GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 11
TÔNG THIÊN THAI (phần 3)
XI. SÁU TỨC PHẬT
Đại sư Trí Giả lập ra giáo nghĩa “sáu tức Phật”(1) nhằm trình bày vị thứ trên quá trình tu hành từ địa vị phàm phu cho đến quả vị Phật. Học giả nếu biết tuy “sáu” mà đều là “tức”, thì sẽ không tự khinh mình để đến nỗi sinh ra chán nản; nếu biết tuy là “tức” nhưng quả thật có “sáu”, thì sẽ không tự cao đến nỗi sinh ra thượng mạn1, do đó mà nỗ lực tu hành, từ tức đầu tiên mà tuần tự tiến lên đến tức thứ sáu, như thế là muôn hạnh đều viên mãn.
1. Lí tức Phật: Tất cả chúng sinh tuy luân hồi trong sáu nẻo, lúc nào chỗ nào cũng đầy dẫy phiền não trần lao, trái ngược với thể tánh giác ngộ, vậy mà vẫn có đầy đủ công đức Phật tánh; cho nên gọi là “lí tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Động tĩnh(2), lí toàn đúng,
Hành tàng(3), sự toàn sai.
Mê mờ theo vật dục,
Không biết lối quay về.
Câu đầu của bài tụng nói rằng: Chúng sinh đều có Phật tánh, trong bốn oai nghi2 đều không rời Phật tánh đó; đêm đêm ôm Phật mà ngủ, sáng sáng cùng Phật thức dậy, cho nên về lí thì hoàn toàn đúng. Câu thứ nhì nói rằng: Nhưng mọi hành vi động tác của phàm phu đều hợp theo trần cảnh mà trái ngược với tánh giác, cho nên về sự thì hoàn toàn sai lầm. Hai câu thứ ba và thứ tư nói rằng: Thời thời khắc khắc luôn luôn mê mờ hôn ám, hướng ngoại theo đuổi tìm cầu, trôi lăn theo vật dục, không biết phản tỉnh để tự soi xét lại mình; đó là hoàn toàn thuộc về địa vị phàm phu.
2. Danh tự tức Phật: hoặc từ nơi thiện tri thức, hoặc do trong kinh điển mà biết được ngay nơi tâm vốn có đủ Phật tánh, tịch chiếu(4) viên dung, không sinh không diệt; ở trong danh tự mà hiểu rõ thông suốt, biết tất cả pháp đều là Phật pháp, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, gật đầu hội ý, tâm có khai ngộ, cho nên gọi là “danh tự tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Vừa nghe khúc vô sinh,
Cùng bài ca bất tử,
Biết đương thể là vậy,(5)
Tự hận uổng ngày qua.
Hai câu một và hai của bài tụng nói rằng: Từ trước không biết tâm tức là Phật, ngày nay mới được nghe nói đến tự tánh chân thường, không sinh không diệt. Hai câu ba và bốn nói rằng: Đã biết đương thể là như vậy, cho nên rất lấy làm hối hận trước nay đã để thì giờ trôi qua uổng phí, đến nỗi chưa từng chứng ngộ được lẽ thật.
3. Quán hành tức Phật: Đây là địa vị Năm-phẩm Ngoại-phàm3 theo Viêngiáo. Tiến thêm một bước, y theo giáo pháp tu tập quán chiếu, biết tất cả pháp đều là Phật pháp, tâm quán chiếu sáng tỏ, chân lí và trí tuệ tương ưng, gọi là “quán hành tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Niệm niệm lí thường soi,
Tâm tâm dứt huyễn trần,
Quán chiếu khắp pháp tánh,
Không giả cũng không chân.
Hai câu một và hai của bài tụng nói rằng: Đã ngộ được Phật tánh, y theo giáo pháp tu tập quán chiếu, tự soi rõ nội tâm, dứt hết các duyên lự trần cảnh. Hai câu ba và bốn nói rằng: Quán chiếu tự tánh các pháp, thường trụ không biến đổi, cho nên nói là không giả; không thể nắm bắt được, không có gì để sở hữu, cho nên nói là không chân.
4. Tương tợ tức Phật: Đây là địa vị Thập-tín Nội-phàm4 theo Viên-giáo. Bậc Tín đầu tiên đoạn trừ kiến hoặc, bậc Tín thứ 7 đoạn trừ tư hoặc, ba bậc Tín thứ 8, 9 và 10 đoạn trừ trần sa hoặc. Hành giả ở địa vị này, đối với giai đoạn “quán hành tức”, càng quán chiếu càng tỏ rõ, càng ngưng chỉ càng vắng lặng; tuy chưa có thể chứng ngộ chân thật, nhưng trên lí lẽ thì phảng phất như có chứng ngộ chân thật, cho nên gọi là “tương tợ tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Bốn trụ5 tuy thoát trước,
Sáu trần chưa sạch không;
Trong mắt có cợn bụi,
Trông không thấy hoa hồng.
