KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Đời Lương, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn cây Am-la, thuộc nước Tỳ-xály, cùng với tám trăm vị Tỳ-kheo, mười ngàn Đại Bồ-tát, tám bộ chúng gồm chư Thiên, Rồng, Quỷ, Thần… hội đủ. Khi ấy, đến giờ thọ trai, Đức Phật đắp y, ôm bình bát đi vào thành lớn Tỳ-xá-ly để khất thực. Đức Phật lần lượt đi đến khu vực thuộc nhà Trưởng giả Tịnh Xưng. Ở đây, có một đồng tử tên là Thiện Tư Duy được nhũ mẫu chăm sóc đang ở trên lầu cao, tay cầm hoa sen, vô cùng vui vẻ. Nhờ căn lành từ đời trước nên Đồng tử Thiện Tư Duy hướng về nhũ mẫu, nói kệ:
Tiếng âm nhạc như vậy
Thế gian chưa từng có
Mẹ ơi! Hãy giúp con
Con muốn nhanh xuống lầu.
Ắt là Bậc Tinh Tấn
Thế Tôn ánh sáng lớn
Con muốn cất chân phải
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Mềm mại, rất thích thú
Muôn chim đều lượn quanh
Tiếng này chưa từng nghe
Đời này chưa từng thấy.
Chính Bậc Đại Tinh Tấn
Thương xót các chúng sinh
Dùng chân phải giẫm lên
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Như mẹ đeo chuỗi báu
Để trang sức nơi thân
Phát ra âm thanh hay
Khiến mọi người ưa thích.
Chính Bậc Thiên Trung Tôn
Công đức sáng trang nghiêm
Đặt ngay chân phải xuống
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Như người đánh trống đồng
Phát ra âm thanh lớn
Tất cả ở mọi nơi
Đều được nghe tiếng ấy.
Chính Bậc Nhân Trung Nhật
Đại Mâu-ni sáng tỏ
Vào trong thành lớn này
Lợi ích cho chúng sinh.
Như khi cây nở hoa
Các hoa đều rực rỡ
Tùy ý phát âm diệu
Khiến chúng sinh ưa thích.
Chính Bậc Đại Long Vương
Thiện Trụ Thiên Trung Tôn
Con muốn chân phải giẫm
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Trong sạch như hư không
Hoàn toàn không cấu uế
Lửa sáng màu vàng ròng
Che cả ánh mặt trời.
Chính là Bậc Lạc Kiến
Đầy đủ hào quang quý
Liền đặt chân phải xuống
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Như các chúng trời ấy
An trụ giữa hư không
Vui mừng ma khen ngợi
Xoay vòng trong không trung.
Chính là Bậc Lợi Đời
Tối thắng giữa chư Thiên
Liền đặt chân phải xuống
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Chúng sinh trong thành này
Đều sinh tâm Từ bi
Mọi người thương yêu nhau
Như tình thân mẫu tử.
Chính Bậc Công Đức Tụ
Hoa công đức trang nghiêm
Liền đặt chân phải xuống
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Như người nam, người nữ
Cầm nhiều loại hoa đẹp
Đầy tay mà đứng hầu
Hoan hỷ cùng chiêm ngưỡng.
Chính Bậc Nhân Trung Long
Hoa công đức trang nghiêm
Dùng chân phải giẫm xuống
Bên thảm cỏ tươi mềm.
Hoa trời vào hoa người
Đầy cả nơi hư không
Hương thơm bay ngào ngạt
Khiến mọi người yêu thích.
Chính Bậc Đại Tinh Tấn
Muốn đến Tỳ-xá-ly
Đấng Vô Thượng vào thành
Lợi ích cho chúng sinh.
