TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM

Sa môn Pháp Tạng
Dịch và chú thích: Thiện Thuận- Quảng An-Viên Châu-Ngộ Bổn

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Bởi căn cơ chúng sanh bất đồng, nên giáo pháp mới có nhiều môn. Căn cơ tuy bất đồng, nhưng Phật tánh bản hữu không khác. Giáo pháp tuy có nhiều môn, nhưng đều đưa chúng sanh thể nhập biển tánh Tì-lô. Giáo nghĩa Hoa Nghiêm là một trong muôn ngàn môn đó.

Nền tảng của giáo nghĩa này là Pháp giới duyên khởi, tức vạn pháp trong vũ trụ đều có quan hệ duyên khởi, đan xen, giao kết, nhiếp nhập lẫn nhau lớp lớp vô tận, như màng lưới của trời Đế Thích. Thấu suốt được nghĩa này, hành giả sẽ nhìn thấy sự nhiệm mầu của tiếng suối reo, tiếng chim hót, của một chiếc lá rơi, một đóa hoa nở…, biết được vì sao trong một niệm có đầy đủ ba thời, trong một hạt bụi nhỏ dung chứa cả tam thiên và cũng từ đó mà có được đời sống thánh thiện, tự tại vô ngại, lợi mình, lợi người, tức đời sống của một Thánh giả.

Đại sư Pháp Tạng Hiền Thủ là Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm, cũng là người tập thành và phát triển tông này khắp Trung Quốc. Đức hạnh, trí tuệ và công nghiệp hoằng dương Phật pháp của Ngài vang khắp; từ miền sơn dã cho đến chốn thị thành, từ hàng thứ dân cho đến Hoàng đế, ai ai cũng vô cùng kính ngưỡng Ngài.

Với lòng từ sâu xa, Ngài đã vì những người còn nghi ngờ giáo nghĩa Hoa Nghiêm mà biên soạn bộ Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm, gồm có mười môn, từ bộ loại, ẩn hiển, truyền dịch cho đến đọc tụng, biên chép, hầu giúp cho người học Phật phát khởi lòng tin kiên cố, hành trì Hoa Nghiêm, đạt đến cứu cánh viên mãn.

Văn nghĩa thì khó, ý thú lại sâu xa, người dịch kém cả về trí lẫn đức, lại cách xa người xưa hơn nghìn năm, cho nên việc chuyển ngữ hẳn không toàn vẹn. Xin người học đạt ý quên lời và rộng lòng chỉ chánh!

Mạnh Đông năm Bính Tuất (2006)

Người dịch kính ghi

 

MỤC LỤC

Lời người dịch

Mục lục
Lược sử tác giả

Truyện Ký Kinh Hoa nghiêm
1. Bộ Loại
2. Ẩn hiển
3. Truyền dịch
3.1. Phật-đà-bạt-đà-la
3.2. Địa-bà-ha-la
3.3. Thật-xoa-nan-đà
4. Chi lưu
5. Luận thích
6. Giảng giải
6.1. Thích Pháp Nghiệp
6.2. Cầu-na-bạt-đà-la
6.3. Lặc-na-ma-đề
6.4. Thích Trí Cự
6.5. Thích Huệ Quang
6.6. Thích Tăng Phạm
6.7. Thích Đàm Diễn
6.8. Thích Linh Dụ
6.9. Thích Huệ Tạng
6.10. Thích Linh Cán
6.11. Thích Huệ Giác
6.12. Thích Pháp Mẫn
6.13. Thích Huệ Thiếu
6.14. Thích Đạo Anh
6.15. Thích Đạo Ngang
6.16. Thích Linh Biện
6.17. Thích Trí Nghiễm
7. Phúng tụng
7.1. Thích Phổ Viên
7.2. Thích Phổ Tế
7.3. Thích Biện Tài
7.4. Một vị Tăng khuyết danh
7.5. Thích Đàm Nghĩa
7.6. Luật sư Uyển
7.7. Cư sĩ Phàn Huyền Trí
7.8. Sa-di Bát-nhã Di-già-bạc
7.9. Một người họ Vương
7.10. Tỳ-kheo-ni Vô Lượng
7.11. Chuyện chim nhạn tụng kinh Hoa Nghiêm 133
8. Chuyển độc
8.1. Thích Pháp Niệm
8.2. Thích Phổ An
8.3. Thích Pháp An
8.4. Thích Giải Thoát
8.5. Thích Minh Diệu
8.6. Sa-môn Thích Ca-di-đa-la
8.7. Cư sĩ Cao Nghĩa Thành
8.8. Thích Hoằng Bảo
8.9. Chuyện kinh Hoa Nghiêm phóng ánh sáng
9. Thư tả .
9.1. An Phong Vương Diên Minh và Trung Sơn Vương Nguyên Hy
9.2. Thích Đức Viên
9.3. Thích Pháp Thành
9.4. Thích Tu Đức
9.5. Triều tán đại phu Tôn Tư Mạc
9.6. Cư sĩ Khang A Lộc Sơn
10. Tạp thuật

 

LƯỢC SỬ TÁC GIẢ[1]

Ngài Pháp Tạng (643-712) là một vị Cao tăng Trung Quốc, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm, tự là Hiền Thủ, hiệu là Quốc Nhất Pháp sư, còn gọi là Hương Tượng Đại sư, Khương Tạng Quốc sư. Sư họ Khương, gốc người Khương-cư, đến đời ông nội thì cả họ dời đến Trường An.

