GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 23
TÔNG CHÂN NGÔN (phần 1)

I. SƠ LƯỢC GIÁO NGHĨA cùng LỊCH SỬ của HIỂN và MẬT GIÁO

Ở trong Phật pháp có điều được gọi là Hiển Giáo và Mật Giáo.

HIỂN GIÁO là tất cả giáo pháp đại tiểu thừa do ứng thân Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai nói, văn nghĩa rõ ràng dễ hiểu, cho nên gọi là “hiển giáo”. MẬT GIÁO là giáo pháp chân ngôn nội chứng do pháp thân Phật Đại Nhật Như Lai1 nói, văn nghĩa bí mật khó hiểu, cho nên gọi là “mật giáo”.

Y theo giáo nghĩa của Hiển giáo, pháp thân Phật không thể nói pháp; nhưng tông Chân Ngôn thì nói rằng, pháp thân Phật thường phóng ánh sáng, thường nói pháp lớn, chỉ có kẻ phàm phu vì phiền não sâu dầy làm chướng ngại nên không thể thấy nghe, vì vậy mà giáo pháp ấy trở thành bí mật không hiển lộ rõ ràng. Tông Thiên Thai có thuyết nói rằng, Thích Ca tức là Đại Nhật, có nghĩa rằng, khi gặp cơ hội nói giáo pháp hiển thì nói hiển, khi gặp cơ hội nói giáo pháp mật thì nói mật; lời nói ấy cũng đúng lí.

Đức Như Lai Tì Lô Giá Na ở cung Kim-cang Pháp-giới2, trên cõi trời Ma-hê-thủ-la3, vì Kim Cang Tát Đỏa4 và chư đại Bồ-tát, nói pháp chân ngôn. Ngài thượng thủ Kim Cang Tát Đỏa đã ghi chép các bài pháp ấy, đem cất trong ngôi tháp sắt ở Nam Thiên-trúc5. Về sau, khoảng 800 năm sau ngày Phật diệt độ, Bồ-tát Long Mãnh6 đã mở cửa ngôi tháp sắt này, thân được diện kiến ngài Kim Cang Tát Đỏa mà nhận lãnh đại pháp, truyền cho đệ tử là ngài Long Trí; rồi Long Trí lại truyền cho hai ngài Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí. Về sau, hai vị này cùng với ngài Bất Không (đệ tử ngài Kim Cang Trí), vào triều đại vua Đường Huyền-tông, đều vào Trung-quốc hoằng dương giáo pháp Mật giáo, được xưng là “ba vị Đại-sĩ thời Khai-nguyên7”; trở thành những người khai sáng tông Chân Ngôn ở Trung-quốc.

II. NGUYÊN DO ĐẶT TÊN và KINH LUẬN Y CỨ

Tông này chú trọng việc trì chú; mà thần chú là chân ngôn của đức Như Lai, cho nên xưng là tông Chân Ngôn. Lại nữa, chân ngôn thuộc vào Bí-mật tạng, là “ngữ mật” trong “ba mật”8 của đức Như Lai, cho nên lại xưng là tông Mật. Tông này lấy 3 bộ kinh Đại Nhật9, Kim Cang Đảnh10 và Tô Tất Địa11 làm kinh điển căn bản, cộng thêm 2 bộ kinh Gia Du Chỉ12 và Lược Xuất Niệm Tụng13, gọi chung là “năm bộ bí kinh”; đồng thời lấy 2 bô luận Bồ Đề Tâm14 và Thích Ma Ha Diễn15 làm luận điển y cứ.

III. BA VỊ ĐẠI SĨ THỜI KHAI NGUYÊN

Ngài Thiện Vô Úy người Trung Ấn-độ, là hậu duệ của Cam Lộ Phạn vương16.

