GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 9
TÔNG THIÊN THAI (phần 2)
IV. TRĂM GIỚI NGÀN NHƯ
Tông này cho rằng, tất cả các pháp đều là thật tướng chân như1, hoặc gọi là “như”2, cũng nói là “như thị”. Mỗi pháp giới trong mười pháp giới, hữu tình hay vô tình, vạn pháp dù là sắc hay tâm, đều đầy đủ “mười như thị”, là: 1, hình tướng bên ngoài thấy rõ, gọi là “như thị tướng”; 2, lí tánh gồm đủ ở bên trong, gọi là “như thị tánh”; 3, thể chất đầy đủ, gọi là “như thị thể”; 4, năng lực do thể sinh ra, gọi là “như thị lực”; 5, tạo tác từ năng lực, gọi là “như thị tác”; 6, do tạo tác mà gieo nhân, gọi là “như thị nhân”; 7, các trợ duyên giúp cho nhân sinh quả, gọi là “như thị duyên”; 8, nhờ duyên mà phát sinh kết quả, gọi là “như thị quả”; 9, chiêu cảm báo ứng, gọi là “như thị báo”; 10, từ tướng là “bản” (gốc), cho đến báo là “mạt” (ngọn), chỗ đi đến cuối cùng tức là “cứu cánh” (rốt ráo), gọi là “như thị bản mạt cứu cánh”.
Lại nữa, mỗi pháp giới (trong 10 pháp giới) lại bao hàm đầy đủ cả 10 pháp giới, – cho nên mới có thể hôm qua thì ở Địa-ngục, nay thì ở Nhân-gian, và ngày khác lại ở Súc-sinh; rồi hôm khác nữa lại là Thanh-văn, Duyên-giác, v.v… Mỗi pháp giới đều gồm đủ 10 pháp giới như thế, thì 10 pháp giới thành ra 100 pháp giới; và mỗi pháp giới có đầy đủ 10 như (như vừa nói trên), thì 100 pháp giới thành ra 1.000 như. “Trăm giới ngàn như” là quan niệm đối với vạn pháp của tông Thiên Thai.
V. MỘT NIỆM BA NGÀN
100 pháp giới vừa nói trên, mỗi pháp giới đều có đủ 3 loại thế gian, tức là chúng sinh thế gian, quốc độ thế gian, và ngũ ấm thế gian. Chúng sinh thế gian là chánh báo của chúng sinh; quốc độ thế gian là y báo của chúng sinh; ngũ ấm thế gian là các yếu tố cấu thành hai báo chánh và y đó, tức là sắc của sắc pháp, và thọ, tưởng, hành, thức của tâm pháp. Mỗi pháp giới trong 100 pháp giới có đủ 3 loại thế gian, mỗi loại thế gian lại có đầy đủ 10 như, như thế nhân lên, thì thành ra 3.000 thế gian, hoặc gọi là “ba ngàn các pháp”, là từ gọi tổng quát của tất cả pháp. Ba ngàn các pháp này thật sự có đầy đủ trong một niệm tâm của chúng ta, gọi là “một niệm ba ngàn”. Nếu nói về thể, trong tâm tánh vốn đã có đủ ba ngàn pháp, gọi là “lí cụ tam thiên”; gặp duyên thì hiện khởi, các pháp rõ ràng, gọi là “sự tạo tam thiên”, sự và lí viên dung vô ngại, chẳng phải một chẳng phải hai.
VI. TÁNH ĐỦ THIỆN ÁC
Tông này chủ trương: Tự tánh vốn đủ mười giới ba ngàn các pháp thiện ác. Đã như vậy thì có đủ giải thoát niết bàn, và đương nhiên cũng có đủ phiền não sinh tử. Nếu nói đến ý nghĩa thâm áo của tánh, thì chư Phật cũng có ác, mà xiển-đề3 cũng có thiện; nguyên do là vì: thiện ác có “tánh” và có “tu”(1), tánh thì do bẩm sinh, tu thì do tạo tác về sau này. Chư Phật tuy không có cái ác của tu, nhưng lại có cái ác của tánh, chẳng qua là không phát sinh tác dụng mà thôi. Xiển-đề tuy không có cái thiện của tu, nhưng lại có cái thiện của tánh, cho nên hễ gặp duyên thì phát sinh, rốt cuộc cũng sẽ thành Phật. Điều đó nói lên rằng: thiện và ác của tu đều có thể đoạn, còn thiện ác của tánh chính là bản năng, thì không thể đoạn. Nếu nói đơn thuần về bản tánh, Phật và chúng sinh nguyên là không hai. Đó là kiến giải kì đặc riêng biệt của tông này, không giống với các tông khác chỉ chủ về tánh thiện.
