GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP HAI
Bài 23
QUÁ TRÌNH PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN ở TRUNG QUỐC (phần 2)
Thời Bắc-Lương1(1), ngài Đàm Vô Sấm2(2) phiên dịch kinh điển cả thảy 19 bộ, gồm 131 quyển, trong đó nổi tiếng nhất là bộ kinh Đại Bát Niết Bàn, 40 quyển. Bộ kinh này từ trước cũng đã có người dịch3, nhưng không đủ bộ – ngay cả ngài Đàm Vô Sấm dịch cũng thiếu hai quyển chót; mãi đến đời Đường mới được bổ túc, làm thành bộ kinh hoàn chỉnh. Đến lúc này, cái yếu chỉ “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính; cho đến loại người nhất xiển đề4 cũng sẽ thành Phật.” mới được làm sáng tỏ ở thế gian.
Trong thời gian 170 năm của thời đại Nam- triều5(3), dưới vương triều LưuTống6(4), có vị dịch sư nổi tiếng là ngài Cầu Na Bạt Đà La7(5), đã phiên dịch kinh luận cả thảy 52 bộ, gồm 134 quyển; trong đó, bộ kinh Tạp A Hàm (50 quyển) là trọng yếu nhất. Đến lúc này, toàn bộ 4 bộ kinh A Hàm(6) mới được phiên dịch đầy đủ. Vào thời đó lại cũng có ngài Phật Đà Thập8(7), đã dịch bộ luật Ngũ Phần9 gồm 30 quyển. Từ đó, Trung-quốc mới có quảng bản(8) của bốn bộ luật10. Dưới triều đại nhà Tiêu-Lương11(9), ngài tam tạng pháp sư Chân Đế12(10) từ Ấn-độ sang đến Trung-quốc, đã dịch kinh Kim Quang Minh v.v…, cả thảy 11 bộ kinh luận, gồm 214 quyển; trong đó, cuốn Khởi Tín Luận là trứ danh nhất. Vào buổi đầu triều đại nhà Trần(11), ngài tiếp tục dịch được 38 bộ kinh luận, gồm 118 quyển.
Lúc bấy giờ, dưới triều đại nhà Bắc Ngụy(12), cũng có ngài Bồ Đề Lưu Chi13(13) đang đảm nhiệm công tác dịch kinh ở chùa Vĩnh-ninh. Trong khoảng 30 năm, cho đến buổi đầu triều đại nhà Đông-Ngụy14(14), ngài đã dịch được cả thảy 30 bộ, gồm 101 quyển, trong đó có nhiều trước tác của Bồ-tát Thế Thân, mà bộ Thập Địa Kinh Luận (12 quyển) là có tiếng hơn cả. Lại có ngài Bát Nhã Lưu Chi15 ở triều đại nhà Đông-Ngụy, cũng dịch kinh luận cả thảy 18 bộ, gồm 92 quyển, trong đó, bộ kinh Chánh Pháp Niệm Xứ (70 quyển) – bộ kinh cốt yếu của tiểu thừa – là đồ sộ hơn hết.
Dưới triều vua Văn đế nhà Tùy(15), các ngài Na Liên Đề Lê Da Xá16(16) và Xà Na Quật Đa17 đều có thành tích dịch thuật. Ở vương triều Đường(17), trong khoảng từ vua Thái-tông(18) cho đến vua Huyền-tông(19), là thời kì cực thịnh của hiển giáo; dịch sư có vài vị, đều là những nhân vật kiệt xuất, như ngài Thích Huyền Trang18(20), vào năm thứ 3 niên hiệu Trinh-quán(21), đã rời Trung-quốc du hành về hướng Tây, trải khắp các nước và đến được Ấn-độ, học thông pháp môn Du Già19, tinh tường học thuyết Duy Thức. Đến năm thứ 19 niên hiệu Trinh-quán, ngài trở về nước, mang theo về 520 rương kinh luật luận, gồm 657 bộ. Vua Thái-tông đã ban sắc cho ngài ở tại chùa Hoằng-phúc, làm vị “dịch chủ”. Trong suốt 20 năm, ngài đã dịch được 75 bộ kinh luật luận, gồm 1.335 quyển; trong số đó, đồ sộ nhất là các bộ: kinh Đại Bát Nhã (600 quyển), luận Đại Tì Bà Sa (200 quyển), luận Du Già Sư Địa (100 quyển); và các bộ luận khác như Thuận Chánh Lí (80 quyển), Câu Xá (30 quyển), Hiển Dương (20 quyển), và nhiều loại kinh luận thuộc về tông Pháp Tướng20, đều được coi là trọng yếu.
Dưới triều Võ Tắc Thiên đế(22), ngài Thật Xoa Nan Đà21(23) đã dịch kinh Bát Thập Hoa Nghiêm22, và dịch lại kinh Nhập Lăng Già cùng luận Khởi Tín, cả thảy có 19 bộ, gồm 107 quyển. Lại nữa, kế tiếp ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh23(24) cũng xuất du sang Ấn-độ. Trong khoảng 20 năm, ngài đã đi qua hơn 30 nước, mang về Phạn bản Ba Tạng có đến 500.000 kệ tụng. Ban đầu ngài chỉ phụ giúp cho ngài Thật Xoa Nan Đà, về sau mới tự dịch, và đã dịch được 61 bộ, gồm 239 quyển, thuộc cả hiển giáo lẫn mật giáo; trong đó, bộ Nhất Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da24 là đồ sộ nhất.
Vào năm thứ hai niên hiệu Trường-thọ(25) dưới triều Võ Tắc Thiên đế, ngài Bồ Đề Lưu Chí25(26) mới khởi sự phiên dịch. Trải qua 17 năm, ngài đã dịch được 53 bộ, gồm 111 quyển; và công trình phiên dịch hoàn thành bộ kinh Đại Bảo Tích gồm 120 quyển là trọng yếu nhất. Như thế là từ buổi Sơ Đường(27) cho đến lúc này, các bộ kinh có số quyển đồ sộ nhất, đều đã được dịch xong, đó là bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, 600 quyển, do ngài Huyền Trang dịch; bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, 80 quyển, do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch; bộ Đại Bảo Tích Kinh, 120 quyển, do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch. Đó là ba bộ kinh lớn thuộc về hiển giáo26.
CHÚ THÍCH
1. Bắc-Lương là một trong 16 nước dưới vương triều Tấn. Thư-cừ Mông Tốn, người Hồ, khởi binh làm phản nhà Hậu-Lương, tôn Đoàn Nghiệp lên làm Lương vương; rồi lại giết Đoàn Nghiệp, tự lập làm vua, sử gọi đó là nhà Bắc-Lương; về sau bị nhà Hậu-Ngụy tiêu diệt.
2. Đàm Vô Sấm nghĩa là Pháp Phong, là vị sa môn người Trung-Ấn. Thuở nhỏ ngài thích tụng chú, học thông ngũ minh, tất cả những điều vấn nạn đều giải đáp trôi chảy; về sau chuyên nghiên cứu đại thừa.
3. Ngài Trúc Pháp Hộ đã dịch 2 quyển; ngài Thích Pháp Hiển đã dịch 6 quyển.
4. Nhất xiển đề nghĩa là rất khó thành Phật; có hai loại: 1) Người không tin nhân quả, tạo tội ngũ nghịch, làm mười điều ác, dứt mọi căn lành, bị đọa vào địa ngục A-tì. Loại người này rất khó thành Phật, gọi là “đoạn thiện xiển đề”. 2) Các vị Bồ-tát đại bi, phát nguyện “khi nào tất cả chúng sinh đều thành Phật thì mới thành Phật”; nhưng vì chúng sinh nhiều vô tận, thời gian phải quá lâu dài, cho nên những vị Bồ-tát này cũng rất khó thành Phật, gọi là “đại bi xiển đề”. Thông thường, hễ nói đến “nhất xiển đề”, phần nhiều là ám chỉ cho loại người “đoạn thiện xiển đề”; trong bài này cũng vậy.
5. Sau vương triều Đông-Tấn, 4 vương triều Tống, Tề, Lương, Trần, đều cai trị địa phận phía Nam, đóng đô tại thành Kiến-khang, cho nên gọi là Nam-triều.
6. Lưu Dụ soán ngôi nhà Đông-Tấn, tự xưng đế, đặt tên nước là Tống; sử gọi đó là nhà Lưu-Tống.
7. Cầu Na Bạt Đa La nghĩa là Công Đức Hiền, là vị sa môn người Trung-Ấn, tinh thông cả đại, tiểu thừa, từ Tích-lan đến Trung-quốc bằng đường hàng hải.
8. Phật Đà Thập nghĩa là Giác Thọ, là vị sa môn người Kế-tân, tinh chuyên tạng Luật, cũng đạt được yếu chỉ của Thiền học. Ở thời đại Đông-Tấn, ngài Pháp Hiển thỉnh được Phạn bản của bộ luật Di Sa Tắc ở đảo Tích-lan, đem về nước, chưa dịch được thì đã viên tịch. Chư tăng nghe danh Phật Đà Thập từng tâm đắc về Luật học, bèn thỉnh ngài dịch bộ luật ấy ra Hán văn.
9. Luật Ngũ Phần tức là luật bản của bộ phái Di Sa Tắc.
10. Bốn bộ luật gồm có: 1) Bộ Thập Tụng Luật gồm 61 quyển là luật bản của bộ phái Tát Bà Đa, do ngài Phất Nhã Đa La ở thời Hậu-Tần dịch. 2) Bộ Tứ Phần Luật gồm 60 quyển là luật bản của bộ phái Đàm Vô Đức, do ngài Phật Đà Da Xá ở thời Diêu-Tần dịch. 3) Bộ Ma Ha Tăng Kì Luật gồm 40 quyển là luật bản của Thượng Tọa bộ ở Quật-nội, do ngài Phật Đà Bạt Đà La (và các vị khác) ở thời Đông-Tấn dịch. 4) Bộ Ngũ Phần Luật gồm 30 quyển là luật bản của bộ phái Di Sa Tắc, do ngài Phật Đà Thập ở thời Lưu-Tống dịch.
11. Vào thời Lục-triều, Tiêu Diễn soán ngôi nhà Tề, đặt tên nước là Lương, sử gọi là nhà Tiêu-Lương.
12. Tên tiếng Phạn là Ba La Vị Đà, dịch ra Hán ngữ là Chân Đế, là vị sa môn người nước ưu-thiền-ni ở Tây-Ấn. Ngài thông suốt cả nội và ngoại điển, được vua Lương Vũ đế thỉnh đến Trung-quốc. Dịch phẩm của ngài gồm có 3 quyển: Kim Quang Minh Kinh, Khởi Tín Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận; ngoài ra ngài còn dịch 15 quyển thuộc trước tác của ngài Thế Thân, và một số sách thuộc pháp môn Du Già.
13. Bồ Đề Lưu Chi là vị sa môn người Bắc-Ấn, thông suốt cả Ba Tạng, sở trường cả hiển và mật giáo, đến nước Bắc-Ngụy vào năm đầu niên hiệu Vĩnh-bình đời vua Tuyên-vũ đế, được vua thỉnh dịch kinh luận. Đời Hiếu-minh đế, Hồ thái hậu xây chùa Vĩnh-ninh trang nghiêm tráng lệ, cung phụng 700 vị Phạn tăng, trong đó, ngài Lưu Chi là vị lãnh đạo của đạo tràng dịch kinh.
14. Cuối thời Bắc-Ngụy, vua Hiếu-vũ đế chạy trốn về hướng Tây, Cao Hoan bèn lập Hiếu-tĩnh đế lên ngôi, sử gọi đó là nhà Đông-Ngụy.
15. Bát Nhã Lưu Chi, dịch ra Hán ngữ là Trí Hi, nguyên là người Bà-la-môn ở Trung-Ấn, nhưng rất tinh thông Phật pháp. Ngài đến Lạc-dương vào lúc Hồ thái hậu bắt đầu nhiếp chính. Về sau ngài theo Hiếutĩnh đế của nhà Đông-Ngụy dời đô đến thành Nghiệp, tiếp tục chuyên việc dịch kinh.
