Đ a n g t i d l i u . . .

Bài 08: Tông Thiên Thai (Phần 1)

Bài 08: Tông Thiên Thai (Phần 1)

GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 8
TÔNG THIÊN THAI (phần 1)

I. UYÊN NGUYÊN TÔNG THIÊN THAI

Vào thời Bắc-Tề1, thiền sư Tuệ Văn(1) đọc được câu “Tại trong một tâm chứng được ba trí.2 trong Đại Trí Độ Luận; lại đọc được bài kệ “Pháp do nhân duyên sinh, ta nói đó là không, cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo.” trong Trung Luận3, bèn ngộ nhập diệu lí “tức(2) không tức giả tức trung”. Từ đó ngài lập nên pháp môn “một tâm ba phép quán”4, sau truyền cho đệ tử là thiền sư Nam-nhạc Tuệ Tư(3). Ngài Tuệ Tư lại truyền cho đệ tử là Trí Khải5 (4). Ngài Trí Khải hành trì “Pháp hoa tam muội”6 trong 21 ngày thì đại ngộ. Vào năm thứ 7 niên hiệu Kiến-đức của vua Tuyên đế nhà Trần7, ngài vào núi Thiên-thai, chuyên nghiên cứu tông chỉ kinh Pháp Hoa, nói huyền nghĩa kinh Pháp Hoa để nhiếp giáo tướng, diễn rộng văn cú kinh Pháp Hoa để hiểu văn nghĩa, nói luận Ma Ha Chỉ Quán8 để hướng dẫn thực hành quán chiếu, phán định “năm thời tám giáo”(5); rồi khai sáng tông Thiên Thai. Ngoài ra, trước thuật của ngài còn nhiều9, đều do đệ tử của ngài là thiền sư Quán Đảnh10 (6) ghi chép thành sách, lưu hành ở đời. Từ sau đó, dòng truyền thừa rất thịnh, các bậc hiền triết xuất hiện rất nhiều.

II. GIÁO TƯỚNG và QUÁN TÂM

Tông này lấy kinh Pháp Hoa làm kinh điển y chỉ chính thức để kiến lập giáo nghĩa của tông; ngoài ra cũng y cứ vào các kinh luận khác như Kinh Niết Bàn, Kinh Đại Phẩm Bát Nhã11, Luận Đại Trí Độ v.v… Sự phán định về “năm thời tám giáo” của tông này, xin xem lại các bài học trước12, ở đây xin khỏi nói lại. Nay xin nói về ý nghĩa của giáo tướng và quán tâm.

“Giáo tướng” tức là y nơi nghĩa lí của năm thời tám giáo để khai mở trí hiểu biết. “Quán tâm” tức là dùng trí hiểu biết đó quán chiếu trở lại nơi tự tâm. Có trí mà không có quán thì giống như có mắt mà không có chân, dù biết đường mà không thể đi đến đích được. Có quán mà không có trí thì giống như có chân mà không có mắt, dù đi được nhưng chắc chắn sẽ lạc đường, cũng không thể đến đích được. Cho nên hai pháp môn đó phải nương vào nhau mà thực hành, không nên tách rời. Phẩm “Quán Tâm” trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán nói:

“Trong ba cõi lấy tâm làm chủ, người nào có thể quán tâm thì sẽ được giải thoát rốt ráo; người nào không thể quán tâm thì vĩnh viễn bị trói buộc.” Nhân vì vạn pháp duy tâm, tâm sinh thì pháp sinh, cho nên quán tâm quả thật là pháp môn chính yếu để biết gốc đạt nguồn.

III. BA ĐẾ VIÊN DUNG

Đối với vũ trụ vạn hữu, tông này dùng ba đế để thuyết minh. Ba đế là: 1) Không đế: Đây nói về bản thể của vũ trụ. Tự tánh của các pháp là rỗng không vắng lặng, cho nên nói là “không”. 2) Giả đế: Đây nói về tác dụng của nhân duyên. Các hiện tượng thuộc y và chánh báo đều đồng như huyễn hóa, cho nên nói là “giả”. 3) Trung đế: Vì các pháp là không, cho nên sinh tức là không sinh, chẳng phải là giả có; vì các pháp là giả, cho nên không sinh tức là sinh, chẳng phải là thật không; tức giả tức không, tức không tức giả, cho nên nói là “trung”. Đó là cái lí của ba đế.

