GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 2
TÔNG LUẬT (phần 2)
V. GIỚI LUẬT ở ẤN ĐỘ PHÂN RẼ LÀM NĂM BỘ
Thời Phật còn tại thế, nhân sự việc mà chế điều răn cấm, rải rác tùy theo từng cơ duyên mà nói, do đó mà có giới luật. Sau khi Phật diệt độ, tôn giả Ưu Bà Li kết tập Luật Tạng, lên tòa đọc tụng cả thảy 80 lần, gọi là Bát Thập Tụng Luật(1); đó là căn bản của Giới Luật. Sau đó 100 năm, lúc bấy giờ đã khá xa thời đại của các bậc thánh, có một bộ phận tăng chúng tính tình phóng dật1, cảm thấy bị giới luật trói,bèn tự ý sửa đổi. Thời vua A Dục2, môn hạ của tôn giả Ưu Bà Cúc Đa3 (2) phân rẽ thành 5 bộ; giới luật được áp dụng trong mỗi bộ này đều không giống nhau: trong Tát Bà Đa bộ gọi là Thập Tụng Luật, Di Sa Tắc bộ gọi là Ngũ Phần Luật, Ca Diếp Di bộ gọi là Giải Thoát Luật, Ma Ha Tăng Kì bộ gọi là Ma Ha Tăng Kì Luật, Đàm Vô Đức bộ gọi là Tứ Phần Luật. Trong 5 bộ luật trên, chỉ có luật của Ca Diếp Di bộ là không được dịch, còn 4 bộ kia đều được truyền vào Trung-quốc; và trong số 4 bộ đó thì chỉ một mình bộ Tứ Phần Luật là được lưu bố, hoằng dương rộng rãi nhất, có duyên hóa độ sâu xa nhất. Đời sau, việc truyền thọ giới pháp ở các tòng lâm đều lấy Luật Tứ Phần làm chỗ y cứ căn bản.
VI. TÔNG LUẬT ĐƯỢC THÀNH LẬP Ở TRUNG QUỐC
Từ thời Nguyên-Ngụy4 trở đi, các vị Luật sư5 xuất hiện rất nhiều, hầu hết đều chú trọng bộ Tứ Phần Luật; và rất nhiều vị đã ra công chú sớ, giải thích6. Vào thời đại nhà Đường, Phật pháp đại thừa nổi mạnh như gió, khiến cho các loại giới luật tiểu thừa(3) tiêu cực này dần dần trở thành không còn thích hợp nữa. Vào khoảng Sơ-Đường, ở núi Chung-nam có ngài Luật sư Đạo Tuyên, quán sát căn cơ của đại chúng, thấy không thể không dùng giáo nghĩa đại thừa để giải thích giáo pháp tiểu thừa, bèn đem bộ Luật Tứ Phần, nêu rõ giới thể7 của nó, lập nên hành tướng8 của nó, điều hòa hai thừa đại và tiểu, hiểu biết và thực hành tương ứng nhau, bèn lập thành một tông phái gọi là Tứ Phần Luật chuyên tông, cũng gọi là Luật tông, hay Nam Sơn tông.
VII. LUẬT CHỈ TRÌ, TÁC TRÌ và NỘI DUNG TỨ PHẦN LUẬT
Đức Thích Tôn chế định giới luật, nói một cách khái quát, không ngoài hai môn chỉ trì và tác trì. “Chỉ trì” là gìn giữ giới luật này để ngưng tạo tội lỗi, cũng tức là ý nghĩa của câu “Chớ làm các điều ác”. “Tác trì” nghĩa là gìn giữ giới luật này để làm các điều lành, cũng tức là ý nghĩa của câu “Hãy làm các điều lành”. Hai môn chỉ trì và tác trì đó đã hàm nhiếp tất cả giới luật.
