GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 1
TÔNG LUẬT (phần 1)
I. TÍNH TRỌNG YẾU của GIỚI LUẬT
LUẬT là một Tạng trong Ba Tạng1 mà bảy chúng2 đệ tử Phật đều cùng tu tập. Khi sắp nhập diệt, đức Thích Tôn đã từng dặn dò tôn giả A Nan: “Sau khi Phật nhập niết bàn, quí thầy hãy lấy giới luật làm thầy; nương theo đó mà tu hành, chắc chắn sẽ được giải thoát.” Phật lại dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Tuy có Phật tánh nhưng cần phải giữ giới thì mới thấy được. Có thấy được Phật tánh thì mới thành bậc Chánh-giác.” Xem đó thì có thể biết: Gặp đời không có Phật tại thế, thì giới luật là chỗ nương cậy, thay thế cho địa vị của Thầy, của Phật; không có giới luật tức là không Thầy, không Phật. Lại nữa, người từng thọ giới cụ túc thì mới gọi là Tăng Bảo, cho nên không có giới luật thì cũng không có Tăng. Nếu đứng về ba pháp học vô lậu3 mà nói: Có giới rồi sau mới có định, có định rồi sau mới có tuệ; đó là cái trình tự tất yếu, hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên mà có. Mối quan hệ của giới luật đối với Phật pháp rất lớn, không phải chỉ một lời ngắn ngủi mà nói hết được. Chỉ với một ít lí do như vừa nêu trên, chúng ta đã thấy được một cách khái quát cái tính trọng yếu của Giới Luật.
II. TÊN KHÁC của GIỚI LUẬT và GIỚI của BẢY CHÚNG
Tiếng Phạn “thi-la” được dịch nghĩa chữ Hán là “thanh lương”, hoặc “giới”; có ý nói, các tội lỗi ba nghiệp, tính chất của chúng là nóng bức, chỉ có giới mới có cái thế mạnh có thể phòng ngừa chúng phực cháy thiêu đốt; cho nên nói là “thanh lương”. Lại nữa, tiếng Phạn“tì-ni” hay “tì-nại-da” được dịch nghĩa chữ Hán là “diệt”, hay “thiện trị”, tức là có thể đối trị, tiêu diệt hết các tội lỗi ba nghiệp. Lại nữa, tiếng Phạn “ưu-ba-la-sám” được dịch nghĩa chữ Hán là “luật”, có nghĩa là pháp luật. Lại nữa, tiếng Phạn “ba-la-đề-mộc-xoa” được dịch nghĩa chữ Hán là
“biệt giải thoát”4, hoặc “xứ xứ giải thoát”, có nghĩa là giải thoát tội lỗi ba nghiệp. Đó là các tên gọi khác nhau của giới luật; tên gọi tuy có khác, nhưng thể tánh thì không khác. Phàm là đệ tử Phật, không luận là xuất gia hay tại gia, đều phải thọ giới. Thân phận của bảy chúng đều do từ sự thọ giới mà có. Chúng nào thì phải thọ giới gì? Điều này đã được trình bày ở các bài trước5, nay lại xin đem liệt kê trong đồ biểu sau đây (giới pháp được liệt kê trong đồ biểu này đều là giới tiểu thừa):
III. GIỚI BỒ TÁT ĐẠI THỪA
Ngoài ra còn có giới Bồ-tát đại thừa, là loại giới mà các hành giả phát tâm tu tập pháp đại thừa thọ trì; trong đó cũng có phân chia tại gia và xuất gia khác nhau. Căn cứ vào phẩm “Bồ Tát Tâm Địa” trong kinh Phạm Võng(1), người xuất gia phải thọ 18 giới nặng và 48 giới nhẹ, là giới pháp Bồ-tát đại thừa, và được gọi là Bồ-tát tăng. Căn cứ vào phẩm “Thọ Giới” trong kinh Ưu Bà Tắc Giới(2), người Phật tử tại gia phải thọ 6 giới nặng và 28 giới nhẹ, là giới pháp của hàng Bồ-tát tại gia. Trên nguyên tắc, hành giả phải thọ giới cụ túc (nếu là xuất gia) hay 5 giới (nếu là tại gia) trước, rồi sau mới thọ giới Bồ-tát, mới được coi là đúng cách. Cho nên có thể nói, việc thọ trì giới Bồ-tát là làm cho giới luật tiến sâu hơn một bước; và cũng có thể nói, từ nghĩa hẹp là độ cho chính mình, tiến thêm một bước, hành giả phát tâm thực hành nghĩa rộng là độ mình độ người.