Bấy giờ, nhũ mẫu nghe đồng tử nói xong thì vô cùng kinh ngạc, liền dẫn đồng tử đi xuống lầu và suy nghĩ: “Những lời vừa rồi là nói về ai? Là Trời hay Rồng, Dạ-xoa, La-sát, Quỷ thần, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già hay là người chăng? Nhũ mẫu bèn trở về chỗ cũ, đứng yên, không cử động.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đã đến bên ngoài cửa nhà Đồng tử Thiện Tư Duy. Đồng tử trông thấy Đức Phật đang ở bên dưới lầu liền vui vẻ chiêm ngưỡng Ngài. Nhờ thần lực của Phật nên Đồng tử Thiện Tư Duy ở giữa hư không, hướng về Đức Thế Tôn, nói kệ:
Thế Tôn – Bậc Đại Trí
An trú, không ai bằng
Thương xót các chúng sinh
Xin nhận đóa sen này.
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:
Ta ở trong cõi thật
Chẳng phải cảnh thế gian
Cõi ấy không có cõi
Đấy là tướng cõi thật.
Đồng tử Thiện Tư Duy dùng kệ hỏi Phật:
Thế nào trụ trong cõi
Đạo sư nơi cõi thật
Cõi ấy không có cõi
Chẳng có làm sao trụ?
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:
Nếu cõi là cõi thật
Cõi tức là Như Lai
Trụ ở trong cõi thật
Đạo sư trụ như thế.
Nếu cõi là cõi thật
Cõi tức là Như Lai
Như trụ nơi cõi thật
Đồng tử! Ta cũng vậy.
Đồng tử Thiện Tư Duy dùng kệ bạch Phật:
Chẳng phải cõi là cõi
Cõi ấy có tướng gì?
Vì dùng phương tiện gì
Mà gọi là cõi thật?
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:
Không chấp cõi, phi cõi
Nên gọi là cõi thật
Hư không là tướng cõi
Không ấy, chẳng tướng không.
Đồng tử Thiện Tư Duy nói kệ:
Xứ diệu là xứ thật
Không nơi nào hơn nữa
Mong tất cả chúng sinh
An trụ như Đạo Sư.
Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tư Duy bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn hãy thương con mà nhận đóa sen này.
Đức Thế Tôn liền nhận hoa sen của đồng tử dâng cúng. Sau khi Như Lai nhận rồi, đồng tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nhờ căn lành này mà nguyện cho con sẽ chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì chúng sinh mà phân biệt, giảng nói không có pháp phàm phu, không có pháp Thanh văn.
Khi ấy, Tuệ mạng Xá-lợi-phất cũng có mặt trong đại chúng bèn hỏi Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Đồng tử học pháp gì để giảng nói cho chúng sinh? Đồng tử Thiện Tư Duy dùng kệ đáp:
Chư Phật và Thanh văn
Tất cả đều “vô đắc”
Tôi hiểu pháp như thế
Nên nói cho chung sinh.
Cõi pháp này là không
Cũng không có ngôn thuyết
Bậc trí phải nên biết
Tánh của pháp là thế.
Đức Phật đời quá khứ
Tôn quý trong trời, người
Pháp này là vô đắc
Đạo Sư nhập Niết-bàn.
Cõi ấy không pháp giới
Cũng không cõi chúng sinh
Đấy là cõi vô thường
Chẳng cảnh giới thế gian.
Pháp giới chỉ là danh
Gọi tên để phân biệt
Phân biệt, không phân biệt
Biết rõ đều là không.
Lúc này, Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử dùng kệ hỏi Đồng tử Thiện Tư Duy:
Làm sao đối pháp này
Mà đồng tử tu tập
Sâu xa khó biết được
Người trí vẫn còn nhầm?
Đồng tử sinh chưa lâu
Mà trí tuệ thông suốt
Bàn luận với Thanh văn
Trí tuệ không chướng ngại.
Nơi nơi đều trong sáng
Như luyện thành vàng ròng
Như vua giữa mọi người
Như trăng nơi hư không.
Đồng tử Thiện Tư Duy dùng kệ đáp Tuệ mạng Phú-lâu-na:
Ông nay rõ mình hỏi
Xứ ấy không có sinh
Các pháp chưa từng sinh
Ai là người thọ sinh?
Không một pháp sinh ra
Tự tánh không nắm bắt
Đây là tánh các pháp
Cầu đạt không thể được.
