GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 21
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 2)

 

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

16. Nếu có người nói lời thô lỗ độc ác, phỉ báng chánh pháp mà không bao giờ biết xấu hổ cải hối, hoặc phạm bốn tội nặng1 và năm tội nghịch2, tự biết mình chắc chắn đã phạm tội, nhưng không xấu hổ sợ sệt, không chịu phát lồ3; đối với Phật pháp thì không có tâm ái kính, bảo hộ và xây dựng, lại chê bai khinh rẻ, nói năng nhiều lầm lỗi; hoặc nói không làm gì có Phật Pháp Tăng; tất cả những người ấy đều được coi là đang đi theo con đường nhất xiển đề.

17. Tất cả nỗi thống khổ đều do từ sự “sinh” (ra đời) mà có; cho nên người có trí tuệ thì chỉ an trú nơi cảnh giới “bất sinh”.

18. Cõi Sơ-thiền, trong có giác quán4, ngoài có hỏa tai; cõi Nhị-thiền, trong có hoan hỉ, ngoài có thủy tai; cõi Tam-thiền, trong có hơi thở nặng nề5, ngoài có phong tai; chỉ có cõi Tứ-thiền, trong ngoài đều không có lỗi lầm gì, nên tất cả tai nạn đều không tới được. Đại Bồ-tát an trụ nơi cảnh giới đại niết bàn, tất cả lỗi lầm trong ngoài đều không có, cho nên cái khổ chết không thể tới được.

19. Trong thế tục đế bao hàm có đệ nhất nghĩa đế. Nơi thế tục đế, nếu biết rõ năng sở đều không, tất cả pháp tướng rốt ráo không tịch, đó là đệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, ví như có người biết rõ mình được cha mẹ sinh ra, đó là thế tục đế; lại biết rõ mình cũng do mười hai nhân duyên sinh ra, đó là đệ nhất nghĩa đế.

20. Phật Pháp Tăng đều thuộc tự tánh, cho nên Pháp là thường. Nếu tất cả pháp đều do nhân sinh ra thì không gọi là thường; bởi vì, vô vi mới là thường, còn hữu vi thì không phải là thường.

21. Thuở quá khứ không có Phật pháp, trời Đế Thích bèn hóa làm quỉ la-sát6, nói cho Bồ-tát Thích Ca nghe nửa bài kệ rằng: “Các hành đều vô thường, chỉ là pháp sinh diệt.” Thích Ca nghe xong liền xin la-sát nói cho nghe toàn bài kệ. Lasát bảo: “Ta chuyên ăn thịt người, nếu ông cho ta cái thân của ông để ta ăn, thì ta mới nói.” Thích Ca hứa làm y như lời, quỉ la-sát bèn nói tiếp bài kệ: “Khi sinh diệt đã dứt, tịch diệt là niềm vui.” Thích Ca nghe xong, liền trèo lên cây cao, tự gieo mình xuống đất. Lúc đó quỉ la-sát bèn hiện trở lại nguyên hình trời Đế Thích, đứng dưới gốc cây đỡ lấy Bồ-tát Thích Ca đặt xuống đất, rồi xưng tán đảnh lễ.

22. Hãy tu tập bốn tấm lòng rộng lớn: lòng từ, lòng bi, lòng hỉ, và lòng xả.

23. Bồ-tát được bốn trí vô ngại7, tuy biết rõ các pháp mà không chấp trước, gọi là pháp vô ngại; tuy hiểu rõ các nghĩa lí mà không chấp trước, gọi là nghĩa vô ngại; tuy biết rành danh tự mà không chấp trước, gọi là từ vô ngại; tuy biết tính thích nói pháp là vô cùng quí báu mà vẫn không chấp trước, gọi là nhạo thuyết vô ngại.

24. Dù bốn con rắn độc có thể giết người, nhưng không đến nỗi làm cho người đó đọa vào ba dường dữ. Bốn đại làm cho thân tâm khổ não, khiến cho chúng sinh gây tội ác; vì gây tội ác cho nên phải đọa vào ba đường dữ. Vì vậy mà bốn đại còn độc hơn rắn độc; năm uẩn, sáu trần cũng vậy.

25. Nếu đoạn dứt phiền não mà không thấy được Phật tánh thì chỉ gọi là niết bàn, không được gọi là đại bát niết bàn; vì chỉ có lạc và tịnh, mà không có thường và ngã. Nếu đoạn dứt phiền não mà đồng thời còn thấy được Phật tánh, thì gọi là đại bát niết bàn; vì có đầy đủ bốn nghĩa thường, lạc, ngã, tịnh.

