GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP MỘT
Bài 9
BỐN CẢNH NÚI NỔI TIẾNG ở TRUNG QUỐC (phần 1)
Các vị Bồ-tát lớn thường hóa thân vô lượng, đến khắp mọi nơi để cứu độ chúng sinh. Có khi các ngài cũng thọ lãnh một trụ xứ nào đó để làm ngoại duyên(1), hiển bày linh tích, dẫn dắt tất cả loài hữu tình quay về với Phật pháp, tu tập phạm hạnh(2), trồng nhân xuất thế. Những cảnh tịnh độ ở nhân gian như thế, trong nội địa Trung-quốc có rất nhiều; “bốn ngọn núi nổi tiếng” thuộc vào loại đó.
Núi Phổ-đà, một hòn đảo nhỏ ở phía Đông huyện Định-hải, tỉnh Triết-giang, là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Bi Quán Thế Âm1. Về ngọn núi này, nguyên ở biển Nam của Ấn-độ có ngọn núi tên tiếng Phạn là Bổ-đát-lạc-già, (dịch nghĩa là Tiểubạch-hoa), là trú xứ của đức Bồ-tát Quán Thế Âm, vị thiện tri thức(3) thứ hai mươi tám mà Thiện Tài đồng tử đã đến tham bái hầu cận2, được ghi chép trong kinh Hoa Nghiêm. Về sau, nhân sự kính ngưỡng đức Bồ-tát Quán Thế Âm được phổ biến trong khắp quần chúng Trung-quốc, mà hòn đảo nhỏ ở phía Đông huyện Định-hải lại có thờ thánh tượng đức Bồ-tát, tín đồ đông đúc(4), nhân đó mà hòn đảo nhỏ này cũng được gọi tên là núi Phổ-đà; hòn đảo nhỏ hơn ở cạnh đó thì được đặt tên là núi Lạc-già, để mong tốt đẹp sánh ngang với biển Nam của Ấn-độ. Đến nay, chùa chiền dựng lên san sát trong núi, phong cảnh hợp với lòng người, là nơi nghỉ mát rất tốt. Mỗi khi đến ngày lễ vía(5), tăng tục3 nam nữ gần xa đổ về hành hương, đường đi tấp nập không ngớt.
Núi Cửu-hoa, nằm cách huyện Thanh-dương của tỉnh An-huy bốn mươi dặm về hướng Tây Nam. Nguyên núi có tên là Cửu-tử, chu vi hai trăm dặm, trên đỉnh có chín ngọn như vót khắc hình hoa sen, cho nên nhà Đường đã đổi tên thành núi Cửu-hoa. Đó là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Nguyện Địa Tạng4. Vào đời nhà Đường Trung-quốc, đức Bồ-tát giáng tích trong gia đình vương tộc của nước Tân la5. Ngài họ Kim, tên là Kiều Giác. Năm thứ tư niên hiệu Vĩnh-huy6(6), ngài hai mươi bốn tuổi, mang theo con chó trắng Thiện Thính, vượt biển sang Trung-hoa, ngồi ngay ngắn trên đầu núi này, bảy mươi lăm năm, đến năm thứ mười sáu niên hiệu Khai-nguyên7(7), đêm Ba mươi tháng Bảy, ngài thành đạo. Lúc trước, vị sơn chủ(8) là Mẫn công, thường ngày thiết trai cúng dường trăm vị tăng, tất thỉnh cho đủ số ấy. Đức Bồ-tát bèn đến chỗ ông, xin cúng cho một miếng đất rộng bằng tấm áo ca sa8. Ông hứa chịu. Dè đâu, khi tấm ca sa vừa trương ra thì bao trùm cả chín đỉnh núi! Từ đó núi Cửu-hoa bèn trở thành chốn đạo tràng. Về sau, con của Mẫn công xin xuất gia, luôn theo hầu một bên đức Bồ-tát, tức là hòa thượng Đạo Minh. Không lâu sau đó, Mẫn công cũng xuất gia, trở lại thờ con làm thầy. Cho tới nay, bên cạnh tượng của đức Bồ-tát, thường kèm theo tượng hai cha con hiền đức đó đứng hầu, cũng là một giai thoại vậy. Sau khi đức Bồ-tát thị tịch, vào ngày Ba mươi tháng Bảy năm thứ hai niên hiệu Chí-đức9(9), linh tích hiển lộ, xây tháp thờ phượng, đến nay trở thành một thánh địa của Phật giáo.(10)
**
CHÚ THÍCH
1. Đại Bi tuy là tên hiệu gọi chung của chư Phật và Bồ-tát, nhưng vì đức Bồ-tát Quán Thế Âm chủ về tâm từ bi, cho nên chữ “đại bi” đã được đặc biệt dùng đặt trước danh hiệu.