Pháp cùng với pháp tánh
Hai đều không thủ đắc
Cả hai chưa từng có
Mà Phật thuyết pháp diệu.
Đây là lần thứ nhất
Thuyết nơi vườn Lộc uyển
Xoay vần giữa hư không
Để giác ngộ Thanh văn.
Tiếng pháp vang khắp chốn
Cứu độ cả muôn loài
Nhờ đạt trí phương tiện
Mà diễn thuyết như thật.
Sinh, lão cùng với tử
Là cảnh giới phàm phu
Này ông Phú-lâu-na
Điên đảo chưa trừ hết.
Sinh, lão cùng với tử
Lời nói thế gian này
Trong pháp dứt ngôn thuyết
Đó là lời mật ngữ.
Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Đồng tử Thiện Tư Duy ở trong pháp thâm diệu ấy đã có được trí tuệ thông tỏ.
Phật bao Phú-lâu-na:
–Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông nói.
Phật nói với Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Vì ý nghĩa gì mà con cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Đồng tử Thiện Tư Duy nói kệ:
Vô thượng nơi trời, người
Biết rồi mà vẫn hỏi
Như Đức Phật đã dạy
Ai sẽ có mong cầu?
Con nay không mong cầu
Chỉ cầu pháp vô ngại
Pháp sâu xa vô thượng
Thanh tịnh lìa các lậu.
Chúng sinh không nắm bắt
Phi chúng sinh cũng thế
Ở đây không chìm mất
Nên trụ nơi thế gian.
Người biết được như vậy
Pháp sâu xa vô thượng
Đồng nhất và dị biệt
Như trên nêu cõi thật.
Giác ngộ cho chúng sinh
Chúng sinh không thủ đắc
Do chẳng có chúng sinh
Nên không người giác ngộ.
Trí tuệ và chúng sinh
Tự tánh không nắm bắt
Người biết được như vậy
Thì gọi là bậc Trí.
Thế Tôn, con cũng vậy
Tự nhiên được giác ngộ
Vì tất ca chúng sinh
Mà thuyết pháp vô thượng.
Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thật hết sức hy hữu! Đồng tử Thiện Tư Duy nhờ biện tài sâu xa này mà ở trong pháp vô chứng, vô đắc đã có thể giải thích giảng nói. Tất cả hàng Trời, Người, A-tu-la nơi thế gian ở trong pháp này đều sinh kinh sợ. Bạch Thế Tôn! Ai là người đối với pháp này mà chẳng tu học? Đây là pháp thâm diệu nên cần phải tu học trước tiên.
Tôn giả Tuệ mạng A-nan nói kệ:
Đồng tử Thiện Tư Duy
Ở trong đại chúng này
Như núi báu Tu-di
Người thấy đều ưa thích.
Ví như núi Tu-di
Sừng sững giữa biển lớn
Khéo thuyết pháp như vậy
Chỗ ưa thích của đời.
Chẳng phải danh, không danh
Lơi đồng tử đã nêu
Giảng nói pháp cõi thật
Không phải cõi thế gian.
Khi nêu bày như thế
Không sinh tâm kinh sợ
Đồng tử vì ta nói
Làm sao biết như thế?
Đồng tử Thiện Tư Duy liền nói kệ:
Con không tiếc thân mạng
Để cầu pháp giải thoát
Cầu Bồ-đề như vậy
Bậc Đa văn nên biết.
Do dục tạo loạn động
Thế gian chịu các khổ
Con đã không tham vướng
Gặp Đạo Sư của đời.
Cảnh giới chư Phật ấy
Cứu giúp người thế gian
Nay ở trước Đức Phật
Thân không có lầm lỗi.
Hư không và thân con
Hai đều không nắm bắt
Nếu không pháp nắm bắt
Đối với pháp sợ gì?
Hư không và Đức Phật
Cả hai không thủ đắc
Người nhẫn được như vậy
Đối pháp không lo sợ.
Hư không cùng đại địa
Tự tánh không nắm bắt
Tự tánh của Thiện Tư
Với pháp không lo sợ.
Thiện Tư, hư không, địa
Xưa không, nay cũng không
Không tự tánh, không sinh
Người sợ: Không tự tánh.
