GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 12
TÔNG TAM LUẬN (phần 1)

I. NGUỒN CỘI TÔNG NÀY

Khoảng 700 năm sau ngày Phật diệt độ, Bồ-tát Long Thọ đã y cứ vào kinh Bát  Nhã do Phật nói mà trước tác bộ Trung Quán Luận (gọi tắt là Trung Luận) và bộ Thập Nhị Môn Luận, nhằm xiển dương ý nghĩa KHÔNG của giáo pháp trung đạo. Đệ tử của ngài là Bồ-tát Đề Bà lại trước tác bộ Bách Luận để bài bác giáo lí tiểu thừa, cũng như phá bỏ các học thuyết ngoại đạo. Đó là “Tam Luận” (Ba Bộ Luận).

Thời Diêu-Tần, vào năm thứ 3 niên hiệu Hoằng-thỉ, pháp sư Cưu Ma La Thập đến Trung-quốc dịch ba bộ luận này và ra sức tuyên dương, trở thành một tông phái, gọi là Tam Luận tông. Lại nữa, nhân vì tông ấy phát dương lí KHÔNG của đại thừa, cho nên cũng có tên là Đại Thừa Không tông. Rồi nhân vì nó nắm lấy giáo nghĩa chủ yếu của kinh hệ Bát Nhã, cho nên cũng có tên là Bát Nhã tông. Nó đặc biệt hiển thị pháp tánh, nên cũng có tên là Pháp Tánh tông. Lại nữa, nhân vì nó phá(1) hình tướng các pháp, nên cũng có tên là Phá Tướng tông. Sau ngài La Thập, đời nào cũng có người thừa kế. Đến thời đại nhà Tùy, đại sư Cát Tạng ở chùa Giatường, trước tác nhiều sách sớ giải1 cho các bộ luận trên, được học giả các nơi ngưỡng mộ, theo học đông đảo, làm cho tông này thịnh hành một thời. Cùng thời với đại sư Cát Tạng, còn có pháp sư Minh Thắng(2), ngoài ba bộ luận trên, còn thêm vào bộ luận Đại Trí Độ, cho nên tông này lại cũng có tên là Tứ Luận tông. Vào khoảng cuối nhà Tùy đầu nhà Đường, tông này từng hưng thạnh một thời, nhưng từ sau khi tông Pháp Tướng hưng khởi, được các học giả ngưỡng mộ lối phân tích tinh mật của nó mà đua nhau nghiên cứu, đã làm cho số học giả của tông Tam Luận thưa thớt dần. Cho đến khi Thiền tông phát đạt với giáo pháp và phong hạnh của ngài Tào Khê2, thì tông này không còn ai hỏi han tới nữa.

II. HAI TẠNG BA PHÁP LUÂN

Giáo pháp của tông này lấy “vô tướng, vô đắc” làm tông chỉ, nhưng cũng thừa nhận các lời dạy của Phật, cho đó là tùy bệnh cho thuốc; nhân đó mà thu nhiếp tất cả giáo pháp đức Thích Tôn đã nói vào “Hai Tạng”“Ba Pháp Luân”.

Hai Tạng là: 1) Thanh Văn Tạng, lại gọi là Tiểu-thừa giáo, như bốn bộ kinh A Hàm3. 2) Bồ Tát Tạng, lại gọi là Đại-thừa giáo, như kinh Hoa Nghiêm và các kinh đại thừa khác.

Ba Pháp Luân cũng gọi là Ba Chuyển Pháp Luân4, đó là y vào thời kì thuyết pháp của đức Phật mà phân chia ra. 1) Căn Bản Pháp Luân: Khi Phật vừa mới thành đạo, liền nói kinh Hoa Nghiêm cho hàng Bồ-tát. Đó là giáo pháp Nhất-thừa, là căn bản của các pháp, cho nên gọi là “Căn bản pháp luân”. 2) Chi Mạt Pháp Luân: Giáo pháp Nhất-thừa rất khó hiểu đối với chúng sinh, do đó, Phật mới tuần tự nói các kinh A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng. Các kinh này, đối với loại căn bản mà nói, thì chúng thuộc về loại chi mạt, cho nên gọi là “Chi mạt pháp luân”. 3) Nhiếp Mạt Qui Bản Pháp Luân: Phật nói kinh Pháp Hoa, gom ba thừa về NhấtPhật-thừa, tức thu nhiếp các loại chi mạt đem trở về loại căn bản, cho nên gọi là “Nhiếp mạt qui bản pháp luân”.

