GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 22
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 3)
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
29. Bồ-tát giữ giới, tuy không cùng người nữ hòa hợp, nhưng khi thấy người nữ thì nói cười chớt nhả; hoặc tuy không nói cười chớt nhả nhưng nghe các tiếng vòng xuyến chuỗi ngọc của họ mà sinh lòng ưa đắm; hoặc tuy không nói cười chớt nhả nhưng thấy những cặp nam nữ khác đùa giỡn nhau mà sinh lòng ham thích; hoặc những sự việc trên đều không có mà chỉ muốn sinh lên các cõi trời để hưởng thụ 5 thứ dục lạc1; tất cả các sự việc như trên, đều gọi là thành tựu pháp ham muốn, phá hủy tịnh giới, ô nhục phạm hạnh. Nếu có vị Bồ-tát giữ giới thanh tịnh mà tâm không vì giới, không vì trì giới ba la mật, không vì chúng sinh, không vì lợi dưỡng, không vì bồ đề, không vì niết bàn, không vì nhị thừa; chỉ vì đệ nhất nghĩa tối thượng mà hộ trì cấm giới, đó gọi là tịnh giới cụ túc.
30. Nếu có người thông minh mẫn tuệ, có khả năng phân biệt rành mạch, nhưng xa lìa bạn lành, không nghe chánh pháp, không suy nghĩ chân chánh, không an trú như pháp, người như vậy là có thể đoạn mất thiện căn; nếu lại còn nói không nhân không quả, thì phải nói thẳng là đã đoạn mất thiện căn vậy.
31. Phật tánh có 7 đức: một là thường, hai là ngã, ba là lạc, bốn là tịnh, năm là chân, sáu là thật, bảy là thiện.
32. Có một vị tì kheo bạch Phật: “Vì sao con thường tu tập mà không chứng quả?” Đức Phật sai tôn giả A Nan chọn cho vị tì kheo ấy một căn phòng thật tốt, dọn dẹp sạch sẽ, dùng đồ bảy báu trang hoàng mĩ lệ, treo tràng phan bảo cái có thêu vẽ hình màu xinh đẹp. Tôn giả A Nan bày biện mọi thứ xong xuôi, mời vị tì kheo ấy vào ở trong căn phòng ấy, chuyên tâm tu niệm; và không bao lâu, vị ấy chứng được quả Tu-đà-hoàn, rồi quả A-la-hán. Nhân đó mà đức Phật dạy: Vô lượng chúng sinh phải nhập niết bàn, nhưng vì phương tiện sinh hoạt thiếu thốn làm trở ngại tâm trí, cho nên không chứng niết bàn được.
33. Quán bất tịnh chữa trị được tâm tham; quán từ bi chữa trị được tâm sân; quán nhân duyên chữa trị được tâm si.
34. Phạm chí2 Bà Tư Tra trước tu theo ngoại đạo, đức Phật dạy ông ấy rằng: sắc là vô thường, nhưng sắc giải thoát là thường3; thọ là vô thường, nhưng thọ giải thoát là thường; tưởng là vô thường, nhưng tưởng giải thoát là thường; hành là vô thường, nhưng hành giải thoát là thường; thức là vô thường, nhưng thức giải thoát là thường. Bà Tư Tra nghe xong thì đại ngộ, liền chứng quả A-la-hán, nhập niết bàn.
35. Phật bảo phạm chí Tiên Ni: Phải diệt sáu căn, sáu trần, sáu thức và tâm ngã mạn xong rồi, mới có được thường, lạc, ngã, tịnh.
