Quyển Hạ
Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
Phẩm Thứ Mười: Nhân Duyên Và Sự So Sánh Công Đức Bố Thí
“So sánh” là cân nhắc, đo lường, so bì với nhau để biết được sự khác biệt. “Bố thí” nghĩa là đem cho cùng khắp; và gồm có ba loại là tài thí, Pháp thí và vô úy thí.
1) Tài thí (bố thí tài sản). “Tài thí” là gì? “Tài” là tài sản, tiền của; và được phân làm hai loại là nội tài và ngoại tài. “Nội tài” (tài sản bên trong) là thân tâm, tánh mạng; còn “ngoại tài” (tài sản bên ngoài) tức là vàng, bạc, châu báu…
“Ngoại thí” tức là bố thí các tài sản ở ngoài thân. Tài sản lớn lao như là lãnh thổ quốc gia cũng có thể đem ra bố thí, thậm chí chính mình có thể không làm vua nữa mà mời người khác lên làm vua thay mình; đó là “ngoại thí.” Như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng làm chẳng hạn: Ngài đã khước từ ngôi vị Quốc Vương, nhường ngai vàng cho người khác—đó chính là bố thí toàn bộ tài sản của quốc gia. Ngoài ra, chồng vợ con cái cũng thuộc về ngoại tài, và cũng có thể đem bố thí cho người khác.
Trong những thứ mà con người cảm thấy khó thể xa rời được nhất, trước hết phải kể đến tiền bạc. Bố thí tiền bạc cho kẻ khác thì có thể dứt bỏ được lòng tham lam, keo kiệt của chính mình. Kế đến là “sắc” (sắc dục)—bố thí “sắc” không phải là chuyện dễ; dù vậy, việc khó làm mà vẫn có thể làm được, thì mới thật sự có chân tâm! Cho nên, những người chân chánh tu Ðạo vẫn có thể vì cầu Pháp mà bố thí ngay cả vợ con của chính mình. Tuy nhiên, sự bố thí ấy phải vì cầu Pháp mà bố thí; chứ không phải là đem cô vợ này “bố thí” cho người ta, để sau đó thảnh thơi đi tìm cô vợ khác xinh đẹp hơn; bởi như thế là không đúng, và không thể xem như một sự bố thí được. Ðó chẳng qua là “chán cái cũ, muốn đổi lấy cái mới” mà thôi. Vì thế, trường hợp đó không gọi là “bố thí” mà chỉ có thể gọi là “tham lam không chán,” là một thứ dục vọng, chẳng bao giờ biết đủ!
Lần trước, khi giảng đến vấn đề “bố thí” vợ thì có một người nọ ngỏ ý muốn “bố thí” chồng mình cho người khác, nhưng vì chẳng ai chịu nhận cho nên không thể nào “bố thí” được!!!
Vậy, “tài thí” thì gồm có sự bố thí những tài sản ở ngoài (ngoại thí) và các tài sản trong thân thể mình (nội thí) như đầu, mắt, tủy, não, da thịt, máu huyết, gân cốt… cho kẻ khác.
2) Pháp thí (bố thí Pháp). “Pháp thí” tức là học được Phật Pháp rồi thì không “hoài kỳ bảo nhi mê kỳ bang.” Câu này nghĩa là gì?
Giả sử quý vị có trong tay một thứ bảo bối có công năng cứu người, như ngọc Như Ý chẳng hạn. Có được viên ngọc Như Ý thì quý vị muốn gì được nấy—muốn có đủ loại vàng bạc châu báu, hoặc đồ ăn thức uống… nhất nhất đều được toại nguyện. Với viên ngọc này, nếu đất nước gặp cảnh khốn khổ vì thiên tai thì quý vị có thể dùng ngọc để hóa giải. Thế nhưng, nếu quý vị có ngọc mà không dùng để cứu người, chỉ trơ mắt thờ ơ ngồi nhìn dân chúng trong nước bị lầm than đói khát, chẳng chút quan tâm, chẳng màng cứu giúp, thì đó gọi là “hoài kỳ bảo nhi mê kỳ bang”—tức là chỉ biết khư khư ôm chặt báu vật cho mình mà mê muội, chẳng hề nghĩ tới những người cùng chung đất nước.