IV. GIỚI BỒ TÁT DU GIÀ
Liên quan đến giới luật của Bồ-tát tăng, ngoài kinh Phạm Võng còn có “Du Già Giới”(3), có tên là Bồ Tát Giới Bản(4), trong đó lập ra 4 giới nặng và 40 giới nhẹ; đó là y cứ nơi phẩm “Bồ Tát Địa Giới”(5) của bộ luận Du Già Sư Địa(6) mà lập. Kinh Bồ Tát Địa Trì(7) và kinh Bồ Tát Thiện Giới(8) lại đều là bản dịch khác của kinh Bồ Tát Địa(9), trong các kinh đó đều có một phẩm là giới phẩm này; phẩm kinh được trích ra từ kinh Địa Trì, được gọi tên là Bồ Tát Giới Bản Kinh(10). Vì kinh Phạm Võng thuộc về Tánh tông6, cho nên giới Phạm Võng lại được gọi là “Đại thừa Tánh tông giới”; Du Già thuộc về Tướng tông7, cho nên Bồ Tát Giới Bản lại được xưng là “Đại thừa Tướng tông giới”. Cả hai loại giới luật đại thừa(11) này đều được thịnh hành ở Trung-quốc, nhưng chỉ là do cá nhân chọn lựa thực hành, chứ chưa lập thành tông phái.
CHÚ THÍCH
1. Kinh, Luật, Luận, gọi là Ba Tạng, chia ra có tiểu thừa và đại thừa. Xin xem lại bài 6, sách Sơ Cấp Giáo Bản.
2. Xin xem bài 22, sách Sơ Cấp.
3.Giới, định, tuệ , gọi là ba pháp học vô lậu. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp tâm là giới, nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ; đó là ba pháp học vô lậu.
4.Thọ giới rồi thì có thể giải thoát được ba loại nghiệp khác nhau của thân, miệng và ý, cho nên gọi là “biệt giải thoát”.
5.Xin xem bài 22, sách Sơ Cấp. Lại nữa, người Phật tử tại gia thọ 8 giới của người xuất gia, cũng đã được đề cập tới trong bài 10 của sách Trung Cấp Giáo Bản.
6.Các tông phái phá bỏ cái tướng của vạn pháp để nêu rõ chân tính không tịch của vạn pháp, gọi là Pháp Tánh tông, nói tắt là Tánh tông. Đốn giáo và Viên giáo trong Năm Giáo của tông Hoa Nghiêm, cũng như Biệt giáo và Viên giáo trong Bốn Giáo của tông Thiên Thai, và tông Tam Luận trong tám tông phái ở Trung-quốc, đều thuộc về Tánh tông.
7.Các tông phái đem sự sinh khởi của vạn pháp qui về thức a-lại-da, và đem vạn pháp sinh ra từ thức alại-da ấy phân chia thành nhiều tướng khác nhau, gọi là Pháp Tướng tông, nói tắt là Tướng tông. Đại thừa Thỉ giáo trong Năm Giáo của tông Hoa Nghiêm, Thông giáo trong Bốn Giáo của tông Thiên Thai, và tông Duy Thức trong tám tông phái ở Trung-quốc, đều thuộc về Tướng tông.