Hai câu một và hai của bài tụng nói rằng: Giả sử bậc Tín đầu tiên đã đoạn trừ kiến hoặc, bậc Tín thứ 7 đoạn trừ tư hoặc, tuy đã thoát khỏi bốn trụ phiền não, nhưng đối với tập khí6 của sáu trần thì vẫn chưa dứt hết. Hai câu ba và bốn nói rằng: Kiến tư hoặc tuy đã dứt hết nhưng vô minh chưa phá trừ, không thể thấy được bản thể chân không của pháp giới, như trong mắt có cợn bụi, giữa hư không mà thấy có hoa đốm.
5. Phần chứng tức Phật: Đây là ở nơi hậu tâm7 của cấp Thập-tín, phá trừ một phần vô minh, chứng được một phần ba đức(6), tiến vào bậc Trụ đầu tiên, chứng nhập pháp thân, từ đó trở thành vị Pháp-thân Đại-sĩ(7). Trong thời gian ấy, bắt đầu từ bậc Trụ đầu tiên, mỗi mỗi đều phá trừ vô minh, chứng ba đức, cho đến bậc Đẳng-giác, trải qua cả thảy 41 bậc, phá trừ 41 phần vô minh, cho nên gọi là “phần chứng tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Rỗng sáng tâm khai ngộ,
Tất cả đều suốt thông;
Tận nguồn còn chưa tới,
Thường thấy trăng lờ mờ.
Hai câu một và hai của bài tụng nói rằng: Thẳng đường phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân, tầng tầng khai ngộ, như thông ống trúc, từng đốt từng đốt rỗng không thông suốt. Hai câu ba và bốn nói rằng: Dù cho địa vị đã lên đến bậc Đẳng-giác, nhưng vẫn chưa phá trừ được nguyên phẩm vô minh8, cho nên chưa có thể triệt để thấy tâm tánh, giống như mặt trăng còn bị che bởi một lớp mây mỏng, trông lên chỉ thấy lờ mờ.
6. Cứu cánh tức Phật: Đây là từ bậc Đẳng-giác mà phá trừ nốt một phần vô minh cuối cùng, thì hoặc tận diệt, trở nên chân thuần, triệt để chứng Phật tánh chân như vốn có nơi tự thân, nhập vào địa vị Diệu-giác mà thành Phật, cho nên gọi là “cứu cánh tức Phật”. Có bài tụng rằng:
Từ trước chân là vọng,
Ngày nay vọng đều chân,
Chỉ trở về tánh cũ,
Không pháp nào mới sinh.
Câu một của bài tụng nói rằng: Từ vô thỉ đến giờ, trong tự tánh chân như có vô minh tồn tại, đến nỗi toàn thể chân như đều trở thành mê vọng. Câu hai nói rằng: Cho đến hôm nay thì vô minh sạch hết, triệt để chứng ngộ bản tánh vốn có từ xưa, thì toàn thể mê vọng đều trở thành chân như. Hai câu ba và bốn nói rằng: Trí giác ngộ cao tột vốn có đầy đủ nơi tự tánh, không phải đến từ bên ngoài. Ngày nay tuy thành Phật, nhưng chỉ là khôi phục cái thể tánh nguyên lai của cái lúc vô minh chưa khởi, hoàn toàn không phải là một pháp mới mẻ nào từ đâu đến.
Giờ đây xin đem 10 giai vị và 6 loại tức Phật liệt kê thành đồ biểu như sau:
CHÚ THÍCH
1. “Thượng mạn” là nói tắt của “tăng thượng mạn”, bảo rằng ta đã đạt được pháp tăng thượng, rồi sinh ra kiêu mạn; như chưa chứng đắc thánh đạo mà cho là mình đã chứng đắc, chưa chứng thánh quả mà bảo là đã chứng, đại loại như thế.
2. Bốn oai nghi là đi, đứng, ngồi, nằm.
3. Năm phẩm là: 1) Tùy hỉ phẩm: được nghe pháp thật tướng mà tin hiểu và tâm sinh hoan hỉ; 2) Đọc tụng phẩm: đọc tụng kinh Pháp Hoa và các kinh điển đại thừa khác để giúp thêm cho công phu quán chiếu, hiểu rõ giáo nghĩa; 3) Giảng thuyết phẩm: đem kiến giải của mình về Phật pháp nói ra, làm lợi ích cho người khác; 4) Kiêm hành lục độ phẩm: tu thêm sáu pháp qua bờ để giúp cho tâm quán chiếu; 5) Chánh hành lục độ phẩm: chuyên tu tập sáu pháp qua bờ để độ mình độ người, sự lí đầy đủ, cả quán chiếu và thực hành đều tốt đẹp. Từ cấp Thập-trụ trở lên thuộc vào hàng thánh, dưới đó đều là phàm phu. Để phân biệt với cấp Thập-tín, là địa vị Nội-phàm, địa vị Năm-phẩm này được gọi là Ngoại-phàm.
