GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 4
TÔNG HOA NGHIÊM (phần 1)
I. KINH HOA NGHIÊM CÓ 3 BẢN và 3 LẦN DỊCH
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, gọi tắt là Hoa Nghiêm, do đức Thích Tôn giảng nói trong khoảng thời gian 21 ngày đầu tiên sau khi thành đạo. Sau khi được Bồ-tát Văn Thù và tôn giả A Nan kết tập, kinh này được cất giữ ở Long-cung. Về sau Bồ-tát Long Thọ vào Long-cung thấy được kinh này. Theo truyền thuyết, kinh này có 3 bản, bản thượng có mười đại thiên thế giới vi trần số1 câu kệ, gồm trong một tứ thiên hạ2 vi trần số phẩm; bản trung có 49 vạn 8.800 câu câu kệ, gồm trong một tứ thiên hạ kệ, gồm trong 1.200 phẩm; bản hạ có 10 vạn câu kệ, gồm trong 38 phẩm. Vì hai bản thượng và trung quá đồ sộ, người phàm phu trong thế gian này không thể nào đọc nổi, nên Bồ-tát Long Thọ chỉ mang về bản hạ để lưu truyền ở thế gian.
Bản kinh hạ này, sau khi được truyền vào Trung-quốc, từng trải qua ba lần phiên dịch do ba vị dịch sư, tên kinh tuy giống nhau, nhưng quyển số khác nhau. Bản dịch của ngài Phật Đà Bạt Đà La vào đời Tấn gồm 60 quyển, gọi là Cựu Dịch Hoa Nghiêm, hay Lục Thập Hoa Nghiêm. Bản dịch của ngài Thật Xoa Nan Đà vào đời Đường gồm 80 quyển, gọi là Tân Dịch Hoa Nghiêm, hay Bát Thập Hoa Nghiêm. Bản dịch của ngài Bát Nhã vào đời Đường gồm 40 quyển, gọi là Hậu Dịch Hoa Nghiêm, hay Tứ Thập Hoa Nghiêm. Kì thật, cả ba bản Hoa Nghiêm này đều không phải là toàn bộ: bản Cựu Dịch chỉ có ba vạn sáu ngàn câu kệ, bản Tân Dịch chỉ có bốn vạn năm ngàn câu kệ, đều không được một nửa; bản Hậu Dịch thì chỉ có một phẩm, tức phẩm “Nhập Pháp Giới” của kinh này mà thôi. Cho nên, quí vị học giả nếu đọc tụng nghiên cứu, thì nên lấy bộ Bát Thập Hoa Nghiêm làm tiêu chuẩn, còn hai bộ kia chỉ để tham khảo thêm mà thôi.
II. PHÁP LÍ của TÔNG NÀY DO TRUNG QUỐC PHÁT MINH
Tông Hoa Nghiêm đã y cứ vào kinh Hoa Nghiêm mà thành lập giáo thuyết. Vị sơ tổ của tông này là hòa thượng Đỗ Thuận(1) ở núi Chung-nam, trong khoảng Trần -Tùy(2); truyền đến các ngài Trí Nghiễm(3), Pháp Tạng3, Trừng Quán4, Tông Mật5 (4), thì giáo nghĩa thêm hoàn bị. Chỗ lập luận của tông này là y cứ vào bộ Mật Thập Địa Kinh Luận do Bồ-tát Thế Thân trước tác. Pháp lí của tông này hoàn toàn do người Trung-quốc phát minh, chẳng phải như các tông phái khác đã căn cứ vào các học thuyết từ Ấn-độ đến, cho nên có thể nói, nó là tư tưởng đặc trưng của Trung-quốc.
III. NĂM GIÁO MƯỜI TÔNG
Tông này đem giáo pháp của đức Thích Tôn chia là MĂM GIÁO và MƯỜI TÔNG(5). Năm giáo là do PHÁP mà chia; mười tông là do LÍ mà chia. Năm giáo là:
1) Tiểu thừa giáo, là giáo pháp dạy cho hàng căn cơ thấp kém, trì độn, chỉ nói về “sinh khôngo”6 mà chưa nói đến “pháp không”, cho nên cũng gọi là “ngu pháp về “sinh không” Thanh-văn giáo”7.
2) Đại thừa thỉ giáo, là vừa ra khỏi tiểu thừa, bước đầu nhập vào giáo pháp đại thừa. Tuy nói là đại thừa nhưng chưa đạt đến lí tánh vi diệu rốt ráo, cho nên nói là “thỉ giáo”; – thỉ giáo lại chia ra có tướng thỉ giáo và không thỉ giáo8.
3) Đại thừa chung giáo, là đối với căn cơ thuần thục đại thừa, nói giáo pháp tận cùng chân lí.
4) Đại thừa đốn giáo, là nói các pháp môn đốn ngộ đại thừa.
5) Nhất thừa viên giáo, là giáo pháp viên mãn tối thượng, nói rõ biển tánh viên dung, duyên khởi vô tận, cùng cực thể tánh các pháp. Như kinh Pháp Hoa, đối với hành giả tiệm căn, nói gộp ba thừa vào một thừa, gọi là “đồng giáo nhất thừa”; như kinh Hoa Nghiêm, đối với hành giả độn căn, không nói tới ba thừa, mà chỉ rõ thẳng một thừa, gọi là “biệt giáo nhất thừa”9.
Mười tông là:
1) Các bộ phái tiểu thừa như Độc Tử, Pháp Thượng, Hiền Trụ, Chánh Lượng, Mật Lâm Sơn, nói ngã pháp đều thật có, gọi là tông “Ngã pháp câu hữu”.
2) Các bộ phái tiểu thừa như Tuyết Sơn, Đa Văn, Hóa Địa, nói tất cả đều là vô ngã, nhưng pháp thể thì thường hằng, gọi là tông “Pháp hữu ngã vô”.
3) Các bộ phái tiểu thừa như Kê Dận, Pháp Tạng, Ẩm Quang, Chế Đa Sơn, Tây Sơn Trú, Bắc Sơn Trú, nói pháp hiện tại là có, còn pháp quá khứ và vị lai thì không có, gọi là tông “Pháp vô khứ lai”.
4) Bộ phái tiểu thừa như Thuyết Giả, nói pháp hiện tại là giả có mà cũng là thật có, gọi là tông “Hiện thông giả thật”.
5) Bộ phái tiểu thừa như Thuyết Xuất Thế, nói thế gian là hư vọng, xuất thế gian là chân thật, gọi là tông “Tục vọng chân thật”.
6) Bộ phái tiểu thừa như Nhất Thuyết, nói các pháp chỉ có giả danh, không có thật thể, gọi là tông “Chư pháp đản danh”.
7) Kinh Bát Nhã, luận Trung Quánv… thuộc Đại thừa thỉ giáo, nói các pháp đều không, gọi là tông “Nhất thiết giai không”.
8) Kinh Lăng Già, luận Khởi Tínv… thuộc Đại thừa chung giáo, nói rõ giáo nghĩa về thể tánh chân như, gọi là tông “Chân thật bất không”.
9) Thiền tông thuộc Đại thừa đốn giáo, dứt bặt nói năng suy nghĩ, trực chứng chân lí, gọi là tông “Tướng tưởng câu tuyệt”.
10) Nhất thừa viên giáo nói rõ giáo nghĩa về pháp giới viên mãn, đầy đủ muôn đức, gọi là tông: “Viên minh cụ đức”.
Tông Hoa Nghiêm này, trong năm giáo thì thuộc vào Biệt giáo nhất thừa của Nhất thừa viên giáo; trong mười tông thì thuộc tông Viên minh cụ đức.
CHÚ THÍCH
1. Tức là bằng số hạt bụi nhỏ do mười đại thiên thế giới nghiền nát ra.
2. Một tứ thiên hạ tức là bốn đại châu trong một tiểu thế giới. Xin xem lại đoạn thứ 3, bài 29, sách Sơ Cấp Giáo Bản.
3. Ngài Pháp Tạng vốn người nước Khương-cư, Võ hậu ban hiệu là Hiền Thủ, là vị tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm.
4. Ngài Trừng Quán cư trú tại chùa Thanh-lương ở núi Ngũ-đài. Đời vua Đường Đức-tông, ngài từng vào nội điện giảng kinh, vua nghe diệu pháp mà thấy tâm thần mát mẻ, bèn ban hiệu cho ngài là Thanh Lương pháp sư, là vị tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm.
5. Ngài Tông Mật cũng gọi là Khuê Phong pháp sư, là tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm.
6. Sinh không cũng gọi là ngã không hay nhân không, là một trong “hai không”, có nghĩa là chúng sinh do năm uẩn giả hợp mà thành, không có thật thể; đó là pháp nhân duyên sinh, ngay nơi pháp ấy đã là không, cho nên nói là “sinh không”.
7. Hàng Thanh-văn mê chấp pháp tiểu thừa mà không biết gì về diệu lí pháp không của đại thừa, cho nên gọi là “ngu pháp”. Một ngày nào đó hiểu rõ lí đại thừa, hồi tâm hướng về đại thừa, thì gọi là “bất ngu pháp tiểu thừa”.
8. Như kinh Giải Thâm Mật, luận Duy Thức v.v… phân biệt có năm tánh, kiến lập vạn pháp y tha, gọi là tướng thỉ giáo; như kinh Bát Nhã, Tam Luận v.v… nói các pháp đều không, nêu rõ tính bình đẳng không thể nắm bắt v.v…, gọi là không thỉ giáo.
9. Xin xem lại đoạn “Cách phán giáo tướng của tông Hoa Nghiêm” trong bài 27, sách Trung Cấp Giáo Bản.
PHỤ CHÚ
(01) Đỗ Thuận (557-640): là vị Sơ-tổ của tông Hoa Nghiêm, Trung-quốc. Ngài họ Đỗ, người huyện Vạnniên, châu Ung (Trường-an, Thiểm-tây ngày nay), thời đại nhà Đường. Ngài xuất gia năm 18 tuổi, pháp hiệu là Pháp Thuận. Ngài bẩm tính thuần hậu, trí tuệ tuyệt luân, lúc đầu theo học Thiền với ngài Tăng Trân ở chùa Nhân-thánh, sau vào ở núi Chung-nam, tuyên dương giáo nghĩa Hoa Nghiêm. Vua Đường Thái-tông nghe danh đức của ngải, bèn mời vào cung kính lễ. Ngài cũng du phương giáo hóa khắp nơi, nhất là ở vùng Lưỡng-hà, khuyên người niệm Phật A Di Đà. Ngài cũng soạn một số bài văn tán vịnh cõi Tịnh-độ. Cuối đời ngài lại trở về cư trú chùa Nhân-thánh, đến năm 84 tuổi thì thị tịch, được người đời sau coi là hóa thân của Bồ-tát Văn Thù. Ngài có chỗ sở đắc độc đáo đối với kinh Hoa Nghiêm, cho nên từng được người đời xưng là Hoa Nghiêm hòa thượng, và tôn làm vị tổ thứ nhất của tông Hoa Nghiêm. Có thuyết nói ngài là người quê ở Đôn-hoàng, nên cũng xưng ngài là Đôn Hoàng Bồ-tát; lại cũng xưng là Đế Tâm tôn giả. Trong số đệ tử của ngài, ngài Trí Nghiễm là nổi tiếng hơn hết. Trước tác của ngài có: Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chỉ Quán, Hoa Nghiêm pháp Giới Quán Môn và Hội Chư Tông Biệt Kiến Tụng.
(02) Trần – Tùy: tức trong khoảng từ năm 557 đến năm 619.
(03) Trí Nghiễm (602-668): Ngài họ Triệu, người tỉnh Cam-túc, hiệu là Chí Tướng đại sư, là vị cao tăng ở đời Đường, tổ thứ nhì của tông Hoa Nghiêm. Ngài từ tuổi ấu thơ đã có duyên với đạo Phật, trong các trò chơi thường chất đá thành tháp, hoặc tự mình làm như pháp sư giảng kinh, bảo các đứa bé khác ngồi quanh làm thính chúng. Năm 12 tuổi ngài được theo đại sư Đỗ Thuận vào núi Chung-nam, ở tại chùa Chí-tướng, theo học với sư huynh (đệ tử của ngài Đỗ Thuận) là pháp sư Đạt (?-?), ngày đêm chuyên cần. Năm 14 tuổi ngài được thế phát, sau đó được cho theo học Nhiếp Đại Thừa Luận với pháp sư Pháp Thường (567-645). Năm 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc, học luật Tứ Phần và các kinh luận như Tì Đàm, Thành Thật, Thập Địa, Địa Trì, Niết Bàn, v… Sau đó lại theo học Hoa Nghiêm với pháp sư Trí Chánh (559-639). Ngài cũng đọc khắp Kinh Tạng, và nghiên cứu rất kĩ Thập Địa Luận. Năm 27 tuổi ngài bắt đầu trước tác, soạn Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Kí, trở thành giáo nghĩa nền tảng cho tông Hoa Nghiêm. Từ đó ngài chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, giáo hóa không biết mệt mỏi. Ngài thường ở chùa Chí-tướng, cho nên từng được người đời xưng là Chí Tướngg đại sư; về cuối đời ngài lại cư trú chùa Vân-hoa, cho nên lại được xưng là Vân Hoa tôn giả. Năm 67 tuổi ngài thị tịch. Trước tác của ngài có Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Phân Tề Thông Trí Phương Quĩ, Hoa Nghiêm Kinh Nội Chương Môn Đẳng Tạp Khổng Mục, Hoa Nghiêm Ngũ Thập Yếu Vấn Đáp, Hoa Nghiêm Nhất Thừa Thập Huyền Môn, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Lược Sớ, Vô Tánh Nhiếp Luận Sớ. Đệ tử của ngài có Hoài Tề, Pháp Tạng, Nguyên Hiểu, Nghĩa Tương, Bạc Trần, Tuệ Hiểu, Đạo Thành v.v…, trong đó, ngài Pháp Tạng (tức Hiền Thủ) được chính thức truyền nối tông chỉ Hoa Nghiêm, để rồi phát dương rực rỡ, làm cho tông Hoa Nghiêm trở thành một tông phái hoàn bị, đặc biệt của Phật giáo Trung-hoa. Ngài Pháp Tạng, về phương diện truyền thừa thì là vị tổ thứ ba, nhưng trên thực tế, giới Phật học ai cũng coi ngài là vị tổ khai sáng chính thức của tông Hoa Nghiêm. Về tiểu sử ngài Pháp Tạng, xin xem lại phụ chú số 8, bài 30, sách GKPH II, quyển hạ, Hạnh Cơ dịch và chú thích bổ túc, BBTPDPTVN ấn hành năm 2006 tại California.
(04) Tông Mật (780-841): là vị cao tăng đời Đường, tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm Trung-quốc. Ngài họ Hà, quê ở Tứ-xuyên. Năm 28 tuổi ngài lên kinh đô ứng thí, khi đến Toại-châu, ghé lại đạo tràng của hòa thượng Đạo Viên nghe thuyết pháp, bèn xin xuất gia, được hòa thượng cho thọ giới cụ túc. Sau khi thọ giới, ngài được hòa thượng cho sang chùa Tịnh-chúng ở Ích-châu để học Thiền với thiền sư Nam Ấn (đệ tử của thiền sư Thần Hội); rồi lại đến chùa Báo-quốc Lạc-dương tham học với thiền sư Thần Chiếu. Năm 31 tuổi ngài xin nhập làm môn hạ của đại sư Trừng Quán, chuyên hành trì giáo học Hoa Nghiêm. Từ năm 37 tuổi ngài ở luôn tại chùa Trí-cự trên núi Chung-nam, quyết không xuống núi. Tại đây, trong 3 năm ròng rã ngài chuyên đọc Tạng Kinh, có soạn bộ Viên Giác Kinh Khoa. Sau ngài chuyển sang ở chùa Thảo-đường, cũng trên núi ấy, có soạn bộ Viên Giác Kinh Đại Sớ; rồi lại chuyển sang Khuê-phong lannhã ở đầu Nam của núi, chuyên tụng kinh, tu thiền. Năm 49 tuổi ngài vâng chiếu vào cung giảng kinh, được vua Đường Văn-tông (827-840) dùng hậu lễ trọng đãi, các quan từ tướng quốc trở xuống, cho đến các thân hào nhân sĩ đều kính trọng; nhưng chẳng bao lâu thì ngài xin trở về núi. Năm 62 tuổi ngài thị tịch, pháp lạp 34 năm. Lúc tại thế, vì thấy đồ chúng trong thiền môn hay kích bác nhau, nên ngài đã soạn bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập (100 quyển), sưu tập thiền ngữ, đề xướng chủ trương “Giáo Thiền nhất trí”, đặt định cơ sở cho Phật giáo Trung-quốc trong khoảng từ cuối nhà Đường cho tới nhà Tống. Những trước tác khác của ngài gồm có: Nguyên Nhân Luận, Vu Lan Bồn Kinh Sớ, Hoa Nghiêm Kinh Luận Quán, Viên Giác Kinh Đại Sớ Thích Nghĩa Sao, Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ Luận Toản Yếu, Khởi Tín Luận Sớ Chú, Chú Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán Môn, Trung Hoa Truyền Tâm Địa Thiền Môn Sư Tư Tập Đồ, v.v… cả thảy hơn 30 bộ.
(05) Giáo và tông: Xin xem lại chú thích số 21, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10,11 và 12”, sách GKPH I, đã dẫn.
BÀI TẬP
1) Sau khi kết tập, kinh Hoa Nghiêm đã được cất giữ tại đâu? Về sau đã do vị Bồ-tát nào lấy về? Bản Hạ của Kinh do ngài lấy về có bao nhiêu câu kệ, gồm trong bao nhiêu phẩm?
2) Dịch giả của ba bộ Kinh Hoa Nghiêm: Cựu dịch, Tân dịch và Hậu dịch, là ai? Mỗi bộ ấy có bao nhiêu quyển?
3) Thế nào là Đại thừa thỉ giáo, Tướng thỉ giáo, và Không thỉ giáo?
4) Đồng giáo nhất thừa và Biệt giáo nhất thừa khác nhau thế nào?
5) Hãy cho biết chủ trương của các tông Pháp vô khứ lai, Chân thật bất không và Viên minh cụ đức.
6) Tông Hoa Nghiêm thuộc về giáo nào trong năm giáo? Và thuộc tông nào trong mười tông?