GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 12
XƯNG NIỆM DANH HIỆU CHƯ PHẬT và BỒ TÁT (phần 2)

Nam mô(1) Ca Sa Tràng Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, sẽ vượt thoát tội lỗi sinh tử trong một trăm đại kiếp.

Nam mô Đại Thông Sơn Vương Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, sẽ gặp được hằng hà sa số đức Phật, được nghe nói pháp, chắc chắn thành Phật.

Nam mô Phổ Kiến Phật1. Nếu có người thọ trì danh hiệu(2) của trăm ngàn ức đức Phật, lại có người xưng niệm tên của đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi; thì phước đức của người sau sẽ lớn hơn phước đức của người trước, huống chi lại còn xưng niệm tên đức Phật Phổ Kiến!

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng sa vị Bồ-tát, suốt đời cúng dường các thức ăn uống, y phục, giường chiếu, thuốc men; lại có người thọ trì danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến lễ bái, cúng dường trong một thời gian ngắn; phước đức của hai người ấy thật không khác gì nhau, trong trăm ngàn muôn ức kiếp, hưởng thọ không bao giờ hết. Xưng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ được công đức vô lượng vô biên như vậy.

Nam mô Địa Tạng Bồ Tát. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe danh hiệu của đức Đại Bồ Tát Địa Tạng, hoặc chắp tay kính mộ, hoặc tán thán lễ bái, sẽ vượt thoát tội chướng trong ba mươi kiếp.

Nam mô Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật, Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật, Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật.

Tất cả chúng sinh trong đời hiện tại hoặc vị lai, chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật, thì công đức đã vô lượng, huống chi niệm nhiều danh hiệu. Những chúng sinh này, lúc sống lúc chết đều được lợi ích lớn lao, vĩnh viễn không đọa vào đường ác.

Kinh bản hai thời khóa tụng sáng chiều, trong bài văn sám hối lễ Phật buổi chiều, có danh hiệu 53 đức Phật, bắt đầu là Phổ Quang Phật, đến Nhất Thiết Pháp Thường Mãn Vương Phật(3) là hết. Nếu có người nam hay người nữ nào, được nghe danh hiệu của 53 đức Phật này, trong trăm ngàn muôn ức a tăng kì kiếp, người đó không bị đọa vào ác đạo. Nếu thường xưng niệm danh hiệu của 53 đức Phật ấy, đời đời sẽ sinh vào những nơi được gặp chư Phật trong mười phương. Nếu người nào chí thành kính lễ 53 đức Phật ấy, sẽ tiêu trừ được các tội tứ trọng2, ngũ nghịch, hủy báng đại thừa3, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh.

Tiếp theo danh hiệu 53 đức Phật ấy, lại có danh hiệu của 35 đức Phật nữa, bắt đầu là Thích Ca Mâu Ni Phật, đến Bảo Liên Hoa Thiện Trú Ta La Thọ Vương Phật(4) là hết(5). Tất cả chúng sinh, nếu đã từng tạo các nghiệp dữ như năm tội nghịch, mười điều ác, mà trong muôn kiếp chưa từng sám hối, nay nên đảnh lễ 35 đức Phật này, chí thành sám hối, thì tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.

Ngoài các đức Phật và Bồ-tát trên đây, vẫn còn vô số chư Phật và Bồ-tát khác, không thể kể hết ra đây được; hễ thấy có nêu lên trong kinh điển, liền xưng niệm, đều có công đức. Nếu quí vị hành giả muốn chỉ trong một niệm mà kính lễ khắp tất cả chư Phật và Bồ-tát, thì nên niệm “Nam mô thập phương tam thế nhất thiết chư Phật Bồ-tát”; thế là bao quát vô tận.

 

CHÚ THÍCH

1. Trong kinh Bảo Tích, đức Phật nói: Văn Thù Sư Lị về sau sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Kiến Như Lai.

2 .“Tứ trọng” cũng gọi là “tứ ba la di”, tức phạm bốn tội sát sinh, trộm cắp, dâm dục, và dối trá.

3. “Phương” là ngay thẳng, “đẳng” là bình đẳng, tức là lí trung đạo; có nghĩa là, đã ngay thẳng, lại sinh tính bình đẳng của Phật vậy. Tất cả kinh giáo đại thừa đều nói lên cái lí trung đạo, cho nên đều được gọi chung là giáo lí “phương đẳng”.

 

PHỤ CHÚ

1. Trong Hán ngữ, hai chữ南 (nam) và (vô), ghép chung lại thì không có nghĩa gì cả, vì đó không phải là một từ. Riêng trong Phật điển, hai chữ đó đã được ghép lại để dịch âm chữ Phạn “namas”; và đã trở thành một từ có ý nghĩa. Nguyên, hai chữ 南無 này, âm Hán Việt đọc là “nam vô”, nhưng khi dùng để dịch âm tiếng Phạn, thì chữ 南 được đọc là “na” (theo Từ Nguyên), và chữ 無 được đọc là “mô” (theo Từ Nguyên). Vậy, đáng lí ra, từ 南無 phải đọc là “NA MÔ”, nhưng xưa nay người Việt vẫn đọc là “nam mô”; đó chỉ là do thói quen lâu đời. Nguyên ý của từ “nam mô” là lễ bái, nhưng đã được dịch ra Hán ngữ thành nhiều nghĩa: kính lễ, qui y, qui kính, qui mạng, tín tùng, cứu ngã, độ ngã. Vì từ này bao hàm nhiều ý nghĩa, cho nên, theo ngài Huyền Trang, đó là một trong năm trường hợp không dịch nghĩa, mà chỉ dùng từ dịch âm là “na mô”. Từ này được dùng để tỏ bày lòng tôn kính, tin tưởng và quyết chí học theo, đối với đối tượng (như Phật, Bồ-tát, v.v…) mà mình đang đứng trước. Như nói: “Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da”, là biểu ý qui kính Ba Viên Ngọc Quí (Phật Pháp Tăng); “Nam mô A Di Đà Phật”, là biểu ý qui y đức Phật Vô Lượng Thọ.