Ba đế viên dung tức là: Không đế thì phá pháp; giả đế thì lập pháp; trung đế thì tuyệt đãi13. Ở trong không đế có hàm chứa ba nghĩa: cái không để phá có, cái giả để lập không, và cái trung dứt tuyệt sự đối đãi phá lập; cho nên, không đế chẳng phải là cái không cô lập, mà là cái không của ba đế tương tức. Ở trong giả đế có hàm chứa ba nghĩa: cái không để phá không, cái giả để lập có, và cái trung dứt tuyệt sự đối đãi phá lập; cho nên giả đế chẳng phải là cái giả cô lập, mà là cái giả của ba đế tương tức. Ở trong trung đế có hàm chứa ba nghĩa: cái không cùng lúc ngăn che cả không và giả, cái giả cùng lúc chiếu soi cả không và giả, và cái trung dứt tuyệt đối đãi giữa ngăn che và chiếu soi; cho nên trung đế chẳng phải là cái trung cô lập, mà là cái trung của ba đế tương tức. Như vậy, cả ba đế đều dung hợp nhau, đầy đủ trong nhau, không tức là giả, là trung; giả tức là không, là trung; trung tức là không, là giả. Nêu lên một đế tức gồm toàn cả ba đế, toàn ba đế tức là một đế; trong mười pháp giới14, bất cứ một sự vật nào, thể của nó, tướng của nó, đều đầy đủ ba đế. Quán chiếu như thế, gọi là phép quán “ba đế viên dung”.

 

CHÚ THÍCH

1. Vào thời đại Nam-Bắc-triều, ở Bắc phương, Cao Dương được nhà Đông-Ngụy nhường ngôi, đổi quốc hiệu là Tề, sử gọi là nhà Bắc-Tề, truyền nối được 5 đời vua, kéo dài 28 năm, rồi bị nhà Bắc-Chu diệt.

2. Trí tuệ của hàng Thanh-văn và Duyên-giác thấy rõ tổng tướng của các pháp là không, gọi là “nhất thiết trí”. Trí tuệ của hàng Bồ-tát thấy rõ mọi loại đạo pháp sai khác, gọi là “đạo chủng trí”. Trí tuệ của Phật sáng tỏ toàn vẹn, thấy rõ thông suốt tướng chung, tướng riêng, hóa đạo, đoạn hoặc, tất cả mọi pháp, gọi là “nhất thiết chủng trí”. Đó là “ba trí”. (Xin xem Luận Đại Trí Độ.)

3. Tức Trung Quán Luận, gồm 4 quyển, do Bồ-tát Long Thọ soạn, là một trong Ba Bộ Luận. Nội dung của nó phá không, phá giả, chủ trương trung đạo; nhưng nếu lại chấp vào trung đạo thì cũng bị phá luôn, đi đến chỗ không có gì để đắc, rất phù hợp với tư tưởng “bát nhã”.

4. Đó là phép quán chiếu viên giáo của tông Thiên Thai, do đại sư Trí Giả thành lập. (Xin xem bài học sau.)

5. Đại sư ở núi Thiên-thai tên Trí Khải,, là tổ đời thứ ba của tông Thiên Thai.

6. Diệu lí tam đế viên dung hiện bày trước mắt, vô minh từng làm chướng ngại trung đạo bị tiêu diệt, thu nhiếp tất cả pháp qui về thật tướng, gọi là “Pháp hoa tam muội”.

7. Trần Bá Tiên được nhà Lương nhường ngôi, đổi quốc hiệu là Trần, truyền nối được 5 đời vua, kéo dài 32 năm thì bị nhà Tùy diệt.