2. Đệ tử Phật là Thiện Tài đồng tử, khi vừa sinh ra đời thì mọi vật trân quí tự nhiên xuất hiện, cho nên có tên là Thiện Tài. Sau ngài phát tâm đến tu học với đức Bồ-tát Văn Thù. Từ đó ngài đi dần về phương Nam, tham bái cả thảy năm mươi ba vị thiện tri thức thì chứng nhập pháp giới. Bồ-tát Quán Thế Âm là vị thứ hai mươi tám trong số năm mươi ba vị thiện tri thức đó.
3. “Tri” là màu tím đen, “tố” là màu trắng. Chư tăng Trung- quốc mặc áo màu tím đen, người thế tục phần nhiều mặc áo trắng; vì vậy mà gọi “tăng tục” là “tri tố”.
4. An nhiên bất động như đại địa, tĩnh lặng sâu kín như kho tàng, cho nên gọi là “Địa Tạng”. Trong khoảng thời gian từ sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt cho đến trước khi đức Phật Di Lặc giáng trần, đức Bồ-tát này đảm nhiệm công việc cứu độ chúng sinh. Ngài thường ở trong cảnh giới địa ngục để cứu khổ. Ngài tự lập lời thề, quyết phải cứu độ hết chúng sinh trong sáu đường mới nguyện thành Phật; vì vậy, chữ “đại nguyện” đã được đặc biệt đặt trước danh hiệu của ngài.
5. Là một trong ba nước Hàn, được kiến lập vào cuối thời Tây- Hán(11), Vào đời nhà Đường, họ mượn binh lực Trung-quốc, diệt Bách-tế và Cao-cú-li, thống nhất toàn Triều-tiên. Đến thời Ngũ-đại, nước lại bị chia cắt, rồi lại bị Cao-li tiêu diệt.
6. Là niên hiệu của vua Đường Cao-tông.
7. Là niên hiệu của vua Đường Huyền-tông.
8. Pháp y của tì kheo, một là an-đà-hội, tức y 5 điều; hai là uất-đa-la-tăng, tức y 7 điều; ba là tăng-giàlê, tức y từ 9 đến 25 điều. Màu của pháp y phải tránh năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; và phải dùng “hoại sắc” (màu nhuộm cho hư đi, trông vừa xanh vừa đỏ vừa đen, nghĩa là không thành một màu chính nào cả).
9. Là niên hiệu của vua Đường Túc-tông.
***
PHỤ CHÚ
1. Ngoại duyên: “Duyên” là điều kiện. Các điều kiện kết hợp, giúp nhau để phát sinh một hiện tượng, một sự vật. Điều kiện chính, trực tiếp để phát sinh một sự vật, gọi là “nội duyên” (cũng tức là “nhân”). Các điều kiện phụ cùng giúp cho nội duyên, có ảnh hưởng gián tiếp trong việc phát sinh một sự vật, gọi là “ngoại duyên”. Trong danh từ “nhân duyên”, chữ “nhân” tức là nội duyên, và chữ “duyên” tức là ngoại duyên. Trong “bốn duyên” thì “nhân duyên” là nội duyên, và “sở duyên duyên”, “tăng thượng duyên”, “đẳng vô gián duyên” là ngoại duyên. Sinh mạng con người có được là do sự kết hợp của nghiệp thức (nội duyên) và tinh huyết của cha mẹ (ngoại duyên). Một chúng sinh được thành Phật, thì chính cái Phật tính sẵn có trong mỗi chúng sinh là nội duyên, và cái công đức lợi tha của đức Phật (Phật pháp) là ngoại duyên.