Câu ấy cũng hàm ý là quý vị có am hiểu về Phật Pháp song lại không chịu giảng giải, nói cho người khác nghe, còn ích kỷ bỏn xẻn, cứ nghĩ rằng: “Tôi không giảng Pháp cho họ, vì e giảng rồi thì họ cũng hiểu rõ Phật Pháp và thành ra ngang hàng với tôi! Bây giờ tôi hiểu rõ Phật Pháp, còn họ thì không hiểu gì cả, nên tôi cao hơn họ, có kiến thức hơn họ!” Có tư tưởng như thế tức là “hoài bảo mê bang.”
Vậy, quý vị nên tùy thời tùy lúc mà thuyết Pháp, để hết thảy chúng sanh được nghe Pháp mà biết tu hành, bỏ bờ mê quay về bến giác, lìa khổ được vui. Quý vị bố thí Pháp là giúp cho người khác nghe được Phật Pháp, rồi hiểu rõ mà không còn làm những việc hồ đồ mê muội nữa, và nhờ đó họ sẽ được xa lìa khổ não. Vả lại,
“Chư cúng dường trung,
Pháp cúng dường tối.”
(Trong các loại cúng dường,
Cúng dường Pháp là cao nhất!)
Cho nên, nếu quý vị có thể cúng dường Pháp thì công đức ấy là to lớn nhất, thù thắng nhất!
3) Vô úy thí (bố thí sự vô úy). “Vô úy thí” là an ủi, đem lại sự không sợ hãi cho người khác. Khi thấy có những người rủi ro gặp hoạn nạn hoặc mắc phải tai bay vạ gió, khiến họ phải hoảng hốt lo sợ, mà quý vị ân cần hỏi han, dùng lời dịu dàng trấn an, làm cho họ không còn sợ hãi nữa, thì đó chính là “vô úy thí” vậy.
Ðây là phẩm thứ mười của bộ kinh này, giảng về nhân duyên và sự khác biệt trong công đức bố thí.
Kinh văn:
Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Ðức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh về sự bố thí thì có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời; có người hưởng phước trong mười đời; có người hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, ngàn đời. Những việc này là như thế nào? Cúi xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy cho con rõ.
Lược giảng:
Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Ðức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Phật rằng… Ðây là lời mở đầu được thêm vào khi kết tập kinh tạng. Từ câu “Bạch Ðức Thế Tôn…” trở đi là lời của Bồ Tát Ðịa Tạng, còn đoạn văn trước thì tương tự như phần giới thiệu mở đầu của một bài luận văn, tường thuật diễn tiến của sự việc.
Như thế, lúc bấy giờ Ðại Bồ Tát Ðịa Tạng dựa vào sức oai đức thần thông của Ðức Phật, từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, rồi quỳ gối và chắp tay lại mà thưa với Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo …” Ngài Ðịa Tạng từng quán xét sự tạo nghiệp của chúng sanh trong sáu đường—Trời, Người, A-tu-la, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh—để xem vì sao họ gây ra nghiệp tội. Ðó là do lúc ban đầu họ đã khởi những niệm vô minh. Vô minh chính là “hoặc” (mê lầm); có “hoặc” thì sẽ tạo nghiệp, mà hễ tạo nghiệp thì phải chịu quả báo. Vì thế, chúng sanh trong Lục Ðạo cứ mê muội hồ đồ trong vòng luẩn quẩn “khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo,” không có cách gì thoát ra được.
“So sánh về sự bố thí thì có nhẹ có nặng.” Ngài Ðịa Tạng lại thưa tiếp: “Con so sánh công đức bố thí của chúng sanh thì thấy có nhẹ, có nặng. Có người hưởng phước trong một đời; có người hưởng phước trong mười đời; có người hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, ngàn đời.” Có người thọ hưởng nội trong một đời thì phước báo liền hết; có người thì trong mười mấy đời đều được thọ hưởng phước báo. Ngoài ra, cũng có những người được hưởng phước lợi lớn lao trong suốt cả trăm hoặc cả ngàn đời.
“Những việc này là như thế nào? Cúi xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy cho con rõ. Nay con thỉnh cầu Ðức Thế Tôn mở lòng từ bi, vì con mà giảng rõ vấn đề này.“
Kinh văn:
Bấy giờ, Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Nay Ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Ðao Lợi này, giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ông phải lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói!”
