GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 17
TÔNG PHÁP TƯỚNG (phần 4)

VIII. NĂM PHÁP

Kinh Lăng Già, Luận Duy Thức v.v… đã đem tất cả các pháp hữu vi và vô vi, hữu lậu và vô lậu, qui nạp thành 5 pháp; đó là: 1) Tướng: sự vật sum la vạn tượng, tình1 cùng vô tình2, ngàn thái muôn trạng, hình tướng của chúng mỗi mỗi đều khác nhau, đó là “tướng”. 2) Danh: y theo các tướng kia mà giả tạm đặt tên cho chúng, để biết rõ chúng là những cái gì, đó là “danh”. 3) Phân biệt: đối với tướng và danh của vạn vật, nhận biết, suy lường, phân biệt, từ đó mà có các khái niệm như lớn nhỏ, cao thấp, đẹp xấu, phải trái v.v…, đó là “phân biệt”. 4) Chánh trí: chỉ cho tâm cùng tâm sở vô lậu, xa lìa các khái niệm phân biệt hư vọng, quán chiếu thấy danh và tướng làm khách của nhau3, lìa thường lìa đoạn, biết đúng như lí, đó là “chánh trí”. 5) Như như: cái cảnh giới chứng ngộ do chánh trí, tâm và cảnh đều vắng lặng, là thể tánh của chân như nhất như, đó là “như như”. Trong 5 pháp ấy, hai pháp đầu là cảnh “sở biến”(1), pháp thứ ba là tâm “năng biến”(2) tự duyên với cảnh sở biến, và cả ba pháp đó đều thuộc về pháp hữu lậu(3); pháp thứ tư là đứng trên pháp tướng mà quán sát chân chánh pháp tánh, thuộc về pháp vô lậu(4); pháp thứ năm là tâm cảnh nhất như, trong trẻo vắng lặng; xin liệt kê thành đồ biểu như sau:

IX. BA TÁNH và BA VÔ TÁNH

Tất cả các pháp hữu vi và vô vi đều có thể phân ra 3 loại tánh chất:

1) Tánh biến kế sở chấp: Đây là dùng vọng tình để kế độ cùng khắp các sự vật do nhân duyên giả hợp mà sinh khởi, chấp chặt vào danh tướng của chúng, hoặc có hoặc không, hoặc sắc hoặc tâm v.v…, rồi vọng chấp làm thật ngã thật pháp; như thấy sợi dây mà lầm cho là con rắn, sự thật là không có con rắn, chỉ do vọng tình mê chấp mà thành ra có rắn vậy. Đó là sự phán đoán sai lầm.

2) Tánh y tha khởi: Giả sử, đối với phẩm loại của vạn pháp, phán đoán hoàn toàn không sai lầm, nhưng mà, vạn pháp đều nương nơi nhân duyên giả hợp mà sinh khởi, vốn không có thể tánh, đồng như huyễn hóa; ví như thấy sợi dây, tuy biết đó là sợi dây, hoàn toàn không nhận lầm là con rắn, nhưng sợi dây cũng là pháp do nhân duyên sinh, nương nơi những cái khác mà hiện khởi6.

3) Tánh viên thành thật: Tất cả pháp đều có tính chất viên mãn, thành tựu và chân thật, cũng tức là thật tánh y tha khởi, cũng gọi là pháp tánh, cũng gọi là chân như, không sinh không diệt, trong lặng thường trú, là lí thể mà tất cả người và vật đều có sẵn. Như sợi dây là do cây gai làm thành, mà tự tánh của cây gai tức là tánh viên thành thật. Tất cả chúng sinh đối với các pháp sắc tâm nương nơi cái khác mà sinh khởi, không biết đó là hư vọng, không chân thật, nhận lầm là có không, khổ vui, thiện ác, lớn nhỏ v.v…, tức là thuộc về tánh biến kế sở chấp. Nếu có thể từ pháp tướng thiên sai vạn biệt mà ngộ nhập pháp tánh vốn không sinh diệt, tức là chứng nhập tánh viên thành thật vậy.

