GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 15
TÔNG PHÁP TƯỚNG (phần 2)
IV. 5 VỊ 100 PHÁP
Tông Câu Xá lập 75 pháp, tông Thành Thật lập 84 pháp, để chỉ tổng quát vũ trụ vạn hữu1. Tông Pháp Tướng này thì lập 5 vị 100 pháp. 5 vị(1) là: 1) Tâm pháp, cũng gọi là Tâm vương; 2) Tâm sở pháp; 3) Sắc pháp; 4) Bất tương ưng hành pháp; 5) Vô vi pháp. 100 pháp(2) là: Tâm pháp có 8 pháp, là tự tánh của Thức; Tâm sở pháp có 51 pháp, là thuộc tính của Thức; Sắc pháp có 11 pháp, là những biến hiện của Tâm và Tâm sở pháp; Bất tương ưng hành pháp có 24 pháp, là những pháp phân lập với Tâm pháp, Tâm sở pháp và Sắc pháp, không tương ưng với Tâm pháp và Sắc pháp; Vô vi pháp có 6 pháp, tức là thật tánh của bốn pháp trước; cộng lại tất cả là 100 pháp. Sự trình bày này hơi giống với tông Câu Xá, nhưng có phần rõ ràng hơn2; nhưng tông Câu Xá thì lấy Sắc pháp làm chủ yếu, còn tông này thì lấy Tâm pháp làm chủ yếu, đó là điểm khác nhau giữa hai tông. Nay xin liệt kê một cách chi tiết trong đồ biểu sau đây.
V. THỨC THỨ BẢY và THỨC THỨ TÁM
Hai tông Câu Xá và Thành Thật, đối với các pháp tâm vương, đều lấy ý thức làm cứu cánh, mà hoàn toàn không biết rằng, ngoài thức thứ sáu (là ý thức) còn có thức thứ bảy (là mạt-na thức) và thức thứ tám (là a-lại-da thức) tồn tại. Do điểm này có thể thấy, tuệ giải của hai tông tiểu thừa không sâu xa bằng tông Pháp Tướng đại thừa.
“Mạt-na” dịch là ý; vì sợ lẫn lộn với ý thức, nên không gọi là ý, mà vẫn dùng tên dịch âm là mạt-na. Bởi vì nó chấp cố định kiến phần17 của thức thứ tám làm ngã, và thường xuyên xét đoán, suy lường, cho nên đặc điểm của nó là “chấp ngã” và “suy lường”; nhưng hành tướng của nó rất vi tế, thuộc vào tiềm ý thức, cho nên không dễ dàng xét biết. Tính chất của nó là “hữu phú vô kí”18; vì hữu phú mà chấp ngã, cho nên thường tương ưng với 4 phiền não ngã si19, ngã kiến20, ngã mạn21, và ngã ái22, dính chặt không rời, bởi vậy mà nó lại có biệt danh là “nhiễm ô thức”. Tất cả chúng sinh trên đại địa, vì mỗi mỗi đều có cái thức nhiễm ô này tiềm phục che ám, cho nên chỉ biết hại người lợi mình, phân chia ranh đây giới kia, tất cả tư tưởng và hành động đều lấy “ngã” làm điểm xuất phát; nhân đó mà đem toàn cả thế giới làm cho náo động, hỗn loạn, gây bao đau khổ!
Thức a-lại-da là nơi chứa giữ các chủng tử thiện ác từ vô thỉ đến nay; gồm có ba ý nghĩa: năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng, cho nên có tên là tàng thức, hoặc hàm tàng thức. Tất cả chúng sinh, mỗi khi dấy động một niệm thiện ác, đều tạo thành một chủng tử nghiệp. Chủng tử ấy, trước khi sinh thành quả báo, được huân tập chứa giữ trong thức này, cho nên nó có cái nghĩa “năng tàng”. Bảy thức trước, cả tâm và tâm sở pháp đều có tác dụng năng huân năng duyên, thức thứ tám là sở huân sở duyên của chúng. Vì tính chất của nó là vô kí, tự nó không có thành kiến, cho nên nhận sự huân tập làm thành chủng tử; như vậy, nó là nơi cất chứa các tập khí của bảy thức trước(3), cho nên nó có cái nghĩa “sở tàng”. Nếu đứng trên mối quan hệ giữa hai thức thứ bảy và thứ tám mà nói, thức thứ bảy vĩnh viễn chấp cứng kiến phần của thức thứ tám làm ngã, tức là thức thứ tám bị thức thứ bảy luyến ái, cho nên nó có cái nghĩa “ngã ái chấp tàng”.