26. Không tức là sinh tử, bất không tức là đại niết bàn; vô ngã tức là sinh tử, ngã tức là đại niết bàn. Thấy tất cả là không, mà không thấy cái bất không, thì không được gọi là trung đạo; cho đến thấy tất cả là vô ngã, mà không thấy cái ngã, cũng không được gọi là trung đạo. Trung đạo được gọi là Phật tánh; cho nên Phật tánh là thường hằng, không có biến đổi, nhưng vì vô minh che lấp, khiến cho chúng sinh không thể thấy được. Hàng Thanh-văn, Duyên-giác thấy tất cả là không, mà không thấy được cái bất không, cho đến thấy tất cả là vô ngã, mà không thấy được cái ngã; do đó mà không hiểu được “đệ nhất nghĩa không”, không thực hành trung đạo, vì không trung đạo nên không thấy được Phật tánh.

27. Chúng sinh khởi kiến chấp, thường có hai loại: một là thấy thường còn8, hai là thấy đoạn diệt9. Hai kiến chấp như thế không gọi là trung đạo; không thường còn không đoạn diệt mới là trung đạo.

28. A-la-hán đã đoạn trừ tử phược10, cho nên có thể đoạn trừ phiền não kết sử11; nhưng vì chưa thoát khỏi quả phược12 cho nên không thấy được Phật tánh, không chứng được quả vị Vô-thượng Chánh-giác.

 

CHÚ THÍCH

1. Bốn tội nặng: cũng gọi là bốn trọng cấm, bốn tội bị đuổi, hay bốn tội ba-la-di: 1) Phạm giới dâm; 2) Phạm giới trộm; 3) phạm giới giết người; 4) Phạm giới đại vọng ngữ.

2. Xin xem lại chú thích số 15, bài 17, sách Trung Cấp.

3. Tức là cố ý che giấu, không chịu thú thật tội lỗi đã phạm.

4. Tân dịch là tầm từ, cựu dịch là giác quán. Tư tưởng thô sơ gọi là giác, tư tưởng vi tế gọi là quán. Cả hai tâm sở này đều có thể làm nhiễu loạn thiền định.

5. Trong lúc thiền định, hơi thở nặng nề, gọi là “suyễn tức”. Bài kệ thiền Đạt Ma nói: “Ngoài thì dứt các duyên, trong thì tâm không thở.”, là chỉ cho trường hợp này.

6. La-sát là tên gọi chung các loài quỉ dữ, hoặc bay trên không, hoặc đi dưới đất, chuyên ăn thịt uống máu người.

7. Bên ngoài bị ngăn chận gọi là ngại. Bốn vô ngại trí cũng gọi là bốn vô ngại giải, hay bốn vô ngại biện. Thông thạo tên của các pháp, phân biệt rõ suốt, gọi là pháp vô ngại trí. Hiểu rõ nghĩa lí các pháp, thông suốt không bị chướng ngại, gọi là nghĩa vô ngại trí. Thông hiểu nhiều ngôn ngữ của nhiều miền khác nhau, có thể tùy ý diễn nói, gọi là từ vô ngại trí. Biện luận nghĩa lí các pháp một cách thông suốt vẹn toàn, vì chúng sinh mà nói năng vui vẻ tự tại, gọi là nhạo thuyết vô ngại trí.

8. Vọng kiến cố chấp thân tâm con người, trải ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều thường trú, không có gián đoạn, gọi là thường kiến, hay hữu kiến.

9. Vọng kiến cố chấp thân tâm con người là đoạn diệt, không tiếp nối, gọi là đoạn kiến, hay vô kiến.

10. Phiền não kiến tự trói buộc thân tâm, khiến cho không được tự tại, gọi là “tử phược”; trái lại là quả phược.

11. Kết và sử đều là những tên gọi khác của phiền não. Phiền não trói buộc thân tâm, kết thành quả khổ, gọi là “kết”. Phiền não theo đuổi và sai sử chúng sinh tạo tội lỗi, gọi là “sử”.

12. Vì bị quả khổ sinh tử trói buộc không thể giải thoát, gọi là “quả phược”. Cho nên, phiền não làm nhân, gọi là tử phược; sinh tử là quả, gọi là quả phược. A-la-hán tuy đoạn hết phiền não mà chưa nhập diệt, gọi là “tử phược đã đoạn nhưng quả phược vẫn còn”. Nếu đã diệt độ, nhập vô dư niết bàn thì cả quả phược cũng đã đoạn dứt vậy.