Sau khi đã hiểu rõ ba tánh như trên, tức thấy được rằng, tánh biến kế sở chấp chỉ là sự phán đoán sai lầm, đối với tình(10) thì có mà đối với lí thì không, tướng tức là vô tướng, cho nên gọi là “tướng vô tánh”. Tánh y tha khởi tuy không phải là sự phán đoán sai lầm, nhưng vạn hữu đều nương vào những cái khác mà sinh khởi, chẳng phải có mà giống như có, sinh tức là không có sinh, cho nên gọi là “sinh vô tánh”. Tánh viên thành thật là thể tánh không thể nghĩ bàn, bao hàm hai lớp ý nghĩa “chân không và diệu hữu”7, thuộc về “đệ nhất nghĩa đế”, cho nên gọi là “thắng nghĩa vô tánh”. Xin giải thích bằng đồ biểu như sau:

CHÚ THÍCH

1. Tình tức là hữu tình. Xin xem lại chú thích số 4, bài 15, sách Sơ Cấp.

2. Các loài không có tình thức như cây cỏ đất đá v.v…, gọi là vô tình, hay phi tình.

3. Nếu do Danh mà biết Tướng, thì Danh là chủ mà Tướng là khách; nếu do Tướng mà lập Danh, thì Tướng là chủ mà Danh là khách.

4. Đối với tất cả pháp tướng, quán chiếu đều không, khế hợp chân như. Khi phép quán này thành tựu, gọi là “hậu đắc trí”. Nhân vì nó phải biến hiện pháp tướng mà duyên chân như, chỉ gọi là “sơ sở duyên duyên” (cảnh sở duyên gián tiếp)(8); không giống như căn bản trí, khi duyên chân như thì duyên trực tiếp với bản thể chân như, không cần phải biến hiện thành tướng, mới được gọi là “thân sở duyên duyên” (cảnh sở duyên trực tiếp)(9).

5. Xin xem lại chú thích số 5, bài 13 ở trên.

6. Muốn làm ra sợi dây, trước hết phải trồng gai; trồng gai phải cần có đủ đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí, phân bón, nông phu, v.v…; nhờ đó mà cây gai mới lớn. Sau đó lại phải nhờ biết bao nhân công, dụng cụ, máy móc, v.v… mới làm thành sợi dây. Cho nên, sợi dây là pháp do nhân duyên sinh, thuộc về tánh y tha khởi.

7. Cái không của chẳng phải không, không mà không không, không phải như cái ngoan không mà hàng tiểu thừa thiên chấp, cho nên gọi là “chân không”. Cái có của chẳng phải có, có mà không có, không phải như cái thật có mà hàng phàm phu vọng chấp, cho nên gọi là “diệu hữu”. Chân không mà sinh khởi vạn pháp, diệu hữu mà tất cả đều “như”, đó là ý nghĩa sâu xa của “chân không diệu hữu”.

 

PHỤ CHÚ

1) Sở biến: là thuật ngữ Duy Thức Học, chỉ cho vạn pháp. Theo tông Duy Thức, vạn pháp là do thức biến hiện, cho nên vạn pháp được gọi là “sở biến”. Vạn pháp là do thức biến hiện, nhưng đồng thời chúng cũng là đối tượng nhận thức của thức (tức tâm và tâm sở), cho nên cũng được gọi là “sở duyên”. Vậy, “sở duyên” và “sở biến” đều là thuật ngữ Duy Thức Học dùng chỉ cho VẠN PHÁP, nhưng tùy trường hợp thích hợp mà gọi tên này hay tên kia.

2) Năng biến: là thuật ngữ Duy Thức Học, chỉ cho 8 thức. Theo tông Duy Thức, vạn pháp là do thức biến hiện, cho nên thức được gọi là “năng biến”. Thức có 8 tác dụng, được gọi là 8 thức, chia ra có 3 loại năng biến: Thức Thứ Tám (a-lại-da) gọi là “sơ năng biến” (năng biến thứ nhất); Thức Thứ Bảy (mạt-na) gọi là “đệ nhị năng biến” (năng biến thứ nhì); Sáu Thức Trước (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) gọi là “đệ tam năng biến” (năng biến thứ ba). (Xin xem bài 18 tiếp theo.) Thức biến hiện ra vạn pháp, đồng thời cũng là tác dụng nhận thức đối với vạn pháp. Trong trường hợp này, vạn pháp là đối tượng nhận thức, được gọi là “sở duyên”; và thức (tức tâm và tâm sở) là chủ thể nhận thức, được gọi là “năng duyên”. Vậy, “năng biến” hay “năng duyên” đều là thuật ngữ Duy Thức Học dùng chỉ cho THỨC, nhưng tùy trường hợp mà gọi tên này hay tên kia.

3) Hữu lậu: Tất cả các pháp thuộc trong thế gian ba cõi, tất cả phiền não làm cho chúng sinh tạo nghiệp sinh tử luân hồi, gọi là pháp hữu lậu. Chữ “lậu” có nghĩa là “lọt” trong vòng sinh tử luân hồi.