Hư không chẳng cao, thấp
Rốt ráo không nắm bắt
Người biết pháp như vậy
Với pháp không còn sợ.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Con không sợ gì chăng?
–Bạch Thế Tôn! Con không còn sợ gì cả.
–Con không kinh sợ thật sao?
–Bạch Thế Tôn! Con không hề kinh sợ.
Phật bảo đồng tử:
–Lành thay! Lành thay! Con có thể ở trong pháp thâm diệu này mà không hề sợ hãi.
Đức Phật nói kệ:
Đối “Thể” sinh lo sợ
“Thể” này không thủ đắc
Thường nhẫn được như vậy
Người ấy cầu Bồ-đề.
Nói về tưởng chúng sinh
Chúng sinh không thủ đắc
Nếu biết được như vậy
An trụ ở thừa này.
Nếu không chứng Bồ-đề
Không chứng phi Bồ-đề
Càng không có chỗ chứng
Người ấy không lo sợ.
Nếu người rõ như vậy
Chẳng vướng trong có, không
Con nên biết như thế
Đạo này là Bồ-đề.
Này Thiện Tư Duy! Bồ-tát muốn mau chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn nhận biết rõ các tưởng về thường, tưởng về lạc, tưởng về tịnh, tưởng về chúng sinh, tưởng về người thì phải tu tập đạo này mới có thể hướng đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác. Khi Như Lai hành đạo Bồ-tát cũng thường tu học hạnh như vậy. Sau khi Như Lai chứng đạo Vô thượng này rồi thì không thủ đắc một pháp nào gọi là chứng Bồ-đề. Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ta nói về tưởng thường
Thể thường không thủ đắc
Thường, vô thường đều không
Cầu chúng chẳng thể được.
Tưởng lạc về chúng sinh
Không biết nơi tưởng lạc
Đấy là tưởng điên đảo
Phân biệt sinh nơi người.
Nên chúng sinh có tưởng
Thọ mạng cùng với người
Nếu có kẻ biết pháp
Kia, đây không thủ đắc.
Phi đạo chứng Bồ-đề
Phi đạo cũng chẳng đạt
Đây là tánh các pháp
Cầu pháp không chấp giữ.
Tánh cùng với sự thật
Bậc trí không phân biệt
Con nên biết như vậy
Đạo này là Bồ-đề.
Không hành thừa diệu này
Phật thừa là vô thượng
Ở đây sinh phân biệt
Là người không biết pháp.
Không hành thừa diệu này
Phật thừa là vô thượng
Người không tu hạnh ấy
Định sâu xa khó chứng.
Các pháp không sự thật
Sự thật không thủ đắc
Nếu không có sự thật
Làm sao chứng được lạc.
Hoặc vui, hoặc là khổ
Như dấu trong hư không
Bậc trí biết như thế
Tâm họ được giải thoát.
Ta giảng thuyết có ngã
Pháp ấy không sự thật
Do vì không có ngã
Nên không có người biết.
Không có người biết được
Cảnh giới trí tuệ này
Đây do thuyết tưởng mạng
Rốt ráo không thủ đắc.
Hoặc ngã hoặc là mạng
Tự tánh không sự thật
Bậc Đại trí biết rõ
Trí kém bị mê lầm.
Tánh cùng với sự thật
Cảnh giới của phàm phu
Không biết trong thừa này
Phật thừa không nghĩ bàn.
Tu-đa-la sâu xa
Không nghe, không thọ trì
Ở trong pháp môn ấy
Không pháp để giảng thuyết.
Ta không chứng pháp nào
Cũng không pháp dể thuyết
Khi ta ngồi đạo tràng
Không chứng đắc trí tuệ.
Không trí cũng như vậy
Bồ-đề không thủ đắc
Bồ-đề và đạo tràng
Khi nói không chấp giữ.
Phàm phu khởi phân biệt
Tán thán Phật thuyết pháp
Đây là lời bí mật
Phật thuyết giảng sâu xa.