8. Là một trong “Thiên Thai tam đại bộ”, do đại sư Trí Khải nói, nhằm trình bày cương yếu của phép quán tâm.

9. Còn có các trước thuật khác như Tứ Giáo Nghi, Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn, Quán Âm Kinh Sớ, Kim Quang Minh Kinh Sớ, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ v.v…

10. Ngài tên Quán Đảnh, tự Pháp Vân, người Chương-an, là pháp tự của đại sư Thiên Thai.

11. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã tức kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật do ngài Cưu Ma La Thập dịch, gồm 27 quyển.

12. Về “năm thời”, xin xem trong khóa văn bài 3, sách Giáo Bản Sơ Cấp; về “bốn giáo hóa pháp”, xin xem lại chú thích số 10 của bài 3, sách Giáo Bản Sơ Cấp; về “bốn giáo hóa nghi”, xin xem trong khóa văn bài 27, sách Giáo Bản Trung Cấp.

13. Chữ “đãi” tức là đối đãi, là hai bên cùng đứng đối lập nhau, như đen và trắng, lớn và nhỏ, thiện và ác v.v… Tuyệt đãi là chân như bình đẳng, không pháp gì có thể đắc, cho nên dứt tuyệt mọi đối đãi, nói tắt là “tuyệt đãi”.

14. Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, Thiên, Nhân, A-tu-la, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, Địa-ngục, đó là mười pháp giới. Mười phương ba đời, tất cả những loài có linh tánh đều không ngoài mười pháp giới ấy.

 

PHỤ CHÚ

(01) Tuệ Văn (? – ?): Ngài họ Cao, quê ở Bột-hải, thuộc lãnh thổ Bắc-triều (386-581), năm sinh năm mất không rõ, chỉ biết ngài hành đạo trong khoảng thời gian từ năm 535 (đời Đông-Ngụy) cho đến năm 557 (đời Bắc-Tề). Ngài xuất gia học đạo từ tuổi nhỏ, thông minh khác thường, tu học chuyên cần, suy nghĩ sâu xa; bền chí như thế cho đến tuổi trưởng thành. Một hôm ngài đọc luận Đại Trí Độ, đến quyển 27 thì bỗng nhiên đại ngộ, chứng nhập diệu lí “một tâm ba trí”. Sau đó ngài đọc luận Trung Quán, đến phẩm “Tứ Đế”, thấy bài kệ “Pháp do nhân duyên sinh, ta nói đó là không, cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo.”, ngài liền đốn ngộ diệu nghĩa “không và hữu không phải hai, tức trung đạo”. Ngài liền nương theo ý chỉ của Bồ-tát Long Thọ mà xây dựng tông phong, du hóa khắp vùng Giang-Hoài, hoằng dương đại thừa, qui tụ đồ chúng có đến ngàn người, được người đời xưng là Bắc Tề tôn giả. Về sau ngài đem phép quán tâm truyền thọ cho đệ tử là thiền sư Nam-nhạc Tuệ Tư (515-577).

(02) Tức: Hai vật dung hợp nhau làm thành một thể. Khi đã là một thể thì hai vật ấy không phải là hai và không rời nhau; hai vật ấy chính là hai mặt của một thực tại, không thể tách rời nhau. Đó gọi là “tức”, cũng gọi là “tương tức” (tức là nhau).

Ngài Cát Tạng (549-623) giải thích chữ “tức” có hai nghĩa: 1) biểu thị mối liên hệ “không hai” của hai sự vật đã dung hợp nhau hoàn toàn thành một thể; 2) biểu thị mối liên hệ “không tách rời nhau” của hai sự vật đã dung hợp nhau hoàn toàn thành  một thể.

