Sá
An Sỹ Toàn Thư
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Lời giới thiệu bản Việt dịch sách An Sỹ toàn thư
An Sĩ toàn thư là một tập sách khuyến thiện được Đại sư Ấn Quang nhiều lần khen ngợi. Đích thân ngài cũng đã vận động, tổ chức việc in ấn lưu hành, số lượng lên đến hàng vạn quyển. Vì thế, lần đầu tiên tiếp xúc với bộ sách này bằng Hán văn, bản thân tôi đã không khỏi khởi sinh một vài băn khoăn, nghi vấn.
Vì sao lại băn khoăn, nghi vấn? Vì khi nhìn qua tổng mục sách này, nổi bật lên là phần Âm chất văn quảng nghĩa, vốn dựa vào bài văn Âm chất của Văn Xương Đế quân để giảng rộng. Các phần còn lại là Tây quy trực chỉ, Vạn thiện tiên tư và Dục hải hồi cuồng có thể tạm chưa bàn đến, nhưng riêng về bài văn Âm chất thì dường như không nằm trong Giáo pháp của đức Phật.
Văn Xương Đế quân là một nhân vật hư hư thật thật, tuy một phần truyền tích về ông có thể tạm cho là thật, nhưng lại có vô số điều được thêu dệt thêm chung quanh hình ảnh của ông, mà phần lớn đều là những kiểu niềm tin mông muội, thiếu trí tuệ, nếu không muốn nói là mê tín. Như vậy, những lời truyền lại của một nhân vật như thế liệu có đáng để người Phật tử phải lưu tâm nghiên tầm học hỏi hay chăng? Một tập sách như vậy liệu có đáng để lưu hành rộng rãi hay không?…
Nhưng Đại sư Ấn Quang vốn là một bậc long tượng trong Phật giáo. Cuộc đời và đạo nghiệp của ngài quá đủ để chúng ta đặt niềm tin vào những lời khuyên của ngài. Đại sư nói về sách An Sỹ toàn thư và soạn giả của nó là tiên sinh Chu An Sỹ như sau:
“…quả thật là một quyển kỳ thư khuyến thiện bậc nhất trong thiên hạ, nếu so với những quyển sách khuyến thiện tầm thường khác, há có thể sánh cùng được sao? Lòng tôi vẫn tin chắc rằng tiên sinh hẳn là bậc Bồ Tát theo bản nguyện mà hiện thân cư sĩ để thuyết pháp độ sinh.”
(Trích Lời tựa của Đại sư Ấn Quang)
Chính niềm tin vào Đại sư Ấn Quang đã khuyến khích tôi tiếp tục đọc vào sách An Sỹ toàn thư, thay vì gác nó sang một bên sau khi nhận ra có sự hiện diện của nhân vật gọi là Văn Xương Đế quân.
Và quả thật tôi đã đặt niềm tin không sai lầm. Sau khi đọc vào nội dung sách, tôi mới hiểu được lý do vì sao Đại sư hết lời khen ngợi sách này, và cũng thấy được tâm lượng từ bi, trí tuệ diệu dụng của tiên sinh Chu An Sỹ khi soạn ra tập sách khuyến thiện này.
Từ đó, tôi phát tâm chuyển dịch sách này sang Việt ngữ, đồng thời soạn các chú giải và khảo đính một số điểm sai sót trong chính văn để tập sách thêm phần hoàn thiện. Sách dày hơn ngàn trang Hán văn khổ lớn, theo dự kiến sẽ được thực hiện thành nhiều giai đoạn. Hôm nay đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên là quyển thượng của sách Giảng rộng bài văn Âm chất (khoảng hơn 200 trang Hán văn), bản Việt dịch và chú giải thành hơn 460 trang khổ sách trung bình. Hơn thế nữa, với sự nỗ lực của Trung tâm Diệu Pháp Âm, toàn bộ phần Việt dịch và chú giải này đều đã được thu âm thành file âm thanh dạng sách nói, thật vô cùng tiện dụng.
Xin hân hoan có đôi lời giới thiệu đến với độc giả gần xa phần đầu tiên đã Việt dịch và chú giải hoàn chỉnh từ quyển “kỳ thư khuyến thiện bậc nhất” này.
Trước hết, đây là phần dễ gợi lên sự nghi ngờ cho người đọc nhất, vì dựa trên bài văn Âm chất được cho là của Văn Xương Đế quân. Phần này có tên là Giảng rộng ý nghĩa bài văn Âm chất (Âm chất văn quảng nghĩa), được phân thành 2 quyển là quyển thượng và quyển hạ. Phần Việt dịch được giới thiệu lần này là trọn vẹn quyển thượng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục với quyển hạ và hy vọng cũng sẽ hoàn tất trong một thời gian không xa lắm.
Về nội dung sách, soạn giả đã dựa vào bài văn Âm chất rất ngắn gọn (chỉ khoảng hơn 800 chữ) để biên soạn thành một bộ sách hơn 400 trang chữ Hán khổ lớn. Cách trình bày khá nhất quán trong toàn bộ sách. Cứ mỗi một câu được mang ra phân tích, bao giờ cũng có một phần giảng rộng mà ông gọi là “phát minh”, sau đó đến phần đưa ra nhận xét, lời bàn, mà ông gọi là “án”. Tiếp đó, hầu hết đều có thêm phần trưng dẫn sự tích, gồm những câu chuyện được rút ra từ kinh điển hoặc các truyện tích trong Phật giáo, nhằm mục đích minh họa cho ý nghĩa của các phần trên.
Chính phần giảng rộng và lời bàn của tiên sinh đã khai phá và mở rộng ý nghĩa của bài văn Âm chất hoàn toàn theo tinh thần Phật giáo, giúp người đọc qua đó tiếp nhận được những giáo lý tinh hoa, những tri thức hướng thiện trên tinh thần từ bi, vị tha và trí tuệ. Không khó để chúng ta nhận ra rằng, tuy dựa trên bài văn Âm chất, nhưng hầu như phần trước tác của tiên sinh đã chi phối hoàn toàn nội dung của sách này.
Một câu hỏi có thể được nêu lên ở điểm này: Tại sao tiên sinh phải dựa vào bài văn Âm chất? Tại sao tiên sinh không tự mình viết ra tất cả những nội dung ấy, vốn là điều không có gì khó khi xét đến sự dụng công của tiên sinh đối với bộ sách này?
Xin thưa, đó chính là chỗ phương tiện diệu dụng của Phật pháp, là chỗ mà Kinh văn đã dạy rằng: “Tất cả pháp đều là Phật pháp.” Nếu chúng ta nhớ lại rằng trong số những người chưa thực sự hiểu biết sâu về Phật pháp thì có đến chín phần mười luôn đặt niềm tin vào thánh thần trời đất. Niềm tin đối với Văn Xương Đế quân là một niềm tin loại đó. Có lẽ tiên sinh An Sỹ tự mình sẽ không bao giờ thực sự chọn theo hay quan tâm đến những niềm tin loại này. Thế nhưng, với tâm từ bi, tiên sinh đã nhận ra là có rất nhiều người đang bám vào những niềm tin đó như chỗ nương tựa của họ trong đời sống, và việc đòi hỏi hay khuyên bảo họ phủ nhận, bác bỏ niềm tin ấy khi chưa có được những hiểu biết, nhận thức sáng suốt hơn để thay thế vào sẽ là điều không tưởng, thậm chí còn có thể đưa lại những tác dụng trái ngược ngoài ý muốn. Chính vì vậy, tiên sinh đã chọn một phương thức tùy duyên vô cùng độc đáo, là dựa trên chính niềm tin sẵn có này để dẫn dắt người ta hướng theo Chánh pháp. Mỗi câu mỗi chữ được tiên sinh viết ra trong sách này đều thấm đẫm tinh thần Phật pháp, từng bước dẫn dắt người đọc đi vào con đường thâm tín và nhận hiểu sâu sắc về những ý nghĩa thiện ác, nhân quả… Cho nên nhận xét của Đại sư Ấn Quang quả nhiên không hề tùy tiện. Hơn thế nữa, càng đi sâu vào nội dung sách, tôi lại càng thấy vững tin hơn vào những nhận xét như trên, cũng như càng nhận ra những lợi lạc vô biên của bộ sách khuyến thiện này, nhất là trong thời đại nhiễu nhương thiện ác lẫn lộn như hiện nay.