Trong bộ Luật Tứ Phần, phần đầu tiên nêu rõ giới pháp của chúng Tì-kheo; phần thứ nhì là giới pháp của chúng Tì-kheo-ni; phần thứ ba là đề ra các qui tắc về an-cư, tự-tứ9 v.v… phần thứ tư là các phép tắc về phòng xá v.v… Trong phần thứ ba và thứ tư lại chia ra làm 20 kiền-độ10 (4), xin được liệt kê trong đồ biểu sau đây:
VIII. GIỚI CỤ TÚC CHIA LÀM 8 ĐOẠN 5 THIÊN
Hai bộ giới bản của Tì-kheo và Tì-kheo-ni được gọi tên là “cụ túc giới”, gọi tắt là “cụ giới”, nhân đó, thọ cụ túc giới cũng được gọi tắt là “thọ cụ”; trong đó được chia làm 5 đoạn: 1) Ba-la-di, dịch là đoạn-đầu, là tội cực nặng11; 2) Tăng-tàn, nghĩa là tàn mạng, phải đợi chúng tăng thực hành pháp sám hối mới cứu được; 3) Bất-định, nghĩa là tội còn trong vòng nghi vấn, chưa có gì để xác định rõ ràng; 4) Ni-tát-kì-ba-dật-đề, dịch là xả-đọa, chữ “xả” là chỉ cho phạm tội về phẩm vật, phải nên xả hết cho tăng chúng, chữ “đọa” nghĩa là phạm tội thì phải đọa địa ngục; 5) Badật-đề, dịch là đọa, hay đơn-đọa, ý nghĩa giống như trên; 6) Đề-xá-ni, nghĩa là tội có thể đối trước người mà sám hối; 7) Chúng-học, tức là giới mà tì-kheo phải học; 8) Diệt-tránh, nghĩa là dập tắt tranh cãi. Trong 8 đoạn này, thì 3 đoạn bất-định, chúng-học và diệt-tránh hợp thành “đột-kiết-la”; “đột” nghĩa là ác, “kiết la” nghĩa là làm, ý chỉ cho thân và miệng tạo nghiệp ác. Như vậy tức là 8 đoạn trở thành còn 5 thiên. Nay xin đem 250 giới Tì-kheo và 348 giới Tì-kheo-ni thuộc 8 đoạn và 5 thiên trong giới cụ túc, phân biệt liệt kê trong đồ biểu sau đây:
CHÚ THÍCH
1. Phóng dật: là một trong 20 thứ tùy phiền não được nói tới trong Luận Duy Thức. Phóng dật nghĩa là không giữ qui củ; lại nữa, xa lìa phương tiện thiện xảo cũng gọi là phóng dật.
2. Vua A Dục: A Dục dịch là Vô Ưu. Khoảng năm 270 tr. TL, vua A Dục thống nhất toàn đất nước Ấn-độ, bảo hộ Phật giáo, phái các vị tuyên giáo sư đi hoằng dương Phật pháp khắp các nơi, xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi chùa và tám vạn bốn ngàn ngôi bảo tháp, cúng dường xá lợi Phật. Đó là vị vua oai hùng nhất của vương triều Khổng-tước. (Xin xem lại chú thích số 11, bài 16, sách Trung Cấp.)
3. Ưu Bà Cúc Đa: dịch là Đại Hộ, hay Cận Hộ, là Tổ thứ 5 của dòng Phú Pháp Tạng.
4. Vua của nước Bắc-Ngụy trong thời đại Nam-Bắc-triều vốn họ Thác-bạt, nhưng đến đời Hiếu-văn đế thì đổi thành họ Nguyên, cho nên sử gọi là Nguyên-Ngụy.
5. Luật sư: Xin xem lại chú thích số 1, bài 28, sách Trung Cấp.
6. Ngài Tuệ Quang soạn Lược Sớ, 4 quyển; ngài Trí Thủ soạn Quảng Sớ, 20 quyển; ngài Pháp Lệ soạn Trung Sớ, 10 quyển; ngài Đạo Tuyên soạn Hành Sự Sao, Giới Sớ, Nghiệp Sớ, Thập Tì Ni Nghĩa Sao, Định Tông Tác Tiết Tông Nghĩa Kí, 10 quyển; ngài Hoài Tố soạn Tứ Phần Khai Tông Kí, 10 quyển; ngài Huyền Uẩn soạn Tì Ni Thảo Yếu, 3 quyển; nói chung trong thời nhà Đường có đến 20 vị đã chú sớ, giải thích bộ Luật Tứ Phần này.
7. Ngài Đạo Tuyên từng nhiều lần tham gia đạo tràng dịch kinh của ngài Huyền Trang, thông hiểu Pháp Tướng, cho nên đã cứ theo “ba thời giáo” mà lập nên 3 loại giới thể: Đối với Hữu giáo, lấy sắc pháp làm giới thể; đối với Không giáo, lấy phi sắc phi tâm pháp làm giới thể; đối với Trung Đạo giáo, lấy tâm pháp làm giới thể.