III. PHÁ TÀ HIỂN CHÁNH

Tông này lấy việc “phá tà hiển chánh” làm cương lĩnh, như sách Tam Luận Huyền Nghĩa nói: “Phá tà thì dưới cứu vớt trầm luân; hiển chánh thì trên hoằng dương đại pháp.” Thực ra, tà đã phá thì chánh liền tự hiển lộ, chứ không có cái gì để gọi là “hiển chánh”. Vào thời đại đó, các loại tà cần phải phá, gồm có bốn loại: thứ nhất là TÀ KIẾN ngoại đạo; thứ nhì là kiến chấp về CÓ của Tì Đàm5; thứ ba là kiến chấp về KHÔNG của Thành Thật; và thứ tư là kiến chấp CÓ SỞ ĐẮC của các hành giả đại thừa.

“Tà kiến ngoại đạo” là nói tới các học phái ngoài Phật giáo; ở đây là chỉ cho các tà kiến của 96 học phái tại Ấn-độ ngày trước, hoặc chấp về tà nhân tà quả, hoặc nói không nhân không quả, hay không nhân có quả, có nhân không quả, v.v… đều hoàn toàn trái ngược với lí nhân quả.

“Tì Đàm chấp có” là chỉ cho các bộ luận Câu Xá v.v…, cho tứ đế và vạn pháp là có; đó là vì không hiểu rõ diệu chỉ của Phật pháp, cho nên thấy ngón tay mà không thấy được mặt trăng.6

“Thành Thật chấp không” là bộ luận Thành Thật tuy chủ trương ngã pháp hai không, nhưng chỉ chấp nghiêng về một bên là “không” mà thôi, không biết rằng ở trong cái không còn có tồn tại cái “bất không”! Cho nên đã rơi vào chỗ “thiên không”(3), và đã bị các tông phái đại thừa không chấp nhận.

“Kiến chấp có sở đắc đại thừa” là chỉ cho các hành giả đại thừa, tuy có công năng tự lợi lợi tha, tiến đến thành tựu quả Phật, nhưng cho rằng quả Vô-thượng Chánh-giác là có sở đắc.

Nếu muốn phá trừ bốn kiến chấp trên, phải biết rõ lí lẽ của “nhị đế”(4) và “bát bất trung đạo”(5).

 

CHÚ THÍCH 

1. Như các tác phẩm: Tam Luận Huyền Nghĩa (1 quyển), Đại Thừa Huyền Luận (5 quyển), Nhị Đế Nghĩa (2 quyển), Tam Luận Du Ý (1 quyển), Trung Luận Sớ (20 quyển), Bách Luận Sớ (90 quyển), Thập Nhị Môn Luận Sớ (6 quyển), Đại Phẩm Bát Nhã Kinh Sớ (10 quyển).

2. Tổ thứ 6 của Thiền tông là Tuệ Năng, ở tại huyện Tào-khê, phủ Thiều-châu, thuyết pháp giáo hóa chúng nhân; người đời sau bèn lấy tên Tào Khê để dùng làm tên ngài.

3. Phật nói kinh A Hàm, chia làm bốn bộ: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, và Tăng Nhất A Hàm, gọi là Bốn A Hàm.

