GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP MỘT
Bài 17
BỐN THÁNH ĐẾ
Chư Phật nói pháp, một cách tổng quát, không ra ngoài phạm vi BỐN THÁNH ĐẾ. “Đế” nghĩa là chân lí. Bốn thánh đế cũng gọi là bốn chân đế, hay bốn đế pháp(1). Sau khi thành đạo, đức Thích Tôn trước tiên đến vườn Lộc-dã1(2), vì năm vị tì kheo2(3) mà nói pháp này. Về sau, đối với những người đương cơ3, Ngài đã nói lại ba lần, gọi là “ba lần chuyển bánh xe pháp”4(4).
Bốn thánh đế là bốn pháp: khổ, tâp, diệt và đạo. KHỔ là chỉ cho tất cả những khổ đau mà thân tâm chúng sinh phải chịu đựng khi còn luân hồi trong sáu đường; những khổ đau này đều thuộc vào tính bức bách. TẬP là chỉ cho tất cả những tư tưởng và hành vi khởi lên nơi thân, miệng và ý của chúng sinh; những hoặc nghiệp này nhiều vô lượng vô số, đều thuộc vào tính chiêu cảm. DIỆT là chỉ cho cảnh giới niết bàn5(5) mà tất cả các bậc thánh đã chứng được sau khi trải qua thời gian tu tập – cảnh giới đó thanh tịnh an vui vĩnh viễn; bất luận là niết bàn của tiểu thừa hay đại thừa, đều thuộc vào tính khả chứng (có thể chứng đắc). ĐẠO là chỉ cho chánh pháp mà tất cả các bậc thánh đã tu tập khi hướng về niết bàn; bất luận là pháp môn của Thanh-văn, Duyên-giác, hay Bồ-tát, đều thuộc vào tính khả tu (có thể tu tập).
Nếu chiếu theo luật nhân quả mà nói thì tập là nhân của khổ, khổ là quả của tập. Do đã có nhân TẬP ở quá khứ nên mới có quả KHỔ ở hiện tại; đó là nhân quả trong phạm vi mê muội của thế gian. Các hành giả khi giác ngộ được lí lẽ vô thường của vạn pháp, ý muốn vượt khỏi thế gian, bèn tu tập và chứng nhập niết bàn, vĩnh viễn trú trong cảnh giới chân thường. Cho nên, đạo là nhân của diệt, diệt là quả của đạo. Vì có nhân ĐẠO ở hiện tại nên mới có quả DIỆT ở vị lai; đó là nhân quả trong phạm vi giác ngộ của xuất thế gian. Hai cặp nhân quả có tính cách lưu chuyển và hoàn diệt(6) này, bao quát tất cả các pháp thế và xuất thế gian, không hề có kẽ hở.
Nếu thuận theo thứ tự nhân quả nhập thế và xuất thế thì phải nói là: tập, khổ, đạo, diệt. Sở dĩ Phật nói khổ đế trước rồi mới nói tập đế sau, là vì muốn cho hành giả trước tiên nhàm chán nỗi khổ của sự đau đớn cùng cực, rồi sau đó Ngài mới bảo cho biết cái nguyên nhân đưa đến khổ đau là do nơi tập, khiến cho họ không dám tiếp tục tạo nghiệp; đó là giáo pháp phương tiện để cảnh giác quá khứ. Sở dĩ Phật nói diệt đế trước rồi mới nói đạo đế sau, là vì muốn cho hành giả trước tiên vui mừng nhận ra cảnh giới giải thoát thanh tịnh an lạc, rồi sau đó Ngài mới bảo cho biết cái nguyên nhân đưa đến giải thoát là do nơi đạo, khiến cho họ dõng mãnh tiến tới trước; đó là giáo pháp phương tiện để khích lệ tương lai.
CHÚ THÍCH
1. Vườn Lộc-dã ở nước Ba-la-nại, thuộc Trung Thiên-trúc, là nơi đầu tiên Phật nói pháp TỨ ĐẾ, độ cho nhóm năm vị tì kheo.
2. Năm vị tì kheo được Phật độ đầu tiên: Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp và Ma Nam Câu Lị.
3. Phật nói pháp gì cũng phù hợp với căn cơ của người nghe ngay trước mặt để họ thu được ích lợi, cho nên gọi là “đương cơ”.