Bồ Tát Ðịa Tạng bạch Phật rằng: “Con đang hoài nghi việc ấy, nên rất muốn được nghe.”
Lược giảng:
Bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Nay Ta ở trong toàn thể chúng hội, giữa tất cả các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, La Hán cùng Trời, Rồng, Quỷ, Thần… nơi cung trời Ðao Lợi—cõi trời Ba Mươi Ba—này, giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Ðề. Ta sẽ nói rõ về sự bố thí ở cõi Nam Diêm Phù Ðề và so sánh sự nặng nhẹ của công đức đó. Vậy, ông phải lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói. Bây giờ Ta sẽ giải thích cho ông rõ, vậy ông hãy chú ý lắng nghe!“
Bồ Tát Ðịa Tạng bạch Phật rằng: “Con đang hoài nghi việc ấy, nên rất muốn được nghe.”
Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng không phải Bồ Tát Ðịa Tạng có lòng hoài nghi về việc ấy. Bồ Tát Ðịa Tạng vốn đã hiểu rất rõ về sự nặng nhẹ của công đức bố thí; tuy nhiên, Ngài vì chúng sanh mà thưa hỏi, vì chúng sanh mà cầu Pháp. Chính vì nhân duyên muốn cho chúng sanh được hiểu rõ về công đức của sự bố thí, nên Ngài mới nói rằng: “Con đang hoài nghi việc ấy!”
Mới xem qua kinh văn, quý vị chớ vội cho rằng Bồ Tát Ðịa Tạng vẫn chưa hiểu rõ và vẫn còn hoài nghi—bởi sự thật không phải như vậy! Thế thì, nếu Bồ Tát Ðịa Tạng đã hiểu rõ rồi nhưng lại nói là mình còn hoài nghi, còn có chỗ chưa hiểu; như thế há không phải là Ngài cố ý nói dối hay sao? Song le, sự nói dối này chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân Ngài và cũng chẳng gây thiệt hại cho bất kỳ ai, mà chỉ có lợi cho mọi người và không có hại gì cho Ngài cả. Sở dĩ Bồ Tát Ðịa Tạng nói lời giả thiết, đưa vấn đề ra thỉnh vấn Ðức Phật như thế, là vì Ngài biết rằng tất cả chúng sanh đều chưa hiểu được đạo lý về sự nặng nhẹ của công đức bố thí; cho nên, Ngài tự nguyện đứng ra làm người thỉnh Pháp để thưa hỏi Ðức Phật về việc ấy.
Cũng như có nhiều lúc, có những người hay thắc mắc, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác; song, đó không phải do họ không hiểu mà là vì họ muốn có thêm nhiều người được hiểu rõ vấn đề hơn. Ở đây, Bồ Tát Ðịa Tạng cũng cùng một ý định đó—vì muốn cho tất cả chúng sanh đều hiểu rõ đạo lý ấy, Ngài bèn nói: “Chính con đang hoài nghi việc ấy. Nay con xin sẵn lòng lắng nghe Ðức Phật giảng nói về đạo lý đó.”
Kinh văn:
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v… gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Ðại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho một trăm Hằng hà sa chư Phật.
Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!”
Lược giảng:
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương—hoàng đế, vua chúa của một nước—hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v…”
“Tể Phụ” là một chức quan lớn. “Ðại Thần” tức là quan lớn trong triều đình, hàng đại quan.
“Ðại Trưởng Giả” tức là những người có đức hạnh và giàu có nhất. Bậc Trưởng Giả có mười đức hạnh:
1) Dòng họ sang trọng (tánh quý);
2) Ðịa vị cao (vị cao);
3) Giàu có lớn (đại phú);
4) Oai phong lẫm liệt (uy mãnh);
5) Trí tuệ sâu sắc (trí thâm);
6) Tuổi tác cao (niên kỳ);
7) Hạnh thanh tịnh (hạnh tịnh);
8) Ðầy đủ lễ nghi (lễ bị);
9) Ðược người trên khen ngợi (thượng thán);
10) Ðược kẻ dưới phục tòng (hạ quy).
“Ðại Sát-lợi” là hàng quý tộc, dòng dõi vua chúa của Ấn Ðộ.