Ngài mới sinh ra đã có dung mạo tuấn tú khác thường, 13 tuổi được nối ngôi vua nước Ô-trà17, nhưng sau nhường ngôi cho anh mà đi xuất gia, tu chứng Pháp-hoa tam-muội18. Một hôm, trên đường du phương, ngài gặp bọn trộm cướp, bèn thầm niệm chân ngôn, được đức Bồ-tát Chuẩn Đề19 cảm ứng xuất hiện, bọn trộm cướp sợ sệt qui phục. Ngài biết thần chú có hiệu quả, bèn nghiên cứu sâu xa. Về sau ngài gặp ngài Long Trí, được truyền pháp làm a-xà-lê20, danh tiếng vang xa. Một đêm kia vua Đường Huyền-tông mộng thấy một vị tăng kì lạ, tỉnh dậy bèn sai người vẽ hình mạo trên vách điện. Năm thứ 4 niên hiệu Khai-nguyên, ngài Thiện Vô Úy đến Trường-an21, nhà vua thấy hình mạo ngài giống y như người trong tranh vẽ, nên rất kính trọng; liền ban sắc mời ngài dịch kinh điển tông Mật. Về sau ngài tịch tại Trường-an, thế thọ 99 tuổi.

Ngài Kim Cang Trí người Nam Ấn-độ, xuất gia từ tuổi thiếu niên, tu học tại chùa Na-lan-đà22 (1) ở Trung Ấn-độ, nghĩa lí của Hiển giáo và Mật giáo đều thông suốt. Về sau tôn ngài Long Trí làm thầy, thọ 5 bộ quán đảnh23. Trong lúc tác pháp đã từng được đức Bồ-tát Quán Tự Tại cảm ứng hiện thân, ấn chứng cho sở học của mình đã thành tựu; lại nhờ Ngài chỉ dẫn đi sang Đông-độ, đảnh lễ Bồ-tát Văn Thù, hoằng dương Mật thừa; bèn xuống thuyền sang Trung-quốc. Năm thứ 8 niên hiệu Khai-nguyên ngài đến kinh đô. Đi đến đâu ngài cũng thiết lập đàn tràng hóa độ; lại dịch kinh điển và nghi lễ Mật giáo đến vài chục loại. Năm thứ 20 niên hiệu Khainguyên ngài viên tịch tại Lạc-dương(2), thế thọ 71 tuổi.

Ngài Bất Không người nước Sư-tử24 ở Nam Ấn-độ. Ngài thờ ngài Kim Cang Trí làm thầy, theo sang Trung-quốc, giúp dịch kinh giáo. Về sau, vâng lời di chúc của thầy, ngài trở về Ấn-độ, tìm các bản hoàn chỉnh của kinh Đại Nhật và kinh Kim Cang Đảnh. Năm thứ 5 niên hiệu Thiên-bảo25, ngài mang nhiều bản kinh Phạn văn trở lại Trung-quốc để phiên dịch, tất cả được 110 bộ, gồm 143 quyển. Đệ tử của ngài là Huệ Quả(3), truyền pháp cho vị tăng Nhật-bản là Không Hải(4), khai sáng ra Đông- Mật(5). Ngài viên tịch vào năm thứ 9 niên hiệu Đại-lịch26, thế thọ 70 tuổi.

IV. MẠN ĐÀ LA

“Mạn đà la” là tiếng Ấn-độ, có nghĩa là bánh xe tròn đầy, hoặc là đàn. Theo lệ cũ ở Ấn-độ, khi thực hiện phép cầu đảo, trước hết phải xây đàn, trong đàn đặt tượng Phật; về sau, thay vì xây đàn và đặt tượng Phật thì người ta vẽ thành đồ họa. Phật, Bồ-tát, chư thiên v.v… ở trên đàn viên dung nhau, tức là nhau, ở trong nhau, nói lên cái chân lí viên mãn “một là tất cả, tất cả là một”. Ở trong mạn đà la có thể thu nhiếp hết các vấn đề thuộc về Mật giáo. Nếu để ý khảo sát kĩ lưỡng, có thể biết rõ tướng trạng, cách kiến lập, nét tượng trưng v.v… của thân Phật; đồng thời cũng có thể hiểu được giáo lí cùng tổ chức đại cương của tông Chân Ngôn. Cho nên, mạn đà la là tinh túy của tông này. Nó được dùng nghệ thuật để biểu hiện cảnh giới sâu xa đầy mĩ thiện của tông giáo, trong đó, phương pháp lí trí không hai(6) được dùng như một nét chấm phá nhạt màu để làm nổi bật hai bộ mạn đà la Kim-canggiới và Thai-tạng-giới(7). Sự biểu hiện cụ thể nhân cách loại này, quả thật là nét đặc sắc lớn nhất của tông Chân Ngôn.

