Bát Quan Trai Giới Thập Giảng
Pháp sư Thích Diễn Bồi giảng
Tỳ kheo Thích Thiện Huệ dịch
Chương 2
Chú Thích Danh Nghĩa
Bát Quan Trai Giới căn cứ theo Kinh luận, bất kể hàng tại gia đã quy y Tam Bảo hay chưa, bất kể là người học pháp Tiểu Thừa hay Ðại Thừa, đều có thể thọ Bát Quan Trai Giới. Ðây là điểm đầu tiên chúng ta nên biết.
Bát Quan Trai Giới thông thường cho rằng thọ vào các ngày lục trai nhật, nhưng căn cứ theo Luật điển thì không cứ phải vào ngày lục trai (sáu ngày ăn chay). Ngay cả những ngày vía chư Phật, Bồ Tát, những ngày vía sanh hay kỵ của cha mẹ hay của sư trưởng, hoặc ngày sanh của mình, thường tụng niệm làm công đức, cũng có thể thọ Bát Quan Trai Giới. Ðây là điểm thứ hai chúng ta nên biết.
Bát Quan Trai Giới thông thường cho rằng thích hợp nhất là phải đến chùa chiền, chốn đạo tràng thanh tịnh, xa lánh trần tục, thỉnh một vị Tăng truyền thọ, nhưng cũng có thể tự mình thọ giới tại gia, bằng cách mời một vị Tăng đến nhà truyền giới. Nói đúng hơn, người nam đến chùa thọ giới thì tốt, còn người nữ thọ giới tại nhà tiện hơn. Ðây là điểm thứ ba nên biết.
Bát Quan Trai Giới tuy là danh từ rất quen thuộc với chúng ta, nhưng trong Kinh Phật Thuyết Trai, Đức Phật vì phu nhân Duy Da phân biệt có ba loại:
– Mục Ngưu trai,
– Ni Kiền trai,
– và Phật Pháp trai.
Nhưng không có nghĩa là có tất cả ba loại Bát Quan Trai Giới khác nhau, mà do cách dụng tâm của người thọ giới mà phân biệt xếp loại, hợp với tinh thần thọ trai của Phật pháp mới là Bát Quan Trai Giới của Phật giáo. Ðây là điểm thứ tư nên biết.
Nguyên nhân Phật nói Kinh Phật Thuyết Trai: Do có một lần Đức Phật trụ ở nhà thừa tướng tại Xá Vệ thành. Sáng sớm hôm đó, mẹ thừa tướng là bà Duy Da phu nhân dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ, dẫn con cháu đồng đến chỗ Phật lễ lạy. Ðức Phật hỏi: “Sáng sớm đến có việc gì không?” Duy Da phu nhân thưa: “Chúng con chỉ muốn thọ Trai Giới”. Ðức Phật dạy: “Các vị phát tâm muốn thọ Trai Giới, điều này rất tốt và rất khó được, nhưng có ba thứ là Mục Ngưu trai, Ni Kiền trai và Phật pháp trai. Vậy quý vị muốn thọ thứ nào?” Phu nhân Duy Da không hiểu ba loại này khác nhau chỗ nào, xin Phật chỉ dạy. Ðức Phật vì vậy giải thích chỗ sai biệt của ba loại.