2. Phạm hạnh: hạnh trong sạch. Vì Phạm Thiên đoạn trừ dâm dục, cho nên sự xa lìa dâm dục được gọi là “phạm hạnh”. Cuộc đời một người Bà-la-môn được chia làm bốn thời kì, thời kì đầu tiên gọi là “thời kì phạm hạnh”; đó là thời kì mà trong sinh hoạt hằng ngày phải giữ giới bất dâm và chuyên học các kinh điển Phệ Đà và lễ nghi tế tự. Trong Phật giáo, các hành giả tu tập phải giữ không những giới bất dâm mà còn bao nhiêu giới luật khác nữa, cho nên gọi là “phạm hạnh”. – Hàng cư sĩ tại gia không giữ giới bất dâm (mà chỉ là bất tà dâm) thì không được gọi là phạm hạnh; nhưng nếu họ cũng hành trì hạnh không dâm dục như tăng sĩ thì vẫn được gọi là phạm hạnh. – Nói rộng ra, các hành giả tu thiền, đạt được đầy đủ tám bước giải thoát (bát giải thoát); tu tập thuần thục tám sự hành trì chân chánh (bát chánh đạo); tu tập trọn vẹn bốn tấm lòng rộng lớn (tứ vô lượng tâm); biết rõ bảy pháp lành (thất thiện pháp); v.v…, đều gọi là “phạm hạnh”. Lại nữa, các vị Bồ-tát không vướng mắc vào hai cực đoan có và không, gọi là trong sạch; đem sự trong sạch ấy mà vận dụng tâm từ bi để cho vui và vớt khổ cho chúng sinh, gọi là “phạm hạnh”.
3. Thiện tri thức: Trong Phật giáo, những người chánh trực, có đức hạnh, có khả năng dạy dỗ, hướng dẫn người khác đi theo con đường chánh, bỏ ác làm lành, dứt trừ phiền não, phát triển trí tuệ, v.v… đều được gọi là “thiện tri thức”, hoặc “thiện hữu tri thức”; – ngược lại là “ác tri thức”.
4. Hương hỏa: chỉ cho nhang đèn thắp cúng trong chùa. Các chùa viện có đông đảo tín đồ thì gọi là “hương hỏa vượng thạnh”.
5. Hương kì: là các ngày lễ vía của chư Phật hay Bồ-tát, như lễ P hật đản, lễ Phật thành đạo, ngày vía đức Di Lặc, đức Quán Thế Âm v.v…; hoặc các ngày hội lớn hàng năm tại các chùa viện, như ngày hội Vu Lan, ngày hội Pháp Hoa, ngày hội Dược Sư, ngày kị Tổ v.v…
6. Vĩnh-huy là niên hiệu đầu tiên (kéo dài 6 năm: 650-655) của vua Đường Cao-tông (650-683). Năm thứ tư niên hiệu Vĩnh-huy tức là năm 653.
7. Khai-nguyên là niên hiệu thứ nhì (kéo dài 29 năm: 713-741) của vua Đường Huyền-tông (712-756). Năm thứ 16 niên hiệu Khai-nguyên tức là năm 728.
8. Sơn chủ: tức người chủ của một ngọn núi; đó là tiếng tôn xưng vị trụ trì của một ngôi chùa. Phần nhiều các tự viện xưa được xây cất trong chốn núi non, và lấy tên núi mà đặt tên, cho nên vị trụ trì được xưng là “sơn chủ”. Ở đây, Mẫn công là một vị cư sĩ, thì chắc chắn không phải là trụ trì của chùa; vậy, tác giả đã dùng chữ “sơn chủ” để chỉ cho Mẫn công, vì ông này là một vị đại thí chủ, sở hữu chủ của cả vùng núi Cửu-hoa, và đã cúng dường cả vùng núi đó cho đức Địa Tạng làm đạo tràng.
9. Chí-đức là niên hiệu đầu tiên (kéo dài 3 năm: 756-758) của vua Đường Túc-tông (756-762). Năm thứ hai niên hiệu Chí-đức tức là năm 757.
Theo ông Tạ Duy Chân (trong Bản Tin Khánh Anh, Paris, số tháng 7 năm 1999, trang 1) thì đức Bồtát Kiều Giác đản sinh vào năm 695, trong vương thất của nước Tân-la; xuất gia năm 25 tuổi (năm 720); rời nước Tân-la năm 729 và năm 730 (năm 18 niên hiệu Khai-nguyên) thì đến Trung-hoa; viên tịch năm 794, tức là năm 13 niên hiệu Trinh-nguyên (785-805) đời vua Đường Đức-tông (780-805); thế thọ 99 tuổi.