2. Trong Phật điển, từ “danh hiệu”, chủ yếu là dùng để chỉ cho tên của chư Phật và Bồ-tát. Danh hiệu có công năng nêu rõ công đức của chư Phật và Bồ-tát, cùng nói lên lòng tán thán, kính ngưỡng của chúng sinh đối với chư Phật và Bồ-tát, nên cũng được gọi là “bảo hiệu, tôn hiệu, hay đức hiệu”. Danh hiệu biểu thị thể tánh chân như cùng công đức rộng lớn viên mãn của chư Phật và Bồ-tát, cho nên, danh hiệu của chư Phật cũng tương đồng với pháp thể của chư Phật. Vì vậy, trong các kinh luận phần nhiều đều nói: nếu có người thành tâm xưng niệm danh hiệu của chư Phật, cho đến suy nghĩ, nhớ tưởng đến chư Phật, sẽ được tiêu trừ tội chướng, tai nạn, hoặc được vãng sinh về cõi Tịnh-độ. Ví dụ, kinh Pháp Hoa nói: Cung kính lễ bái đức Bồ Tát Quán Thế Âm, và thọ trì, xưng niệm danh hiệu của Ngài, liền được phước đức… Hay kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: Nếu chí tâm xưng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thì trong mỗi niệm có thể diệt trừ tội lỗi sinh tử trong tám mươi ức kiếp…

3. Danh hiệu 53 đức phật này được lấy ra từ kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ Tát (cũng gọi là kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Bồ Tát, hoặc kinh Dược Vương Dược Thượng), do pháp sư Cương Lương Da Xá (383-442), đời Lưu-Tống (420-479), dịch.

4. Danh hiệu 35 đức Phật này được lấy ra từ kinh Quyết Định Tì Ni, đời Đông-Tấn (317-419), không đề tên người dịch.

5. Cộng hai nhóm danh hiệu trên, có tất cả là (53+35=) 88 danh hiệu Phật, được ghi trong bài văn sám hối, – gọi là “Hồng Danh Sám Hối” – là một tiết mục trong thời khóa tụng (cũng gọi là “công phu”) chiều. Thật ra, trong bài văn “Hồng Danh Sám Hối” này, có tất cả là 89 danh hiệu Phật; và danh hiệu cuối cùng (sau 88 danh hiệu trên) là “Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật”. Danh hiệu sau cùng này không thuộc trong hai nhóm danh hiệu nêu trên, mà được lấy ra từ kinh Diệm Khẩu (khoa thí thực cô hồn). Thời khóa tụng buổi chiều, cùng với thời khóa tụng buổi khuya, gọi chung là “Hai Thời Khóa Tụng” (hoặc “Hai Thời Công Phu”), được hành trì hàng ngày trong các chùa viện.

 

BÀI TẬP

– Nghe danh hiệu đức Phật Đại Thông Sơn Vương, có được công đức gì?

– Thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cho đến lễ bái cúng dường trong một thời gian ngắn, phước đức ấy ngang bằng với hạng người nào?

– Nếu có người nam hay người nữ nào: a/ Nghe tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào? b/ Xưng niệm tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào? c/ Chí tâm kính lễ tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào?

– Đảnh lễ 35 đức Phật để làm gì?

– Hành giả nếu muốn chỉ trong một niệm mà kính lễ khắp tất cả chư Phật và Bồ-tát, nên xưng niệm danh hiệu nào?


Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12

1. Loài ngạ quỉ vốn không ăn được. Do nghiệp lực, sau giờ ngọ, có thể nghe được tiếng khua bát đũa và sự ăn uống của loài người, nhân đó mà cảm thấy đói khát cào cấu, tức thì lửa từ trong miệng phát sinh, vô cùng khổ sở! Cho nên, quí vị tu học Phật, vì thương xót chúng mà không ăn sau giờ ngọ. Chiếu theo giới luật, người xuất gia không nên ăn sau giờ ngọ. Nếu thân thể gầy yếu, hoặc tuổi già bệnh tật, vì phương tiện, cũng có thể ăn, coi như là món thuốc; ý nói, vì chữa bệnh mà phải ăn vậy. Nhưng, trong lúc ăn nên sinh tâm hổ thẹn, nghĩ đến nỗi khổ đau của ngạ quỉ, không dám húp nhai ra tiếng, cũng không dám khua động mâm chén, sợ chúng nghe những tiếng ấy sẽ không chịu nổi.