VII. BA HOẶC
Ba hoặc là: 1) kiến tư hoặc; 2) trần sa hoặc; 3) vô minh hoặc. Trong kiến tư hoặc, thì kiến hoặc là mê ở lí mà khởi hoặc, tư hoặc là mê ở sự mà khởi hoặc. Đó là không tỏ ngộ bản thể của vũ trụ là không, chỉ chấp trước thân tâm và ngoài vật, cho là thật có, rồi mọi thứ phiền não từ đó mà sinh. Trần sa hoặc là hoặc nhiều như bụi cát, đó là vì không tỏ ngộ mọi hiện tượng trong vũ trụ là giả, cho nên sinh khởi biến kế(2). Vô minh hoặc là một niệm manh động, mây vô minh che lấp mặt trăng thật tướng trung đạo. Ba loại hoặc này là mê muội nơi lí ba đế không, giả và trung; nếu muốn phá trừ, phải tu tập pháp môn “một tâm ba phép quán”.
CHÚ THÍCH
1. Đây là chỉ cho tự tánh của các pháp mà nói. Chân như và thật tướng là đồng thể mà khác tên. Khi chú trọng về không đế thì gọi là chân như; khi chú trọng về giả đế thì gọi là thật tướng; nếu hòa hợp hai đế đó lại, tức là không và giả dung hợp nhau, đó gọi là trung đế.
2. Pháp tánh của các pháp thật khó dùng ngôn ngữ văn tự mà hình dung, cho nên mượn chữ “như” làm đại biểu. Pháp tánh tức thật tướng, thật tướng tức là “như”, tức là không hai, không khác, không biến, không động; chân diện mục của vạn pháp đều đồng một tướng, cho nên gọi là “như”.
3. “Xiển-đề” là nói tắt của “nhất-xiển-đề”, nghĩa là rất khó thành Phật; có hai loại: Những người khởi đại tà kiến, đoạn dứt tất cả thiện căn, gọi là “đoạn thiện xiển-đề”; bậc Bồ-tát đại bi, phát nguyện độ hết chúng sinh mới chứng thành quả Phật, mà chúng sinh thì quá nhiều, cho nên tiến trình thành Phật cũng không thể biết hạn kì nào, gọi là “đại bi xiển-đề”. Từ “xiển-đề” dùng ở đây là chỉ cho loại “đoạn thiện xiển-đề”. (Xin xem lại chú thích số 4, bài 23, sách Trung Cấp Giáo Bản.)
PHỤ CHÚ
1) Tánh và tu: Xin xem lại phụ chú số 2, bài 35, sách GKPH I.
2) Biến kế: là một thuật ngữ Duy Thức Học. Chữ “biến” nghĩa là cùng khắp; chữ “kế” nghĩa là phàm phu đem vọng tâm của mình mà suy xét, tính toán, phân biệt, đo lường vạn pháp trong thế gian. Trong Thành Duy Thức Luận Thuật Kí có định nghĩa: “Kế là một tên khác của tâm phân biệt.” Vọng tâm phân biệt này tác dụng trùm khắp vạn pháp trong vũ trụ, gọi là “biến kế”. (Xin xem thêm phụ chú số 3, bài 5 ở trước.)
BÀI TẬP
1) Hãy giải thích từ “thật tướng chân như”.
2) “Mười như thị” là mười cái gì?
3) Mười pháp giới có đầy đủ một ngàn như, tính toán thế nào mà có con số ấy?
4) Hãy giải thích thế nào là chúng sinh thế gian, quốc độ thế gian và ngũ ấm thế gian.
5) Thế nào là “một niệm ba ngàn”?
6) Phật cũng có ác, xiển-đề cũng có thiện, nguyên do tại đâu?