Trong giáo học của tông Thiên Thai, ý nghĩa chữ “tức” được phân làm ba loại: 1) “Tức” của hai sự vật dung hợp nhau: hai sự vật không giống nhau nhưng dung hợp làm một mà không rời nhau; có nghĩa, tính chất bất đồng của mỗi sự vật vẫn tồn tại, nhưng mối quan hệ hỗ tương của chúng thì không thể tách rời. 2) “Tức” của hai mặt xoay lưng nhau: Trên mặt hiện tượng, hình tướng hai mặt của một bàn tay, tuy trong ngoài (hay trên dưới, trái phải) khác nhau, nhưng thực tế đồng là một bàn tay; có nghĩa, trên mặt hiện tượng thì hình tướng của chúng là bất đồng, nhưng trên mặt bản chất thì thể tánh của chúng là một. 3) “Tức” của một toàn thể: như trái hồng chát chuyển biến dần trở thành hồng ngọt, tuy chát và ngọt khác nhau nhưng sự thật là chỉ một trái hồng; có nghĩa, mới nhìn thì thấy như hai vật khác nhau, nhưng sự thực tự thể của chúng chỉ là một – hai mà là một.

Về mối quan hệ giữa Phật và chúng sinh, giáo lí tông Thiên Thai nói rằng, đứng trên bản thể mà nói, thì Phật và chúng sinh bình đẳng, không sai khác; đứng trên giai vị tu hành mà nói, thì Phật và chúng sinh có sai khác. Do nhận định đó, tông này đã lập nên thuyết “lục tức”, cũng gọi là “lục tức Phật” (xin xem lại chú thích số 15, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 13, 14 và 15”, sách GKPH II, q. thượng).

Tông Hoa Nghiêm có thuyết “tương tức tương nhập”, nói rõ rằng, sự sự vật vật trong thế giới hiện tượng, về thể thì tất cả cùng dung hợp nhau thành một thể, gọi là “tương tức” (tức là nhau); về dụng thì chúng tác dụng lẫn nhau một cách dung thông vô ngại, gọi là “tương nhập” (nhập vào nhau, ở trong nhau); ngay nơi bản thể tức là sự biểu hiện của thế giới tuyệt đối, gọi là “tương tức tương nhập”. Từ giáo nghĩa đó, tông này còn lập các thuyết tương tự như “một là tất cả, tất cả là một” (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất), “một là mười, mười là một” (nhất tức thập, thập tức nhất), “một là nhiều, nhiều là một” (nhất tức đa, đa tức nhất).

Mật tông cũng chủ trương thuyết “tức thân thành Phật”.

(03) Tuệ Tư: (Xin xem lại chú thích số 5, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

(04) Trí Khải: (Xin xem lại chú thích số 6 trong bài và sách vừa dẫn.)

(05) Năm thời tám giáo (ngũ thời bát giáo): Đây là cách phán giáo của đại sư Trí Khải, làm cơ sở giáo học cho tông Thiên Thai.

A. NĂM THỜI (ngũ thời): Thánh điển Phật giáo mà đức Thích Tôn đã giảng nói trong suốt cuộc đời hóa độ, ngài Trí Khải đã theo thuận tự thời gian mà phân định làm năm thời kì như sau:

1) Thời Hoa-nghiêm: chỉ cho khoảng thời gian 21 ngày đầu tiên sau ngày thành đạo, ngay tại Bồ-đề đạo tràng, đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, nội dung cao sâu huyền diệu, thính chúng gồm toàn chư vị đại Bồ-tát. Kinh Hoa Nghiêm gồm có hai phần rõ rệt: phần đầu và phần sau. Phần đầu là phần Phật nói trong thời Hoa-nghiêm này. Đó là trí tuệ Phật, là cảnh giới nội chứng mà đức Thích Tôn vừa thành tựu viên mãn, liền đem giảng nói ngay. Bởi vậy trong thời pháp này chưa có thính chúng thuộc hàng Thanh-văn, mà chỉ toàn là hàng Bồ-tát pháp thân. Về sau, tại rừng Thệ-đa (tức vườn Cấp-cô-độc, thành Xá-vệ), đức Phật nói phần sau của kinh Hoa Nghiêm (tức phẩm “Nhập Pháp Giới”), mới có chúng Thanh-văn tham dự. Với đặc điểm như vừa nói, thời Hoa-nghiêm cũng được gọi là thời “Nhật chiếu cao sơn” (mặt trời mới lên, soi sáng những ngọn núi cao trước nhất). Thời Hoa-nghiêm cũng là thời pháp mà đức Phật muốn thử nghiệm xem giáo pháp của Ngài có thích hợp với căn cơ chúng sinh hay không, cho nên cũng được gọi là thời “Nghĩ nghi”. Trong kinh điển đức Phật thường đem năm vị của sữa để ví dụ cho tính chất cao thấp của các pháp môn. Đại sư Trí Khải cũng áp dụng, đem năm vị sữa ấy mà ví dụ cho thuận tự của năm thời giáo; theo đó, thời Hoa-nghiêm được ví như “nhũ vị” (vị sữa tươi nguyên chất mới vừa được vắt ra khỏi thân con bò).