2. Những vị thọ giới cụ túc, hoặc tu tám giới trai, mặc dù không ăn sau giờ ngọ, nhưng trong xã hội, vẫn có ngàn vạn người, đêm đến vẫn còn ăn, nói gì sau giờ ngọ! Ngạ quỉ nghe, tất nhiên phải đau khổ lắm! Cho nên, đứng trên sự đời mà nói, khi nêu lên việc trên, quả thật không có tác dụng gì nhiều; nhưng đứng trên tâm niệm mà nói, thì tác dụng lớn lắm. Ta tự tu tâm ta mà thôi, còn người khác thì sao? Có thể không can hệ gì! Ví như tín đồ Phật giáo, tuy ăn chay trường, nhưng tất cả các loài động vật như heo, bò, gà, vịt, v.v… ở trên đời, một vạn con vẫn cứ chết một vạn con, chứ không phải vì có một số rất ít người ăn chay ấy mà chúng khỏi chết. Mặc dù đó là sự thật, nhưng nghị lực của người Phật tử trong việc hành trì giới luật, bảo vệ đạo pháp, hộ giúp chúng sinh, vẫn phải cứng như sắt đá. Phải có cái tinh thần, cái tiết tháo của Khuất Nguyên(1): “Cả thế gian đều đục, chỉ một mình ta trong; cả mọi người đều say, chỉ một mình ta tỉnh.”, nhiên hậu mới bàn đến chuyện tu đạo. Nếu không thế thì chỉ trôi lăn theo thế tục mà nổi chìm, cùng với người đời nào có khác gì! Hành giả phải thay đổi được thế gian, đừng để bị thế gian thay đổi.

3. Ứng hóa thân của chư Phật và Bồ-tát nhiều vô số. Một thân ở chỗ này tuy nhập niết bàn, nhưng nhiều thân ở những nơi khác đang đồng thời tại thế. Cho nên, niệm Phật đã niết bàn cũng tức là niệm Phật hiện tại, vì trên thực tế, hoàn toàn không có một đức Phật nào nhập niết bàn.

4. Niệm Phật(2) được lợi ích rất lớn, tiện lợi vô cùng; đó tức là, cả tự lực và tha lực đều gồm đủ. Người tu hành phải biết khéo léo nương nhờ tha lực, mới đáng gọi là có phước có tuệ. Ví như đi xa, người biết dùng thuyền, hay xe làm phương tiện, đó mới là người lữ hành thông minh. Đường dài vạn dặm mà bỏ xe, bỏ thuyền, chỉ đi bộ, đó chính là kẻ ngốc! Thử nghĩ xem: Hành giả đạt đến chỗ “hạnh bất thối, niệm bất thối”(3), phải phí bao nhiêu tinh lực, bao nhiêu thì giờ? Vậy mà, chỉ trong khoảnh khắc, qui y với đức Phật Bảo Tánh, tức thì vĩnh viễn không còn bị thối lui trên đường đi đến đạo quả vô thượng. Muốn chứng quả A-la-hán, phải đoạn trừ bao nhiêu kiến tư hoặc? Phải trải qua bao nhiêu khó khăn? Vậy mà, cung kính đức Phật Bảo Tướng, không lâu sau liền chứng được quả A-la-hán. Từ cõi Người tu đến cõi Trời, phải trì bao nhiêu giới lành? Phải tạo bao nhiêu công đức? Vậy mà nghe tên đức Phật Ba Đầu Ma Thắng, liền sinh lên sáu tầng trời cõi Dục, nhanh hơn gấp ngàn lần; nghe tên đức Phật Bảo Thắng, liền được ở mãi trên các cõi trời, thọ hưởng niềm vui thắng diệu. Gây các tội tứ trọng, ngũ nghịch, hủy báng kinh điển đại thừa, phải đọa xuống địa ngục A-tì; người này phải qua bao nhiêu kiếp số, phải trải bao nhiêu cực hình, để chịu hết quả báo? Vậy mà xưng niệm danh hiệu 53 đức Phật, liền được thanh tịnh. Dùng thức ăn, y phục, giường chiếu, thuốc men, để cúng dường sáu mươi hai ức hằng sa chư vị Bồ-tát, như thế phải tốn bao nhiêu tài vật? Phải mất bao nhiêu thời gian? Vậy mà, chỉ một lần xưng niệm, hoặc một lạy cúng dường đức Bồ Tát Quán Thế Âm, phước báo cũng bằng như thế. Trong cõi đời này có những việc tiện lợi như thế, tại sao không làm? Nếu nói đến cái đạo lí “tri hành hợp nhất”, không làm thì chắc chắn là chưa biết; chưa biết tức là phước chưa đến, tuệ chưa đến, không thể nói cách nào khác được. Phóng cái nhìn từ xưa đến nay, có vô số người “thế trí biện thông”(4), đều bị bốn chữ “cố chấp kiêu ngạo” làm lỡ mất bao nhiêu cơ hội! Trái lại, để cho một bà già không biết gì chiếm hết tiện ích,(5) há chẳng phải là chuyện quái gở ư!

5. Ngày nay, những người tu Tịnh Độ, phần nhiều lấy việc “trì danh”(6) làm chủ yếu; kì thật, trong pháp môn Niệm Phật còn có các phép quán tưởng(7), thật tướng(8)v.v…, chứ không phải chỉ có trì danh; có nghĩa là, trong cái được gọi là “dễ tu” của pháp môn Tịnh Độ, lại có cái khó khăn. Quán tưởng và thật tướng chính là những pháp khó; còn trì danh mới là pháp dễ thực hành. Cho nên chẳng lấy gì làm lạ, người đời nay đều lấy việc trì danh làm chủ yếu. Khi lấy danh hiệu Phật A Di Đà làm chủ yếu cho pháp môn trì danh, thì việc hành trì tám giới trai cùng niệm danh hiệu các đức Phật khác đều gọi là “tạp tu”(9). Nhưng, sau khi hành trì phép tạp tu, lại tụng thêm kệ hồi hướng, đem tất cả công đức hồi hướng cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà, thì những công phu tạp tu kia cũng đều biến thành “chủ tu”(10). Người tu hành ở thế giới này, có thể tùy ý tu trì bất cứ pháp môn nào, chỉ cần sau khi tu trì pháp môn đó, liền đem hồi hướng cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc, thì bất cứ pháp môn nào cũng đều là Tịnh Độ.

