GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

CẤP MỘT

Bài 2
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI (phần 1)

Vị giáo chủ khai sáng ra Phật giáo là đức Phật Thích Ca Mâu Ni1. Ngài đản sinh tại nước Ca-tì-la-vệ(1) ở Ấn-độ, vào ngày Mồng Tám tháng Tư(2) năm Giáp-Dần, nhằm vào năm thứ 24 đời Chiêu vương nhà Chu(3). Ngài là một vị thái tử, con vua Tịnh Phạn, được đặt tên là Tất Đạt. Khi mang thai đã gần đầy mười tháng, thánh mẫu hoàng hậu Ma Da dẫn cung nữ ra dạo chơi vườn Lam-tì-ni2(4), đưa cánh tay phải lên vịn cành cây vô ưu thì liền sinh thái tử. Thái tử vừa sinh ra, liền hướng về bốn phương, mỗi phương đều bước đi bảy bước, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, nói rằng: “Trên trời dưới trời chỉ có ta là tôn quí hơn hết.” Bấy giờ, quả đất phát ra sáu thứ chấn động3, ánh sáng năm màu chiếu đến cung Thái-vi4. Vua Chiêu vương đem việc ấy hỏi quần thần, quan thái sử Tô Do tâu rằng: “Ở phương Tây có Thánh nhân ra đời. Một nghìn năm sau giáo pháp sẽ truyền tới đây.” Vua sai khắc việc đó vào đá để ghi nhớ(5).

Thái tử Tất Đạt đản sinh được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da tạ thế, sinh lên cõi trời Đao-lợi5. Thái tử đã được di mẫu là hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề(6) nuôi dạy nên người, tinh thông văn võ. Phụ vương đã cưới công nương Da Du Đà La(7) cho thái tử làm chánh phi, cấp cho ba nghìn cung nữ hầu hạ; nhưng hàng đêm thái tử chỉ tu tập thiền quán, chưa hề cùng với chánh phi có ý tưởng thế tục.

Một hôm nọ, thái tử ngồi xe ra cửa Đông du ngoạn, trông thấy một người già yếu. Một hôm khác, ra cửa Nam lại trông thấy một người bệnh hoạn. Một hôm khác nữa, ra cửa Tây lại trông thấy một người chết. Các cảnh tượng ấy đã làm cho thái tử thấy rõ được các tính chất khổ, không, vô thường của cuộc đời. Rồi một ngày kia, ra cửa Bắc, thái tử trông thấy một vị tì kheo7 – do một vị tiên ở cõi trời Tịnh-cư6 hóa hiện. Được vị tì kheo này nói cho biết ý nghĩa và ích lợi của đời sống xuất gia, thái tử liền quyết chí xuất gia học đạo. Vua Tịnh Phạn biết được điều đó, bèn cho lệnh canh giữ cẩn mật, không để cho thái tử tự tiện ra đi. Bấy giờ, thái tử nhân lúc đêm khuya, bảo người đánh xe là Xa Nặc chuẩn bị ngựa. Chư thiên ở cõi trời Tịnh-cư làm cho những người canh giữ đều ngủ say, thái tử cỡi ngựa, bay lên hư không mà đi.

Trước tiên, thái tử theo học với các vị sa môn ngoại đạo8, nhưng sau lại nhận ra rằng, không có vị nào đạt đến chỗ rốt ráo cùng tột, nên thái tử đã bỏ vào vùng Tuyết-sơn9, tu khổ hạnh10 sáu năm(8), hình vóc khô gầy chỉ còn da bọc xương, mà vẫn không thấy được chân lí. Thái tử lại nhận thấy, lối tu khổ hạnh như vậy cũng không thể tiến đến chỗ cứu cánh, bèn lần đến bờ sông Ni-liên11, nhận bát cháo sữa do một cô gái chăn trâu cúng dường. Thọ dụng xong, thái tử cảm thấy sức khỏe được khôi phục, xuống sông tắm rửa, rồi đến ngồi nơi gốc cây bồ đề12, phát nguyện, nếu không chứng được quả vị giác ngộ vô thượng13 thì nhất quyết sẽ không rời khỏi chỗ ngồi. Một buổi khuya, khi sao mai vừa mọc, Ngài “hoát nhiên đại ngộ”, thành bậc Tối Chánh Giác14.