16. Na Liên Đề Lê Da Xá nghĩa là Tôn Xứng, là vị sa môn nước Ô-trành ở Bắc-Ấn. Năm thứ 7 niên hiệu Thiên-bảo nhà Bắc-Tề, ngài đến kinh đô Nghiệp, dịch kinh suốt 10 năm, được 7 bộ kinh luận, gồm 51 quyển, trong đó, kinh Đại Bi và kinh Nguyệt Tạng được coi là kiệt tác. Sau khi nhà Tề mất, vua Văn đế nhà Tùy thỉnh ngài về kinh đô, tiếp tục dịch kinh, được 8 bộ, gồm 23 quyển.
17. Xà Na Quật Đa nghĩa là Chí Đức, là vị sa môn nước Kiền-đạt ở Bắc-Ấn, đã đến Trường-an dưới triều vua Vũ đế nhà Bắc-Chu, sau dời sang ở Ích-châu; nơi nào cũng lo việc dịch kinh. Vua Vũ đế phá trừ Phật giáo, triệu ngài vào kinh, đem tước lộc dụ dỗ, bắt phải theo Nho giáo. Ngài thề chết không theo, bèn bị trục xuất ra khỏi Trung-quốc. Khi đến lãnh thổ của tộc Đột-quyết, ngài gặp phái đoàn chư tăng Bắc-Tề như Bảo Xiêm v.v… cả thảy 10 vị. Nguyên phái đoàn chư tăng này cùng đi Tây-vức thỉnh kinh, trải qua 7 năm, đã thỉnh được 260 bộ kinh Phạn bản. Trên đường trở về Trung-quốc, nghe tin vua Vũ đế nhà Chu đã diệt nhà Tề, đang hủy diệt Phật pháp, quí ngài bèn ở lại đất Đột-quyết, nhân đó mà được gặp ngài Xà Na Quật Đa. Sau đó không lâu, vua Vũ đế nhà Chu chết, vua Văn đế nhà Tùy lên ngôi, Phật pháp được trùng hưng, phái đoàn ngài Bảo Xiêm chở kinh Phạn bản về Trung-quốc trước, và trình mọi việc lên vua Văn đế biết. Nhà vua liền sai sứ giả sang thỉnh ngài Xà Na Quật Đa trở lại Trung-quốc, ngụ tại kinh đô để chủ trì công tác dịch kinh. Ngài đã dịch được cả thảy 39 bộ kinh, gồm 192 quyển, đủ cả hiển giáo lẫn mật giáo, trong đó, bộ kinh Phật Bản Hạnh (60 quyển) là lớn nhất.
18. Ngài Huyền Trang họ Trần, tên là Huy, quê ở Trần-lưu, 13 tuổi xuất gia ở chùa Tịnh-độ. Năm thứ 3 niên hiệu Trinh-quán đời vua Đường Thái-tông, ngài rời Trung-quốc du hành về hướng Tây, độc hành vạn dặm, trải xiết bao hiểm trở, đến được Ấn-độ, theo học với các vị như luận sư Giới Hiền, cư sĩ Thắng Quân, v.v… Sau khi trở về nước, đã phiên dịch tất cả các kinh luận do chính ngài mang theo về. Ngày Mồng 5 tháng 2 năm đầu niên hiệu Lân-đức đời vua Cao-tông, ngài viên tịch; thọ thế 65 tuổi.
19. Du già nghĩa là tương ứng, tức pháp môn này tương ứng với năm đối tượng: cảnh, hành, lí, quả, và cơ. Du già của Duy Thức là tương ứng với lí; du già của Mật giáo là tương ứng với hành. Chữ “du già” nêu ở đây là chỉ cho Duy Thức học.
20. Pháp Tướng tông là một trong 8 tông phái đại thừa, nhằm trình bày thật rõ ràng tánh tướng của vạn pháp; cho nên gọi là “pháp tướng”. Lại nữa, y theo Duy Thức luận mà thấy rõ cái lí duy thức của vạn pháp, nên cũng gọi là “tông Duy Thức”. Tại Trung-quốc, tông Duy Thức đã được ngài Đường Huyền Trang khai lối, rồi hình thành bởi đệ tử của ngài là Khuy Cơ; và vì ngài Khuy Cơ trú tại chùa Từ-ân, cho nên tông Duy Thức cũng được gọi là tông Từ Ân.
21. Thật Xoa Nan Đà nghĩa là Hỉ Học, là vị sa môn nước Vu-điền, thích nghiên cứu kinh giáo nhất thừa. Võ hậu nhà Đường, vì bộ kinh Hoa Nghiêm cựu dịch chưa đầy đủ, nghe ngài Nan Đà là người tinh tường về kinh này, bèn thỉnh ngài mang kinh ấy vào Trung-quốc, và phiên dịch thành bản mới, 4 năm thì xong, được cả thảy 80 quyển. Vì khác với bộ Lục Thập Hoa Nghiêm do ngài Phật Đà Bạt Đa La đã dịch trước đây, nên bộ này được đặt tên là Bát Thập Hoa Nghiêm. Ngài viên tịch năm 59 tuổi. Sau khi trà tì, cái lưỡi của ngài vẫn còn nguyên vẹn, giống như trường hợp ngài Cưu Ma La Thập. Do đó có thể biết, những kinh luận do ngài phiên dịch, đều hoàn toàn phù hợp với Phật pháp.
22. Xin xem chú thích số 21 ở trên.
23. Ngài Nghĩa Tịnh quê ở Tề-châu, thời đại nhà Đường, trú tại chùa Đại-tiến-phúc ở Kinh-triệu. Năm thứ 2 niên hiệu Hàm-hanh (ngài 37 tuổi), ngài đi Ấn-độ bằng đường biển; sau 25 năm ngài trở về Lạcdương. Lúc đầu ngài phụ tá cho ngài Thật Xoa Nan Đà để dịch kinh Hoa Nghiêm, về sau ngài tự chủ trì việc phiên dịch. Ngài viên tịch năm 79 tuổi.
24. “Tì-nại-da” cũng gọi là “tì-ni”, tức là giới luật do Phật nói, cựu dịch là “diệt”, nghĩa là dứt trừ mọi lỗi lầm xấu ác; lại dịch là “luật”, nghĩa là giống như pháp luật ở thế gian, xét đoán các tội nặng nhẹ. Tân dịch là “điều phục”, tức là điều hòa ba nghiệp, chế ngự và dứt trừ mọi điều xấu ác.
25. Bồ Đề Lưu Chí nghĩa là Giác Ái, là vị sa môn người Nam Ấn, cực kì thông minh. Ban đầu ngài theo học ngoại đạo, không có gì mà không thông hiểu, bèn tự cho là đã đạt đến chỗ rốt ráo cùng tột. Năm 60 tuổi, nhân dịp được biện luận với các vị thiện tri thức Phật giáo đại thừa, bị đuối lí, ngài bèn qui y theo Phật giáo. Chỉ trong vòng 5 năm, ngài rỗng suốt cả Ba Tạng. Võ hậu nghe tiếng, thỉnh ngài mang kinh luận Phạn bản đến Trung- quốc, tham gia công tác phiên dịch. Ngài làm việc cần mẫn, đến hơn trăm tuổi mới chịu nghỉ. Ngày Mồng 5 tháng 11 năm thứ 15 niên hiệu Khai-nguyên, ngài viên tịch thọ thế 156 tuổi.
26. Tông Chân Ngôn chia toàn bộ những lời Phật dạy làm hai bộ phận là hiển giáo và mật giáo. Tất cả các kinh điển thuộc đại, tiểu thừa do đức Phật Thích Ca nói, đều có ý nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, đó là “hiển giáo”; kinh điển thuộc hai bộ Kim Cương giới và Thai Tạng giới do đức Đại Nhật Như Lai nói, ý nghĩa hoàn toàn bí mật, không thể hiểu được, đó là “mật giáo”.
PHỤ CHÚ
1. Bắc-Lương (397-439): là một trong 16 nước của năm tộc Hồ dưới vương triều Đông-Tấn. Nguyên, trong triều đình nhà Hậu-Lương (386-403) có hai vị thượng thư là Đoàn Nghiệp (người Hán) và Thư-cừ La Cừu (người tộc Hung-nô). Năm 397, La Cừu bị giết, người cháu là Thư-cừ Mông Tốn (368-433) khởi binh làm phản, tôn Đoàn Nghiệp (bấy giờ là thái thú quận Kiến-khang thuộc nước Hậu-Lương) lên làm Lương vương, đóng đô ở Trương-dịch (nay thuộc tỉnh Cam-túc), sử gọi là nhà Bắc-Lương. Năm 401, Mông Tốn lại giết Đoàn Nghiệp, tự lập làm vua Bắc-Lương, xưng là Hà-tây vương. Năm 421, Mông Tốn đem quân diệt nước Tây-Lương, chiếm cứ toàn bộ Lương-châu. Nhưng đến năm 439 thì Bắc-Lương bị Bắc-Ngụy tiêu diệt. Bắc-Lương là một trong vài nước cuối cùng của thời đại Đông-Tấn liệt-quốc (hay Ngũ-Hồ thập-lục-quốc).
2. Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa, 385-433): là vị cao tăng dịch kinh ở triều đại Bắc-Lương (397-439). Ngài là người Trung-Ấn, xuất thân từ dòng Bà-la-môn. Lúc đầu ngài học giáo pháp tiểu thừa, giỏi cả ngũ minh, có tài giảng thuyết, ứng đối khéo léo. Về sau ngài gặp được thiền sư Bạch Đầu, được trao cho kinh Đại Bát Niết Bàn chép trên vỏ cây. Xem xong, ngài tự thấy hổ thẹn, bèn chuyển hướng chuyên học giáo pháp đại thừa. Năm 20 tuổi ngài đã tụng đến hơn 200 vạn câu kinh cả tiểu lẫn đại thừa. Ngài lại giỏi cả chú thuật, rất được vua kính trọng, lại được người đương thời xưng là “Đại Chú sư”. Sau, ngài đã mang 5 phẩm đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Bồ Tát Giới và Bồ Tát Giới Bản sang nước Kế-tân, rồi sang nước Qui-tư, nhưng những nơi này phần đông người ta học theo tiểu thừa, nên ngài lại tiến về hướng Đông, xuyên qua nước Thiện-thiện (tức huyện Thiện-thiện, tỉnh Tân-cương ngày nay), và vào Đôn-hoàng. Năm 412, Hà-tây vương (vua nhà Bắc-Lương) Thư-cừ Mông Tốn đã nghinh đón ngài về ở Cô-tàng, tiếp đãi trọng hậu. Ngài ở đó học Hán ngữ 3 năm, rồi bắt đầu phiên dịch phần đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn. Vì kinh này còn thiếu sót, nên sau đó ngài sang nước Vu-điền, và đã tìm được phần còn thiếu của kinh này. Ngài trở về lại Cô-tàng và dịch tiếp, trước sau được 36 phẩm (nhưng vẫn còn thiếu phần chót).
Cũng trong thời gian này, đáp ứng lời thỉnh cầu của chư tăng, trước sau ngài đã dịch các kinh luật khác như Phương Đẳng Đại Tập Kinh, Kim Quang Minh Kinh, Bi Hoa Kinh, Bồ Tát Địa Trì Kinh, và Bồ Tát Giới Bản.
Bấy giờ, vua Thái-vũ đế (424-452) nhà Bắc-Ngụy (386- 534), nghe tiếng ngài giỏi về chú thuật, bèn cho sứ giả đến nghinh thỉnh. Mông Tốn sợ ngài sẽ vì vua Bắc-Ngụy mà dùng chú thuật hại mình, nên nhân lúc ngài đi Tây-vức để tìm nốt phần cuối của kinh Niết Bàn (phần này về sau đã do ngài Nhã Na Bạt Đà La, đời Đường, dịch thành 2 quyển, gọi là Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần), ông đã cho thích khách hại ngài ở giữa đường. Lúc đó ngài mới được 49 tuổi.
Bản kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài dịch, người đời gọi là Bắc Bản Niết Bàn Kinh (gồm 40 quyển, hiện đang lưu hành). Sau khi dịch xong, bản kinh này đã được truyền xuống phương Nam (nhà Tống). Các ngài Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Tạ Linh Vận đã đem nó đối chiếu với bản Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển) do ngài Pháp Hiển dịch, tăng thêm số phẩm, sửa sang thành 25 phẩm, gồm 36 quyển, xưa nay vẫn gọi đó là Nam Bản Niết Bàn Kinh. Trong Tạng Đại Chánh, quyển 12, bản do ngài Pháp Hiển dịch được ghi số 376, mang tên là Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh (6 quyển); bản Bắc do ngài Đàm Vô Sấm dịch được ghi số 374, mang tên là Đại Bát Niết Bàn Kinh (40 quyển); và bản Nam do ngài Tuệ Nghiêm v.v… trùng tu được ghi số 375, mang tên Đại Bát Niết Bàn Kinh (36 quyển).