10. Nhà Hán (Trung-quốc) do Lưu Bang (256-195 tr. TL) kiến lập năm 206 tr. TL, chia làm hai thời kì: 1) Thời kì đầu, sử gọi là thời Tiền-Hán (206 tr. TL – 8 sau TL); 2) Thời kì sau, sử gọi là thời Hậu-Hán (25-220). Tiền-Hán đóng đô tại Trường-an; Hậu- Hán đóng đô tại Lạc-dương. Vì Trường-an nằm ở phía Tây của Lạc-dương, nên sử cũng gọi Tiền-Hán là Tây-Hán, và Hậu-Hán là Đông-Hán.
BÀI TẬP
Vì sao các đức Bồ-tát thị hiện và thu nhiếp trụ xứ ở nhân gian?
– Các đức Bồ-tát thị hiện và thu nhiếp trụ xứ ở nhân gian là vì cứu độ chúng sinh. Các ngài muốn dạy dỗ, hướng dẫn chúng sinh quay về đường chánh, tu học Phật pháp, trồng cái nhân xuất thế gian.
Núi Phổ-đà là đạo tràng của vị Bồ-tát nào?
– Núi Phổ-đà là đạo tràng của đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
– Núi Phổ-đà nguyên ở tại đâu? Ngày nay người Trung-hoa chỉ núi ấy ở tại đâu?
– Núi Phổ-đà nguyên ở tại biển Nam của bán đảo Ấn-độ. Ngày nay người Trunghoa gọi một hòn đảo nhỏ ở phía Đông huyện Định-hải, tỉnh Triết-giang, Trungquốc, là núi Phổ-đà.
Vì sao núi Cửu-tử được đổi tên thành núi Cửu-hoa? Đó là đạo tràng của vị Bồtát nào?
– Núi Cửu-tử, trên đỉnh có chín ngọn giống như đẽo khắc hình hoa sen, nên đã được đổi tên thành núi Cửu-hoa. Đó là đạo tràng của đức Bồ-tát Địa Tạng.
Thử diễn tả quá trình đức Bồ-tát Địa Tạng thị hiện tại núi Cửu-hoa.
– Đức Bồ-tát Địa Tạng nguyên giáng tích tại nước Tân-la (tức là nước Triều-tiên ngày nay), trong một gia đình hoàng tộc. Năm Vĩnh-huy thứ tư nhà Đường, ngài sang Trung-quốc, ẩn cư tu hành trên núi Cửu-hoa, đến năm Khai-nguyên thứ 16 nhà Đường thì thành đạo. Ngài xin vị chủ núi một khoảnh đất rộng bằng tấm ca sa. Vị thí chủ hoan hỉ cúng dường. Khi tấm ca sa được trương ra thì che khắp cả chín ngọn của núi Cửu-hoa. Từ đó núi này trở thành đạo tràng của ngài.
Đời sau, những người đắp hay vẽ tượng đức Bồ- tát Địa Tạng, bên cạnh tượng thường có một vị tì kheo trẻ tuổi và một lão ông, hai người này là ai? Quan hệ thế nào?
– Vị chủ núi Cửu-hoa là Mẫn công. Sau khi đức Bồ-tát Địa Tạng thành đạo và lập đạo tràng tại núi này, người con trai của ông đã xin xuất gia, tức hòa thượng Đạo Minh, luôn theo hầu bên cạnh đức Bồ-tát. Sau đó không lâu, chính ông cũng đi xuất gia, lại thờ con ông làm thầy. Vì vậy mà về sau, những người tạc tượng vẽ hình đức Bồ-tát, thường tạc hay vẽ thêm hai cha con Mẫn công đứng hầu bên cạnh đức Bồ-tát.