7) Trần sa hoặc là gì? Loại hoặc đó do đâu mà sinh khởi?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các bài 7, 8 và 9
1. Các pháp đều được dung chứa trong một tánh, lại cũng do từ một tánh đó mà sinh khởi ra. Tướng trạng của các pháp tuy có nhiều, nhưng không ra ngoài dung lượng của tánh. Hành giả nếu chứng ngộ được tự tánh thì sẽ thông đạt vạn pháp. “Viên giải” nghĩa là kiến giải viên thông, đối với hai sự thật(1) chân và tục, lí không bế tắc; ở địa vị “hàng bố” không chỗ nào mà không phải viên dung, ở địa vị “viên dung” cũng tức là hàng bố. Chúng sinh tức là Phật, phiền não tức bồ đề, cho đến sát đạo dâm, cùng tham sân si, thảy đều là phạm hạnh; có được kiến giải như thế là đã đạt được cái tướng không hai của các pháp vậy. “Viên hành” nghĩa là tu hành viên mãn, niệm một đức Phật tức là niệm tất cả chư Phật, sinh về tịnh độ Cực-lạc tức là sinh về tịnh độ của khắp chư Phật, tu một pháp môn tức là tu vô lượng pháp môn, cho đến nhân trùm quả biển, quả suốt nguồn nhân; lúc niệm Phật tức là lúc thành Phật, khi chứng đạo không xa rời khi tu đạo; đó là gom muôn đức vào một tâm vậy. Hành giả lợi căn có tri kiến siêu thoát, đàm thuyết thì xứng hợp với chân tánh, đối với lí không chấp trước điều gì, gọi là “viên giải”; tu tập cũng xứng hợp với chân tánh, đối với sự cũng không chấp trước điều gì, gọi là “viên hành”. Tuy là như thế, nhưng vẫn không bỏ pháp lành, không làm pháp ác, cho đến không đam mê tìm hiểu lí, cũng không bỏ tu tập sự, cho nên xứng đáng được gọi là “thiện tri thức”.
2. Câu nệ vào một nghĩa rồi chấp chặt lấy, đứng trên giáo pháp tiểu thừa thì điều đó có, nhưng nếu đứng trên lập trường của đại thừa mà nói, hễ câu nệ chấp trước, đều trở thành khô cứng; cho nên lí luận của đại thừa so ra rất linh hoạt. Ví như người ta nói: niệm Phật tức là chấp có và trước tướng, nhưng đại sư Liên Trì, khi chú sớ kinh A Di Đà, đã nói: “Niệm Phật tức là niệm tâm, sinh bên kia và sinh bên này không tách rời nhau, tâm Phật dung thông sinh một thể, chảy giữa dòng không đứng ở hai bờ.” Cái cảnh giới giác ngộ như thế đó, làm sao có thể bảo là chấp có và trước tướng? Tại vì lí giải của đại thừa không bao giờ câu nệ chấp trước, cho nên đối với bất cứ một pháp nào cũng đều lập ba đế, đều thấy nó là “tức không, tức giả, tức trung”. Trong cái toàn bộ ba đế đó, nếu tách ra từng đế độc lập, thì nắm bất cứ một đế nào cũng là “bất liễu nghĩa”(2), cũng đều là quan niệm sai lầm; chỉ có ba đế đồng đều, kia đây tức là lẫn nhau, đó mới là giáo lí trung dung liễu nghĩa vậy.
3. Trong tất cả pháp, điều khó có thể nói cho rõ ràng nhất, đó là cái “TÁNH”. Nói nó là có thì nó lại là chân không, dứt tuyệt hình tướng; nói nó là không thì nó lại là muôn đức gồm đủ. Giáo, thừa,(3) các tông, kể cả Thiền tông, đều nói nó là vượt lên trên thiện ác, tại vì thiện ác là pháp đối đãi, mà Phật tánh thì tuyệt đãi, cho nên không được đem nó để xuống bất cứ một bên nào. Nhưng cứ theo cái nhìn của tông Thiên Thai thì ở trong nó đã có đầy đủ cả thiện và ác, chẳng qua loại thiện ác này chỉ là một thứ cơ năng, chứ không phải là sự thật. Trong tự tánh của Phật cũng có ác, vì nếu không thì pháp có chỗ không hoàn bị, có điều là, cái ác đó giống hệt như hai cái vú của người đàn ông, chỉ có một tí dấu vết vậy thôi, chứ không phát sinh tác dụng gì cả. Trong tự tánh của nhất-xiển-đề cũng có thiện, vì nếu không thì thể có chỗ không hoàn bị, có điều là, cái thiện đó giống hệt như viên ngọc đẹp ở trong cục đá, kiếp kiếp cứ nằm chôn trong đó, chưa biết lúc nào mới có thể phát hiện ra. Thuyết này đâu phải là vô lí, hãy nên lưu giữ nó để hoàn bị cho một phong cách riêng.