Về phương thức, có thể nói tiên sinh đã biên soạn sách này một cách hết sức công phu, khoa học. Chỉ nhìn qua thư mục tham khảo gồm các kinh sách của cả Tam giáo (Phật, Lão, Nho) gồm đến 126 bộ kinh sách đủ loại và nhớ lại rằng tiên sinh sống vào hạ bán thế kỷ 17, chúng ta sẽ hết sức khâm phục sự tra khảo, chắt lọc của tiên sinh từ một số lượng kinh sách đồ sộ này. Hơn thế nữa, phần lớn những trích dẫn trong sách đều rút từ Kinh điển Phật giáo, cho thấy sự uyên bác về nội điển của tiên sinh và càng làm tăng thêm giá trị xác lập tín tâm của bộ sách này.
Mặc dù vậy, quá trình biên soạn cũng không tránh khỏi một vài khiếm khuyết nhỏ, như một số những chuyện kể rút từ Kinh điển đều được viết lại thay vì trích nguyên văn, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài chi tiết không hoàn toàn chuẩn xác. Trong những trường hợp này, khi Việt dịch chúng tôi cũng đồng thời đối chiếu Kinh văn theo dẫn chú của soạn giả để chỉnh sửa lại cho chuẩn xác hơn.
Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng gặp những dẫn chú không chính xác, do soạn giả không trực tiếp lấy từ Kinh văn mà dựa vào một tài liệu khác, và bản thân tài liệu đó lại có sự nhầm lẫn nên dẫn đến sự sai lầm theo. Trong những trường hợp này, chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra đúng phần Kinh văn gốc để làm căn cứ, và đặt các chú giải thích hợp để làm rõ sự nhầm lẫn này, tránh cho người sau không tiếp tục hiểu sai.
Đối với các dẫn chú Kinh điển, chúng tôi sẽ cố gắng đặt thêm vào phần chú giải các chi tiết cần thiết liên quan đến bộ kinh được trích dẫn như kinh số trong Đại Chánh tạng, số trang, số dòng nơi xuất hiện đoạn Kinh văn được trích dẫn v.v… Với những thông tin này, người sau khi cần đối chiếu tra khảo bất kỳ vấn đề nào trong sách cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Cuối cùng, với tất cả tấm lòng chân thành tri ân soạn giả đã để lại cho đời một pho sách quý, chúng tôi xin giới thiệu rộng rãi bản Việt dịch và chú giải sách này đến với tất cả những ai hữu duyên, mong rằng có thể nối tiếp và làm lớn rộng hơn nữa tâm nguyện độ sinh của tiên sinh. Xin nguyện cho chúng tôi có đầy đủ thuận duyên để tiếp tục hoàn chỉnh phần còn lại của bộ sách trong thời gian sắp tới, góp phần mang đến lợi lạc an vui cho khắp thảy mọi người.
Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến
Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư
Đối với tất cả chúng sinh, hai nghiệp dâm dục và giết hại là căn bản của vòng luân hồi sinh tử. Khó dứt trừ nhất chính là dâm dục, mà dễ phạm vào nhất chính là giết hại. Trong 2 việc ấy, đối với dâm dục thì người có chút trí tuệ đều có thể tự xét mà kiềm chế không phạm vào. Tuy nhiên, muốn cho tâm ý thanh tịnh, hoàn toàn dứt sạch đến tận ngọn nguồn vi tế của dâm dục, thì chỉ có bậc A-la-hán đã trừ hết lậu hoặc, chứng đắc thể tánh chân thật mà thôi. Những ai chưa được như thế, hẳn đều đeo mang tập khí ái dục, cho dù có phần nặng nhẹ, nhiều ít khác nhau. Do đó mà ngày lại ngày qua tham dục càng kiên cố hơn trong tâm thức, đời này nối sang đời khác, không thể đạt đến sự giải thoát.
Đối với sự giết hại, người đời đều xem là việc tất nhiên, lấy mạnh hiếp yếu, dùng máu thịt chúng sinh mà làm đầy bụng mình, chỉ biết được sự ngon miệng nhất thời mà chẳng ai tin chuyện phải đền trả trong muôn kiếp. Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Người ăn thịt dê, dê chết lại sinh làm người, người chết lại sinh làm dê, cho đến hết thảy các loài chúng sinh cũng đều sinh tử xoay vòng như thế, ăn nuốt lẫn nhau, cùng tạo ác nghiệp mãi mãi không thôi!”
Bậc cổ đức dạy rằng:
Muốn cho thiên hạ thái bình,
Phải ngưng ăn thịt chúng sinh các loài.
Lại cũng dạy rằng:
Muốn biết vì sao thế gian,
Triền miên binh lửa, ngút ngàn nạn tai,
Hãy nghe vang vọng đêm dài,
Tiếng kêu thảm thiết vạn loài sinh linh.
Kìa trong lò mổ sát sinh,
Muôn loài bỏ mạng vì mình đó thôi!
Cho nên, đã tạo nhân như thế nào, ắt phải chịu quả như thế ấy. Nếu không suy nghĩ thì còn có thể phạm vào, bằng như đã có sự suy ngẫm, hẳn phải lấy làm kinh sợ mà không dám giết hại nữa!
Tiên sinh An Sĩ cung kính vâng theo lời Phật dạy, khởi tâm thương xót muôn người, soạn ra sách Dục hải hồi cuồng (欲海回狂) để khuyên ngăn sự tham dâm, sách Vạn thiện tiên tư (萬善先資) để khuyên ngăn việc giết hại. Trong đó dẫn chứng những việc có thật, chỉ rõ lẽ nhân quả, mong sao cho hết thảy người đời đều đối đãi với nhau như anh em một nhà cùng do trời đất sinh ra; người với muôn loài cũng một chân tâm, mãi mãi dứt trừ tâm xấu ác gây ra những chuyện tổn hại đạo lý, trái nghịch luân thường, ỷ mạnh hiếp yếu. Lại cũng muốn cùng với tất cả mọi người đều không phạm điều ác, siêng làm việc lành, nên lấy bài văn Âm chất (陰騭文) của Văn Xương Đế Quân mà thêm vào chú thích tường tận, gọi là Âm chất văn quảng nghĩa (陰騭文廣義), khiến người đời có thể noi theo đây mà trong hết thảy mọi việc làm hằng ngày đều giữ lòng lành khi ứng xử, ví như ở tầm vóc lớn lao thì có thể trị nước an dân, mà trong phạm vi nhỏ nhặt thì mỗi một lời nói, mỗi một ý nghĩ cũng đều có sự thận trọng suy xét, tương hợp với đạo lý.
Từ những lời dạy của các bậc hiền thánh xưa như thế, phải hết sức cung kính thận trọng, đọc qua và suy ngẫm với tâm chân chánh, với ý chí thành, chẳng phải những kẻ chỉ bàn luận suông mà có thể hiểu được.
Cả 3 tập sách nói trên, văn chương ý thú đều thông suốt việc xưa nay, ích đời lợi người, đó là nhờ tiên sinh đã vận dụng tài năng trác tuyệt, kết hợp với sự thấu triệt sâu mầu, nắm hiểu được tâm pháp của chư Phật Tổ, Thánh hiền rồi dùng bút mực mà truyền đạt chân thật đến người đời, phát huy được những điều đã hiểu.
Tuy nhiên, cho dù có thể tiết chế sự dâm dục, từ bỏ nghiệp giết hại, điều ác không phạm, lại siêng làm việc thiện, nhưng nếu chưa đạt đến sự giải thoát rốt ráo khỏi vòng sinh tử thì làm sao tránh khỏi phải tái sinh đời đời kiếp kiếp? Chỉ có thể cố gắng giữ gìn không buông thả, ắt sẽ thường được sinh vào những cảnh giới tốt lành, rộng tu trí huệ, không rơi vào những cảnh giới xấu ác. Được như thế cũng đã chẳng mấy người, nói gì đến chuyện thấu triệt lẽ tử sinh, vượt thoát luân hồi, phải đâu là chuyện dễ nói được sao? Chỉ có thể nhờ vào sức tu định tuệ, dứt trừ lậu hoặc, chứng đắc chân tánh mới có thể đạt đến sự tự do, giải thoát rốt ráo mà thôi. Hết thảy những ai chưa được như thế, chỉ nhờ phước báu mà có thể sinh làm vua các cõi trời, cao đến như cõi trời Phi phi tưởng, được hưởng phước báu và sống thọ đến 80. 000 đại kiếp, nhưng dù vậy thì tất cả cũng đều bị trói buộc trong vòng nghiệp lực, tùy theo các nghiệp thiện ác mà phải mãi mãi thọ sanh lưu chuyển trong luân hồi.
