GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 7
TÔNG HOA NGHIÊM (phần 4)
VIII. SÁU TƯỚNG VIÊN DUNG(1)
Tông Hoa Nghiêm này cũng còn phân tích tướng trạng của pháp giới duyên khởi, sự sự vô ngại, mà thành lập giáo nghĩa “sáu tướng”; đó là: 1) Tổng tướng, nghĩa là một hạt bụi gồm chứa vạn pháp; ví như tập hợp các thứ ngói, gạch, gỗ, đá v.v… để dựng thành một căn nhà, đó gọi là tổng tướng. 2) Biệt tướng, nghĩa là vạn pháp có sắc, tâm, lí, sự v.v… khác nhau; ví như các thứ ngói, gạch, gỗ, đá v.v… trong một căn nhà, thể tánh của mỗi thứ đều khác nhau, gọi là biệt tướng. Hai tướng tổng và biệt này là đứng về thể mà nói. 3) Đồng tướng, nghĩa là vạn pháp tuy khác nhau nhưng có thể dung hợp nhau, tức thành một thể; ví như các thứ ngói, gạch, gỗ, đá v.v… có thể hòa hợp cùng nhau để làm thành căn nhà, đó gọi là đồng tướng. 4) Dị tướng, nghĩa là các pháp tuy dung hợp nhau làm một, nhưng bản chất khác nhau của từng pháp vẫn không mất; ví như ngói, gạch, gỗ, đá, hình loại và công dụng của chúng đều không đồng nhau, đó gọi là dị tướng. Hai tướng đồng và dị này là đứng về tướng mà nói. 5) Thành tướng, nghĩa là các pháp tuy khác nhau, nhưng nhân vì có thể dung hợp nhau, cho nên chúng làm thành nhau mà thành một thể; ví như các thứ ngói, gạch, gỗ, đá đều có tính chất làm thành nhau, mới kiến lập làm thể, đó gọi là thành tướng. 6) Hoại tướng, nghĩa là các pháp tuy có thể dung hợp nhau để làm thành một thể, nhưng nếu mỗi pháp cứ ở riêng vị trí của nó, thì vẫn bày ra cái tướng riêng của mỗi pháp, mà không thể làm nên một căn nhà; ví như các thứ ngói, gạch, gỗ, đá, đem mỗi thứ về vị trí riêng của chúng, không hợp tác, thì nhà cửa phòng ốc gì cũng không có, đó gọi là hoại tướng. Hai tướng thành và hoại này là đứng về dụng(2) mà nói.
Trong sáu tướng trên, ba tướng tổng, đồng và thành thì chủ về hợp, thuộc viên dung môn1; còn ba tướng biệt, dị và hoại thì chủ về phân, thuộc hàng bố môn2.
Nhưng sáu tướng này, nếu lìa tổng thì không có biệt; lìa đồng thì không có dị; lìa thành thì không có hoại; đều hàm hai ý nghĩa không sai khác và sai khác. Hai ý nghĩa đó dung thông vô ngại, thì cái diệu dụng duyên khởi vô tận đều đã có đầy đủ trong đó; xin trình bày trong đồ biểu sau đây:
IX. HÀNH VỊ(3)
Về giai vị và thời gian tu hành, theo giáo lí viên giáo, tông này minh định có hai thuyết: hàng bố môn và viên dung môn(4). Đứng về hàng bố môn mà nói, thì có thuyết “ba đời chứng đạo”(5). Ba đời là: Một, đời kiến văn, tức là ở đời quá khứ đã từng nghe diệu pháp Nhất-thừa, nhân đó mà trồng căn lành giải thoát, đó là địa vị phàm phu. Hai, đời giải hành, tức là trong đời hiện tại có kiến giải viên thông3, tu viên hạnh4; từ các cấp Mười-tín, Mười-trụ, Mười-hạnh, Mười-hồi-hướng, cho đến cấp Mười-địa, đều thuộc trong địa vị này, đó là địa vị thánh nhân. Ba, đời chứng nhập, tức là trong đời vị lai sẽ chứng nhập địa vị Diệu-giác, nghĩa là quả vị Phật. Ở trong ba đời này, thì trong đời kiến văn hoàn toàn không có đoạn, cũng không có chứng5; trong đời giải hành thì tuần tự có đoạn, có chứng; trong đời chứng nhập thì một đoạn tức tất cả đoạn, một chứng tức tất cả chứng. Cho nên có thể biết, khi thành Phật, tuy là chứng nhập vô ngại, nhưng nếu nhìn suốt từ đời quá khứ thì vẫn phải trải qua thời gian tuần tự tu tập và tuần tự đoạn hoặc; đó là thuyết tu hành chứng quả theo “hàng bố môn”.