   

BÀI TẬP

1) Ba cõi trời Sơ-thiền, Nhị-thiền và Tam-thiền, vì sao có hỏa tai, thủy tai và phong tai? Vì sao các tai nạn không thể đến được cõi trời Tứ-thiền?

2) Hãy viết ra toàn bài kệ mà trong một tiền kiếp đức Thích Tôn đã phải bỏ cả thân mạng để chỉ vì muốn nghe được có nửa bài kệ ấy.

3) Bốn tấm lòng rộng lớn là gì? Bốn vô ngại trí là gì?

4) Hãy nói lí do tại sao bốn đại còn độc hơn rắn độc.

5) Vì sao hàng Thanh-văn và Duyên-giác không thấy Phật tánh?

6) Hãy giải thích: bốn tội nặng, giác quán, thường kiến và đoạn kiến, tử phược và quả phược.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 19, 20, và 21

1. Hồi chưa học Phật, tôi cũng đã từng ôm mối hoài nghi: Vì sao mà tính tình mỗi người lại không giống nhau? Có người hung bạo, có người hiền lành, có người xảo trá, có người thật thà, có người thích tĩnh, có người thích động, có người kiêu ngạo, có người khiêm cung, có người xa xỉ, có người cần kiệm; phân loại ra, làm sao kể cho hết! Do đâu mà có những khác nhau ấy? Cho đến khi đọc được các kinh luận của tông Pháp Tướng, tôi mới biết, tất cả những khác nhau ấy đều do các tập khí tồn đọng từ bao đời trước tạo thành. Thảo nào mà tục ngữ có câu: “Giang sơn dễ cải biến, thiên tánh khó đổi thay.” Muốn tẩy trừ tập khí, chỉ trông cậy vào sức tu trì, khiến cho chúng hoặc bị chế phục, hoặc bị đoạn dứt. Chế phục thì giống như lấy đá đè cỏ, làm cho không thể phát triển; nhưng nếu không nhổ hết gốc rễ thì không thể diệt trừ triệt để được. Đoạn dứt thì giống như nhổ hết gốc rễ bỏ đi, không một ngọn cỏ nào còn mọc được. Cái hoàn cảnh của thế giới Ta-bà thật xấu xa bẩn thỉu, chế phục sợ còn rất khó khăn, nói gì đến đoạn dứt! Cho nên phải vãng sinh về cõi Phật, chuyển sang cái hoàn cảnh thanh tịnh, rồi từ từ trừ bỏ; đó mới là biện pháp tốt.

2. Các loại Trí do Thức chuyển thành, tên gọi của chúng thật có ý nghĩa, rất khó lẫn lộn. Năm thức trước chỉ là năm thứ công cụ. Loại công cụ này, khi chưa được chuyển thì chuyên chịu sai khiến mà giúp kẻ hung tàn; sau khi được chuyển rồi thì trái hẳn với lúc trước, trở thành tay chân phụ tá cho đạo nghiệp, khiến cho mọi việc đều thành tựu, cho nên gọi là “thành sở tác”. Thức thứ sáu, khi chưa được chuyển, hoàn toàn bám theo cảnh giới sáu trần mà khởi vọng tưởng phân biệt, kế độ; sau khi được chuyển rồi thì trái hẳn với lúc trước, quán sát thấy rõ căn khí của chúng sinh cùng các pháp môn sai khác, theo bệnh cho thuốc, cho nên gọi là “diệu quán sát”. Thức thứ bảy khi chưa được chuyển thì thường xuyên chấp ngã, ngã tướng đã sinh, nhiễm ô tiếp khởi; sau khi được chuyển rồi thì trái hẳn với lúc trước, không phân biệt nhân ngã, tự tha bình đẳng, cho nên gọi là “bình đẳng tánh”. Thức thứ tám khi chưa được chuyển là một kho tàng nhận các huân tập, gìn giữ chủng tử, cất chứa cấu uế nhiễm ô; sau khi chuyển rồi thì xa lìa hết các pháp hữu lậu tạp nhiễm, hoàn toàn trái ngược với lúc trước, vắng lặng mà chiếu rọi vô biên, tất cả chúng sinh và thế giới đều hiện rõ ở trong đó, gọi là “đại viên cảnh”.