3. Nam-triều (420-589): là một thời đại lịch sử của Trung-quốc kế tiếp sau thời đại Đông-Tấn. Thời đại này gồm có bốn vương triều nối tiếp nhau: Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), và Trần (557-589). Sau thời đại Đông-Tấn, Trung-quốc bị chia thành hai bộ phận: Phía Nam sông Trường-giang có bốn vương triều nói trên kế tiếp nhau thống trị, đều đóng đô tại thành Kiến-khang (tức Kiến-nghiệp, nay là thành phố Nam-kinh, tỉnh Giang-tô), sử gọi đó là Nam-triều; phía Bắc sông Trường-giang do các vương triều Bắc-Ngụy, Đông-Ngụy, Tây-Ngụy, Bắc-Tề, và Bắc-Chu thống trị, sử gọi đó là Bắc-triều. Sau đó, nhà Tùy diệt cả Bắc lẫn Nam, thu về một mối, thống nhất đất nước. Thời gian 170 năm chia cắt Nam Bắc này, sử gọi là thời đại Nam-Bắc-triều. Mặt khác, có vài sử gia Trung-quốc, đã gọi 6 vương triều kế tiếp nhau đóng đô tại Kiến-nghiệp ở Giang-nam, trong giai đoạn từ năm 220 đến năm 589 sau thời HậuHán, gồm có Đông-Ngô, Đông-Tấn, Lưu-Tống, Nam-Tề, Lương, và Trần, là thời đại Nam-triều Lục-triều; trong khi đó, 6 vương triều đóng đô ở Giang-bắc trong giai đoạn từ năm 220 đến năm 618 sau thời HậuHán, là Tào-Ngụy, Tây-Tấn, Hậu-Ngụy, Bắc-Tề, Bắc-Chu và Tùy, là thời đại Bắc-triều Lục-triều. Về sau, các sử gia Trung-quốc lại gọi chung các triều đại sau nhà Hậu-Hán (ở cả Nam phương và Bắc phương) gồm Tam-quốc, Tây-Tấn, Đông-Tấn, Nam-triều, Bắc-triều, và Tùy (tức giai đoạn kéo dài từ năm 220 đến năm 618, cả thảy 398 năm), là thời đại Lục-triều.
4. Lưu-Tống (420-479): là vương triều đầu tiên của thời đại Nam-triều. Cuối thời Đông-Tấn, vua
Cung đế (Tư-mã Đức Văn) vừa lên ngôi năm 419 thì sang năm sau (420) đã bị quyền thần là Lưu Dụ phế bỏ. Nhà Tấn đến đó là diệt vong. Sau khi phế Cung đế, Lưu Dụ tự lên ngôi xưng đế, đổi quốc hiệu là Tống, đóng đô tại Kiến-khang, sử gọi đó là nhà Lưu-Tống, kéo dài được 60 năm, rồi bị nhà Nam-Tề tiêu diệt.
5. Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra, 394-468): là vị tăng dịch kinh thời Lưu-Tống. Ngài người TrungẤn, xuất thân từ dòng Bà-la-môn; thuở nhỏ từng học ngũ minh và các bộ luận, nghiên tập cả các môn thiên văn, toán số, y thuật, chú thuật. Về sau nhân đọc bộ Tạp A Tì Đàm Tâm Luận mà khởi lòng sùng tín Phật pháp, bèn cạo đầu xuất gia và thọ giới cụ túc. Ngài là người từ hòa cung thuận, tu học chuyên cần. Ban đầu ngài học giáo pháp tiểu thừa, thông suốt Ba Tạng; sau chuyển hướng sang đại thừa, chuyên nghiên cứu các kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Hoa Nghiêm, rồi trở thành một vị giảng sư nổi tiếng. Ngài cũng đem Phật pháp giáo hóa song thân. Phụ thân ngài được cảm hóa, cũng qui y Phật giáo.
Năm 435 ngài theo đường biển đến Quảng-châu. Vua Văn đế (424-453, nhà Lưu-Tống) đã sai sứ xuống nghinh đón ngài về Kiến-khang, mời ở chùa Kì-hoàn để phiên dịch kinh điển. Tại đây, ngài đã cùng với các ngài Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, dịch được bộ kinh Tạp A Hàm; sau đó, tại chùa Đông-an, ngài đã dịch bộ kinh Đại Pháp Cổ; rồi tại quận Đan-dương, ngài dịch kinh Thắng Man; lại nhận lời mời của Tiều vương, đến ở chùa Tân tại Kinh-châu, diễn giảng kinh Hoa Nghiêm. Ngoài ra ngài cũng từng cư trú tại nhiều chùa khác như Đạo-tràng, Trung-hưng, Bạch-tháp v.v… Vào năm 463 (đời vua Hiếu-vũ đế, 454464), ngài vâng mệnh vua kì đảo cầu mưa; việc thành công, càng được nhà vua tin tưởng kính trọng. Cả ba triều vua Văn đế, Hiếu-vũ đế và Minh đế (494-498) đều tôn sùng ngài. Những việc đối nội, đối ngoại của triều đình, ngài đều có nhiều cống hiến. Ngài đã tận lực dịch kinh, hoằng hóa và quảng diễn giáo pháp đại thừa, nên người đời đã xưng ngài là “Ma Ha Diễn”. Ngoài những bộ kinh vừa kể trên, dịch phẩm của ngài còn có: Lăng Già Kinh, Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh, Tội Phước Báo Ứng Kinh v.v…, cả thảy là 52 bộ, gồm 134 quyển. Năm 468 ngài viên tịch, thế thọ 75 tuổi.
6. Bốn bộ kinh A Hàm: Từ “a-hàm” (agama) có ý chỉ cho các giáo thuyết được truyền thừa, hoặc các thánh điển truyền thừa giáo pháp của đức Phật; vì vậy, có lúc nó được coi là đồng nghĩa với từ “pháp” (dharma). Gọi “a-hàm” là “A Hàm KINH”, đó là do thói quen xưa nay của người Trung-quốc.
Trong thời nguyên thỉ của Phật giáo, các vị đệ tử Phật sau khi nghe pháp, đã dùng hình thức kệ tụng để khẩu truyền cho nhau; và những gì được khẩu truyền, đều y cứ vào trí nhớ. Nhưng, những vị đệ tử Phật, tùy căn cơ mà lãnh thọ giáo pháp của Phật mỗi người mỗi khác; từ đó mà nảy sinh những tư tưởng không giống nhau. Vậy, khi giáo đoàn đã chính thức xác lập, thì việc chỉnh lí, thống nhất tất cả giáo thuyết của đức Phật, nghiễm nhiên trở thành một nhu cầu bức thiết. Kết quả là, tất cả những lời dạy của đức Phật trong suốt cuộc đời hóa độ, trải qua bốn kì kết tập, đã được kết tập, chỉnh lí và bổ sung cho hoàn bị, dần dần phát triển thành một loại hình thức văn học nhất định; cuối cùng đã hình thành toàn bộ THÁNH ĐIỂN, được gọi là KINH A HÀM, tức KINH TẠNG trong Ba Tạng.
Như vậy, Kinh A Hàm đã được truyền thừa từ giáo đoàn nguyên thỉ; đến thời kì Phật giáo bộ phái, nó lại được truyền thừa trong từng bộ phái. Các tài liệu hiện có cho thấy, vào thời đó, ít ra thì Nam Phương Thượng Tọa bộ, Hữu bộ, Hóa Địa bộ, Pháp Tạng bộ, Đại Chúng bộ, Ẩm Quang bộ, và Kinh Lượng bộ, đều có kinh điển truyền thừa; nhưng cho đến ngày nay thì chỉ thấy có kinh điển của Nam Phương Thượng Tọa bộ là được bảo tồn trọn vẹn; gồm có 5 bộ kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương ưng Bộ, Tăng Chi Bộ, và Tiểu Bộ. Tất cả đều được viết bằng chữ Pali, và được gọi là Năm Bộ Kinh Nam Truyền (Nam Truyền Ngũ Bộ), cũng tức là Năm Bộ Kinh A Hàm Nam Truyền (Nam Truyền Ngũ A Hàm). Trong khi đó, ở phía Bắc truyền, Kinh A Hàm cũng được lưu truyền, nhưng kinh bản gốc đã được viết bằng chữ Sanskrit, và nội dung kinh đã được góp nhặt từ các bộ A Hàm của các bộ phái để hình thành 4 bộ Kinh A Hàm là Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, và Tạp A Hàm; được gọi là Bốn Bộ Kinh A Hàm Bắc Truyền (Bắc Truyền Tứ A Hàm). Toàn bộ bốn bộ A Hàm này đã được dịch sang Hán ngữ tuần tự như sau:
1) Trung A Hàm Kinh (Madhyamagama), 60 quyển, do ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà dịch vào khoảng những năm cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5, tại kinh đô Kiến- khang của nhà Đông-Tấn, hiện được lưu giữ trong tạng Đại Chánh, quyển 1. Nguyên bộ kinh này trước đó đã được ngài Đàm Ma Nan Đề dịch (gồm 59 quyển) tại kinh đô Trường-an của nhà Tiền-Tần (351-394), nhưng chưa được hoàn chỉnh, nay ngài Tăng Già Đề Bà dịch lại. Theo các bộ luận giải thích, chữ “trung” ở đây có nghĩa là vừa phải, không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, tức bộ kinh này là một tổng tập của những kinh không dài không ngắn. Về sự truyền thừa, có thuyết nói kinh này do Đại Chúng bộ truyền, nhưng phần nhiều cho rằng nó đã do Tát Bà Đa bộ truyền. Kinh này tương đương với kinh Trung Bộ (Majjhima-nikaya) của hệ Nam Truyền Ngũ Bộ, nhưng nội dung của hai bộ kinh không hoàn toàn giống nhau: kinh Trung A Hàm gồm 222 kinh, kinh Trung Bộ gồm 152 kinh, nhưng chỉ có 98 kinh của chúng là giống nhau; vả lại, thuận tự của các phẩm kinh cũng khác nhau. Ngoài nguyên bộ Trung A Hàm Kinh do ngài Tăng Già Đề Bà dịch như vừa nêu trên, còn có nhiều bản kinh biệt sinh (trích từng phần trong nguyên bộ để dịch) khác của bộ kinh này, như Phật Thuyết Thị Pháp Phi Pháp Kinh,v… do An Thế Cao dịch vào Thời Hậu-Hán; Phật Thuyết Chư Pháp Bản Kinh, v.v… do Chi Khiêm dịch vào thời Tam-quốc; Phật Thuyết Thọ Tuế Kinh, v.v… do Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây-Tấn; Phật Thuyết Thiết Thành Nê Lê Kinh, v.v… do Trúc Đàm
Vô Lan dịch vào thời Đông-Tấn; Phật Thuyết Anh Vũ Kinh, v.v… do Cầu Na Bạt Đà La dịch vào thời Lưu-Tống; v.v…