Do vậy, y theo pháp môn mà đức Như Lai đã dạy, rằng nương sức từ bi của Phật thì dẫu nghiệp lực chưa dứt vẫn có thể được vãng sanh, tiên sinh An Sĩ liền rút lấy những ý nghĩa cốt yếu trong các kinh, luận về Tịnh độ mà kết hợp soạn thành một bộ sách, lấy tên là Tây quy trực chỉ (西歸直指). Như ai có thể một lần đọc qua sách ấy ắt khởi lòng tin sâu vững, dứt sạch nghi ngờ. Nếu khởi tâm tin tưởng, phát nguyện cầu sinh về cõi Tây phương, cho dù căn cơ lanh lợi hay chậm lụt, tội nghiệp đã tạo nặng hay nhẹ, công phu tu tập sâu hay cạn, chỉ cần có đủ lòng tin, phát nguyện thật chân thành chí thiết, trì niệm danh hiệu Phật, thì chắc chắn đến lúc lâm chung sẽ nương sức từ bi tiếp dẫn của đức Phật mà được vãng sanh.
Khi được vãng sanh rồi, tất nhiên đã bỏ phàm lên thánh, thấu triệt lẽ tử sinh, giải thoát luân hồi, ngay trong một niệm tỏ ngộ tự tâm, việc chứng quả Chánh giác ắt là sắp đến. Những ý nghĩa lợi ích như thế, chỉ ai đã thực sự chứng đắc rồi mới biết, không thể miêu tả hình dung bằng văn chương ngôn ngữ.
Yếu chỉ của pháp môn này dùng sự tin sâu phát nguyện của tự thân hành giả cảm ứng giao hòa với tâm từ bi của đức Phật, nhờ đó mà được sự lợi ích lớn lao vô cùng như thế. Nếu so với việc tự dùng sức mình để dứt trừ lậu hoặc, chứng đắc chân tánh, thấu triệt lẽ sinh tử, vượt thoát luân hồi, thì mức độ khó dễ quả thật chênh nhau như trời với đất!
Hiện nay trên thế giới có những quốc gia chiến tranh kéo dài liên miên, người trong nước [Trung Hoa] thì khởi sinh từ sự bất đồng ý kiến mà phân chia thành nam bắc, công kích lẫn nhau. Lại thêm trong nhiều năm gần đây thường xảy ra thiên tai bão lụt, hạn hán, động đất, giặc cướp, dịch bệnh… Thường nghe những tin tức thống kê số thương vong trong ngoài không dưới vạn vạn người, khiến trong lòng đau đớn khôn cùng chẳng biết làm sao, hận mình bất tài kém trí, lạm đứng vào hàng tăng chúng mà chưa chứng đắc đạo quả, chỉ có tấm lòng thương đời thương người, thật không chút sức lực để ra tay cứu vớt.
Có người đồng hương ở Cần Phố là tiên sinh Lưu Tại Tiêu, vốn là kẻ sĩ trong hàng thanh bạch, gia thế nhiều đời nối truyền đạo đức, lại tin sâu Phật pháp. Mùa hè năm nay, tiên sinh tìm lên núi xin gặp mặt hỏi đạo. Khi cùng nhau bàn luận đến tình cảnh hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước, tiên sinh bỗng lo lắng hỏi:
“Bạch thầy, liệu có phương pháp nhiệm mầu nào có thể cứu giúp được chăng?”
Tôi đáp: “Đó là nghiệp quả khổ đau, mà quả khổ đau ấy ắt phải có nguyên nhân. Nếu muốn cứu khổ thì phải dứt trừ nhân của khổ. Nhân đã dứt trừ thì quả sẽ không do đâu mà sinh ra. Cho nên kinh Phật dạy rằng: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.’”
Nhân đó liền đưa sách An Sĩ toàn thư cho tiên sinh xem, mong được khắc bản lưu truyền rộng rãi, khiến cho người người xem qua đều được vượt thoát luân hồi, thẳng đến bến bờ giác ngộ. Tiên sinh không kiềm được nỗi vui mừng, lập tức gọi người cháu là Triệu Bộ Vân lấy ra 700 đồng tiền, mong tôi lo giúp việc khắc in. Tôi nhớ lại hồi năm Mậu Thân (1908) đã từng khuyên Lý Thiên Quế khắc in sách này ở đất Thục, ông ấy liền nhờ tôi viết cho lời tựa, nhưng rồi sau không đủ nhân duyên nên cuối cùng việc lại không thành.
Nay nhờ có Lưu tiên sinh quyết lòng giúp vào, thật là thuận duyên lớn lao, tôi liền thêm vào các bản văn sau để cùng khắc in:
– Sách Liễu Phàm tứ huấn (了凡四訓) của Viên Liễu Phàm, là những lời hay ý đẹp khuyên việc bỏ ác làm lành.
– Một quyển thuật ký của Du Tịnh Ý, lời lẽ hết sức chí thành, thấu suốt chỗ sâu xa tốt đẹp trong trời đất, phát huy nghĩa lý mọi việc, khuyên người kiên trì nỗ lực công phu, chính là chỗ trang nghiêm đẹp đẽ thuần khiết bậc nhất, tỏ rõ tường tận.
Hai quyển này được thêm vào sau quyển hạ của phần Âm chất văn quảng nghĩa.
– Bài văn Giới sát phóng sinh (戒殺放生文) của Đại sư Liên Trì, có thể xem là bậc chủ sư từ bi diệt trừ ma quân tàn độc, nay thêm vào sau sách Vạn thiện tiên tư.
– Các bài tụng trong tập Bất tịnh quán (不淨觀) của Pháp sư Tỉnh Am, có thể xem là vị dũng tướng tịnh hạnh diệt trừ ma quân tham dục, nay thêm vào sau sách Dục hải hồi cuồng.
– Bài văn Khuyên phát tâm Bồ-đề (勸發菩提心文) cũng của ngài Tỉnh Am, có thể xem là con thuyền từ cứu vớt chúng sinh trong biển khổ luân hồi, nay thêm vào sau sách Tây quy trực chỉ.
Ba tập sách của tiên sinh An Sĩ lại được thêm vào các phần như thế, thật chẳng khác nào như trên gấm đẹp lại thêu hoa, như đèn sáng đặt cạnh gương soi, ánh sáng màu hoa càng thêm rực rỡ xán lạn, khiến lòng người thảy đều hoan hỷ. Quả thật, với người khéo đọc sách này ắt những tâm niệm gian dối tàn độc sẽ tức thời tan biến, mà những tâm nguyện tự lợi lợi tha sẽ tự nhiên mạnh mẽ sinh khởi, từ chỗ suy ngẫm mà từng bước dần dần hướng thiện, ngày càng tiến bộ sâu xa hơn, dẫu không lưu tâm đến mà tự nhiên tâm trần tục cũng chuyển dần thành trí tuệ thánh nhân, gần như có thể đạt đến chỗ thấu triệt lẽ sinh tử, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, được đối diện kính lễ đức Phật A-di-đà, tự mình được Phật ban lời thọ ký.
Kính cẩn đọc qua sách này rồi, hân hoan có lời tụng rằng:
Từ lâu chìm trong biển nghiệp,
Bỗng nhiên gặp chiếc thuyền từ.
Xin vâng theo đạo từ bi,
Quay về nương Đấng Giác ngộ.
Lòng tin sâu, nguyện chí thiết,
Tham chấp, luyến ái đều buông,
Giao hòa cảm ứng đạo mầu,
Phật A-di-đà kề cận.
Ngoài ra xin đọc thêm ở bài tựa viết năm Mậu Thân (1908), nay không chép lại rườm rà.
Năm Dân quốc thứ 7 (1918), Mậu Ngọ, ngày 19 tháng 6.
Cổ Tân Thích Ấn Quang kính cẩn ghi .
Lời tựa viết năm Mậu Thân (1908)
(Viết theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ đất Thục là Lý Thiên Quế)
Lớn lao thay! Bản tâm ta vốn đầy đủ chánh đạo!
Mầu nhiệm thay! Bản tâm ta vốn sẵn có diệu pháp!
