GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 16
TÔNG PHÁP TƯỚNG (phần 3)
VI. CHỦNG TỬ cùng HIỆN HÀNH
Những nghiệp thiện ác do 7 thức trước tạo nên, khí chất của chúng được chiêu cảm nhập vào trong thức thứ tám, để lại những tập khí đồng dạng với các nghiệp đã tạo, trong tương lai sẽ sinh ra quả cùng giống loại; đó gọi là “chủng tử”. Cũng như trong loài thực vật, hễ gieo xuống một hạt giống, trong tương lai nhất định sẽ sinh ra quả của hạt giống ấy. Trong thức thứ tám, khi chủng tử hoặc thiện hoặc ác chín muồi, sẽ sinh ra cái cảnh ngộ hoặc vui hoặc khổ; đó gọi là “hiện hành”.
Chủng tử phát sinh hiện hành tức là “nhân quả báo ứng” vậy.(1)
Tông Pháp Tướng thành lập 100 pháp, lấy thức a-lại-da làm căn bản. Chủng tử được hàm chứa trong thức này bao quát cả thiện và ác, hữu lậu cùng vô lậu, mỗi mỗi đều có năng lực vô hạn, từ đó mà sinh khởi vạn hữu trong vũ trụ. Về nguồn gốc của chủng tử, có hai thuyết: một là “bản hữu”; hai là “tân huân”. Bản hữu tức là từ vô thỉ đến nay, trong thức thứ tám có đầy đủ chủng tử của 10 pháp giới1. Loại chủng tử này đều là vốn có, không phải mới sinh ra, nhưng phải chờ sự giúp sức tương ứng của các ngoại duyên nhiễm tịnh, nhiên hậu mới hóa thành hiện hành2. Như Luận Du Già Sư Địa nói: “Từ vô thỉ đến nay, chủng tử của các pháp, tánh tuy vốn có, nhưng phải do các duyên nhiễm tịnh huân tập mà phát sinh.” Tân huân tức là loại chủng tử này không phải nguyên lai vốn có, mà đều là các pháp nhiễm tịnh cùng nhau huân tập mà có, như Kinh Đa Giới(2) nói: “Vì tâm của các loài hữu tình, các pháp nhiễm tịnh huân tập mà tích chứa vô lượng chủng tử.” Hai học thuyết về bản năng và huân tập như trên, đều hợp lí cả, do đó mà có phái chiết trung ra đời; và người chủ trương phái chiết trung này là luận sư Hộ Pháp. Ngài tiếp nhận cả hai thuyết bản hữu và tân huân, cho rằng, chủng tử bản hữu nếu không nhờ tân huân thì không biết nương vào đâu mà hóa làm hiện hành; chủng tử tân huân nếu không có bản hữu để làm căn bản huân tập thì cũng không được thành thục. Hai loại chủng tử bản hữu và tân huân đó có mối quan hệ vô cùng mật thiết, không thể bỏ đi một loại nào.
Các pháp nhiễm tịnh huân thành chủng tử, cất chứa vào trong thức thứ tám, cho đến khi huân tập thành thục, đợi các ngoại duyên dẫn động, nhiên hậu phát sinh thành quả báo. Điều này, ở trong Duy Thức Học đã thành đạo lí muôn đời, không thể thay đổi. Nhưng, trong đó lại có mối quan hệ thấy rõ giữa chủng tử và hiện hành, chúng ta không thể không biết: Tất cả chúng sinh bị luân hồi, trước tiên là do nguyên nhân ở chủng tử bản hữu, rồi sinh khởi hiện hành ở 7 thức trước; những hiện hành này trở lại làm nhân, huân tập trở vào thức thứ tám, thành các loại chủng tử tân huân. Sau đó, chủng tử tân huân ấy trở lại làm nhân, lại sinh khởi hiện hành ở 7 thức trước; cứ trăn qua trở lại như thế mà sinh thành nhau, không lúc nào chấm dứt. Đó là “nhân quả luận” của tông này vậy.
VII. BỐN PHẦN và BA CẢNH
Đối với mối quan hệ giữa TÂM và CẢNH, tông Pháp Tướng chủ trương rằng, đó là do thức chủ quan phân biệt rõ biết các hiện tượng khách quan. Có thể chia làm bốn phần để giải thích như sau:
Thứ nhất là “tướng phần”, tức ngoại cảnh do thức biến hiện. Tướng phần của 5 thức nhãn nhĩ tị thiệt và thân, là 5 trần sắc thanh hương vị và xúc; tướng phần của ý thức là pháp trần; tướng phần của thức mạt-na là kiến phần của thức a-lại-da; tướng phần của thức a-lại-da là chủng tử, căn thân và khí giới.
Thứ hai là “kiến phần”, tức là cái tác dụng năng duyên (soi thấy) cảnh, tự duyên lấy tướng phần do nó biến hiện.
Thứ ba là “tự chứng phần”, tức là cái năng lực chứng biết kiến phần.
Thứ tư là “chứng tự chứng phần”, tức là tác dụng nội hướng của tự chứng phần, do kết quả của sự phản chiếu, chứng biết cái năng lực tự chứng. Như thế, tự chứng phần là tự thể làm chứng, kiến phần là tác dụng duyên ra ngoài của nó, và chứng tự chứng phần là tác dụng duyên vào trong của nó.
Bốn phần(3) như vừa trình bày trên, là tổng hợp thức chủ quan và cảnh khách quan mà nói; còn nếu chỉ nói về phương diện CẢNH, thì chia làm ba loại:
Thứ nhất là “tánh cảnh”, tức là tất cả các cảnh chân thật, tính chất của chúng như tính cứng của đá, tính ướt của nước, không thể biến cải.