6. Thọ trì tám giới quan trai, thời hạn chỉ có một ngày đêm, có thể gọi là nhẹ nhàng mà dễ thọ trì, nhưng hiệu quả của nó lớn lao đến độ làm cho người ta kinh ngạc. Phật bảo bà Đọa Xá Ca: “Thọ trì tám giới trai này, khiến cho người được độ ở cõi thế, sẽ không bị đọa trở lại vào ba đường dữ, thường sinh vào những nơi phước đức; và cũng từ tám giới này làm nhân duyên căn bản để tiến đến thành Phật.” Như vậy, hiệu lực của nó quả thật là không thể nghĩ bàn. Từ đó có thể thấy: Người tu học mà chỉ trọng ở mặt lí luận mà không chịu hành trì, thì mất ích lợi nhiều lắm!

7. Trước đây có người nói: “Nam mô nghĩa là phương Nam không có. Nhân vì Phật ở phương Tây; phương Tây là Canh-Tân, thuộc kim, mà phương Nam là Bính-Đinh, thuộc hỏa; vàng gặp lửa thì nóng chảy, cho nên phương Nam không có Phật.” Lời nói xằng bậy đó thật làm cho người ta cười đau bụng. Xin hỏi: Trong kinh A Di Đà có nói: “Thế giới phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Vặn(11) Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn v.v…, hằng hà sa số chư Phật như thế, ……”, thì giải thích thế nào đây? Vì sao Quí Ngài không gặp lửa để bị nung chảy? Cho nên biết, không xem kinh luận, chưa có được tri kiến chân chính mà hay nói, đó là việc cực kì nguy hiểm, không những làm cho người khác hiểu lầm, mà chính mình cũng sai quấy. Người xưa vì nói một câu: “Người tu hành không rơi vào nhân quả.”, mà còn bị đọa làm thân con chồn đến năm trăm đời; nếu không nhờ thiền sư Bách Trượng(12) vì y mà sửa lại thành “không ngu muội về nhân quả”(13), thì không biết đến bao giờ y mới được giải thoát! Cũng giống như vậy, đem chữ “nam mô” mà giải thích là phương Nam không có(14), lại nói Phật ở phương Tây thân vàng, sang đến phương Nam gặp lửa bị nung chảy, đó chính là trồng cái nhân địa ngục, dù muốn cầu làm chồn cũng không thể được; há không sợ hay sao? Chúng ta chưa thành Phật, mà phương tiện nói pháp, đó là việc bất đắc dĩ, phải thận trọng từng li từng tí, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, tuyệt đối không nên gắng gượng làm như ta đây là người hiểu biết, để rồi tự chiêu lấy tội lỗi.

8. Người thọ trì tám giới trai trong một ngày đêm, có phước đức nhiều hơn người đem của cải trân quí của khắp mười sáu nước lớn cúng dường chư vị tì kheo; tại sao không nói mười lăm hay mười bảy nước, mà phải nói mười sáu? Người xưng niệm, cúng dường đức Bồ Tát Quán Thế Âm, có phước đức bằng với người xưng niệm, cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ-tát; tại sao không nói sáu mươi mốt hay sáu mươi ba, mà phải nói sáu mươi hai? Nên biết, Phật có đầy đủ trí như lí(15) và trí như lượng(16). Trí như lượng này là loại trí tuệ có thể thấy biết tất cả các pháp thế và xuất thế gian, đúng như phân lượng của chúng, không nhiều cũng không ít, cho nên gọi là “như lượng”. Vậy thì, mười sáu là mười sáu, quyết không phải là mười lăm hay mười bảy, v.v…; sáu mươi hai là sáu mươi hai, quyết không phải là sáu mươi mốt hay sáu mươi ba, v.v…(17)

9. Ý nghĩa trọng yếu của sự sám hối tội lỗi là ở chính tâm mình. Trong tâm ăn năn tha thiết, thề không tạo tội nữa, nhiên hậu Phật lực mới có hiệu quả. Bài kệ trong kinh nói rằng: “Tội từ tâm khởi, đem tâm sám. Tâm (chỉ cho tâm tạo tội) diệt mất rồi, tội cũng tiêu. Tội tiêu, tâm diệt, thảy đều không; đó mới gọi là chân sám hối.” Thế mới biết, tự tâm nếu không ăn năn, không sửa lỗi, thì dù là 53 đức Phật, hay 35 đức Phật, cũng không làm gì được. Có người bắt bẻ rằng: Đã nói rằng tâm diệt thì tội tiêu, vậy hà tất phải niệm Phật lễ sám? Nên biết: Tâm diệt tội tiêu, nói thì dễ dàng biết bao! Nhưng nếu so với sự tự sám hối mà không nương vào đâu hết, thì đứng trước Phật kính lễ sám hối, sức mạnh của tâm ý cao hơn gấp trăm ngàn lần. Với sức ảnh hưởng sâu sắc đó, mới có thể rửa sạch những vết thương từng khắc sâu trong a-lại-da thức. Nếu không nhờ đến hình thức lễ sám này, đừng hi vọng có được công hiệu thù thắng như vậy.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Khuất Nguyên (343?-277? tr. TL): là một nhà chí sĩ và là một đại thi hào của Trung-quốc ở thời Đông-Châu (770-222 tr. TL). Ông tên là Bình, là người trong hoàng tộc nước Sở, làm quan đại phu dưới triều Sở Hoài vương. Ông là người học rộng, nhớ nhiều, tình cảm và tưởng tượng phong phú, vừa giỏi chính trị, vừa có tài văn chương; trong thì giúp vua bàn quốc sự và ban hiệu lệnh, ngoài thì tiếp đãi tân khách, ứng đối với chư hầu. Ông tuổi còn trẻ mà đã ở địa vị cao, quyền lực lớn: mới 25 tuổi, ông đã trở thành là cánh tay trái của nhà vua; vì vậy mà không tránh khỏi sự ganh ghét của người khác, từ chỗ bị ganh ghét tất phải đi đến chỗ bị hãm hại. Bởi đó, mới đầu ông rất được vua tin cậy, nhưng sau thì bị đồng liêu gièm pha, ông lại bị vua ghét bỏ, xa lánh. Hoài vương bị dụ sang nước Tần, ông can gián, nhà vua đã không nghe, còn đày ông đi Hán-bắc. Rốt cục, Hoài vương bị chết ở đất Tần. Tương vương nối ngôi, triệu ông về kinh, nhưng đám người chống ông càng cương quyết diệt ông. Cuối cùng, ông lại bị đày đi Giang-nam. Vừa thất chí, vừa trông thấy vận nước suy tàn, chắc chắn sắp đến ngày bị diệt vong, ông bèn ôm đá nhảy xuống sông Mịch-la tự tử. Ông chết vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, dân chúng tập họp cúng tế; và ngày ấy đã trở thành một ngày Tết trong tập tục dân gian. Tác phẩm của ông gồm có: Li Tao, Cửu Ca, Thiên Vấn, Cửu Chương, Viễn Du, Bốc Cư, Ngư Phụ. Hai câu dẫn trong bài trên, đã được tác giả trích ra từ thiên “Ngư Phụ”.