Thức a-lại-da còn có nhiều tên khác: – Nó là nơi kí thác sinh mạng của tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay; ở trong “nhất kì vô thường”23, nó đến trước tiên và ra đi sau cùng, nhưng không tiêu mất theo sinh tử, cho nên nó cũng có tên là “vô một thức”. – Vì nó thu nhiếp chứa giữ chủng tử của tất cả pháp, cho nên cũng có tên là “nhất thiết chủng thức”. – Rất nhiều chủng tử ở trong nó đổi khác mà thành thục24, khác loại mà thành thục25, khác thời mà thành thục26, cho nên nó cũng có tên là “dị thục thức”. – Nếu xét về thuận tự sinh khởi của 8 thức, thì thức thứ tám là đầu tiên của các thức, cho nên nó cũng có tên là “đệ nhất thức”. – Nhưng nếu dùng cách cuốn rèm mà nói, do từ ngọn mà trở về gốc, thì nó lại được gọi là “đệ bát thức”. – Nếu đứng trên ý nghĩa “nhất thiết duy thức” mà nói, thì khi thành Phật cũng không xa lìa thức; cho nên ở địa vị Phật, thức này được gọi là “vô cấu thức”, hoặc “đệ cửu thức”. Tóm lại, thức thứ tám này hòa hợp cả chân vọng, cho nên bao hàm cả hai nghĩa sinh diệt và không sinh diệt. Đứng về mặt sinh diệt mà nói, nó chính là nơi sinh khởi của tất cả tâm pháp và sắc pháp; đó tức là “thức tạng”. Đứng về mặt không sinh diệt mà nói, ở trong nó có tính “tùy duyên bất biến” của chân như, đó tức là “như lai tạng”. Thức tạng và như lai tạng không phải một cũng không phải khác.
CHÚ THÍCH
1. Xin xem các bài 32 và 34 của sách Trung Cấp.
2. Xin xem đồ biểu “75 Pháp” trong bài 32 của sách Trung Cấp.
3. Ác, ý nói là bất thiện, không chính xác; kiến tức là kiến giải ở trong tâm, không phải là cái thấy của con mắt. Ác kiến có 5 thứ, cũng gọi là 5 lợi sử. (Xin xem lại đoạn “Kiến Trược” trong bài 32, sách Sơ Cấp.)
4. Tức là trái ngược với tâm sở “niệm” trong 5 tâm sở “biệt cảnh”. (Xin xem lại lời giải thích về chữ “niệm” trong chú thích số 6, bài 32, sách Trung Cấp.)
5. Tức là ngược lại với chánh tri.
6. Bản tánh khiến cho con người làm phàm phu, gọi là “dị sinh tánh”; đó là chỉ cho chủng tử phiền não thuộc kiến hoặc mà nói. Luận Câu Xá nói: “Sao gọi là dị sinh tánh? Nghĩa là không đạt được chánh pháp.”
7. Cũng gọi là vô tưởng quả, hay vô tưởng sự, chỉ cho ngoại đạo tu vô tưởng định, khi mạng chung sinh lên cõi trời Vô-tưởng, sống 500 đại kiếp, tâm và tâm sở đều diệt, thân như cây khô. Họ gọi đó là cảnh giới niết bàn chân thật, chứ đâu có biết rằng, sau khi đã hết 500 đại kiếp, trở lại động niệm, vào lại vòng luân hồi.
8. Ở trong nhân quả sai khác thì có sai khác nhau, mà thân phận và vị trí thì không lẫn lộn với nhau, cho nên gọi là “định dị”.