2) Tăng Nhất A Hàm Kinh (Ekottarikagama), 51 quyển, do ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà dịch vào khoảng những năm cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5, tại kinh đô Kiến-khang của nhà Đông-Tấn, hiện được lưu giữ trong tạng Đại Chánh, quyển 2. Theo các bộ luận giải thích, chữ “tăng nhất” ở đây có nghĩa là y theo thứ tự của các pháp số; bộ kinh này ghi lại các bài pháp bắt đầu bằng con số, ghi theo thứ tự từ 1 pháp cho đến 11 pháp, cho nên gọi là “tăng nhất” (tức là tăng lên từng số một: 1 rồi 2, rồi 3, v.v…). Theo sự khảo sát của các nhà học giả, trong Bốn Bộ Kinh A Hàm Bắc Truyền, bộ kinh này đã được hình thành sau cùng, và nội dung có mang nhiều sắc thái của tư tưởng đại thừa. Về sự truyền thừa, có thuyết nói kinh này do Đại Chúng bộ truyền, nhưng cũng có thuyết nói là do Tát Bà Đa bộ (tức Hữu bộ) truyền. Trong Năm Bộ Kinh A Hàm Nam Truyền thì kinh này tương đương với kinh Tăng Chi Bộ (Anguttaranikaya), nhưng nội dung của hai kinh không hoàn toàn đồng nhất: kinh Tăng Nhất A Hàm của hệ Bắc truyền gồm có 472 kinh, kinh Tăng Chi Bộ của hệ Nam truyền gồm có 2.203 kinh, trong đó chỉ có khoảng từ 136 đến 153 kinh của chúng là có nội dung tương đồng. Vả lại, theo các nhà học giả đã khảo sát, trong kinh Tăng Chi Bộ của hệ Nam truyền không hề hàm chứa tư tưởng đại thừa như trong kinh Tăng Nhất A Hàm của hệ Bắc truyền. Ngoài nguyên bộ kinh Tăng Nhất A Hàm do ngài Tăng Già Đề Bà dịch như vừa nêu trên, còn có nhiều bản kinh biệt sinh khác của kinh này, như Phật Thuyết A Nan Đồng Học Kinh, v.v… do An Thế Cao dịch; Phật Thuyết Tứ Vị Tằng Hữu Kinh,v… do Trúc Pháp Hộ dịch; Phật Thuyết Tứ Nê Lê Kinh, v.v… do Trúc Đàm Vô Lan dịch; Phật Thuyết Thập Nhất Tưởng Tư Niệm Như Lai Kinh, v.v… do Cầu Na Bạt Đa La dịch; v.v…
3) Trường A Hàm Kinh (Dirghagama), 22 quyển, do hai ngài Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào năm 413 đời Diêu-Tần, hiện được lưu giữ trong tạng Đại Chánh, quyển 1. Chữ “trường” ở đây, theo các bộ luận giải thích, có ba ý nghĩa: đó là sự tổng tập của các kinh dài; đó là các kinh đả phá ngoại đạo; và đó là sự tồn tại lâu dài bất tuyệt. Về sự truyền thừa, có thuyết nói rằng, kinh này đã do Đại Chúng bộ truyền; có thuyết nói do Hóa Địa bộ truyền; lại có thuyết nói do Pháp Tạng bộ truyền. Kinh này tương đương với kinh Trường Bộ (Digha-nikaya) của hệ Nam Truyền Ngũ Bộ, nhưng nội dung không hoàn toàn giống nhau: Trường A Hàm Kinh gồm 30 kinh, Trường Bộ Kinh có 34 kinh, trong đó chỉ có 6 kinh trong Trường A Hàm có nội dung tương đương rõ rệt với 10 kinh trong Trường Bộ, các kinh khác còn lại thì không nhất trí với nhau; vả lại, kinh Thế Kí trong phần chót của Trường A Hàm thì hoàn toàn không có trong Trường Bộ. Ngoài nguyên bộ Trường A Hàm Kinh do hai ngài Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu-Tần nói trên, còn có nhiều bản kinh biệt sinh khác của bộ kinh này, như Phật Thuyết Nhân Bản Dục Sinh Kinh, v.v… do An Thế Cao dịch; Phật Thuyết Phạm Võng Lục Thập Nhị Kiến Kinh,v… do Chi Khiêm dịch; Phật Bát Nê Hoàn Kinh do Bạch Pháp Tổ dịch vào thời TâyTấn; Phật Thuyết Tịch Chí Quả Kinh do Trúc Đàm Vô Lan dịch; Phật Thuyết Đại Tập Pháp Môn Kinh, v.v… do Thi Hộ dịch vào thời Tống; Khởi Thế Kinh do Xà Na Quật Đa dịch vào thời đại nhà Tùy; v.v…
4) Tạp A Hàm Kinh (Samyuktagama), 50 quyển, do ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch vào thời Lưu-Tống, hiện được lưu giữ trong tạng Đại Chánh, quyển 2. Theo các bộ luận giải thích, chữ “tạp” ở đây nghĩa là lộn xộn, không thống nhất, không chuyên đề. Nội dung của kinh này thâu tóm tất cả giáo thuyết của Phật dành cho đủ loại đối tượng: tì kheo, tì kheo ni, cư sĩ nam nữ, thiên tử, thiên nữ v.v…; giáo pháp đủ loại như tứ đế, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên v.v…, lại có cả những pháp môn về thiền định; văn cú của kinh cũng dài ngắn lộn xộn, không theo một thể loại nhất định nào. Về sự truyền thừa, có thuyết nói kinh này do Đại Chúng bộ truyền, có thuyết nói do Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ truyền. Kinh Tạp A Hàm này gồm 1.362 kinh, tương đương với kinh Tương ưng Bộ (Samyutta-nikaya, gồm 2.858 kinh) của Tạng Kinh Nam Truyền. Nó là bộ kinh lớn nhất trong Bốn Bộ Kinh A Hàm Hán tạng, và theo công trình nghiên cứu của các nhà học giả, đó cũng là bộ kinh được hình thành sớm nhất; vì vậy, nó gìn giữ được cái phong mạo của Phật giáo Nguyên thỉ. Ngoài bản Hán dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La mang tên Tạp A Hàm Kinh, vừa nêu trên, còn có hai bản dịch khác cũng mang tên Tạp A Hàm Kinh, nhưng số quyển ít hơn, và tên người dịch bị thất truyền. Ngoài ra cũng còn có nhiều bản kinh biệt sinh khác, như Phật Thuyết Chuyển Pháp Luân Kinh, v.v… do An Thế Cao dịch; Phật Thuyết Bất Tự Thủ Ý Kinh, v.v… do Chi Khiêm dịch; Phật Thuyết ương Quật Ma Kinh, v.v… do Trúc Pháp Hộ dịch; Phật Thuyết Giới Đức Hương Kinh, v.v… do Trúc Đàm Vô Lan dịch; Phật Thuyết Ngũ Uẩn Giai Không Kinh, v.v… do Nghĩa Tịnh dịch vào thời đại nhà Đường; v.v…
7. Phật Đà Thập (Buddhajiva): là vị sa môn người nước Kế-tân, sống vào thế kỉ thứ 5. Từ nhỏ ngài xuất gia với tăng đoàn của bộ phái Di Sa Tắc, chuyên cần học Luật, lại thông cả Thiền học. Năm 423 (thời Lưu-Tống) ngài đến Trung-quốc, được Lang-da vương thỉnh ở chùa Long-quang tại kinh đô Kiếnkhang, và đã dịch bộ luật Di Sa Tắc tức bộ Ngũ Phần Luật hiện hành). Hành trạng của ngài sau đó không thấy tài liệu nào ghi chép.
8. Quảng bản: tức “quảng luật”, là một thuật ngữ trong Luật học. Trong Luật tạng có những sách chỉ ghi các điều cấm giới mà tăng chúng (tì kheo, tì kheo ni v.v…) phải thọ trì, những sách ấy được gọi là “GIỚI BẢN” (pratimoksa, dịch âm là ba-la-đề-mộc-xoa). Tương truyền, ở Trung-quốc, trong khoảng những năm 249-254 đời Tào-Ngụy (thời Tam-quốc), ngài Đàm Kha Ca La đã dịch cuốn Tăng Kì Giới Tâm; và đó là quyển luật đầu tiên thuộc loại giới bản được dịch ở Trung-quốc. Kế tiếp, vào đời Diêu-Tần (thời Đông-Tấn liệt-quốc), hai ngài Đàm Ma Trì và Trúc Phật Niệm đã dịch chung cuốn Thập Tụng Tì Kheo Giới Bản; nhưng cả hai quyển đó đều đã bị thất truyền. Các cuốn giới bản hiện đang lưu hành gồm có: Thập Tụng Tì Kheo Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản (Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu-Tần); Tứ Phần Tăng Giới Bản, Tứ Phần Luật Tì Kheo Giới Bản, Tứ Phần Tì Kheo Ni Giới Bản (Phật Đà Da Xá dịch vào thời Diêu-Tần); Thập Tụng Tì Kheo Ni Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản (Pháp Dĩnh vựng tập vào thời Lưu-Tống); v.v…
Đối lại với loại “giới bản” là loại “QUẢNG LUẬT”, hay “QUẢNG BẢN”, là những bộ luật mà nội dung minh thị một cách tường tận, đầy đủ về luật nghi, tức các qui củ sinh hoạt của tăng đoàn, về trường hợp và nguyên do Phật chế các giới điều, về các hình thức xử phạt khi có sự vi phạm các điều giới, v.v… Trong tạng Luật Hán dịch, hiện lưu hành 5 bộ quảng bản: Tứ Phần Luật (60 quyển, Phật Đà Da Xá dịch vào thời Diêu-Tần), Thập Tụng Luật (61 quyển, Phất Nhã Đa La dịch vào thời Diêu-Tần), Ma Ha Tăng Kì Luật (40 quyển, Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông-Tấn), Ngũ Phần Luật (30 quyển, Phật Đà Thập dịch vào thời Lưu-Tống), và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật (50 quyển, Nghĩa Tịnh dịch vào thời Đường); và đương nhiên, trong các quảng bản đều có bao hàm phần giới bản.
9. Tiêu-Lương (502-557): là vương triều thứ ba của thời đại Nam-triều, tiếp theo sau nhà Tề (tức Nam-Tề, 479-502). Cuối vương triều Nam-Tề, năm 501, vua Tề là Tiêu Bảo Quyển (499-501) giết thứ sử Dự-châu là Tiêu Ý. Em của Tiêu Ý là Tiêu Diễn (đồng thời cũng là em họ của Tiêu Đạo Thành, vua Tháitổ [479-482] nhà Nam-Tề), lúc đó đang làm thứ sử Ung-châu, bèn kéo quân về kinh đô Kiến-khang, phế bỏ Tiêu Bảo Quyển, rồi tôn Nam-khang vương là Tiêu Bảo Dung lên ngôi đế, tự phong cho mình chức đại tư mã, chuyên giữ việc triều chính. Qua năm sau (502), Tiêu Diễn lại giết Tiêu Bảo Dung, tự lên ngôi đế (tức vua Lương Vũ đế), đổi quốc hiệu là Lương, sử gọi là nhà Tiêu-Lương.
10. Chân Đế (499-569): là tên Hán dịch của tiếng Phạn “Ba La Mạt Đà” (Paramartha), là nhà dịch kinh trứ danh ở Trung-quốc vào thế kỉ thứ 6. Ngài cũng có tên là Câu La Na Đà (Kulanatha), người nước ưu-thiền-ni (Ujjaini) ở Tây Bắc Ấn-độ, vốn thuộc dòng Bà-la-môn, họ là Phả-la-đọa (Bharata). Ngài là người cực kì thông minh, trí nhớ rất mạnh, biện tài vô tận; từng vân du nhiều nước, tham học với nhiều thầy, tinh nghiên Ba Tạng, quán triệt diệu lí đại thừa. Năm 546, dưới vương triều Tiêu-Lương, ngài mang theo nhiều kinh điển đến Quảng-châu bằng đường biển; sau đó, năm 548, ngài đến kinh đô Kiến- khang yết kiến vua Lương Vũ đế (502-549), rất được nhà vua trọng đãi. Vừa lúc ấy thì xảy ra loạn Hầu Cảnh, ngài phải lánh nạn sang Triết-giang, rồi trở lại Kiến-khang, rồi lại phải lưu lạc nhiều nơi nữa. Tuy vậy, ở xứ nào thì ngài vẫn dịch kinh, không nản lòng, không ngừng nghỉ. Cuối cùng ngài dùng đường biển định trở về lại Ấn-độ, nhưng không may gặp bão lớn, thuyền lại trôi giạt vào Quảng-châu. Quan thứ sử ở đó đã nghinh đón ngài về ở chùa Chế-chỉ, chuyên việc dịch kinh. Năm 569 (thời đại nhà Trần) ngài viên tịch, thế thọ 71 tuổi.