“Ðại Bà-la-môn” là thanh tịnh duệ—tức là hậu duệ, con cháu của dòng dõi thanh tịnh—và cũng thuộc hàng quý tộc.
“Phệ-xá” là hàng thương gia, lái buôn, những người sinh sống bằng nghề buôn bán.
“Chiên-đà-la” là hàng đồ tể, hành nghề mổ heo giết lợn để mưu sinh.
Sát-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá và Chiên-đà-la là bốn giai cấp trong xã hội Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rằng: “Giả sử các bậc vua quan, các vị Trưởng Giả giàu có, cùng những người thuộc hàng quý tộc như Ðại Sát Lợi và Ðại Bà La Môn, tình cờ gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất—như kẻ ăn mày, hoặc những người làm các công việc không được cao sang, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế…” Ở đời, có rất nhiều người không chỉ nghèo hèn mà còn bị ốm đau bệnh tật, thậm chí bị tàn phế, tật nguyền, sáu căn không được đầy đủ như câm ngọng, điếc ngây, mù lòa…
“Gù” là như thế nào? Người Trung Hoa thường gọi người gù là “lạc đà,” vì lưng của lạc đà không duỗi thẳng mà lại có cái bướu nhô lên, thậm chí còn nhô cao hơn cả đầu nữa.
“Tàn phế” là không có tay, không có chân, hoặc không có mắt …—nói chung là cơ thể có khiếm khuyết, có cơ phận bị thiếu sót hoặc không thể hoạt động.
“Ngọng” là tiếng nói ngọng nghịu, phát âm không được rõ.
“Câm” tức là không nói ra tiếng được. Ðây là hạng người hạ tiện, thấp hèn nhất.
“Ðiếc” là không nghe được gì cả.
“Ngu si” là u mê ngây dại, trí óc kém cỏi.
“Không mắt” tức là mù lòa, không trông thấy được gì cả. Người không có mắt cũng là hạng người chịu nhiều đau khổ nhất.
“Khi các Ðại Quốc Vương đó—cũng như các Ðại Trưởng Giả, Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn—trông thấy những kẻ khốn cùng và tật nguyền nọ bèn phát tâm muốn bố thí, nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, vui vẻ khiêm tốn, nét mặt luôn tươi cười, tuyệt đối không hề chê bai khinh rẻ, tự tay bố thí cùng khắp, đích thân phân phát, hoặc sai bảo người khác bố thí (vì mình không có thì giờ), lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi, ngọt ngào khuyên bảo khiến ai nấy đều vui vẻ hân hoan; thì các Quốc Vương đó—cũng như hàng đại quan và quý tộc nọ—sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho một trăm Hằng hà sa chư Phật. Phước báo cùng sự lợi ích mà các vị thí chủ đó đạt được sẽ tương đương với phước báo và lợi ích có được từ công đức cúng dường cho các đức Phật số nhiều như số cát của một trăm con sông Hằng vậy.“
“Vì cớ gì?” Do nguyên nhân nào mà các Quốc Vương, hàng đại quan và quý tộc được phước báo lớn lao dường ấy? Vì sao họ chỉ nhún mình đoái thương, tươi cười hoan hỷ bố thí cho kẻ nghèo hèn, mà lại có thể có được công đức to lớn ngang bằng công đức cúng dường cho cả trăm Hằng hà sa chư Phật? Ðạo lý này là như thế nào?
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích rằng: “Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, những người sáu căn không được hoàn chỉnh, cho nên được quả báo phước lợi như thế.” Phước lợi này rộng lớn ngang bằng công đức cúng dường cho rất nhiều đức Phật, nhiều như số cát trong một trăm con sông Hằng vậy. Bởi tuy đối tượng bố thí của các Quốc Vương, hàng đại quan và quý tộc nọ không phải là Phật, song lúc bố thí, họ vẫn một mực khiêm tốn, hoan hỷ, và cung kính như đang cúng dường cho Ðức Phật vậy; do đó công đức có được từ sự bố thí ấy so với công đức cúng dường cho cả trăm Hằng hà sa chư Phật thì chẳng khác gì nhau!