4. Tất cả pháp đều đầy đủ ba đế không, giả và trung. Học giả đối với tất cả pháp, hoặc khi quán chiếu bất kì một pháp nào, thì chỉ quán một đế của pháp ấy, hay một lúc quán chiếu cả ba đế, đều được. Trong quyển 35 của bộ Tông Cảnh Lục có nói rất rõ về ba phép quán, xin trích ra sau đây để dùng tham khảo: “Người xưa giải thích ý nghĩa của ba phép quán rằng: Một niệm tâm sinh khởi, khởi cái tướng vô khởi, triệt để chỉ là không, ba đời vắng lặng, không có gì để được, không có các tướng thấy, nghe, hiểu biết, không có các tướng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đó là quán không vậy. Một niệm tâm sinh khởi, có ba ngàn tướng thế gian: gồm một ngàn quốc độ thế gian, đó là núi, sông, đất liền, mặt trời, trăng, sao; một ngàn ngũ ấm thế gian, đó là tất cả sắc và tâm, ô nhiễm cũng như thanh tịnh; một ngàn chúng sinh thế gian, đó là sáu loài phàm phu và bốn bậc thánh nhân, đều là chất giả hợp. Một niệm tâm sinh khởi, ba ngàn tánh tướng cùng lúc sinh khởi; một niệm tâm tiêu diệt, ba ngàn tánh tướng cùng lúc tiêu diệt. Ngoài niệm không có một pháp mảy may nào để được, ngoài pháp không có một niệm nào để được; đó là tâm tánh viên minh, một mà là nhiều, nhỏ mà là lớn, nhiễm mà là tịnh, nhân mà là quả, có mà là không; cho nên mỗi một sắc, mỗi một hương, mỗi một niệm, chỉ một niệm tâm trong sát na hiện tiền đã có đủ ba ngàn tướng thế gian vậy. Một chỗ thấy nhiều chỗ, nhiều chỗ thấy một chỗ, một niệm tức nhiều kiếp, nhiều kiếp tức một niệm, lớp lớp hiện khởi nhau, ví như mành lưới ngọc của trời Đế Thích; đó là quán giả vậy. Một niệm tâm sinh khởi, khởi mà không khởi, ba đời vắng lặng, không khởi mà là khởi, ba ngàn tánh tướng chẳng phải không, chẳng phải giả, quán chiếu cùng lúc cả không và giả, đó là quán trung vậy. Nói thì có ba cái tên, nhưng khi quán chiếu thì ba cái tên ấy chỉ hiểu là một; chỉ cần mỗi niệm mỗi niệm thấy tâm tánh mình, chẳng cần để ý chẳng phải ba chẳng phải một, cũng chẳng cố sức phá trừ thân tâm, cũng không cần an lập cảnh giới quán chiếu hay đoạn diệt niệm tưởng; trong tất cả thời, tự nhiên tâm thường đủ ba phép quán vậy.” Chỉ có pháp quán chiếu này là cực kì sâu xa huyền diệu, nếu không phải là bậc thượng căn vận dụng phương tiện thiện xảo, sợ rằng không biết phải hạ thủ từ đâu.
5. Kiến tư là những thứ hoặc của phàm phu. Hành giả đoạn hết kiến hoặc thì chứng quả Tu-đà-hoàn; đoạn dứt hoàn toàn hai hoặc kiến tư thì chứng quả A-lahán. Trần sa là hoặc của Bồ-tát. Khi Bồ-tát hóa độ chúng sinh, nếu không thông đạt các pháp môn nhiều như cát như bụi, thì không thể hoàn thành sự nghiệp giáo hóa, cho nên gọi là trần sa hoặc. Hoặc này chỉ là loại trí tuệ yếu kém, không giống như loại kiến tư hoặc mê lí mê sự. Còn vô minh hoặc thì chính là loại căn bản vô minh, ngăn che lí thật tướng trung đạo; đoạn tận nó thì liền thành Phật. Trong ba loại hoặc đó, kiến tư hoặc thì thô sơ, trần sa hoặc thì trung bình, vô minh hoặc thì vi tế; tính chất của mỗi loại hoặc không giống nhau, học giả nên thể hội ý nghĩa của chúng, xin chớ nghiên cứu chú giải suông trên giấy mực mà trở thành cái tủ sách hay cái rương chữ, đọc sách xưa mà không biết biến hóa.