Thứ nhất, Mục Ngưu Trai, các vị vừa nghe tên này đã lấy làm ngồ ngộ. Thật ra đây là thí dụ: Như người chăn bò, mỗi ngày ra đồng chăn bò, đến chạng vạng trở về, trong lòng luôn nghĩ: chỗ nào có cỏ nước nhiều, ngày mai đến chỗ ấy chăn cho bò được no nê, có vậy mới thấy bớt cực nhọc, và không thấy chăn bò là khổ. Người chăn bò thường như vậy. Cũng thế, một số người phát tâm thọ trai theo Phật một ngày một đêm, nhưng sau khi thọ giới, không chịu cố gắng thành tâm thọ trì các giới, trong lúc thọ trai lòng luôn sinh vọng tưởng: “Tôi hôm nay thọ Trai Giới, cái gì cũng bị hạn chế không được hưởng thụ, ngày mai phải hưởng bù chút dục lạc để vớt vát lại ngày hôm nay phải chịu nhịn”. Thọ giới, không lưu tâm đến các giới thọ, mà chỉ đặt tâm vào sự hưởng lạc ngày mai, như vậy không phải là chân chánh thọ giới. Tỷ dụ như các vị hôm nay thọ giới, nghiêm trì giới quá ngọ không ăn. Giả như có người nghĩ chiều nay không ăn cũng được; ngày mai về nhà ăn bù lại một bữa cho đã. Như thế, dưới con mắt đại trí của chư Phật, đó là thọ Mục Ngưu trai, không phải đệ tử Phật thọ giới chân chính.
Thứ hai, Ni Kiền trai: Ni Kiền Tử là một thứ ngoại đạo ở Ấn, thường gọi là Ly Hệ Ngoại Ðạo (lìa trói buộc). Họ có phương pháp tu của họ. Hơn nữa, mục đích dụng công tu của họ cũng để ra khỏi sự trói buộc của sanh tử tam giới. Nhưng, dẫu rất tinh tiến dụng công tu hành, vẫn không kiếm được con đường chân chánh, kết cuộc chẳng sao tìm được sự giải thoát các thứ trói buộc. Do họ chuyên tu khổ hạnh, như trời nắng như thiêu, phơi mình dưới sức nóng bỏng của mặt trời; trời lạnh thì nằm ngoài sương giá chịu rét, hoặc bôi tro, trét bùn trên người. Nhiều người thấy vậy cho là hy hữu, khó được. Dưới mắt đức Phật thì chỉ là sự khổ hạnh vô ích, chả có chút lợi ích gì nơi sự giải thoát sanh tử, cũng không chút công hiệu với việc thể ngộ chân lý. Họ thọ Trai Giới vào các ngày Rằm mỗi tháng. Khi thọ Trai Giới, nằm xoài ra đất, nói với chư thần trong mười do tuần rằng: “Tôi hôm nay thọ giới, không còn dám làm các việc không như pháp, không hợp lý nữa. Tôi nay rời gia đình, đồng với không có nhà. Vợ con, nô bộc trong nhà nay không là của tôi, tôi cũng không phải là chủ của họ”. Như vậy, không khác Bát Quan Trai Giới cho lắm, chỉ không kê khai từng điều giới tướng mà thôi. Họ tuy miệng nói như thế, nhưng không thiết thật thực hành, chỉ phô bày bên ngoài làm hài lòng tai mắt thiên hạ, thật thì khi người dối mình, kết quả vẫn đắm chìm trong biển sanh tử. Người phát tâm thọ giới nếu trong ngày thọ giới không buông bỏ được hết, hay lợi dụng ngày này thực tiễn tu tập pháp, thì khác gì Ni Kiền Tử thọ giới. Qua hôm nay rồi, ngày mai mọi việc lại vì Ta (Ngã). Ðâu phải là Trai Giới nên thọ của người học Phật.