Xưa nay lặng lẽ chiếu soi không phân biệt; đường chân nẻo tục thảy viên dung. Lìa tất cả niệm, dứt hết thảy tình; không sinh cũng không diệt. Nói là có đó mà không phải có; nhưng không có mà lại có. Nói là không đó mà chẳng phải không; tuy chẳng phải không mà lại không. Các vị Phật sống đều từ đó xuất sanh, bậc thánh kẻ phàm đều không thể gọi tên. Như gương sáng xưa nay không một vật, nhưng hiện ra muôn cảnh Hán, Hồ. Như hư không mênh mông xa lìa mọi hình tướng, ngại gì lúc mặt trời chiếu sáng hoặc mây che. Đó chính là thực tại rốt ráo, không vướng một mảy bụi trần; ngay trong tâm chưa giác ngộ này đã trọn gồm đủ các pháp như chỗ chứng đắc giác ngộ vô thượng của chư Phật, cũng như chỗ mê muội không nhận biết chân tâm thường trụ của chúng sinh.
Các bậc thánh nhân trong Tam giáo đều y theo một tâm tánh này mà rủ lòng thương xót dạy dỗ, dẫn dắt bao chúng sinh mê muội. Do ý nghĩa này mà Khổng Phu tử đề xướng thuyết “thành minh”, chọn lấy sự chí thành sáng suốt làm chỗ uyên áo, từ đó đưa ra những giềng mối tu sửa trị an; Lão tử nói ra sách Đạo Đức kinh, giảng dạy phép sống lâu an ổn. Đấng Đại giác Thế Tôn nêu rõ tánh pháp giới, chỉ bày tâm chân như, dạy đạo chân thật buông bỏ phàm trần quay về Chánh giác, lập nên tông chỉ bất sanh bất diệt. Tuy chỗ cạn sâu lớn nhỏ không đồng, giữa thế gian với xuất thế gian có điều khác biệt, nhưng thảy đều không ra ngoài lẽ chung là ngay trong tâm này của chúng ta đã đủ đầy muôn pháp. Phát huy giảng rộng pháp này đến hết thảy chúng sinh hữu tình, từ nơi tự tánh mà khởi tu, chính là nhằm hiển lộ tự tánh, dứt sạch vọng niệm huyễn ảo, quay về tự tánh chân thật vốn có, vĩnh viễn ra khỏi đường mê, thẳng một đường lên bến giác.
Đức Văn Xương Đế Quân là người trong nhiều đời thường giữ theo năm mối luân thường, cung kính vâng lời dạy trong Tam giáo, lấy công hạnh của chính mình để giáo hóa người khác, chỉ một lòng muốn vươn lên chí thiện; công cao đức sáng, chấp chưởng quyền hành, thường lo cho những kẻ ít học vô trí, mê muội không biết đến bản tánh xưa nay thường trụ, nên nhân đó viết ra bài văn Âm chất (陰騭文), trong đó nói rõ ngài đã “trải qua mười bảy đời đều sinh làm kẻ sĩ có quyền thế”. Bài văn ấy nghĩa lý nhiệm mầu không cùng tận, liệu ai có thể đo lường được chỗ cội nguồn uyên áo? Tuy qua nhiều năm đã có rất nhiều người chú giải, nhưng vẫn chưa có ai thấu rõ được hết chỗ sâu xa thâm áo, khiến cho từ trước đến nay, kẻ dạy người học văn này đều còn có chỗ vướng mắc phân vân, không thể nào hài lòng thấu triệt.
Tiên sinh An Sĩ là bậc nhiều đời trồng sâu cội phúc, theo nguyện lành tái sinh cõi này, thông hiểu đến chỗ tột cùng của sách vở thế gian, thâm nhập sâu xa vào Kinh tạng Phật giáo, đem chỗ sở học ấy mà dạy dỗ dắt dẫn người đời, khiến cho ai nấy đều tin nhận. Tiên sinh dấn thân vào chốn thế tục để làm khuôn mẫu tốt đẹp cho người đời, dùng chỗ học hiểu am tường, chứng đắc mầu nhiệm để nắm lấy tinh yếu trong Phật pháp cũng như trong Lão học, thuận theo bài văn giảng pháp tùy căn cơ của Đế Quân, đưa vào những chú giải so sánh tường tận dễ hiểu cho tất cả mọi người, đạo lý căn bản chẳng lìa bản tâm mà văn từ đạt được chỗ tinh yếu, trưng dẫn những chuyện có thật, xua tan mây đen ngờ vực phủ che tâm ý, nêu rõ được tôn chỉ nghĩa lý, giương cao mặt trời trí tuệ chiếu soi giữa bầu trời chân tánh, khiến người đọc qua rồi thì mỗi mỗi sự việc đều có chỗ học theo, mỗi mỗi tâm niệm đều có chỗ tự răn ngừa, cải hối; ấy là trực tiếp tương giao với tấm lòng từ bi thương người của Đế Quân, giảng giải thấu triệt, bày rõ ngọn nguồn, khiến cho hết thảy trong thiên hạ, kẻ dạy người học văn này ngày nay đều có thể hiểu rõ mọi điều, không còn một chút gì phân vân vướng mắc.
Nhưng tâm bi mẫn như thế dường chưa đủ, đại nguyện từ ái vẫn khôn cùng, tiên sinh còn muốn cho người người đều phát triển lòng chân thật khoan thứ, đối với nhau như anh em một nhà, dứt binh đao cùng an ổn hưởng trọn tuổi trời, dùng lễ nghĩa làm giềng mối luật tắc, yêu đức tốt mà xa lìa sắc dục, nên liền viết ra một quyển sách để ngăn việc sát sinh hại vật, lấy tên là “Vạn thiện tiên tư” (萬善先資), và một quyển khác để ngăn việc đam mê dâm dục, lấy tên là “Dục hải hồi cuồng” (欲海回狂). Chỉ do người đời vốn tạo nghiệp giết hại quá nhiều, lại gặp chuyện dâm dục thì rất dễ phạm vào, nên tiên sinh thương xót chẳng ngại nhọc nhằn lao khổ, không ngớt lời răn dạy.
Nhưng việc làm thiện của thế gian dẫu sao cũng chỉ được phước báo trong hai cõi trời, người. Hưởng tận phước rồi ắt phải đọa lạc vào những cõi thấp kém, khổ não độc hại biết làm sao dứt được? Vì thế nên tiên sinh đã tìm đọc qua các Kinh luận của tông Tịnh độ, chọn lấy những lời thích hợp mà soạn thành một tập sách lấy tên là “Tây quy trực chỉ” (西歸直指), truyền rộng để giúp cho muôn người, dù thuộc hàng phú quý cũng như hạ tiện, dù già trẻ nam nữ, dù kẻ trí người ngu, hàng xuất gia cũng như kẻ tại gia, hết thảy đều đồng niệm Phật A-di-đà, cầu sinh về thế giới Cực Lạc, vượt thoát luân hồi, thẳng lên địa vị không còn thối chuyển; dứt nỗi khổ của vọng nghiệp hư huyễn, hưởng niềm vui của bản tâm thường tại.
Ba pho sách được kể trước, tuy là giảng rõ pháp tu hành thiện nghiệp thế gian, nhưng đồng thời cũng có đủ pháp thấu triệt sinh tử. Một quyển sau cùng tuy giảng rõ pháp thấu triệt sinh tử, nhưng đồng thời cũng dạy phải tu tập thiện nghiệp thế gian. Cho đến những việc như thuận đạo lý ắt hưởng quả lành, nghịch đạo lý ắt gặp tai ương, mỗi mỗi đều phân tích chi ly, biện giải rành mạch, dứt điều nghi hoặc, làm rõ chỗ vướng mắc, lý lẽ thật trọn vẹn thuyết phục, ngôn từ lại hay lạ tuyệt diệu, có thể khai mở tâm tư người ngu độn hôn muội, đủ sức mạnh mẽ như vớt người chết đuối, cứu kẻ bị lửa thiêu. Chỗ chí thành có thể thấu suốt, hợp với lý lẽ trong trời đất; phân biện việc quỷ thần, có thể dứt sạch sự hoài nghi, càng thêm thanh thế Lục kinh, giúp định rõ kỷ cương trên dưới, quả thật là một quyển kỳ thư khuyến thiện bậc nhất trong thiên hạ, nếu so với những quyển sách khuyến thiện tầm thường khác, há có thể sánh cùng được sao? Lòng tôi vẫn tin chắc rằng tiên sinh hẳn là bậc Bồ Tát theo bản nguyện mà hiện thân cư sĩ để thuyết pháp độ sinh.