4) Vô lậu: Tất cả các pháp xuất thế gian, những pháp làm cho chúng sinh giải thoát khỏi ba cõi thế gian, vĩnh viễn xa lìa vòng sinh tử luân hồi, gọi là pháp vô lậu.

5) Như như: tức là “như”, cũng là “chân như”, hay “như thật”, tức là bản tánh chân thật bất biến của vạn pháp. Tất cả các pháp, tuy mỗi mỗi đều có thuộc tánh khác nhau, như đất thì cứng, nước thì ướt, lửa thì nóng v.v…, nhưng những thuộc tánh ấy không phải là tánh chân thật, mà tất cả đều lấy tánh không làm thể tánh chân thật; cho nên gọi thật tánh là “như như”. Như như là bản tánh của vạn pháp, cho nên cũng được gọi là “pháp tánh”.

6) Trí hậu đắc (hậu đắc trí): Do tu tập, dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ tánh y tha khởi của vạn pháp, biết rõ vạn pháp là giả tạm, như huyễn, không còn khởi niệm mê hoặc chấp trước đối với ngã và pháp. (07) Trí căn bản (căn bản trí): cũng gọi là “vô phân biệt trí”, là tuệ giác hiển lộ khi đã đoạn trừ sạch hết các hoặc, các chướng, trực chứng lí hai không, chân như hiển hiện. (Xin xem chú thích số 5 của tác giả ở bài 13 ở trước.)

7) Sơ sở duyên duyên: Trước hết là thuật ngữ “sở duyên duyên”. Danh từ này gồm hai danh từ “sở duyên” và “duyên” nhập lại. Sở duyên là đối tượng của nhận thức; và duyên nghĩa là điều kiện. Duy Thức Học nói, nhận thức luôn luôn bao gồm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức; nói cách khác, biết thì luôn luôn phải là biết cái gì, không thể biết suông. Nhận thức luôn luôn phải là nhận thức một đối tượng, cho nên, không có đối tượng thì không thể có nhận thức. Tóm lại, “sở duyên duyên” là cảnh sở duyên, là đối tượng của tác dụng nhận thức của tâm và tâm sở. Chữ “sơ” nghĩa là thưa thớt, xa lạ, không gần gũi; ở đây có nghĩa là gián tiếp. Theo tông Duy Thức, thể tánh của cảnh sở duyên (sở duyên duyên) có hai loại: gián tiếp (sơ) và trực tiếp (thân). Trong trường hợp cảnh sở duyên cùng với thức năng duyên xa cách nhau, thức năng duyên phải nương vào cảnh sở biến của thức năng biến khác của tự thân hoặc thức năng biến của người khác, lấy đó làm bản chất để duyên; như thế là duyên một cách gián tiếp, cho nên cảnh sở duyên đó được gọi là “sơ sở duyên duyên”. Ví dụ: Núi sông đất liền, trời trăng mây gió v.v… đều là cảnh sở biến của thức năng biến a-lại-da, nhãn thức nương vào đó và lấy đó làm bản chất để duyên (nhận thức, thấy biết). Trong trường hợp này, nói theo thuật ngữ Duy Thức Học, núi sông đất liền v.v… chính là “sơ sở duyên duyên” (cảnh sở duyên gián tiếp) của nhãn thức.

9) Thân sở duyên duyên: là đối lại với “sơ sở duyên duyên” ở trên, đó là cảnh sở duyên trực tiếp. Chữ “thân” nghĩa là gần gũi, không xa cách, có quan hệ trực tiếp. Chẳng hạn, khi ý thức duyên ngay với những ảnh tượng do nó biến hiện ra, trực tiếp, gần gũi, không xa cách, thì các “ảnh tượng” đó chính là “thân sở duyên duyên” (cảnh sở duyên trực tiếp) của ý thức.

10) Tình: Chữ “tình” ở đây tức là tình cảm, cái thấy theo tình cảm, không có lí trí soi xét; đó là cái thấy mê lầm thông thường của kẻ phàm phu.

 

BÀI TẬP

1) Năm pháp là những pháp gì? Hãy giải thích hai pháp “chánh trí” và “như như”.

2) Ba tánh là gì? Hãy giải thích ý nghĩa của tánh y tha khởi và tánh viên thành thật.

3) Ví như thấy sợi dây mà lầm cho là con rắn. Trong cái thấy đó, thế nào là tánh biến kế sở chấp? Thế nào là tánh y tha khởi? Thế nào là tánh viên thành thật?

4) Hãy trình bày cái lí ba tánh ba vô tánh.

5) Hãy giải thích các từ: vô tình, sơ sở duyên duyên, thân sở duyên duyên, và chân không diệu hữu.