Thứ ba, Phật pháp trai: Chính là Bát Quan Trai Giới chúng ta đang đề cập đến hôm nay, trong Luật điển có nhiều tên gọi khác nhau. Ðơn giản nhất là Bát Giới, có nơi gọi là Bát Chi Giới, thông dụng nhất là Bát Quan Trai Giới. Nay lược giảng danh nghĩa như sau:
Bát trong Bát Quan Trai Giới là số mục. Tại sao lại là tám (bát)? Vì khi thọ giới này, đề phòng và ngăn chận tám việc, nên gọi là tám nhánh (bát chi) hay tám phần (bát phần), tức là: Tám pháp ngăn che này, có khi gọi là Giới, có khi gọi là Trai, hoặc gọi là Quan. Vì sao? Trong Phật pháp, Giới có nghĩa là ngừa quấy ngăn ác (phòng phi chỉ ác). Như hai nghiệp thân, khẩu: Thân có ba là sát sanh, trộm cướp, dâm dục; khẩu có bốn là hai lưỡi, ác khẩu, nói điêu, thêu dệt. Tổng cộng bảy chi đều là việc quấy. Các việc quấy ác này, sau khi thọ Bát Quan Trai Giới, nơi thân tâm sẽ phát sanh sức mạnh hoặc tác dụng có thể ngăn chặn được tám việc xấu. Như tội sát sanh, nếu không thọ Trai Giới, ắt sẽ sát sanh thẳng tay, không chút suy nghĩ; nhưng khi thọ giới rồi, khi sắp sát sanh, Giới nơi tâm sẽ phát sanh một sức mạnh bảo mình rằng: “Không nên giết, không được giết!” Nhờ vậy mà chặn đứng được việc làm sát sanh hại mạng kia, phải biết đó chính là sức mạnh và tác dụng của Giới.
Quan, giải theo chữ có nghĩa là “đóng”, hàm nghĩa người thọ Bát Giới này không còn làm bất cứ việc ác hại nào nên cánh cửa của tam ác đạo bị đóng chặt lại, không còn có thể vào trong ba đường dữ nữa. Té ra, ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều có cửa để vào. Bình thường, cánh cửa tam ác đạo luôn khép kín, bất cứ ai muốn tiến vào đều phải mở lấy, nhớ rằng không ai mở giùm mình ngoài chính mình tự mở. Ðằng sau cánh cửa, rõ ràng toàn là điều khốn khổ, sao lại tìm đến? Cũng chỉ vì không tự chủ được mình, tạo bao điều ác nghiệp, cánh cửa tam ác đạo kia tự mở, rồi mình bước vào hồi nào không hay, chịu bao điều quả báo khó kham. Hiện nay, thọ Bát Quan Trai Giới rồi không tạo các tội ác nữa, đừng nói cửa tam ác đạo chưa mở, chúng ta quyết không đến mở, mà ngay đến cửa này có mở rồi, ta cũng đóng nó lại để có muốn vào, vào cũng không được. Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng: Cửa tam ác đạo mở là do tự ta mở bằng cách gây biết bao tội lỗi. Và cũng do chính chúng ta đóng bằng cách tu các thiện pháp, tạo bao việc lành. Cho nên tục ngữ có câu: “Họa phúc không cửa, do ta tự mời” (Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu). Hay còn nói: “Thiên đường có lối không ai đến, địa ngục không cửa vẫn tự vào” (Thiên đường hữu lộ nhữ bất tẩu, địa ngục vô môn nhữ tự khai). Nên đã là đệ tử Phật, chẳng những không nên đi mở cửa tam ác đạo mà còn phải đi đóng cửa này lại, có vậy mới hợp với ý thú học Phật.