Đứng về viên dung môn mà nói, do nơi thể mà luận thì tự tánh pháp thân nguyên là thanh tịnh, cho nên nói không đoạn mà đoạn, không chứng mà chứng. Do nơi dụng mà luận thì sự sự vô ngại, chủ bạn đầy đủ(6), cho nên nói một đoạn tất cả đoạn, một chứng tất cả chứng. Do nơi hành vị mà luận thì tất cả hạnh tức là nhau, tất cả giai vị ở trong nhau, nhân quả không hai, giác hạnh viên mãn liền thành Phật. Do nơi thời gian mà luận, thì một niệm tức là nhiều kiếp, nhiều kiếp tức là một niệm, niệm và kiếp viên dung, dài và ngắn ở trong nhau; đó là thuyết tu hành chứng quả theo “viên dung môn”.
Ở trên vừa đề cập tới hành vị, hàng bố không trở ngại viên dung, viên dung không trở ngại hàng bố, một niệm không ngăn trở ba kì6, ba kì tức là một niệm; tuy nói có hai môn hàng bố và viên dung, tu hành chứng quả tiệm đốn không đồng, nhưng cũng là vô ngại nhau, tức là nhau, ở trong nhau; đó là giáo thuyết về hành vị của tông này.
CHÚ THÍCH
1. Về giai vị tu hành của hàng Bồ-tát, cứ theo chỗ phân tích của tông Hoa Nghiêm thì có hai môn: 1) Lúc đầu và lúc sau tức là nhau, gọi là “viên dung môn”, hay “viên dung tương nhiếp môn”, nghĩa là trong một địa vị đã hàm nhiếp tất cả các địa vị trước sau; cho nên khi tu viên mãn một địa vị nào cũng đều đạt đến quả Phật. 2) Lúc đầu và lúc sau phân cách nhau, gọi là “hàng bố môn”, hay “thứ đệ hàng bố môn”, nghĩa là phải tuần tự trải qua các cấp Mười-tín, Mười-trụ, Mười-hạnh, Mười-hồi-hướng, Mườiđịa, khi nào tu viên mãn cấp sau cùng thì mới đạt được quả Phật.
2. Xem chú thích số 1 ở trên.
3. Trí tuệ vi diệu chứng được chân lí là “viên”, “viên giải” là kiến gỉải viên thông, tức là trí tuệ giác ngộ cùng khắp, liễu giải thông suốt pháp tánh.
4. Viên hạnh tức pháp hạnh viên giáo, nghĩa là một hạnh tức tất cả hạnh.
5. “Đoạn” tức là đoạn phiền não; “chứng” tức là chứng nhập chân lí.
6. Bồ-tát tu hành phải trải qua ba đại a-tăng-kì kiếp mới thành Phật, nói tắt là “ba kì”. A-tăng-kì là số lượng rất lớn, cho nên được dịch là “vô ương số”.
PHỤ CHÚ
(01) Sáu tướng viên dung (lục tướng viên dung): cũng gọi là sáu tướng duyên khởi (lục tướng duyên khởi), chỉ cho sáu tướng trạng của các pháp hoàn toàn dung thông nhau, không hề làm chướng ngại nhau. “Viên dung” là một thuật ngữ Phật học, có nghĩa là viên mãn, dung thông, không chướng ngại, tức là vạn pháp trong vũ trụ, mỗi pháp đều giữ đặc tính riêng biệt của nó, nhưng lại dung nhiếp lẫn nhau, không một mảy may mâu thuẫn, xung đột nhau. Lại nữa, bất cứ một pháp nào trong thế gian cũng có đầy đủ sáu tướng: chung (tổng), riêng (biệt), giống (đồng), khác (dị), làm thành (thành), và không làm thành (hoại), như trong phần đầu của bài học trên đã nói rõ. Với cái nhìn của con mắt phàm phu thì sáu tướng này khác biệt nhau, cách lìa nhau, nhưng với con mắt của bậc chứng đạo, nhìn sâu vào thể tánh, thì sáu tướng đó chỉ là một thể viên dung.