Tôi vốn người kém trí, thuở thiếu thời tuy có đọc sách Nho nhưng không rõ được chỗ tinh yếu truyền lại của Khổng Mạnh. Lại theo học Phật pháp đã lâu nhưng vẫn chưa chứng ngộ được thể tánh Như Lai. Thời gian thấm thoát, nay sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh” nhưng kiến thức nông cạn, chỉ có tấm lòng ưa thích việc lành, thật không chút sức lực làm lợi lạc cho người khác. Muốn đem quyển sách quý này khắc bản rộng truyền nhưng chẳng biết làm sao, phận nghèo không đất cắm dùi, lại thêm lười nhác trong việc hô hào quyên góp, nên trải qua nhiều năm vẫn chưa thành tựu tâm nguyện.
Có vị cư sĩ người đất Tây Thục là Lý Thiên Quế, vốn sẵn căn lành, siêng tu thiện hạnh, mong đạt được pháp Phật cao trổi, nhân tìm đến lễ bái nơi chùa Pháp Vũ trên núi Phổ Đà nên tình cờ gặp gỡ. Quả thật là:
Nếu không tiền định nhân duyên,
Cớ sao không hẹn, cửa thiền gặp nhau?
Vị ấy liền cung kính thưa hỏi, mong được chỉ bày chỗ tinh yếu của pháp môn vượt thoát luân hồi. Tôi nhân đó khuyên ông trước hết phải nỗ lực giữ theo giềng mối luân thường, chuyên cần tu tập tịnh nghiệp, thường làm những việc lợi mình lợi người, noi theo đó là chỗ thiết yếu nhất. Nếu có thể tự mình kiên trì thực hành như thế không gián đoạn, ắt rồi sẽ có thể cảm hóa mọi người chung quanh. Bằng như chỗ thực hành của tự thân không phù hợp với lời nói ra, thì việc truyền pháp sẽ ngược lại hóa thành hủy hoại giáo pháp. Công đức thế gian nếu chẳng tu tập bồi đắp, thì thiện tâm chẳng do đâu được chuyển biến. Công đức không tu, thiện tâm không chuyển, ấy đều là do không gặp được những bậc thầy hay bạn tốt để làm gương sáng cho mình noi theo.
Nhân đó liền mang sách An Sĩ toàn thư này ra tặng cho một bản, khuyên vị ấy hãy đọc qua trọn vẹn, chú ý nơi nhất cử nhất động hằng ngày đều y theo những lời khuyên dạy trong sách, thảy thảy đều tương hợp, không chút sai lệch, hẳn có thể xem là thành tựu. Người ấy hân hoan như được báu vật, vui mừng không dứt, liền phát nguyện khắc bản in lại để rộng truyền khắp nơi, lại thỉnh cầu tôi viết cho lời tựa để công bố với mọi người.
Vì thế, tôi không ngại chỗ học kém cỏi, lược viết ra đây nguyên do sự việc, lòng muốn đem sự lợi lạc đến cho muôn người, tu sửa tự thân, xây dựng gia đình, dạy dỗ cháu con theo gương các bậc thánh hiền, nhận biết chân tâm bản tánh, thấu triệt lẽ tử sinh. Nếu ai đọc kỹ rồi ra sức làm theo, ắt sẽ thấy đúng như lời tôi nói, không chút sai dối.
Lời tựa của Trương Thủ Ân
Nhân dịp khắc bản in lại vào năm Quang Tự thứ 7 (1881)
Tôi lúc trước chưa từng học Phật. Ngày ấy, nhân có người khách đến chơi mang bộ Toàn thư của tiên sinh Chu An Sĩ đưa cho xem. Tôi mở sách xem qua mấy phần, lập tức lộ vẻ bực dọc, không muốn xem nữa. Khách ngạc nhiên gặn hỏi: “Ông vì sao lại có thái độ như vậy?” Tôi đáp: “Những gì tiên sinh An Sĩ nói ở đây hoàn toàn trái ngược với lời một vị tiên sinh tôi đã biết. Ông cho rằng những lời của tiên sinh An Sĩ là đúng, hẳn những lời vị tiên sinh kia là sai chăng?”
Vị khách ấy cười nói: “Tính khí ông thật nóng nảy quá! Đây nào phải chuyện tranh đấu thắng thua? Chỗ lập luận của vị tiên sinh kia với tiên sinh An Sĩ, thật không phải chỗ mà những người như bọn tôi với ông có thể theo kịp. Tôi đây không dám lấy sức con phù du để cố làm lung lay đại thụ, còn như ông lại muốn lấy chút lửa đom đóm để thiêu rụi núi Tu-di được sao? Chuyện đúng sai thôi hãy khoan bàn kỹ, nay ví như có người không hề biết đến đời sau, không tin chuyện nhân quả nên hùng hổ làm nhiều việc ác. Lại ví như một người khác thực sự biết có đời sau, tin có nhân quả, nên năng nổ làm nhiều việc thiện. Vậy trong hai người ấy, theo ông thì ai hơn ai kém?”
Tôi cũng cười, đáp lại rằng: “Ông xem tôi kém cỏi đến thế sao? Nếu trong việc này mà không phân được ai hơn ai kém, thì khác nào như có mũi mà không nhận biết được mùi hương?”
Vị khách liền hỏi: “Nếu đã là như vậy, cớ sao ông lại hoài nghi sách Toàn thư của tiên sinh An Sĩ?”
Tôi đáp: “Ông tuy giỏi biện luận, nhưng những chuyện như thuận đạo lý thì được tốt lành, làm việc trái nghịch ắt gặp việc dữ, hoặc nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm nhiều việc ác ắt gặp tai ương… thì nhà Nho chúng tôi đã nói quá nhiều rồi, cần chi phải viện dẫn đến kinh Phật?”
Vị khách nói: “Ấy là ông vẫn còn chưa suy xét kỹ đó thôi. Nói về lý nhân quả báo ứng, nếu không xét đến cả 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai, ắt không thể nào trọn vẹn thuyết phục. Nhưng có thể giảng giải rõ ràng tường tận về nhân quả trong ba đời như thế, duy nhất chỉ có Phật mà thôi. Vì thế, tiên sinh An Sĩ chẳng ngại có người hiềm khích ganh ghét, hết lời răn nhắc cảnh tỉnh, khiến cho người mê phải tỉnh. Như thế cũng là cùng một tấm lòng như vị tiên sinh kia khi viết sách truyền lại cho hậu thế đó thôi.”
Khi ấy, trong lòng tôi đã dần bình tĩnh lại, liền cũng cười đáp: “Ấy là ông chỉ tự riêng mình suy đoán chủ quan nói ra, quả nhiên là giấu đầu mà lại lòi đuôi.”
Khách liền nghiêm sắc mặt mà nói: “Những gì vị tiên sinh kia viết ra chính là pháp của thế gian, còn những điều tiên sinh An Sĩ viết ra lại là pháp thế gian, suốt thông cùng pháp xuất thế gian, mỗi câu mỗi chữ đều là lời tâm huyết, ý thiết tha, như dùng kim vàng khơi mắt giúp người mù thấy được ánh sáng, thật hết sức nhọc nhằn, quyết lòng răn nhắc, cho dẫu là những bậc cha anh yêu thương dạy dỗ con em mình cũng không dốc lòng hơn thế được. Nay sách Toàn thư đang sẵn có đây, nếu ông quay lại tìm đọc trong đó ắt gặp được thầy, đâu cần tôi phải lắm lời biện giải lôi thôi dài dòng như thế này.”
Vị khách nói rồi để tập sách lại tặng cho tôi. Tôi kính cẩn nhận lấy, một lần nữa lại mở ra đọc. Ban đầu còn phải dò tìm manh mối theo văn chương câu cú, dần dần về sau mới thể hội được tông chỉ ý thú, hốt nhiên bừng tỉnh thấu triệt thông suốt. Khi ấy buồn vui lẫn lộn, như người lạc lối gặp kẻ dẫn đường, như khi bệnh nặng gặp phương thuốc hay, như giữa giao lộ tối tăm được bó đuốc sáng soi, như giữa biển khổ mênh mông được gặp con thuyền từ cứu vớt, bất chợt không kiềm được tiếng thở dài mà than rằng: “Than ôi! Nếu không may mắn được đọc sách này, ắt một đời ta đã phải luống trôi qua vô ích!”