Từ cuối triều vua Vũ đế nhà Lương cho đến đầu triều vua Tuyên đế nhà Trần, trong khoảng hơn 20 năm, dù trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, ngài vẫn chuyên tâm dịch kinh không gián đoạn. Ngài đã dịch tổng cộng 64 bộ kinh luận, gồm 278 quyển (có thuyết nói 49 bộ, 332 quyển), nhưng ngày nay chỉ còn có 30 bộ, đa phần là những tác phẩm trọng yếu trong việc nghiên cứu Phật giáo. Hai dịch phẩm có tầm ảnh hưởng to lớn nhất của ngài là Nhiếp Đại Thừa Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Do hai dịch phẩm này mà ngài được tôn xưng là khai tổ của Nhiếp Luận tông Trung-quốc. Những dịch phẩm quan trọng khác của ngài còn có: Chuyển Thức Luận, Đại Thừa Duy Thức Luận, Trung Biên Phân Biệt Luận, Thập Thất Địa Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Câu Xá Luận Thích, Kim Quang Minh Kinh, Vô Thượng Y Kinh, Kim Cương Bát Nhã Kinh, v.v… Căn cứ vào phương pháp phiên dịch cũng như học thức của ngài, người ta đã coi ngài là ngôi sao Bắc-đẩu của lịch sử dịch kinh Trung-quốc. Và cũng vì thế, cộng thêm công trình phiên dịch đồ sộ của ngài, các sử gia đã liệt ngài vào một trong “bốn bậc thánh tăng đại phiên dịch” của lịch sử Phật giáo Trung-quốc. (Ba vị khác là Cưu Ma La Thập, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh.)
11. Nhà Trần (557-589): là vương triều chót của thời đại Nam-triều, tiếp theo sau nhà Lương. Trần Bá Tiên (503-559) nguyên là thái thú quận Thỉ-hưng thời nhà Lương, nhân có công dẹp loạn Hầu Cảnh mà được thăng dần đến địa vị tướng quốc, tước phong là Trần vương. Năm 557, Bá Tiên phế vua Kỉnh đế (Tiêu Phương Trí, 555-557) của nhà Lương, tự lên ngôi đế, đổi quốc hiệu là Trần, truyền nối được 5 đời vua, kéo dài 33 năm; đến năm 589 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.
12. Bắc-Ngụy (386-534): là vương triều đầu tiên của thời đại Bắc-triều (386-581). Nước Bắc-Ngụy nằm ở phía Bắc tỉnh Sơn-tây ngày nay, do họ Thác-bạt (thuộc tộc Tiên-ti) dựng lập. Nguyên từ cuối thời Đông-Hán, bộ tộc Thác-bạt từ vùng sa mạc phía Bắc di cư xuống phương Nam, và định cư tại huyện Thịnh-lạc (nay là huyện Hòa-lâm-cách-nhĩ, tỉnh Nội-mông, phía Bắc Trung-quốc). Năm 315 (dưới triều vua Mẫn đế của thời đại Tây-Tấn), Thác-bạt Y Lư được phong Đại vương, và kiến lập nước Đại. Năm 338, Thác-bạt Thập Dực Kiền (318-376) thiết lập triều đình nước Đại, đặt quan chức, chế định pháp luật, đóng đô tại cung Thịnh-lạc, thuộc huyện Vân-trung (nay là quận Thác-khắc-thác ở phía Tây Nam thành phố Hô-hòa-hạo-đặc và phía Tây Bắc huyện Hòa-lâm-cách-nhĩ, tỉnh Nội-mông); và xây thành Thịnh-lạc ở địa điểm huyện Thịnh-lạc cũ. Năm 386, cháu của Thập Dực Kiền là Thác-bạt Khuê (386-409), lại tự xưng là Đại vương, thiết lập chính quyền địa phương, đóng đô tại thành Thịnh-lạc (huyện Hòa-lâm-cáchnhĩ), cũng đặt tên nước là Đại, nhưng chỉ vài tháng sau lại đổi thành Ngụy, sử gọi đó là nhà Bắc-Ngụy. Năm 395, Thác-bạt Khuê đánh bại quân Hậu-Yên ở pha Tam-hợp (nay là vùng đất phía Bắc huyện Đạiđồng, tỉnh Sơn-tây), rồi tiến chiếm luôn các huyện vùng Tây Bắc tỉnh Hà-bắc.
Năm 398, Thác-bạt Khuê lại dời đô đến Bình-thành (nay là huyện Đại-đồng, tỉnh Sơn-tây); sang năm sau (399) tự xưng đế, sửa sang triều chính, phát triển Bắc-Ngụy thành một đại quốc phú cường. Năm 424, khi Thác-bạt Đào lên ngôi thì 16 nước của Ngũ-Hồ chỉ còn lại 4 nước là Bắc-Yên, Bắc-Lương, Hạ và Tây-Tần; nhưng đến năm 431 thì Tây-Tần bị Hạ tiêu diệt, và liền theo đó thì Hạ lại bị Thổ-cốc-hồn tiêu diệt. Năm 436 Bắc-Ngụy diệt Bắc-Yên; năm 440 lại diệt luôn Bắc-Lương. Thế là Bắc-Ngụy, dưới thời Thái-vũ đế (Thác-bạt Đào, 424-452) đã thống nhất toàn vùng lãnh thổ Giang-bắc, kết thúc thời đại Mườisáu-nước Ngũ-Hồ. Năm 494, Ngụy Hiếu-văn đế lại thiên đô đến thành Lạc-dương (tức Lạc-dương thị, tỉnh Hà-nam ngày nay), rồi đổi họ Thác-bạt thành họ Nguyên; cho nên từ đó, Bắc-Ngụy cũng được gọi là Nguyên-Ngụy. Cuối đời Bắc-Ngụy, chính quyền suy yếu, binh biến xảy ra khắp nơi; cho đến năm 534 thì Bắc-Ngụy bị chia thành Đông-Ngụy và Tây-Ngụy. Đông-Ngụy đóng đô tại thành Nghiệp (ở phía Tây Nam huyện Lâm-chương, tỉnh Hà-bắc ngày nay), kéo dài tới năm 550 thì bị nhà Bắc-Tề diệt. Tây-Ngụy được kiến lập vào năm 535, đóng đô tại Trường-an, kéo dài đến năm 551 thì bị nhà Bắc-Chu tiêu diệt.
13. Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci): Ngài người Bắc Ấn-độ, tư chất thông minh, vốn là một học giả nổi tiếng của hệ Du Già đại thừa, hiểu suốt Ba Tạng; lại tinh thông chú thuật, lập chí hoằng dương chánh pháp thật mạnh mẽ. Năm 508 ngài đến Lạc-dương, được vua Tuyên-vũ đế (500-515) nhà Bắc-Ngụy tiếp nghinh trọng thể, mời cư trú tại chùa Vĩnh-ninh để phiên dịch kinh điển. Tại đây ngài đã dịch được các kinh luận như Kim Cương Bát Nhã Kinh, Phật Danh Kinh, Pháp Tập Kinh, Thâm Mật Giải Thoát Kinh, Thập Địa Kinh Luận, Đại Bảo Tích Kinh Luận, Pháp Hoa Kinh Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận,v… cả thảy 39 bộ, gồm 127 quyển. Ngoài vấn đề dịch kinh, ngài còn có cái nhìn độc đáo về cách “phán giáo”. Ngài đã căn cứ vào kinh Niết Bàn mà phân tích có hai loại giáo pháp mà đức Phật đã thuyết trong suốt cuộc đời: đó là giáo pháp nửa chữ (bán tự giáo) và giáo pháp trọn chữ (mãn tự giáo); theo đó, tất cả những gì đức Phật đã dạy trong suốt 12 năm đầu sau ngày thành đạo, chỉ là loại “giáo pháp nửa chữ”, và tất cả những gì đức Phật đã dạy sau 12 năm đó, mới là loại “giáo pháp trọn chữ”. Tương truyền, ngài cũng là người từng đề xướng thuyết “nhất âm giáo” tại Trung-quốc. Thuyết này nói rằng, đức Phật chỉ dùng một thứ ngữ ngôn để thuyết pháp, nhưng chúng sinh căn tính không đồng, nên từ một thứ ngữ ngôn đó mà trình bày ra thành các loại giáo pháp đại, tiểu, không, hữu, thánh, phàm v.v… khác nhau. Ngài cũng đã đặc biệt y cứ vào kinh Lăng Già mà phân biệt có hai loại giáo pháp đốn và tiệm. Nhân ngài đã dịch bộ Thập Địa Kinh Luận mà về sau này tông Địa Luận được thành lập, và ngài đã được tôn là vị khai tổ của tông này; lại nữa, ngài cũng đã từng trao kinh Quán Vô Lượng Thọ cho ngài Đàm Loan, cho nên về sau ngài cũng được tôn là vị sơ tổ của tông Tịnh Độ. Cho tới năm 537 người ta vẫn còn thấy ngài tại Lạc-dương, nhưng sau đó thì không ai biết gì về ngài nữa.
14. Đông-Ngụy (534-550): là một triều đại ngắn ở Bắc-triều, từ nước Bắc-Ngụy tách ra. Cuối vương triều Bắc-Ngụy, triều đình suy yếu, loạn lạc khắp nơi, vua Hiếu-vũ đế (Nguyên Tu, 532-534) đã bị thừa tướng Cao Hoan (496-574) bức hiếp, phải bỏ ngôi chạy trốn về Trường-an. Cao Hoan bèn lập Nguyên Thiện Kiến lên ngôi, tức Hiếu-tĩnh đế (534-550), rồi dời đô đến thành Nghiệp (ở phía Tây Nam huyện Lâm-chương, tỉnh Hà-bắc ngày nay), chiếm cứ vùng đất nguyên là lãnh thổ của Bắc-Ngụy, suốt từ Lạcdương trở về phía biển Đông, sử gọi đó là nhà Đông-Ngụy. Đến năm 550, con của Cao Hoan là Cao Dương (529-559) đã giết Hiếu-tĩnh đế, dẹp bỏ Đông-Ngụy, tự lên ngôi đế, kiến lập vương triều Bắc-Tề (550-577).
15. Nhà Tùy (581-618): Cuối vương triều Bắc-Chu (559-581) triều đình thối nát, vua Tĩnh đế (Vũ Văn Diễn (579-581) lại còn thơ ấu (lên ngôi mới có 8 tuổi), nên bị thừa tướng Dương Kiên (541-604) chuyên quyền. Năm 581, Dương Kiên đã phế Tĩnh đế, bỏ nhà Bắc-Chu, tự xưng đế (tức Văn đế), đặt quốc hiệu là Tùy, đóng đô ở Trường-an (nay là Tây-an, tỉnh Thiểm-tây), chấm dứt thời đại Bắc-triều. Năm 587, Tùy Văn đế đem binh đánh Giang-lăng (vùng đất cực Nam của Bắc-triều, thuộc tỉnh Hồ-bắc, ở bờ Bắc của sông Trường-giang ngày nay), tiêu diệt nhà Hậu-Lương (555-587), chiếm cứ trọn vẹn miền Hoa-bắc; sang năm 589 lại cất quân đánh Hoa-nam, tiêu diệt nước Trần, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc xuống Nam, chấm dứt 370 năm (220-589) của thời kì tan rã, phân liệt của nước Trung-hoa từ sau thời đại nhà Hán. Dù vậy, vương triều Tùy cũng chỉ truyền nối chính thức được 2 đời vua, kéo dài 38 năm, rồi thì bị nhà Đường tiêu diệt.
16. Na Liên Đề Lê Da Xá (Narendrayasas, 490-589): Ngài người nước Ô-trành ở Bắc Ấn-độ, họ Thíchca, thuộc dòng Sát-đế-lị, 17 tuổi xuất gia, tinh thông cả đại, tiểu thừa. Ngài thường vân du các nơi để đảnh lễ các di tích của đức Phật. Năm 556 ngài vào Trung-quốc, đến kinh đô Nghiệp của nhà Bắc-Tề, được vua Văn-tuyên đế (550-559) kính lễ, mời trú tại chùa Thiên-bình để dịch kinh. Trong thời gian ngài dịch kinh và hành đạo ở Bắc Tề thì vua Vũ đế (561-578) của nhà Bắc-Chu (ở phía Tây Bắc Tề) đang ra sức tiêu diệt Phật giáo. Năm 576, sau khi thôn tính Bắc-Tề, vua Vũ đế của Bắc-Chu lại tiếp tục tiêu diệt Phật giáo ở Bắc-Tề, khiến ngài cùng bao nhiêu vị cao tăng khác phải ẩn trốn vào nơi núi rừng hoặc thôn quê hẻo lánh, khoác áo tục nhưng vẫn âm thầm hành đạo. Đến khi nhà Tùy dựng nước, Phật giáo được phục hưng, ngài đã được Tùy Văn đế mời về kinh đô, cư trú tại chùa Đại Hưng-thiện, cùng với các ngài Đàm Diên v.v… hơn 30 vị, chuyên về công tác dịch kinh. Năm 589 ngài viên tịch, thế thọ 100 tuổi. Trước sau ngài đã dịch được 13 bộ kinh, gồm hơn 70 quyển.