4. Phật thuyết pháp gọi là “Chuyển Pháp Luân”. Xin xem lại chú thích số 1, bài 37, sách Trung Cấp.

5. Tì-đàm: là gọi tắt của “A-tì-đàm”, nghĩa là “Vô tỉ pháp”, tân dịch là “Đối pháp”, là tên gọi chung của Luận Tạng; nhưng về sau thường được dùng để chỉ cho tạng Luận của Tát Bà Đa bộ (thuộc tiểu thừa), như các bộ luận Phát Trí, Lục Túc, Bà Sa, Câu Xá v.v…đều là Tì-đàm.

6. Ngón tay là dụ cho ngôn ngữ văn tự, mặt trăng là dụ cho chánh pháp; như dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, người học phải nhân nơi ngón tay để thấy mặt trăng, không nên cứ nhìn nơi ngón tay và cho đó là mặt trăng; vì như thế thì chỉ thấy ngón tay chứ không thể thấy được mặt trăng. Cũng vậy, phải nhân nơi ngôn ngữ văn tự để thấy chánh pháp, không nên bám vào ngôn ngữ văn tự mà cho đó là chánh pháp; vì như vậy thì chỉ thấy ngôn ngữ văn tự chứ không thể thấy được chánh pháp.

 

PHỤ CHÚ

1) Phá: Chữ “phá” được dùng trong các bộ Luận vốn là một thuật ngữ thuộc Nhân Minh luận, có nghĩa là đả kích, bài xích, đánh đổ những lập luận sai lầm, không đúng chân lí trong các luận thuyết ngoại đạo; chữ “phá” trong các từ “phá tà”, “phá chấp”, “phá tướng” v.v… là nằm trong ý nghĩa này. Trong Luật, chữ “phá” có nghĩa là không tuân giữ giới luật, không thi hành đúng qui trình đã định, như các từ “phá giới”, “phá trai”, “phá hạ”; cũng có nghĩa là làm cho sứt mẻ, làm mất sự toàn vẹn, như câu “phá hòa hợp tăng”,v.v… Trong Kinh, chữ này được dùng với ý nghĩa phỉ báng, hủy hoại, diệt trừ, hàng phục, như các từ “phá pháp” (phỉ báng chánh pháp), “phá hữu” (chấm dứt sinh tử), “phá tội nghiệp” (dứt trừ tội chướng), “phá ác, phá hoặc, phá vô minh” (tiêu trừ phiền não, vô minh), “phá ma quân” (hàng phục ma quân), “phá địa ngục” (thoát li cảnh giới khổ đau), v.v… Trong Thiền tông, chữ “phá” còn được dùng với những ý nghĩa đặc biệt, như nói “phá nhan vi tiếu” (đổi sắc mặt nghiêm nghị mà mỉm cười – chỉ cho trường hợp tôn giả Đại Ca Diếp mỉm cười trong pháp hội Linh-sơn khi đức Thế Tôn đưa cành hoa lên trước đại chúng), “phá môn” (chỉ cho người đệ tử bị thầy đuổi ra khỏi chùa), “phá phàm phu” (chỉ cho thiền sinh tâm tánh quá ám độn), v.v…

2) Minh Thắng: Sự tích của pháp sư Minh Thắng không được tài liệu nào ghi lại, chỉ biết ngài sống và hành đạo cùng thời với đại sư Cát Tạng (549-623); và cả hai cùng là môn nhân của đại sư Pháp Lãng (507-581), một trong những ngôi sao sáng của Tam Luận tông. Đó là thời kì từ giữa thời đại Nam-Bắctriều (420-581) sang nhà Tùy (581-618), đến đầu nhà Đường (618-907). Trong khi ngài Cát Tạng xiển dương tông Tam Luận ở Nam-địa (Nam-triều) thì ngài Minh Thắng xiển dương tông Tứ Luận ở Bắc-địa (Bắc-triều). Theo Phật Quang Đại Từ Điển (mục “Tứ Luận Tông”) thì Tứ Luận tông nguyên đã được đại sư Đàm Loan (476-531) khai sáng từ thời Bắc-Ngụy (386-534). Ngài Đàm Loan đã kế thừa Không Luận của ngài Tăng Triệu (đệ tử lớn của ngài Cưu Ma La Thập), đem luận Đại Trí Độ thêm vào Ba Bộ Luận, hoằng dương Không nghĩa, sáng lập Tứ Luận tông.