2) Thời Lộc-uyển (Lộc-uyển thời): chỉ cho khoảng thời gian 12 năm sau ngày thành đạo. Trong suốt khoảng thời gian này, đức Phật đã du hóa khắp trên 16 nước lớn (của Ấn-độ lúc bấy giờ), nói bốn bộ kinh A Hàm là loại giáo pháp tiểu thừa, hóa độ cho chúng sinh căn cơ yếu kém. Khởi đầu cho thời kì này là bài pháp Tứ Đế Phật nói đầu tiên tại vườn Lộc-uyển, cho nên gọi là thời “Lộc-uyển”. Kinh điển chính yếu Phật nói trong thời kì này là bốn bộ A Hàm, cho nên cũng được gọi là thời “A-hàm”. Giáo pháp trong thời kì này chỉ dành cho người có căn cơ thấp kém, giống như mặt trời đã lên hơi cao, soi sáng tới những hang tối nơi sườn núi, cho nên cũng được gọi là thời “Nhật chiếu u cốc”. Về ý nghĩa giáo hóa, đức Phật chọn những người căn cơ thấp kém làm đối tượng giáo hóa, để từ đó dần dần hướng dẫn họ tiến lên đạo Nhất-thừa, cho nên thời kì này cũng được gọi là thời “Dụ dẫn”. Về thuận tự giáo hóa, thời Lộcuyển này được ví như “lạc vị” (vị sữa đặc được chế biến từ sữa tươi).

3) Thời Phương-đẳng (Phương-đẳng thời): chỉ cho khoảng thời gian 8 năm sau thời Lộc-uyển. Trong thời kì này Phật nói các kinh điển đại thừa như Duy Ma Cật, Thắng Man, Tư Ích v…, được coi như buổi đầu của con đường hoằng dương giáo pháp đại thừa, cho nên gọi là thời “Phương-đẳng”. Nội dung của giáo pháp trong thời kì này nhằm đả phá những kiến chấp thiên lệch, những quả vị chứng đắc thấp kém ở thời Lộc-uyển trước; đồng thời đề cao giáo pháp cao sâu mầu nhiệm đại thừa, nhằm khai mở trí tuệ lớn cho hàng tiểu thừa, khuyến khích họ từ bỏ cái địa vị thấp kém để tiến lên đạo quả cao thượng. Vì vậy, thời kì này cũng được gọi là “Đàn ha thời” (trách cứ tiểu thừa). Thời kì này cũng giống như mặt trời đã lên khá cao, chiếu sáng tới những nơi đất bằng, cho nên được gọi là thời “Nhật chiếu bình địa”. Về thuận tự giáo hóa, thời kì này được ví như “sinh tô vị” (vị kem được chế biến từ sữa đặc).

4) Thời Bát-nhã (Bát-nhã thời): chỉ cho khoảng thời gian 22 năm sau thời Phương-đẳng. Trong thời kì này đức Phật nói kinh hệ Bát Nhã, xiển dương giáo nghĩa vạn pháp đều không, nhằm đào thải các tư tưởng thiên chấp, phân biệt về đại thừa, tiểu thừa; dung hợp tiểu thừa và đại thừa thành “một vị”, cho nên cũng được gọi là “Đào-thải thời”. Thời Bát-nhã này giống như lúc mặt trời ở vào giờ Tị (10 giờ trưa), cho nên cũng được tông Thiên Thai gọi là “Ngung trung thời”; và đối với thuận tự giáo hóa, nó được ví như “thục tô vị” (vị được chế biến từ kem).