 

CHÚ THÍCH

1. Tiếng Phạn là Ma Ha Tì Lô Giá Na, dịch ra Hoa ngữ là Đại Quang Minh Biến Chiếu, bao hàm đầy đủ ý nghĩa phá trừ tối tăm, cho nên cũng được dịch là Đại Nhật Như Lai, hoặc Tối Cao Hiển Quảng Nhãn Tạng Như Lai, là vị Bổn Tôn của Mật giáo.

2. Tức thiên cung Ma-hê-thủ-la. Kim cang dụ cho trí thật tướng; pháp giới dụ cho trí thể.

3. Dịch là Đại-tự-tại thiên, ở trên đỉnh của cõi Sắc, là chủ của ba ngàn thế giới.

4. Nhân vì tay cầm cây xử kim cang, cho nên cũng gọi là Bồ-tát Kim Cang Thủ. Mật tông tôn đức Đại Nhật Như Lai làm Sơ tổ, tôn vị Bồ-tát này làm Nhị tổ.

5. Ấn-độ ngày xưa gọi là Thiên-trúc, phân làm 5 vùng, gọi là Ngũ Thiên-trúc; vùng phía Nam gọi là Nam Thiên-trúc.

6. Theo lối dịch cũ là Long Thọ, lối dịch mới là Long Mãnh. Xin xem lại chú thích số 6, bài 20, sách Trung Cấp Giáo Bản.

7. Là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông.

8. Ba mật là thân mật, ngữ mật và ý mật. Có ba mật tự chứng của Như Lai và ba mật tu hành của chúng sinh. Ba mật của Như Lai là: thân bằng với ngữ, ngữ bằng với ý, xưa nay vốn bình đẳng, đều khắp pháp giới, là cảnh giới tự chứng của Phật, hàng phàm phu không thể biết được, cho nên gọi là “mật”.

9. Là tên gọi tắt của kinh Đại Tì Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì, do hai ngài Thiện Vô Úy và Nhất Hạnh dịch chung vào đời Đường, gồm 7 quyển; 6 quyển trước là kinh văn, quyển thứ 7 là phép tắc cúng dường.

10. Là tên gọi tắt của kinh Kim Cang Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương, do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, gồm 3 quyển.

11. Là tên gọi tắt của kinh Tô Tất Địa Yết La, do ngài Thâu Ba Ca La dịch vào đời Đường, gồm 3 quyển.

12. Là tên gọi tắt của kinh Kim Cang Phong Lâu Các Nhất Thiết Du Già Du Chỉ, do ngài Kim Cang Trí dịch vào đời Đường, gồm 2 quyển.

13. Là tên gọi tắt của kinh Kim Cang Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng, do ngài Kim Cang Trí dịch vào đời Đường, gồm 4 quyển.

14. Là tên gọi tắt của bộ luận Kim Cang Đảnh Du Già Trung Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm, ngài Long Thọ soạn, ngài Bất Không dịch, 1 quyển.

15. Tức là Thích Đại Thừa Khởi Tín Luận, thường được gọi tắt là Thích Luận, ngài Long Thọ soạn, ngài Phiệt Đề Ma Đa dịch vào đời Diêu-Tần, gồm 10 quyển.

16. Là chú út của đức Thích Tôn.

17. Tên của một nước ở miền Đông Ấn-độ.

18. Xin xem lại chú thích số 6, bài 8 ở trước.

19. Chuẩn Đề dịch là Thanh Tịnh, tức tán thán đức thanh tịnh của tâm tánh; được Thiền tông lấy làm một trong Quán Âm bộ, Đông Mật lấy làm một trong 6 Quán Âm, hiện trong hình tượng 3 con mắt 18 cánh tay.

20. Xin xem lại chú thích số 3, bài 24, sách Trung Cấp.

21. Đó là kinh đô của Trung-quốc ở thời đại nhà Đường, tức nay là thành phố Tây-an, tỉnh Thiểm-tây.