9. Theo ý của luận Du Già Sư Địa thì có 3 loại tương ưng: 1) Tất cả cảnh sở duyên tương ưng với tâm, gọi là “cảnh tương ưng”; 2) Hành tương ưng với lí, gọi là “hành tương ưng”; 3) Các pháp công đức mà các bậc thánh của cả ba thừa tu tập, quả đều phù hợp với nhân, gọi là “quả tương ưng”. Ba loại tương ưng này hàm nhiếp hết tất cả pháp.
10. Pháp hữu vi sinh diệt từng sát na, cái thế rất nhanh chóng, gọi là “thế tốc”.
11. Tức là cái thứ tự theo đó các pháp sinh khởi và đi qua.
12. Ở trong nhân quả, các duyên tập hợp, gọi là “hòa hợp tánh”.
13. Trái lại với hòa hợp tánh ở trên, tức là các duyên tan rã.
14. Sinh lên cõi trời Tứ-thiền của Sắc giới, diệt phần thô động của hai loại cảm thọ khổ vui, chứng được chân như, gọi là “bất động diệt vô vi”.
15. Sinh lên cõi trời Phi-tưởng của Vô-sắc giới, nhập diệt tận định, cả thọ và tưởng đều diệt, gọi là “tưởng thọ diệt vô vi”.
16. Pháp tánh chân như vốn tự vô vi, xa lìa mọi tạo tác, thi thiết, gọi là “chân như vô vi”.
17. Xin xem lại chú thích số 8, bài 27, sách Sơ Cấp.
18. Không phải thiện, không phải ác, gọi là “vô kí”. Thức thứ tám là vô phú vô kí; thức thứ bảy là hữu phú vô kí. “Hữu phú: nghĩa là có nhiễm ô. Thức thứ bảy có 4 phiền não tương ưng sinh khởi, cho nên có nhiễm ô.
19. Si tức là ngu si, cũng tức là vô minh, hay vô tri, nghĩa là không có tri thức, không có lí trí. Vì thức thứ bảy không hiểu được chân lí của ngã tướng, cho nên gọi là “ngã si”.
20. Ngã kiến tức là ngã chấp. Nhục thể và tinh thần của tất cả chúng sinh đều là pháp do nhân duyên sinh, vốn không có thật tánh của ngã tồn tại, nhưng chúng sinh đối với các pháp “phi ngã” này đều vọng chấp là “ngã”, cho nên gọi là “ngã kiến”.
21. Mạn là kiêu ngạo, tức là cái tâm lí tự cao tự đại, xem mọi người mọi vật đều không bằng mình. Cái tâm lí này là y nơi ngã chấp mà có, cho nên gọi là “ngã mạn”.
22. Tương đương với “ngã tham”. Đối với cái ngã bị chấp lại càng sinh tham ái sâu đậm, gọi là “ngã ái”.
23. Vạn pháp luôn luôn ở trong tình trạng biến hóa sinh diệt, không thể thường trụ bất biến, gọi là “vô thường”. “Nhất kì vô thường” là chỉ cho một lần sinh tử.
24. Chủng tử của tất cả pháp huân tập thành thục, từ lúc là nhân dần dà biến đổi khác đi để thành quả, cho nên nói là “biến dị nhi thục”.
25. Nhân thì có thiện ác, nhưng nhân thiện chiêu cảm quả vui và nhân ác chiêu cảm quả khổ, đều thuộc tính vô kí. Nếu là “hữu kí” thì tự sinh nhân thiện nhân ác, đâu có đợi cái gì khác sinh. Thiện ác và vô kí, chủng loại không giống nhau, cho nên nói là “dị loại nhi thục”.
26. Trước là trồng nhân, sau mới chịu quả, thời gian trước và sau khác nhau, hoặc đến vô số kiếp, cho nên nói là “dị thời nhi thục”.
PHỤ CHÚ
01) Chữ “vị” ở đây được hiểu là địa vức, lãnh vực.