Nếu không nghe pháp này
Bậc tối thắng đã nói
Chỗ thâm diệu và Phật
Cho là cảnh giới ma.
Người ấy không biết nghĩa
Chấp giữ nơi các pháp
Tất cả chúng Bồ-tát
Đã hiểu rõ pháp này.
Chư Phật và Bồ-đề
Cả hai không thủ đắc
Nói vọng ngữ như vậy
Cho rằng Phật thuyết pháp. N
hư đây làm sao có
Chỗ nương tựa, mong cầu?
Nếu người có trí tuệ
Phân biệt pháp thâm diệu.
Nhờ tin mà tán thán
Chư Phật khó nghĩ bàn
Do đó, Thiện Tư Duy
Nên tu học chánh pháp.
Nghĩa pháp ấy sâu xa
Trí rộng lớn biết được
Như vậy mọi ngôn thuyết
Cũng không thể nắm bắt.
Chúng sinh bị điên đảo
Đây chẳng phải cõi mình
Không chỉ có Tam-muội
Có thể biết nghĩa này.
Tam-muội, phi Tam-muội
Ở trong không, cũng không
Chẳng phải cảnh giới trí
Chẳng phải không cõi trí.
Nên biết rõ cõi ấy
Chẳng phải cảnh trí tuệ
Xưa ta nghe pháp này
Thực hành chỗ thâm diệu.
Chúng sinh thích khác nhau
Người tín thọ rất ít
Nếu không tin kinh này
Pháp tối thắng đã thuyết.
Gieo căn lành: Nhiều Phật
Người ấy có thể tin.
Đức Phật bảo Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Này đồng tử! Bồ-tát tự trang nghiêm như thế, cho nên ở trong chốn lo sợ của thế gian mà không sinh lo sợ. Do đấy, phải nên trang nghiêm như vậy.
Đồng tử thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nay con xin tin hiểu, thọ trì, phụng hành. Người ngu si thì không thể tin được.
Đức Phật bảo Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Ta sẽ giảng nói cho con về hạnh sâu xa của Đại Bồ-tát. Tất cả pháp không chống trái, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp đoạn, tất cả pháp không đoạn, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có, tất cả pháp không, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp phân biệt, tất cả pháp không phân biệt, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp hữu vi, tất cả pháp vô vi, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có cảnh giới, tất cả pháp không có cảnh giới, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp hoan hỷ, tất cả pháp không hoan hỷ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp sai biệt, tất cả pháp không sai biệt, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có cầu đạt, tất cả pháp không cầu đạt, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp trong lành, tất cả pháp không trong lành, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp sáng tỏ, tất cả pháp không sáng tỏ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp có tên gọi, tất cả pháp không có tên gọi, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp sinh, tất cả pháp không sinh, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp đáng sợ, tất cả pháp không đáng sợ, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp diệt, tất cả pháp không diệt, nghe rồi không sơ hãi. Tất cả pháp là đạo, tất cả pháp chẳng phải là đạo, nghe rồi không sợ hãi. Tất cả pháp là Niết-bàn, tất cả pháp chẳng phải là Niết-bàn, nghe rồi không sợ hãi. Khi giảng nói phàp này thì chúng hội đều không sinh sợ hãi.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Ở trong tất cả pháp
Tự tánh không nắm bắt
Do không có tự tánh
Nên quán chỗ cùng diệt.
Tất cả pháp không diệt
Trong ấy cũng không tâm
Tất cả pháp chẳng có
Tự tánh không nắm bắt.
Các pháp không chống trái
Tâm ấy không thủ đắc
Nếu pháp không thủ đắc
Cũng không có chống trái.
Tất cả pháp chẳng có
Tánh ấy không có thật
Nếu tánh không thật có
Pháp ấy cũng không diệt.
Tất cả các pháp đoạn
Người trí biết không hai
Cho rằng là pháp đoạn
Chẳng hiển bày đoạn diệt.
Tất cả pháp không đoạn
Vi trần không nắm bắt
Vi trần, nhiều vi trần
Trong pháp không thủ đắc.
Tất cả pháp chẳng có
Nơi lời nói mà hiện
Như kia không nắm bắt
Thật có mà chẳng có.