22. Dịch là “Thí vô yếm”, là ngôi chùa lớn nhất ở Ấn-độ, tọa lạc tại nước Ma-kiệt-đà, Trung Thiên-trúc.

23. Có 3 loại: – Loại thứ nhất: 1) A-xà-lê quán đảnh, tức Truyền pháp quán đảnh; 2) Thọ minh quán đảnh, lại gọi là thành tựu quán đảnh; 3) Tức tai quán đảnh, lại gọi là diệt tội quán đảnh; 4) Tăng nhất quán đảnh, lại gọi là cầu quả quán đảnh; 5) Hàng phục quán đảnh, lại gọi là trừ nạn quán đảnh. Xin xem sách Nhập Đàn Sao, quyển 2. – Loại thứ hai: 1) Quang minh quán đảnh, lấy ánh sáng gia bị cho thân thể của hành giả; 2) Cam lộ quán đảnh, lấy nước thơm rảy trên đầu; 3) Chủng tử quán đảnh, quán sát chủng tử trải khắp thân tâm; 4) Trí ấn quán đảnh, dùng ấn gia trì ở 5 nơi; 5) Cú nghĩa quán đảnh, quán chiếu ý nghĩa của chân ngôn trải khắp tim ngực, khiến cho liễu ngộ. Xin xem sách Kim Cang Đảnh Nghĩa Thích. – Loại thứ ba: 5 thứ tam-muội-da gọi là 5 thứ quán đảnh.

24. Tức hiện nay là đảo Tích-lan ở phía Nam Ấn-độ.

25. Là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông, tiếp sau niên hiệu Khai-nguyên.

26. Đó là niên hiệu của vua Đường Đại-tông.

 

PHỤ CHÚ

(01) Chùa Na-lan-đà: Tiếng Phạn “na-lan-đà” (nalanda) có nghĩa là bố thí không nhàm chán (thí vô yếm), là tên của một ngôi chùa lớn của Phật giáo Ấn-độ thời cổ, tọa lạc tại phía Bắc kinh thành Vươngxá của nước Ma-kiệt-đà, miền Trung Ấn-độ (nay là Baragaon, cách Rajgir khoảng 11 km về hướng Bắc), do vua Đế Nhật (Sakraditya) thuộc vương triều Cấp-đa xây dựng vào đầu thế kỉ thứ 5; và được các đời sau tu bổ mở rộng, trở thành một tự viện qui mô lớn lao bậc nhất, đồng thời cũng là một học viện cao cấp nhất của Phật giáo Ấn-độ thời cổ. Theo sách Đại Đường Tây Vực Kí ghi chép, địa điểm xây cất chùa Nalan-đà, nguyên là vườn Am-ma-la thời Phật tại thế; nơi mà đức Phật đã ngự trong 3 tháng để nói pháp. Sau khi đức Phật nhập diệt không lâu, vua Đế Nhật đã cho xây cất một ngôi già lam tại đó. Có hai thuyết nói về nguyên do chùa được đặt tên là “Na-lan-đà”: Thuyết thứ nhất nói, tại khu vườn phía Nam của ngôi chùa có một ao nước, trong ao có con rồng tên Na-lan-đà, cho nên đã lấy tên rồng mà đặt tên chùa. Thuyết thứ hai nói, trong một tiền kiếp khi đức Phật còn tu hạnh Bồ-tát, lúc đó Ngài là một vị quốc vương, đóng đô tại khu đất đó. Nhà vua chuyên tu hạnh bố thí, cho nên có đức hiệu là Thí Vô Yếm (bố thí không nhàm chán, tức là ý nghĩa của chữ “nalanda”), nhân đó mà đặt tên chùa là Na-lan-đà.

Vào lúc ngài Huyền Trang sang lưu học ở Na-lan-đà, học viện này có đến hàng trăm giảng đường, nhiều kho sách thật lớn, sáu dãy nhà rộng mênh mông, cao bốn tầng dùng làm phòng ngủ. Đài thiên văn của chùa cao đến nỗi thường bị lấ p trong mây mù buổi sáng. Theo sách Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện ghi chép, Na-lan-đà là ngôi chùa lớn nhất ở Ấn-độ vào thế kỉ thứ 7, tăng chúng thường trú lúc nào cũng đông đến vạn người, tu học đủ các bộ môn thuộc đại thừa và 18 bộ phái tiểu thừa, ngoài ra còn gồm cả Phệ-đà, Nhân minh, Thanh minh, Y phương, Thuật số v.v… Theo lời kể của ngài Huyền Trang thì tăng sinh muốn được vào học ở Na-lan-đà phải trải qua một cuộc thi tuyển vô cùng cam go. Khi được nhận học, họ đã khỏi phải đóng bất cứ phí tổn nào, lại còn được học viện đài thọ đủ thứ, miễn là phải tuân giữ kỉ luật vô cùng khắt khe.