02) 100 pháp: Ở đây xin giải thích sơ lược một số thuật ngữ thuộc phạm vi “100 pháp”. 100 pháp này bao gồm vạn sự vạn vật trong vũ trụ, được phân làm 5 loại tổng quát:
1. Tâm pháp: là các hiện tượng tâm lí ở phương diện nhận thức, danh từ Duy Thức Học còn gọi là TÂM VƯƠNG, gồm có 8 pháp, tức là 8 THỨC (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt-na, và a-lại-da thức).
2. Tâm sở pháp: là các hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của 8 thức, gồm có 51 pháp, tức là 51 TÂM SỞ, chia làm 6 nhóm:
* Biến hành: là các hiện tượng tâm lí (tâm sở) hoạt động cùng khắp, tương ưng với tất cả 8 thức; bất cứ lúc nào có thức hoạt động thì những tâm sở này cùng xuất hiện; có 5 tâm sở:
-xúc: sự tiếp xúc giữa các căn và các cảnh
-tác ý: sự chú ý, kích thích để phát sinh nhận thức
-thọ: cảm thọ
-tưởng: tri giác, sự nhận biết đối tượng
-tư: sự quyết định, từ đó phát sinh ra các hiện tượng tâm lí khác, cùng các hành động của thân, miệng, tức là tạo nghiệp
* Biệt cảnh: là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với 6 thức trước mà thôi; có 5 tâm sở:
–dục: ham muốn, mong cầu
-thắng giải: hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ
–niệm: nhớ, kí ức
-định: tác dụng làm cho thức và các tâm sở khác tậptrung vào một đối tượng
-tuệ: biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là đặc tính của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”;cái thấy đó tuy là sáng tỏ, nhưng là cái thấy sai lầm.
* Thiện: là các đức tính tốt, có 11 tâm sở:
-tín: tin tưởng
-tàm: tự biết xấu hổ với lầm lỗi của mình
-quí: tự thẹn khi biết mình không tài đức bằng người
-vô tham: không tham lam
-vô sân: không oán giận
-vô si: sáng suốt, thấy biết đúng sự thật
-tinh tấn (hay cần): siêng năng tu tập thiện nghiệp
-khinh an: thư thái, nhẹ nhàng
-bất phóng dật: không buông lung theo dục vọng
-hành xả: tâm niệm bình đẳng, không chấp trước
-bất hại: không có ý làm tổn thương người khác
-Phiền não: tức là các căn bản phiền não, rất khó đoạn trừ, gồm có 6 tâm sở (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến).
*Tùy phiền não: tức là các thứ phiền não phụ thuộc của các phiền não căn bản ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở:
-phẫn: nóng giận, bực tức, cộc cằn
-hận: oán hờn
-não: buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên
-phú: che dấu tội lỗi
-cuống: dối gạt
-siểm: nịnh hót, gièm pha
-kiêu: tự phụ, khoe khoang
-hại: có ý làm thương hại người
-tật: ganh ghét
-xan: keo kiệt
-vô tàm: làm lỗi mà không biết tự xấu hổ
-vô quí: tài đức không bằng người mà không tự thẹn
-bất tín: đa nghi, không tin tưởng
-giải đãi: biếng nhác
-phóng dật: buông lung
-hôn trầm: không tỉnh táo, dật dờ, trì trệ
-trạo cử: chao động không yên
-thất niệm: lãng quên, không có chánh niệm
-bất chánh tri: hiểu lầm, biết không chính xác
-tán loạn: xao xuyến, rối loạn
* Bất định: là những tâm sở không thuộc về thiện, cũng không thuộc về bất thiện; hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở:
-thùy miên: ngủ
-ác tác (hay hối): hối hận, chán ghét việc mình đã làm
-tầm: suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí
-từ: nghiên cứu để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí
3. Sắc pháp: là các hiện tượng vật chất, gồm có 11 pháp, là 5 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân căn) và 6 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp cảnh).