Ngoài ra, các Quốc Vương cùng hàng đại quan và quý tộc ấy, “trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!” Trải qua thời gian lâu dài đến cả trăm ngàn đời, họ luôn luôn có đầy đủ các bảo vật làm bằng bảy thứ báu, còn những thứ như áo quần, thực phẩm… thì lại càng không bao giờ vơi cạn!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, bèn đích thân thu xếp sửa sang, cúng dường, bố thí, thì các Quốc Vương đó sẽ được trong ba kiếp làm thân Ðế Thích, thọ hưởng sự vui sướng thù thắng, vi diệu. Nếu có thể đem phước lợi bố thí này hồi hướng cho Pháp Giới, thì các Ðại Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Ðại Phạm Thiên Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v…, gặp tháp miếu của chư Phật thuở trước, hoặc cả kinh điển, hình tượng bị hủy hoại, rách nát, liền có thể phát tâm tu bổ lại. Các Quốc Vương đó, hoặc tự mình lo liệu sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết Pháp duyên; thì các vị Quốc Vương đó trong trăm ngàn đời thường được làm thân Chuyển Luân Vương, còn những người cùng chung làm việc bố thí đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Tiểu Quốc Vương.
Nếu lại có thể ở trước chùa tháp mà phát tâm hồi hướng, thì các Quốc Vương cho đến những người đó, thảy đều thành Phật Ðạo, bởi quả báo ấy là vô lượng vô biên.”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Nay Ta lại giảng thêm về nhân duyên bố thí cho ông rõ. Ông phải biết rằng, giả sử trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn, Sát-lợi v.v…, gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật…”
“Bích Chi Phật” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Duyên Giác hoặc Ðộc Giác. Bậc tu hành nhờ quán sát Mười Hai Nhân Duyên mà giác ngộ và nếu ở vào thời có Phật ra đời thì gọi là “Duyên Giác,” còn nếu nhằm thời không có Phật trụ thế thì gọi là “Ðộc Giác.”
Bấy giờ, nếu các Quốc Vương hoặc hàng quý tộc nọ “bèn đích thân thu xếp sửa sang, tự đứng ra lo liệu việc sửa chữa, cúng dường, bố thí, thì các Quốc Vương đó—cùng hàng Bà La Môn, Sát Lợi—v.v… sẽ được trong ba kiếp làm thân Ðế Thích—thiên chủ cõi trời Ba Mươi Ba—thọ hưởng sự vui sướng thù thắng, vi diệu.”
Giả sử các vị Quốc Vương đó không muốn riêng mình thọ hưởng phước lợi bố thí ấy, và “nếu có thể đem phước lợi bố thí này hồi hướng cho Pháp Giới, mang tất cả công đức có được ấy mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong toàn Pháp Giới, hồi tự hướng tha, thì các Ðại Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Ðại Phạm Thiên Vương, thiên chủ cõi trời Ðại Phạm.“
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Nay Ta lại vì ông mà nói rõ hơn nữa. Giả sử trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v… gặp tháp miếu của chư Phật thuở trước hoặc cả kinh điển, hình tượng bị hủy hoại, rách nát—chùa chiền tiêu điều hoang phế, tượng Phật loang lổ hư mục—liền có thể phát tâm tu bổ lại.
“Các Quốc Vương đó—cùng hàng Bà La Môn—hoặc tự mình lo liệu sửa sang, đích thân quán xuyến việc tu bổ,hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết Pháp duyên. Nếu một mình người ấy làm không nổi, thì kêu gọi hàng ngàn hàng vạn người, tất cả cùng nhau chung sức góp phần tu sửa tháp miếu, cùng nhau gánh vác công việc trùng tu. Mọi người, mỗi người một ít, tất cả cùng nhau đóng góp, bố thí để kết Pháp duyên.
“Thì các vị Quốc Vương đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Chuyển Luân Vương.” Ở ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, nếu họ tiến tu thì sẽ được thành Phật, còn nếu không tu hành thêm nữa thì vẫn làm vị Chuyển Luân Thánh Vương.
“Còn những người cùng chung làm việc bố thí đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Tiểu Quốc Vương—vua của các nước nhỏ.