Ban đầu, nơi đó là trung tâm của học phái Duy Thức, về sau dần dần diễn biến thành một trung tâm lớn của Mật giáo. Các vị luận sư trứ danh của Đại thừa Hữu tông như Hộ Pháp, Đức Tuệ, Kiên Tuệ, Thắng Hữu, Trí Nguyệt, Giới Hiền, Trí Quang, v.v… đều từng đảm nhiệm các chức vụ giáo thọ hoặc trụ trì tại học viện này. Ngoài ra còn có rất nhiều du học tăng đến từ Trung-quốc và các nước vùng Đông và Đông Nam Á; đồng thời, các vị sư Ấn-độ sang Trung-quốc trong thời kì này như Địa Bà Ha La, Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí v.v…, cũng từng tu học tại chùa này.

Đầu thế kỉ thứ 8, vương triều Cấp-đa suy sụp, Ấn-độ giáo hưng khởi mạnh mẽ, làm cho chùa Na-lanđà suy vi nhanh chóng. Đến cuối thế kỉ 12 thì chùa này bị quân Hồi giáo phá hủy. Vào năm 1197, đội quân ấy đã san bằng cả khu học viện Na-lan-đà bằng ngọn lửa tàn bạo, bao nhiêu tăng chúng đều bị giết sạch, bao nhiêu của cải đều bị cướp sạch.

Năm 1915, các nhà khảo cổ ở Ấn-độ đã bắt tay vào công việc khai quật có hệ thống đối với chùa Nalan-đà. Họ đã lần lượt phát hiện được nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và bằng đồng xanh từ trong các di tích của chùa này; hiện được bảo tồn trong viện bảo tàng Na-lan-đà ở Ấn-độ.

(02) Lạc-dương: là kinh đô cổ của Trung-quốc, thuộc tỉnh Hà-nam, phía Nam sông Hoàng-hà; cùng với Trường-an, là hai đô thành trọng yếu nhất trong lịch sử Trung-quốc. Vào thời đại nhà Châu, nó được gọi là Lạc-ấp, là đô thị trung tâm của toàn quốc lúc bấy giờ. Nó cũng là kinh đô của các triều đại Đông-Hán, Tào-Ngụy, Tây-Tấn, Bắc-Ngụy, và Hậu-Đường thời Ngũ-đại; vào thời đại nhà Tùy, nhà Đường, nó được đặt làm Đông-đô (có nghĩa như kinh đô thứ nhì). Lạc-dương là một thành phố cực kì phồn hoa, và cũng được coi là địa điểm trung tâm trong thời kì Phật giáo phát triển ở Trung-quốc. Đa số người Trung-quốc đều cho rằng, Lạc-dương là địa điểm đầu tiên đã tiếp nhận Phật giáo truyền vào Trung-quốc (vào năm 67 s. TL, dưới triều đại Đông-Hán). Tại đây có xây ngôi chùa Bạch-mã, cũng là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung-quốc (xây cất vào thời Đông-Hán, ngay sau khi Phật giáo được truyền vào). Về công việc phiên dịch kinh điển Phật giáo, các thuyết cũ của Phật giáo Trung-quốc đều nói rằng, kinh Tứ Thập Nhị Chương là quyển kinh được dịch đầu tiên tại Trung-quốc, và dịch tại kinh đô Lạc-dương này. Nhưng các khám phá gần đây cho thấy là điều đó không đúng, chỉ có thể xác định rằng, kinh điển được dịch ra Hán văn trong khoảng thời gian từ nhà Đông-Hán đến nhà Tây-Tấn, đều được dịch tại Lạc-dương. Vào thế kỉ thứ 5, nơi đây cũng là một địa điểm dịch kinh phồn thịnh; và chư vị cao tăng từ Ấn-độ sang Trung-quốc như Khang Tăng Khải, Trúc Pháp Hộ, Phật Đồ Trừng, Bồ Đề Lưu Chi, Lặc Na Ma Đề, Phật Đà Phiến Đa v.v… đều có mối quan hệ rất mật thiết đối với Lạc-dương. Hiện nay tại đây vẫn còn di tích chùa Bạchmã, vẫn bảo tồn được nét kiến trúc truyền thống Phật giáo; ngoài ra, ngôi tháp gạch 3 tầng của chùa Thái-khang và ngôi tháp đá 3 tầng của chùa Thạch-tháp được xây vào thời Tây-Tấn cũng vẫn còn. Thời Bắc-Ngụy, sau khi vua Hiếu-văn đế (471-499) dời kinh đô từ Đại-đồng về Lạc-dương (năm 494) thì phong trào xây dựng các kiến trúc Phật giáo đại qui mô tại khu hang động Long-môn (Long-môn thạch quật, thuộc kinh thành Lạc-dương, nằm cách thành 14 cây số về hướng Nam) được phát động rầm rộ.

