GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP HAI
Bài 8
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 1)
Kinh TẠP A HÀM1(1)
1- Người tại gia nên tu tập bốn pháp sau đây, thì đời sau sẽ được an vui: 1) Lòng tin đầy đủ: Đối với chánh pháp, hãy đặt lòng tin làm gốc rễ, sinh khởi tâm cung kính, không có bất cứ pháp gì khác có thể phá hoại được. 2) Giới luật đầy đủ: Không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu. 3) Bố thí đầy đủ: Dứt bỏ tính keo kiệt, đố kị; hãy biết buông bỏ và thực hành bố thí trong niềm hoan hỉ; hãy thường thường tự mình bố thí với tâm hoàn toàn bình đẳng. 4) Trí tuệ đầy đủ: Hiểu biết một cách chân thật2 về bốn chân lí Khổ Tập Diệt Đạo.
2- Phật dạy: “Ví như có nhiều người học vẽ, có người chỉ có thể vẽ tay chân, có người chỉ có thể vẽ thân thể, có người chỉ có thể vẽ mặt mũi, hoặc có người chỉ có thể thiết kế. Những người này hợp lại vẽ hình cho vua, nhưng nếu có một người, vì lí do gì đó không đến được, thì bức vẽ không thể hoàn thành được. Các hành giả tu học Phật pháp cũng vậy, nếu có một hạnh nào đó không tu tập trọn vẹn, thì không thể gọi là tu tập đầy đủ chánh pháp của Như Lai. Cho nên, cần phải tu tập đầy đủ mọi công hạnh, mới gọi là thành tựu quả giác ngộ vô thượng.”
3- Có một vị tôn giả tên là Nhị Thập Ức Nhĩ(2), dù tinh cần tu tập, nhưng vẫn chưa dứt hết phiền não3; lòng buồn bực, muốn hồi tục. Phật hỏi ông: “Thầy gảy đàn, nếu dây đàn căng quá, tiếng đàn có êm dịu không?” Ông thưa: “Bạch Thế Tôn, không!” “Nếu dây đàn dùn quá, tiếng đàn có êm dịu không?” “Bạch Thế Tôn, không!” “Nếu dây đàn vừa phải, không căng quá mà cũng không dùn quá, thì thế nào, tiếng đàn có êm dịu không?” “Bạch Thế Tôn, tiếng đàn sẽ nghe rất hay!” Phật dạy: “Sự tu hành cũng giống như vậy. Sự tinh tấn mà khẩn trương quá thì sẽ sinh thất vọng; sự tinh tấn mà lơi lỏng quá thì sẽ sinh giải đãi. Vì vậy, thầy hãy tu tập với tâm bình đẳng. Đối với các pháp đã tiếp thọ, không nên chấp trước, cũng không nên buông thả, càng không nên dính mắc vào hình tướng.” Tôn giả nghe xong, y theo lời dạy mà tư duy, tu tập, cho đến khi mọi phiền não đều dứt hết, tâm hoàn toàn giải thoát, chứng đắc quả vị A-la-hán.
4- Sáu căn, nếu không điều phục, không đóng lại, không bảo vệ, không nắm giữ, không tu tập, mà chỉ biết chạy theo những điều không hợp giới luật, không đúng oai nghi, và đeo đuổi những pháp bất thiện, tham dục, ưu sầu, tội ác ở thế gian, làm cho tâm ý dẫy đầy phiền não4, thì trong đời vị lai, chắc chắn phải chịu quả báo đau khổ. Nếu mắt thấy sắc mà không dính mắc, dù nhãn căn có hướng đến nơi nào, cũng thường xuyên giữ đúng luật nghi, thì những pháp bất thiện, tham dục, ưu sầu ở thế gian không gây được phiền não cho tâm ý – các căn nhĩ, tị, thiệt, thân và ý cũng như vậy; như thế gọi là sáu căn được khéo điều phục, khéo đóng lại, khéo bảo vệ, khéo nắm giữ, khéo tu tập, trong đời vị lai, chắc chắn sẽ hưởng được quả báo an vui.
5- Hành giả nên biết một cách xác thật rằng: Nhãn căn duyên sắc cảnh, liền phát sinh nhãn thức; cái cảnh giới đó, giống như người lực sĩ khảy móng tay, chỉ một giây là mất. Bất luận là vừa ý hay không vừa ý, đều phải xả li, sinh tâm xấu hổ, chán ghét điều ác. Khi các căn nhĩ, tị, thiệt, thân và ý duyên với các cảnh thanh, hương, vị, xúc và pháp, cũng giống như vậy. Bất luận là vừa ý hay không vừa ý, đều phải xả li, sinh tâm xấu hổ, chán ghét điều ác; đó là phép tắc của các bậc hiền thánh, hữu hiệu nhất trong việc tu tập các căn.