 

CHÚ THÍCH

1. “Thích Ca” nghĩa là “năng nhân”; “Mâu Ni” nghĩa là “tịch mặc”(9). Phật giáo tôn đức Thích Ca Mâu Ni là bậc Thầy căn bản, cho nên đã xưng Ngài là đức “Bổn Sư”.

2. Vườn Lam-tì-ni ở tại phía Đông thành Ca-tì-la. Phía Bắc khu vườn có cây vô ưu, nay vẫn còn, đó là nơi đản sinh của đức  Thích Tôn.

3. Có ba lối giải thích về “sáu chấn động”: – 1) Sáu lúc chấn động: khi Phật nhập thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, và nhập niết bàn. – 2) Sáu phương chấn động: phương Đông vọt lên thì phương Tây chìm xuống, phương Tây vọt lên thì phương Đông chìm xuống, phương Nam vọt lên thì phương Bắc chìm xuống, phương Bắc vọt lên thì phương Nam chìm xuống, ngoài biên vọt lên thì ở giữa chìm xuống, ở giữa vọt lên thì ngoài biên chìm xuống. – 3) Sáu tướng chấn động: tướng lay động, tướng vọt lên, tướng vang động, tướng đánh đấm, tướng gầm rống, tướng bùng nổ.

4. Thái-vi: tên một chòm sao.

5. Đao-lợi: dịch là cõi trời Ba-mươi-ba, là cõi thứ nhì trong sáu cõi trời Dục giới, trụ tại đỉnh núi Tu-di. Người ở cõi trời đó thân cao 6 do tuần, sống lâu 1.000 tuổi. Một ngày đêm ở cõi trời này bằng 100 năm ở nhân gian; tính ra, tuổi thọ của chư thiên cõi trời Đao-lợi bằng (360x100x1.000) 36.000.000 năm ở nhân gian. Cõi trời Đao-lợi này, ở bốn phương (Đông, Tây, Nam, Bắc), mỗi phương đều có 8 cung trời; ở trung tâm có cung Hỉ-kiến, là chỗ thiên vương Đế Thích ngự, cai quản cả 32 cung ở bốn phương kia. Cho nên Đao-lợi cũng được gọi là cõi trời Ba-mươi-ba (tức cõi trời có 33 cung).

6. Trời Tịnh-cư: là cõi trời Tứ-thiền, cao nhất của Sắc giới. Cõi này có năm từng trời, là nơi sinh về của các bậc thánh đã chứng quả “Bất Hoàn” (không còn sinh trở lại cõi Dục nữa). Vì nơi đó không có các tà thuyết ngoại đạo, nên được gọi là “Tịnh-cư”. Năm từng trời, từ dưới lên trên gồm có: Vô-phiền (không có hỗn tạp phiền phức), Vô-nhiệt (không sôi nổi náo loạn), Thiện-hiện (thường xuất hiện các pháp thù thắng), Thiện-kiến (thường trông thấy các pháp thù thắng), Sắc-cứu-cánh (cõi cao nhất và thù thắng nhất của Sắc giới).

7. Tì kheo, cũng gọi là “bật sô”, là danh xưng thường dùng để gọi những vị xuất gia đã thọ giới cụ túc. Nam thì gọi là tì kheo; nữ thì gọi là tì kheo ni. Tì kheo có ba ý nghĩa: – 1) Trên thì xin lãnh thọ giáo pháp của Phật để nuôi lớn huệ mạng mình, dưới thì xin thức ăn của người đời để nuôi sống thân mạng mình, cho nên vị tì kheo được gọi là “khất sĩ” (người đi xin). – 2) Người xuất gia cắt bỏ ái dục, tu tập theo chánh đạo, khiến cho các loại tà ma phải khiếp sợ, cho nên vị tì kheo được gọi là “bố ma” (tà ma phải nể sợ). – 3) Quyết tâm suốt đời hành trì giới luật để dứt sạch mọi lỗi lầm và phát sinh mọi pháp lành, cho nên vị tì kheo được gọi là “phá ác” (tiêu diệt tất cả mọi điều xấu).