6. Kẻ đoạn thiện xiển-đề, cuối cùng rồi cũng sẽ thành Phật, lí do là vì: Gọi là “đoạn thiện”, chẳng qua là hình dung tội chướng quá nặng, kì thật, cái thiện của Phật tánh không ô nhiễm, và vô lượng chủng tử thiện trong a-lại-da thức, tất cả đều tồn tại; không nên câu nệ vào văn tự mà làm mất đi cái sự tình chân thật. Người phạm tội ngũ nghịch thập ác, khi được ra khỏi địa ngục Vô-gián, đương nhiên lại y cứ nơi cái chủng tử thành thục đầu tiên vào lúc ấy mà sinh vào sáu nẻo. Nếu nhân duyên thù thắng, có thể gặp được Phật pháp, vẫn có cơ hội thoát khỏi ba cõi, vào ở cõi Phật; cho nên hoàn toàn không phải chìm trong địa ngục vĩnh viễn, cũng hoàn toàn không phải vĩnh viễn không thể thành Phật. Vị Bồ-tát đại bi xiển-đề rốt cuộc cũng thành Phật, lí do là vì: Số lượng chúng sinh tuy quá nhiều, nhưng nhìn chung trong ba cõi, con số ấy chỉ có giảm chứ không có tăng, tức là, một chúng sinh sinh về nước Phật thì trong ba cõi giảm bớt một chúng sinh. Ngược lại, ở ngoài ba cõi thì chỉ có tăng mà không có giảm, tức là, một người đã sinh về nước Phật thì nước Phật liền có thêm một người. Cho nên, nếu đứng về chúng sinh ở trong ba cõi mà luận, đã không có chúng sinh mới sinh vào mà chỉ có kẻ vĩnh viễn lìa xa, thì trải qua một thời gian miên trường vô hạn nào đó, sẽ có một ngày, số chúng sinh sẽ được độ thoát hết. Đợi đến lúc tất cả chúng sinh đều thành Phật, thệ nguyện của vị Bồ-tát đại bi xiển-đề cũng đồng thời hoàn mãn mà thành tựu quả Phật; cho nên, hoàn toàn không phải vĩnh viễn trụ ở địa vị Bồ-tát, mà cũng hoàn toàn không phải vĩnh viễn không thể thành Phật. Sự thành Phật của hai loại xiển-đề này, chẳng qua là phải trải qua thời gian cực kì lâu xa, chứ không phải là không thể được.
7. Không quán, giả quán và trung quán, đều là vì phương tiện mà thiết lập. Kì thật, thật tánh của các pháp không phải là không, không phải là giả, tức là không, tức là giả, cho đến cả cái ý niệm trung quán cũng không tồn tại. Nói một cách tổng quát, Phật tánh pháp tánh đều lìa ngôn thuyết, tư tưởng; hễ nói ra được, suy nghĩ đến được, nhất định không đúng. Cho nên trong ba lượng(4), chỉ dùng hiện lượng mới có hi vọng thấy tánh, còn tỉ và phi lượng thì tuyệt đối không giúp ích gì. Cảnh giới hiện lượng(5) hoàn toàn không có phân biệt, biết rất rõ mà không biết gì hết, không biết gì hết mà biết rất rõ. Nếu hỏi vì sao như vậy, thì cũng chẳng có cách gì trả lời, ai hiểu thì tự hiểu, ai không hiểu thì tự không hiểu; giả sử không hiểu thì cũng đừng nôn nóng, xin cứ bền chí tu tập, sẽ có một ngày bỗng nhiên thông suốt; bởi vì công lực thâm sâu thì tự nhiên tiến bộ, cũng như nước chảy đến thì tự nhiên thành rãnh.