6- Có vị tì kheo thượng tọa, bảo ông trưởng giả(3) Chất Đa La(4) rằng: “Không phải con mắt trói buộc sắc, cũng không phải sắc trói buộc con mắt; cho đến không phải ý trói buộc pháp, cũng không phải pháp trói buộc ý; mà ở giữa hai thứ căn và cảnh đó, chính cái tâm tham dục đã trói buộc cả hai bên.”
7- Phật dạy: “Con rùa thấy con thú khác đi đến, liền rúc hết sáu bộ phận5 vào vỏ. Con thú không làm gì được nó, bèn bỏ đi. Cũng giống như vậy, hành giả nên bảo vệ sáu căn, không để cho ma chướng có cơ hội khuấy phá.”
CHÚ THÍCH
1. “A Hàm” là tên chung của kinh điển tiểu thừa, dịch là “pháp qui”, nghĩa là vạn pháp đều qui vào đó, không sót một pháp nào; lại dịch là “vô tỉ pháp”. Phân loại có bốn bộ. Tạp A Hàm là một trong bốn bộ đó, do vị cao tăng Ấn-độ là Cầu Na Bạt Đa La dịch từ Phạn văn ra Hán văn vào đời Tống, gồm 50 quyển. Gọi là “tạp” là vì bộ này chứa các bài kinh dài ngắn lộn xộn, chứ không như ba bộ trước.
2. “Như thật” nghĩa là thật tướng chân như. “Biết như thật” tức là biết tướng như thật.
3. “Lậu” là tên gọi khác của phiền não. Các vị hành giả của ba thừa, dùng thánh trí mà đoạn dứt phiền não, gọi là “lậu tận”. Hàng Thanh-văn dứt trừ hết các lậu thì chứng quả A-la-hán.
4. Phiền não hiện hành, làm cho tâm tán loạn mãi không dứt, gọi là “tâm bị lậu”.
5. Con rùa rúc đầu, đuôi và bốn chân vào vỏ, dụ cho hành giả, khi gặp sáu trần vừa ý, thì nên giữ gìn sáu căn, chớ để cho bị mê hoặc.
PHỤ CHÚ
1. A Hàm là dịch âm từ tiếng Phạn “agama”, dịch ra Hán ngữ là pháp qui (nơi vạn pháp qui vào), pháp bản (gốc của vạn pháp), pháp tạng (kho chứa vạn pháp), vô tỉ pháp (giáo pháp không có gì so sánh được), v.v… Tất cả những từ này đều chỉ cho thánh điển, tức những lời dạy của Phật được kết tập và truyền thừa từ sau ngày Phật nhập diệt. Ý nghĩa là vậy, nhưng thông thường, từ “a hàm” này được các nhà Phật học từ trước đến nay dùng để chỉ riêng cho bốn hay năm bộ kinh A Hàm (tức tạng KINH, một trong ba tạng giáo điển) của Phật giáo nguyên thỉ (hay Phật giáo Nam truyền). Hòa thượng Thích Thiện Siêu, trong bản dịch Kinh Trường A Hàm, có dẫn lời giải thích của ngài Tăng Triệu về chữ “A Hàm” như sau: “Kinh A Hàm này là uyên phủ của mọi điều lành, là khu rừng tóm thâu hết thảy, vừa uyên bác vừa bao la, thuyết minh dấu tích của hiền ngu tội phước, phân tách căn do của chân ngụy dị đồng, ghi chép bao nhiêu việc cổ kim thành bại, bao hàm hết cả vạn loại đất trời, đạo từ đây mà ra, pháp từ đây mà tồn tại, ví như biển cả, trăm sông đều dồn về, nên gọi là pháp qui…” Về nội dung, kinh Bát Nê Hoàn cùng các bộ luận như Đại Trí Độ, Du Già Sư Địa,v…, tức các kinh luận Bắc truyền, đều nói hệ A Hàm gồm có bốn bộ kinh: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, và Tạp A Hàm. Trong khi đó, theo kinh điển Nam Truyền (tức thánh điển Pali), thì hệ A Hàm gồm có năm bộ: Trường Bộ Kinh (Dighanikaya), Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikaya), Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikaya), Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikaya), và Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka-nikaya).
Kinh Tạp A Hàm (tiếng Phạn: Samyuktagama) mà tác giả đã trích ra một số đoạn trên đây, là một trong bốn bộ A Hàm thuộc Hán Tạng (Bắc truyền); do ngài Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra, 394-468), vị cao tăng người Trung Ấn-độ (đến Trung-quốc năm 435), dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ, tại chùa Kìhoàn, kinh đô Kiến-khang của triều Lưu-Tống (420-497). Nội dung kinh bao gồm các giáo lí Bốn Sự Thật, Tám Con Đường Chánh, Mười Hai Nhân Duyên, v.v…; dạy cho đủ cả mọi giới như tì kheo, tì kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, chư thiên, v.v…; văn cú dài ngắn xen lộn…, cho nên gọi là “Tạp A Hàm”. Kinh này tương đương với Tương Ưng Bộ Kinh (tiếng Pali: Samyutta-nikaya) của tạng Pali (Nam truyền).