Thêm vào đó, vào năm 516, vua Hiếu-minh đế (516-528) đã ban sắc xây cất chùa Vĩnh-ninh tại Lạcdương, rất đồ sộ, có thể chứa hơn ngàn tăng chúng cư trú. Sau khi nhà Bắc-Ngụy diệt vong thì Lạcdương cũng suy vi theo. Đến thời đại nhà Đường, sức sống của Lạc-dương lại được phục hưng, trở thành kinh đô thứ hai (Đông-đô) của nhà Đường – kinh đô chính là Trường-an (được gọi là Tây-đô). Dưới triều đại Vũ Tắc Thiên (684-705), hai ngôi chùa Phật-thọ-kí và Đại-vân được xây cất để làm đạo tràng phiên dịch kinh điển. Từ khi pháp nạn Hội-xương (dưới triều đại vua Đường Vũ-tông, 841-846) xảy ra, cho đến khi nhà Đường cáo chung, chiến loạn triền miên, Lạc-dương dần dần suy vi, cuối cùng thì trở thành là một thành phố bình thường như bao nhiêu phố thị khác ở trong nước.

(03) Huệ Quả (746-805): Ngài họ Mã, quê ở huyện Chiêu-ứng, phủ Kinh-triệu, tỉnh Thiểm-tây, người đời thường gọi là Thanh Long a-xà-lê, là vị tổ thứ bảy của Mật giáo Trung-quốc. Ngài vào đạo từ tuổi đồng niên, theo ngài Đàm Trinh tu học. Năm 17 tuổi, ngài theo ngài Đàm Trinh vào tham dự đạo tràng trong hoàng cung, tỏ ra là người kiệt xuất giữa đại chúng, cho nên được đại sư Bất Không nhận làm học trò, truyền dạy cho thật cặn kẽ về pháp yếu của “tam mật”. Năm 20 tuổi ngài chính thức thọ giới cụ túc, lại theo đệ tử của đại sư Thiện Vô Úy là Huyền Siêu, thọ học các pháp Thai-tạng và Tô-tất-địa, và theo đại sư Bất Không thọ học mật pháp Kim-cang-giới. Nhân đó, ngài đã dung hợp cả Thai-tạng-giới và Kimcang-giới, đề xướng tư tưởng “Kim Thai không hai” (cũng gọi là “Lí Trí không hai” ). Từ đó ngài thường được vua Đường Đại-tông (762-779) mời vào đạo tràng trong hoàng cung để hướng dẫn tu tập cho chính nhà vua và công chúa. Ngài được kế thừa pháp tịch của đại sư Bất Không, làm Quán Đảnh quốc sư tại viện Đông-tháp thuộc chùa Thanh-long, cho nên cũng còn được xưng là Thanh Long hòa thượng. Ngài rất được triều đình sùng kính, từng giữ chức quốc sư trải qua ba triều vua Đường: Đạitông, Đức-tông (780-805) và Thuận-tông (805). Năm 805 ngài viên tịch, thế thọ 60 tuổi. Ngài thông suốt sâu rộng kinh điển của cả Hiển và Mật giáo. Tăng chúng từ bốn phương qui tụ về theo học với ngài lúc nào cũng đông đến vài ngàn người. Các tăng sĩ ngoại quốc vào Trung-quốc tham học, phần nhiều đều theo ngài học Mật giáo; nổi tiếng nhất có sư Không Hải từ Nhật-bản, các sư Huệ Nhật và Ngộ Chân từ Tân-la (Triều-tiên); chính các vị này đã đem Mật giáo về truyền bá và sáng lập tông Chân Ngôn ở nước họ. Trước tác của ngài có Thập Bát Khế Ấn, A Xà Lê Đại Mạn Đà La Quán Đảnh Nghi Quĩ, Đại Nhật Như Lai Kiếm Ấn, Kim Cang Giới, Kim Cang Danh Hiệuv…; trong đó, quyển Thập Bát Khế Ấn nói về các hình thức căn bản của pháp tu Mật giáo, được coi là một trong các tác phẩm trọng yếu của Mật giáo. Ngài là vị tổ cuối cùng của tông Chân Ngôn Trung-quốc, đồng thời được coi là nguồn gốc của tông Chân Ngôn ở Nhật-bản; vì thế, trong lịch sử Mật giáo, ngài đã chiếm một địa vị trọng yếu.