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 7, 8 và 9
1. Người tu đạo, hễ ai có thể phát tâm độ mình và độ người, thực hiện hạnh độ mình và độ người, đều có thể gọi là Bồ-tát. Cho nên, phạm vi của Bồ-tát rất rộng. Trong Phật pháp đại thừa, từ địa vị Tín(1) cho đến địa vị Đẳng-giác đều gọi là Bồtát. Cho nên quả vị, thần thông, cũng như trí tuệ giữa các vị Bồ-tát, sai khác nhau rất nhiều. Có vị Bồ-tát sắp sửa thành Phật; có vị Bồ-tát vẫn chưa dứt được kiến hoặc, có thể coi là phàm phu. Nếu chỉ nói về địa vị, thì Bồ-tát cao hơn Nhị-thừa. Nhưng nếu nói về các mặt khác như đoạn trừ kiến tư hoặc, đạt sáu phép thần thông, thoát li phần đoạn sinh tử, thì các vị Bồ-tát mới phát tâm không sánh bằng các vị A-la-hán và Bích-chi Phật. Như thế, nếu cần đưa ra một nhận định để xét đoán về sự hơn kém giữa hàng Bồ-tát và hàng Nhị-thừa, thì có thể nói: Luận về địa vị, đương nhiên đại thừa cao hơn tiểu thừa; nh ưng luận về công phu tu tập thì các vị Bồ-tát sơ học kém xa các vị Thanh-văn đã chứng quả, mà các vị Thanh-văn chứng quả lại kém xa hàng Bồ-tát ở cấp Mười-địa.
2. Bồ-tát dịch ý là “đại đạo tâm chúng sinh”, hoặc dịch là “giác hữu tình”, nguyên là tiếng gọi thông thường để chỉ cho các hành giả Phật giáo đại thừa. Người đời thường cho rằng các vị thành hoàng, thổ địa của Thần đạo là Bồ-tát. Những kẻ ngoại giáo(2) cũng cho rằng những người mê tín sùng bái các ngẫu tượng(3) là sùng bái Bồ-tát. Đó là những điều nhầm lẫn lớn. Phàm là đệ tử Phật, dù không thể sửa đổi được thì cũng phải phân rõ phải trái, ngàn vạn lần cũng không nên “người nói sao mình nói vậy”(4), làm cho các bậc thức giả phải cười thầm.
3. Về số năm giáng sinh của đức Bồ-tát Di Lặc, có rất nhiều thuyết không nhất trí với nhau. Trong kinh có chép: Vào kiếp giảm của tiểu kiếp thứ mười, lúc tuổi thọ của con người là tám vạn tuổi thì ngài gá thai, đủ mười tháng thì sinh. Theo đó, thời kì hạ sinh của ngài có thể chia làm ba giai đoạn để tính:
Giả sử tuổi thọ của con người hiện nay là bảy mươi, cứ một trăm năm giảm một tuổi, vậy, từ bảy mươi tuổi giảm đến mười tuổi là: (70 – 10) x 100 = 6.000 năm.
Lại mỗi một trăm năm tăng một tuổi, từ mười tuổi tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi là: (84.000 – 10) x 100 = 8.399.000 năm.
Từ tám vạn bốn ngàn tuổi, mỗi một trăm năm giảm một tuổi, giảm cho đến tám vạn tuổi là: (84.000 – 80.000) x 100 = 400.000 năm.
Đem cả ba giai đoạn ở trên cộng chung lại là tám trăm tám mươi vạn lẻ năm ngàn (8.805.000) năm. Đó là số năm gần chính xác nhất tính từ bây giờ cho đến lúc đức Di Lặc hạ sinh.
4. Trong kinh nói, những người tu hành cửa Phật, nếu trong thời kì giáo pháp của đức phật Thích Ca mà chưa được độ, thì ở tương lai, trong thời kì giáo pháp của đức phật Di Lặc chắc chắn sẽ được độ. Nói như thế, những người tu hành theo Phật pháp ngày nay, giả sử chưa có thể giải thoát sinh tử ngay trong đời này, thì cũng là gieo trồng được cái nhân chính để được cứu độ ở ba hội Long-hoa trong tương lai. Sự việc này nói lên ba ý nghĩa: 1) Tu học Phật thì phải triệt để, đời này thành công được, cố nhiên là tốt rồi; vạn nhất mà đời này không thành công, thì trong tương lai chắc chắn sẽ thành công. Hành giả chỉ cần hết sức mình, cứ yên tâm tu tập, không nên vì cái kết quả về sau mà lo lắng. 2) Phật Thích Ca và Phật Di Lặc, một trước một sau, như hai người đánh cá, kéo sạch mẻ lưới, vớt hết chúng sinh, quyết không để cho một chúng sinh nào bị sót lọt. Ơn Phật rộng lớn bao trùm, sắp đặt chu đáo, thật khiến cho người ta xúc động đến rơi nước mắt, không gì có thể báo đáp được. 3) Cổng trước của một ngôi chùa có tạc tượng đức Di Lặc, dù vào chùa hay không, đều có thể chiêm ngưỡng. Đó là muốn cho tất cả những người đi qua cổng chùa đều có thể kết một duyên lành(5), vì pháp vận của đức Di Lặc trong tương lai mà gieo xuống một hạt giống trong sạch, làm nhân duyên cứu độ. Nếu có thể chắp tay trước tượng và niệm danh hiệu, tán thán, đảnh lễ, thì lại càng vô cùng thích đáng.