3. Giáo nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh của tiểu thừa, và giáo nghĩa thường, lạc, ngã, tịnh, bất không của đại thừa, nhìn trên bề mặt thì thấy hoàn toàn tương phản; nhưng nếu nghiên cứu cho thật kĩ lưỡng thì sẽ thấy rằng, không những chúng không tương phản, không xung đột, mà còn là một toàn bộ. Bởi vì, tiểu thừa thì nói cái từ ngoài đến, còn đại thừa thì nói cái vốn có sẵn. Từ ngoài đến thì bất luận là vật gì, cho đến một xác thân, một quả núi, một con sông, một ngôi nhà, đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, cuối cùng rồi cũng phải hư nát, tiêu tan. Khắp cùng cõi hư không, chỉ có tự tánh là vốn có, từ vô thỉ đến nay, chính đó là thường, lạc, ngã, tịnh, bất không. Nói vô thường, mục đích là để chứng cái thường; nói không, mục đích là để chứng cái bất không; những cái kia cũng theo đây mà suy nghiệm. Xin thử đem đám mây che mặt trăng làm ví dụ: Đám mây là vô thường, là bất tịnh. Thổi tan đám mây thì mặt trăng sáng tỏ xuất hiện, mới thấy được sự vật thường, lạc, ngã, tịnh, bất không. Mười tám khu vực đều là mây nổi, Phật tánh bất sinh bất diệt của tự thân mới là mặt trăng. Không thổi tan đám mây hư huyễn thì không thể thấy được mặt trăng chân thật. Sau khi người học thông hiểu rõ ràng cái đạo lí này, đối với giáo nghĩa tiểu thừa đại thừa, tự nhiên sẽ tiếp nhận trọn vẹn, cái thấy phân biệt phe phái sẽ không còn nữa.

4. Chúng sinh cho cái thân bốn đại giả hợp là chân thật, đó gọi là: lấy vô thường làm thường, lấy khổ làm vui, lấy vô ngã làm ngã, lấy bất tịnh làm tịnh. Mặt khác, không tin có Phật tánh, cho Phật tánh là hư vô mơ hồ, đó gọi là: lấy thường làm vô thường, lấy vui làm khổ, lấy ngã làm vô ngã, lấy tịnh làm bất tịnh. Hợp chung tất cả lại, gọi là “tám điên đảo”. A-la-hán chứng niết bàn, chưa thấy Phật tánh, chỉ phá trừ được bốn điên đảo đầu; Bồ-tát đã chứng niết bàn, lại thấy Phật tánh, mới phá trừ được tất cả tám điên đảo, thân chứng thật tướng trung đạo.

5. Tính chất của niết bàn và đại niết bàn có chỗ không giống nhau. Niết bàn theo nghĩa hẹp là đoạn trừ phiền não, không khởi hoặc nghiệp, tâm lạnh trí diệt, hoàn toàn không phát sinh tác dụng; đó là trạng thái niết bàn của tiểu thừa. Đại bát niết bàn là nói theo nghĩa rộng, thì không giống như vậy. Pháp thân chư Phật, ở trong cái cảnh giới vắng lặng trong trẻo, vì có bi nguyện gia trì cho nên có thể biến hóa vô lượng ứng thân, thị hiện tám tướng thành đạo; hoặc kiến tạo Phật quốc để cứu độ chúng sinh, đầy đủ ba thân, bốn trí, năm con mắt, sáu thần thông, cho nên thể và dụng đều đầy đủ; đó là trạng thái niết bàn của đại thừa.

6. Nói một câu đơn giản: Mỗi đức Như Lai, khi nào tất cả chúng sinh thảy đều thành Phật, thì mới vĩnh viễn nhập niết bàn. Trong kinh nói: “Con quạ, con cú mèo đậu chung một cành; con rắn, con chuột, con sói ở chung một hang, tình thân như huynh đệ……”, đó chẳng qua là lời nói thí dụ, không nên cố chấp. Tại vì, hễ có quạ cú rắn chuột sói, thì thế giới súc sinh vẫn còn, dù chúng có ở chung hòa thuận tốt đẹp, thì Như Lai cũng quyết không thể bỏ chúng mà không cứu độ trước khi tự nhập niết bàn.