4. Bất tương ưng hành pháp: là những hiện tượng không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên; gồm có 24 pháp:
-đắc: cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình, ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v…; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (đạt) được một vật, ví dụ: ông B có được quyển sách; tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt được thành quả giác ngộ v.v…
-mạng căn: cái tính cách từ đó sinh mạng được duy trì
-chúng đồng phận: cái tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất
-dị sinh tánh: cái năng lực làm cho có bản tánh phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân
-vô tưởng định: sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng
-diệt tận định: sự tu tập rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán
-vô tưởng quả: cái tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm và tâm sở đều tiêu mất
-danh thân: tên gọi để chỉ cho sự vật
-cú thân: lời nói để diễn tả sự vật
-văn thân: văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên
-sinh: cái tính cách từ đó các pháp được sinh thành
-trụ: cái tính cách từ đó các pháp được tồn tại
-lão (hay dị): cái tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại
-vô thường (hay diệt): cái tính cách từ đó các pháp bị tiêu mất
-lưu chuyển: cái năng lực làm cho mọi loài cứ phải quanh quẩn trong vòng luân hồi
-định dị: dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ
-tương ưng: cái tính cách làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau
-thế tốc: cái tính cách làm cho vạn pháp sinh diệt tương tục từng sát na, di chuyển theo vận tốc
-thứ đệ: cái tính cách làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự
-thời: thời gian
-phương: phương hướng
-số: cái tính cách làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được
–hòa hiệp tánh: cái tính cách làm cho sự vật hòa hợp được với nhau
-bất hòa hợp tánh: cái tính cách làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau
5. Vô vi pháp: là những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên, không sinh không diệt; gồm có 6 pháp:
-hư không vô vi: tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào, và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v… đều có giới hạn; hơn nữa, hư không còn bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v…
-trạch diệt vô vi: cảnh giới niết bàn đạt được do dùng trí tuệ tiêu diệt tận cùng mọi phiền não
-phi trạch diệt vô vi: thể tính tịch tịnh vốn đã hiển nhiên (không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mới có)
-bất động diệt vô vi (hay bất động vô vi):thể tính của niết bàn là như như, tĩnh lặng
-thọ tưởng diệt vô vi: trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ (cũng tức là niết bàn)
–chân như vô vi: bản thể của vạn pháp
(03) Bảy thức trước (tiền thất thức): Đây là một thuật ngữ Duy Thức Học. Trong 8 thức thì thức a-lại-da được kể vào hàng thứ tám, là thức căn bản của tất cả các thức khác. Trong Duy Thức Học, khi cần thiết, 7 thức được kể trước thức a-lại-da (tức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý và mạt-na) được gọi bằng một tên chung là “bảy thức trước” (tiền thất thức). Theo đó, thức mạt-na được kể vào hàng thứ bảy, cho nên 6 thức đứng trước nó (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý) được gọi bằng một tên chung là “sáu thức trước” (tiền lục thức). Cũng vậy, ý thức được kể vào hàng thứ sáu, cho nên 5 thức đứng trước nó (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân) được gọi bằng một tên chung là “năm thức trước” (tiền ngũ thức); 5 thức này được xếp thành một nhóm, gọi là “năm thức cảm giác”, không có thứ tự trước sau, cho nên không thể gọi thức thứ nhất, thức thứ năm, hoặc một thức trước, bốn thức trước v.v…
BÀI TẬP
1) a/ Ở trong 5 vị, tông Câu Xá lấy pháp nào làm chủ? Tông này lấy pháp nào làm chủ? b/ Về sự thành lập các pháp tâm vương, hai tông Câu Xá và Thành Thật, cùng với tông này, khác nhau ở điểm nào?
2) Hãy giải thích các danh từ: định dị, thế tốc, hòa hiệp tánh, bất động diệt vô vi, tưởng thọ diệt vô vi.
3) Đặc điểm của thức mạt-na là gì? Tính chất của nó thuộc loại nào?
4) Bốn thứ phiền não tương ưng với thức mạt-na là gì? Thế giới này bị náo động, hỗn loạn, đau khổ như ta trông thấy là do nguyên nhân nào?
5) Tại sao gọi thức a-lại-da là “tàng thức”? Chủng tử của nghiệp, khi chưa sinh quả thọ báo thì được chứa giữ ở đâu? Thức thứ bảy thường xuyên chấp cố định cái gì làm ngã?