5) Thời Pháp-hoa Niết-bàn (Pháp-hoa Niết-bàn thời): chỉ cho khoảng thời gian 8 năm sau thời Bát-nhã và trước giờ phút Phật nhập diệt. Giáo pháp Phật nói trong thời kì này thuộc loại liễu nghĩa thượng thừa, khiến cho người nghe có được năng lực tiến đến cảnh giới tối cao, chứng nhập tri kiến Phật; đó là giáo pháp Nhất-thừa, giáo pháp tuyệt đỉnh, giống như mặt trời ở vào giờ Ngọ (giữa trưa), cho nên cũng được gọi là thời “Nhật luân đương Ngọ”. Về thuận tự giáo hóa, thời kì này được ví như “đề hồ vị” (vị phó-mát được chế biến từ bơ, ngon nhất, bổ nhất trong năm vị của sữa).

Năm thời kì thuyết giáo như trên, cộng lại cả thảy là 50 năm. Đó là chiếu theo thuyết cũ về niên đại của đức Phật: 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo, 80 tuổi nhập diệt; theo đó, thời gian giáo hóa độ sinh của Phật là 50 năm.

B. TÁM GIÁO (bát giáo): Theo thuận tự thời gian giáo hóa của đức Phật, đại sư Trí Khải đã phân định thành “năm thời giáo” như vừa trình bày trên. Đại sư cũng đã khảo sát các phương pháp giáo hóa chúng sinh của đức Phật mà phân định thành “bốn giáo hóa nghi” (hóa nghi tứ giáo); lại nghiên cứu sâu rộng nội dung giáo lí mà đức Phật đã diễn nói nhằm thích ứng từng căn cơ của chúng sinh, mà phân định thành “bốn giáo hóa pháp” (hóa pháp tứ giáo). Gộp cả hai phương diện đó, gọi là “tám giáo” (bát giáo).

a) Bốn Giáo Hóa Nghi:

1) Đốn giáo: Buổi ban sơ, ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã đem ngay phương pháp nội chứng của Ngài chỉ dạy trực tiếp cho đại chúng; tương đương với những lời dạy trong kinh Hoa Nghiêm.

2) Tiệm giáo: Đức Phật dùng phương pháp dạy tuần tự, với nội dung giáo lí từ thô cạn tiến dần đến chỗ sâu xa; tương đương với các kinh hệ A Hàm (lúc đầu), Phương Đẳng (lúc giữa) và Bát Nhã (lúc cuối).

3) Bí mật giáo: Đức Phật đáp ứng từng căn cơ, năng lực bất đồng của chúng sinh mà giáo hóa một cách cá biệt, người này không thể biết được người kia được Phật dạy cho điều gì, người kia cũng không thể biết được người này được Phật dạy cho điều gì.

4) Bất định giáo: Thính chúng đông đảo cùng ngồi nghe một thời pháp, nhưng căn cơ và năng lực mỗi người không giống nhau, cho nên cùng một lời dạy của đức Phật mà mỗi người thể hội giáo pháp khác nhau, không nhất định.

b) Bốn Giáo Hóa Pháp:

1) Tạng giáo: tức Tam tạng (Kinh, Luật, Luận) giáo, là giáo pháp tiểu thừa. Đó là kinh hệ A Hàm, giáo pháp dạy cho hành giả ở cả ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát độn căn), nói pháp tứ đế sinh diệt, hiểu rõ nguyên lí không của vạn pháp, rồi quán chiếu lí không ấy, đoạn tận kiến tư hoặc, mà nhập vô dư niết bàn.

