KINH CHUYỂN HỮU

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-phiến-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại rừng trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương xá, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo vây quanh gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị và vô lượng, vô biên các Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la nước Ma-già-đà, ra khỏi thành Vương xá, đến rừng trúc Ca-lan-đà. Khi đến chỗ Phật, vua Tần-bàsa-la đảnh lễ sát chân Phật và nhiễu quanh ba vòng, rồi ngồi sang một bên. Như Lai biết nhà vua đã an tọa, mới hỏi:

–Đại vương! Ví dụ có người ngủ trong mộng thấy cùng ngọc nữ hành việc dục. Người ấy khi thức dậy nhớ đến ngọc nữ, ý đại vương nghĩ sao? Ngọc nữ trong mộng có không?

–Dạ không, thưa Thế Tôn!

–Ý đại vương nghĩ sao? Nếu người ấy cứ cho rằng trong mong có ngọc nữ, vậy người ấy có trí tuệ chăng?

–Dạ không, thưa Thế Tôn! Vì sao? Vì người nữ ấy trong mộng là hoàn toàn không có thì làm sao có cảnh hành việc dục. Người ấy nghĩ chuyện đó chỉ phí công.

Phật nói:

–Này Đại vương! Như vậy tất cả phàm phu ngu si chưa từng nghe chánh pháp Phật, nên mắt thấy các sắc tâm vui thích cho là thật. Khi đã cho là thật, nên bị trói buộc, bị trói buộc nên bị vướng mắc, có vướng mắc thì sinh ra nghiệp tham dục, sân, si… Đó là nghiệp từ thân, khẩu, ý tạo ra. Tuy nhiên, nghiệp thân ấy tạo ra thì liền diệt, diệt rồi không dựa vào Đông Tây mà trụ. Như thế cũng không dựa vào phương Nam, Tây, Bắc, trên, dưới mà trụ. Đến khi mạng chung, chuyển nơi hữu thức kia mà hiện ở tâm sau.

Đại vương! Thức ấy không tan mất, tùy chỗ nghiệp cũ hết, nghiệp mới hiện ra, cũng như lúc ngủ thấy ngọc nữ trong mộng. Như vậy, cuối cùng, thức trước diệt thức sau sinh. Hoặc sinh vào địa ngục, hoặc sinh làm ngạ quỷ, súc sinh hay sinh nơi cõi Trời, Người, A-tula. Thức sau cùng ấy giữ lấy đời sau cùng, thức thuận theo cảnh ấy mà sinh. Như vậy tâm thức tùy nghiệp mà thọ, nhưng không có pháp từ thế gian này đến thế gian kia thọ sinh. Đại vương! Tâm thức sau diệt gọi là diệt, tâm thức ban đầu nhờ đó mà sinh, gọi là đời sau sinh. Khi chuyển nơi thức sau, pháp đó không từ chỗ kia lại để đến nơi này. Thức đầu sinh rồi cũng không có chỗ đến. Vì sao? Vì là tướng của pháp tánh.

Đại vương! Tâm thức đầu tiên là thức sau không, nghiệp là nghiệp không, sinh là sinh không, tâm thức đầu tiên là thức ban đầu không, chỗ sinh là chỗ sinh không, nhưng nghiệp quả chỗ ấy không mất. Cuối cùng, sinh thức đó liền diệt, tâm sau không dứt. Thức tâm thuận hành theo chỗ nào có thọ nghiệp báo thì liền đến thọ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Sau khi Thiện Thệ nói
Các ngôn ngữ hiện có
Đều là giả danh nói
Giả danh tưởng là trụ.
Lìa nơi pháp ngôn ngữ
Mà không có thể nói
Tùy nói năng hiện có
Để nói các pháp kia.
Pháp không sinh ở đó
Pháp nhãn thấy không sắc
Thế gian vướng mắc vào
Nói là thấy có sắc.
Nói pháp đời là thực
Nhờ hòa hợp mà thấy
Những gì Như Lai nói
Gọi đó là phương tiện.
Nếu vì nói chân thật
Mắt tức không thấy sắc
Ý không biết các pháp
Đó là tối bí mật.
Thế gian ngã mạn nói
Tên vốn thật không có
Tất cả pháp không tên
Dùng giả danh mà nói.

Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la, các đại chúng Trời, Người, Rồng, Thần, Càn-thát-bà… nghe Phật giảng nói pháp môn này đều hết sức vui mừng, tin thọ, phụng hành.