6) Tại sao gọi thức a-lại-da là “vô một thức”, là “dị thục thức”? Ở địa vị Phật, nó lại có tên là gì?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 13, 14 và 15
1. Tám tướng trạng sinh, diệt, đoạn, thường, một, khác, đến, đi, đều là sự suy lường, phán đoán do cái thấy mê vọng đối với lí thể chân như của người chưa thấy tánh. Vì Phật tánh, pháp tánh đều lìa khỏi tám bên đó, cho nên sự suy lường mê vọng này khó khỏi bị sa vào cái nhận thức sai lầm (phi lượng) phát sinh do biến kế chấp, mà thành ra cái thấy một bên, hoàn toàn trái ngược với bản tánh chân thật. Đối với lí thể chân như thì cả tám tướng trạng trên đều sai, cho nên ở trên tám chữ ấy đều phải thêm một chữ “không” (bất), mới có thể gọi là “tám không” (bát bất). Nhưng, nếu nói được một lời dứt khoát rằng: tất cả những từ thuộc trong phạm vi đối đãi, như có không, phải quấy, dơ sạch, thật dối, thiện ác, lớn nhỏ, xanh vàng, v.v… đều hoàn toàn là không đúng, thì có thể nói thẳng là có tới “ngàn không” (thiên bất), “vạn không” (vạn bất); ở đây sở dĩ nói “tám không” chẳng qua là nói cái đại lược để làm ví dụ mà thôi.
2. Dùng chữ “vạn” để nói gồm thâu tất cả hiện tượng trong vũ trụ, như: vạn hữu, vạn tượng, vạn vật, vạn pháp, đó chẳng qua là đại biểu cho số nhiều, chẳng phải là con số xác thật. Về sau tông Câu Xá lập 75 pháp, tông Thành Thật lập 84 pháp, tông Pháp Tướng lập 100 pháp, cũng đều tùy theo kiến giải của mỗi tông phái mà tóm lược nêu ra; tại vì trên thực tế, không thể có một biện pháp nào chỉ ra được một con số xác thật. Người học cần phải hiểu rõ rằng: các con số 75, 84 và 100 này đều thuộc vào loại đoán chừng một cách chủ quan, con số tuy có khác, nhưng dụng ý thì hoàn toàn giống nhau. Phẩm loại mà các con số ấy nêu lên, dù tỉ mỉ hay giản lược, nhưng về đại thể thì tương đồng; cũng giống như 6 phương hay 10 phương cũng thành cái hình cầu đồng nhất, chứ không phải 6 phương thì nhỏ hơn 10 phương.
3. Thức mạt-na hoàn toàn không tạo nghiệp thiện ác, cho nên thuộc về “vô kí”; vô kí nghĩa là không phải thiện không phải ác. Nhưng, tại vì nó chấp ngã, lúc nào cũng có đủ bốn thứ phiền não đeo dính, cho nên thuộc về “hữu phú”; hữu phú tức là tánh bị nhiễm ô. Chỉ riêng trên mặt chữ nghĩa mà nhìn: tuy hữu phú nhưng lại vô kí, thì có thể biết rằng, nó chỉ là một thứ chấp trước, mà hoàn toàn chưa phát ra hành động; cũng tức là nói: nó đã khởi hoặc cho nên không bằng thức thứ tám vô tâm; nó chưa tạo nghiệp cho nên lại không đồng với thức thứ sáu vọng động. Nằm giữa thức thứ tám và thức thứ sáu, mà giữ được cái cá tính độc hữu của mình, đó là nét đặc trưng của thức mạt-na. Nhân vì nó là tiềm thức, cho nên dù nó thường xuyên xét nét suy lường, cũng không dễ dàng bị khám phá. Bởi vậy, tiểu thừa và ngoại đạo, ngoài thức thứ sáu ra, không biết có thức này tồn tại. Họ còn không biết có thức thứ bảy, thì làm sao biết được có thức thứ tám! Nhưng mà, theo sự quán sát tuệ giải của chúng ta, chúng sinh từng lúc từng việc đều chấp ngã, đều lấy ngã làm điểm xuất phát. Như thế có thể biết, ở sau lưng thức thứ sáu chắc