“Nếu lại có thể ở trước tháp miếu mà phát tâm hồi hướng, nguyện đem tất cả công đức mình tạo được hồi hướng cho Pháp Giới hoặc toàn thể chúng sanh, thì các Quốc Vương cho đến những người đó—những người cùng làm việc bố thí, cùng kết Pháp duyên—thảy đều thành Phật Ðạo, tất cả đều được thành Phật, bởi quả báo ấy là vô lượng vô biên.” Nhờ phước báo có được từ việc bố thí đó, trong tương lai họ sẽ được hưởng vô số lợi lạc, nhiều không thể nào kể xiết.
Kinh văn:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v…, gặp những người già yếu, tật bệnh và kẻ phụ nữ sinh đẻ, nếu trong một niệm mà đầy đủ lòng đại từ, đem thuốc men, đồ ăn thức uống, mền chiếu… bố thí cho, khiến cho họ được an vui, thì phước lợi đó không thể nghĩ bàn—trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v…, có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân! Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế!”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi: “Lại nữa, này Ðịa Tạng! Bây giờ Ta lại vì ông mà giảng nói thêm. Này Ðịa Tạng Bồ Tát, trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn, những kẻ có thế lực nhất, gặp những người già yếu, tật bệnh, cùng kẻ phụ nữ sinh đẻ; nếu trong một niệm mà đầy đủ lòng đại từ, đem thuốc men, đồ ăn thức uống, mền chiếu… bố thí cho, làm cho họ được an vui…”
Giả sử các Quốc Vương hoặc hàng Bà La Môn có thế lực nhất ấy động mối từ tâm, chỉ trong một niệm có thể phát khởi một thứ lòng từ bi thật bao la rộng lớn, tràn trề, viên mãn, mà bố thí cho những người già cả cũng như các bệnh nhân và sản phụ đó một ít tiền bạc, hoặc tặng thuốc men, thực phẩm, chăn đệm mùng mền, khiến họ cảm thấy an vui vì được chăm sóc giữa lúc khổ sở khốn đốn nhất, “thì phước lợi đó thật không thể nghĩ bàn, công đức phước lợi tạo được từ sự bố thí ấy thì rộng lớn đến nỗi không thể nào mường tượng ra được.”
Phước lợi đó ra sao? Trong tương lai, các vị Quốc Vương và hàng Bà La Môn ấy “trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.”
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Bây giờ Ta sẽ nói tường tận hơn nữa. Này Bồ Tát Ðịa Tạng, giả sưû trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v…, có thể làm những việc bố thí như thế, thì sẽ được vô lượng phước báo. Nếu họ có thể làm các việc bố thí như Ta vừa nói ở trên, thì phước báo mà họ được hưởng sẽ vô lượng vô biên. Nếu lại có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân!” Ngoài ra, nếu các Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn đó có thể đem công đức ấy hồi hướng cho Pháp Giới, cho tất cả chúng sanh, thì bất luận công đức họ tạo được là nhiều hay ít, tương lai nhất định họ đều sẽ thành Phật; thì có sá gì các quả báo làm Ðế Thích, Ðại Phạm Thiên Vương, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương!
“Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế! Ông cần phải khuyến khích, nhắc nhở khắp cả chúng sanh, khuyên họ phải học hỏi và tập làm các việc bố thí như thế; chớ nên có tâm keo kiệt, bỏn xẻn.“
Kinh văn:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng phước báo, thường ở cõi người, cõi trời, hưởng sự vui thù thắng, vi diệu. Như có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước lợi của người ấy sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Ðại Thừa, hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng, cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, thì người ấy sẽ được đại quả báo vô lượng vô biên; nếu có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước báo này sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.”
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn—không cần phải trồng thật nhiều cội phước lành mà chỉ trồng chút ít mà thôi; chút ít là bao nhiêu ư? Chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.” Mặc dù căn lành mà những thiện nam hoặc thiện nữ đó gieo trồng chỉ nhỏ nhoi như thế, song phước báo mà họ sẽ gặt được trong đời sau thì không thể nào kể cho hết được!
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào—những người thọ trì Ngũ Giới và tu hành Thập Thiện—gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân, mà bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng phước báo.” Nếu những thiện nam tín nữ ấy có thể đối trước các hình tượng này mà phát tâm bố thí, cúng dường, thì họ sẽ có được vô lượng vô biên phước báo, “thường ở cõi người, cõi trời, thọ hưởng sự vui thù thắng, vi diệu.”