17. Nhà Đường (618-907): là vương triều thống nhất được thành lập kế tiếp vương triều Tùy. Cuối vương triều Tùy, hào kiệt nông dân dấy binh khởi nghĩa khắp nơi, trong đó, cha con Lí Uyên (566-635) là hùng mạnh nhất. Thời nhà Tùy, Lí Uyên được phong là Đường quốc công, làm lưu thú (tức thái thú) phủ Thái-nguyên (thuộc tỉnh Sơn-tây ngày nay). Năm 617, ông cùng các con là Kiến Thành, Thế Dân và Nguyên Cát, đã khởi binh chiếm thành Trường-an (lúc này vua Tùy Dạng đế đã thiên đô, trước là đến Lạc-dương, rồi sau xuống Giang-đông, tức nay là Dương-châu thị, tỉnh Giang-tô), tôn người cháu của Tùy Dạng đế là Dương Hựu, mới 12 tuổi, lên ngôi, tức Tùy Cung đế (617-618). Năm 618, tại cung điện ở Giang-đông, viên tướng lãnh đạo quân thị vệ là Tư-mã Đức Kham, đã cùng với nhà quí tộc Vũ-văn Hóa Cập, đột nhập vào cung giết Tùy Dạng đế. Tại Trường-an, khi hay tin đó, Lí Uyên liền bắt ép Tùy Cung đế nhường ngôi cho mình. Lí Uyên lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đường, định đô tại Trường-an.
18. Đường Thái-tông (627-649): tức Lí Thế Dân, con thứ của Đường Cao-tổ (618-626) Lí Uyên. Nguyên, dưới triều đại nhà Tùy, Lí Uyên được phong là Đường quốc công, làm lưu thú phủ Thái-nguyên. Cuối thời Tùy, chính trị thối nát, hào kiệt dấy binh khởi nghĩa khắp nơi. Thế Dân lúc bấy giờ tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đã có ý chí của kẻ hào kiệt. Thấy vận nước Tùy thế nào cũng sụp đổ, Thế Dân bèn khuyên cha khởi binh chiếm phủ Thái-nguyên và thành Trường-an để làm căn cứ, sau đó sẽ diệt nhà Tùy. Lí Uyên ban đầu không nghe, vẫn tỏ lòng trung thành với nhà Tùy, nhưng Thế Dân khuyên mãi, đem lẽ hơn thiệt giải bày cặn kẽ, khiến ông phải đổi ý, làm theo lời con. Quả nhiên, năm 618, cha con Lí Uyên đã diệt nhà Tùy và kiến lập vương triều Đường. Sau khi lên ngôi, Lí Uyên (tức Đường Cao-tổ) đã lập con trưởng là Lí Kiến Thành làm thái tử, phong cho Thế Dân làm Tần vương, và phong cho em của Thế Dân là Lí Nguyên Cát làm Tề vương. Trong ba anh em đó thì Thế Dân tài giỏi hơn cả về đủ mọi mặt.
Khi nhà Tùy bị tiêu diệt, thấy Lí Uyên xưng đế ở Trường-an, các hào kiệt khác cũng xưng vương, mỗi người hùng cứ một cõi để mong tranh giành thế lực với Lí Uyên. Do đó, Thế Dân phải giúp cha đánh Nam dẹp Bắc để bình định giang sơn, thống nhất đất nước – mặc dù lúc đó Thế Dân mới 19 tuổi. Trong 3 năm đầu (618-620), Thế Dân đã bình định được hết vùng lãnh thổ phía Tây Bắc Trung-hoa; tiếp đó ông tiến quân sang miền Đông, và sang năm 621, ông đã bình định khắp miền Hoa-bắc. Tới năm 625 thì ông bình định nốt miền Hoa- nam, để từ đó Trung-quốc hưởng được một thời kì thái bình thịnh trị kéo dài hơn một thế kỉ.
Vậy là, nhà Đường dựng nghiệp và bình định thống nhất giang sơn, đều do công sức của Thế Dân. Bởi vậy, Thế Dân đã được vua cha cưng quí, lại được các tướng lãnh đều kính trọng và tuân lệnh. Thấy vậy, thái tử Kiến Thành (anh của Thế Dân) và Tề vương Nguyên Cát (em của Thế Dân) đều sinh lòng ghen ghét, sợ Thế Dân sẽ giành ngôi vua sau này. Họ bèn đồng mưu với nhau, đã mấy lần ám hại, nhưng Thế Dân đều thoát chết. Cuối cùng, tình thế bắt buộc, năm 626, khi biết họ sắp hành động một lần nữa, Thế Dân đành phải ra tay trước; kết quả, tháng 6 năm đó, cả ông anh Kiến Thành và ông em Nguyên Cát đều bị phục binh bắn chết ngay tại cửa cung gọi là “Huyền-vũ môn”, mà sử gọi đó là “sự biến Huyền-vũ môn”. Thái tử Kiến Thành chết rồi, Thế Dân liền được lập ngay làm thái tử; đến tháng 8 cùng năm thì Cao Tổ truyền ngôi cho Thế Dân để lên làm thái thượng hoàng. Lí Thế Dân lên ngôi, tức Đường Tháitông (627-649), là một ông vua anh hùng, thông minh, tài giỏi, vừa là một nhà cầm quân thao lược anh dũng, vừa là một minh quân cai trị đại tài, từng được các sử gia thế giới kính trọng như một vĩ nhân của nhân loại. Triều đại của ông là thời kì thịnh trị nhất, vua quan có tài, có đức, đoàn kết, và biết lo cho dân nhất, dân chúng sống sung sướng nhất. Ông chỉ phải mang một niềm ân hận nặng nề là đã bị bắt buộc phải giết anh và em mình trong bi kịch tranh giành quyền lực.
19. Đường Huyền-tông (712-756): tức Lí Long Cơ, con của Đường Duệ-tông (làm vua hai lần: 684690, rồi 710-712). Năm 649 vua Đường Thái-tông chết, con là Lí Trị lên nối ngôi, tức Đường Cao-tông (650-683). Năm 683 vua Cao-tông chết, con là Lí Hiển lên nối ngôi, tức Đường Trung-tông. Sang năm sau thì Trung-tông bị Võ hậu phế, em của Lí Hiển là Lí Đán được đưa lên kế vị, tức Đường Duệ-tông (684), nhưng chỉ vài tháng sau thì Võ hậu nắm hết triều chính; cho đến năm 690 thì Võ hậu phế luôn Duệ-tông, soán ngôi vua nhà Đường, tự xưng đế hiệu, đổi tên nước là Chu. Năm 702, Võ hậu (lúc này đã già yếu) bị bắt buộc phải trả ngôi vua lại cho nhà Đường, Trung-tông Lí Hiển lại lên ngôi, khôi phục quốc hiệu Đường. Năm 710, Trung-tông lại bị Vi hậu giết, Duệ-tông lại được đưa lên ngôi. Năm 712, Duệ-tông truyền ngôi cho Lí Long Cơ (tức Đường Huyền-tông) để làm thái thượng hoàng.
Huyền-tông lên ngôi, chấm dứt một thời kì biến loạn. Ông tiến hành một cuộc cải cách, đã đưa nước Trung-hoa tiến lên giai đoạn rực rỡ nhất về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần; văn thơ, thư pháp, ca nhạc, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc, v.v… đều đua nhau phát triển, xứng đáng làm đại biểu cho nền văn minh và văn hóa của Trung-quốc, được cả thế giới đều công nhận; đến nỗi người đương thời đã gọi ông là Đường Minh Hoàng. Nhưng giai đoạn ấy chỉ kéo dài được khoảng 40 năm; đến những năm cuối đời, ông đã chìm vào tửu sắc, mê nàng Dương quí phi (tức Dương Thái Chân, 719-756), tin dùng hoạn quan, phó mặc triều chính cho các nịnh thần, khiến cho dân chúng lầm than, quốc gia điêu tàn, và từ đó thì nhà Đường bắt đầu đi vào con đường suy sụp. Triều chính đã hôn ám thì chắc chắn phải đưa tới chỗ loạn lạc. Năm 755 đã bộc phát cuộc dấy loạn của An Lộc Sơn (?-757), kinh đô Trường-an bị chiếm, Huyền-tông phải dắt Dương quí phi chạy trốn vào đất Thục (Tứ-xuyên); thái tử Lí Hanh thì chạy trốn vào Thiểm-tây. Trên đường vào đất Thục, bọn vệ binh lại nổi loạn, ép vua phải từ bỏ Dương quí phi; cuối cùng nàng đã phải tự treo cổ mà chết, và vua tôi tiếp tục lên đường. Sau khi vào đến Thành-đô (tứ-xuyên), mọi việc ổn định, Huyền-tông bèn truyền ngôi cho thái tử Lí Hanh (đang ở Thiểm-tây) để làm thái thượng hoàng. Từ đó ông sống âm thầm cho tới lúc chết.
20. Huyền Trang (600-664, có thuyết nói 602-664): là vị cao tăng đời Đường. Ngài quê ở Lạc-châu (tỉnh Hà-nam), họ Trần, tên Huy. Ngài có người anh xuất gia ở chùa Tịnh-độ tại thành Lạc-dương, pháp hiệu là Trường Tiệp. Bởi vậy, ngay từ thuở nhỏ ngài đã theo anh học tập kinh điển; thêm vào đó, ngài còn học khắp các điển tịch của Nho và Đạo gia. Năm 612, nhân có đàn giới độ tăng được tổ chức tại Lạc-dương, ngài vào xin xuất gia. Thấy ngài tuổi tuy còn nhỏ mà ứng đối xuất chúng, chư vị cao tăng rất quí trọng, cho là pháp khí của Phật pháp, bèn phá lệ cấp tăng tịch, chấp nhận cho ngài được chính thức làm sa di. Thế là từ năm 13 tuổi, ngài đã được theo anh cùng ở chùa Tịnh-độ, và theo học kinh luận với các pháp sư Nghiêm, Tuệ Cảnh. Thời gian giữa nhà Tùy và nhà Đường, thiên hạ đại loạn, ngài theo anh kinh lịch khắp các xứ Lũng, Thục, Kinh, Triệu, v.v… gần như trọn một nửa nước Trung-hoa, để tham học với các bậc kì túc ở các chốn tòng lâm. Năm 622 ngài thọ đại giới, rồi tiếp tục học khắp Ba Tạng. Nhưng vì muốn hiểu biết sâu rộng hơn nữa về giáo pháp, ngài đã lập chí sang Thiên-trúc cầu pháp.
Năm 629 ngài rời Trường-an lên đường Tây du, theo con đường phía Bắc rặng Thiên-sơn (phía Bắc tỉnh Tân-cương ngày nay), trải 3 năm, một mình vượt bao gian nan nguy hiểm, xuyên qua A-phú-hãn, ngài tiến vào biên thùy phía Tây Bắc Ấn-độ, rồi theo hướng Đông Nam tiến về nước Ma-kiệt-đà ở miền Trung-Ấn; bấy giờ là năm 631. Vào thời bấy giờ, chùa Na-lan-đà (Nalanda) ở Ma- kiệt-đà, do đại luận sư Giới Hiền (Silabhadra) chủ trì, là một đạo tràng căn bản, rộng lớn của nền giáo học Phật giáo đại thừa, là nơi qui tụ của nhiều vị danh tăng thạc đức, với hàng ngàn tăng sinh từ bốn phương tụ tập về tu học. Ngài Huyền Trang đã xin vào lưu trú tại đây, và trở thành môn hạ của ngài Giới Hiền. Tại đây, trải qua 5 năm, ngài đã nghiên cứu khắp các bộ luận căn bản của đại thừa như Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Tì Bà Sa Luận, Câu Xá Luận, Thuận Chánh Lí Luận, Đối Pháp Luận, Nhân Minh Luận, Bách Luận, Trung Luận, v.v… Sau đó, ngài tuần du khắp các nước ở Ấn-độ, tới đâu ngài cũng được các vua quan địa phương đón tiếp nồng hậu. Trên đường đi, ngài đã sưu tầm được rất nhiều nguyên bản Phạn văn của các kinh luận tiểu và đại thừa, luôn cả các sách triết học ngoại đạo; thỉnh được rất nhiều xá lợi và hình tượng Phật.
Sau 7 năm, ngài lại trở về học viện Na-lan-đà, vâng mệnh ngài Giới Hiền, ngài đã thuyết giảng hai bộ luận Nhiếp Đại Thừa và Duy Thức Quyết Trạch. Nhưng ngài Sư Tử Quang (Simha-rasmi) lại giảng Trung và Bách Luận để phản bác luận thuyết của ngài. Ngài bèn dung hòa hai tông Trung Quán và Du Già, viết nên bộ Hội Tông Luận, gồm 3.000 kệ tụng, để hóa giải sự bài xích kia. Ngài lại viết bộ Phá Ác Kiến Luận, gồm 1.600 kệ tụng, để đả phá bộ Phá Đại Thừa Luận của vị luận sư tiểu thừa ở nước Ô-trà. Nhân đó mà tên tuổi của ngài vang khắp các nước, được Giới Nhật vương (Siladitya, tức Giới Nhật vương đệ nhị thế của nước Yết-nhã-cúc-xà, lên ngôi năm 610) cùng các vua khác đua nhau kính lễ.
Bấy giờ ngài đã 42 tuổi, ý muốn trở về Trung-quốc. Vua Giới Nhật bèn tổ chức một đại pháp hội tại thành Khúc-nữ (kinh đô nước Yết-nhã-cúc-xà, nay là xứ Kanauji ở bờ Đông sông Kali, một chi lưu của sông Hằng ở Tây Bắc Ấn-độ), với sự tham dự của các vua 18 nước ở khắp lãnh thổ Ấn-độ lúc bấy giờ, cùng sự hiện diện của hơn 7.000 chư tăng tiểu, đại thừa và giáo sĩ Bà-la-môn. Trong pháp hội này, ngài Huyền Trang đã được Giới Nhật vương mời làm vị luận chủ để tranh luận và xiển dương giáo pháp đại thừa. Ngài bèn đề xuất luận văn “Chân Duy Thức Lượng”, treo ngay ngoài cửa hội trường. Trải qua 18 ngày mà không một nhà luận sư nào viết bài vấn nạn hay bắt bẻ được. Thế là đại pháp hội hoàn mãn, Giới Nhật vương vô cùng sùng kính, và cả 18 vị quốc vương đều xin qui y làm đệ tử ngài. Tên tuổi ngài làm chấn động khắp lãnh thổ Ấn-độ, phái đại thừa thì tôn ngài là “Đại thừa thiên”, phái tiểu thừa thì tôn ngài là “Giải thoát thiên”. Sau đó, ngài quyết định giã từ Ấn-độ để về nước, Giới Nhật vương cố lưu thế nào cũng không được, bèn cùng với 18 vị quốc vương tổ chức đại hội vô già trong suốt 75 ngày, để cúng dường và tiễn ngài lên đường. Đó là năm 643, ngài chính thức từ biệt các vị quốc vương, đi về hướng Tây Bắc, qua A-phú-hãn, tiến về Đông vào Sớ-lặc, rồi theo con đường phía Nam rặng Thiên-sơn (phía Nam tỉnh Tân-cương ngày nay) để về Trường-an.
Đó là năm 645, tức 17 năm sau ngày xuất hành. Vua Đường Thái-tông (627-649) cùng bá quan văn võ đã nghinh đón ngài vào hoàng thành vô cùng trọng thể. Vua Thái-tông (và cả Cao-tông sau này) đã ban tặng ngài tôn hiệu Tam Tạng Pháp Sư, thỉnh ngài ở luôn trong đại nội để được thường xuyên cúng dường. Đã hai lần vua Thái-tông khuyên ngài bỏ đời sống tu hành để giúp việc triều chính, nhưng ngài dứt khoát chối từ, quyết giữ chiếc áo cà sa để phụng sự Đạo Pháp. Không thể làm sao hơn, nhà vua chỉ còn biết tôn trọng ý chí của ngài, và một lòng trợ giúp ngài trong việc phiên dịch kinh điển. Ban đầu nhà vua mời ngài trú tại chùa Hoằng-phúc, sau lại xây viện Dịch-kinh ở chùa Đại-từ-ân, sau nữa là chùa Tây-minh và cung Ngọc-hoa; đều là những nơi ngài ở để dịch các kinh luận mà ngài đã mang về từ Thiên-trúc. Ngài viên tịch vào năm 664 tại cung Ngọc-hoa, thế thọ 65 tuổi. Vua Cao-tông (650-683) rất mực thương tiếc, bãi triều 3 ngày để làm lễ quốc táng ngài, cùng truy tặng đạo hiệu là Đại Biến Giác.
Môn đệ của ngài đông tới mấy ngàn người, trong đó, các ngài Khuy Cơ, Viên Trắc, Phổ Quang, Pháp Bảo, Tôn Triết, Đạo Chiêu, v.v… là những nhân vật rất quan trọng. Riêng ngài Khuy Cơ (cũng gọi là Từ Ân đại sư) đã được coi là vị đệ tử thượng thủ của ngài, đã cùng với ngài lập nên tông Pháp Tướng để truyền bá tư tưởng Duy Thức ở Trung-quốc và các nước vùng Đông-Nam-Á.
Về sự nghiệp dịch kinh của ngài, suốt trong 20 năm (645-664), trải từ triều Thái-tông sang triều Caotông, ngài đã dịch được tất cả 75 bộ kinh luận, gồm 1.335 quyển; trong đó, bộ kinh Đại Bát Nhã (600 quyển), bộ luận Đại Tì Bà Sa (200 quyển) và bộ luận Du Già Sư Địa (100 quyển), là đồ sộ hơn hết. Có thể nói, tất cả sở học của ngài ở Ấn-độ, đều được truyền hết về Trung-quốc. Tất cả công trình phiên dịch của ngài đều được triều đình bảo hộ, coi đó là sự nghiệp của quốc gia; bởi vậy, dịch trường của ngài đã được tổ chức thật qui mô, trật tự, lại được rất nhiều bậc danh tăng và quần thần tham gia. Về phương pháp phiên dịch, ngài chủ trương dịch sát nghĩa (chữ nào nghĩa nấy), thật trung thành với nguyên văn, khác với cách dịch cốt “đạt ý” ở thời trước như ngài Cưu Ma La Thập, v.v… Vì vậy, các nhà dịch kinh đời sau thường lấy thời đại của ngài làm mốc, gọi kinh điển được dịch từ ngài Huyền Trang trở về sau là “tân dịch” (theo lối dịch mới); trước đó là “cựu dịch” (theo lối dịch cũ).
Ngoài sự nghiệp phiên dịch vĩ đại ấy, ngài còn soạn bộ Đại Đường Tây Vức Kí (12 quyển), trong đó ghi chép tất cả những sự kiện về địa lí, lịch sử, tôn giáo, truyền thuyết, thần thoại, nhân tình, phọng tục, v.v… của 138 quốc gia từ vùng Tây-vức sang Ấn-độ đến Tích-lan; trong số đó, có 110 quốc gia đã do chính bản thân ngài đã đi đến ở lại, thăm viếng, còn 20 quốc gia là do ngài được đọc tài liệu hoặc nghe kể lại. Đối với lịch sử Phật giáo, cũng như đối với nền văn hóa, sử địa cổ đại của vùng Tây-vức, Ấn-độ, Trung và Nam-Á, đồng thời, đối với những chứng liệu về lịch sử giao thông giữa Tây-vức và Trung-quốc, sách Đại Đường Tây Vức Kí này có một giá trị cực cao; bởi vậy, nó đã được các nhà học giả Đông, Tây đều coi trọng, trân quí. Thật ra, tác phẩm Đại Đường Tây Vức Kí này là do ngài Huyền Trang kể lại các sự việc mà ngài đã từng trải (trong đó có phần dịch lại những tài liệu ngài đã đọc hoặc đã nghe), rồi ngài Biện Cơ (?-?, một trong những vị cao tăng giữ nhiệm vụ “xuyết văn” trong dịch trường của ngài Huyền Trang) ghi chép, chỉnh đốn lại mà thành sách; đó là lí do tại sao mà trong Tạng Đại Chánh (quyển 51, số 2087), sách này đã được ghi là do “Đường Huyền Trang dịch, Biện Cơ soạn”.
Sau khi ngài viên tịch, vua Đường Cao-tông cho xây tháp thờ di cốt ngài ở Phàn-xuyên (huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây). Về sau, khi Hoàng Sào khởi loạn chiếm Trường-an (năm 880), có người đã dời linh cốt của ngài xuống tận Nam-kinh để xây tháp thờ. Tháp này đến thời Thái-bình-thiên-quốc (1851-1864) thì bị hư hủy; từ đó mất dấu vết, không còn ai biết tới nữa. Đến thời kì Kháng-chiến Nhậtbản (1937-1945), người Nhật vào Nam-kinh, trong khi đào đất sửa đường, họ tìm thấy di cốt của ngài (1942), bèn đem về Nhật-bản thờ phụng. Sau Đại hội Phật giáo thế giới năm 1952, bộ phận xương sọ của ngài được giao trả về Đài-loan; năm 1961, ngôi chùa Huyền Trang đã được xây cất bên bờ đầm Nhậtnguyệt, tại huyện Nam-đầu, Đài-loan, để thờ linh cốt ấy của ngài.
21. Trinh-quán là niên hiệu duy nhất của vua Đường Thái-tông, kéo dài 23 năm (627-649). Năm thứ 3 niên hiệu Trinh-quán tức là năm 629 TL.
22. Võ Tắc Thiên (624-705): tên là Võ Chiếu, quê ở Hứa-xương, tỉnh Hà-nam, 14 tuổi được tuyển vào cung, làm tài nhân (thiếp hầu) của vua Đường Thái-tông (627-649). Vì là người thông minh nên bà được vua sủng ái. Bà có sắc đẹp thùy mị, nên những lúc vua Thái-tông bị bệnh, thái tử Lí Trị vào hầu, thấy bà thì yêu thầm. Sau khi vua Thái-tông chết, theo định chế, bà phải vào chùa cạo tóc làm ni. Thái tử Lí Trị, sau khi lên ngôi (tức Đường Cao-tông, 650-683), một hôm lên chùa hành hương, bà nhìn vua khóc lóc, ý muốn được trở về. Thấy bà khóc, Cao-tông mềm lòng, liền quên đạo hiếu, bỏ luân thường đạo lí, bất chấp lời dị nghị của triều thần và dân chúng, nhà vua đã triệu bà vào cung hầu mình (năm 654), cho làm chức chiêu nghi (nữ quan, ngang hàng với thừa tướng). Bà đã thông minh, có học thức, có tài, lại có bản lãnh, nên chỉ một năm ở trong cung, bà đã lập được mưu kế để vua Cao-tông phế bỏ hoàng hậu, rồi lập bà lên thay thế (năm 655); từ đó người ta gọi bà là Võ hậu. Vua Cao-tông mắc nhiều bệnh, nhất là bệnh đau mắt, sớ tấu của các quan đưa lên, vua không thấy rõ, bà phải đọc, duyệt, rồi nhiều khi còn bút phê. Thấy bà làm được việc, vua rất hài lòng; rồi dần dần còn cho bà tham dự triều chính. Từ đó bà nắm hết quyền hành, thay vua giải quyết chính sự; rồi gây phe lập cánh, hại dần những ai chống đối bà, nhất là những người trong hoàng tộc. Năm 680 bà phế thái tử Lí Trung, rồi lập Lí Hoằng; lại giết Hoằng để lập Lí Hiển, tất cả đều do một tay bà quyết định, hành xử như chính bà là hoàng đế; vua Cao-tông hoàn toàn nhu nhược, không còn quyền hành gì nữa.