(04) Không Hải (Kukai – 774-835): là vị sáng tổ của tông Chân Ngôn ở Nhật-bản. Ngài là người Nhật, 15 tuổi lên kinh đô học Nho, sau vào đại học Nại-lương (Nara) và dần dần chuyển sang nghiên cứu Phật giáo. Năm 18 tuổi đã phát biểu tư tưởng của mình trong sách Tam Giáo Chỉ Qui, phê bình cả 3 đạo Nho, Phật, Lão. Năm 20 tuổi ngài xuất gia ở chùa Chân-vĩ-sơn, học suốt kinh luận đại tiểu thừa, đặc biệt nghiên cứu về Tam Luận. Hai năm sau ngài thọ đại giới tại chùa Đông-đại. Một đêm nọ ngài nằm mộng thấy mình có được kinh Đại Nhật, nhưng không hiểu gì. Đến năm 31 tuổi (năm 804) ngài sang Trungquốc (bấy giờ là thời đại nhà Đường), đến kinh đô Trường-an tham học với nhiều vị cao tăng thạc học, cuối cùng thì làm đệ tử đích truyền của ngài Huệ Quả ở chùa Thanh-long, được thọ phép quán đảnh axà-lê Mật tông, xưng hiệu là Biến Chiếu Kim Cang, trở thành vị tăng Nhật-bản đầu tiên tu học theo tông Chân Ngôn. Năm 806, vâng lời di chúc của thầy, ngài trở về Nhật-bản để hoằng dương Mật giáo. Ngài đã sáng lập tông Chân Ngôn ở Nhật-bản, và do sự nỗ lực hoằng dương của ngài mà Mật giáo trở nên cực thịnh một thời, gây ảnh hưởng sâu rộng trong các công việc của quốc gia, của dân tộc, của sắc tộc, thậm chí của một nhóm người, một cá nhân con người; áp đảo cả ảnh hưởng của các tông phái từng có thế lực khác như Hoa Nghiêm và Thiên Thai. Triều đại Bình-an (Heian – 784-1185) đã trở thành thời đại của tông Chân Ngôn Phật giáo! Năm 835 ngài viên thịch, thế thọ 62 tuổi, được vua ban thụy hiệu là Hoằng Pháp đại sư. Trước tác của ngài thật phong phú: Về phương diện giáo nghĩa có Biện Hiển Mật Nhị Giáo Luận, Bí tạng Bảo Dược, Thập Trụ Tâm Luận, Tức Thân Thành Phật Nghĩa, Bát Nhã Tâm Kinh Bí Kiện, Phú Pháp Truyệnv…; về phương diện văn học có Văn Cảnh Bí Phủ Luận, Văn Bút Nhãn Tâm Sao, Tánh Linh Tập, Cao Dã Tạp Bút Tập v.v…

(05) Đông-Mật: tức tông Chân Ngôn Mật Giáo ở Nhật-bản, do ngài Không Hải khai sáng, đặt đạo tràng căn bản tại chùa Đông-tự. Ngôi chùa này tọa lạc ở khu phía Đông của cố đô Kyoto (Đông-đô). Đó là một ngôi quốc tự của Nhật-bản, được hoàng đế Saga dâng cúng cho ngài Không Hải; và nó đã trở thành đạo tràng trung tâm của phái Chân Ngôn Mật Giáo (Đông-Mật). Đối lại với Đông-Mật là Thai-Mật, tức là Mật giáo do tông Thiên Thai truyền, đặt đạo tràng trung tâm ở chùa Diên-lịch, núi Duệ-sơn.