Ngoài ra, “như có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước lợi của người ấy sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.” Nếu họ lại có thể đem công đức của sự bố thí cúng dường ấy hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong toàn Pháp Giới, thì phước báo cùng sự lợi ích mà họ được thọ hưởng sẽ không thể kể xiết, cũng không có gì có thể dùng để so sánh được.
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Nay Ta sẽ nói cặn kẽ hơn cho ông rõ. Này Ðịa Tạng Bồ Tát! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Ðại Thừa…” Kinh điển Ðại Thừa là gồm các bộ kinh như Kinh Ðịa Tạng, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa.
Các kinh sách mà chúng ta hiện đang nghiên cứu đều là kinh điển Ðại Thừa. Ðiều này cho thấy rằng quý vị đều là những người có thiện căn, bởi nếu không có thiện căn thì muốn nghe đến tên của các bộ kinh điển Ðại Thừa cũng không thể nào nghe được! Quý vị hãy thử tính xem trên thế giới này có bao nhiêu người không hiểu Phật Pháp, bao nhiêu người chưa từng được biết đến tên của các bộ kinh điển Ðại Thừa? Thậm chí có những người đã đến đây để nghe giảng kinh, song vừa bắt đầu giảng thì họ liền quày đầu bỏ chạy; vì sao? Là vì họ không có thiện căn!
Vừa rồi, trong lúc thọ trai, tôi có nói là những người đang tham dự khóa tu học này chớ cho rằng mình là người Mỹ chính cống! Thật ra, đa số trong quý vị là người Trung Hoa—những người này chạy sang nước Mỹ là do đời trước đã từng phát nguyện sẵn sàng giúp tôi hoằng dương Phật Pháp. Ðầu tiên là Quả Mỗ, quý vị nhìn xem, trông anh ta rất giống người Trung Hoa. Bởi chưa quên nhân duyên đời trước, cho nên bây giờ anh ta cảm thấy yêu thích Trung Văn một cách đặc biệt, còn muốn cưới vợ người Trung Hoa nữa. Quý vị chưa có Thiên Nhãn Thông cho nên không biết được mối quan hệ này; nếu có Thiên Nhãn Thông thì quý vị sẽ biết được ngay: “À, thì ra là như vậy!”
“Hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh.” Như Lục Tổ Ðại Sư chẳng hạn, Ngài nghe được một câu “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” và tức khắc được khai ngộ.
“Rồi phát tâm ân cần trân trọng.” Thế nào gọi là “phát tâm ân cần trân trọng”? Ðó là thâm tâm thường nghĩ: “Chà! Bộ kinh này thật quá hay, thật đáng quý biết bao. Mình nhất định phải học và làm theo lời dạy trong bộ kinh này, hết lòng tôn trọng Phật Pháp và luôn hăng hái, không giải đãi.”
“Cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường.” Ví dụ như nói Phật Pháp quả thật là “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”—đó gọi là “cung kính ngợi khen.”
Quý vị để ý xem, Quả Mỗ cũng biết là trước khi nghe kinh có tụng câu:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.”
(Pháp vi diệu thâm sâu cao tột,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.)
Quả Mỗ cũng có trí huệ đấy, tôi thấy anh ta “lời nói đi đôi với việc làm,” lại xua đuổi được “khách trần” nữa—đây là một việc chẳng dễ dàng chút nào. Quả Mỗ lại cũng rất cung kính các kinh điển Ðại Thừa, anh ta rất chăm chỉ lễ báiKinh Diệu Pháp Liên Hoa—đây là một cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Như có thiện nam tín nữ nào gặp được kinh điển Ðại Thừa, cho dù chỉ nghe được một bài kệ hay vỏn vẹn một câu trong kinh mà thôi, nếu có thể sanh lòng cung kính, trân trọng, tán thán hoặc thành tâm cúng dường kinh điển Ðại Thừa, thì trong tương lai “người ấy sẽ được đại quả báo vô lượng vô biên.” “Ðại quả báo” này là gì? Ðó là trong tương lai sẽ được thành Phật, và quả báo này thì to lớn đến nỗi không có hạn lượng, không có sự cùng tận.
“Nếu có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước báo này sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.” Giả sử kẻ thiện nam hoặc thiện nữ nọ không có lòng vị kỷ, tự nguyện đem hết thảy công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong Pháp Giới, thì phước báo kia càng lớn lao, càng không có gì có thể so sánh được!