“Trai”, thường giải thích như sau: Vì tư tưởng con người từ sáng đến tối tạp loạn không dừng, khi nghĩ đến này, lúc tưởng đến kia, không bao giờ ngừng nghỉ. Hiện tại, vận dụng một phương pháp khiến các tư tưởng tạp loạn được chuyên chú vào một cảnh, không còn lăng xăng, rối loạn. “Trai” còn có nghĩa thanh tịnh, như thế tục thường có Trai Thái Quán (tiệm chay), vừa bước vào đã thấy thật thanh khiết. Phải biết hoàn cảnh thanh khiết rất quan trọng, như đến nơi nào sạch sẽ, vẫn thấy thư thái; nếu chỗ dơ dáy, ắt sanh tâm nhờm gớm. Nội tâm con người thường nhận thức và cảm giác như vậy trước cảnh bên ngoài. Sở dĩ gọi Trai là “thanh tịnh” bởi vì Trai Giới có thể giúp cho tâm được thu nhiếp tịch tĩnh, đoạn được hết mọi tội lỗi, phát sanh được sức phòng hộ căn môn. Căn môn là cửa của sáu căn. Thế gian đầy dẫy tội ác đều do sáu cửa này tạo ra. Như mắt thấy Sắc, thích thì khởi lòng tham, ghét thì khởi lòng sân, rồi đưa đến hành động hoặc chiếm hoặc bỏ, gây ra bao tội ác. Nếu muốn không tạo ác, phải tìm cách thủ hộ, đề phòng căn môn, đừng để cho nó chạy theo cảnh giới bên ngoài. Có vậy mới dứt trừ hết được các tư tưởng tạp loạn, xa rời các thứ gây đến lỗi lầm, không còn bị tà dục ở thế gian ô nhiễm. Chính vì Trai có nghĩa là thanh tịnh, nên hàng kẻ sĩ và thục nữ thích gọi tịnh thất hay thư phòng mình là “trai”, biểu thị siêu nhiên thoát tục, không bị nhiễm thế.
Như trên đã giảng, chư vị đã hiểu danh từ “Trai Giới” gốc từ Trung Quốc. Các điển lễ trong sách xưa ghi: “Trai giới để thưa với quỷ thần” (Trai giới dĩ cáo quỷ thần); cho nên, người xưa trước khi cúng quỷ thần phải trai giới, tắm rửa cho sạch sẽ. Lúc tu trai tức phải có giới, cho nên gọi chung là “Trai Giới”. Ðặc tánh của Trai là tẩy sạch nội tâm, không để cho các ý niệm bất tịnh tồn tại. Năng lực của Giới ở chỗ phòng hoạn, không để cho các hành vi bất chánh được hoạt động.
Trai theo Ấn có nghĩa Bố Tát hoặc Bao Sà Ðà, bao gồm hai ý nghĩa “tịnh trụ” và “trưởng dưỡng”. Cư sĩ tại gia vào các ngày lục trai, thọ Bát Quan Trai Giới để trừ khử dần các ác pháp, đồng thời tu tập thêm các pháp lành, thiện pháp mỗi ngày mỗi tăng, ác pháp mỗi ngày mỗi giảm, nhờ vậy, thân tâm mới trụ nơi thanh tịnh, không bị trụ trọn ngày nơi phiền não và tội nghiệp, vì vậy gọi là “tịnh trụ”. Thứ nữa, hàng tại gia học Phật, nhờ thọ bát vào các ngày lục trai, thiện pháp mỗi ngày mỗi tăng trưởng, bởi lẽ bất kỳ ai nếu muốn công đức được trưởng dưỡng, bắt buộc phải tu tập không ngừng. Nếu nay tu mai nghỉ, ắt không sao trưởng dưỡng. Trong Trí Ðộ Luận, ngài Long Thọ dạy: “Hành thọ Bát Giới, đó là Bố Tát, Tần gọi Thiện Túc”, ý nói: Bố Tát còn dịch là Thiện Túc, nghĩa là thọ trì Bát Giới, khéo an trụ nơi pháp thanh tịnh, không còn bị dục nhiễm trần lao quấy phá, nên gọi là “thiện túc” (khéo trú).