PHỤ CHÚ
01) Kinh Phạm Võng: Tên gọi đầy đủ của kinh này là Phạm Võng Kinh Lô Xá Na Phật Thuyết Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm Đệ Thập, cũng gọi là Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Địa Phẩm, hay Phạm Võng Giới Phẩm. Bộ kinh này do pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch ra Hán văn vào năm 401, thời Hậu-Tần (384-417), tại chùa Thảo-đường ở kinh đô Trường-an; được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 24, mang số 1484. Theo lời ngài Tăng Triệu (374-414) viết trong bài “Tựa” kinh Phạm Võng, thì bộ kinh Phạm Võng đang được nói tới ở đây chỉ là phẩm thứ 10 (có tên là “Bồ Tát Tâm Địa Giới”) của toàn bộ bản kinh Phạm Võng chữ Phạn gồm 61 phẩm. Phẩm kinh này đã được ngài La Thập dịch thành 2 quyển: quyển thượng nói về các pháp môn và địa vị tu tập của hàng Bồ-tát; quyển hạ nói về 10 giới cấm nặng và 48 giới nhẹ mà hàng Bồ-tát phải thọ trì. Từ trước đến nay, trong 2 quyển này thì quyển hạ được thịnh hành nhất, được người sau trích riêng ra làm thành một quyển kinh riêng biệt cho dễ đọc tụng, và gọi bằng nhiều tên, như: Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, Bồ Tát Giới Bản, Đa La Giới Bản, Bồ Tát Ba La Đề Mộc Xoa Kinh, Phạm Võng Kinh Lô Xá Na Phật Thuyết Bồ Tát Thập Trọng Tứ Thập Bát Khinh Giới. Kinh Phạm Võng đã từng được coi là loại kinh điển quan yếu nhất của giới luật đại thừa, rất được các nước thuộc truyền thống Phật giáo đại thừa coi trọng.
02) Kinh Ưu Bà Tắc Giới: cũng gọi là kinh Thiện Sinh, hay Ưu Bà Tắc Giới Bản, gồm 7 quyển, do pháp sư Đàm Vô Sấm (385-433) dịch vào năm 426, thời Bắc-Lương (397-460); được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 24, mang số 1488. Đây là một bộ kinh đại thừa, nhưng có gốc từ kinh Thiện Sinh (hay kinh Lục Phương Lễ) trong bộ kinh Trường A Hàm và Trung A Hàm. Bản kinh chia làm 28 phẩm, thuyết minh về sự phát tâm, lập nguyện, tu học v.v… của hàng Bồ-tát; đặc biệt, trong phẩm “Thọ Trì” có nêu rõ hàng Bồ-tát tại gia trước phải thọ 5 giới, sau đó sẽ thọ giới Bồ-tát tại gia gồm 6 giới nặng và 28 giới “thất ý” (tức giới nhẹ).
03) Du Già Giới: Xin xem lại chú thích số 9, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 22, 23 và 24”, sách Giáo Khoa Phật Học Cấp Một (GKPH I), Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam xuất bản tại California, 2002; và phụ chú số 4 sau đây.
04) Bồ Tát Giới Bản: Có 3 bản kinh cùng mang tên Bồ Tát Giới Bản:
-Đó là quyển HẠ của kinh Phạm Võng do pháp sư Cưu Ma La Thập dịch (cũng gọi là Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh) như vừa trình bày trong phụ chú số 1 ở trên.
-Tức là quyển Bồ Tát Giới Bản Kinh (cũng gọi là Địa Trì Giới Bản), nguyên là phẩm “Phương Tiện Xứ Giới” trong quyển 4 của bộ kinh Bồ Tát Địa Trì (gồm 10 quyển, do Bồ-tát Di Lặc nói, và được pháp sư Đàm Vô Sấm dịch ra Hán văn vào thời Bắc-Lương), được trích riêng ra mà làm thành, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 24, mang số 1500.