(06) Lí trí không hai: “LÍ” là chân lí; “TRÍ’ là trí tuệ. Kim-cang-giới và Thai-tạng-giới, về mặt lịch sử là hai dòng tư tưởng Mật giáo khác nhau, nhưng đã được ngài Huệ Quả (Trung-quốc) hợp nhất lại, và truyền cho ngài Không Hải (Nhật-bản). Theo giáo thuyết này thì Thai-tạng-giới được coi là sự biểu hiện của chân lí vốn có sẵn trong con người; và Kim-cang-giới được coi là sự biểu hiện của trí tuệ tối thượng mà con người đang tu tập, đang thăng tiến để chứng đạt chân lí ấy. Vì vậy, trên bề mặt thì có hai giới Lí và Trí, nhưng trong ý nghĩa sâu kín thì chúng thực sự chỉ là một. Nói cách khác, chân lí là đối tượng chứng đạt của trí tuệ; trí tuệ chứng đạt chân lí, chứ không thể chứng đạt suông. Vậy không có trí tuệ thì không có chân lí, ngược lại, không có chân lí thì không có trí tuệ; chân lí và trí tuệ là hai mặt không thể tách rời của một thực thể; chúng là hai nhưng kì thật chỉ là một; cho nên nói là “lí trí không hai”, cũng tc là “Kim Thai không hai”.

(07) Kim-cang-giới và Thai-tạng-giới: Theo cái nhìn của Mật giáo, vạn pháp trong vũ trụ đều là sự hiển hiện của đức Đại Nhật Như Lai: biểu hiện về phương diện trí đức của Ngài, gọi là “Kim-cang-giới”; biểu hiện về phương diện lí tánh của Ngài, gọi là “Thai-tạng-giới”. Trí đức là phần nội chứng của đức Như Lai, cái thể rất kiên cố, không bị phiền não phá hoại, giống như đá quí kim cương không bị bất cứ vật gì phá hoại; cho nên, Kim-cang-giới gồm đủ các ý nghĩa trí, quả, thỉ giác, tự chứng. Đem Kim-cang-giới biểu thị bằng đồ họa thì gọi là Mạn-đà-la Kim-cang-giới. Trái lại, lí tánh của Như Lai vẫn tồn tại trong tất cả vạn pháp, được đức đại bi nuôi dưỡng, giống như ở trong thai mẹ, hoặc như hạt sen hàm chứa trong hoa sen, vì vậy mà từ “thai tạng” được dùng để ví dụ; và Thai-tạng-giới gồm đủ các ý nghĩa lí, nhân, bản giác, hóa tha. Đem Thai-tạng-giới biểu thị bằng đồ họa thì gọi là Mạn-đà-la Thai-tạng-giới. Kim-cang-giới và Thai-tạng-giới hợp lại gọi là “hai bộ chân ngôn”, hay “hai bộ Kim Thai”, là hai bộ, hay hai mặt căn bản nhất của Mật giáo.

 

BÀI TẬP

1) Hiển giáo và Mật giáo khác nhau ở chỗ nào?

2) Hãy trình bày nguyên do của giáo pháp chân ngôn và sơ lược sự truyền thừa của tông Chân Ngôn.

3) Số kinh luận mà tông Chân Ngôn y cứ, gồm có mấy bộ?

4) Hãy trình bày cái động cơ khiến cho ngài Kim Cang Trí theo đường hàng hải sang Trung-quốc.

5) Vị tăng Nhật-bản đã khai sáng Đông Mật là ai? Thầy của vị tăng đó là ai? Và trên nữa, thầy của vị thầy này là ai?

6) Hình tượng đức Bồ-tát Chuẩn Đề có gì là đặc trưng?

7) Sao gọi là “mạn đà la”?