Như vậy, nếu không gặp được bạn hiền như vị khách ngày xưa, ắt hẳn hết một đời này tôi cũng không biết được rằng còn có đời sau, cũng không tin được là có nhân có quả.
Hỡi ôi! Được làm người là khó, được nghe pháp Phật lại càng khó hơn. Chúng sinh chịu khổ trong ba đường dữ, thử hỏi do ai là người gây ra như thế? Xưa có người nói rằng: “Ai đã từng trôi giạt lang thang, hẳn mới biết cảm thông mà thương người lưu lạc!”
Nhân viết ra đây nhân duyên được đọc sách, nhắn gửi với những ai về sau có duyên may gặp được sách này.
Kinh Dịch nói rằng: “Nhà nào thường làm việc thiện, ắt sẽ được nhiều điều tốt đẹp.” Kinh Thư viết: “Làm việc thiện được hưởng trăm điều tốt lành.” Sách Tả thị xuân thu cũng có nói: “Việc họa phúc vốn không ai định trước, chỉ là do con người tự chuốc lấy.” Thế nên biết rằng, những việc tốt lành hay tai họa vốn là lẽ tất nhiên trong trời đất. Tôn chỉ của Tam giáo vốn không khác nhau, đều cùng một lý. Nhà Nho khi nghe đến thuyết nhân quả là do nhà Phật nói ra, liền quy cho những chuyện như thuận đạo tốt, nghịch đạo xấu, nhân quả theo nhau như bóng với hình, như tiếng vọng với âm thanh… hết thảy đều là của nhà Phật. Lại cho rằng người chết rồi không còn có đời sau, làm thiện làm ác đều không có báo ứng… Nhưng ví như người không tin nhân quả thì chẳng có gì phải sợ sệt, rốt cùng hẳn chỉ muốn làm kẻ tiểu nhân mà thôi.
Đức Văn Xương Đế Quân, hiện thân hiền thánh trong đời để thuyết pháp, soạn ra bài văn Âm chất để răn dạy người đọc sách, ngay từ đầu đã viết rằng: “Ta trải qua mười bảy đời đều sinh ra làm kẻ sĩ…” Như vậy rõ ràng đời này quyết còn có đời sau, chưa từng dứt mất. Tiếp đó lại viết: “Người giữ lòng lành được như ta, trời ắt ban phúc”, cho thấy chuyện thiện ác rõ ràng là có báo ứng, không mảy may sai lệch. Đến cuối bài lại viết: “Ngưỡng vọng thánh hiền xưa, thận trọng xét mình không lầm lỗi; hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.” Thật càng biểu hiện rõ, chưa từng thấy ai có tấm lòng thương đời cứu người hết sức khó nhọc, chân thành chí thiết đến như thế, quả không phải việc nhà Nho chúng ta có thể gánh vác chu toàn, chẳng sợ làm hỏng việc mất sao?
Tiên sinh Chu An Sĩ đọc qua hết các sách của Tam giáo, chọn lọc các luận điểm của trăm nhà, rồi mang bài văn Âm chất của Văn Xương Đế Quân ra phân tích từng câu từng chữ thật tường tận, đưa vào các chú giải, chú thích, hết sức rõ ràng minh bạch, lại giảng rộng thêm vào những chỗ ý thú chưa trọn vẹn, phát huy những nghĩa lý mầu nhiệm trước đây chưa từng được nghe, gạn lọc bỏ đi những chuyện tầm thường hủ bại, viễn vông không đúng thật, dứt khoát phá trừ những kiến thức thiển cận, hạn hẹp, như thế suốt thông hơn mười vạn câu, lấy tên là Âm chất văn quảng nghĩa. Tiên sinh Tiêu Tụng Hy đọc qua hết sức ngợi khen thích thú, chỉ lấy làm tiếc vì việc khắc bản in còn dở dang chưa được nửa phần, lập tức đứng ra khởi xướng quyên góp cho việc này. Tiếp theo lại được các ông Cố Thọ Kỳ, Kim Nghiêu Phong, La Doãn Mai hợp lực hỗ trợ, huynh đệ tiếp nối nhau cùng gắng sức nên việc được thành tựu.
Khi việc khắc bản hoàn tất, Chu Tiên sinh muốn tôi viết cho lời tựa. Tôi đọc qua sách này rồi cảm thán rằng:
“Tiên sinh đã có thể thương xót dùng lời răn dạy để sửa lỗi cho những kẻ sai lầm, các vị huynh đệ lại có thể cùng nhau quyên góp giúp sức làm nên việc tốt đẹp cho người đời. Tâm lành hội tụ, càng thêm huy hoàng lợi lạc, chỉ mong sao những ai có duyên may được đọc sách này đều tự thân ra sức thực hành, tự mình hướng thiện rồi dẫn dắt người khác cùng nhau tiến lên.”
Những lời vàng ngọc của Đế Quân không thể để đi vào quên lãng, ắt phải được rộng truyền đến tất cả những kẻ có lòng, đâu chỉ giới hạn ở năm ba người quân tử. Tôi thật kỳ vọng ở việc này lắm thay!
Lâu Đông Đường Tốn Hoa kính ghi
Văn Xương Đế Quân Âm chất văn
Đế Quân nói rằng: “Ta trải qua 17 đời sinh ra làm kẻ sĩ có quyền thế, chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp; thường cứu người khi nguy nan, giúp người khi khẩn thiết, thương xót người cô độc, khoan thứ kẻ lỗi lầm, rộng làm những việc phúc thiện, tích âm đức, thấu tận trời xanh. Nếu ai có thể giữ tâm hiền thiện như ta, ắt được trời ban phước lành. Do đó mà ta có lời răn dạy mọi người rằng:
‘Xưa Vu Công giữ việc xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa; họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế; Tống Giao cứu đàn kiến, trúng tuyển trạng nguyên; Thúc Ngao chôn xác rắn, sau làm tể tướng. Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, ắt phải dựa vào một tấm lòng này; ngày ngày thường dùng các phương tiện, làm đủ mọi việc lành, tích âm đức; lợi người lợi vật, làm thiện tích phước. Chính trực thay trời hành đạo dạy người, mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân.
Đối xử với người phải giữ lòng trung, với cha mẹ ông bà phải hết lòng hiếu thảo; với anh em phải giữ lòng kính trọng, thương yêu lẫn nhau, với bạn hữu phải giữ lòng tin cậy. Hoặc phụng chân triều đẩu, hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu, thực hành rộng khắp theo Tam giáo.
Giúp người khẩn cấp như cá mắc cạn; cứu người nguy nan như chim bị lưới siết. Xót thương trẻ mồ côi, giúp đỡ người góa bụa; kính trọng người già, thương kẻ nghèo khó; chu cấp cơm ăn áo mặc cho người lỡ đường đói rét; giúp quan quách cho nhà nghèo khó để thi hài người chết được ấm cúng. Nhà giàu sang phải nâng đỡ thân thích; mất mùa đói kém phải cứu giúp lối xóm. Cân đo phải công bằng, không được bán ra non, thu vào già.
Với kẻ dưới phải khoan thứ, không nên khắc nghiệt, soi mói.
Nên góp phần in ấn rộng truyền kinh sách, xây dựng tu sửa chùa chiền, tu viện. Giúp thuốc thang cứu người bệnh khổ, giúp nước uống giải cơn khát cho người. Hoặc bỏ tiền mua vật sống phóng sinh, hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại. Mỗi khi cất bước, phải chú ý quan sát để không giẫm đạp các loài côn trùng; không đốt lửa gây cháy rừng cháy núi. Đêm tối giúp người đi đường có đèn soi sáng; sông rộng giúp thuyền bè đưa người qua lại. Không dùng lưới bắt các loài chim thú trên cạn, không dùng thuốc độc bắt các loài cá tôm dưới nước. Không giết thịt trâu cày; không vất bỏ giấy có chữ viết. Không mưu mô lấy tài sản người khác; không ganh tỵ với người có tài năng kỹ xảo. Không tư tình tà niệm với vợ người. Không xúi giục người trong việc tranh tụng. Không hủy hoại đường danh lợi của người khác, không làm tan vỡ chuyện hôn nhân của người. Không vì chuyện thù oán riêng mà làm cho anh em nhà người sinh chuyện bất hòa; không vì chút lợi nhỏ cho riêng mình mà khiến cha con người khác trở thành xung khắc. Không dựa vào quyền thế làm nhục kẻ hiền lương; không ỷ mình giàu sang khinh rẻ người cùng khốn.