3) Thiên không: nghĩa là nghiêng v không.

4) Nhị đế: là hai chân lí, hai sự thật. (Xin xem lại chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 7, 8 và 9” ở trên.)

5) Bát bất trung đạo: “Bát bất” tức là 8 câu phủ định: bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất lai, bất xuất. Sinh diệt, thường đoạn, nhất dị, lai xuất là bốn cặp mâu thuẫn trong cái thấy biết của người phàm phu về vũ trụ vạn hữu. Chúng sinh vì tâm mê vọng, với thói quen so đo phân biệt, nên nhìn vạn pháp thấy có sinh, có diệt, thường còn, diệt mất, là một, là khác (nhiều), khi đến, khi đi. Do đó mà không có được sự thấy biết chân chính, không thấy được lí trung đạo, tức là thật tướng của vũ trụ vạn hữu. Giáo pháp của Tam Luận tông, y cứ vào giáo nghĩa của Ba Bộ Luận, đã đề ra 8 câu phủ định (bát bất) trên, giúp cho người học Phật thực tập quán chiếu để có cái thấy chân chính về vạn pháp, chứng nhập lí trung đạo, thành tựu đạo Giác-ngộ. Đó là ý nghĩa của thuật ngữ “bát bất trung đạo” (bát bất tức là trung đạo).

 

BÀI TẬP

1) Gọi là “Tam Luận” là ba bộ luận nào? Do ai trước tác? Về sau bộ luận nào nữa lại được thêm vào để có tên là “Tứ Luận”?

2) Vào đầu nhà Đường, vì sao số người nghiên cứu Tam Luận thưa thớt dần? Rồi sau đó lại bị ảnh hưởng bởi đâu để đến nỗi tông Tam Luận không còn ai hỏi han tới?

3) Hãy giải thích ý nghĩa của ba loại pháp luân căn bản, chi mạt và nhiếp mạt qui bản.

4) Bốn loại kiến chấp nào là đối tượng đả phá của tông Tam Luận?

5) Luận Thành Thật nói ngã và pháp đều không, nhưng tại sao lại rơi vào chỗ “thiên không”? Hành giả đại thừa khi thành Phật, đối với quả Vô-thượng Chánhgiác, có thấy là có sở đắc không?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12

1. Pháp môn tu tập của tông Thiên Thai cũng có phần kiêm tu Tịnh Độ; như trong lúc thực tập phép thường tọa tam muội, nếu bị mệt mỏi hay buồn ngủ thì chuyên xưng niệm danh hiệu một đức Phật để cầu gia hộ; lại như trong lúc thường hành tam muội, thì đi nhiễu mà niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Đó đều là pháp môn Tịnh Độ vậy. Xem thế thì biết rằng, nhờ tha lực để phụ giúp cho tự lực, quả là pháp phương tiện tốt nhất; lại nữa, pháp môn niệm Phật này từng được dùng phổ biến rất sớm trong các tông phái, chứ không phải chỉ riêng tông Tịnh Độ mới có. Tu bốn pháp tam muội, dụng ý cũng không ngoài việc lắng đọng hoàn toàn mọi hoạt động của năm căn và năm thức, chỉ sinh hoạt đơn thuần với ý thức, đem sức nhớ nghĩ của ý thức tập trung tại một điểm mà được tam muội vậy. Xét cho cùng, vẫn không ra ngoài 16 chữ của đức Bồ-tát Đại Thế Chí: “Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, được tam ma địa, đó là thứ nhất.”(1)