4. Sau khi thành đạo, Phật đã nói pháp TỨ ĐẾ trước tiên tại vườn Lộc-uyển, độ cho nhóm năm vị tì kheo; đó là lần chuyển bánh xe pháp đầu tiên (sơ chuyển pháp luân). Sau lại nói trở lại pháp đó ba lần, cho nên cũng gọi là “ba lần chuyển bánh xe pháp” (tam chuyển pháp luân). 1) Thị chuyển: Đối với hạng người căn tánh sáng suốt, Phật nói: “Đây là khổ, có tánh bức bách; đây là tập, có tánh chiêu cảm; đây là diệt, có tánh khả chứng; đây là đạo, có tánh khả tu.” Họ vừa nghe xong liền chứng ngộ. 2) Khuyến chuyển: Đối với hạng người căn tánh trung bình, Phật nói: “Đây là khổ, quí vị nên biết; đây là tập, quí vị nên dứt trừ; đây là diệt, quí vị nên chứng; đây là đạo, quí vị nên tu.” Hạng người này nghe xong liền tin nhận và hành trì. 3) Chứng chuyển: Vì sợ hạng người căn tánh tối tăm vẫn không thể hiểu rõ, Phật phải lấy chính mình làm bằng chứng cho họ thấy rõ giáo pháp ấy không phải là hư dối: “Đây là khổ, Như Lai đã biết; đây là tập, Như Lai đã dứt trừ; đây là diệt, Như Lai đã chứng; đây là đạo, Như Lai đã tu.” Hạng người này nghe xong liền dứt bỏ nghi chướng.
5. Cũng dịch là nê hoàn, hay diệt, diệt độ, giải thoát v.v… Đó là cảnh giới cao tột mà các bậc thánh chứng đắc.
PHỤ CHÚ
1. Thuật ngữ Phật học Hán Việt có nhiều từ để gọi “bốn sự thật”, như: tứ đế (bốn chân lí, bốn sự thật), tứ diệu đế (bốn chân lí mầu nhiệm, bốn sự thật mầu nhiệm), tứ chân đế (bốn chân lí, bốn sự thật), tứ thánh đế (bốn chân lí do bậc chí thánh –tức đức Phật– khám phá và chứng nghiệm), tứ đế lí (bốn lẽ chân thật), tứ đế pháp (bốn pháp chân thật), tứ thánh thật (bốn sự thật do bậc chí thánh khám phá và chứng nghiệm). Bốn sự thật là giáo lí căn bản của Phật giáo – dù là Phật giáo nguyên thỉ hay Phật giáo phát triển.
2. Vườn Lộc-dã (nay là Sarnath) nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây Bắc của kinh thành Ba-lanại (nay là Varanasi, Ấn-độ) của vương quốc Ca-thi. Sở dĩ có tên vườn Lộc-dã, vì vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vương từ kinh thành Ba-la-nại đến nơi này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai. Con nai chúa vì quá thương đàn nai, đã xin nhà vua thả hết đàn nai, rồi mỗi ngày nó sẽ đích thân đem đến dâng cho vua một con nai để làm thức ăn. Nhà vua xúc động, liền cho thả hết bầy nai vừa bắt được. Do đó, khu vườn này có tên là “Lộc-dã-uyển” (hay Lộc-dã-viên, Lộc-uyển, Lộc-viên – “lộc” nghĩa là con nai). Hoặc có chỗ nói, trong bầy nai nhà vua bắt được, có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá xúc động trước sự việc xảy ra bất ngờ, nhà vua liền ra lệnh thả hết bầy nai, và ban lệnh dành khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả mọi người không được tới đó săn bắn. Do đó mà bầy nai được sống thât an bình, và địa phương đó được gọi là vườn Nai. Mặt khác, vào thời quá khứ, đức Phật đã từng là một vị tiên, tên Tối Thắng, thường nói pháp ở khu rừng này, nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-luậnxứ”. Lại nữa, dù có Phật ra đời hay không, khu vực này luôn luôn là nơi cư trú dành cho các bậc thần tiên, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-trú-xứ” (hay Tiên-viên, Tiên-uyển). Cũng có thuyết nói rằng, ngày xưa từng có năm trăm vị tiên bay trên không trung, khi bay ngang qua khu rừng này thì thấy có rất nhiều phi tần của vua, lòng dục phát khởi, liền mất hết thần thông và rơi xuống đất, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-đọa-xứ”. Vườn Nai là một trong các thánh tích quan trọng của Phật giáo. Đó là nơi Phật chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên; cũng là