Gặp người hiền thiện phải thân cận, gần gũi, vì có thể giúp ta tăng thêm đức tốt của tâm, hạnh lành của thân. Gặp người xấu ác phải xa lánh ngay, vì chỉ trong chớp mắt có thể mang đến cho ta tai họa khôn lường. Thường phải tu tập dẹp trừ điều xấu ác, phát huy những việc tốt lành; miệng nói ra những lời đúng thật thì trong lòng không được nghĩ điều sai quấy. Phát dọn gai góc lùm bụi chướng ngại đường sá, dọn sạch đá gạch ngăn giữa lối đi. Đường sá gập gềnh đã lâu năm thì góp sức tu sửa, san phẳng; sông rộng có ngàn vạn người thường qua lại thì ra công bắc cầu.
Lấy tình thương ngỏ lời dạy bảo, sửa lỗi cho người. Quyên góp tiền bạc giúp người thành tựu những điều tốt đẹp. Làm việc gì cũng noi theo đạo lý, nói ra lời nào cũng thuận với lòng người. Kính ngưỡng bậc thánh hiền tiên triết, dù đi đứng nằm ngồi vẫn thường nghĩ nhớ; cẩn thận giữ gìn phẩm hạnh để lúc một mình tĩnh tâm không thấy có gì phải hổ thẹn với lòng. Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.
Vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường thường được thiện thần giúp đỡ. Phước báo đến nhanh thì tự thân được hưởng, chậm thì lưu lại đến cháu con. Trăm điều phúc lành đồng thời đến, ngàn việc tốt đẹp hội tụ về, chẳng phải nhờ việc tích tạo âm đức mà được như thế đó sao?
Phần bổ khuyết
Tiên sinh An Sĩ biên soạn sách này, từ những lý lẽ, sự kiện cho đến văn chương ý nghĩa đều trọn vẹn, chu đáo.
Tuy nhiên, có 5 sự việc là:
1. Hóa thân sau cùng của Đế Quân
2. Vu Công giữ việc xử án
3. Đậu thị giúp đỡ muôn người
4. Tống Giao cứu kiến
5. Thúc Ngao chôn xác rắn
Tiên sinh khi khảo xét các chuyện này, hoặc vì có những chuyện chưa từng được chính thức ghi chép, hoặc vì có những chuyện thấy đã đăng tải đầy đủ nơi các sách khác, người đời sau đều rõ biết, nên lược bỏ đi.
Thế nhưng, như thế thì những người chưa từng đọc qua nhiều sách vở hẳn không thể biết được những chuyện này. Đây quả thật là một điều hết sức đáng tiếc cho đời sau. Vì vậy, nay căn cứ vào các bản chú thích, dẫn chứng của bài văn Âm chất để ghi chép thêm vào bản in lần này các chuyện nói trên, khiến cho sự thật được rõ ràng.
Nhưng cũng chỉ là y theo nguyên văn mà chép lại, không sửa đổi gì cả.
Thích Ấn Quang kính ghi
Hóa thân sau cùng của Đế Quân
Đế Quân sinh vào đời nhà Tấn, họ Trương, tên Á, tổ tiên vốn người đất Việt, sau dời về đất Thục, sống ở Tử Đồng (Tứ Xuyên). Ngài lớn lên tuấn tú nho nhã, tánh tình phóng khoáng, độ lượng, văn chương diễm tuyệt, sáng rõ mà khoáng đãng, trở thành bậc thầy nơi đất Thục. Cảm khái trước thời cuộc bất ổn lúc bấy giờ, ngài lên đường chu du phương xa. Về sau, những môn nhân đã từng theo học liền cùng nhau lập đền thờ ngài, đề tên là Văn Xương Quân.
Vào đời nhà Đường, hai vị vua là Đường Huyền Tông và Đường Hy Tông nhân khi tránh giặc loạn chạy vào đất Thục, đều được ngài hiển linh bảo vệ, giúp đỡ. Giặc yên, vua xuống chiếu phong ngài là Tấn vương. Người đời sau tôn xưng là Đế, đều là do nơi lòng tôn kính đối với ngài.
Vu Công xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa
Vu Công sinh vào thời nhà Hán, người quận Đông Hải, giữ chức quan coi việc xử án trong huyện. Quận Đông Hải có người thiếu phụ góa chồng hết sức hiếu thảo, quyết lòng ở vậy thủ tiết thờ chồng, nuôi dưỡng mẹ chồng vô cùng chu đáo. Mẹ chồng thương, sợ mình làm cản trở việc tái giá của con dâu, liền treo cổ tự vẫn. Đứa con gái bà lại vu cáo rằng cô con dâu đã bức tử mẹ chồng. Người góa phụ kia không sao tự mình biện bạch.
Vu Công biết là án oan, cố sức bảo vệ, nhưng quan thái thú khi ấy chẳng nghe lời. Người góa phụ bị xử tội chết. Liền sau đó quận Đông Hải bị hạn hán suốt 3 năm.
Nhân khi có quan thái thú mới đến thay, Vu Công mang vụ án oan trình lên. Quan thái thú nhờ ông đến trước mộ người góa phụ hiếu thảo bị oan mà cúng tế. Ngay sau đó trời đổ mưa lớn.
Vu Công làm việc, mỗi khi đưa ra nhận định, phán đoán quyết án đều được người dân kính phục nghe theo.
Cổng lớn nhà ông bị đổ, các vị phụ lão hương thân cùng kéo đến bàn việc xây lại. Vu Công nói: “Nên làm cổng sao cho xe bốn ngựa sau này có thể đi qua được. Ta giữ việc xử án, tích chứa nhiều âm đức, chưa từng quyết xử oan uổng, con cháu sau này ắt phải hưng thịnh.”
Sau con trai ông có công lớn với nước nhà, quả nhiên làm đến chức Thừa tướng, được phong tước Bình Tây Hầu, con cháu đời đời được nối truyền giữ chức Ngự sử Đại phu.
Họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế
Thời Ngũ đại, Đậu Vũ Quân người Yên Sơn, đã hơn 30 tuổi mà chưa có con. Một hôm nằm mộng thấy ông nội đã mất hiện về dạy rằng: “Con chẳng những là không có con, mà còn yểu mạng nữa. Nên sớm lo tu dưỡng phước đức, cầu chuyển mệnh trời.”
Đậu Vũ Quân do chuyện ấy mà nỗ lực làm nhiều việc thiện. Có người giúp việc trong nhà lấy trộm của ông hai trăm ngàn đồng tiền, chuyện vỡ lở, liền tự viết giấy bán đứa con gái nhỏ để bồi hoàn. Giấy viết rằng: “Tôi bán đứa con gái này vĩnh viễn, để bồi thường vào khoản tiền thiếu nợ.” Về sau, người này lại trốn đi mất. Đậu Vũ Quân thương xót, liền đốt giấy nợ, nhận đứa con gái ấy làm con nuôi, lớn lên lại lo chu đáo việc chọn nơi gả chồng. Những người thân thích nội ngoại, nhà ai có tang mà nghèo túng không thể lo liệu, ông đều xuất tiền giúp việc mai táng; nhà ai có con gái không đủ tiền lo việc cưới gả, ông cũng xuất tiền giúp cho.
Ông tính toán thu nhập trong mỗi năm, giữ lại vừa đủ chi dùng trong năm, còn bao nhiêu đều mang ra giúp đỡ người khác hết. Sinh hoạt trong gia đình lại hết sức cần kiệm, không vàng ngọc trang sức, không thê thiếp nàng hầu. Ông lập một thư viện ở góc phía nam trong nhà, sưu tập được đến hơn ngàn quyển sách, rồi mời thầy đến mở lớp dạy học cho những học trò mồ côi hoặc nghèo khó ở khắp nơi, cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu ăn học. Những người nhờ ông giúp đỡ như thế về sau được hiển đạt rất nhiều.
Chẳng bao lâu sau, ông liên tiếp sinh được 5 người con trai, tất cả đều thông minh tuấn tú. Sau đó, ông lại nằm mộng thấy ông nội hiện về nói: “Từ nhiều năm nay, con làm được những việc công đức lớn lao lắm. Tên con nay đã được ghi trên sổ thiên tào, con sẽ sống thêm được 3 kỷ nữa. Năm đứa con rồi đầy đều sẽ được vinh hiển. Con nên cố gắng làm việc thiện nhiều hơn, không được lười nhác, thối thất tâm lành xưa nay.”