5. Hành hương lễ bái là ý rất lành, không thể bảo là không đáng làm. Nhưng cứ bảo đức Quán Âm nhất định là ở núi Phổ-đà, đức Địa Tạng nhất định là ở núi Cửuhoa, trừ hai ngọn núi đó ra thì không có Quán Âm, Địa Tạng, thì thật là sai lầm quá lắm! Nên biết rằng, pháp thân của các bậc Bồ-tát Đẳng-giác tương đồng với chư Phật, trải khắp mọi nơi. Ở bất cứ địa phương nào, đối trước bất cứ vật gì – thậm chí là tre, gỗ, gạch, ngói, nếu quí vị coi đó là đức Phật này hay vị Bồ-tát nọ, rồi tán thán, lễ bái, cúng dường, thì công đức ấy so với công đức tán thán, lễ bái, cúng dường các đức Phật và Bồ-tát chân thật, không khác gì nhau. Như thế là bởi vì, công đức là sinh ở nội tâm chứ không sinh từ ngoại cảnh; tác dụng của cảnh chẳng qua chỉ là giúp cho tâm sinh, cho nên, tâm nếu kiền thành cung kính thì công đức cùng giống nhau. Cứ theo lí lẽ đó, việc hành hương lễ bái là nên làm, mà cũng không nhất thiết phải làm. Vì sao nên làm? Nếu không đến nơi đất thánh, tâm thành kính sẽ không thể phát sinh, như thế thì không thể không đến được. Vì sao không nhất thiết phải làm? Nếu không đến nơi đất thánh mà tâm thành kính cũng có thể phát sinh như chính mình đến, như thế thì nơi nào, lúc nào cũng là chân cảnh, hà tất phải lặn lội đến tận những nơi sông núi xa xôi! Cái lí lẽ đó thật là dễ hiểu vậy.
6. Theo truyền thuyết trong dân gian thì đức Quán Thế Âm là công chúa Diệu Thiện, con gái thứ ba của vua Diệu Trang, sau khi vượt qua khỏi mười tám lần hoạn nạn thì đắc đạo, v.v…; đó là những lời nói vô căn cứ, đệ tử Phật không nên tin. Lễ tưởng niệm của mỗi vị Bồ-tát, mỗi năm chỉ có một lần, riêng đức Quán Thế Âm thì có đến ba lần; một là vì công đức và oai thần của ngài rất lớn, muốn cho các hành giả có được nhiều dịp để kết duyên, gieo trồng ruộng phước; hai là vì sự ứng hiện của ngài rất nhiều, và ngài có nhân duyên to lớn đối với thế giới Ta-bà. Nhưng ngày đản sinh của ngài (ngày 19 tháng Hai âm lịch) thì có ghi trong thanh qui của tòng lâm, còn hai ngày kia thì chưa tìm thấy nơi xuất xứ. Quí vị hành giả cứ tạm thời theo truyền thuyết thế gian, trồng nhiều công đức, đó cũng là biện pháp tốt, hà tất phải nhọc công tra cứu để hủy bỏ đi!