nơi Ba Ngôi Báu xuất hiện trước tiên ở thế gian; và cũng là nơi Giáo đoàn Phật giáo được thành lập. Nhưng, từ thời Phật tại thế, nơi đó đã không có một tu viện qui mô với kiến trúc đồ sộ như ở các đạo tràng Trúc-lâm hay Kì-viên. Mãi đến thời đại vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL), thánh tích này mới trở thành quan trọng, được mọi người chú ý, do công đức xây dựng của chính vua A Dục. Đầu thế kỉ thứ 8, khi pháp sư Huyền Trang (Trung-quốc) đến Ấn-độ, thì dấu tích công trình của vua A Dục tại Lộc-uyển vẫn còn, có ngôi tinh xá cao tầng đồ sộ với tường thành vây bọc chung quanh, tăng chúng tu học đông đến ngàn vị. Gần đó là một trụ đá cao đến gần 25 thước, cũng do chính vua A Dục xây để ghi dấu vết nơi đức Thế Tôn chuyển pháp luân. Đến thế kỉ 13, các thánh tích nơi đây đều bị tín đồ Hồi giáo và Ấn giáo lần lượt dày xéo, phá nát, tăng sĩ bị giết sạch. Từ đó thánh địa đã trở thành hoang phế. Ngày nay, nhờ công trình của các nhà khảo cổ học, người ta đã phát hiện nền cũ của ngôi tinh xá xưa; một tòa tháp hai tầng, hình vuông, trên tường có chạm khắc hình chữ “vạn” (卍); cột trụ đá của vua A Dục với rào sắt vây bọc chung quanh; v.v… Hiện nay ở Lộc-uyển, chùa viện của các đoàn thể Phật giáo thuộc các nước trên thế giới được dựng lên rất nhiều, có viện bảo tồn các cổ vật đặc thù và trân quí của Phật giáo, viện bảo tồn cổ vật chung của Ấn-độ, và có cả giáo đường của Kì-na giáo.
3. Về năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như, có thuyết cho rằng, khi biết được thái tử Tất Đạt Đa đã bỏ trốn hoàng cung đi xuất gia, vua Tịnh Phạn lập tức cho người theo mời thái tử trở về, nhưng thái tử cương quyết không trở về. Không biết làm sao hơn, nhà vua bèn phái năm vị đạo sĩ Bà la môn trong hoàng cung, do Kiều Trần Như dẫn đầu, theo cùng tu để bầu bạn với thái tử. Trong năm vị đạo sĩ này thì Kiều Trần Như (Kondanna) và A Thị Thuyết (Assaji) là bà con bên mẫu hậu của thái tử; còn Bạt Đề (Bhadrika), Thập Lực Ca Diếp (Dasabala Kasyapa) và Ma Ha Nam Câu Lị (Mahanama Kulika) là bà con bên phụ vương của thái tử. Cũng có thuyết nói, nhóm năm người Kiều Trần Như được lệnh vua Tịnh Phạn theo mời thái tử trở về, nhưng khi họ gặp thái tử ở giữa đường thì đã bị thái tử thuyết phục, không trở về triều nữa mà tình nguyện cùng theo Thái tử tu hành. Có thuyết lại nói, Kiều Trần Như là vị đạo sĩ lỗi lạc nhất trong tám đạo sĩ Bà la môn thông thái nhất ở kinh thành Ca-tì-la-vệ, được vua Tịnh Phạn tôn làm vương sư. Khi thái tử Tất Đạt Đa vừa đản sinh thì ông đã thấy rõ ngay đó sẽ là bậc đại giác sau này. Bởi vậy, khi hay tin thái tử trốn bỏ hoàng cung đi xuất gia, ông tức tốc rủ bốn vị đạo sĩ chí thân khác trong hoàng cung đi theo cùng thái tử tu hành, mong về sau sẽ được cứu độ khi thái tử đã thành bậc đại giác. Lại có thuyết cho rằng, đạo sĩ Kiều Trần Như vốn là bạn đồng tu với đạo sĩ Cồ Đàm, khi hai vị cùng tu học dưới sự hướng dẫn của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất ở gần kinh thành Vương-xá. Khi đạo sĩ Cồ Đàm đã tu chứng đến quả vị cao tột (Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ) sánh ngang với thầy mà vẫn thấy chưa bằng lòng, vì vẫn chưa được giải thoát trọn vẹn, Ngài bèn xin từ giã thầy để đi đến nơi khác (sau cùng là rừng Khổ-hạnh), tự mình tìm lấy con đường tu tập cho riêng mình. Một thời gian sau, đạo sĩ Kiều Trần Như cũng từ giã đạo tràng của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, rủ thêm bốn đạo sĩ bạn thân khác, cùng tìm tới rừng Khổ-hạnh và cùng tình nguyện tu tập theo sự hướng dẫn của đạo sĩ Cồ Đàm.