Thứ hai là “độc ảnh cảnh”. Độc ảnh tức là ảnh tượng chỉ riêng nó có. 6 thức duyên sự vật đã qua rồi, gọi là “hữu chất độc ảnh”; duyên tất cả những ảo tượng như lông rùa, sừng thỏ, Hằng Nga trong mặt trăng v.v…, gọi là “vô chất độc ảnh”.
Thứ ba là “đới chất cảnh”. Đới chất nghĩa là mang theo tính chất của cái khác. Dùng tâm duyên tâm, như thức thứ bảy duyên thức thứ tám, gọi là “chân đới chất”; dùng tâm duyên cảnh, như thức thứ sáu duyên 5 căn 5 trần, gọi là “tợ đới chất”.
CHÚ THÍCH
1. Xin xem lại chú thích số 14, bài 8 ở trên.
2. Xin xem lại chú thích số 20, bài 7, sách Trung Cấp.
PHỤ CHÚ
1) Để hiểu rõ thêm về “chủng tử” và “hiện hành”, xin xem lại chú thích số 7, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 19, 20 và 21”, sách GKPH I, và phụ chú số 11, bài 20, sách GKPH II.
2) Kinh Đa Giới: cũng gọi là Kinh Pháp Cảnh, tức là Kinh Tứ Phẩm Pháp Môn, do ngài Pháp Hiền (?1001) dịch vào thời Bắc-Tống (960-1127). Nội dung kinh này đem vạn pháp phân làm bốn phẩm loại: giới pháp, xứ pháp, duyên sinh pháp, và xứ phi xứ pháp. Nếu hiểu rõ về bốn phẩm loại này thì gọi là người trí; ngược lại là người ngu.
3) Bốn phần (tứ phần): là một trong những giáo nghĩa cốt yếu của tông Pháp Tướng, nói rằng, tác dụng nhận thức của tâm và tâm sở (tức tâm thức) của chúng ta gồm có 4 phần vị:
1. Tướng phần: “Tướng” tức là tướng trạng, mang ý nghĩa “sở duyên” (được cái khác duyên), là đối tượng (khách thể) của nhận thức; hay nói cách khác, đó là những hình tướng khách thể (gồm cả bản chất và ảnh tượng) được chủ thể tâm nhận thức.
2. Kiến phần: “Kiến” tức là soi thấy, mang ý nghĩa “năng duyên” (khả năng thấy), là chủ thể nhận thức, cũng tức là cái khả năng soi thấy, nhận biết tướng phần.
3. Tự chứng phần: “Tự” tức là tự thể; “chứng” nghĩa chứng biết. Khi có tác dụng nhận thức (tức kiến phần duyên tướng phần) thì tự thể của tâm thức có cái khả năng chứng biết cái tác dụng đó của chính mình.
4. Chứng tự chứng phần: tức là cái khả năng chứng biết cái khả năng tự chứng vừa rồi; có nghĩa là, đã tự chứng biết rồi, lại chứng biết một lần nũa.
Ví dụ: Mắt thấy hoa. “Thấy” là tác dụng nhận thức của mắt (nhãn thức). Nhãn thức là chủ thể nhận thức, Duy Thức Học gọi là “năng duyên”, tức “kiến phần”. Cái hoa là đối tượng nhận thức, Duy Thức Học gọi là “sở duyên”, tức “tướng phần”. Khi mắt thấy cái hoa, thì cái khả năng tự biết mình thấy cái hoa, gọi là “tự chứng phần”; đồng thời cũng còn có một khả năng nữa chứng nhận cái khả năng tự biết mình thấy cái hoa, gọi là “chứng tự chứng phần”. Đó là 4 phần vị của tác dụng nhận thức (tức là của mọi tâm vương và tâm sở).
4 phần vị của thức trên đây là do ngài Hộ Pháp đề xướng, được coi là chánh nghĩa của tông Pháp Tướng; và ngài Hộ Pháp được xưng là “nhà bốn phần” (tứ phần gia). Các vị đại luận sư Duy Thức khác như ngài An Tuệ thì chỉ đề xướng thuyết “1 phần”, tức thừa nhận chỉ có “tự chứng phần” mà thôi, được xưng là “nhà một phần” (nhất phần gia); trong khi đó, ngài Nan Đà thì đề xướng thuyết “2 phần”, tức chỉ thừa nhận kiến phần và tướng phần mà thôi, được xưng là “nhà hai phần” (nhị phần gia); còn ngài Trần Na thì đề xướng thuyết “3 phần”, tức thừa nhận có kiến phần, tướng phần và tự chứng phần, được xưng là “nhà ba phần” (tam phần gia). Hợp lại cả 4 thuyết trên, Duy Thức Học có thuật ngữ là “An Nan Trần Hộ nhất nhị tam tứ” (An Tuệ một, Nan Đà hai, Trần Na ba, Hộ Pháp bốn).
BÀI TẬP
1) Sao gọi là chủng tử? Sao gọi là hiện hành?
2) Chủng tử bản hữu từ đâu mà đến? Tân huân chủng tử từ đâu mà đến? Ai đã tiếp nhận cả hai thuyết về bản hữu và tân huân này? Vị ấy đã chiết trung như thế nào?
3) Mối quan hệ hỗ tương giữa chủng tử và hiện hành như thế nào?
4) Bốn phần của tâm cảnh là những phần gì? Tướng phần của 5 thức trước, của thức thứ sáu, thức thứ bảy, và thức thứ tám là gì?
5) Hãy giải thích “hữu chất độc ảnh” và “vô chất độc ảnh”.
6) Sao gọi là “chân đới chất” và “tợ đới chất”?