7. Thời thượng cổ, văn vật sáng rỡ, con người sống đến hơn tám vạn tuổi, tại sao các nước Đông, Tây đều không có văn tự ghi chép để lại? Vấn đề này, theo thiển ý, xã hội đời thượng cổ chỉ là nước nhỏ ít người, hai nước láng giềng có thể nhìn thấy nhau, cùng nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa của nhau; cho nên, một làng cũng chính là một nước. Vua Đại Võ(6) hội chư hầu ở Đồ-sơn(7), các vua chư hầu(8) đến dự hội có đến một vạn, nhưng đó vẫn là đời sau; đến như các đời Đường, Ngu(9) trở về trước, số các nước như thế còn nhiều hơn nữa. Như vậy, giả như có người chế tạo ra văn tự, thì cũng chỉ dùng trong một làng, cho nên không có nhu cầu chế tạo. Sự sinh hoạt ở thời thượng cổ, cứ mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi; cày ruộng để có cơm ăn, đào giếng để có nước uống; giản dị, mộc mạc như thế mà sống mãi, dù có văn tự cũng chẳng biết dùng vào đâu, cho nên không có nhu cầu chế tạo văn tự. Về sau, trí sáng con người dần dần nẩy nở, bèn thắt nút(9) làm chuẩn mực. Càng về sau, nhân sự càng phức tạp, việc thắt nút không còn giải quyết được gì, người ta bèn sáng chế ra văn tự; nhưng vào thời này, tuổi thọ của con người chỉ còn vài trăm mà thôi. Tuy nhiên, lịch sử sau này vẫn ghi rằng, ba vua Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng(10), mỗi vị đều sống lâu đến mấy vạn tuổi, đó là bởi nghe từ truyền thuyết vậy. Nước Trung-hoa khai hóa sớm nhất. Khi ở đây chưa có văn tự, mà các nước Đông, Tây lại đang trải qua đời sống man rợ, thì lại càng không có văn tự; đó là lí do tại sao chúng ta đã không có sách sử gì để khảo cứu các thời đại từ Phục Hi, Thần Nông(11) trở về trước.
8. Hồi hòa thượng Bố Đại còn tại thế, có người hỏi: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Ngài bèn buông cái đãy vải xuống đất, rồi cứ đứng xoa tay. Đó là ngài ngầm ý khai thị rằng, hãy buông bỏ tất cả và an trụ nơi chân tâm vô niệm, đó là đại ý của Phật pháp. Người kia lại hỏi: “Chỉ như vậy là đủ, hay còn phải hướng đến một sự việc gì khác cao cả hơn?” Ngài bèn mang cái đãy vải lên vai rồi nghênh ngang bước đi. Đó là ngài ngầm ý khai thị rằng, ngoài ra còn phải gánh vác toàn bộ Phật pháp, phải đảm đang trọng nhiệm độ sinh cho mãi đến đời vị lai. Về sau, khi viên tịch, ngài có lưu lại bài kệ rằng:
Di Lặc chân Di Lặc,
Hóa thân ngàn trăm ức,
Thường khai thị người đời,
Người đời không tự biết.
Bởi vậy người ta mới biết ngài chính là hóa thân của đức Bồ-tát Di Lặc.
CHÚ THÍCH (của người dịch)
1. Tín: lòng tin. Đức tin là bước đầu để vào đạo. Bởi vậy, trong năm mươi hai bậc thang tu tập của hạnh Bồ-tát (gồm 7 cấp là Mười-tín, Mười-trụ, Mười-hạnh, Mười-hồi-hướng, Mười-địa, Đẳng-giác và Diệu-giác), đức TIN được xếp đứng đầu. Cấp TÍN gồm có mười bậc, danh số Phật học gọi là “Thập Tín Tâm”, hay gọi tắt là “Thập Tâm” hay “Thập Tín”, gồm có: 1) Tín tâm: một lòng tin tưởng và quyết định muốn được thành tựu; 2) Niệm tâm: tâm thường niệm tưởng đến Phật, Pháp, Tăng, giới luật, bố thí và niết bàn; 3) Tinh tấn tâm: chuyên cần tu tập các nghiệp lành; 4) Định tâm: giữ tâm tĩnh lặng, gạt bỏ những ý tưởng hư ngụy, những tưởng tượng lăng nhăng, những nhớ nghĩ vô ích; 5) Tuệ tâm: lắng nghe giáo pháp, tư duy quán chiếu, thấy tất cả pháp là vô ngã, tự tánh của các pháp là không tịch; 6) Giới tâm: thọ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ-tát, giữ thân miệng ý trong sạch, không phạm các lỗi lầm, nếu có lỗi lầm thì hối cải; 7) Hồi hướng tâm: tất cả các căn lành tu tập được đều đem hồi hướng về quả vị bồ đề chứ không mong cầu các phước báo hữu vi, hồi hướng đến tất cả chúng sinh chứ không cho riêng mình, hồi hướng về những ích lợi thực tế chứ không cầu danh tướng hão huyền; 8) Hộ pháp tâm: phòng hộ tâm mình, không để khởi các phiền não, và bảo trì Phật pháp; 9) Xả tâm: không luyến tiếc thân mạng và tài sản, tất cả những gì có được đều buông bỏ hết; 10) Nguyện tâm: thường tu tập các tâm nguyện trong sạch. (Xin xem thêm phụ chú số 1, bài 35 ở sau.)
