GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 10
TÔNG THIÊN THAI (phần 3)

VIII. MỘT TÂM BA PHÉP QUÁN

Đối với vũ trụ vạn hữu, hãy quán niệm ba loại đế lí không, giả và trung, như đã nói ở bài trước. Điều mà bài này đề cập tới, là đối với ba đế lí này, cần phải dụng công quán sát, tức quán Không, quán Giả và quán Trung; gọi là “ba phép quán”. Ba phép quán này đều đầy đủ trong một niệm tâm, gọi là “một tâm ba phép quán”.

Tu tập ba phép quán ấy có thể phá trừ bóng tối của ba hoặc mà hiển lộ ba trí; mối quan hệ ấy như sau:

Tu không quán, phá trừ kiến tư hoặc, chứng Nhất thiết trí. Nhất thiết trí là trí tuệ của hàng Thanh-văn Duyên-giác, thấy biết như thật tổng tướng của tất cả các pháp. Tổng tướng tức là tướng không. Chứng đắc loại trí tuệ này thì thành tựu đức bát nhã, thấy biết như thật.

Tu giả quán, phá trừ trần sa hoặc, chứng Đạo chủng trí. Đạo chủng trí là trí tuệ của hàng Bồ-tát, thấy biết rõ ràng chỗ sai khác của tất cả đạo pháp. Chứng đắc loại trí tuệ này thì thành tựu đức giải thoát, xa lìa mọi trói buộc, hoàn toàn tự tại.

Tu trung quán, phá trừ vô minh hoặc, chứng Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là trí tuệ của chư Phật, thấu suốt tất cả tướng chung và tướng riêng của vạn pháp, hóa đạo chúng sinh phá trừ phiền não; vì bao gồm cả nhất thiết trí và đạo chủng trí, cho nên gọi là nhất thiết chủng trí. Chứng đắc loại trí tuệ này thì thành tựu đức pháp thân, thường trụ bất diệt.

Ba đức ấy vốn có sẵn trong mọi người, nhưng từ vô thỉ đến giờ, vì bị ba hoặc che lấp nên không thể hiển lộ. Nay nếu nhất tâm tu quán phá hoặc thì chứng được các đức vốn có ấy, thành tựu đạo Bồ Đề Niết Bàn. Xin tóm tắt trong đồ biểu sau đây:

IX. PHÉP TU QUÁN MƯỜI THỪA

“Thừa” nghĩa là cỗ xe. Hành giả tu đạo Phật, giống như ngồi trên chiếc xe trâu trắng lớn1, đi thẳng đến bảo-sở2 niết bàn, cho nên gọi là “thừa” (hay thặng). Mười thừa này, tuy nêu ra có mười, nhưng chỉ có một pháp, tức quán chiếu cảnh giới bất tư nghị, còn những pháp kia đều là phụ giúp, cả thảy có mười thứ, cho nên gọi là mười thừa.

Phép quán thứ nhất gọi là “quán cảnh giới bất tư nghị”, tức dùng trí năng quán mà quán chiếu vọng niệm vi tế trong tự tâm. Vọng niệm này chính là khởi nguyên của tất cả pháp, cho nên, tâm đó cũng là pháp đó, pháp đó cũng là tâm đó; phải đem vọng niệm ấy quán chiếu thành ra cảnh giới bất tư nghị – là cảnh giới tức không tức giả tức trung (1), nếu là người thượng căn thì liền ngộ nhập diệu tâm niết bàn, thẳng đến bảo-sở.

Phép quán thứ hai gọi là “phát tâm bồ đề chân chính”, chỉ cho người trung căn khi tu tập phép quán thứ nhất chưa chứng ngộ thật sự, thì phát tâm bồ đề chân chính, trên cầu thành Phật dưới hóa độ chúng sinh, trợ giúp cho phép quán thứ nhất thành tựu.

Phép quán thứ ba gọi là “thiện xảo an tâm”. Đây là nói, đối với phép quán thứ hai mà vẫn không chứng ngộ được, thì lại phải tu tập phép “chỉ quán”, lấy đó làm phương tiện thiện xảo để được an trú nơi cảnh giới “nhất tâm”.

Phép quán thứ tư gọi là “phá pháp biến khắp”. Đây là nói, đối với phép quán thứ ba mà vẫn không chứng ngộ được, phải dùng trí “một tâm ba phép quán” để phá trừ mọi trói buộc của ba hoặc, nhiên hậu mới được chứng ngộ.

Phép quán thứ năm gọi là “biết rõ nghẽn và thông”. Đây là nói, đối với phép quán thứ tư mà vẫn chưa ngộ nhập được pháp tánh, hãy biết rõ phiền não, sinh tử, sáu thứ che lấp3 là con đường tắt nghẽn; trái lại, bồ đề, niết bàn, sáu pháp qua bờ là con đường thông suốt. Hãy lìa bỏ con đường tắt nghẽn mà đi theo con đường thông suốt.