2. Niệm Phật: Chữ “niệm” nghĩa là nhớ, nghĩ đến một đối tượng, cũng tức là làm cho đối tượng đó có mặt trước tâm ý trong giây phút hiện tại. Trái lại là “thất niệm”, tức là quên lãng. Đối với người tu học Phật, NIỆM có tác dụng ngăn chận vọng tưởng, khiến cho tâm được an tịnh, không loạn động. Để đạt được mục đích đó, tâm ý phải thường tập chú (niệm) vào mười đối tượng sau đây: 1) Niệm Phật: chuyên tâm quán tưởng về thân tướng hảo và các thứ công đức của Phật. 2) Niệm pháp: Quán tưởng đến giáo pháp của Phật cùng những qui tắc tu hành. 3) Niệm Tăng: Quán tưởng đến đức hòa hợp cùng công hạnh hành đạo của tăng đoàn và chư vị thánh chúng. 4) Niệm giới: Quán tưởng về công đức trì giới có công năng ngăn ngừa nghiệp ác, thành tựu đạo hạnh. 5) Niệm thí xả: Quán tưởng công đức bố thí diệt trừ được tâm xan tham, sinh trưởng quả phúc, lợi ích chúng sinh, mà lòng không cầu mong báo đáp. 6) Niệm thiên: Quán tưởng chư thiên thành tựu thiện nghiệp, được thân tướng tốt đẹp, phước đức đầy đủ; mình cũng tu tập thiện nghiệp để được phước đức như vậy. 7) Niệm hưu tức: Quán tưởng đến chỗ ở tịch tĩnh, cắt đứt mọi hệ lụy, chuyên tu tập thánh đạo. 8) Niệm an ban: Theo dõi hơi thở dài ngắn, đếm hơi thở vào ra, nhiếp tâm vắng lặng, diệt trừ vọng tưởng. 9) Niệm thân vô thường: Quán tưởng thân này do nhân duyên giả hợp mà thành, tất cả các bộ phận trong ngoài, không có gì là chân thật, thường còn vĩnh viễn. 10) Niệm tử: Quán tưởng đời người như mộng ảo, chỉ một thời gian ngắn là tiêu hoại.

Trong bài này, tác giả chú ý đề cập đến đối tượng thứ nhất của tâm niệm, là đức Phật. “Niệm Phật” tức là tâm niệm về pháp thân Phật (pháp thân niệm Phật); quán tưởng đến thân tướng và công đức của Phật (quán tưởng niệm Phật); miệng niệm danh hiệu Phật (khẩu xưng niệm Phật). Niệm Phật là một trong những công hạnh cơ bản của người tu học Phật. Trong truyền thống Phật giáo Nam truyền, niệm Phật chỉ chuyên chú vào đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi; còn trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, niệm Phật là niệm vô số Phật trong khắp mười phương ba đời. Riêng những người tu tập theo pháp môn Tịnh Độ thì đối tượng chuyên nhất là đức Phật A Di Đà. Niệm Phật là biểu thị lòng nhớ nghĩ, qui kính, tán thán, lễ bái; có công năng dứt trừ tham sân si và các thứ phiền não khác, được sinh về các Phật độ mà thành tựu chánh giác. Đáng lí ra, niệm Phật là một pháp môn tu tập chung cho tất cả mọi hành giả, nhưng từ khi tông Tịnh Độ được phát huy cường thịnh, hễ nói tới “niệm Phật” là người ta nghĩ ngay đến việc tu Tịnh Độ, và niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc.