2. Tu sáu pháp qua bờ, tốt nhất là bắt tay thực hành ngay ở cõi này; nếu chờ sang đến cõi Cực-lạc thì e rằng không thể tu tập toàn vẹn được! Ở cõi ấy không có hạng người cùng khổ thì không có cơ hội để tu hạnh bố thí; không có kẻ cường bạo, không có nghịch cảnh, thì không có cơ hội để tu hạnh nhẫn nhục; không có việc phá giới thì không cần phải tu hạnh trì giới; ai cũng ở bậc bất thối chuyển thì chẳng cần phải tu hạnh tinh tấn; v.v… Cõi này đầy nhiễm ô, nhiều nhân duyên xấu ác; cõi kia hoàn toàn thanh tịnh, nhân duyên thù thắng. Cho nên kinh Vô Lượng

Thọ nói: “Ở cõi này tu hành một ngày một đêm, công hiệu còn hơn làm việc thiện một trăm năm ở cõi Cực-lạc.”

3. Ở trong “100 pháp”(2), thùy miên thuộc về loại tâm sở bất định(3), nhưng ở trong “ngũ cái” thì nó thuộc về ác pháp. Điều này cũng có lí do: Ngủ nghỉ điều độ, không nhiều cũng không ít, để cho đầu óc được nghỉ ngơi, tiêu tan lao nhọc; như thế là thuộc về thiện pháp. Nếu ngủ quá nhiều hoặc quá ít, đều rơi vào trạng thái hôn trầm, thuộc về ác pháp. Do đó mà thùy miên được liệt vào loại tâm sở bất định. Đã là bất định thì thiện hay ác còn phải xem xét tình hình, mới trông thấy đừng vội vàng đoán định ngay đó là thiện hay ác. Đến như thùy miên ở trong ngũ cái thì rõ ràng lắm, như con heo ở trong chuồng, ăn rồi là ngủ, suốt ngày mơ mơ màng màng, ít có lúc đầu óc được tỉnh táo, cho nên tâm tánh bị che lấp, không thể phát sinh pháp lành.

4. Tông Thiên Thai có nêu lên giáo nghĩa “sáu tức Phật”, trong đó, phàm phu tuy vốn có đầy đủ Phật tánh, nhưng không biết tu hành, cho nên chỉ thuộc vào “lí tức”. Người tu hành lợi căn, tuy có thể hiểu trong tự tâm vốn tồn tại lí thể không sinh diệt, nhưng không tiến tới một bước để tu trì, cũng ví như chỉ nghe tên món ăn mà không ăn, thì cái sở đắc cũng chỉ giới hạn nơi danh tự mà thôi; cho nên gọi là “danh tự tức”. Đến như 3 “tức” tiếp theo là quán hành, tương tợ và phần chứng, thì đều ở trong địa vị tu hành, đã cách xa hạng danh tự tức, lại tu hành thực tiễn. (…(4)…) Hành giả nhất định phải tu để đạt đến chỗ phiền não bị tận diệt, trí giác viên mãn, chứng nhập quả Phật, mới gọi là “cứu cánh tức”.

5. Căn bản vô minh cùng với chân như, cả hai đều từ vô thỉ. Chân như là lìa tất cả tướng, không phải nhân không phải duyên, không sinh không diệt, cho nên không có chỗ bắt đầu. Căn bản vô minh trong như lai tàng là nương nơi chân như mà có, cho nên cũng không có chỗ bắt đầu. Luận Khởi Tín nói: “Như lai tàng không có ranh giới ở phía trước, cho nên tướng vô minh cũng không có chỗ bắt đầu.” Thế nhưng, vô minh không có bắt đầu mà lại có lúc cuối cùng. Khi thành Phật, đó là lúc vô minh tan biến hết, còn chân như thì không có lúc bắt đầu mà cũng không có lúc cuối cùng; đó là chỗ khác nhau giữa chân như và vô minh. Thật ra, chân như với vô minh chỉ là hai mặt của một pháp, giống như băng với nước, tuy có hai tên mà thật chỉ là một vật, tự tánh của băng là nước, tự tánh của vô minh tức là chân như. Chúng sinh chưa đoạn trừ vô minh thì vĩnh viễn vẫn là băng; các đức Như Lai đoạn trừ vô thỉ vô minh tức là băng tan thành nước, trở lại tính bản nhiên vậy.

6. Thiền tông nói “kiến tánh thành Phật”, cũng như Mật tông nói “tức thân thành Phật”, đều chỉ cho “danh tự tức”, nhiều lắm thì cũng chỉ đạt đến “phần chứng tức”, nhất định không phải là hàng “Phật cứu cánh” có phúc tuệ đầy đủ, vạn hạnh viên mãn. Người tu thiền, nếu được minh tâm kiến tánh tức là thành Phật. Vậy mà các vị tổ sư mẫu mực nhất của Thiền tông như các ngài Đạt Ma, Tuệ Năng, Đạo Nhất(5), vì sao vẫn chưa thành Phật? Người tu Mật, nếu gia trì “ba mật”(6) tức là thành Phật. Vậy mà các vị tổ sư mẫu mực nhất của Mật tông như các ngài Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí, Bất Không, vì sao vẫn chưa thành Phật? Cho nên biết, chưa trải qua ba kì, chưa phá hết ba hoặc mà khoe khoang thành Phật, đều là chuyện hoang đường, không thể nào thành sự thật. Hành giả tu hành chân thật thì đừng lo không có ngày thành Phật. Nếu hi vọng thành Phật, thì cái niệm hi vọng ấy tức là vô minh. Nếu cái tâm niệm ấy cứ tồn tại thì đó là cái chướng ngại cho sự thành Phật. Vì vậy, chỉ cần nỗ lực cầy bừa, làm cỏ, chăm bón, mà đừng hỏi gì tới chuyện thu hoạch.

7. Tất cả các loài hữu tình đều do không sinh mà có sinh. Có sinh thì có khổ đau. Con đường của khi đến này gọi là “lưu chuyển”. Tu hành là quay đầu đi ngược lại, do chỗ có sinh mà đi về chỗ không sinh. Không sinh thì không có khổ đau. Con đường của khi đi này gọi là “hoàn diệt”. Từ “niết bàn” được dịch là“diệt độ”, hoặc “nhập diệt”. Người đời không biết được cảnh giới niết bàn, cho “không sinh” và “diệt” là tiêu diệt mất, hay không có tri giác; do đó mà không muốn chứng niết bàn. Đó là sự hiểu lầm của tuyệt đại đa số người ta. Chư Phật đều là người chứng đắc cảnh giới diệt độ. Nếu là vô tri vô giác hay diệt vong, thì làm sao các Ngài có thể thị hiện ứng thân với đầy đủ tướng tốt tôn nghiêm, vì chúng sinh mà diễn nói diệu pháp? Lại làm sao có thể kiến lập Phật độ thanh tịnh, tiếp dẫn người tu hành sinh về cõi an vui? Lại làm sao có thể hiển hiện báo thân tự thọ dụng, hưởng thọ pháp lạc? Lại làm sao có thể hóa thân thành ngàn trăm ức, thi hành Phật sự rộng rãi khắp nơi để cứu độ chúng sinh? Cho nên, đừng hiểu cảnh giới “diệt độ” của niết bàn là diệt vong! Chẳng những không diệt vong mà còn trường tồn vĩnh viễn, lại có thể phát khởi thần thông biến hóa, diệu dụng vô cùng!

8) Quả Vô-thượng Chánh-giác nguyên là không sở đắc, nếu cho là có sở đắc thì rất sai lầm. Kinh Viên Giác nói: “Như người trong mộng, khi mộng thì không phải là không, nhưng khi tỉnh dậy thì mới biết là không sở đắc.” Đức Lục Tổ nói: “Xưa nay không một vật.” Thiền tông vạch rõ cho người học biết rằng: Trước khi cha mẹ sinh, bản lai diện mục (của mình) chỉ là trần truồng không mảnh vải che thân. Những lời nói đó đều cho ta hình dung rằng: Cảnh giới nguyên thỉ thanh tịnh bản nhiên, không dính một hạt bụi. Cảnh giới đó là Thường-tịch-quang độ, cánh cửa huyền diệu thấu suốt, vắng lặng thường hằng; vậy có cái gì để được? Cho nên các hành giả đại thừa, tuy cần phát tâm bồ đề, quyết chí đạt đến quả Phật, nhưng nếu không biết tháo gỡ cái niệm kiến chấp “có sở đắc”, thì không biết đến bao giờ mới chứng được quả Vô-thượng Chánh-giác! Bởi vì cái kiến chấp có sở đắc này chính là căn bản vô minh, là pháp chấp, hoàn toàn trái nghịch với thể tánh giác ngộ.