8. Tuy giới luật được dùng để đối trị với sáu trần, nhưng nó cũng huân tập thành chủng tử trong thức alại-da, trừ khử các chủng tử ác, phát sinh các chủng tử thiện; những ý nghĩa này đều căn cứ vào giáo nghĩa của tông Pháp Tướng.
9. Tăng chúng, vào ngày Rằm tháng Bảy, khóa an cư mùa Hạ đã mãn, ở trong đại hội, cứ để cho mọi người nêu lên các tội lỗi mình đã phạm, rồi đối trước các vị tì kheo mà ân cần sám hối, gọi là “tự tứ”; lại cũng nói là “tùy ý”, nghĩa là để cho người khác tùy ý nêu ra các tội lỗi của mình.
10. Tiếng Phạn “kiền-độ” được dịch ra Hán ngữ là tụ, uẩn, hay kết, tức là tên của một thiên, một chương ở trong Luật. Một kiền-độ có ý nói là một thiên, một chương, một phẩm, hay một tiết.
11. Xin xem lại chú thích số 6, bài 28, sách Sơ Cấp.
PHỤ CHÚ
1) Bát Thập Tụng Luật là bộ Luật căn bản của Phật giáo. Từ sau khi bị phân rẽ thành Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luậtv… thì bộ Luật căn bản ấy không còn tồn tại ở đời.
2) Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta): Ngài người nước Ma-đột-la (Mathura) ở miền Trung Ấn-độ, là vị quốc sư của vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL). Ngài bẩm chất thông tuệ, tâm tính từ bi. Tổ thứ ba của dòng Phú Pháp Tạng là Thương Na Hòa Tu biết ngài là pháp khí, bèn dạy cho pháp chánh niệm: Nếu mỗi lần khởi tâm ác thì bỏ một cục đá đen ở bên tay trái; nếu mỗi lần khởi tâm thiện thì bỏ một cục đá trắng ở bên tay phải. Ngài y theo lời dạy ấy mà tu tập. Ban đầu thì đá đen nhiều, dần dần thì đá đen đá trắng bằng nhau, cho đến khi hết 7 ngày thì chỉ thấy toàn đá trắng. Tôn giả Thương Na Hòa Tu biết đã đúng lúc, bèn nói pháp Tứ Đế, ngài nghe xong liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Ngài lại quán chiếu về tính khổ, không, vô thường của các pháp, liền chứng quả A-na-hàm. Ngài xin xuất gia, và sau khi thọ cụ túc giới thì chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ vua A Dục (vua nước Ma-kiệt-đà) nghe danh ngài đang giáo hóa đồ chúng trong khu rừng núi u tĩnh ở nước Ma-đột-la, muốn đến đó quan sát. Ngài nghĩ, nơi ấy chỉ là chốn núi rừng chật hẹp, nên đã dẫn một vạn tám ngàn đồ chúng đi về thành Hoa-thị (kinh đô nước Ma-kiệt-đà), vì vua A Dục mà thuyết pháp. Ngài cũng chỉ cho nhà vua biết các di tích của đức Phật và dạy nhà vua xây tháp cúng dường. Ngài cũng dạy nhà vua xây tháp các vị tôn giả đệ tử lớn của Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nan, v.v… để cúng dường; tương truyền, nhà vua đã xây cả thảy tám vạn bốn ngàn ngôi bảo tháp. Công hoằng hóa của ngài rất lớn, độ người nhiều vô số. Khi duyên hóa độ đã mãn, ngài phó chúc Pháp tạng lại cho đệ tử là Đề Đa Ca, rồi nhập diệt.
3) Giới luật tiểu thừa: Giới luật tiểu thừa tức là giới luật dành cho hàng Thanh-văn. Giới của tiểu thừa gồm 6 loại: 5 giới cho cư sĩ tại gia, 8 giới quan trai cho cư sĩ tại gia, 10 giới cho chúng sa-di và sa-di-ni, 6 giới cho thức-xoa-ma-na (ni), 250 giới (cụ túc giới) cho chúng tì-kheo, và 348 giới (cụ túc giới) cho chúng tì-kheo-ni. Luật của tiểu thừa, từ trước đến nay gồm có 5 bộ: Tứ Phần Luật của Đàm Vô Đức bộ, Thập Tụng Luật của Tác Bà Đa bộ, Ngũ Phần Luật của Di Sa Tắc bộ, Giải Thoát Luật của Ca Diếp Di bộ, và Ma Ha Tăng Kì Luật của Ma Ha Tăng Kì bộ. Sự khác nhau giữa giới luật tiểu thừa và giới luật đại thừa là, giới luật tiểu thừa thì chú trọng về hình thức hơn về tâm linh, còn giới luật đại thừa thì chú trọng về tâm linh hơn là về hình thức.