3. Bất thối (bất thối chuyển): Trong thuật ngữ Phật học, chữ “thối” có nghĩa là đọa lạc trở lại vào các đường ác, hoặc thối lui xuống hàng nhị thừa (Thanh-văn và Duyên-giác); tức là, địa vị Bồ-tát đã chứng được và những pháp đã ngộ được đều bị mất đi. Trái lại, trong quá trình tu hành Phật đạo, do công đức chứng ngộ mà tiến lên mãi cho đến khi thành Phật, không còn bị thụt lùi trở lại, gọi là “bất thối”. Có ba phương diện không thối lui (tam bất thối): 1) Địa vị không thối lui (vị bất thối): Đã tu chứng được địa vị nào thì trụ ở địa vị đó mà tiến lên nữa, chứ không bị thối lui. 2) Hạnh không thối lui (hạnh bất thối): Các công hạnh đã tu tập thì cứ giữ mãi để tiếp tục tu tập, không bỏ mất. 3) Chánh niệm không thối lui (niệm bất thối): Thường xuyên sống trong chánh niệm, không bao giờ còn bị lạc vào sự lãng quên. Ví dụ, tông Pháp Tướng chủ trương: Khi đã trải qua hàng vạn kiếp tu nhân, đến được địa vị Mười-trụ thì không còn bị đọa lạc trở lại vào vòng sinh tử đầy ác nghiệp, đó là “vị bất thối”; khi đã lên được bậc Sơ-địa thì hạnh lợi tha đã trở nên kiên cố, không còn bị thụt lùi hay mất mát, đó là “hạnh bất thối”; từ Bát-địa trở lên, chánh niệm như hòa nhập vào biển chân như, dù ở trong định hay ở ngoài định, vẫn hằng thường tự tại, đó là “niệm bất thối”. Ngoài ra, tông Tịnh Độ còn chủ trương, khi hành giả được vãng sinh về Tịnh-độ thì từ đó sẽ tu tiến mãi cho đến khi thành Phật, không còn bị đọa lạc trở lại, đó gọi là “xứ bất thối”.

4. Thế trí biện thông: Trí thông minh lanh lợi của người thế tục chỉ thấy biết những việc thường tình, chuyên phục vụ cho những tham vọng bất lương, những đam mê vật chất, những đức tin mù quáng. Loại trí ấy có rất nhiều sai lầm, giúp ích cho người thì ít, mà làm hại người thì nhiều. Nó làm chướng ngại cho sự học đạo tu hành, cho nên Phật giáo coi nó là một trong những tai nạn của con người.

5. Đoạn này tác giả muốn nói: Đã gọi là “thế trí biện thông” thì tất nhiên thường cố chấp, kiêu ngạo. Đó là thứ chướng ngại rất lớn làm cho con người không thể tu học đạo giải thoát. Trong khi đó, một người tầm thường, vì không có “thế trí biện thông” nên ít cố chấp, kiêu ngạo, lòng nhẹ nhàng, trong sáng, giúp cho việc học đạo giải thoát được dễ dàng.

6. Trì danh: cũng nói là “chấp trì danh hiệu”, tức là xưng niệm danh hiệu chư Phật và Bồ-tát. Theo kinh A Di Đà, chấp trì danh hiệu tức là chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để tạo cái nhân vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Ở đây, trì danh là một trong bốn cách niệm Phật, gọi là “trì danh niệm Phật”; tức là chuyên tâm xưng niệm danh hiệu Phật, ngày đêm nhất tâm chuyên chú, niệm niệm không gián đoạn, tâm ý thuần nhất, không còn tán loạn.

7. Quán tưởng: là tập trung tâm niệm vào một đối tượng, nhằm diệt trừ vọng niệm. Ở đây, quán tưởng là một trong bốn cách niệm Phật, gọi là “quán tưởng niệm Phật”; tức là nhất tâm quán tưởng thân tướng tốt đẹp viên mãn của đức Phật. Cho đến khi quán tưởng thuần thục thì chánh định hiện tiền.

8. Thật tướng: là tướng trạng chân thật, thường trú bất biến của vạn pháp, chỉ có trí tuệ xuất thế gian mới nhận biết được. Thật tướng tức là tướng “vô”, nghĩa là cái tướng không hình tướng, không sinh diệt, không thể diễn tả, không thể suy lường. Ở đây, thật tướng là một trong bốn cách niệm Phật, gọi là “thật tướng niệm Phật”; tức là quán niệm chân tướng của tự thân và tất cả các pháp là không hình không tướng, giống như hư không, tâm và chúng sinh, xưa nay vốn bình đẳng. Niệm niệm nối tiếp nhau, ngày đêm không gián đoạn, thì chánh định hiện tiền. Tông Tịnh Độ cho rằng, danh hiệu đức Phật A Di Đà chính là pháp thật tướng; cho nên, nhất tâm chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà tức là “thật tướng niệm Phật”.

Luôn tiện xin ghi thêm: Ngoài ba cách niệm Phật (trì danh, quán tưởng, thật tướng) ở trên, còn một cách nữa, gọi là “quán tượng niệm Phật”; tức là, mắt chiêm ngưỡng hình tượng của Phật, miệng xưng niệm danh hiệu Phật, thì tâm không tán loạn, bản tính Phật từ đó mà hiển hiện. Cứ như thế, niệm niệm không gián đoạn, tâm ý thuần nhất, không có gì xen lộn.

9. Tạp tu: Tông Tịnh Độ chủ trương rằng: Hành giả tu Tịnh Độ, chỉ chú tâm chuyên nhất vào một đối tượng là đức Phật A Di Đà (xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái tượng Phật A Di Đà, tán thán cúng dường đức Phật A Di Đà, quán tưởng về y báo và chánh báo trang nghiêm của cõi Tịnh-độ và đức Phật A Di Đà, đọc tụng các kinh điển liên quan đến cõi Tịnh-độ và đức Phật A Di Đà), thì gọi là “chuyên tu”; chắc chắn được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, ngàn người sẽ được vãng sinh cả ngàn. Nếu vừa tu Tịnh Độ, lại vừa tu thêm những pháp môn khác, thậm chí tán thán cúng dường, hay xưng niệm danh hiệu của các đức Phật khác, thì gọi là “tạp tu”; sẽ không được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, một ngàn người tu, may ra mới có một người được vãng sinh.