chắn phải có một thứ chấp ngã cực độc hại tồn tại, xúi giục, sai khiến thức thứ sáu, lấy cái ý chí của nó làm ý chí của mình, lợi mình hại người, ngấm ngầm bồi dưỡng cái tính ngạo mạn ngông cuồng; đó không phải là thức mạt-na thì là cái gì? Lại nữa, sau khi sáu thức trước tạo nghiệp rồi, chắc chắn phải có một nơi để ghi chép, gửi gấm những tập khí thiện ác đã tạo nhiều lần, nhiên hậu, khi những tập khí ấy đã huân tập thành thục, mỗi mỗi lại phát sinh quả báo khổ vui; như thế thì trật tự mới không rối loạn, số lượng mới không thiếu sót; đó không phải là thức a-lại-da thì là cái gì? Thứ nữa, trong lúc ngủ say hoặc khi hôn mê, tri giác đều mất, chứng tỏ rằng thức thứ sáu đã bị đình chỉ; ở báo thân này, nếu quả thật chỉ có thức thứ sáu, vậy thì khi nó bị đình chỉ thì liền bị gián đoạn, gián đoạn thì liền tử vong; nhưng lúc bấy giờ báo thân vẫn không tử vong, thì chắc chắn phải có cái gì khác nữa để duy trì mạng sống; cái gì khác đó nếu không phải là thức a-lại-da thì là cái gì? Nếu không dùng tuệ giải mà chỉ bằng vào thức thứ sáu thô thiển để suy đoán, rồi lấy đó mà tin tưởng, đó là căn bệnh thông thường của người phàm phu. Các vị học giả chân chính, cái gì cũng phải lấy lí trí mà suy khảo, không nên đồng với dòng tục, cứ đem cái không thấy không biết của mình mà đoán định là không có.
4. Đã là vô vi thì xa lìa danh ngôn thi thiết, vốn không nên có 6 tên gọi, nhưng sở dĩ pháp vô vi có 6 thứ, cũng là tùy thuận thế tục mà lập nên; vì muốn khai mở trí tuệ cho người học cho nên mới tạm dùng văn tự. Kì thật, chỉ có chân như vô vi mới là vô vi của Phật tánh; còn 5 thứ vô vi kia đều là vì phương tiện mà nói.
5. Sở dĩ thế giới có tình trạng hỗn loạn như thế này, đều bởi cái niệm “riêng cho mình” mà ra. Căn nguyên của cái niệm riêng cho mình ấy là do từ sự chấp ngã của thức mạt-na. Bởi vậy, thức mạt-na của tất cả chúng sinh nếu không được chuyển thành TRÍ, thì bầu trời này vĩnh viễn không được thái bình. Mỗi một góc ở trên thế giới, bất luận là người đối với người, người đối với động vật, hay động vật đối với động vật, toàn là lấy sức mạnh mà lăng nhục nhau, tàn sát nhau, ăn thịt nhau. Nếu muốn trừ bỏ cái căn nguyên riêng cho mình đó, phải đem THỨC MẠTNA chuyển thành TRÍ BÌNH ĐẲNG TÁNH, biến đổi lợi mình thành lợi người, hoặc cả mình và người cùng có lợi; và muốn được như thế thì phải nhờ đến thức thứ sáu, dùng hai phép quán ngã pháp hai không và từ bi bình đẳng làm phương tiện tu tập, mới mong đạt được hiệu quả. Các nhà chính trị, nhà khoa học của các quốc gia trên thế giới, phần nhiều được đào tạo trong nền giáo dục cao cấp, nhưng ai cũng là người chỉ lo tính toán riêng cho mình! Hễ chỉ lo riêng cho mình, riêng cho quốc gia dân tộc mình, thậm chí riêng cho nhân loại mình, cũng đều đi ngược lại với ý nghĩa bình đẳng, bác ái, đều gọi là “tự tư” (riêng cho mình). Như thế có thể biết, đối với sự việc này, sự giáo dục không giúp ích gì được, mà phải nương nơi Phật pháp, phải tu quán chuyển thức, phát tâm đại thừa, nghĩ nhớ nỗi thống khổ của chúng sinh, thì mới có biện pháp tốt.