4) 20 kiền độ: Tiếng Phạn “kiền-độ” có nghĩa là phân loại thành thiên, chương, phẩm, tiết. Giới luật, về môn “tác trì” được chia làm 20 loại, gọi là “20 kiền-độ”. Trong bộ Luật Tứ Phần có liệt kê 20 kiền độ như sau:
– Thọ giới kiền-độ: cũng gọi là đại kiền độ, hay thọ cụ túc giới pháp, nói về phép tắc thọ giới;
– Thuyết giới kiền-độ: cũng gọi là bố-tát kiền-độ, hay bố-tát pháp, nói về pháp thuyết giới sám hối mỗi nửa tháng;
– An cư kiền-độ: nói về pháp kiết giới an cư hàng năm;
– Tự tứ kiền-độ: nói về cách thức tự tứ của chúng Tì-kheo vào ngày mãn an cư; 5) Bì cách kiền độ: nói về việc có được sử dụng các đồ dùng bằng da thú hay không; 6) Y kiền-độ: nói về phép 3 y của Tì-kheo;
– Dược kiền-độ: cũng nói là y dược pháp, nói về 4 loại thuốc, tức bốn loại vật phẩm dùng để duy trì mạng sống;
– Ca-si-na y kiền-độ: nói về việc thọ nhận y ca-si-na (công đức y) do thí chủ cúng dường trong thời gian 5 tháng sau mùa an cư;
– Câu-siểm-di kiền-độ: cũng nói là Câu-siểm-di pháp, nói về các thầy tì-kheo ở nước Câu-siểm-di phỉ báng nhau;
– Chiêm-ba kiền-độ: nói về sự tranh cãi của chư tăng ở nước Chiêm-ba;
– Ha trách kiền-độ: cũng nói là yết-ma kiền-độ, nói về phép trừng phạt các vị tì-kheo xấu;
– Nhân kiền-độ: cũng nói là tăng tàn hối pháp, biệt trú pháp, hay biệt trú kiền-độ, nói về việc dạy dỗ đối với quí vị tì-kheo phạm tội mà không che dấu, biết phát lồ sám hối;
– Phú tàng kiền-độ: cũng nói là tụ tập kiền-độ, nói về phép trừng phạt đối với quí vị tì-kheo phạm giới mà che dấu tội lỗi;
– Già kiền-độ: cũng nói là già bố-tát pháp, nói về quí vị tì-kheo phạm tội không được tham dự bố-tát;
– Phá tăng kiền-độ: cũng nói là Điều Đạt sự, nói về phương pháp trừng trị đối với những trường hợp như Đề Bà Đạt Đa phản nghịch đức Phật và chia rẽ tăng đoàn;
– Diệt tránh kiền độ: cũng nói là tránh sự pháp, nói về 7 phương pháp dập tắt các sự tranh cãi;
– Tì-kheo-ni kiền-độ: nói về các phép tắc đặc biệt liên quan đến chúng tì-kheo-ni;
– Pháp kiền-độ: cũng nói là oai nghi pháp, nói về các lễ nghi tác pháp;
– Phòng xá kiền-độ: cũng nói là ngọa cụ pháp, nói về nơi cư trú và các vật dụng riêng tư của tì-kheo; 20) Tạp kiền-độ: nói về những việc không thuộc vào 19 loại trên.
BÀI TẬP
1) Môn hạ của tôn giả Ưu Ba Cúc Đa đã phân rẽ làm 5 bộ. Tên của 5 bộ đó là gì? Luật của mỗi bộ ấy tên là gì?
2) Hãy nêu ra 3 loại giới thể mà ngài Luật sư Đạo Tuyên đã lập đối với 3 thời giáo.
3) Thế nào là “chỉ trì” và “tác trì”?
4) Mỗi phần trong bộ Luật Tứ Phần nói về pháp gì?
5) “Thọ cụ” nghĩa là gì?
6) Giải thích các từ: ba-la-di, tăng tàn, xả đọa, đề-xá-ni, và đột-kiết-la.
7) Trong giới cụ túc, hàng Tì-kheo phải thọ bao nhiêu giới? Hàng Tì-kheo-ni phải thọ bao nhiêu giới?