10. Chủ tu: tức là chuyên tu (vừa trình bày trên).

11. Chữ “văn” nghĩa là nghe, nhưng ở đây đọc là “vặn” – trong từ “danh vặn”, nghĩa là danh tiếng, tiếng tốt vang xa ai ai cũng biết.

12. Bách Trượng (720-814): tức Hoài Hải, là vị thiền sư nổi tiếng của Trung-quốc vào đời Đường; vì hết nửa đời sau cùng, ngài cư trú ở núi Bách-trượng để xiển dương thiền học, nên ngài cũng có tên là Bách Trượng, hay Bách Trượng Hoài Hải. Ngài họ Vương (có thuyết nói là họ Huỳnh), quê ờ Trườnglạc, Phúc-kiến. Từ nhỏ đã thích đi chùa. Năm 20 tuổi xuống tóc xuất gia với thiền sư Tuệ Chiếu ở Tâysơn (Quảng-đông); sau đó, thọ giới cụ túc với luật sư Pháp Triêu ở Hành-sơn (Nam-nhạc); rồi đến chùa Phù-tra ở Lô-giang (Tứ-xuyên) nghiên cứu kinh tạng. Khoảng năm 766, nghe thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) mở đạo tràng hoằng pháp tại Nam-khang (Giang- tây), ngài liền đến xin nhập chúng tu tập thiền pháp. Sau một thời gian, ngài được Mã Tổ ấn chứng, truyền cho tâm pháp, trở thành đệ tử kế thừa. Năm 784, ngài vào núi Bách-trượng (huyện Phụng-tân, Giang-tây), dựng chùa Bách-trượng, đại chấn thiền phong. Sau khi thiền sư Mã Tổ thị tịch (788), ngài được toàn chúng cung thỉnh thừa kế tổ nghiệp, lãnh đạo đồ chúng, phát huy thiền học. Bấy giờ, các vị thiền sư tài trí kiệt xuất như Hoàng Bá Hi Vận (?850), Qui Sơn Linh Hựu (771-853), Bách Trượng Pháp Chánh, Tây Viện Đại An, v.v… đều vân tập xin làm môn hạ. Nhân vì đồ chúng đông đảo, ngài cho thiết lập thiền viện với đầy đủ pháp đường, tăng đường v.v…, để cho sinh hoạt tăng chúng có được nề nếp. Ngài lại châm chước luật điển tiểu thừa và đại thừa, soạn ra pháp chế để áp dụng trong chốn thiền môn, gọi là “Bách Trượng Thanh Qui”; trong đó, ngài thiết lập các chế độ về phương trượng, tăng đường, pháp đường, v.v…, và qui định các nhiệm vụ mà chúng tăng phải đảm trách như hóa chủ (trụ trì), tây tự (thủ tọa), đông tự (tri sự), v.v… Từ trước, các thiền sư thường nương nơi các luật viện để tu tập. Bắt đầu từ Tổ Bách Trượng, các thiền viện mới được thiết lập, dùng làm nơi sinh hoạt riêng biệt cho các thiền sư và thiền sinh. Ngài chủ trương, mọi người đều phải làm việc để tự nuôi sống, bởi vậy, ngày nào ngài cũng làm việc cực nhọc, đồ chúng không cho ngài làm việc thì ngài nhịn ăn; cho nên trong chốn tòng lâm mới có câu châm ngôn “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.” (Một ngày không làm, một ngày không ăn.) Ngoài tập Bách trượng Thanh Qui do ngài soạn, những lời giảng dạy của ngài còn được ghi lại trong các tập “ngữ lục”, như Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Ngữ Yếu, Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Ngữ Lục, Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục.

13. “Bất muội nhân quả”, hay “bất lạc bất muội”, hay “Bách Trượng dã hồ”, là một công án thiền, nói lên cái lí hiển nhiên của luật nhân quả. Chuyện chép rằng: Khi Tổ Bách Trượng (720-814) thăng đường giảng dạy đồ chúng, thường có một ông già theo chúng nghe pháp. Khi đại chúng vân tập thì có ông; khi đại chúng giải tán thì không thấy ông đâu. Nhưng một hôm, sau thời giảng, đại chúng đã ra khỏi giảng đường, ông vẫn ở lại. Tổ hỏi: “Người đứng đó là ai?” Ông thưa: “Từ thời đức Phật Ca Diếp, con đã từng ở núi này. Lúc đó có một người hỏi rằng: Người tu hành còn rơi vào vòng nhân quả chăng? Con đáp: Không rơi vào nhân quả (bất lạc nhân quả). Do câu trả lời đó mà con bị đọa làm thân con chồn, đã năm trăm đời! Nay xin Hòa Thượng sửa lại câu nói cho con hiểu rõ.” Tổ nói: “Không ngu muội nhân quả.” (Bất muội nhân quả.) Ông già nghe câu nói của Tổ liền tỏ ngộ.

Trong câu chuyện trên, ông già trong quá khứ đã nói “không rơi vào nhân quả”, tức là phủ nhận nhân quả đối với người tu hành, cho rằng tu hành thì thoát ra khỏi luật nhân quả, phạm tội vọng ngôn, phải đọa làm bàng sinh. Thực ra, trong khắp cõi trời đất, không có bất cứ hiện tượng nào mà không bị luật nhân quả chi phối. Đó là sự hiển nhiên. Dù là người tu hành, dù là lục phàm tứ thánh, đều sinh hoạt trong qui luật nhân quả. Phải thấy rõ điều đó. Câu nói của Tổ Bách Trượng: “Bất muội nhân quả”, là tỏ ý khẳng định về lí nhân quả, trái ngược hẳn với câu nói “Bất lạc nhân quả” trên kia của lão ông. Đã năm trăm đời làm thân chồn, ông già vẫn mê muội về lí nhân quả, nay mới được Tổ khai thị, bèn tỉnh ngộ, thoát kiếp bàng sinh.