36. Phật bảo phạm chí Ca Diếp: Con người khi bỏ thân này mà chưa thọ thân sau, mạng sống ở trong cái khoảng trung gian đó do hai thứ tâm lí vô minh và ái làm nhân duyên, cho nên mạng sống được duy trì; nếu có người nào không đốt lửa thì chắc chắn sẽ không có khói.4
37. Phật bảo phạm chí Phú Na: Sắc vô thường cho đến thức vô thường, vì có tâm ái cho nên mới thiêu đốt; đã thiêu đốt thì phải thọ quả trong 25 hữu5. Vì vậy mà có thể nói lửa đó ở khắp bốn phương Đông Tây Nam Bắc. Nếu như tâm ái bị diệt thì quả báo 25 hữu không đốt lên; vì không đốt lên nên không thể nói có Đông Tây Nam Bắc. Như Lai đã diệt sắc vô thường cho đến thức vô thường, cho nên thân Như Lai là thường; thân thường thì không thể nói có Đông Tây Nam Bắc.
38. Phật bảo phạm chí Tịnh: Nếu người dứt bỏ nghiệp cũ và không tạo nghiệp mới, người ấy đã hiểu biết thế nào là thường và vô thường. Phạm chí thưa: Vô minh và ái là cũ, thủ và hữu là mới. Nếu người đã vĩnh viễn xa lìa vô minh và ái, không tạo tác thủ và hữu, người ấy đã hiểu biết chân thật về thường và vô thường. Hôm nay con đã có được cái thấy trong sạch theo đúng chánh pháp vậy.
39. Phật bảo phạm chí Nạp Y: Phiền não và nghiệp là nhân duyên của thân. Nếu biết hai bên và ở giữa không hề ngăn cách, người đó có thể đoạn trừ phiền não và nghiệp. Phạm chí thưa: Hai bên tức là sắc và sắc giải thoát, ở giữa tức là tám nguyên tắc hành động chân chánh; thọ tưởng hành thức cũng vậy. Hôm nay con đã có được con mắt chánh pháp.6
40. Phật bảo ngài Tu Bạt Đà La: Cái tưởng không tưởng gọi là cái tưởng chân thật. Tất cả các pháp đều là hư giả, theo tới chỗ diệt mất của chúng, đó gọi là thật, là thật tưởng, là pháp giới, là trí tuệ rốt ráo, là sự thật tuyệt đối, là đệ nhất nghĩa không. Người trí tuệ thấp kém quán chiếu thì chứng quả giác ngộ thuộc hàng Thanh-văn; người trí tuệ trung bình quán chiếu thì chứng quả giác ngộ thuộc hàng Duyên-giác; người trí tuệ cao siêu quán chiếu thì chứng quả giác ngộ vô thượng.
41. Phật bảo tôn giả A Nan: Sau khi Phật nhập niết bàn, hãy lấy giới luật làm thầy, y theo giới luật mà tu hành thì giải thoát ba cõi. Hãy y theo bốn nơi quán niệm và đem tâm nghiêm chỉnh mà an trú ở bốn nơi đó: Quán chiếu thân thể đồng với hư không, gọi là quán niệm nơi thân; quán chiếu thọ không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian, gọi là quán niệm nơi thọ; quán chiếu tâm chỉ có cái tên gọi, cả cái tánh của tên gọi cũng xa lìa, gọi là quán niệm nơi tâm; quán chiếu vạn pháp không được pháp thiện, cũng không được pháp bất thiện, gọi là quán niệm nơi pháp.
42. Phật bảo đại chúng: Như Lai dùng trí đại bát nhã quán sát các loài hữu tình và vô tình, tất cả người và vạn pháp trong khắp ba cõi, thảy đều rốt ráo: không có kẻ bị trói buộc, không có người được giải thoát; không có người làm chủ, không có kẻ tùy thuộc; không thể nhiếp thọ giữ gìn; không thoát ra ba cõi, cũng không vào ba cõi, xưa nay thanh tịnh, không phiền não cấu uế; cùng với hư không bình đẳng, cũng không bình đẳng, cũng không phải không bình đẳng; dứt hết động niệm, ngưng bặt tư tưởng; pháp tướng như thế gọi là đại niết bàn, thấy pháp chân thật này gọi là giải thoát, kẻ phàm phu không hiểu biết gọi là vô minh.