8. Danh từ “ngoại đạo” có hai nghĩa: một, là tiếng dùng để chỉ chung cho các đạo giáo không phải là Phật giáo; hai, những người tu học theo đạo Phật mà không tinh cần tu tập, chỉ hướng tâm vọng ngoại, tìm cầu những gì trái với giáo pháp, cũng là ngoại đạo.

9. Tuyết-sơn tức núi Hi-mã-lạp, nằm dọc biên giới phía Bắc Ấn-độ, là dãy núi cao nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ, cho nên gọi là núi Tuyết.

10. Khổ hạnh: thực hành những việc mà xác thân khó có thể chịu đựng nổi.

11. Ni-liên: tức là sông Ni-liên-thiền, nơi đức Phật đã từng tắm rửa trước khi thành đạo.

12. Cây bồ-đề: cây vốn có tên là tất-bát-la, nhân vì đức Thích Tôn đã thành đạo nơi gốc cây này, nên nó được gọi là cây bồ đề.

13. Tiếng Phạn “a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”, người Hoa dịch nghĩa là “vô thượng chánh đẳng chánh giác” (quả giác ngộ cùng tột không gì hơn), đó là quả vị mà chỉ có chư Phật mới chứng ngộ được.

14. Cùng tột, gọi là “tối”; xa lìa mọi điên đảo, gọi là “chánh”; tâm ý sáng tỏ, gọi là “giác”; gồm các ý nghĩa đó lại, gọi là “tối chánh giác”. Đó là trí tuệ đã phát triển đến chỗ hợp nhất với chân lí; vì vậy, “tối chánh giác” cũng tức là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

 

PHỤ CHÚ

(01) Thực ra, Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu) không phải là tên một nước, mà đó là kinh đô của vương quốc Thích-ca (Sakya); cũng như, Xá-vệ (Sravasti) không phải là tên của một nước, mà là kinh đô của vương quốc Kiều-tát-la (Kosala), v.v…; đó là những vương quốc trên bán đảo Ấn-độ thời Phật tại thế. Cho nên, đúng ra thì nên nói là “thành Ca-tì-la-vệ”. Thích-ca là tên một bộ tộc, có nghĩa là “có năng lực”. Bán đảo Ấn-độ thời bấy giờ chia ra rất nhiều vương quốc, mỗi vương quốc do một bộ tộc cai trị. Bộ tộc Thích-ca chiếm cứ vùng đất nằm giữa chân núi Hi-mã-lạp (Himalaya) ở phía Bắc, các vương quốc Câu-lị (Koliya) ở phía Đông, Mạt-la (Malla) ở phía Nam, và Kiều-tát-la ở phía Tây. Theo truyền thuyết, tổ tiên của bộ tộc Thích-ca khởi nguồn từ vua Cam Giá (Iksvaku), ở thành Potala, xứ Ayodhya (nay là vùng Ngũ-hà – Punjab), trên lưu vực sông Ấn (Indus). Vua Cam Giá có người vợ cả, sinh được bốn hoàng tử; sau lấy vợ thứ, sinh được một hoàng tử. Bà vợ thứ muốn con mình sau làm vua, nên xúi vua Cam Giá đuổi bốn hoàng tử con của bà vợ cả ra khỏi nước. Bốn anh em phải ra đi lang thang vô định. Khi đến chân núi phía Nam của dãy Hi-mã-lạp thì họ dừng lại. Tại đây họ đã lập nên sự nghiệp hùng mạnh, làm chủ một bộ tộc, và dựng lập thành Ca-tì-la-vệ. Vua Cam Giá biết được tin này, liền vui mừng khen rằng: Đó quả là những hoàng tử “có năng lực” (tiếng Phạn là “sakya”). Từ đó, bộ tộc và vương quốc do bốn hoàng tử sáng lập được đặt tên là “Sakya” (Thích-ca). Sau đó, khi ba trong bốn anh em qua đời, người còn lại trở thành vua của vương quốc Thích-ca, kinh đô là thành Ca-tì-la-vệ. Vua Sư Tử Giáp (Simhahanu) là đời thứ tư của dòng Thích-ca (tức đời thứ năm kể từ vua Cam Giá), sinh bốn trai và một gái: đó là các hoàng tử Tịnh Phạn (Suddhodana), Bạch Phạn (Suklodana), Hộc Phạn (Drono-dana), Cam Lộ Phạn (Amrtodana) và công chúa Cam Lộ (Pamita). Tịnh Phạn được nối ngôi vua của vương quốc, và là phụ vương của Phật. Đương thời, Thích-ca là một nước nhỏ, đất đai không phì nhiêu lắm, hết phân nửa lãnh thổ về phía Bắc là vùng cao nguyên, toàn đồi núi; phân nửa còn lại ở phía Nam là vùng đồng bằng. Kinh thành Ca-tì-la-vệ nằm trong vùng đồng bằng ấy. Vương quốc này ngày nay là địa phận xứ Tilorakot ở vùng Terai, miền Nam nước Nepal, giáp ranh giới phía Bắc của nước Ấn-độ.