4. Viên-giáo lấy cấp Thập-tín làm địa vị Nội-phàm. Nói “Nội-phàm” là để phân biệt với “Ngoại-phàm”.
5. Bốn trụ là: 1) Kiến nhất thiết trụ địa: đem kiến hoặc trong ba cõi tập hợp lại làm một địa, gọi là “kiến nhất thiết”; 2) Dục ái trụ địa: tức tư hoặc cõi Dục; 3) Sắc ái trụ địa: tức tư hoặc cõi Sắc; 4) Hữu ái trụ địa: tức tư hoặc cõi Vô-sắc.
6. Hơi hám còn lại của các hoặc chính, gọi là “tập khí”; như cái hũ đựng chao, tuy chao đã lấy ra hết, rửa hũ nhiều lần sạch sẽ, nhưng cái mùi chao vẫn còn trong hũ. Hành giả vì đã từng tích tập phiền não nhiều đời, bây giờ tuy có trải thời gian dài tu hành gột sạch, nhưng cái dư khí vẫn còn, giống như cái hũ đựng chao vậy. Xin xem lại chú thích số 1, bài 31, sách Trung Cấp.
7. Hết cấp Thập-tín, gọi là “hậu tâm”.
8. Nguyên phẩm vô minh cũng gọi là căn bản vô minh, hoặc vô thỉ vô minh, là mê mờ đối với lí thật tướng trung đạo, là loại hoặc căn bản làm cho lưu chuyển trong dòng sinh tử; đó cũng là tánh mê căn bản từ buổi nguyên sơ của tất cả chúng sinh, cho nên gọi là “nguyên phẩm”, hoặc “căn bản”. Lại nữa, loại vô minh này cùng với chân như đều có từ vô thỉ, cho nên cũng gọi là “vô thỉ”; đoạn dứt nó thì liền thành Phật.
PHỤ CHÚ
1) Sáu tức Phật: Đó là sáu hành vị (địa vị tu hành) của “Bồ-tát viên giáo” do tông Thiên Thai thành lập. (Xin xem chú thích số 15, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 13, 14 và 15”, sách GKPH II, q. thượng, có nói rõ.)
2) Động tĩnh: tức là trong sinh hoạt hằng ngày và trong lúc nghỉ ngơi; ở nơi đông đúc ồn ào náo nhiệt cũng như ở nơi vắng vẻ yên tĩnh.
3) Hành tàng: “Hành” là chỉ cho thời gian làm việc mưu sinh, tranh đua kiếm sống, chìm nổi trong danh vọng, địa vị, quyền hành, lợi lộc; trái lại, “tàng” là chỉ cho thời gian ẩn cư, nghỉ ngơi dưỡng già.
4) Tịch chiếu: “Tịch” nghĩa là vắng lặng, không có tiếng động, ở đây là chỉ cho bản thể tĩnh lặng của Phật tánh, “chiếu” nghĩa là soi sáng; Phật tánh vốn thường vắng lặng nhưng cũng thường có tác dụng soi sáng.
5) Đương thể là vậy: “Đương thể” là ngay nơi thể tánh của vạn pháp. Thuật ngữ Phật học có câu “đương thể tức thị”, ý nói, ngay nơi thể tánh các pháp là như vậy, không cần phải phân tích, suy nghĩ, hay gán ghép gì cả. Như đương thể của sóng tức là nước, đương thể của khổ đau là an lạc, đương thể của phiền não là bồ đề, đương thể của sinh tử là niết bàn. Đây là loại giáo nghĩa tối cao của tông Thiên Thai.
6) Ba đức: Chỉ cho 3 đức tướng của cảnh giới đại niết bàn là: pháp thân đức (thể tánh chân như xưa nay vốn có của thực tại vạn hữu), bát nhã đức (trí tuệ giác ngộ) và giải thoát đức (thoát khỏi mọi sự ràng buộc của phiền não). 2. Chỉ cho 3 đức tướng của quả vị Phật là: trí đức (trí tuệ giác ngộ quán sát thấy rõ thật tướng của vũ trụ vạn hữu), đoạn đức (diệt trừ tận gốc mọi phiền não hoặc nghiệp) và ân đức (công ơn cứu độ chúng sinh).
7) Pháp-thân Đại-sĩ: tức là Bồ-tát Pháp-thân. (Xin xem lại phụ chú số 2, bài 3, sách GKPH I.)
BÀI TẬP
1) “Thượng mạn” nghĩa là gì?
2) Hãy giải thích thế nào là “lí tức Phật” và “danh tự tức Phật”.
3) Vì sao nói tự tánh của các pháp là không giả cũng không chân?
4) Bậc Tín đầu tiên theo Viên-giáo đoạn trừ những gì? Bậc Tín thứ 7 đoạn trừ những gì? Các bậc Tín thứ 8, 9 và 10 đoạn trừ những gì?
5) Sao gọi là “tập khí”? Hãy lấy một ví dụ để làm rõ nghĩa ấy.