9. Thánh nhân cũng khó nói
Trâu trắng(7) dáng ra sao
Một niệm không dính bụi
Thành Phật liền phút giây
Có tâm là có nhiễm
Không tưởng cũng lệch nghiêng
Thức dậy mở cửa sổ      
Mây tan hiện trăng tròn

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

 (01) Câu này tác giả trích từ Kinh Lăng Nghiêm (do sa môn Bát Lạt Mật Đế dịch ra Hán văn vào đời Đường), nằm trong đoạn chót của quyển 5, từng được chư cổ đức đặt tựa đề là “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương”. Ở phần đầu của quyển 5, đức Phật có hỏi các vị Đại Bồ-tát và Đại A-la-hán rằng: “Nay tôi hỏi các ông: Lúc ban đầu mới phát tâm, trong mười tám khu vực (thập bát giới), các ông chứng ngộ viên thông ở khu vực nào? Và do phương tiện gì mà nhập vào chánh định?” Có tất cả 25 câu trả lời cho câu hỏi của đức Phật; và đoạn kinh văn trên là câu trả lời thứ 24 của Bồ-tát Đại Thế Chí. Để trả lời câu hỏi của đức Phật, có vị chọn thanh trần, nhãn căn, thân thức, v.v… Riêng Bồ-tát Đại Thế Chí thì đã không chọn lựa một căn nào, mà thu nhiếp cả sáu căn, nhất tâm niệm Phật, từ đó mà nhập vào chánh định.

(02) 100 pháp (bách pháp): Chữ “pháp” ở đây có nghĩa là mọi sự mọi vật trong vũ trụ, cụ thể hay trừu tượng, bất cứ cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó thì gọi là pháp. Theo tông Câu Xá (thuộc truyền thống tiểu thừa), mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp; nhưng theo tông Pháp Tướng (thuộc truyền thống đại thừa) thì bao gồm trong 100 pháp (xin xem bài 15 ở sau).

(03) Tâm sở bất định: “Bất định” là một trong 6 loại tâm sở. Những tâm sở này, tùy lúc mà có thể là thiện hoặc có thể là ác, không nhất định, cho nên gọi là “bất định”. (Xin xem bài 15 ở sau.)

(04) Dịch giả lược bỏ một câu, không dịch.

(05) Đạo Nhất (709-788 ): là vị thiền sư nổi tiếng vào đời Đường. Ngài người huyện Quảng-hán, tỉnh Tứxuyên, họ Mã, tên Đạo Nhất, người đời thường gọi là Mã đại sư, hay Mã tổ, hoặc gộp lại thành Mã Tổ Đạo Nhất. Dung mạo của ngài rất kì dị, tướng đi như trâu, mắt nhìn như cọp, lưỡi thè ra dài quá mũi, dưới bàn chân có hai chỉ tròn. Ngài xuất gia với thiền sư Xứ Tịch (648-734) ở chùa Đức-thuần tại Tưchâu, Tứ-xuyên; rồi thọ giới cụ túc với luật sư Viên (?-?) ở Du-châu. Trong khoảng niện hiệu Khainguyên (713-741), ngài xin theo thiền sư Hoài Nhượng (677-744) học tập thiền pháp của dòng Tào Khê, và được truyền tâm pháp. Sau một thời gian du phương hành hóa, vào năm 769, ngài trú tích tại chùa Khai-nguyên ở Chung-lăng (tỉnh Giang-tây). Bấy giờ người học các nơi vân tập đông đúc, công cuộc hóa duyên rất hưng thịnh. Ngài chuyên dùng hai câu “Bình thường tâm thị đạo” và “Tức tâm thị Phật” để hoằng dương thiền phong. Số đệ tử ưu tú và thân cận thường xuyên bên ngài có 139 vị, trong đó, nổi bật nhất có các thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, v.v… Vào thời đó, các thiền tăng chưa có tự viện riêng, mà thường ở nhờ trong các luật viện. Ngài là người khởi đầu kiến tạo tòng lâm làm cơ sở sinh hoạt riêng cho thiền lữ, do đó mà tông môn càng thịnh. Năm 788 ngài thị tịch, thế thọ 80 tuổi.