Kinh văn:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa—nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính; nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại thì sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm, hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm. Như những người này, trong ba mươi đời thường được làm Tiểu Quốc Vương; còn vị Ðàn Việt thì thường làm Luân Vương, lại dùng thiện pháp mà giáo hóa các Tiểu Quốc Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp đã gieo trồng thiện căn—hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một mảy lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước…; những thiện sự như thế mà đều có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì công đức của người này sẽ là trong trăm ngàn đời đều được hưởng sự vui sướng vi diệu, tối thượng.
Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong gia đình hoặc cho lợi ích của riêng mình, thì quả báo là sẽ được hưởng sự vui sướng trong ba đời, cứ thí xả một thì được báo đáp vạn lần trội hơn.
Cho nên, này Ðịa Tạng! Những nhân duyên của sự bố thí là như thế!”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Ðịa Tạng! Nay Ta nói cho ông biết thêm rằng trong đời vị lai, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa—nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính …” Phàm hễ gặp chùa chiền hoặc tháp miếu còn mới thì chúng ta nên bố thí cúng dường, thành tâm lễ bái, tán thán ngôi Tam Bảo—Phật, Pháp, Tăng—và chắp tay lại để tỏ lòng cung kính.
“Nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại, thì sửa sang tu bổ.” Nếu gặp chùa hoặc tháp đã cũ kỹ hư mục, hoặc hoang phế đổ nát, thì chúng ta nên phát tâm trùng tu lại cho khang trang.
Vậy, người thiện nam hay thiện nữ đó “hoặc riêng mình phát tâm—nếu đủ tiền đủ sức, thì một mình mình phát tâm—hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm. Như những người này—những kẻ đồng phát tâm ủng hộ việc trùng tu—trong ba mươi đời thường được làm Tiểu Quốc Vương, vua của các nước nhỏ.”
Chẳng hạn có một người nọ muốn được làm Tiểu Hoàng Ðế, song đáng tiếc là ông ta chưa hề cúng dường cho các chùa hoặc tháp thờ chư Phật thuở trước! Nếu khi xưa ông ta có cúng dường cho chùa tháp thờ chư Phật thuở trước, thì bây giờ có thể được làm vua rồi!
Lại nữa, “còn vị Ðàn Việt thì thường làm Luân Vương, lại dùng thiện pháp mà giáo hóa các Tiểu Quốc Vương.”“Ðàn” có nghĩa là bố thí; “việt” có nghĩa là vượt qua sanh tử. “Vị Ðàn Việt” tức là thí chủ, người đứng ra đề xướng việc phát tâm cúng dường. Vị Ðàn Việt này thường được làm Chuyển Luân Vương, và có thể dùng các thiện pháp như Ngũ Giới, Thập Thiện… để giáo hóa các vị vua nước nhỏ.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Lại nữa, này Ðịa Tạng! Ta lại nói thêm cho ông rõ, trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp đã gieo trồng thiện căn—hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp thờ Phật, hoặc sửa sang kinh điển—có quyển kinh sách nào bị rách hoặc sút bìa thì chỉnh đốn, sắp xếp, đóng tập lại đàng hoàng—cho đến chừng bằng một mảy lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước.
“Những thiện sự như thế, những việc thiện tuy nhìn thì nhỏ nhoi dường ấy, mà có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì công đức của người này sẽ là trong trăm ngàn đời đều được thọ hưởng sự vui sướng vi diệu, tối thượng,không thể nghĩ bàn.
“Còn như chỉ đem hồi hướng cho thân quyến trong gia đình hoặc cho lợi ích của riêng mình, thì quả báo là sẽ được hưởng sự vui sướng trong ba đời, cứ thí xả một thì được báo đáp vạn lần trội hơn.” Cứ bố thí một thì sẽ được hưởng quả báo đền bù nhiều gấp vạn lần—đó chính là “xả nhất đắc vạn báo” vậy.
“Cho nên, này Ðịa Tạng! Những nhân duyên của sự bố thí là như thế! Ông phải biết rằng nhân quả, công đức phước báo đạt được của sự bố thí là như đã giảng nói ở trên.”