Năm 683 vua Cao-tông chết, bà đưa thái tử Lí Hiển lên ngôi, tức Đường Trung-tông, nhưng sang năm sau (684) bà lại phế Trung-tông, giáng xuống làm Lư-lăng vương, đày đi Phòng-châu; và lập em của Lí Hiển là Lí Đán lên ngôi, tức Đường Duệ-tông. Nhưng Duệ-tông cũng chỉ làm vì, bà vẫn xưng Võ hậu, nắm hết triều chính, tự đặt niên hiệu, khống chế triều đình, giết hại nhiều đại thần và tôn thất họ Lí.
Thân vương ở các trấn khởi binh về đánh, bà đều tiêu diệt hết. Cuối cùng, năm 690, thấy đã đến lúc cần thiết, bà thật sự phế Duệ-tông, tự lên ngôi xưng là Thần Thánh hoàng đế (có thuyết nói bà xưng là Tắc Thiên Kim Luân hoàng đế), bỏ quốc hiệu Đường, đổi thành nước Chu, dời đô sang Lạc-dương, gọi đó là Thần-đô. Đó là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung-quốc. Bà có tiếng là tàn ác và dâm loạn, nhưng làm vua rất sáng suốt, quyết đoán đúng, biết trọng người hiền, có tài trị nước; vì vậy mà cũng có nhiều vị hiền thần tài giỏi thần phục bà, khiến cho triều chính không rối loạn. Dân chúng vẫn sống yên ổn, và coi những vụ lộn xộn ở triều đình như là việc riêng tư của họ Lí, họ Võ. Bà cũng là một Phật tử nhiệt thành, tận tụy cúng dường, xây chùa, kính tăng, tạc tượng, chép kinh, trì tụng; nhất là chí thành ủng hộ sự nghiệp dịch kinh.
Năm 705, lúc này bà đã 82 tuổi, già yếu lại bệnh hoạn. Nhân trong lúc bà bệnh nằm liệt giường, tể tướng Trương Giản Chi đã phát động cuộc chính biến, một mặt đem quân vào cung giết hết những kẻ thủ túc của bà, ép buộc bà phải nhường ngôi lại cho cựu hoàng Trung-tông, một mặt cho người đi Phòngchâu rước Trung-tông về triều. Bà bị truất ngôi nhưng không bị giết, nhưng đến cuối năm thì bà chết vì bệnh, thụy hiệu là Tắc Thiên hoàng hậu. Trung-tông lên ngôi vua trở lại, khôi phục quốc hiệu Đường, dời đô về lại Trường-an.
23. Thật Xoa Nan Đà (Siksananda, 652-710): Ngài người nước Vu-điền, học thông cả tiểu lẫn đại thừa. Năm 695 (dưới triều Tắc Thiên hoàng đế) ngài mang nguyên bản Phạn văn kinh Hoa Nghiêm đến Lạcdương, vâng mệnh nữ hoàng Tắc Thiên, trú tại chùa Đại-biến-không ở đại nội, cùng với các ngài Bồ Đề Lưu Chí, Nghĩa Tịnh, dịch kinh Hoa Nghiêm ra Hán văn, gồm 8 quyển, gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh. Ngoài ra ngài còn dịch các kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già, Văn Thù Thọ Kí, v.v… cả thảy 19 bộ, gồm 107 quyển. Năm 704 ngài trở về Vu-điền, nhưng lại mấy lần được mời, nên năm 708 (dưới triều vua Đường Trung-tông) ngài lại sang Trung-hoa, được vua Trung-tông ra tận biên giới để nghinh tiếp. Nhưng chỉ vài năm sau thì ngài bị bệnh mà viên tịch. Sau khi trà tì, cái lưỡi của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Môn đồ bèn đưa linh cốt và cái lưỡi của ngài trở về Vu-điền xây tháp cúng dường. Người đời sau đã xây ngôi tháp 7 tầng ngay tại nơi trà tì nhục thân ngài, gọi đó là tháp Hoa-nghiêm Tam-tạng.
24. Nghĩa Tịnh (635-713): Ngài họ Trương, tự là Văn Minh, quê ở Tề-châu, tỉnh Sơn-đông (có thuyết nói là huyện Trác, tỉnh Hà-bắc). Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, bẩm tính thông tuệ, theo học khắp các bậc danh đức, đọc khắp các loại kinh sách. Đến 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc. Từ năm 15 tuổi, ngài đã ngưỡng mộ cái ý chí “nhập Trúc cầu pháp” của các vị tiền bối như hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, nên năm 671 (dưới triều vua Đường Cao- tông), ngài đã rời Quảng-châu, theo đường biển đi đến đảo Sumatra (thuộc quần đảo Nam-dương), rồi đến Ấn-độ. Sau khi hành hương đảnh lễ khắp các thánh tích Phật giáo như đỉnh Linh-thứu, núi Kê-túc, vườn Nai, tinh xá Kì-viên v.v…, ngài đến lưu trú tại chùa Na-lan-đà, chuyên cần tu học suốt 10 năm. Sau đó ngài lại theo đường biển ghé lại Sumatra ở 7 năm; rồi chu du hơn 30 nước nữa mới trở về Trung-quốc. Ngài đã mang theo về khoảng 400 bộ kinh luận Phạn bản, cùng khoảng 300 viên ngọc xá lợi, đến Lạc-dương, được nữ hoàng Võ Tắc Thiên đích thân ra ngoài cửa Đông nghinh đón, và mời ở chùa Phật-thọ-kí.
Từ đó ngài dùng hết thì giờ tham gia công tác dịch kinh. Trong suốt 12 năm (699-711), ngài đã dịch được 56 bộ kinh luận, gồm 230 quyển (có thuyết nói 68 bộ, 290 quyển), phần lớn trong đó liên quan đến Luật tạng. Ngài đã cùng với ba vị khác là Cưu Ma La Thập, Chân Đế và Huyền Trang, được người đời xưng là “bốn nhà dịch kinh lớn” (tứ đại dịch kinh gia). Ngoài công việc dịch kinh, ngài còn chú trọng đến việc dạy luật cho lớp người hậu học. Ngài cũng là người đầu tiên truyền dạy phương pháp ghép vần trong tiếng Ấn-độ. Ngoài ra ngài cũng đã soạn Nam Hải Kí Qui Nội Pháp Truyện và Đại Đường Tây Vức Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Trong hai tác phẩm này, ngài đã ghi lại đầy đủ tất cả các sinh hoạt, phong tục, tập quán của chư tăng ở Ấn-độ cùng các quốc gia trong vùng Nam-hải. Ngài viên tịch năm 79 tuổi, có tháp thờ ở Lạc-dương.
25. Trường-thọ: là niên hiệu thứ ba của bà Võ Tắc Thiên từ năm xưng đế (690), kéo dài 3 năm, từ năm 692 đến năm 694. Trong thời gian 15 năm làm vua (nước Chu), Võ Tắc Thiên đã đặt 13 niên hiệu: Thiênthọ (690-692), Như-ý (692), Trường-thọ (692-694), Diên-tải (694), Chứng-thánh (695), Thiên-sách-vạntuế (695-696), Vạn-tuế-đăng-phong (696), Thần-công (697), Thánh-lịch (698-700), Cửu-thị (700), Đạitúc (701), Trường-an (701-704), và Thần-long (705). – Niên hiệu Thần-long này còn được dùng tiếp tục trong 3 năm đầu (705-707) của triều vua Trung-tông (705-710). Trước đó, khi chưa xưng đế, trong thời gian 7 năm chính thức nắm quyền triều chính thay vua Duệ-tông, bà đã đặt 4 niên hiệu: Quang-trạch (684), Thùy-củng (685-688), Vĩnh-xương (689), và Tải-sơ (689-690).
26. Bồ Đề Lưu Chí (Bodhiruci, 562-727): Ban đầu ngài có tên là Đạt Ma Lưu Chi (Dharmaruci), quê ở Nam Thiên-trúc, thuộc dòng Bà-la-môn. Ngài bẩm tính rất mực thông minh, 12 tuổi đã xuất gia, thờ giáo sĩ ngoại đạo làm thầy, thông hiểu thanh minh, số luận, tinh tường âm dương lịch số, địa lí, thiên văn, y phương, chú thuật. Mãi đến năm 60 tuổi mới nhận ra được sự vi diệu của giáo lí Phật-đà, bèn vào hang núi ẩn cư, tu tập hạnh đầu đà. Sau đó lại theo học với ngài Da Xá Cù Sa, chỉ chưa đầy 5 năm, ngài thông suốt cả Ba Tạng, rồi đi đến khắp các đạo tràng để giảng pháp. Tiếng tăm ngài lừng lẫy, vang xa đến tận Trường-an. Vua Đường Cao-tông liền cho sứ giả sang cung thỉnh, năm 693 (triều đại nữ hoàng Võ Tắc Thiên) ngài đến Trường-an – lúc này ngài đã 132 tuổi. Tắc Thiên dùng hậu lễ tiếp đãi, mời ở chùa Phậtthọ-kí tại Lạc-dương để tùng sự dịch kinh. Nơi đây ngài đã dịch được 11 bộ kinh, như Xuất Phật Cảnh Giới, Bảo Vũv… Năm 706, ngài dời chỗ ở sang chùa Sùng-phúc ở Trường-an, tiếp tục công tác dịch kinh. Trong số các dịch phẩm của ngài tại đây, có bộ kinh Đại Bảo Tích là rất quan trọng. Nguyên bộ kinh này có 49 hội, gồm 120 quyển. Trước đây ngài Huyền Trang mới dịch được 23 hội, 81 quyển, thì viên tịch. Công trình bỏ dở, cho tới nay được ngài kế tục, dịch thêm 26 hội, gồm 39 quyển, mất 8 năm thì hoàn tất. Sau đó ngài ngưng việc dịch kinh, chuyên tu thiền quán.
Năm 722 (dưới triều vua Đường Huyền-tông, 712-756) ngài trở lại Lạc-dương, ngụ tại chùa Trườngthọ. Năm thứ 15 niên hiệu Khai-nguyên (tức năm 727), từ tháng 9, ngài dứt tuyệt ăn uống thuốc thang, mà thần sắc vẫn bình thường. Đến ngày Mồng 5 tháng 11 thì ngài viên tịch, thế thọ 166 tuổi (có thuyết nói 156 tuổi). Vua truy tặng là Hồng-lô đại khanh, thụy hiệu là Khai Nguyên Nhất Thiết Biến Tri Tam Tạng.
27. Sơ Đường: Các nhà viết văn học sử Trung-quốc thường chia thời đại nhà Đường (kéo dài 289 năm, kể cả 15 năm của triều đại Võ Tắc Thiên) làm ba thời kì:
a) Thời Sơ Đường, kéo dài 95 năm, từ năm đầu niên hiệu Vũ-đức (tức năm 618) đến hết niên hiệu Tiênthiên (tức năm 713).
b) Thời Thịnh Đường, kéo dài 92 năm, từ năm đầu niên hiệu Khai-nguyên (tức năm 713) đến cuối niên hiệu Vĩnh-trinh (805).
c) Thời Vãn Đường, kéo dài 102 năm, từ năm đầu niên hiệu Nguyên-hòa (806) đến cuối niên hiệu Thiênhựu (907).
BÀI TẬP
1) Bộ kinh nào do ngài Đàm Vô Sấm dịch đƣợc coi là nổi tiếng nhất? Yếu chỉ của bộ kinh ấy nói gì?
2) Xin hãy giải thích từ “nhất xiển đề”. Thế nào là “đoạn thiện xiển đề”? Thế nào là “đại bi xiển đề”?
3) Tên của bốn bộ luật là gì? Mỗi bộ gồm bao nhiêu quyển, và luật bản của nó thuộc bộ phái tiểu thừa nào, đã do vị nào dịch?
4) Ngài Huyền Trang du hành về hƣớng Tây vào lúc nào? Khi nào thì trở về nƣớc? Ngài đã mang theo về bao nhiêu rƣơng kinh luận? Gồm cả thảy bao nhiêu bộ? Trong suốt 20 năm, ngài đã dịch cả thảy bao nhiêu bộ kinh luận thuộc cả tiểu và đại thừa? Gồm bao nhiêu quyển? Ngài viên tịch vào ngày tháng năm nào? Thọ thế bao nhiêu tuổi?
5) Ba bộ kinh lớn thuộc hiển giáo là những bộ nào? Mỗi bộ gồm bao nhiêu quyển, và do vị nào dịch?