(06) Ba mật (tam mật): tức là ba nghiệp (thân, ngữ, ý) bí mật, là pháp môn tu trì của Mật giáo.

1. Theo sự giải thích của Hiển giáo, không thể dùng trí óc suy nghĩ của phàm phu mà biết được ba nghiệp của Phật, gọi là “ba mật”. 1. Đức Phật ở trong pháp hội, đại chúng mỗi người thấy màu sắc và chiều cao của thân Phật không giống nhau, cho đến Phật hiện thần biến rộng lớn, đều không thể nghĩ bàn; đó là “thân mật”. 2. Khi đức Phật thuyết pháp, hoặc ở xa một dặm, hoặc xa mười dặm, hoặc trăm ngàn vạn dặm, đều nghe được âm thanh của Phật; lại cùng trong một pháp hội, hoặc nghe nói về bố thí, hoặc nghe nói về trì giới v.v…, mỗi người tùy tâm mà nghe được điều mình muốn nghe, tất cả đều không thể nghĩ bàn; đó là “ngữ mật”. 3. Phật thường an trụ trong định, hoàn toàn vắng lặng, tất cả những tư duy, quán sát của Ngài đều không thể nghĩ bàn; đó là “ý mật”.

2. Mật giáo giải thích rằng, ba nghiệp của Phật là tác dụng của chân như, vô cùng sâu xa, vi tế, trí óc suy nghĩ của phàm phu không thể nào hiểu biết được; đến như hàng Bồ-tát Thập-địa và Đẳng-giác cũng không thể nghe thấy, cho nên gọi là “ba mật”. Nếu ba nghiệp của chúng sinh mà tương ưng được với ba mật thì sẽ thành tựu nghiệp dụng không thể nghĩ bàn. Mật giáo còn nhấn mạnh rằng, không những ba nghiệp của chúng sinh khế hợp với ba nghiệp của Phật, mà còn được hàm nhiếp ở trong đó. Lại nữa, cái bản tánh ẩn bí trong tâm chúng sinh vốn tương đồng với ba nghiệp của Phật, cho nên chúng sinh cũng vốn có đầy đủ ba mật. 1. Hành giả Mật giáo tay bắt ấn tương ứng với bản thệ của đức Bổn Tôn, cho đến tất cả các sự nghiệp (pháp sự) trong lúc đi đứng ngồi nằm, đều thuộc về “thân mật”. 2. Hành giả miệng tụng thần chú, cho đến mọi lời nói năng, đều thuộc về “ngữ mật”. 3. Hành giả tâm quán niệm đức Bổn Tôn, cho đến mọi niệm tưởng tùy theo sự việc mà sinh khởi, đều thuộc về “ý mật”. Khi hành giả tu trì ba mật thì ba nghiệp thân ngữ ý đều cảm nhận được sức gia trì từ ba nghiệp của Phật; ba mật của Phật và hành giả tương ưng, dung hòa, không ngăn cách, thì sản sinh công năng không thể nghĩ bàn; ngay thân này tức có thể thành Phật.

Trâu trắng: Thiền tông dùng hình ảnh con “trâu trắng” để tượng trưng cho tâm giác ngộ. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dùng “xe trâu trắng” để dụ cho Nhất-Phật thừa.