Thuở nhỏ, Sư thờ ngài Trí Nghiễm, được nghe giảng kinh Hoa Nghiêm và thâm nhập tôn chỉ huyền diệu của kinh này. Vào năm 28 tuổi, sau khi ngài Trí Nghiễm thị tịch, Sư mới lễ ngài Bạc Trần cầu xuất gia. Sư có phong thái kỳ đặc, trí tuệ hơn người, từng tham dự vào dịch trường của ngài Huyền Trang, nhưng do kiến giải của những người chấp bút, nhuận văn, chứng nghĩa bất đồng, nên Sư rời khỏi dịch trường. Thời gian sau, tham gia vào dịch trường của ngài Nghĩa Tịnh, Sư làm nhiệm vụ chứng nghĩa.

Sư lần lượt dịch trên 10 bộ kinh, như Hoa Nghiêm (bản Tân dịch), Đại Thừa Nhập Lăng-già… Vũ Hậu thỉnh Sư giảng Tân Hoa Nghiêm Kinh[2], đến Thiên đế võng nghĩa thập trùng huyền môn, Hải ấn tam-muội môn, Lục tướng hòa hợp nghĩa môn, Phổ nhãn cảnh giới môn, Vũ Hậu ngơ ngác mờ mịt, Sư bèn chỉ con sư tử vàng ở trong nội điện làm thí dụ khiến cho Vũ Hậu tỏ ngộ. Sau đó, nhân thí dụ này, Sư soạn thành Kim Sư Tử Chương. Đối với những người không lãnh hội được yếu nghĩa Hoa Nghiêm, Sư lấy 10 tấm gương, thiết trí tám phương và hai phương trên dưới, mỗi mỗi cách nhau hơn một trượng và đối diện nhau. Trung tâm đặt một tượng Phật, rồi đốt một ngọn đuốc lớn, làm cho các hình ảnh của tượng đan xen soi chiếu lẫn nhau. Người học nhân đó hiểu được nghĩa các thế giới nhiếp nhập nhau trùng trùng vô tận.

Năm Thánh Lịch thứ 2 (699), nhằm ngày 08 tháng 10 năm Kỷ Hợi, Vua ban chiếu thỉnh Sư giảng kinh Hoa Nghiêm tại chùa Phật Thọ Ký. Đến phẩm Thế giới Hoa Tạng, tự nhiên mặt đất giảng đường và toàn chùa chấn động. Khi ấy, Đô duy-na[3] Hằng Cảnh dâng biểu trình tấu việc này, Hoàng đế sắc rằng: “Hôm trước, Trẩm thỉnh diễn bày lời vi diệu, xiển dương giáo nhiệm mầu. Thế là ngày đầu phiên dịch đã mộng thấy cam lồ, hiển bày điềm lành. Đến hôm sau diễn giảng thì cảm oai thần làm đất rung chuyển, xuất hiện điều lạ. Đó là Như Lai giáng tích, xét rất phù hợp với lời văn trong Cửu hội[4] Trẩm kém tài đâu dám suy lường sáu thứ chấn động[5] kia? Nhân đọc tấu văn, lòng Trẩm sung sướng vô cùng”.

Cả đời Sư giảng nói kinh Hoa Nghiêm hơn 30 lần, tận lực sắp xếp hoàn bị cho giáo học Hoa Nghiêm, lại có công chú thích những kinh luận như: Lăng-già, Phạm Võng, luận Đại Thừa Khởi Tín. Đồng thời, Sư mô phỏng theo cách thức của tông Thiên Thai để tổng hợp rồi phân loại tư tưởng Phật giáo thành Ngũ giáo và Thập tông. Theo Sư, giáo lý Hoa Nghiêm là cao nhất, triết học của Hoa Nghiêm thực hiện một thế giới lý tưởng ngay trong thế giới hiện thực.

Tác phẩm của Sư gồm:

– Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (20 quyển).
– Hoa Nghiêm Liệu Giảng.
– Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương.
– Đại Thừa Mật Giáo Kinh Sớ (4 quyển).
– Phạm Võng Kinh Sớ.
– Đại Thừa Khởi Tín Luận Sớ.
– Hoa Nghiêm Cương Mục.
– Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương.
– Bát-nhã Tâm Kinh Sớ.

Đệ tử của Sư có các vị nổi tiếng như: Hoành Quán, Văn Liêu, Trí Quang, Tông Nhất và Huệ Uyển.

Sư được Hoàng đế coi trọng, nên tông Hoa Nghiêm cũng nhờ đó mà được hoằng truyền sâu rộng.

Tháng 11 năm Nhâm Tý (712), Sư thị tịch tại Đại Tiến Phước tự[6], hưởng thọ 70 tuổi.

Trang: 1 2 3