14. Sự thật, đây chỉ là lời châm biếm, chế giễu của một số nhà Nho đối với Phật giáo. Ở Việt-nam cũng vậy, từ nhỏ chúng tôi đã từng nghe một vài Nho sĩ trong làng nói: “Nam vô Phật tức là Việt-nam không có Phật”. Chắc chắn, các nhà Nho thông thái đều biết rằng, hai chữ “nam vô”, khi dùng để phiên âm tiếng Phạn thì phải đọc là “na mô” (tức “nam mô”), dịch nghĩa là kính lễ, qui mạng, v.v… Nếu họ không biết điều đó tức là họ học chưa đến nơi đến chốn, thì làm sao mà đỗ được trạng nguyên, thám hoa, hay tiến sĩ, hoàng giáp! “Nam mô Phật” nghĩa là kính lễ Phật, qui y Phật. Họ biết thế, nhưng vì muốn nhạo báng, họ cứ nói “Nam vô Phật”. Loại nhà Nho này, ở Tàu hay ở ta cũng như nhau thôi, không có gì là khó hiểu!

15. Như lí trí: Trí tuệ của các bậc thánh xuất thế gian, được phân làm hai loại: như lí trí và như lượng trí. “Như lí trí” là trí tuệ soi rõ chân lí đệ nhất nghĩa đế. Loại trí tuệ này không dùng để phân biệt, suy tìm, hay khảo sát sự vật. Nó vận hành tự nhiên, soi sáng bản thể các pháp, khế hợp chân lí vũ trụ. Vì vậy, nó cũng được gọi là “căn bản trí, chân trí, hay như thật trí”.

16. Như lượng trí: Trái với “như lí trí”, đây là loại trí tuệ soi rõ sự khác biệt muôn hình vạn trạng của sự vật tục đế. Nó thấy rõ tính huyễn hóa, tính y tha khởi của vạn pháp hữu vi. Vì vậy, nó cũng được gọi là “hậu đắc trí, quyền trí, hay phương tiện trí”.

17. Tại sao nói “mười sáu nước lớn” mà không nói mười lăm hay mười bảy? Và tại sao nói “sáu mươi hai ức hằng hà sa” mà không nói sáu mươi mốt hay sáu mươi ba? Đó là hai câu hỏi do tác giả đưa ra, rồi tác giả lại đem “như lượng trí” để tự giải đáp. Tác giả cho rằng, hai con số trên là hai con số đích xác mà Phật đã dùng “như lượng trí” để biết được! Điều này nghe có vẻ cưỡng ép. Thật vậy, “mười sáu nước lớn” ở Ấn-độ thời Phật tại thế, đã được người đương thời (các vua chúa, ngoại đạo, thương nhân, v.v…) biết rõ và công nhận; đến như ngày nay, bất cứ ai có đọc sách, có tìm tòi, nghiên cứu, cũng biết rõ. Vậy đâu cần phải nhờ đến “như lượng trí” của Phật mới biết được! Lại nữa, vì sự thật đã được mọi người công nhận, lại được ghi vào sử sách để cho người đời nghiên cứu, học hỏi, thì “mười sáu nước lớn” là mười sáu nước lớn, tại sao phải đặt vấn đề “không nói mười lăm hay mười bảy”? Có ích gì đâu! Còn con số “sáu mươi hai ức hằng hà sa” thì sao? Trước hết, theo số đếm của người Trung-quốc thời cổ, “ức” có hai bậc: “ức lớn” (đại ức) là 100.000.000 (một vạn vạn) và “ức nhỏ” (tiểu ức) là 100.000 (mười vạn); theo số đếm của người Trung-quốc ngày nay, “ức” là 100.000.000 (một vạn vạn). Trong kinh điển thì “ức” có nhiều số đếm khác nhau: 100.000 (mười vạn); 1.000.000 (một trăm vạn); 10.000.000 (một ngàn vạn); 100.000.000 (một vạn vạn). Theo số đếm của người Việt-nam, “ức” là 100.000 (một trăm ngàn). Như vậy, con số “sáu mươi hai ức”, tác giả muốn chọn số “ức” nào đây? Thứ đến, con số “hằng hà sa” là một “con số không có số”, một con số không có đơn vị, một con số trừu tượng, không thể đếm được. “Hằng hà sa” nghĩa là số hột cát của sông Hằng, con sông lớn nhất ở Ấn-độ. Sông Hằng có cả thảy bao nhiêu hột cát? Không thể đếm được, mà cũng chẳng cần phải đếm làm gì. Chỉ biết rằng số cát ấy nhiều lắm. Vậy “hằng hà sa” chỉ là một con số tượng trưng, ý nói là rất nhiều, nhiều không thể nói được, không thể tưởng tượng được. Số “ức” đã không nhất định, số “hằng hà sa” lại không có số, thì “sáu mươi hai ức hằng hà sa” hay một ức hằng hà sa, hay một trăm ức hằng hà sa… cũng chỉ là con số tượng trưng mà thôi. Do đó, con số “sáu mươi hai” không phải là một con số nhất định theo như tác giả đã nói. Và như vậy, cũng không cần phải vận dụng đến “như lượng trí” của Phật để biết được một con số tượng trưng!