2. Nhị Thập Ức Nhĩ (Sronakotivimsa hoặc Srotravimsa- tikoti), tức Ức Nhĩ La-hán, con của một vị trưởng giả ở nước Y-lạn-noa (Irana-parvata), phía Đông nước Ma-kiệt-đà. Sau khi được Phật cho xuất gia, ông về sống tại thành Xá-vệ. Lúc nào ông cũng ở một mình, tu tập rất tinh cần, sống khắc khổ, ngày đêm không ngủ. Mặc dù hết sức cố gắng, nhưng không thể dứt trừ sạch phiền não, ông chán nản, buồn bực, toan bỏ tu, trở về nhà. Đức Phật biết được, liền gọi ông, hỏi khi còn ở thế tục, ông thích làm gì. Ông trả lời, rất thích gảy đàn. Đức Phật nhân đó mà dạy rằng: Dây đàn nếu căng thẳng thái quá thì tiếng đàn nghe không hay; nếu dùn quá, tiếng đàn nghe cũng không hay. Chỉ khi nào dây đàn căng vừa phải thì tiếng đàn nghe mới hay. Việc tu hành cũng giống như vậy: cố gắng thái quá thì tâm bị nhiễu loạn; cố gắng không đúng mức thì tâm sinh giải đãi. Ông nghe theo lời dạy của Phật mà thay đổi cách thức tu tập, bèn chứng quả A-la-hán. Sau đó tôn giả đi về miền Nam Ấn-độ để hoằng dương Phật pháp, và viên tịch ở vương quốc Cung-kiến-na-bổ-la (Konkana-pura). Tôn giả có tướng quí là dưới bàn chân có lông chân dài hai tấc, cho nên đi không bao giờ đạp đất. Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả được coi là người tinh tấn bậc nhất. Trong kinh Bốn Mươi Hai Chương có ghi sơ lược về câu chuyện trên đây.
3. Trưởng giả: Đây là một thuật ngữ rất thường xuất hiện trong kinh điển Phật giáo, nguyên nó có nghĩa là người chủ nhà hay người cư sĩ; nhưng người Ấn-độ thường dùng nó để chỉ cho những người giàu có, những đại thương gia cự phú. Riêng trong kinh điển Phật giáo, từ “trưởng giả” thường được dùng để chỉ cho hạng người hào phú, lớn tuổi, có trí tuệ, có đạo đức cao trọng trong xã hội. Người Trung-quốc dùng từ “trưởng giả” để gọi những vị cao niên mà có đạo đức. Trong tiếng Việt, từ này cũng có nghĩa giống như trong tiếng Hoa, nhưng thường thì ít ai dùng với ý nghĩa đó, mà với ý nghĩa ngược lại, tức là không cần có đạo đức. Khi nói đến một “nếp sống trưởng giả”, thì có nghĩa, đó là cái nếp sống của một người giàu có nhưng thiếu hiểu biết, thích làm sang, thích làm “kẻ cả”, thích khỏe thân mà không chịu khó.
4. Chất Đa La: Chúng tôi cố gắng tra cứu những tài liệu hiện có trong tay, nhưng không tìm thấy nhân vật “trưởng giả Chất Đa La”. Có lẽ đây là trưởng giả Chất Đa (Citta) ở thành Ma-sư-sơn (Matsikasanda), gần thành Xá-vệ (Savatthi). Một ngày nọ, trưởng giả Chất Đa vào thành Xá-vệ. Nhờ duyên lành, ông được gặp tôn giả Ma Ha Nam (Mahanama). Thấy tôn giả là bậc oai nghi đường đường, liền sinh lòng kính ngưỡng, và phát tâm cúng dường. Sau khi thọ nhận cúng dường, tôn giả vì ông mà thuyết pháp. Nghe xong bài pháp, ông liền chứng quả Dự-lưu (Tu-đà-hoàn), bèn đem cả khu vườn trồng cây ăn trái của mình cúng dường để xây cất tinh xá cho tôn giả Ma Ha Nam.
BÀI TẬP
– Người tại gia nên tu bốn pháp gì để cho đời sau được an vui?
– Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ chưa dứt hết các lậu, trong tâm buồn bực, muốn trở về nhà, đức Phật đã dạy tôn giả những gì?
– Làm thế nào thì trong đời vị lai chắc chắn sẽ chịu quả báo đau khổ? Làm thế nào thì ở đời vị lai chắc chắn sẽ được quả báo an vui?
– Cái gì làm mối liên hệ giữa nhãn căn và sắc cảnh, cho đến ở giữa ý căn và pháp cảnh?
– Phật dạy về việc “con rùa rúc hết sáu bộ phận vào vỏ” là có ngụ ý gì?