Trong kinh điển chữ Hán, tên của năm vị tì kheo này đã được phiên âm thành nhiều cách gọi khác nhau:
– Câu Lân, Bạt Đề, Ma Nam Câu Lị, Thập Lực Ca Diếp, Át Bệ;
– Kiều Trần Như, Bạt Đà La, Thập Lực Ca Diếp, Ba Sáp Ba, A Thấp Ba Thệ; – Kiều Trần Như, Bạt Đề Lê Ca, Ma Ha Na Ma, Ba Sa Ba, A Xa Du Thì;
– Kiều Trần Như, Bạt Đà La Xà, Ma Ha Na Ma, Bạt Ba, A Xả Bà Xà;
– Kiều Trần Như, Bà Đề, Ma Ha Ma Nam, Bà Phu, A Thấp Tị; – Kiều Trần Như, Bạt Đề, Ma Ha Nam, Bà Phu, Át Bệ;
– Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lị;
– Kiều Trần Như, A Thi Thuyết, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Lị;
– v.v…
4. “Pháp luân” (bánh xe pháp) tức là Phật pháp. Cái bánh xe (luân) được dùng để thí dụ cho Phật pháp vì nó mang nhiều ý nghĩa: 1) Ấn-độ vào thời cổ đại đã dùng chữ “bánh xe” (cakra) để chỉ cho loại chiến xa dùng trên chiến trường. Chiến xa có thể càn quét, đẩy lui quân địch; Phật pháp cũng vậy, có thể giúp chúng sinh diệt trừ tất cả vô minh, phiền não để đạt được an lạc giải thoát. 2) Bánh xe là một vòng tròn đầy đặn, không có chỗ nào khuyết; Phật pháp cũng vậy, giáo pháp do Phật chỉ dạy thật tròn đầy, trọn vẹn, không có bất cứ một kẽ hở, một khuyết điểm nào. 3) Trách vụ của bánh xe là di chuyển không ngừng; Phật pháp cũng vậy, những lời Phật dạy không bao giờ nằm bất động ở một người nào hay đứng yên ở một nơi chốn nào, nhờ thế mà giúp ích được cho tất cả chúng sinh ở mọi thời và mọi chỗ. Đức Phật hoằng dương giáo pháp của Ngài để chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh thì gọi là “chuyển pháp luân”. Sau khi thành đạo, Ngài đến vườn Lộc-dã, tuyên nói giáo pháp “tứ đế” để khai ngộ cho năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như, đó là lần chuyển pháp luân đầu tiên của Ngài ở thế gian. Sau đó, các kinh điển đại thừa cho rằng, khi Phật nói các giáo lí về tánh không (Bát Nhã) là chuyển pháp luân lần thứ hai; và đến lúc Phật nói các giáo lí trung đạo là chuyển pháp luân lần thứ ba. Đó là ba lần chuyển bánh xe pháp, thuật ngữ Phật học gọi là “tam chuyển pháp luân”. Có thuyết chủ trương rằng, giáo pháp do Phật nói, được chia làm ba giai đoạn: 1) Trước tiên, liền sau khi thành đạo, đức Phật đã trực tiếp nói cho các vị đại Bồ-tát về giáo thuyết căn bản của cảnh giới giác ngộ, mà điển hình là giáo nghĩa nhất thừa hàm chứa trong kinh Hoa Nghiêm; gọi là “căn bản pháp luân”. 2) Nhưng phần nhiều chúng sinh căn tánh ám độn, không thể nào lãnh hội được loại giáo lí nhất thừa ấy, cho nên đức Phật, sau đó phải bỏ ra gần bốn mươi năm, đem giáo pháp căn bản phân chia thành nhiều loại giáo pháp phương tiện, lập ra ba thừa để phù hợp với nhiều căn tánh khác nhau của chúng sinh; gọi là “chi mạt pháp luân”. 3) Khi số người giác ngộ đã đông, trí tuệ của mọi người đã phát triển cao độ, trước khi hoàn tất sự nghiệp độ sinh, đức Phật đã đem giáo pháp phương tiện của ba thừa qui kết trở về giáo pháp căn bản, điển hình là giáo pháp nhất thừa hàm chứa trong các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn; gọi là “nhiếp mạt qui bản pháp luân”. Ba giai đoạn thuyết giáo như trên của Phật được gọi là “tam chuyển pháp luân”. Nhưng, có vẻ truyền thống hơn cả là thuyết nói rằng, thuật ngữ “tam chuyển pháp luân” là chỉ ngay cho lần đầu tiên Phật nói pháp TỨ ĐẾ tại vườn Lộc-dã. Vì Phật đã nói pháp ấy liên tiếp ba lần với ba chủ ý khác nhau, cho nên gọi là “tam chuyển pháp luân”. Đầu tiên là “thị chuyển” (trình bày