8. Trong kinh luận có nhiều giải thích liên quan đến cái “tâm”, đại khái có thể phân làm hai loại: Một loại là chân tâm, thuộc về “bản hữu”(6), không phan duyên, không phân biệt, không biến động, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, vượt ngoài cảnh giới. Ngay khi chúng ta không khởi niệm, mà cũng chẳng phải ngủ, thì đó chính là lúc loại tâm này hiện tiền. Một loại khác là vọng tâm, sinh khởi về sau, có phan duyên, có phân biệt, thường biến động, có thể thiện, có thể ác, quanh quẩn ở trong cảnh giới. Khi chúng ta suy nghĩ, phân biệt, đó chính là lúc loại tâm này hiện tiền. Tại vì tâm có hai loại như vừa nói trên, cho nên quán tâm cũng có hai loại: Một là quán chân tâm thường trụ, phải dùng trí vô phân biệt, cảnh hiện lượng: hiểu biết tâm thể thanh tịnh sáng tỏ mầu nhiệm, trùm khắp mười phương pháp giới, lặng yên không lay động. Hai là quán vọng tâm sinh diệt, sinh khởi, trôi đi, trước sau tiếp nối không hề gián đoạn. Đương khi cảm giác, không cần phải cắt trừ hay xua đuổi vọng niệm, chỉ cần đem ánh sáng trí tuệ chiếu soi trở lại, lóe hiện chân tâm, thì vọng niệm tự bình lặng, không lưu dấu vết; đó là phương pháp quán tâm. Tu tập lâu ngày thì thuần thục, không còn trôi lăn trong luân hồi, mà thoát ra ngoài ba cõi. Hành giả tiểu thừa, sau khi tu tập năm phép quán dừng tâm(7) thì tiếp tu tập phép quán niệm bốn lãnh vực(8), trong đó, lãnh vực quán niệm thứ ba, “tâm là vô thường”, mới chỉ là nhìn xem vọng tâm sinh diệt, chứ chưa phải là chân tâm thường trụ; bởi vì hàng Nhị-thừa chỉ biết đến vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, mà hoàn toàn không biết có tánh thường, lạc, ngã, tịnh của Như lai tạng(9) chân như vi diệu.
CHÚ THÍCH (của người dịch)
(01) Hai sự thật (nhị đế): là một phương pháp về nhận thức của tông Tam Luận, nhằm đả phá lối nhận thức thực tại bằng khái niệm, bằng ý thức phân biệt, so sánh, đối đãi; bởi vì nhận thức theo cách này thì không thể nào nhìn thấy được bản tính chân thực của thực tại. Hai sự thật đó là:
1) Sự thật tương đối (tục đế), tức là sự thật do khái niệm, phân biệt, phán đoán mà có, sự thật theo cái thấy thường tình của thế gian; ví dụ: Cái nhà trước mặt là có thật. (“Có thật” là sự thật tương đối, vì đó là nhận thức phân biệt của người thế gian.)
2) Sự thật tuyệt đối (chân đế), tức là sự thật siêu việt khỏi khái niệm, sự thật được nhìn thấy từ trí tuệ không phân biệt (vô phân biệt trí), tức là bản tánh chân thật của thực tại; ví dụ: Cái nhà trước mặt là do nhân duyên hòa hợp mà có, tự nó không có bản chất chân thật – tức là không. (“Không có bản chất chân thật”, hay “không” là sự thật tuyệt đối.)
Theo phương pháp của tông Tam Luận, sự thật tương đối luôn luôn phải bị phủ nhận, phá đổ, cho đến khi hành giả đạt được sự thật tuyệt đối, tức là chứng ngộ cái bản chất chân thật của thực tại bằng con đường trung đạo, siêu việt mọi khái niệm. Như vậy, nếu cái thấy “không” ở trên lại trở thành một khái niệm “không” để đối lập với khái niệm “có”, thì cả có và không của hai vế (số 1 và số 2) ở trên đã trở thành sự thật tương đối, vì đó là cái thấy nhị nguyên của nhận thức phân biệt phàm phu. Cái thấy nhị nguyên này phải bị phá đổ để tiến tới sự thật tuyệt đối, là “Cái nhà không phải có cũng không phải không”…
Cứ thế, nếu một cái thấy về thực tại mà bị rơi vào khái niệm thì lập tức phải bị phủ nhận. Sự phủ nhận này sẽ dần dần đưa hành giả đến chỗ không thể dùng lời nói để diễn đạt, không thể dùng trí năng để suy nghĩ, tức là hoàn toàn siêu việt khỏi mọi khái niệm, mọi vọng tưởng phân biệt, để thấy rõ chân diện mục của thực tại.
(02) Bất liễu nghĩa: là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho loại giáo lí phương tiện, không rốt ráo, dành cho người học Phật có căn tánh thấp kém. (Xin xem lại phụ chú số 6, bài 35, sách GKPH I đã dẫn.)