Liên quan đến vấn đề này, trong Trí Ðộ Luận ghi: “Thọ hành tám giới, tùy học các Phật pháp, gọi là Bố Tát, nguyện giữ phúc đức này, đời đời không đọa ba ác (1), tám nạn” (2). Ý nói: Người học Phật tại gia phát tâm thọ trì, phụng hành tám giới, tự nhiên có thể tùy thuận học hết mọi Phật pháp; tu học và phụng hành Phật pháp như vậy gọi là Bố Tát. Phúc đức Bố Tát này nguyện hồi hướng đời đời kiếp kiếp không đọa ba ác, tám nạn. Ba ác, tám nạn nói theo Phật pháp là không mỹ mãn, không lý tưởng. Khổ như ba ác không lý tưởng đã đành, mà đến những nơi sung sướng tợ thiên đường hay Bắc Câu Lô Châu, dù kiếp sống rất thỏa thích, nhưng vì không có cơ hội tu học Phật pháp, nên không những không được cho là chỗ tốt lành, mà ngược lại còn bị coi là nơi hoạn nạn nữa! Phải biết điều quan trọng nhất của học Phật là có cơ hội tu học, nếu sanh vào lúc không có Phật pháp, thử hỏi làm sao y pháp tu hành được? Cho nên sau khi thọ hành tám giới, nên phát nguyện do công đức này, không còn đọa vào ba đường tám nạn. Do đó chứng minh tám giới của Phật pháp, bất luận ở Luật hay Luận đều gọi là Bố Tát, còn có thể thêm chữ Hộ gọi là Bố Tát Hộ. Hộ có nghĩa là “thủ hộ”, chỉ sự gìn giữ tự tâm, ý nói: người phát tâm thọ trì tám giới phải khắc khắc thủ hộ tự tâm, vì tâm là đầu mối của tội họa, tội ác nào cũng do từ tâm ra. Nếu khéo hành đúng tinh thần tám giới, luôn luôn phòng giữ tự tâm, ắt không phát triển ác nghiệp nữa, cho nên gọi là Bố Tát Hộ. Thọ trì Bát Quan Trai Giới dĩ nhiên không chỉ chuyên phòng hộ nội tâm, mà phòng hộ cả thân khẩu nữa, chính vì vậy các bậc cổ đức thường bảo: “Nơi tâm gọi Hộ, nơi thân khẩu gọi Giới”.
Còn có Trai của Bát Quan Trai Giới, có người còn bảo quá ngọ không ăn gọi là “trì trai”. Do nghĩa này làm tự thể của Trai, thậm chí các giới trước như bất sát… chẳng qua chỉ trợ thành trai thể mà thôi. Lại có người bảo ăn chay trường là trường trai, ăn chay sáu ngày là hoa trai. Ðâu biết “trai” của trường trai, hoa trai chẳng ăn nhập gì với “trai” của Bát Quan Trai, lại cũng chẳng quan hệ gì với giới “ăn ngọ”. Vì không ăn quá ngọ chỉ là duyên phòng phạm, cùng trai thể vô can.
Trong kinh đức Phật dạy: Căn cứ vào truyền thuyết của các tôn giáo Ấn, thế giới này khi mới thành lập gọi là Kiếp Sơ, có rất nhiều ác thần, ác quỷ có nhiều thế lực, thường ở thế gian hút lấy tinh khí của con người vào các ngày lục trai. Sự tồn vong của sinh mạng dựa vào sự duy trì của tinh khí, mà hễ tinh khí này bị rút mất, ắt sự sanh tồn phải bị đe dọa. Vì vậy, ai nấy cũng vì sự sanh tồn mà sanh tâm đề phòng. Bấy giờ, có một vị đại trí huệ muốn trừ sạch các mối nguy này, nên bảo mọi người rằng: “Ðừng sợ sệt, đã có biện pháp. Chỉ cần mọi người cứ vào sáu ngày trai, không ăn nguyên ngày cho tâm tịch tĩnh, thân được tiết chế; nhờ vậy, ác thần, ác quỷ không sao hút được tinh khí. Tinh khí được bảo toàn, mạng sống không phải lo mất!”
Như thế, thuở giờ bên Ấn đã có lục trai nhật; hơn nữa, vào lục trai nhật còn không ăn bất cứ gì. Sau này khi Phật xuất thế, ngài thấy phương pháp lục trai nhật có thể duy trì, song cần phải sửa đổi để thích hợp với Phật pháp, nên thay vì “không ăn” đổi thành “quá ngọ không ăn”, gọi là “không ăn phi thời”. “Phi thời” ý chỉ sau 12 giờ, qua giờ đó thì không ăn nữa, đó là một trong Bát Giới.