(02) Đức Phật đản sinh vào ngày “mồng 8 tháng 4 âm lịch”, đó đã là một truyền thuyết cổ xưa. Hiện nay, để niên lịch Phật giáo được thống nhất trên thế giới, năm 1952, trong đại hội Phật giáo quốc tế do Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại Đông-kinh (thủ đô nước Nhật-bản), đại biểu của các quốc gia theo đạo Phật đã thống nhất quyết định, lấy ngày Trăng Tròn Tháng 5 Dương Lịch (tức ngày Rằm tháng 4 âm lịch) làm ngày kỉ niệm đức Phật đản sinh.

(03) Tác giả nói là đức Phật đản sinh vào “năm Giáp-Dần, nhằm vào năm thứ 24 đời Chiêu vương nhà Chu”. Đây chỉ là một thuyết vô căn cứ của người Trung-quốc. Đức Phật đản sinh vào khoảng cuối thế kỉ thứ 7 trước công nguyên. Phật giáo quốc tế đã thống nhất lấy năm Phật nhập diệt làm năm thứ nhất Phật lịch, và xác định rằng, năm Phật nhập diệt là năm 544 tr. CN, Phật tại thế 80 năm, vậy đã đản sinh vào năm 624 tr. CN. Theo sự tra cứu của người dịch, Chiêu vương là vua thứ tư của nhà Chu, lên ngôi năm Canh-Tí, nhằm năm 1041 tr. CN, trước thời đại của Phật hơn 400 năm, sao tác giả lại bảo là Phật đản sinh nhằm đời vua Chiêu nhà Chu? Hoàn toàn không đúng. Những truyền thuyết như thế, ngày nay đã không còn phù hợp nữa, đáng lẽ nên bỏ đi.

(04) Rõ ràng hơn thì phải nói là: Khi biết đã gần tới ngày sinh, theo tục lệ Ấn-độ, hoàng hậu Ma Da (Maha Maya) liền về quê mẹ là kinh thành Thiên-tí (Devadaha  – vương quốc Câu-lị, nước láng giềng ở phía Đông của vương quốc Thích-ca) để sinh nở. Trên đường đi, hoàng hậu và đoàn cung nữ tùy tùng đã ghé vào vườn Lam-tì-ni (Lumbini) ở bên đường để nghỉ chân. Và chính tại trong khu vườn này, hoàng hậu đã hạ sinh thái tử.

(05) Khoa thiên văn cổ của Trung-quốc nói rằng, Thái-vi là chòm sao cao nhất trong ba chòm sao lớn (Thái-vi, Tử-vi và Thiên-thị). Theo tác giả, ngay lúc Phật đản sinh, ánh sáng chiếu đến cung Thái-vi, vua Chu Chiêu vương đem việc ấy hỏi quần thần… Nhưng Phật đản sinh cách sau Chu Chiêu vương đến 400 năm, thì làm sao nhà vua thấy được hào quang ngũ sắc chiếu lên chòm sao Thái-vi trong ngày Phật đản sinh? Giả như cung điện của Chu Chiêu vương có tên là Thái-vi, thì sự việc cũng hoang đường như vậy mà thôi.