CHÚ THÍCH
1. 5 cảnh sắc thanh hương vị xúc làm cho người ta khởi tâm tham dục, cho nên gọi là 5 dục.
2. Người bà-la-môn Ấn-độ có chí cầu pháp Phạm Thiên, gọi là “phạm chí”. Phạm thiên nghĩa là tịnh, lấy tịnh hạnh lập chí, cho nên gọi là “phạm chí”.
3. Cởi bỏ sự trói buộc của hoặc nghiệp, thoát khỏi quả khổ của ba cõi, được tự tại, gọi là “giải thoát”. Thể của niết bàn xa lìa tất cả mọi sự trói buộc, không có khổ não sinh tử, cho nên niết bàn xưng là giải thoát. Nếu lấy 5 uẩn mà luận, tướng của sắc thọ tưởng hành thức vốn là vô thường, nhưng nếu thu nhiếp pháp tướng qui về pháp tánh thì gọi là giải thoát. 5 uẩn giải thoát vĩnh viễn xa lìa sinh diệt, tức là thường hằng.
4. Lửa là chỉ cho vô minh và ái; khói là chỉ cho mạng sống của thân trung ấm. Sau khi thân trước đã bỏ, nếu trong 12 nhân duyên mà đã đoạn trừ cái nhân quá khứ là vô minh, hoặc cái nhân hiện tại là ái, thì cái thân trung ấm không hiện hữu, mà thẳng nhập niết bàn, chứng đắc cảnh giới bất sinh bất diệt; cho nên nói không đốt lửa thì không có khói.
5. Do nhân mà có quả khởi sinh, cho nên quả cũng gọi là “hữu”. Quả pháp trong ba cõi được phân làm 25 loại, gọi là 25 hữu, trong đó, cõi Dục có 14 hữu: tức 4 châu, 4 nẻo ác (Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Bàng-sinh, A-tu-la), và 6 tầng trời cõi Dục; cõi Sắc có 7 hữu: tức 4 cõi trời Thiền (4 hữu) và 3 cõi trời Đại-phạm, Ngũ-tịnh-cư, Vô-tưởng (3 hữu); cõi Vô-sắc có 4 hữu: tức 4 cõi trời Không; ba cõi cộng lại có 25 hữu. Có bài kệ rằng: Bốn châu bốn nẻo ác, sáu Dục và Phạm-thiên, bốn Thiền bốn Vô-sắc, Vô-tưởng Ngũ-Nahàm. (Trời Ngũ-tịnh-cư là nơi cao nhất của cõi Tứ-thiền. Đó là nơi cư trú của những người đã chứng quả A-na-hàm, cho nên cũng được gọi là Ngũ-Na-hàm.)
6. Thọ thân tâm 5 uẩn là một bên, giải thoát thân tâm 5 uẩn là một bên khác. Sau khi thọ thân tâm 5 uẩn, nhân tu theo 8 nguyên tắc hành động chân chính mà giải thoát thân tâm 5 uẩn, đó là từ bên này, trải qua khoảng giữa, rồi đến bên kia. Ba điểm đó liên quan nhau mà tánh tướng đều vắng lặng, không thể nắm bắt, cho nên nói hai bên và ở giữa không ngăn cách.
BÀI TẬP
1) Loại người nào gọi là “đã đoạn mất thiện căn”?
2) Phật tánh có 7 đức, là những đức gì?
3) Quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, mỗi phép quán đó chữa trị được bệnh gì?
4) Thế nào là không đốt lửa thì không có khói? Thế nào là dứt bỏ nghiệp cũ và không tạo nghiệp mới?
5) Sau khi Phật nhập niết bàn thì nên lấy gì làm thầy? Về bốn lãnh vực quán niệm, nên quán như thế nào?