2. Ngoại giáo: chỉ cho tất cả các học thuyết, giáo phái hay tôn giáo không phải là Phật giáo.
3. Ngẫu tượng: Tất cả những tượng thần, tượng Phật v.v… được nắn, tạc, hay đúc, bằng đất, kim loại, đá, thạch cao, xi măng v.v… để thờ phượng, đều gọi là “ngẫu tượng”.
Nhóm chữ “nhân vân diệc vân” (trong nguyên bản chữ Hán) là một thành ngữ, có nghĩa là hùa theo người khác, người nói sao mình nói theo như vây, không hề suy nghĩ đúng sai, phải trái.
Trong câu “giai năng kết nhất diện duyên”, có từ “nhất diện” cần được hiểu rõ về mặt từ ngữ. Từ này có ba ý nghĩa: a) “nhất diện” nghĩa là một mặt, một bên, một chiều; b) “nhất diện” nghĩa là một lần gặp mặt; c) “nhất diện” là một lượng từ, có thể dịch là một cái, một miếng, một tấm v.v…; từ “nhất diện” trong câu trên thuộc về nghĩa thứ ba này.
4. Đại Võ: tức vua Hạ Võ, tên là Văn Mệnh, con của ông Cổn, nhờ có tài trị thủy mà được vua Thuấn truyền ngôi cho (vào năm 2183? tr. TL), lập ra nhà Hạ (2183?-1751? tr. TL). (Xin xem lại chú thích số 11, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1, 2 và 3” ở trước.)
5. Đồ-sơn: tên ngọn núi ở phía Đông Nam huyện Hoài-viễn, tỉnh An-huy. Núi này nằm ở bờ Đông của sông Hoài, đối diện với núi Kinh ở bờ Tây sông Hoài. Hai ngọn núi này vốn nối liền nhau, nhưng vua Đại Võ đã đào chân núi giữa hai ngọn, làm thành dòng sông Hoài, tách hai ngọn riêng ra, nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông.
6. Hai chữ “ngọc bạch” (trong nguyên bản chữ Hán) có nghĩa: ngọc thụy và lụa trắng, là hai lễ vật trân quí được dùng trong việc tế lễ hay hội họp chư hầu trong thời cổ đại Trung-quốc. Nhóm chữ “chấp ngọc bạch giả” có nghĩa: người cầm ngọc thụy và lụa trắng, chỉ cho các vua chư hầu; đó là các tiểu vương của các tiểu quốc (có thể hiểu là các bộ lạc) thời cổ đại Trung-quốc, chịu lệ thuộc vào quyền thống trị của vị vua ở triều đình trung ương (thiên tử). Mỗi khi vào triều tế lễ, hoặc về dự hội do lệnh triệu tập của thiên tử, các vua chư hầu phải cầm ngọc thụy và lụa trắng để xác định thân phận.
7. Thắt nút: Chữ Hán là “kết thằng”. Thời cổ đại, lúc chưa chế ra văn tự, người ta dùng dây thắt nút để ghi nhớ sự việc. Nút được thắt với các hình dáng và số lượng khác nhau, để ghi nhớ những sự việc khác nhau. Thời kì thắt nút ấy được sử sách gọi là “kết thằng thời đại”.
8. Tam hoàng: “Tam hoàng”, theo truyền thuyết, là ba vị vua đầu tiên (được hiểu như ba vị tù trưởng có tiếng nhất trong các bộ lạc) của thời tối cổ Trung-quốc. Tên của ba vị vua này, các sách sử ghi không giống nhau, đó là: Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế; hoặc: Phục Hi, Thần Nông, Chúc Dung; hoặc: Phục Hi, Thần Nông, Toại Nhân; hoặc: Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng; hoặc: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.
9. Phục Hi, Thần Nông: (Xin xem lại chú thích số 8 và số 9, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 1, 2 và 3” ở trước.)