Phép quán thứ sáu gọi là “đạo phẩm điều hòa thích đáng”. Đây là nói, đối với phép quán thứ năm mà vẫn chưa đạt được chân tánh, thì biết rằng những pháp môn trước chắc chắn không tương ứng với mình. Như thế thì phải dò tìm từng phẩm trong 37 phẩm trợ đạo, chọn pháp nào phù hợp với căn cơ của mình, tu tập pháp đó để nhập đạo. Người trung căn, đến phép quán thứ sáu này, ắt phát chân tâm.

Phép quán thứ bảy gọi là “đối trị giúp khai tâm”. Đây là nói về người căn tánh quá thấp kém, đối với phép quán thứ sáu mà vẫn chưa thông đạt, thì chắc chắn là bị những thứ hoặc thô nặng làm chướng ngại, thành ra mê sự(2). Như thế thì phải tu tập năm phép quán dừng tâm hay sáu pháp qua bờ, để đối trị với các hoặc về sự(2), giúp tâm khai mở, quán lí chánh đạo.

Phép quán thứ tám gọi là “biết vị thứ”, nghĩa là vị thứ của quá trình tu hành cho đến chứng quả, phải biết rõ đúng như thật.

Phép quán thứ chín gọi là “hay an nhẫn”, nghĩa là đến bước này thì các chướng đã chuyển hóa, trí tuệ khai mở, thần trí sáng suốt lanh lẹ, tất cả những chướng ngại trong ngoài đều hay an nhẫn(3), không giao động.

Phép quán thứ mười gọi là “lìa pháp ái”, nghĩa là đến bước này thì các hoặc các chướng trong ngoài đều đoạn trừ hết, chỉ có pháp ái(4) còn tồn tại; nếu đoạn trừ nốt pháp ái thì con đường trung đạo chân thật liền phát sinh.

X. TU BỐN PHÁP TAM MUỘI

Tu bốn thứ tam muội cũng tức là phép tu quán của tông này.

1. Thường tọa tam muội, cũng gọi là nhất hạnh tam muội, lấy 90 ngày làm một kì, ở một mình nơi yên tĩnh, ngồi tư thế kiết già4, bỏ mọi tạp niệm, chuyên tâm niệm tưởng pháp giới5 . Nếu gặp các sự chướng ngại như mệt mỏi, đau yếu, buồn ngủ, hay những thứ che lấp6 khác, phải nhất tâm xưng niệm danh hiệu một đức Phật để cầu gia hộ, mà niệm niệm đều không rời nơi tam muội này.

2. Thường hành tam muội, cũng gọi là bát chu tam muội, cũng lấy 3 tháng làm một kì, đi nhiễu niệm Phật A Di Đà, không dừng nghỉ. Do sức oai thần của Phật cùng sức tam muội, cộng với sức công đức của chính mình, hành giả có thể thấy Phật trong cảnh giới định.

3. Bán hành bán tọa tam muội7, lấy 7 ngày làm một kì, đi nhiễu trì chú, tư duy về thật tướng, hay y theo kinh Pháp Hoa, trong khoảng thời gian 21 ngày, hoặc đi mà đọc kinh này, hoặc ngồi mà đọc kinh này, đều được.

4. Phi hành phi tọa tam muội, cũng gọi là tùy tự ý tam muội8. Pháp này, trong tất cả mọi thời, nơi tất cả mọi việc, tùy theo ý mà quán niệm, không kể kì hạn, chỉ quán chiếu tự tâm, hễ niệm khởi dậy thì dùng trí giác chiếu soi mà diệt trừ đi.

 

CHÚ THÍCH

1. Kinh Pháp Hoa lấy xe dê dụ cho thừa Thanh-văn, xe hươu dụ cho thừa Duyên-giác, xe trâu dụ cho thừa Bồ-tát, đó là 3 thừa phương tiện; xe trâu trắng lớn dụ cho Phật thừa, đây mới là thừa chân thật.

2. Bảo-sở là chỗ quí báu, là từ được dùng trong kinh Pháp Hoa, để ví dụ cho cảnh giới niết bàn rốt ráo.

3. Chữ “tế” nghĩa là che lấp; có 6 thứ che lấp tâm thanh tịnh, gọi là “lục tế” (sáu thứ che lấp): 1) Tâm xan tham che lấp tâm bố thí, không cho phát sinh; 2) Tâm phá giới che lấp tâm giữ giới, không cho phát sinh; 3) Tâm sân nhuế che lấp tâm nhẫn nhục, không cho phát sinh; 4) Tâm giải đãi che lấp tâm tinh tấn, không cho phát sinh; 5) Tâm tán loạn che lấp tâm thiền định, không cho phát sinh; 6) Tâm ngu si che lấp tâm trí tuệ, không cho phát sinh. Xem đó thì biết rằng, sáu thứ che lấp (lục tế) tức là mặt trái của sáu pháp qua bờ (lục độ) vậy.