Tất cả pháp chẳng có
Phương tiện có hiện bày
Nếu nói không có thật
Đấy đều là hý luận.
Tất cả pháp hòa hợp
Không chống, nên thuyết nêu
Tự tánh của tranh, cầu
Hoàn toàn không có thật.
Các pháp không hòa hợp
Không sinh cũng không diệt
Như vậy không thủ đắc
Xa lìa nơi các pháp.
Các pháp không chứng đắc
Cầu khởi đầu không đạt
Do không có khởi đầu
Nên gọi là cõi thật.
Tất cả pháp hoan hỷ
Hoan hỷ không thủ đắc
Nếu pháp không thủ đắc
Cũng không có ngôn thuyết.
Các pháp không hoan hỷ
Vì pháp không có hai
Trong tự tánh không thật
Đây là tướng sâu xa.
Các pháp đều không động
Vô ngã trong tự tánh
Do tự tánh chẳng có
Cầu động không thể được.
Không động là Niết-bàn
Cầu pháp không chấp giữ
Vì không có các pháp
Nên gọi là Niết-bàn.
Tất cả pháp vô thường
Nên nói nghĩa đệ nhất
Lời của chúng sinh này
Gọi đó là phân biệt.
Các pháp không phân biệt
Vô thường và vô trụ
Chúng sinh không thủ đắc
Đây là pháp trong pháp.
Tất cả pháp như huyễn
Huyễn ấy không nắm bắt
Do pháp không thủ đắc
Dựa nơi hành mà nói.
Tất cả pháp vô vi
Đây chính là tự thể
Do pháp không thủ đắc
Nên gọi là vô biên.
Những cảnh giới đã nói
Tự thể không cảnh giới
Phàm phu chấp hư vọng
Nên nói có cảnh giới.
Tự tại nói cảnh giới
Cũng nói không cảnh giới
Do nói cảnh giới này
Nên biết không cảnh giới.
Tất cả pháp là thật
Số đó không thủ đắc
Nếu thân không nắm bắt
Cho nên không có khác.
Do pháp không thủ đắc
Nên biết có chỗ chứng
Do có chỗ chứng đắc
Nên biết không thủ đắc.
Trong đó không trong lành
Cũng chẳng không trong lành
Không pháp, không trong lành
Đây là các pháp thật.
Các pháp không thủ đắc
Không nắm bắt, nêu bày
Do các pháp chẳng có
Nên biết các pháp có.
Các pháp chỉ có tên
Tên cũng không thủ đắc
Nếu pháp không chấp giữ
Nên biết có Niết-bàn.
Thọ cùng với chẳng thọ
Ở trong thọ thuyết giảng
Trong ấy không có nêu
Do nêu bày là danh.
Chẳng có, gọi là có
Ở trong có giảng nói
Do dấy khởi phân biệt
Thường rơi vào có, không.
Phàm phu thấy người huyễn
Chấp đó cho là thật
Pháp có, không bình đẳng
Người trí nghe không lầm.
Pháp sinh và không sinh
Cả hai không chấp giữ
Do phàm phu yếu kém
Nên nói có pháp sinh.
Nếu các pháp có sinh
Thì các pháp có diệt
Pháp sinh và pháp diệt
Cả hai không thủ đắc.
Tất cả pháp đều không
Không pháp để chứng đắc
Con nên biết như thế
Ta đã nói pháp sâu.
Bồ-đề không ngôn thuyết
Cũng không có người tạo
Nếu khi chứng Bồ-đề
Hiểu rõ cả ba cõi.
Nếu phân biệt Bồ-đề
Chẳng gọi cầu Bồ-đề
Tu hành về Bồ-đề
Không có tướng phân biệt.
Vạn vật đều không sinh
Cầu tự tánh cũng không
Vì tự tánh chẳng có
Đấy là tướng Niết-bàn.
Hoàn toàn không có sinh
Cầu chúng không thể được
Vì tự tánh chẳng có
Không diệt, chẳng không diệt.