-Bản kinh nguyên là phẩm “Bồ Tát Địa Sơ Trì Du Già Xứ Giới” trong bộ luận Du Già Sư Địa do pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch, được trích riêng ra mà làm thành. Bản này thường được gọi là Du Già Giới Bản, lại cũng có tên là Du Già Bồ Tát Giới Bản, Bồ Tát Giới Kinh, hay Bồ Tát Giới Bản Kinh, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 24, mang số 1501.
05) Phẩm “Bồ Tát Địa Giới”: tức phẩm “Bồ Tát Địa Sơ Trì Du Già Xứ Giới” trong bộ luận Du Già Sư Địa do pháp sư Huyền Trang dịch, vừa nói trên.
06) Luận Du Già Sư Địa: gọi tắt là Luận Du Già, là một bộ luận lớn do Bồ-tát Di Lặc thuyết giảng, Bồtát Vô Trước (cuối thế kỉ 4 – đầu thế kỉ 5 TL) ghi chép, pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán văn, gồm 100 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 30, mang số 1579. Đó là bộ luận cơ bản của học phái Du Già Hành, mà cũng là loại điển tịch quan yếu nhất của tông Pháp Tướng. Toàn bộ luận được chia làm 5 phần, trong đó, phần “Bản Địa” (nói về cảnh giới của 17 địa vị mà các hành giả Du Già nương theo đó để tu tập pháp thiền quán Du Già) là quan trọng nhất, chiếm đến 50 quyển đầu (của 100 quyển). Trong phần “Bản Địa” này, phẩm “Bồ Tát Địa Sơ Trì Du Già Xứ Giới” (chiếm 2 quyển 40 và 41, nói về giới luật và oai nghi của hàng Bồ-tát đại thừa) lại từng được trích riêng ra để làm thành quyển Bồ Tát Giới Bản, cũng gọi là Bồ Tát Giới Kinh, và thường được giới học Phật gọi là Du Già Giới Bản (như vừa nói ở trên). Ngoài bản dịch của ngài Huyền Trang ra, còn có ba bản dịch khác: bản dịch của ngài Đàm Vô Sấm, có tên là Bồ Tát Địa Trì Kinh, gồm 10 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 30, mang số 1581; bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Ma, có tên Bồ Tát Thiện Giới Kinh, gồm 9 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 30, mang số 1582; bản dịch của ngài Chân Đế (499-569), có tên Quyết Định Tạng Luận, gồm 3 quyển, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 30, mang số 1584; nhưng chỉ có bản dịch của ngài Huyền Trang là đầy đủ trọn vẹn, còn cả 3 bản sau chỉ trích dịch một phần của toàn bộ luận mà thôi.
07) Kinh Bồ Tát Địa Trì: Xem lại phụ chú số 6 ở trên.
08) Kinh Bồ Tát Thiện Giới: Xem lại phụ chú số 6 ở trên.
09) Kinh Bồ Tát Địa: tức phẩm “Bồ Tát Địa Sơ Trì Du Già Xứ Giới” trong phần “Bản Địa” của bộ Luận Du Già Sư Địa vừa nói trên (phụ chú số 6).
10) Bồ Tát Giới Bản Kinh: tức quyển Bồ Tát Giới Bản (cũng gọi là Địa Trì Giới Bản) vừa nói ở mục số 2 trong phụ chú số 4 ở trên.