“Không ăn phi thời” đã là một trong tám giới, đương nhiên không phải là trai thể, ai bảo đó là trai thể tức ngộ nhận đó vậy. Nhưng có thể có người bảo: “Ăn cơm đâu phải là tội ác, không phải giờ mà ăn thì có sao đâu?” Phải biết rằng ăn uống là duyên tăng thượng trầm luân sanh tử của chúng sanh, do đó không nên xem thường. Tại sao ăn uống lại là tăng thượng duyên cho sự trầm luân sanh tử của chúng sanh? Chúng ta thường hay nói: “Ăn no ấm cật sanh tà vạy”. Ðời sống người nào quá đầy đủ, ăn ngon, hưởng đủ hay sanh chuyện nghĩ bậy. Ðể giúp ta thanh tịnh, ít dục, đức Phật chế quá ngọ không ăn để tiết chế sự tham ăn không cho tăng trưởng, ngăn chặn ác pháp không để lan rộng. Cho nên Ðạo Tuyên Luật Sư bảo là: “Duyên phòng đó vậy” rất đúng. Nếu bảo giới “không ăn phi thời” là trai thể, các giới khác là trợ thành trai thể thì không hạp với nghĩa trên. Chúng ta phải hiểu cho rõ điểm này. Nếu không thọ trì Bát Quan Trai Giới, chỉ mải lo đặt nặng vấn đề “không ăn phi thời” mà xao lãng các giới kia, như vậy không hợp với tinh thần của Bát Giới.
Bát Quan Trai Giới còn gọi là Cận Trụ Luật Nghi, hay Trưởng Dưỡng Luật Nghi. Ý nói: Người phát tâm thọ Bát Quan Trai Giới thiện căn ban đầu vốn rất nhỏ nhưng lâu ngày sẽ tăng trưởng nhờ thọ tám giới. Hoặc có thể nói như vầy: Người học Phật tại gia khéo phát tâm thọ trì tám giới, huân tập công đức này không ngừng, lâu dần căn lành xuất gia càng tăng trưởng. Bởi vì thọ Bát Quan Trai Giới chủ yếu để tập đời xuất gia, tuy chỉ trong một ngày một đêm; nếu một tháng thọ một lần hay nhiều lần ắt sẽ huân tập và trưởng dưỡng căn lành xuất gia. Cho dù vốn không có ý niệm xuất gia, do vì thường thọ Bát Quan Trai Giới, chịu sống đời xuất gia, lâu ngày sẽ cảm nhận được đời xuất gia rất hợp với mình. Do vậy, ắt tự nhiên nghĩ rằng tại gia chẳng bằng xuất gia. Ðó chính là trưởng dưỡng căn lành xuất gia. Bởi vì khéo trưởng dưỡng như vậy, nên đức Phật còn gọi Bát Quan Trai Giới là Trưởng Dưỡng Luật Nghi.
Còn tại sao gọi là Cận Trụ Luật Nghi? Nói giản lược là do vì thân cận Tam Bảo, an trụ ở đạo tràng của Tam Bảo, chịu sự huân tập của tư tưởng Tam Bảo, như chư vị hiện đang trụ ở đạo tràng này vậy. Nói rõ hơn có ba nghĩa:
Thứ nhất, cận thời nhi trụ (ở thời gian ngắn). Ý nói: Chỉ thọ giới trong một ngày đêm; xét về mặt thời gian, chỉ trụ trong một thời gian quá ngắn tạm, trong vòng 24 giờ. Vì vậy gọi là Cận Trụ Luật Nghi.