cho thấy), Phật bảo năm vị tì kheo: “Đây là sự khổ; đây là nguyên nhân của sự khổ; đây là đạo quả an lạc giải thoát; đây là con đường đưa đến đạo quả an lạc giải thoát.” Tiếp theo là “khuyến chuyển” (khuyên bảo tu tập), Ngài khuyên dạy: “Đây là sự khổ, quí vị nên biết rõ; đây là nguyên nhân của sự khổ, quí vị nên dứt trừ; đây là đạo quả an lạc giải thoát, quí vị nên chứng ngộ; đây là con đường đưa đến đạo quả an lạc giải thoát, quí vị nên tu tập.” Sau cùng là “chứng chuyển” (chứng minh để gây tin tưởng), Ngài xác định: “Đây là sự khổ, Như Lai đã biết; đây là nguyên nhân của sự khổ, Như Lai đã đoạn diệt; đây là đạo quả an lạc giải thoát, Như Lai đã chứng ngộ; đây là con đường đưa đến đạo quả an lạc giải thoát, Như Lai đã tu tập.” Xem đây có thể thấy, sự trình bày của tác giả về “tam chuyển pháp luân” trong bài học này (ở đoạn đầu) cũng như trong phần chú thích (số 4), trên lí thuyết thì đúng, nhưng trên thực tế thì không được xác đáng lắm.
5. “Niết bàn” là tiếng dịch âm từ tiếng Phạn “nirvana”, là trạng thái đã dập tắt mọi phiền não, hoàn toàn vắng lặng; bởi vậy, nó đồng nghĩa với các từ “giải thoát”, “trạch diệt”, “li phiền”. Nguyên lai, từ “niết bàn” được dùng để chỉ cho trạng thái “lửa tắt” (hay “củi hết lửa tắt” – nghĩa là, con người khi thân xác và trí năng đều nguội lạnh thì tức là đã chết, giống như củi hết lửa tắt); về sau mới chuyển ra để dùng chỉ cho sự tận diệt lửa phiền não thiêu đốt và đạt tới trí tuệ siêu việt. Đó là cảnh giới giác ngộ, vượt thoát sinh tử, là mục đích thực tiễn tối hậu của Phật giáo. Như vậy, nguyên ý của từ niết bàn là chỉ cho sự thành đạo của đức Thế Tôn, nhưng về sau thì nó được dùng để chỉ sự chết của Ngài. Phật chết thì gọi là nhập niết bàn, nhập diệt, diệt độ, hay viên tịch. Gọi như vậy cũng không có gì mâu thuẫn, vì thật ra, “niết bàn” có hai loại: 1) Hữu dư (y) niết bàn, tức là vô minh phiền não đã hoàn toàn đoạn diệt, chứng nhập đạo quả giải thoát giác ngộ trọn vẹn, nhưng vẫn còn nương vào nhục thể như là một phương tiện cụ thể, cần thiết và hữu hiệu để độ sinh; đó là trường hợp đức Phật từ lúc thành đạo cho đến trước giờ phút nhập diệt. 2) Vô dư (y) niết bàn, tức là khi cơ duyên hóa độ đã hết, Phật lìa bỏ nhục thân tứ đại, nhập vào cảnh giới hoàn toàn vắng lặng của pháp thân thường trú, lìa hết mọi tướng sinh, tử, phiền não, bồ đề v.v…; đó là lúc Phật nhập diệt. Trạng thái “niết bàn” của các vị thánh tăng cũng vậy. Điều đó cho thấy, “niết bàn” không phải là một cảnh giới vô hình ở một nơi bí mật xa xăm nào đó, dành cho những người tu hành đắc đạo, sau khi chết sẽ sinh về đó để sống an vui vĩnh viễn. “Niết bàn” là trạng thái tâm linh của người khi đã đoạn trừ phiền não. Trong đời sống hằng ngày, nếu một người dứt trừ được tâm tham lam, người đó liền có được cái trạng thái niết bàn nho nhỏ. Nếu dứt trừ được thêm tâm sân hận, trạng thái niết bàn liền lớn hơn một tí… Nếu tham sân si vắng mặt được một phút thì hành giả có niết bàn được một phút… Cứ thế, phiền não càng ít đi thì niết bàn càng lớn lên; phiền não vắng mặt càng thường xuyên thì niết bàn có mặt càng thường xuyên; phiền não vắng lặng hoàn toàn và vĩnh viễn thì niết bàn sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu. Trạng thái niết bàn ấy ra sao, chỉ có người chứng nhập cảnh giới ấy mới biết được; không thể diễn tả bằng ngôn từ, không thể hình dung bằng suy tưởng, cũng không thể trao truyền hay chia sẻ cho nhau cùng hưởng.