11) Hai loại giới luật đại thừa: Các kinh điển đại thừa liên quan đến giới luật của hàng Bồ-tát, có 4 loại căn bản: 1) Bộ kinh Bồ Tát Địa Trì (10 quyển) do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc-Lương; 2) Bộ kinh Phạm Võng (2 qytển) do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thời Hậu-Tần; 3) Bộ kinh Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp (2 quyển) do ngài Trúc Phật Niệm (?-?) dịch vào thời Hậu-Tần; 4) Bốn quyển “giới bản của Bồ-tát”, gồm có: –a/ Bồ Tát Giới Bản (cũng gọi là Địa Trì Giới Bản, 1 quyển, trích phẩm kinh ghi các giới điều trong bộ kinh Bồ Tát Địa Trì của ngài Đàm Vô Sấm dịch); –b/ Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Oai Nghi Kinh (1 quyển), ngài Cầu Na Bạt Ma dịch, tức là bản dị dịch của quyển Địa Trì Giới Bản ở trên; –c/ một quyển khác nữa cũng do ngài Cầu Na Bạt Ma dịch, là Bồ Tát Thiện Giới Kinh; –d/ Bồ Tát Giới Bản (cũng gọi là Du Già Giới Bản, 1 quyển, trích phẩm “Bồ Tát Địa” trong bộ luận Du Già do ngài Huyền Trang dịch). Trong các Luật điển ghi trên, theo sự phân tích của các nhà chuyên về Luật học, một cách tổng quát, chúng được chia làm hai hệ thống: PHẠM VÕNG và DU GIÀ; theo đó, hai kinh Phạm Võng và Anh Lạc thuộc loại giới bản “Phạm Võng”, tất cả các kinh còn lại đều thuộc loại giới bản “Du Già”. Những nét khác biệt rõ rệt nhất giữa hai loại giới bản đó gồm có:
-Giới bản Phạm Võng là do đức Phật Thích Ca nói; giới bản Du Già là do đức Bồ-tát Di Lặc nói.
-Giới bản Phạm Võng nêu rõ “10 giới nặng và 48 giới nhẹ”, xuất gia và tại gia đều thọ giới được; giới bản Du Già lấy “ba nhóm tịnh giới” (tam tụ tịnh giới) và “bốn loại tha thắng xứ” (tức bốn giới cực trọng là sát, đạo, dâm, vọng) làm tiêu chuẩn cơ bản, tuy cũng thông nhiếp cả xuất gia và tại gia, nhưng trước hết phải thọ các giới tiểu thừa (chúng nào thọ giới của chúng ấy), trải qua một thời gian lâu không phạm giới thì mới được thọ giới Bồ-tát.
-Giới bản Phạm Võng rất nghiêm túc, chi li, hành giả phải tuyệt đối “y giáo phụng hành”, gìn giữ luật nghi, ngăn chận tất cả mọi cấu nhiễm dù nặng hay nhẹ; giới bản Du Già chú trọng tính cách quyền biến, phương tiện thiện xảo, có mở (khai) có chận (già), có khi bị cấu nhiễm mà vẫn không bị coi là phạm tội.
BÀI TẬP
1) a/ Khi sắp nhập diệt, đức Thích Tôn đã phó chúc cho tôn giả A Nan điều gì? b/ Theo lời dạy của đức Thích Tôn, tất cả chúng sinh phải làm thế nào mới thấy được Phật tánh? Phải làm thế nào mới thành bậc Chánh-giác?
2) Vì sao nói “không có giới luật tức là không có tăng”?
3) Kinh Lăng Nghiêm có nói gì liên quan đến ba pháp học vô lậu?
4) Hãy giải thích các từ: thi-la, tì-ni, ưu-ba-la-sám, ba-la-đề-mộc-xoa.
5) a/ Bồ-tát tăng đại thừa thọ giới Bồ-tát, có bao nhiêu giới nặng và bao nhiêu giới nhẹ? Những giới ấy được rút ra từ kinh nào? b/ Bồ-tát tại gia thọ giới Bồ-tát, có bao nhiêu giới nặng và bao nhiêu giới nhẹ? Những giới ấy được rút ra từ kinh nào?
6) Du Già Bồ Tát Giới Bản được trích ra từ đâu? Trong đó có bao nhiêu giới nặng và bao nhiêu giới nhẹ?