(02) Thể tướng dụng: được gọi là “ba đại” (tam đại), tức là ba phương diện rộng lớn, vô hạn của vạn pháp. Theo lập thuyết của luận Đại Thừa Khở Tín, thể tánh của vạn pháp gọi là “chân như”. Thể tánh này bình đẳng, thường hằng bất biến, không sinh không diệt, trùm khắp pháp giới; đó là THỂ của chân như. Cái thể tánh chân như ấy có đầy đủ vô lượng đức tướng như đại từ bi, đại trí tuệ, thường, lạc, ngã, tịnh, ánh sáng chiếu soi cùng khắp v.v…; đó là TƯỚNG của chân như. Thể tánh chân như ấy có công năng làm phát sinh tất cả nhân thiện và quả thiện thuộc trong thế gian và cả xuất thế gian; đó là DỤNG của chân như.
(03) Hành vị: tức là hành và vị. “Hành” là y theo giáo pháp mà tu hành; “vị” là do nơi công phu tu hành mà đạt được quả vị.
(04) Viên dung môn – hàng bố môn: là hai pháp môn do tông Hoa Nghiêm thành lập nhằm thuyết minh về giai vị mà hàng Bồ-tát tu hành đạt đến quả Phật. “Viên dung” nghĩa là đầy đủ trọn vẹn, thông suốt, không phân biệt, không chướng ngại. “Viên dung môn” nói đủ là “viên dung tương nhiếp môn”, tức là trong một địa vị đã gồm đủ tất cả địa vị, dù đó là địa vị thấp nhất hay cao nhất. Ở pháp môn này, trường hợp một vị Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, thì ngay nơi lúc phát tâm tu hành là tức thì thành Phật, mà không cần phải trải qua kiếp này kiếp nọ. Giới tu học Phật thường nghe câu nói: “Tức thân thành Phật”, chính là trường hợp này. Đối lại là “hàng bố môn”, nói đủ là “thứ đệ hàng bố môn”, tức là có nhiều giai vị khác nhau từ thấp lên cao. Chữ “hàng bố” nghĩa là bài trí thành hàng có thứ tự trước sau. Ở pháp môn này, trường hợp hàng Bồ-tát phàm phu, căn tánh thấp kém, phải tu hành tiến lên từ từ từng địa vị. Hàng Bồ-tát này, từ lúc phát tâm tu hành cho đến khi thành Phật, phải tuần tự tu hành trải qua 52 địa vị từ thấp lên cao (gồm có 10 bậc Tín, 10 bậc Trụ, 10 bậc Hạnh, 10 bậc Hồi-hướng, 10 bậc Địa, bậc Đẳng-giác, và bậc Diệu-giác). – Có người đọc pháp môn này là “hành bố môn”, nhưng ở đây, chữ “行” đọc là “hành” thì ý nghĩa không chính xác. “Hành” nghĩa là đi, làm, hành động, tu hành; còn “hàng” nghĩa là hàng lối, xếp thành hàng có thứ tự trước sau. Vì vậy, đọc là “hàng bố môn” thì ý nghĩa chính xác hơn.
(05) Ba đời chứng đạo (tam sinh chứng đạo): Thuyết “ba đời chứng đạo” như tác giả trình bày trong bài học trên, cũng tức là thuyết “ba đời thành Phật” (tam sinh thành Phật) do ngài Trí Nghiễm (602668), tổ thứ hai của tông Hoa Nghiêm, đề xướng đầu tiên, và sau đó được ngài Pháp Tạng (613-712), tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm, tập đại thành (nhưng tác giả trình bày có khác chút ít). Thuyết này chủ trương hành giả tu tập trải qua ba đời có thể thành Phật. Ba đời gồm có:
1) Đời kiến văn (kiến văn sinh), cũng gọi là “kiến văn vị”: Hành giả quán chiếu thấy được ba ngôi báu Phật Pháp Tăng, các bậc thiện hữu tri thức, cùng kinh điển trong cảnh giới Hoa-nghiêm biệt giáo Nhất-thừa, được nghe giáo pháp do đức Như Lai nói và những lời dạy dỗ của Tăng bảo cùng thiện hữu tri thức, huân tập thành chủng tử vô tận, thành tựu được một phần thiện căn giải thoát.
2) Đời giải hành (giải hành sinh), cũng gọi là “giải hành vị”: Đã thấy nghe cảnh giới Nhất-thừa, do pháp lực đã được huân tập đó mà xả bỏ được mọi phiền não hệ lụy, có được kiến giải và tu hành các pháp môn, đạt được sức hiểu biết thù thắng về pháp giới Nhất-thừa, thành tựu viên mãn các công hạnh tự mình đã tu hành.