(06) Hai lệnh bà Ma Ha Ma Da và Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati) là hai chị em, và đều là em ruột của vua Thiện Giác (Suprabuddha), trị vì vương quốc Câu-lị. Sau khi sinh thái tử được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da tạ thế, lệnh bà Ba Xà Ba Đề (cũng gọi là Kiều Đàm Di – Gautami) liền được vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đưa lên ngôi hoàng hậu, và được giao cho nhiệm vụ nuôi nấng thái tử. Bà vừa là dì ruột của thái tử, lại vừa đảm trách nhiệm vụ làm mẹ thái tử, nên bà thường được gọi là “di mẫu” của thái tử.

(07) Da Du Đà La (Yasodhara) là con gái của vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ (Pamita). Hoàng hậu Cam Lộ là em ruột của vua Tịnh Phạn, cho nên, thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) và công chúa Da Du Đà La là anh em cô cậu.

(08) Theo niên đại của Phật được Phật giáo quốc tế thống nhất công nhận, đức Phật xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi, kể ra là 6 năm học đạo. Vậy, trong 6 năm này không phải Phật chỉ thuần tu khổ hạnh, mà kể chung, đó là cả thời gian tu học của Phật trước ngày thành đạo. Trong suốt thời gian 6 năm này, ngoại trừ vài tháng đầu ở vùng rừng núi gần thành Tì-xá-li (Vaisali) của vương quốc Lê-xa (Licchavi), tất cả thời gian còn lại, đức Phật đã tu học tại vùng rừng núi thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), trong lưu vực phía Nam của sông Hằng ở miền Trung Ấn-độ (cách xa thành Ca-tì-la-vệ hơn 200 cây số về hướng Nam), gần ranh giới vương quốc Ca-thi (Kasi – có kinh đô là Ba-la-nại – Baranasi, và vườn Lộc-dã – Mrgadava). Rừng Khổ-hạnh (Tapovana) nằm trong thôn Ưu-lâu-tần-loa (Uruvilva), cạnh núi Tượng-đầu (Gajasirsa), chính là thuộc vùng rừng núi này; và cả con sông Ni-liên (Nairanjana) cũng chính ở nơi đây. Sở dĩ Phật từ thành Ca-tì-la-vệ đã phải tìm đến tận nơi xa xôi này để học đạo, là vì thời bấy giờ, vùng lưu vực sông Hằng này chính là địa bàn hoạt động rất nhộn nhịp của tôn giáo và các phái triết học Ấn-độ. Các đạo tràng lớn của các đạo sĩ tiếng tăm lừng lẫy như A La Lam (Arada-kalama), Uất Đầu Lam Phất (Udraka-ramaputra), v.v… đều tập trung ở vùng này. Cho nên, thuyết nói rằng “Phật tu khổ hạnh ở Tuyết sơn” e không đúng. Tuyết sơn tức Hi-mã-lạp sơn, là rặng núi cao lớn hùng vĩ nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ, ở miền Trung-Á, chạy dài từ Tây sang Đông hơn 2.400 cây số, bắt đầu từ sông Ấn (Indus) ở phía Bắc Pakistan, qua vùng Kashmir của Bắc Ấn-độ, sau đó, một phần nằm vắt sang Tây-tạng, và phần lớn còn lại thì trải dọc theo Nepal, Sikkim và Bhutan. Như vậy, Tuyết sơn nằm ở mãi biên giới phía Bắc của vương quốc Thích-ca, chứ không phải ở vùng Lê-xa, Ma-kiệt-đà và Ca-thi; cho nên Phật đã không tu khổ hạnh ở Tuyết sơn.