6. Lưu chuyển và hoàn diệt: “Lưu chuyển” nghĩa là quanh quẩn, tức là chúng sinh vì nghiệp báo mà cứ phải sinh sinh tử tử, quanh quẩn qua lại trong ba cõi sáu đường. “Hoàn diệt” nghĩa là xa lìa sông mê để đến bến bờ giác ngộ giải thoát; hay nói cách khác, do công phu tu tập mà dứt sạch phiền não, xa lìa sinh tử, trở về với bản tính niết bàn tịch tịnh. Trong phạm vi lưu chuyển thì gọi là “lưu chuyển môn”; trong phạm vi hoàn diệt thì gọi là “hoàn diệt môn”. Trong giáo pháp tứ đế chẳng hạn, khổ đế và tập đế thuộc lưu chuyển môn; diệt đế và đạo đế thuộc hoàn diệt môn.
BÀI TẬP
1) Lần đầu tiên đức Thích Tôn nói pháp tứ đế độ cho năm vị tì kheo ở tại đâu?
Lần đầu tiên đức Thích Tôn nói pháp tứ đế độ cho năm vị tì kheo tại vườn Lộcdã.
2) Phật chuyển bánh xe pháp tứ đế gồm có thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển khác nhau; hãy nói sự khác nhau của ba lần chuyển đó.
Sự khác nhau giữa ba lần chuyển pháp luân:
– Thị chuyển (chỉ bày cho thấy), đức Phật bảo năm vị tì kheo: “Đây là sự khổ (khổ); đây là nguyên nhân của sự khổ (tập); đây là đạo quả giải thoát (diệt); đây là con đường đưa tới đạo quả giải thoát (đạo).”
– Khuyến chuyển (khuyên tu tập), Phật khuyên dạy: “Đây là sự khổ, quí vị nên biết rõ; đây là nguyên nhân của sự khổ, quí vị nên đoạn trừ; đây là đạo quả giải thoát, quí vị nên chứng; đây là con đường đưa đến đạo quả giải thoát, quí vị nên tu tập.”
– Chứng chuyển (chứng minh để gây tin tưởng), Phật xác định rõ: “Đây là sự khổ, Như Lai đã biết rõ; đây là nguyên nhân của sự khổ, Như Lai đã đoạn trừ; đây là đạo quả giải thoát, Như Lai đã chứng đắc; đây là con đường đưa đến đạo quả giải thoát, Như Lai đã tu tập.”
3) Nội dung của bốn thánh đế là bốn pháp nào?
Nội dung của bốn thánh đế là khổ, tập, diệt và đạo, tức là bốn pháp vừa trình bày ở trên.
4) Trong bốn thánh đế, đế nào là nhân của đế nào? Đế nào là quả của đế nào?
Trong bốn thánh đế, tập là nhân của khổ, đạo là nhân của diệt; khổ là quả của tập, diệt là quả của đạo.
5) Trong hai cặp nhân quả của bốn thánh đế, Phật đều nói quả trước rồi mới nói nhân sau, là có ý gì?
Trong cặp nhân quả lưu chuyển, Phật nói cái quả khổ trước rồi mới nói cái nhân phiền não sau, là Ngài có ý cho hành giả thấy rõ sự đau khổ cùng cực mà sinh lòng kinh sợ, không dám tạo nghiệp nhân xấu xa như đã làm trong quá khứ nữa. Trong cặp nhân quả hoàn diệt, Phật nói cái quả giải thoát trước rồi mới nói cái nhân tu tập sau, là Ngài có ý trình bày cho hành giả thấy cái cảnh giới an lạc giải thoát mà sinh lòng vui thích, từ đó sẽ quyết tâm bền chí tu tập, mong có ngày sẽ chứng đạt đạo quả đó.