(03) Giáo, thừa: “Giáo” tức là giáo pháp do đức Phật dạy, có sâu có cạn, có cao có thấp, xứng hợp với mọi căn cơ của chúng sinh. “Thừa” tức là phương tiện chuyên chở đưa chúng sinh đến bờ giải thoát, là các loại giáo pháp cùng cách thức tu tập giúp cho người tu học đạt được thành quả giác ngộ. Thừa có nhiều loại, như Nhân thừa, Thanh-văn thừa, Bồ-tát thừa, Phật thừa v.v…
(04) Ba lượng (tam lượng): là ba phương cách nhận thức của con người đối với sự vật, là một trong những giáo thuyết căn bản của tông Duy Thức.
1) Nhận thức trực tiếp (hiện lượng): nhận thức đối tượng một cách trực tiếp, thuần túy cảm giác, không có suy luận, diễn dịch, so sánh hay phán đoán. Đây là phương cách nhận thức của năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân thức), đôi khi có sự cộng tác của thức thứ sáu (ý thức), nhưng vẫn là trực tiếp, không có suy luận, phán đoán v.v… Phương cách nhận thức này có khi đúng, có khi sai. Khi đúng thì gọi là “chân hiện lượng”; khi sai thì gọi là “tợ hiện lượng”. (Chữ “tợ” nghĩa là trông giống như cái đó, chứ không phải chính thực là cái đó.)
2) Nhận thức so sánh (tỉ lượng): nhận thức mang tính cách suy luận, diễn dịch, so sánh hay phán đoán. Đây là phương cách nhận thức của thức thứ sáu (ý thức), có khi đúng mà cũng có khi sai. Khi đúng thì gọi là “chân tỉ lượng”; khi sai thì gọi là “tợ tỉ lượng”.
3) Nhận thức sai lầm (phi lượng): Thực ra, không có một phương cách nhận thức riêng biệt nào gọi là “phi lượng”; chẳng qua đó là tợ hiện lượng và tợ tỉ lượng vừa nói trên, tức là nhận thức sai lầm, trông giống như cái đó chứ không phải chính thực là bản thân cái đó. Duy Thức Học cho rằng, thức thứ bảy (mạt-na thức) luôn luôn nhận thức sai lầm về sự tồn tại của một bản ngã chân thật, bất biến, cho nên phương cách nhận thức của nó luôn luôn là phi lượng.
(05) Cảnh giới hiện lượng: tức là đối tượng của hiện lượng (nhận thức trực tiếp), một trong ba phương cách nhận thức vừa nói trên. Cảnh giới hiện lượng này, thuật ngữ Duy Thức Học gọi là “tánh cảnh”, là một trong ba cảnh (đối tượng), cũng là một trong các giáo thuyết căn bản của tông Duy Thức.
Tánh cảnh (cảnh giới hiện lượng) là tự thân hay thực tướng của sự vật. Ở đây, sự vật hiện hữu trong đúng bản tính chân thật của chúng, không bị bóp méo, xuyên tạc hay cắt vụn bởi ý thức phân biệt, so sánh, suy luận hay phán đoán. Có hai loại tánh cảnh:
a) Vô chất tánh cảnh: là bản thể chân thực của vạn pháp, cũng tức là chân như hay pháp thân. Cảnh giới này không thể đạt tới bằng thức, mà chỉ có thể bằng tuệ giác (trí tuệ giác ngộ), là loại nhận thức trực tiếp, không phân biệt.
b) Hữu chất tánh cảnh: là tướng trạng của vạn pháp phát hiện từ vô chất tánh cảnh, tùy thuận theo luật tương quan duyên khởi. Trong khi loại vô chất tánh cảnh ở trên chỉ làm đối tượng cho tuệ giác, thì loại hữu chất tánh cảnh này lại là đối tượng của chân hiện lượng (vừa nói trong chú thích kế trên).
Còn hai cảnh giới khác (trong ba cảnh) là đới chất cảnh và độc ảnh cảnh, xin xem bài 16 ở sau.
(06) Bản hữu: là chỉ cho đức tính vốn có từ vô thỉ. Bất luận là thánh nhân, phàm phu, các loài hữu tình, vô tình, trong bản tánh đều có đầy đủ muôn đức, không tăng thêm ở thánh nhân, cũng không giảm bớt ở chúng sinh phàm phu. Đối lại với “bản hữu” là “tu sinh”, tức là cái đức do công phu tu hành mới có trong đời này.