3) Đời chứng nhập (chứng nhập sinh), cũng gọi là “chứng nhập vị”: Giải và hành đã viên mãn, hành giả chứng được quả Phật, tức thành tựu quả vị nhiệm mầu, viên mãn cùng cực.
Mặt khác, trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao, ngài Trừng Quán (738-839), tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm, có nêu một cách giải thích khác về thuyết “ba đời chứng đạo”:
1) Đời kiến văn (kiến văn sinh): Chúng sinh trong đời trước từng được thấy nghe giáo pháp kinh Hoa Nghiêm, nhưng đã không tin nhận, lại còn sinh tâm hủy báng, cho nên đời này phải chiêu cảm quả báo “tám nạn”, đọa vào địa ngục đau khổ cùng cực; sau nhờ được đức Như Lai dùng ánh sáng thanh tịnh chiếu soi, do đã có hạt giống lành thấy nghe kinh Hoa Nghiêm ở đời trước, liền được thoát khỏi cảnh khổ địa ngục, sinh lên cõi trời Đâu-suất tu hành thành đạo, và ngay trong đời đó vượt lên bậc Thập-địa.
2) Đời giải hành (giải hành sinh): Thiện Tài đồng tử ban đầu gặp đức Bồ-tát Văn Thù ở phía Đông Phúc-thành, mong nhờ khai mở tâm trí mà tin hiểu Phật pháp. Rồi vâng theo lời dạy của đức Bồ-tát, Thiện Tài đã đi khắp nơi để xin học hỏi Phật pháp với chư vị thiện tri thức, ở đâu cũng được khai thị pháp môn tu hành. Cuối cùng, Thiện Tài được tham kiến đức Bồ-tát Phổ Hiền, được hội nhập hạnh nguyện rộng lớn để tu hành hạnh Bồ-tát, viên mãn đạo quả Giác ngộ cao tột của chư Phật. Như thế là chỉ trong một đời mà cả trí tuệ (giải) và công phu tu hành (hành) đều đạt đến chỗ viên mãn.
3) Đời chứng nhập (chứng nhập sinh): Tôn giả Xá Lợi Phất ở nơi rừng Thệ-đa (tu viện Kì-viên, thành Xá-vệ), đã khiến cho sáu ngàn vị tì kheo quán sát công đức vô lượng, đầy đủ trang nghiêm của Bồtát Văn Thù. Nhờ đó mà sáu ngàn vị tì kheo kia có được tâm ý thanh tịnh, lòng tin hiểu kiên cố, liền đảnh lễ đức Văn Thù, nguyện có được thân tướng tốt đẹp như đức Văn Thù. Lúc đó Bồ-tát Văn Thù liền diễn nói pháp đại thừa để khai thị cho họ, khiến cho họ thành tựu lòng tin sâu sắc, tuệ giác bừng sáng, chỉ ngay trong một đời đó mà chứng nhập thể tánh pháp giới.
(06) Chủ bạn đầy đủ (chủ bạn cụ túc): “Chủ bạn” tức là chủ và bạn. “Chủ” là chỉ cho chủ thể; và “bạn” là chỉ cho những cái tùy thuộc vào chủ thể. Thuyết “pháp giới duyên khởi” của tông Hoa Nghiêm nói rằng: Nếu lấy cái này là chủ thì cái kia là bạn, nếu lấy cái kia là chủ thì cái này là bạn; như vậy thì chủ và bạn đều đầy đủ trong một sự vật, gọi là “chủ bạn cụ túc”. Lại nữa, mỗi sự vật trong vũ trụ vạn hữu đều vừa là chủ mà cũng vừa là bạn; vạn hữu tức là nhau, ở trong nhau, thông nhiếp trùng trùng vô tận, gọi là “chủ bạn vô tận”.
BÀI TẬP
1) Sáu tướng là gì?
2) Hãy dùng những vật liệu xây nhà làm ví dụ để thuyết minh ý nghĩa của sáu tướng.
3) Hãy giải thích thế nào là viên dung môn và hàng bố môn.
4) Hãy trình bày sáu tướng hiện tượng bằng đồ biểu (bao quát cả thể, tướng, dụng, và hai môn viên dung, hàng bố.
5) Hãy giải thích “ba đời”.
6) Đứng trên bốn phương diện thể, dụng, hành vị và độ dài thời gian, hãy giải thích sự tu hành và chứng quả theo viên dung môn.