2) Thông giáo: Đây là giáo pháp đại thừa thuộc kinh hệ Bát Nhã, nghĩa lí thông cả đại tiểu thừa, bao quát cả sâu cạn, kín rõ; quán thể tánh của tứ đế vốn không, không sinh không diệt, mà nhập vô dư niết bàn.

3) Biệt giáo: chỉ cho các kinh điển đại thừa khác, nói riêng cho hàng Bồ-tát lợi căn về nghĩa lí vô lượng tứ đế, dùng ba phép quán thứ đệ (không, giả, trung) để diệt trừ ba thứ hoặc (kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc), chứng ngộ diệu lí trung đạo.

4) Viên giáo: chỉ cho giáo nghĩa kinh Pháp Hoa, cũng tức là giáo pháp vô tác tứ đế, nói cho hàng đại Bồ-tát, dùng ba phép quán viên dung (tức không, tức giả, tức trung) để diệt trừ ba thứ hoặc (kiến tư, trần sa, vô minh), chứng nhập viên giáo trung đạo.

(06) Quán Đảnh (561-632): là vị cao tăng đời Tùy. Ngài họ Ngô, tự là Pháp Vân, người huyện Chươngan (Lâm-hải), tỉnh Triết-giang, cho nên người đời thường gọi ngài là Chương An đại sư. Năm lên 7 tuổi, ngài xuất gia với đại sư Tuệ Chửng ở chùa Nhiếp-tĩnh, 20 tuổi thọ giới cụ túc. Sau khi đại sư Tuệ Chửng viên tịch, ngài vào núi Thiên-thai yết kiến đại sư Trí Khải ở chùa Tu-thiền, tu tập theo pháp môn giáo quán của tông Thiên Thai. Từ đó ngài luôn theo hầu cận đại sư Trí Khải. Năm 597 (triều đại nhà Tùy) đại sư Trí Khải viên tịch, ngài phụng thừa sự nghiệp của Thầy. Vào những năm cuối đời, ngài trú tại tinh xá Xứng-tâm ở Cối-kê, chuyên giảng thuyết kinh Pháp Hoa. Năm 72 tuổi ngài viên tịch, thụy hiệu là Tổng Trì tôn giả. Ngài là người có trí hiểu biết và biện tài tuyệt luân, có năng lực lãnh thọ và gìn giữ tất cả di giáo của đại sư Trí Khải, như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quánv… Ngài đã thu tập, ghi chép lại tất cả các trước thuật của đại sư Trí Khải, làm thành nhiều bộ sách, lớn nhỏ gồm hơn trăm quyển, lưu truyền ở đời. Tất cả các tác phẩm của đại sư Trí Khải còn lưu hành cho đến ngày nay là hoàn toàn nhờ vào công sức của ngài. Ngài được hậu thế tôn xưng là tổ thứ năm của tông Thiên Thai Trung-quốc. Trước tác của ngài hiện còn gồm có: Đại Bát Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa, Đại Bát Niết Bàn Kinh Sớ, Quán Tâm Luận Sớ, Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý, Tùy Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Biệt Truyện, Quốc Thanh Bách Lục; ngoài ra còn có hai tác phẩm đã bị thất truyền: Nhân Vương Kinh Tư Kí Nhân Vương Kinh Sớ.

 

BÀI TẬP

1) Hãy chép lại bài kệ trong Trung Luận, nhờ đó mà thiền sư Tuệ Văn đã chứng ngộ.

2) Những kinh luận nào làm chỗ y cứ cho tông Thiên Thai?

3) Thế nào là trí và quán phải nương nhau mà thực hành, không nên tách rời? Hãy lấy một ví dụ cho dễ hiểu.

4) Phẩm “Quán Tâm” trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán đã nêu rõ tính cách trọng yếu của pháp quán tâm như thế nào?

5) Sao gọi là ba đế? Nghĩa lí của ba đế là gì?

6) Hãy giải thích hai từ “đối đãi” và “tuyệt đãi”.

7) Trong giáo thuyết “ba đế viên dung”, vì sao trung đế chẳng phải là cái trung cô lập, mà là cái trung ba đế tương tức?

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận