GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 3
TÔNG LUẬT (phần 3)
IX. HAI GIỚI THÔNG và BIỆT
(tức Ba Loại Tịnh Giới và Ba Loại Giới Rộng, Vừa, Tóm Gọn)
Giới chia ra có thông và biệt. Giới thông(1) tức là ba loại tịnh giới, gồm có: 1) Giới nhiếp luật nghi, tức là lấy công năng nhiếp luật nghi để ngăn chận tất cả việc xấu, thuộc về ý nghĩa của môn “chỉ trì”. 2) Giới nhiếp thiện pháp, tức là lấy công năng nhiếp thiện pháp để tích tụ tất cả điều lành, thuộc về ý nghĩa của môn “tác trì”. 3) Giới nhiếp chúng sinh, cũng gọi là nhiêu ích hữu tình, tức là lấy từ bi hỉ xả1 để tế độ tất cả chúng sinh, thuộc về ý nghĩa của hạnh “lợi tha”. Có đầy đủ ba ý nghĩa này thì tính chất của giới luật đã viên mãn các tác dụng độ mình và độ người; đó là lí do làm cho tông Luật được nâng lên địa vị của một tông phái đại thừa. Cho nên Bồ-tát đại thừa thông thọ cả ba loại giới; nếu căn cơ thấp kém không thể phát tâm rộng lớn, thì chỉ thọ một giới “nhiếp luật nghi” mà thôi.
Giới biệt(2) tức là giới của tăng, ni. Bài trước đã nói 250 giới tì-kheo và 348 giới tì-kheo-ni, gọi là giới cụ túc, chẳng qua là đức Thích Tôn đã tùy theo tình hình phạm tội cụ thể của hai chúng này mà phương tiện châm chước chế định các điều giới vậy. Kì thật thì sự tướng quá nhiều, trong cả ba nghiệp, hễ khởi động liền gây lầm lỗi, cho nên ngoài số giới điều như trên, các giới điều chưa được chế định vẫn còn nhiều lắm; do đó, hai loại giới của tăng và ni, số lượng của chúng đều có ba bậc khác nhau, là rộng, vừa và tóm gọn. Đối với giới tì-kheo, rộng thì vô lượng; vừa thì 3 ngàn oai nghi, 6 vạn tế hạnh; và tóm gọn thì 250 giới. Đối với tì-kheo-ni, rộng thì vô lượng; vừa thì 8 vạn oai nghi, 12 vạn tế hạnh; và tóm gọn thì 348 giới. Kinh Niết Bàn v.v… nói, giới của tì-kheo-ni có hơn 500 điều, nhưng nói như thế mà không có giới tướng, cho nên vẫn lấy con số 348 giới làm tiêu chuẩn.
X. GIỚI CHIA LÀM BỐN KHOA
Giới có bốn khoa: giới pháp, giới thể, giới hành, và giới tướng. Giới pháp tức là các giới điều do đức Phật chế định, như không giết hại, không trộm cắp, không dâm dục, v.v… Giới thể tức là sau khi thọ giới thì phát sinh công năng ngừa quấy ngăn lỗi; giới thể này tuy thuộc sắc pháp, nhưng bề ngoài không lộ ra hình tướng, cho nên được gọi là “vô biểu sắc”2 mà hành động đúng pháp. Giới tướng tức là bảy chúng y theo địa vị của mình mà hành trì giới pháp tương ứng, như 5 giới, 10 giới, giới cụ túc, v.v… Tất cả các loại giới đều đầy đủ bốn khoa như thế.
XI.TÔNG NÀY PHÂN LẬP BỐN ĐỊA VỊ TỪ TU HÀNH CHO ĐẾN CHỨNG QUẢ
Tông này lấy giới làm cương lĩnh; nhân Giới mà sinh Định, nhân Định mà phát Tuệ, đó gọi là “Ba Môn Học Vô Lậu”. Cho nên hành giả mới bắt đầu tu học Phật pháp, trước tiên tất phải trì giới, chế ngự các lỗi lầm của ba nghiệp; cho đến khi thân tâm đã hợp nhất được với qui luật, thì tự nhiên sinh định, phát tuệ, rồi tuần tự chứng nhập vào cảnh giới Phật. Đối với 52 địa vị mà hàng Bồ-tát phải tu hành trải qua ba kiếp a-tăng-kì, ngài Luật sư Nam Sơn đã phân lập làm 4 địa vị để thống nhiếp cả 52 địa vị đó, sau cùng thì qui về chỗ rốt ráo của thật tướng các pháp, đầy đủ cả ba thân pháp báo hóa, thân chứng quả Phật; cho nên giáo pháp của tông này vẫn khế hợp với Nhất thừa viên giáo3 trong đại thừa. Nay xin đem liệt kê trong đồ biểu sau đây:
CHÚ THÍCH
1. Từ bi hỉ xả gọi là “bốn tấm lòng rộng lớn”: 1) Lòng từ rộng lớn, hay đem niềm vui đến cho người; 2) Lòng bi rộng lớn, hay giúp người chấm dứt khổ đau; 3) Lòng hỉ rộng lớn, rất vui mừng thấy người hết khổ, được an vui; 4) Lòng xả rộng lớn: thực hành ba tấm lòng trên hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt kẻ thân người oán, và không bao giờ chấp trước vào những việc đã làm. Đem bốn tấm lòng trên mà hóa duyên đến khắp vô lượng chúng sinh, dẫn đến vô lượng phúc đức, cho nên nói là “vô lượng tâm”. Lại nữa, nếu nương vào thiền định mà tu tập bốn tấm lòng vô lượng ấy thì sẽ sinh lên cõi trời Phạm-thiên ở Sắc giới, cho nên cũng gọi là “bốn Phạm hạnh”.
2. Xin xem lại chú thích số 4, bài 32, sách Trung Cấp.
3. Nhất thừa tức Nhất Phật thừa; viên giáo tức giáo pháp viên mãn. Trong đại thừa, Nhất thừa viên giáo được coi là giáo pháp chân thật cùng cực.
PHỤ CHÚ
(01) Giới thông (thông giới): Ba loại tịnh giới (tam tụ tịnh giới), cả xuất gia và tại gia đều thọ trì được, cho nên gọi là “thông giới”.
(02) Giới biệt (biệt giới): Các loại giới như 5 giới, 10 giới, v.v…, giới của chúng nào thì chỉ chúng ấy thọ trì, cho nên gọi là “biệt giới”.
BÀI TẬP
1) Ba loại tịnh giới là gì?
2) Ba loại giới rộng, vừa và tóm gọn của tì-kheo và tì-kheo ni, số lượng của mỗi loại là bao nhiêu?
3) Giới chia làm 4 khoa, xin hãy nói rõ về 4 khoa đó.
4) Giáo pháp của tông Luật vì sao khế hợp với Nhất thừa viên giáo?
5) Xin hãy liệt kê bằng đồ biểu về 4 địa vị mà ngài Luật sư Nam Sơn đã phân lập đối với 52 địa vị mà hàng Bồ-tát phải tu tập trải 3 kiếp a-tăng-kì.
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1, 2 và 3
1. Nhân loại xưa nay vốn là hạng phàm phu đa dục, tồn tại đầy đủ tất cả các loại kiến tư hoặc. Sau khi học Phật, chỉ có thể nói, đó là bước đầu đi ngược đường mê, nếu luận về ba nghiệp thân miệng ý, vẫn chưa có thể là bậc mô phạm vẹn toàn. Cho nên đức Phật mới chế định nhiều loại giới luật để ngừa quấy ngăn lỗi, phát sinh tâm thiện làm lợi ích chúng sinh. Trong các quả vị thánh phàm, chỉ có Phật mới đích thực là bậc không cần giới luật; Bồ-tát vẫn phải cần có giới, còn từ hàng Nhị-thừa trở xuống thì bất tất phải luận bàn. Đức Khổng Tử là vị thánh tự trời phú bẩm, từ 15 tuổi tu học, cho đến 70 tuổi mới đạt đến chỗ “tâm nghĩ tới đâu làm tới đó, không vượt qui củ”(1); nhưng đến cuối đời vẫn còn hi vọng sống lâu thêm vài năm để học tập kinh Dịch, hòng tránh lỗi lầm. Từ đó mà nhìn, thì hàng phàm phu bác-địa(2), nếu muốn điều phục ý thức để không phát sinh tâm ô nhiễm, thật còn khó hơn lên trời! Người nào dám to mồm tự khoe, bảo rằng “Ta không cần đến giới luật.”, người đó chính là kẻ si cuồng! Cho nên từ một ngàn mấy trăm năm trở lại đây, trong chốn tòng lâm Trung-quốc, bất luận là chùa viện thuộc tông phái nào, đối với giới luật đều cẩn trọng hành trì. Tuy tông Luật là một tông phái độc lập, nhưng giới tướng và giới hành ở bên trong nó đã sớm thâm nhập vào các tông phái, trở thành một nguyên tố chính yếu trong Phật pháp. Cho nên trong tất cả các tông phái đều tồn tại thành phần tông Luật; hay nói cách khác, tất cả các tông phái đều là phần “biệt xuất” của tông Luật! Không có tông Luật, quyết chắc không thể có tông nào khác! Cứ nhìn vào đó thì thấy được tính cách trọng yếu của giới luật.
2. Phá giới đương nhiên có thể sám hối; nhưng phá các giới nặng như giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối quá đáng, vì tính chất của tội quá nghiêm trọng, nếu không phải là người thượng căn có thể vận dụng sức trí tuệ một cách dũng mãnh, thì không cách nào rửa sạch được những ấn tượng từng khắc sâu, lưu dấu trong ruộng thức a-lại-da, hòng khôi phục thể tánh vốn thanh tịnh của tâm từ trước khi chưa phá giới. Con người bình thường, vì sức của chính mình quá yếu kém, không có cách nào rửa sạch được tội cũ, cho nên không thể không nhờ đến sức ở ngoài; sức trong sức ngoài giúp nhau tác dụng, đó là ý nghĩa của sự việc được gọi là “lễ sám”. Ví như đứng trước Phật tụng bài kệ rằng: “Con xưa vốn tạo các nghiệp ác, đều do vô thỉ tham sân si, từ thân miệng ý phát sinh ra, nay con thảy đều xin sám hối.”; đó là sám hối một cách tổng quát thông cả ba nghiệp. Hoặc trong bản khóa tụng sáng chiều cũng có phần lạy 88 danh hiệu Phật trong bài văn sám hối dài, đó cũng là cách sám hối tổng quát thông cả các tội nặng từ vô thỉ đến nay như năm tội nghịch, mười nghiệp ác, ăn trộm đồ vật của chúng tăng v.v…, mong nhờ oai thần chư Phật tẩy trừ tội ác của chúng ta. Hoặc lạy tụng Lương Hoàng Bảo Sám, Tam Muội Thủy Sám, Đại Bi Sám, Di Đà Sám v.v…, cũng có thể sám hối tiêu trừ nghiệp ác từ bao đời trước. Nếu một lần có hành vi phạm giới, phạm rồi thì phải hối cải, phải đối trước chư Phật và Bồ-tát, đối trước đại chúng, tự trình bày nguyên do phạm tội, một mảy may cũng không che dấu, đưọc chư Phật, Bồ-tát từ bi tha thứ, từ đó thề không tái phạm. Sau khi đã ăn năn và phát lồ đúng pháp như vậy, nếu thấy trong tâm bình thản khinh an, giống như lúc trước chưa phạm tội, đó là bằng cớ cho biết mình đã trở lại bản chất thanh tịnh, trong tương lai cũng sẽ không nhận chịu quả báo đau khổ do “dị thục sinh khởi hiện hành”(3). Nếu lại còn những thủ tục phải hoàn tất sau khi sám hối, như đánh người bị thương chẳng hạn, thì phải bàn đến chuyện bồi thường, phải nhún nhường hạ mình, thân hành đến săn sóc người bị thương, xin họ thông cảm bỏ qua, không kết cừu hận; được như thế thì cả hai bên mình và người mới được thỏa đáng. Nếu không làm như vậy, tức chỉ biết sám hối phần mình mà bỏ lơ người kia, chỉ sám lí mà bỏ sự, thì công phu sám hối đó chỉ đạt có nửa phần, còn nửa phần kia vẫn chưa hoàn tất, trong tương lai nếu nhân duyên gặp gỡ, tất không tránh khỏi cái họa đòi nợ, đòi mạng.
3. Ba ngàn oai nghi và sáu vạn tế hạnh của tì-kheo, cùng tám vạn oai nghi và mười hai vạn tế hạnh của tì-kheo-ni, điều đó đối với lí là đúng, không cần phải nói tới tận cùng hành tướng của chúng. Nếu xét một ngày tròn trong đời sống chúng ta, trong ba nghiệp, nhất là những tư tưởng trong ý nghiệp, cấu nhiễm quá nhiều, chất chồng ngàn vạn. Tuy có những tư tưởng không thể hiện thành sự thật, nhưng ý niệm thì chắc chắn đã có, tất cả đều như thế, và đều có tội lỗi, cho nên cần phải chế ngự, ngăn ngừa. Nếu hỏi rằng: Phải dùng phương pháp gì mới có thể ở trong những oai nghi tế hạnh nhiều như thế mà không bị phạm lỗi? Xin thưa: Chỉ cần trong lòng lúc nào cũng tâm niệm hai chữ “thành kính”! Mỗi sự việc, mỗi tâm niệm đều phát xuất từ lòng chân thành, cách cư xử thì đầy kính trọng, bất luận là người kia có bao nhiêu oai nghi, bao nhiêu tế hạnh, ngay lập tức đều đầy đủ cả, đều không xúc phạm. Giả sử có một hai lỗi nhỏ do vô ý gây ra, thì cũng do oai quang của lòng thành kính mà lỗi ấy tức khắc được tiêu trừ, quyết không thể trở thành chủng tử xấu gieo vào ruộng thức.
4. Giới của ni nhiều hơn giới của tăng, điều đó hoàn toàn không có ý nói đàn bà nhiều tội lỗi hơn đàn ông; mà chỉ có nghĩa là, đối với đàn ông, thì ba nghiệp của người đàn bà có nhiều chi tiết vụn vặt hơn, cho nên giới cũng phải nhiều hơn đàn ông để ứng xử cho phù hợp. Còn việc hàng tại gia không nên xem các giới điều của hàng xuất gia, đó là vì người tu hành ở đời mạt pháp, sau khi thọ giới chưa chắc đã hành trì toàn vẹn, có khi giữ được một ít mà cũng lại phạm một ít. Người cư sĩ sau khi xem được các điều giới, liền biết tăng đã phạm giới, nhân đó mà sinh lòng khinh mạn, thậm chí còn hủy báng Tam Bảo, phản lại Phật giáo, bỏ việc tu hành, gây ảnh hưởng vô cùng tai hại; chi bằng không thấy không biết thì vẫn lễ kính cúng dường. Ví như người bị rớt xuống biển, dù chỉ ôm được cái xác chết rữa nát mà bơi được vào bờ thì vẫn là điều tốt. Còn việc thọ giới rồi phá giới, đương nhiên sẽ phải nhận chịu các tội báo xứng hợp, ngay như đức Phật cũng không thể che chở mà cứu vớt đệ tử của Ngài. Chúng ta tự giữ mình còn khó, đâu có công năng gì mà lo bao đồng việc của người khác! Thảng hoặc không có tư tưởng và quyết tâm bảo vệ đạo pháp, thì cũng nên giả ngu giả điếc để khỏi phát sinh phiền não; đó là phương pháp rất tốt giúp cho công phu tu học. Nói cho cùng, sự tĩnh lặng bao giờ cũng tốt hơn sự chao động.
5. Giới là cơ sở nền tảng của tông Luật. Có Giới, nhiên hậu mới có Định và Tuệ, được gọi là “ba pháp học vô lậu”. Học Luật, nếu bảo là dễ thì cũng thật là dễ, mà nếu bảo là khó thì cũng thật là khó. Chỉ cần y theo các điều khoản ở trong đó mà thực hành, thuận theo chúng mà không trái phạm, thế là có giới, chẳng cần phải nghiên tầm giáo nghĩa phiền toái, chẳng cần tham Thiền học Mật; đó là chỗ DỄ. Nhưng với đơn thuần vài điều giới luật đó mà phải khảo xét hết anh hùng hào kiệt xưa nay, những người có đủ điều kiện để được ghi tên bảng vàng(4), chẳng biết có được hai, ba phần trăm không, mà những người bị loại ra ngoài(5) thì tràn đầy như vậy; đó là điều KHÓ. Chủ trương của tông Luật thật là rõ ràng: Hãy từ ba nghiệp thanh tịnh mà làm mọi việc! Biết được ba nghiệp là thanh tịnh rồi thì tự nhiên đúng qui đúng củ, phát định phát tuệ, không còn lo rầu về việc nhập vào dòng thánh.
Đức Thích Tôn cũng đã từng dạy: Sau khi Phật diệt độ, hãy lấy giới luật làm thầy! Cái giá trị chân thật của giới luật đã được nói hết trong lời dạy ngắn ngủi ấy. Thế mới biết, tông Luật được đứng trong tám tông phái đại thừa, thật không mảy may hổ thẹn!
6. Nếu lấy những việc làm, những lời nói của hai nghiệp thân và miệng để làm tiêu chuẩn, thì trong thiên hạ còn có người hoàn toàn; nhưng nếu lấy những tư tưởng, những suy niệm của ý nghiệp để làm tiêu chuẩn, thì trong khắp thiên hạ sẽ không có một người nào là hoàn toàn. Nếu theo chỗ con người thấy được mà làm tiêu chuẩn, thì trong thế gian còn có người hiền; nếu theo chỗ con người không thấy được mà làm tiêu chuẩn, thì trong khắp thế gian chỉ toàn là tội nhân. Tông Luật có thể sánh như cổng long-môn cao trăm thước đứng sừng sững trên mặt nước, bất kể là cá, tôm, nòng nọc, nếu nhảy qua khỏi thì đều được hóa thành rồng, bay lên cao mà đi; đó là điều mà Mạnh Tử nói: “Cứ giữ nơi trung đạo mà đứng, ai có khả năng học thì tự mình cố gắng.”(6) Xin tất cả những cá, tôm, nòng nọc ở trong thiên hạ, hãy luôn nỗ lực!
7. Trong giới luật quả thực có một bộ phận, tên gọi thì còn đó mà sự thực hành thì không có, ví dụ như chế độ bưng bình bát vào làng xóm khất thực và trồng trọt ruộng vườn của tăng già Trung-quốc. Việc khất thực nên hành trì thì không có, việc trồng trọt không nên có nhưng lại có thực hành. Còn những việc như không ăn quá giờ ngọ, không cất giữ vàng bạc tiền của, không nuôi mèo chó v.v…, nếu thực hành thì cũng có chỗ khó khăn. Nhưng giới Phật đã chế, người sau không dám tự ý bỏ đi, đó là một lẽ; nếu một hai điều mà bỏ được thì toàn thể cũng bỏ được, đó là hai lẽ; người nào đề xướng bỏ giới trước tiên, người đó tức khắc trở thành kẻ phản bội Phật, sẽ là cái đích cho trăm mũi tên nhắm vào, đó là ba lẽ; sự thể này thật là trọng đại, chỉ có một hai người thì đâu dám làm, đó là bốn lẽ. Cho nên, nếu thực hành không được thì thành ra là có danh không thật, mà cũng không dám công khai tuyên bố hủy bỏ! Rốt cuộc, trên sự thật hay hoàn cảnh có khó khăn, cũng như muốn đừng phạm giới hoặc không đủ sức hành trì, tình hình không giống nhau. Đương nhiên, đối với mặt giới thể thì không thể nói là phá hoại, đối với mặt chủng tử thì không phải là tánh ác; đối với pháp nếu có sai trái thì đối với tình vẫn có nguyên do; nhưng đó cũng hoàn toàn không phải là cái cớ để vin vào mà làm ác phá giới. Vấn đề căn bản là, tu hành ở cái đời xấu ác đầy đủ năm sự dơ dáy này có quá nhiều trở ngại, như uống nước chẳng hạn, rõ ràng là sẽ giết hại hàng ngàn vạn vi trùng, mà ngay như đức Thích Tôn hồi ấy cũng chỉ dạy các vị đệ tử rằng: Khi uống nước đừng dùng thiên nhãn, thì không sợ phạm giới sát! Nếu không làm thế thì không có biện pháp nào khác. Lại như loài mối cắn phá pháp phục, kinh sách và của cải của chùa, thì nhất định không thể không tìm cách ngăn trở chúng. Cho nên phải biết, chúng ta nghiệp nặng mới phải sinh vào thế giới Ta-bà này. Vậy, chỉ có chuyên cần niệm Phật để sinh về nước Phật, mới có thể có được giới thể thanh tịnh.
8. Con thằn lằn lấy côn trùng làm thức ăn. Nếu tỏ lòng từ đối với côn trùng thì không lợi cho con thằn lằn; tỏ lòng từ đối với con thằn lằn thì không lợi cho côn trùng. Sự việc này, nói trí nói nhân(7) đều có lí cả. Bồ-tát lấy tâm đại bi làm gốc, cứ lòng thấy yên ổn mà làm lợi ích cho chúng sinh thì đều có công đức. Ngày xưa đức Thích Tôn thực hành nhân đức bằng việc thí thân mình cho cọp đói ăn thịt,(8) Châu Xứ thực hành nhân đức bằng việc giết cọp;(9) Tùy hầu thực hành nhân đức bằng việc cứu rắn,(10) Tôn Thúc Ngao thực hành nhân đức bằng việc giết rắn;(11) cho nên, việc nào là đúng, cũng rất khó nói! Khổng Tử nói: “Ông thấy tâm mình yên ổn thì cứ làm!”(12) Thật là một biện pháp tuyệt hảo!
CHÚ THÍCH (của người dịch)
(01) Chương 4 thuộc thiên “Vi Chính” trong sách Luận Ngữ nói: “Ta 15 tuổi đã có chí cầu học; 30 tuổi tự lập; 40 tuổi thì tin theo lẽ đương nhiên của mọi sự lí mà không còn nghi hoặc điều gì; 50 tuổi biết rõ mệnh trời đối với mọi sự vật là hiển nhiên; 60 tuổi, hễ tiếng vào tai thì tâm thông suốt, không suy nghĩ trái ngược; 70 tuổi thì tâm nghĩ tới đâu làm tới đó, không vượt qui củ.”
(02) Phàm phu bác-địa: Chữ “bác” nghĩa là rộng, nhiều. Chúng sinh ở địa vị phàm phu rất nhiều, nên gọi là “phàm phu bác-địa” (bác-địa phàm phu). Từ “bác-địa” (博地) vốn được nói là “bạc-địa” (薄地), có ý chỉ cho hàng phàm phu thấp kém, luôn bị phiền não bức bách làm cho đau khổ triền miên.
(03) Dị thục sinh khởi hiện hành: tức là nhân đã chín muồi mà sinh ra quả. “DỊ THỤC” là từ gọi tổng quát chỉ cho quả báo phát sinh do các nhân thiện, ác trong quá khứ. Chữ “dị” nghĩa là khác, chữ “thục” nghĩa là chín, tức là đủ điều kiện để kết thành quả; vì quả không giống (dị) với nhân cho nên nói là “dị thục”. Ví dụ: Hột xoài mọc lên cây xoài, vì “cây xoài” (quả) khác với “hột xoài” (nhân), nên cây xoài là quả dị thục của hột xoài; cho đến khi cây xoài lại sinh ra trái xoài, thì “trái xoài” lại khác với “cây xoài”, mà cũng không giống với “hột xoài”, nên trái xoài, gần thì là quả dị thục của cây xoài, mà xa hơn là quả dị thục của hột xoài. Đến như cái hột xoài trong trái xoài này cũng khác với hột xoài đã được gieo trồng (nhân) trước kia, khác về hình dáng, chất lượng, cũng như số lượng. Đó là ý nghĩa của từ “dị thục”, được coi là một thuật ngữ của Duy Thức Học. Thành Duy Thức Luận cắt nghĩa rằng, “dị thục” nghĩa là nhân biến thành quả, và tính chất của quả này khác với tính chất của nhân. Như thế có nghĩa, “dị thục” tức là cái tiến trình chuyển biến khiến cho nhân kết thành quả. Cái quá trình chuyển biến ấy, theo Thành Duy Thức Luận Thuật Kí, gồm cả ba phương diện: thời gian (dị thời thục: từ nhân đến quả phải cách nhau một khoảng thời gian, tức là không đồng lúc), phẩm loại (dị loại thục: nhân đã thành thục để kết thành quả, nên nhân và quả là hai loại khác nhau) và năng lực chuyển biến (biến dị thục: nhờ cái năng lực chuyển biến tự nhiên mà nhân mới thay đổi tính chất khác đi để có thể kết thành quả). “HIỆN HÀNH” là tất cả mọi pháp hữu vi hiển hiện ra trong vũ trụ. Theo Duy Thức Học, thức a-lại-da chứa giữ tất cả mọi chủng tử của các pháp và có khả năng chuyển biến những chủng tử này làm phát sinh ra mọi hiện tượng (pháp) trong vũ trụ, đó là pháp hiện hành. Do khả năng chuyển biến đó mà thức alại-da cũng có tên là “thức dị thục” (dị thục thức). Như vậy, câu nói “Dị thục sinh khởi hiện hành” ở trên có nghĩa là: Thức a-lại-da chuyển biến các chủng tử làm phát sinh ra các pháp hiện hành. Trong câu định nghĩa này thì “chủng tử” là nhân, “hiện hành” là quả, mà “dị thục” chính là tiến trình chuyển biến làm cho nhân biến thành quả. Nói cách khác, dị thục là tiến trình chuyển biến từ nhân đến quả, do đó, nhân ở đây được gọi là “dị thục nhân”, và quả ở đây được gọi là “dị thục quả”.
(04) Trong bài nguyên tác, tác giả có dùng hai chữ “nhập xác” (入殼), có lẽ do in nhầm (vì tự dạng giống nhau), đúng ra phải là “nhập cấu” (入彀), có nghĩa là tiến vào tầm tên bắn, nghĩa bóng là nhân tài qui tụ cùng phò tá một người. Ngày xưa, vua Đường Thái-tông đứng nơi cửa Đoan-môn, trông thấy các vị tân tiến sĩ nối nhau đi ra, bèn vui mừng thốt lên: “Anh hùng trong thiên hạ đều qui tụ hết về triều đình ta vậy!” (Thiên hạ anh hùng nhập ngô cấu trung hĩ! – 天下英雄入吾彀中矣!) Do điển tích này, người đời sau gọi những người đi thi được trúng tuyển là “nhập cấu”.
(05) Trong bài nguyên tác, tác giả có dùng điển tích “danh lạc Tôn Sơn” (名落孫山). Tương truyền, nước Tống (có người nói nước Ngô) có cậu học trò tên Tôn Sơn, cùng với người bạn cùng làng lên kinh đô dự thi. Kết quả, Tôn Sơn thi đậu hạng chót, tên được yết ở cuối bảng, còn người bạn thì hỏng, tên bị lọt sổ. Tôn Sơn về làng trước một mình, cha mẹ của người bạn hỏi thăm tình hình con mình thì Tôn Sơn trả lời: “Tên Tôn Sơn được ghi ở cuối bảng, còn tên con bác thì ở ngoài của tên Tôn Sơn.” Câu nói này có nghĩa là người bạn của Tôn Sơn đã hỏng thi, tên bị lọt ra ngoài bảng vàng. Do câu nói này, người đời sau đã gọi những người thi hỏng là “danh lạc Tôn Sơn”.
(06) Chương 41, thiên “Tận Tâm – thượng”, sách Mạnh Tử chép: Ông Công-tôn Sửu nói: “Đạo của người quân tử rất cao xa, hoàn mĩ, nhưng đối với người học thì đạo đó khó khăn như thể lên trời, không thể học được. Tại sao không làm cho nó thấp bớt xuống để cho người học theo kịp được ít nhiều, khiến cho họ mỗi ngày mỗi cố gắng hơn lên?” Thầy Mạnh Tử đáp: “Ông kiến trúc sư không thể vì người thợ nề kém cỏi mà bỏ đi sợi dây búng mực; ông chưởng quản bắn cung không thể vì người xạ thủ bất tài mà cải biến cái thế kéo cung làm cho hẹp lại. Người quân tử dạy người học đạo cũng giống như dạy xạ thủ bắn cung, chỉ kéo dây cung cho đúng mức mà không bắn mũi tên đi, nhưng giống như mũi tên bay ra phía trước. Cho nên người quân tử chỉ cần giữ nơi trung đạo mà đứng, ai có khả năng học thì tự mình cố gắng.” – Chữ “trung đạo” ở đây có nghĩa là không phải khó mà cũng không phải dễ.
(07) Nói trí nói nhân: Thiên “Hệ Từ” trong kinh Dịch có câu: “Người nhân thấy đạo thì nói đạo là nhân; người trí thấy đạo thì nói đạo là trí.” Nhân câu nói này, người đời sau, hễ cùng một sự vật mà mỗi người có cách nhìn khác nhau, gọi đó là “kiến nhân kiến trí”.
(08) Xin xem lại chú thích số 3, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1,2 và 3”, sách Giáo Khoa Phật Học Cấp Hai (GKPH II), quyển thượng, Hạnh Cơ dịch và chú thích bổ túc, Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (BBTPDPTVN) ấn hành tại Calfornia, năm 2005.
(09) Xin xem lại chú thích số 8, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 25, 26 và 27”, sách GKPH I.
(10) Xin xem lại chú thích số 24, bài 3, sách GKPH II vừa dẫn trên.
(11) Xin xem lại chú thích số 5, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1,2 và 3”, sách GKPH II vừa dẫn trên.
(12) Chương 21, thiên “Dương Hóa”, sách Luận Ngữ chép: Tể Ngã nói với Khổng Tử: “Việc để tang cha mẹ 3 năm là quá lâu, tôi thấy chỉ một năm là đủ! Vì người quân tử không thực tập Lễ trong 3 năm thì Lễ sẽ bị bại hoại; không thực tập Nhạc trong 3 năm thì Nhạc sẽ bị hoang phế. Lúa cũ đã ăn hết, lúa mới đã có; gỗ để dùi lấy lửa qua bốn mùa cũng đã biến đổi; cho nên việc cư tang chỉ cần một năm là đủ rồi.” Khổng Tử hỏi: “Trong thời gian cư tang, ông ăn cơm gạo trắng, mặc áo gấm, lòng ông có thấy yên ổn không?” Tể Ngã đáp: “Tôi thấy lòng yên ổn.” Khổng Tử nói: “Nếu ông thấy tâm mình yên ổn thì cứ làm! Người quân tử trong thời gian cư tang 3 năm, vì trong lòng đau buồn nên dù ăn cao lương mĩ vị cũng không thấy ngon, tai nghe nhạc mà không thấy vui, ở trong căn phòng sang trọng mà không thấy thoải mái; cho nên đâu có nhẫn tâm chỉ cư tang một năm! Nay ông thấy an tâm thì hãy cứ làm như ông đã nói!” Tể Ngã ra về. Không Tử bảo các môn đệ: “Tể Ngã quả thật là người không có lòng nhân! Trẻ con sinh ra, phải sau 3 năm mới rời ngực mẹ. Việc cư tang cha mẹ 3 năm là thông lệ của mọi người trong thiên hạ, Tể Ngã có đủ lòng yêu kính và đền đáp công ơn cha mẹ đến 3 năm chăng?” Đọc câu chuyện trên đây trong sách Luận Ngữ, chúng ta thấy, nếu chỉ có một câu nói của Khổng Tử “Ông thấy tâm mình yên ổn thì cứ làm!” như tác giả đã ghi lại ở trên, thì đó quả là một biện pháp tuyệt hảo như tác giả đã nói. Nhưng, qua những lời đối đáp giữa Khổng Tử và Tể Ngã trong câu chuyện trên, chúng ta thấy trong ý của Khổng Tử vẫn không cho việc làm của Tể Ngã là đúng. Câu nói “Ông thấy tâm mình yên ổn thì cứ làm!” chỉ chứng tỏ rằng Khổng Tử không muốn nói tới nói lui nhiều lời vô ích đối với một kẻ mà ông đã thấy rõ là “không có lòng nhân”; chứ không phải nói như thế là ông chấp nhận việc làm của Tể Ngã. Vì vậy, câu nói ấy nhất định không phải là “một biện pháp tuyệt hảo”; và tác giả trích câu nói ấy để vào đoạn văn trên cũng không phù hợp với ý nghĩa của đoạn văn; và cũng không phù hợp với Phật pháp.