4. Xin xem lại chú thích số 7, bài 38, sách Trung Cấp Giáo Bản.

5. Có hai cách giải thích về pháp giới: 1) Đứng về sự mà nói, pháp là các pháp, giới là giới vức; giới vức của các pháp, mỗi mỗi không đồng nhau, gọi là “pháp giới”. Nhưng, mỗi một pháp gọi là pháp giới, mà gồm cả vạn pháp cũng có thể gọi là một pháp giới. 2) Đứng về mà nói, lí tánh của chân như gọi là pháp giới, cho nên, pháp giới tức là thể tánh mà các pháp nương tựa; vả lại, các pháp đều đồng một thể tánh, cho nên gọi là pháp giới. Ở đây nói “chuyên tâm niệm tưởng pháp giới” tức chỉ cho pháp tánh chân như mà nói, cũng tức là nhớ tới tự tánh của chính chúng ta; nhân vì Pháp tánh của các pháp vô tình và Phật tánh của chúng sinh hữu tình, tên gọi tuy khác mà thể tánh không khác vậy.

6. Đó là những thứ che lấp (cái) tâm tính, không cho phát sinh các pháp lành; hợp lại năm thứ phiền não là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi pháp, gọi là “ngũ cái”. Xin xem lại chú thích số 5, bài 15, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

7. Thiên Thai đại sư đã y cứ vào kinh Đại Phương Đẳng Đà La Ni mà chế lập phép hành trì Phương Đẳng tam muội, cùng với Pháp Hoa tam muội, đều thuộc loại bán hành bán tọa tam muội trong bốn thứ tam muội. Trong luận Chỉ Quán (q. 2) và sách Phương Đẳng Tam Muội Hành Pháp, có ghi rõ về nghi thức tác pháp.

8. Phi hành phi tọa tam muội tức tùy tự ý tam muội. Thiên Thai đại sư vì làm thành bốn câu mà gọi là phi hành phi tọa, Nam Nhạc đại sư thì đi sát với thực tế mà gọi là tùy tự ý, nghĩa là loại tam muội tùy ý mà tu tập, đi hay ngồi đều không quan trọng.

 

PHỤ CHÚ

1) Tức không tức giả tức trung: Vạn pháp nương nhau mà có, tự chúng không có bản chất chân thật, tức là KHÔNG; vì vậy, tuy hiện hữu nhưng chúng biến đổi không thường, sự hiện hữu của chúng chỉ là giả hợp tạm bợ, không trường cửu, tức là GIẢ; cho nên quán chiếu thâm sâu thì vạn pháp vừa là không, vừa là giả, đồng thời không phải không, không phải giả, đó là cái thấy TRUNG ĐẠO. “Cảnh giới tức không tức giả tức trung” là như thế.

2) Mê sự: tức là “sự hoặc”, chỉ cho tư hoặc, là những phiền não tham, sân, si v.v… làm cho tâm ý mê đắm theo sự tướng trần cảnh; trái lại là “mê lí”, tức kiến hoặc, là các thứ phiền não làm cho thấy biết sai lầm tà ngụy, không thấy được chân lí, không tỏ ngộ bốn sự thật, không có chánh kiến.

3) An nhẫn: tức là tâm an trụ, không bị loạn động, nhờ đó mà chịu đựng được, không bị lung lạc bởi tất cả những não hại do vui buồn, vinh nhục, được mất v.v… từ nội tâm cũng như ngoại cảnh gây ra. Như vậy, tâm an nhẫn cũng tức là tâm nhẫn nhục trong sáu pháp qua bờ (lục độ).

4) Pháp ái: Chữ “pháp” ở đây là nói về pháp lành. Người mới chứng ngộ thường sinh tâm yêu thích thiện pháp; theo tông Thiên Thai, như thế vẫn chưa gọi được là chứng ngộ chân thật – vì tâm “ái” vẫn còn, dù là áí thiện pháp! Phải hoàn toàn diệt trừ cái tâm “pháp ái” ấy thì mới thực sự chứng ngộ.

BÀI TẬP

1) Sao gọi là nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí?

2) Hãy dùng đồ biểu nêu lên mối quan hệ giữa tu 3 quán, phá 3 hoặc, chứng 3 trí,thành tựu 3 đức.

3) Kinh Pháp Hoa dùng 4 loại xe để dụ cho hai thừa quyền thật; trong 4 loại xe đó, loại xe nào dụ cho thừa nào?

4) Quán cảnh giới bất tự nghị, phải quán như thế nào?

5) “Sáu thứ che lấp” là gì? Mỗi thứ che lấp cái gì? 6) Tu tập “bát chu tam muội” như thế nào?