Thứ hai, cận tận thọ giới trụ. Chúng xuất gia, bất luận là tỳ kheo hay sa di, không thọ giới thì thôi, như phát tâm thọ giới tất phải cả đời trì giới. Như hôm nay thọ giới Tỳ Kheo rồi thì phải giữ cho đến khi thọ mạng hết, giới thể mới lìa thân. Trước lúc chết, chỉ cần đừng phá giới căn bản, giới thể luôn tại thân tâm, có tác dụng phòng quấy ngăn ác, cho nên hàng tứ chúng xuất gia phải giữ giới đến chết. Bát Quan Trai Giới tuy chỉ tạm thời một ngày đêm, nhưng đó là quy tắc xuất gia tạm thời cho hàng nhị chúng tại gia, tuy chưa xuất gia, song vẫn tạo được thắng nhân cho giới xuất gia tận hình thọ. Bởi vì từng lần từng lần thọ trì, huân tập, không ngừng tăng trưởng căn lành xuất gia; dần dà nhận thấy thọ từng lần chẳng bằng một lần xuất gia thọ Ðại Giới đến trọn mạng sống. Như vậy đủ thấy Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm tợ hồ rất ngắn, nhưng rất gần với giới xuất gia một đời, nên còn có thể gọi là “phương tiện ban đầu” cho giới xuất gia trọn đời. Vì vậy gọi là Cận Trụ Luật Nghi.
Thứ ba, cận A La Hán trụ. Ý nói: Thọ Bát Quan Trai Giới học tập đời xuất gia, đó là hành môn của A La Hán, nên thọ giới chính là tu học A La Hán. Như thường tu học A La Hán pháp, người thọ hành Bát Quan Trai Giới này, chẳng bao lâu, trong tương lai ắt chứng được A La Hán quả. Tuy hôm nay còn là một kẻ phàm phu, song nhờ thân cận chỗ A La Hán, cùng A La Hán gần gũi, nên gọi là Cận Trụ Luật Nghi.
Danh nghĩa của Bát Quan Trai Giới tóm tắt giải nghĩa như vậy. Chúng ta có thể thấy rõ ràng: tu Bát Quan Trai Giới trong vỏn vẹn có một ngày một đêm, thanh tịnh thân tâm, phòng hộ giữ mình. Tuy chưa xuất ly tam giới ngay được, nhưng nhờ nương công đức Trai Giới này, gieo trồng hạt nhân xuất thế thù thắng; tương lai chắc chắn được giải thoát. Học Phật mục đích quan trọng và lớn nhất chính là sự giải thoát dứt sanh tử, như nếu chưa đạt được giai đoạn này thì rồi sẽ lại bị chìm đắm trong biển sanh tử mãi không ngày ra. Chư Phật vì muốn hóa độ chúng sanh nên đặc biệt chỉ bày pháp môn hy hữu, phương tiện tối thắng này. Mong chư vị thọ giới không nên xem thường đó vậy!
CHÚ THÍCH:
(1) Ba ác: tức tam ác đạo gồm súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.
(2) Tám nạn: Tám sự chướng ngại việc gặp Phật, nghe Pháp nên gọi là Nạn, gồm: Ðịa ngục; ngạ quỷ; súc sanh; Uất Ðan Việt (còn gọi là Bắc Câu Lô Châu), nơi đây thọ báo khoái lạc, không còn sự khổ; Trường Thọ Thiên (chỉ Sắc Giới và Vô Sắc Giới), nơi đó được an ổn trường thọ; đui điếc câm ngọng; thế trí biện thông: trí thông minh của thế gian; Phật tiền Phật hậu: sanh ra trước hay sau đời có Phật.
Phẩm Phương Tiện kinh Duy Ma Cật nói: “Khi Bồ Tát thành Phật, nơi quốc độ không có ba ác và tám nạn”. Tịnh Tâm Giới Quán Pháp nói: “Gốc sanh 448 thứ bệnh do nơi ăn đêm, gốc sanh ba ác tám nạn do nơi nữ nhân”.