Về sau, con trưởng của ông là Đậu Nghi làm đến chức Lễ Bộ Thượng Thư. Con thứ là Đậu Nghiễm làm đến Lễ Bộ Thị Lang. Con thứ ba là Đậu Khản làm quan Tả Bổ Quyết. Con thứ tư là Đậu Xưng làm Tả Gián Nghị Đại phu, được tham gia những việc chính sự quan trọng. Con thứ năm là Đậu Hy làm quan Khởi Cư Lang. Tám người cháu sau đó cũng đều được vinh hiển phú quý.
Ông thọ đến 82 tuổi, một hôm không bệnh, trong lúc đang cùng thân quyến trò chuyện cười nói, bỗng an nhiên mà đi.
Bậc danh sĩ là Phùng Đạo có bài thơ tặng ông như sau:
Yên Sơn có Đậu Vũ Quân,
Dạy con theo đạo nghĩa nhân chí tình,
Cha lành một cội uy linh,
Sinh con hiển hách năm cành quế thơm.
Tống Giao cứu kiến, trúng tuyển trạng nguyên
Đời nhà Tống, có hai anh em là Tống Giao, Tống Kỳ. Một hôm đang cùng ngồi đọc sách, có vị tăng nhìn thấy, xem tướng mạo rồi nói: “Người em sẽ chiếm bảng khôi nguyên, người anh cũng sẽ đậu cao.”
Mùa xuân năm sau, vị tăng ấy gặp lại, vui mừng nói với người anh là Tống Giao rằng: “Con hẳn đã từng cứu sống được trăm vạn sinh mạng!” Tống Giao bật cười nói: “Con là học trò nghèo khổ, có sức đâu làm được việc như thế!”
Vị tăng nói: “Không nhất thiết phải là việc cứu người, dẫu muôn loài trùng bọ có sự sống đều kể là sinh mạng.”
Tống Giao nói: “Có một tổ kiến bị mưa lớn tràn ngập, con lấy cành trúc làm cầu cứu sống đàn kiến. Có lẽ là việc ấy chăng?”
Vị tăng nói: “Quả đúng vậy rồi. Do chuyện này mà năm nay em con tuy vẫn chiếm khôi nguyên, nhưng cuối cùng rồi con không thể kém nó.”
Đến kỳ công bố kết quả thi, quả nhiên Tống Kỳ đậu trạng nguyên. Triều đình lập biểu chương trình lên Thái hậu. Thái hậu xem qua, cho rằng em không thể đặt trên anh, liền phóng bút sửa bài Tống Giao thành đệ nhất, còn Tống Kỳ thì từ đệ nhất (一) thêm vào một nét thành đệ thập (十).
Khi ấy mới biết lời vị tăng đã nói quả nhiên không sai.
Thúc Ngao chôn rắn, sau làm tể tướng
Tôn Thúc Ngao người nước Sở, thuở thiếu thời thường đi chơi đó đây. Một hôm nhìn thấy con rắn có hai đầu, liền giết đi rồi đem chôn. Về nhà lo buồn bỏ ăn. Người mẹ gạn hỏi sự việc, Thúc Ngao khóc mà nói rằng: “Con nghe người ta nói rằng ai nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay con đã nhìn thấy, sợ rằng phải chết mà bỏ mẹ.”Người mẹ hỏi: “Hiện giờ con rắn ấy ở đâu?”
Thúc Ngao đáp: “Con sợ có người khác nhìn thấy nó mang hại nên đã giết mang chôn đi rồi.”
Người mẹ nói: “Đừng lo, mẹ nghe nói rằng người làm việc tích âm đức ắt được báo ứng tốt đẹp. Con ngày sau ắt sẽ được hưng vượng nơi đất Sở này.”
Quả nhiên, về sau Tôn Thúc Ngao làm Lệnh Doãn, giữ quyền chính nước Sở.
Thư mục kinh sách tham khảo trong Tam giáo
1. A-dục vương kinh
2. A-xà-thế vương thọ quyết kinh
3. Bắc ngụy sử
4. Bách duyên kinh
5. Bà-sa luận
6. Bộ hư kinh
7. Bút thừa
8. Cảm ứng thiên khuyến trừng lục
9. Cát an phủ cựu chí
10. Chánh pháp niệm xứ kinh
11. Chiết phục la-hán kinh
12. Chu lễ
13. Chu thư dị ký
14. Cổ sử đàm uyển
15. Côn sơn huyện chí
16. Công quá cách
17. Danh thần ngôn hành lục
18. Di-lặc hạ sanh kinh
19. Đại A-di-đà kinh
20. Đại Bảo Tích kinh
21. Đại Bát Niết-bàn kinh
22. Đại Bát-nhã kinh
23. Đại phương quảng tổng trì kinh
24. Đại quyền Bồ tát kinh
25. Đại tạng nhứt lãm
26. Đại tập kinh
27. Đại Trí độ luận
28. Đạo tạng pháp luân kinh
29. Đạo tạng toàn tập chú
30. Đồng nhơn phủ chí
31. Đường thư
32. Giải thoát yếu môn
33. Hán pháp bổn nội truyện
34. Hán thư
35. Hiền ngu nhơn duyên kinh
36. Hiện quả tùy lục
37. Hộ pháp luận
38. Hoa nghiêm kinh
39. Hoang chánh bị lãm
40. Hoằng minh tập
41. Hoàng minh thông kỷ
42. Học sĩ yếu châm
43. Khởi thế nhơn bổn kinh
44. Khổng tử tập ngữ
45. Kim cang kinh giải
46. Kim sử
47. Kim thang biên
48. Kinh luật dị tướng
49. Lăng nghiêm kinh
50. Lão tử thăng huyền kinh
51. Lập thế A-tỳ đàm luận
52. Lâu thán chánh pháp kinh
53. Lâu-chí trưởng giả kinh
54. Lễ ký
55. Liệt tử
56. Linh bảo kinh
57. Lương Cao tăng truyện
58. Lương hoàng bảo sám
59. Lương thư
60. Mặc tử truyện
61. Minh báo thập di
62. Minh tường ký
63. Mộng khê bút đàm
64. Nam xương phủ chí
65. Nghiệp báo sai biệt kinh
66. Ngũ mẫu tử kinh
67. Nhật minh Bồ tát kinh
68. Nhật tri lục
69. Phân biệt công đức kinh
70. Pháp cú dụ kinh
71. Pháp giới an lập đồ
72. Pháp hoa kinh
73. Pháp hỷ chí
74. Pháp uyển châu lâm
75. Phát giác tịnh tâm kinh
76. Phật tổ thông tải
77. Phó pháp tạng kinh
78. Phước báo kinh
79. Quần tiên châu ngọc
80. Quảng nhơn lục
81. Quảng từ biên
82. Sa-di luật
83. Sử ký chánh nghĩa
84. Sử lâm
85. Tả truyện
86. Tam giáo bình tâm luận
87. Tam thiên phật danh kinh
88. Tấn thư
89. Tạp bảo tạng kinh
90. Tạp thí dụ kinh
91. Thái thượng thanh tịnh kinh
92. Thánh học tông truyện
93. Thiền bí yếu kinh
94. Thiên nhơn cảm thông kỷ
95. Thọ đề già kinh
96. Thư kinh
97. Thượng phẩm đại giới kinh
98. Thượng thanh kinh
99. Thượng trực thượng lý biên
100. Thụy châu phủ chí
101. Thủy sám duyên khởi
102. Tiểu học
103. Tiêu ma an chí kinh
104. Tịnh minh chơn kinh
105. Tô châu phủ chí
106. Tỏa vi quản kiến
107. Tống sử
108. Triều dã thiêm tải
109. Trúc song tam bút
110. Trường sanh yếu chỉ
111. Truy môn sùng hành lục
112. Truyền đăng lục
113. Tú hổ hiên thứ tập
114. Tứ phần luật
115. Tư trị thông giám
116. Tùng giang phủ chí
117. Tùy đường kỷ sự
118. Tùy thư
119. Ưu-bà-tắc giới kinh
120. Vân cấp thất tiên
121. Văn hiến thông khảo
122. Vận ngữ dương thu
123. Văn Xương hóa thư
124. Viên châu phủ chí
125. Xuất diệu kinh
126. Xương lê văn tập