(07) Năm phép quán dừng tâm (ngũ đình tâm quán): Xin xem lại phụ chú số 5, bài 11, sách GKPH I đã dẫn.
(08) Quán niệm bốn lãnh vực: tức bốn lãnh vực quán niệm (tứ niệm xứ), là bốn pháp tu quán đầu tiên trong 37 phẩm trợ đạo. Chữ “niệm” nghĩa là có ý thức, để tâm tới, thuật ngữ thiền học gọi là “quán niệm”. Chữ “xứ” nghĩa là chỗ, lãnh vực, đối tượng. “Niệm xứ” là đối tượng hay lãnh vực quán niệm. Danh số “tứ niệm xứ” cũng được gọi là “tứ niệm trú”. Chữ “trú” nghĩa là an trú; “niệm trú” là duy trì ý thức trên đối tượng quán niệm, tức là quán chiếu đối tượng trên ngay đối tượng đó. Bốn lãnh vực quán niệm là:
1) Quán niệm rằng thân thể là không trong sạch (quán thân bất tịnh). Hành giả hãy quán niệm rằng, thân thể là xác thịt do cha mẹ sinh ra. Tất cả những gì làm nên và chứa đựng trong thân thể ấy (như da, thịt, máu, mủ, phân, nước tiểu v.v…) đều dơ bẩn, hôi hám, không có gì là trong sạch.
2) Quán niệm rằng mọi cảm thọ đều là đau khổ (quán thọ thị khổ). Hành giả hãy quán niệm rằng, dù cảm thọ có vui có khổ, nhưng ở thế gian không bao giờ có cái vui chân thật, còn cái khổ thì đầy dẫy. Nếu có cái vui thì cũng chỉ là tạm bợ, là cái khổ trá hình; rốt cuộc, cái vui lại là nguyên nhân của cái khổ. Bởi vậy, mọi cảm thọ đều chỉ là đau khổ. Có chỗ cũng giải thích “thọ thị khổ” nghĩa là có nhận lãnh thì có đau khổ. Trước hết là nhận lãnh cái thân này, cái tâm này, sau đó là nhận lãnh các thứ cơm áo, nhà cửa, thuốc thang, mọi thứ vật dụng, rồi nào những sắc, thanh, hương, vị v.v…, tất cả những gì chúng ta thọ nhận trong đời sống đều là nguồn gốc sinh ra đau khổ.
3) Quán niệm rằng tâm ý là vô thường (quán tâm vô thường). Hành giả hãy quán niệm rằng, tâm ý luôn luôn thay đổi, từng phút từng giây, không bao giờ ngưng nghỉ; không có một ý nghĩ, một trạng thái tâm lí nào là bền vững, chắc chắn, trường cửu.
4) Quán niệm rằng vạn pháp là vô ngã (quán pháp vô ngã). Hành giả hãy quán niệm rằng, vạn pháp ở thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà làm nên, không sự vật gì có bản tánh độc lập, chân thật.
Mục đích của phương pháp quán niệm như trên là để hành giả tự cảnh giác và sách tấn trên đường tu hành. Có quán niệm như thế thì dần dần sẽ diệt trừ được tâm tham ái đối với bản thân, xa lìa ái dục; không tham đắm những thú vui trần tục, không chạy theo những cám dỗ của ma vương; đối trị được những vọng tưởng, tà niệm; tự mở cho mình con mắt trí tuệ, tâm không chấp trước, không vướng mắc đối với mọi trần cảnh.
(09) Như lai tạng: là một thuật ngữ Phật học chỉ cho tự tánh thanh tịnh bản lai vốn ẩn tàng trong cái thân phiền não nhiễm ô của tất cả chúng sinh. Cái tánh Như lai tạng này tuy bị che giấu trong phiền não lâu ngày, nhưng không bao giờ bị phiền não làm cho ô nhiễm, mà vẫn đầy đủ bản chất thanh tịnh sáng suốt tuyệt đối, vĩnh viễn không biến đổi. Như lai tạng cũng tức là Pháp thân. Khi thể tánh chân như còn bị che lấp trong phiền não thì gọi là Như lai tạng; khi thể thánh chân như thoát khỏi sự ràng buộc của phiền não thì gọi là Pháp thân.