Nhiều nhà dinh dưỡng khuyên chúng ta nên chú ý đến việc chọn thực phẩm cung cấp cho cơ thể để không phải sinh ra các bệnh mãn tính: tiểu đường, cao huyết áp.. Vậy việc ăn chay có được xem là đủ dinh dưỡng không?

Ăn chay hay ăn mặn?

Thức ăn ảnh hưởng quan trọng đến cơ thể và tinh thần con người. Sự quan trọng này của thực phẩm đã được trường phái dưỡng sinh Osawa gạo lức muối mè khai triển triệt để trong cách phòng bệnh cũng như chữa bệnh nan y, và được chú ý tại Việt Nam vào thập niên 60-70. Tuy nhiên, những luận lý chứng minh đưa ra của trường phái này đã trộn lẫn những dữ kiện khoa học Tây phương với những dữ kiện y lý và huyền bí Ðông phương như: ngũ hành sinh khắc, hàn nhiệt, gán cho các loại thực phẩm một cách tùy tiện. Vì thế người theo Osawa không chỉ dựa trên lý luận và tri thức mà còn phải có cả yếu tố lòng tin ở những phán truyền này.

Nhiều người, trong sự hăng say cổ vũ ăn chay, đã đi tới chỗ khẳng định ăn chay tốt hơn và làm con người khỏe hơn ăn mặn. Ngược lại, những người tin tưởng mù quáng vì không hiểu nhiều y học Tây phương lại cho rằng cá thịt là những thực phẩm không thể thiếu để làm cho cơ thể khỏe mạnh. Thực sự vấn đề không đơn giản như thế. Có nhiều người ăn chay từ nhỏ đến lớn mà vẫn khỏe mạnh không tật bệnh. Có nhiều người chỉ ăn thịt cá mà bệnh tật ốm đau triền miên. Nói chung, ăn mà không đúng cách thì bất kể chay mặn đều là không tốt.

Thành phần dinh dưỡng trong món chay

Riêng nói về ăn chay, có thể khẳng định rằng các thực phẩm chay đủ cung cấp cho con người các yếu tố dinh dưỡng cơ bản cần thiết cho cơ thể gồm: chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ và các chất sinh tố cũng như muối khoáng. Ngày nay, người ta đã phân biệt ra ba loại ăn chay. Loại thứ nhất gồm các loại nông phẩm như: rau, đậu, hạt, trái cây, trứng sữa và phó sản (như bơ, kem, phô-mai…). Loại ăn chay thứ hai cũng gồm các thực phẩm như trên, trừ trứng. Loại thứ ba chỉ gồm có rau đậu trái cây mà không có trứng và sữa cùng các phó sản.

Người Việt Nam trước đây, vì không phát triển chăn nuôi, ít có sữa và ít dùng sữa, và coi trứng là có đời sống, nên ăn chay thuộc loại thứ ba. Về phương diện khoa học, trứng chỉ là một tế bào trong một môi trường dinh dưỡng. Nếu có thụ tinh thì trứng mới trở thành một bào thai và phát triển thành sinh vật khi có nhiệt độ thuận lợi do ấp trứng thiên nhiên hay trong máy ấp. Một cách thực tế là gà nuôi kỹ nghệ để cho đẻ lấy trứng thì không có thụ tinh và trứng chỉ là một tế bào, như nhiều người tế bào khác loại ra hằng ngày.

Nói chung, ăn chay có trứng, sữa không ngại thiếu dinh dưỡng nếu không biết đặc tính của từng loại thực phẩm để chọn lựa, sử dụng theo những tỷ lệ thích hợp. Thực vậy, trong các loại đậu, đặc biệt là đậu nành thì có chất đạm, các hạt như hạt vừng (mè), hạt điều thì có nhiều chất béo. Nếu ăn chay chủ yếu toàn rau mà thiếu đậu cùng các loại hạt và những phó sản (đậu phụ, dầu, sữa, đậu nành) thì chắc chắn sẽ bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, khi nấu món ăn chay nếu rộng rãi sử dụng dầu, mè (vừng), đậu phụng, nước cốt dừa, đường… để cho món ăn ngon lành, bùi béo sẽ tạo nên một loại dinh dưỡng không thăng bằng, không tốt cho cơ thể. Lý do chỉ vì dùng chất béo và chất đường quá nhiều, là những thứ dễ sinh bệnh tim mạch và tiểu đường.

Tóm lại, nếu biết rõ tính chất dinh dưỡng của từng loại thức ăn chay để chọn lựa một cách quân bình theo những hiểu biết khoa học, thì ăn chay có khả năng dinh dưỡng không khác gì ăn mặn, mà còn có những lợi điểm giúp con người trầm tĩnh.