7. Ứng thân của Phật tuy là tướng tốt trang nghiêm, nhưng chắc chắn phải có lúc niết bàn; ba tạng Pháp bảo tuy là sâu xa vi diệu, nhưng chắc chắn phải có lúc diệt mất. Điều đó nói lên rằng, hễ có sinh thì chắc chắn phải có diệt, có hình thì chắc chắn phải có hoại; đã rơi vào hình chất mà muốn cầu trường sinh, đó là điều mâu thuẫn không thể nào xảy ra. May thay, hình tuy bao lần thay đổi, mà tánh lại trường tồn, cho nên ngàn đức Phật hạ sinh, duy trì ngọn đèn trí tuệ không bao giờ tắt! Nhưng, tu học Phật pháp cũng phải xem nhân duyên, ít ra thì cũng giống như người xưa đã nói: “Phật xưa trụ thế thì ta còn trầm luân, nay ta được thân người thì Phật đã diệt độ!” Thân người cùng Phật pháp đang chơi trò ú tim, thì biết làm sao đây? Giống như thời nay, ba tạng kinh điển đều ở tại nhân gian, nhưng số người chịu khó xem đọc nghiên cứu, phỏng được bao nhiêu? Có bao nhiêu người chịu y giáo tu hành? Còn số người trầm luân trong ngoại đạo tà giáo, hoặc không tin Tam Bảo, hủy báng Phật pháp, lại có bao nhiêu? Cho nên biết, tu hành theo chánh pháp hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Xin tất cả đệ tử Phật môn, trong lúc thân thể còn khỏe mạnh, Phật pháp chưa tiêu diệt, hãy tinh tấn lên, tu một ngày cho xứng đáng được một ngày. Đọc câu từ này của Lí Hậu-chủ(1): “Xa nhau thì dễ mà gặp nhau thật khó!”, đối với Phật pháp, tôi cũng có mối cảm khái như vậy.

8. Đối với thân thể nên tu tập hai phép quán: Một là, những tính xấu như tham ăn, hiếu sắc, ham thích các sự hưởng thụ, đều là nó; kết quả, vì nó mà tạo ra bao nhiêu nghiệp ác, đọa lạc vào ba đường dữ, cho nên phải quán sát nó như là rắn độc. Hai là, tự mình chọn lựa pháp môn hành trì, cho đến tu nhân đắc quả, đều phải nhờ đến ba nghiệp thân ngữ ý này mới có thể thành công; nếu không thì chẳng có cách nào để đoạn hoặc chứng quả, cho nên cũng quán sát nó như là châu báu. Nói rõ ra, đồng là cái xác thân này, nếu dùng nó để làm ác, thì nó còn ác hại hơn rắn độc; nếu dùng nó để tu hành làm thiện, thì nó còn ích lợi hơn cả châu báu. Bỏ cái nào? theo cái nào? Đó là do hành giả tự chọn lựa lấy.

9. Đối tượng bị lừa dối của tiểu vọng ngữ là người bình thường, dù khiến cho tội ác đạt đến cực điểm, thì bất quá là đoạn tánh mạng người là cùng. Còn đại vọng ngữ, chưa chứng mà bảo là chứng, chưa đắc mà bảo là đắc, thì đối tượng bị lừa dối là người tu hành, nếu nghe theo lời đại vọng ngữ kia mà hành trì thì có thể bị dứt mất huệ mạng! Tánh mạng chỉ quan hệ có một đời, còn huệ mạng thì quan hệ rất nhiều đời; cho nên, so với tiểu vọng ngữ thì tội đại vọng ngữ to lớn hơn nhiều, chắc chắn phải đọa địa ngục Vô-gián. Ngày nay ngoại đạo đều phạm tội này. Họ chuyên lừa bịp người, sự thật chính họ sẽ bị hại.

10. Muốn cầu được nghe nửa sau của một bài kệ mà đành chịu hi sinh tánh mạng, chuyện này thật làm cho người đối trước kinh luận mà không chịu đọc, phải xấu hổ hết sức. Nghe kệ được khai ngộ, thì huệ mạng của ngàn muôn đời đã phát sinh, cho dù có dứt bỏ một đời tàn này cũng có gì đáng tiếc! Đấy là hiểu biết sâu xa, sau khi chết vẫn còn có đời sau, sự an nguy của đời sau rất quan hệ đến đời này; biết thế mới có thể hạ quyết tâm cầu pháp vậy.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(1) Lí Hậu-chủ (?-978): là ông vua cuối cùng (đời thứ ba) của triều Nam-Đường (937-975), thời Ngũđại-thập-quốc, Trung-quốc. Ông tin Phật nhưng thuộc loại mê tín, nên không phải là một Phật tử chân chính. Ông không quan tâm việc trị nước mà chỉ mê nữ sắc và thi ca. Ông rất nổi tiếng về thể “từ”. Ông mê từ đến nỗi, Tống Thái-tổ Triệu Khuông Dẫn đem quân đánh đến ngoài thành mà ông vẫn còn ngồi rung đùi suy nghĩ làm nốt một bài từ! Vì vậy mà ông phải đầu hàng quân Tống (năm 975), triều Nam-Đường bị diệt vong.