6. Tì Đàm chấp có phải nên phá; Thành Thật chấp không cũng phải nên phá; ngoại đạo chấp đoạn chấp thường phải nên phá; đại thừa chấp có sở đắc cũng phải nên phá; vậy thì Phật pháp rốt cuộc là có, hay là không? Là đoạn hay là thường? Là có sở đắc hay không sở đắc? Thật rất khó có được câu trả lời khẳng định cho các câu hỏi này; và cũng phải nói thật lâu dài mới mong thấu triệt được vấn đề. Tác giả xin tạm soạn 8 câu giải đáp, hi vọng mở được cánh cửa liễu ngộ, xem mà phá được nghi ngờ, cũng có thể đạt đến chỗ rỗng suốt:
Duyên sinh nên không có,
Tu trì chẳng phải không,
Nối nhau nên không dứt,
Thay đổi lại không thường,
Phần chứng tạm gọi “đắc”,
Về nguồn đắc gì đâu?
Nếu rõ ràng thấy tánh,
Thông suốt mọi nghi ngờ.
7. Nhân thì có thiện ác, quả thì lại vô kí, có nghĩa là: cái thân quả báo có được do nguyên nhân có thể là thiện mà cũng có thể là ác, cho nên nói là vô kí. Ví như tạo nghiệp thiện mà sinh làm trời, người, thì cái thân của trời, người đó thuộc về vô kí, tại vì cái thân ấy có thể là thiện, cũng có thể là ác. Tạo nghiệp ác mà sinh vào ba ác đạo, thì cái thân trong ba ác đạo ấy cũng thuộc vô kí, tại vì nó có thể là thiện mà cũng có thể là ác. Khi quả hiện hành, nếu giữa đường mà gặp một nghiệp đại thiện hay đại ác xâm nhập, thì cái quả liền bị thay đổi, và tính chất của cái quả mới này có thể không phù hợp với cái nhân đã tạo lúc đầu. Như người nghèo khổ, làm một việc thiện lớn, có thể trở thành giàu sang; một người sống lâu, làm một điều ác lớn, có thể trở thành chết yểu. Nhân ác mà biến thành quả thiện, thì chắc chắn là cái sức của nghiệp thiện làm về sau này đã vượt xa cái nhân lúc trước, nhưng, mặc dù cái quả đã biến thành thiện, mà cái ác của nhân lúc trước vẫn được tính toán ở bên trong, sau khi đã khấu trừ rồi thì cái quả kia liền kết thành; như người mắc nợ 1.000 đồng, bỗng được thưởng công 10.000 đồng, sau khi trừ món nợ kia, số tiền người ấy thật có là 9.000 đồng. Nhân thiện mà biến thành quả ác, thì chắc chắn là cái sức của nghiệp ác làm về sau này đã vượt xa cái nhân lúc trước, nhưng, mặc dù cái quả đã biến thành ác, mà cái thiện của nhân lúc trước vẫn được tính toán ở bên trong, sau khi đã khấu trừ rồi thì cái quả kia liền kết thành; như người có 1.000 đồng trong túi, bỗng dưng bị phạt 5.000 đồng, trừ đi 1.000 đồng đã có sẵn, người ấy thật sự thiếu nợ là 4.000 đồng. Hai ví dụ vừa nêu trên, mỗi ví dụ đều có hai lớp nhân quả. Nhân có tánh thiện tánh ác, quả thì chỉ bằng vào cái nhân mà có, hoàn toàn không thể lìa nhân mà có được; mà cũng không thể đảo điên, như nhân thiện sinh quả ác, hay nhân ác sinh quả thiện. Bởi vậy, quả lìa nhân mà có, hoặc quả không phù hợp với tính chất của nhân, đều là không hợp lí.