau ông, công việc dịch thuật ấy lại được nhóm Tiểu Thuyết Nguyệt San tiếp tục.

(12) Đúng ra là “tố-đát-lãm”, chứ không phải là “tố-hằng-lãm”. Có lẽ vì hai chữ Hán “đát” (怛) và “hằng” (恆) có tự dạng giống nhau, nên đã in lầm. Tiếng Phạn “sutra” đã được phiên âm sang Hán ngữ là “tu-đa-la”, “tố-đát-la”, hay “tố-đát-lãm”, và dịch nghĩa Hán ngữ là “kinh”.

(13) Nạn Tĩnh-khang: Tĩnh-khang (1126-1127) là niên hiệu của vua Khâm-tông, tức vị vua cuối cùng của vương triều Bắc-Tống (960-1127). Khâm-tông là con của vua Tống Huy-tông (1101-1125). Trong thời gian tại vị, vua Huy-tông, vì nghe lời nịnh thần cấu kết với đạo sĩ, đã hủy diệt Phật giáo đến cùng tận. Năm 1125, quân Kim đánh Tống rất gấp; sang đầu năm sau (1126), Huy-tông truyền ngôi cho Khâm-tông để làm thái thượng hoàng, rồi bỏ xuống Giang-nam trốn giặc. Vua Khâm-tông vẫn ở Biệnkinh (kinh đô nhà Bắc Tống) để chống cự với giặc Kim. Sang năm 1127 (tức năm thứ hai niên hiệu Tĩnhkhang), thượng hoàng Huy-tông trở về Biện-kinh. Quân Kim liền đánh thẳng vào Biện-kinh, bắt tất cả từ thượng hoàng Huy-tông, vua Khâm-tông, hoàng hậu, đến thái tử, phi tần, hoàng tộc, tất cả là 3.000 người, lại cướp bóc vàng bạc cùng tất cả con gái trong thành Biện-kinh, đem về miền Bắc (nước Kim). Nạn “Tĩnh-khang” chính là nạn này.