(09) “Thích-ca” (Sakya)  là tên bộ tộc của Phật,  có nghĩa là “có năng lực”, cho nên dịch “năng nhân” (能仁) là không đúng, mà phải dịch là “năng” (能); “mâu-ni” (muni) nghĩa là vắng lặng, nhân từ, bậc thánh, người hiền, ẩn sĩ, là tiếng được dùng rất phổ biến vào thời Phật tại thế, để chỉ chung cho những vị ẩn tu trong rừng sâu núi thẳm, thân miệng ý đều vắng lặng. Đa số các nhà Phật học Trung-quốc xưa đã dịch một cách chính xác:  “Thích-ca” là “năng”,  và “ mâu-ni” là “tịch (寂),  tịch tịnh (寂靜),  tịch mặc (寂默),  nhân (仁)”.  Gộp cả lại,  “Thích-ca mâu-ni” được dịch là “năng tịch” (能寂) hay “năng nhân” (能仁); – vì chữ “mâu-ni” vừa có nghĩa là “tịch mặc” mà cũng vừa có nghĩa là “nhân”, cho nên đã có người dịch lầm “Thích Ca” là “năng nhân” và “Mâu Ni” là “tịch mặc”. Lại nữa, chữ “mâu-ni” cũng được gọi là “văn-ni” (文尼), hoặc gọi tắt là “văn”, cho nên “Thích Ca Mâu Ni” cũng có khi trở thành “Thích Ca Văn”. Đức Phật thuộc bộ tộc Thích-ca, khi còn là thái tử thì có tên là Tất Đạt Đa, sau khi thành đạo thì được người đời xưng hiệu là “Thích Ca Mâu Ni”, có nghĩa là bậc thánh của bộ tộc Thíchca. Lại nữa, thỉ tổ của bộ tộc Thích-ca là vua Cam Giá, cũng gọi Cồ Đàm (Gautama); cho nên, “Thích Ca” đã được coi là một phân tộc của họ “Cồ Đàm”. Bởi vậy, người đương thời cũng gọi đức Phât là “sa môn Cồ Đàm”, hay “đạo sĩ Cồ Đàm”. Có sách nói, Cồ Đàm, Cam Giá, Nhật Chủng, Thích Ca và Xá Di, là năm họ của Phật; đó là một đại quí tộc thuộc giai cấp Sát-đế-lị (ksatriya) của thời cổ Ấn-độ, thuộc giống người Aryan (từ miền Trung-Á xâm nhập và làm chủ vùng Bắc và Tây Bắc Ấn-độ  khoảng 3.000 năm trước Tây lịch). 

 

BÀI TẬP 

1) Vị giáo chủ khai sáng ra Phật giáo là ai?

Vị giáo chủ khai sáng ra Phật giáo là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

2) Hãy giải thích bốn chữ “Thích Ca Mâu Ni”.

“Thích Ca” là tên bộ tộc của đức Phật, nghĩa là có năng lực (năng). “Mâu Ni” có nghĩa là vắng lặng (tịch mặc), nhân từ (nhân), ẩn sĩ, bậc thánh. Sau khi thành đạo, đức Phật đã được người đời tôn kính và xưng hiệu là Thích Ca Mâu Ni (bậc thánh của bộ tộc Thích Ca).

3) Phật sinh được 7 ngày thì mẹ mất, sau đó ai đã nuôi dạy Ngài thành người?

Sau khi mẹ mất, đức Phật đã được lệnh bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dạy thành người.

4) Ai là vị chánh phi của thái tử Tất Đạt?

Vị chánh phi của thái tử Tất Đạt là công chúa Da Du Đà La.

5) Do đâu mà thái tử Tất Đạt thấy rõ được thế gian là khổ, không, vô thường để quyết chí học đạo?

Nhân những lần ra khỏi cung thành du ngoạn, được tiếp xúc trực tiếp với các hiện trạng đau thương của kiếp sống con người như già yếu, bệnh tật, chết chóc, thái tử đã thấy rõ các tính chất khổ, không và vô thường của cuộc đời. Từ đó, thái tử đã  quyết chí xuất gia tìm đạo.

6) Vua Tịnh Phạn đã sai người canh giữ thái tử, không để cho người được tự ý ra đi. Vậy thái tử đã rời hoàng cung bằng cách nào?

Nhân lúc đêm khuya, những người hầu cận và canh giữ đều ngủ say, thái tử cùng người đánh xe là Xa Nặc, cưỡi ngựa lặng lẽ rời khỏi hoàng cung.

7) Phật Thích Ca Mâu Ni đã ngồi ở gốc cây gì? Vì nhân duyên gì mà Ngài thành bậc “Tối Chánh Giác”?

Đức Phật đã ngồi ở gốc cây bồ đề (tức cây tất bát la). Khi ngồi tại đây, Ngài đã phát lời thề nguyện mạnh mẽ là, nếu không chứng được quả vị giác ngộ vô thượng thì nhất quyết sẽ không rời khỏi cội bồ đề. Chính quyết tâm dũng mãnh đó đã giúp Ngài nỗ lực thiền quán cho đến khi đạt thành quả vị “tối chánh giác”.