Nếu biết được nghĩa này
Tự tánh của các pháp
Chúng không phải thật sinh
Thì không có chống trái.
Nghe nói pháp sâu xa
Người không sinh sợ hãi
Nên biết chúng sinh ấy
Phật nói là Bồ-tát.
Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tư Duy dùng kệ bạch Phật:
Thế Tôn – Vô Thượng Sư
Vì con hiện ra đời
Ở trong pháp này nêu
Tướng khác chỉ tên gọi.
Mâu-ni hiện nơi đời
Phật sinh không nghĩ bàn
Đoạn sạch các lưới ma
Để hiện lưới chánh pháp.
Con đoạn hết sinh tử
Không lâu đến đạo tràng
Nếu người có tưởng khác
Vì tướng mà giảng thuyết.
Thế Tôn nói, nên cầu
Thấy rồi, nhập Niết-bàn
Độ thoát cả muôn loài
Dứt hẳn mọi nghi lầm.
Đức Thế Tôn bảo Đồng tử Thiện Tư Duy:
–Hạnh không nghi lầm là hạnh Bồ-tát. Hạnh giúp đỡ là hạnh Bồ-tát. Hạnh không phân biệt, xa lìa tất cả lỗi lầm, dùng hạnh sâu xa thương yêu tất cả chúng sinh là hạnh Bồ-tát. Này Đồng tử Thiện Tư Duy! Hành theo tướng hành theo hư dối là tướng của dục. Xả bỏ hành của dục, xa lìa các sân hận, tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, vì tâm không thể nắm bắt. Hành theo hạnh đại Từ để cầu pháp. Thực hành hạnh đại bố thí để không xả bỏ chúng sinh. Thực hành hạnh không nghi ngờ để không theo kiến giải của kẻ khác. Thực hành hạnh không bị phiền não bức bách để được an lành. Thực hành hạnh tinh tấn để không còn lười biếng. Thực hành hạnh Tam-muội để tâm được rộng mở. Thực hành hạnh trí tuệ để biết tất cả tướng của pháp. Thực hành hạnh vô úy để không còn khiếp nhược. Thực hành hạnh không chướng ngại để thành tựu hạnh thù thắng là ảnh tượng của Như Lai. Quán xét thế giới chung sinh khắp mười phương để đạt được hạnh không vướng mắc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Nói các hạnh Bồ-tát
Xa lìa những nghi lầm
Hạnh cùng với ngu si
Cả hai không thủ đắc.
Phi hạnh dùng làm hạnh
Đó là hạnh Bồ-tát
Nếu người biết hạnh này
Người ấy hành vô ngại.
Nói các bậc Bồ-tát
Luôn gìn giữ các pháp
Để cầu vô sở đắc
Đấy là hành vô thượng.
Nếu nói ta tu hành
Tức trụ trong điên đảo
Do trụ trong điên đảo
Không thể được vô úy.
Đây là hành ngôn thuyết
Ngôn thuyết không nắm bắt
Nếu biết được như vậy
Là hành thừa vô thượng.
Đại thừa – thừa vô thượng
Thừa này không lo sợ
Lo sợ và không sợ
Tất cả đều hý luận.
Ta nói tất cả hành
Hết thảy hành đều không
Nếu các hành đều không
Đó là hành vô thượng.
Hành này là sâu xa
Giữ gìn tất cả pháp
Giữ gìn và thâm diệu
Đây phân biệt tất cả.
Sâu xa cùng với hành
Trong đấy cả hai không
Nếu biết ở cõi này
Không phân biệt các pháp.
Không pháp để chấp giữ
Không pháp, không thủ đắc
Đây là tánh các pháp
Không tánh để diễn thuyết.
Không bền chắc, không dục
Vì cầu nên hiện bày
Văn tự không chấp giư
Đấy là câu vô thượng.
Ta dùng phương tiện nói
Người nghe chớ sinh sợ
Vì cầu không thể được
Cũng không hủy hoại tướng.
Các hạnh chúng sinh này
Thật lý không thể chứng
Nếu biết được như vậy
Gọi là khéo tu học.
Các chúng sinh là không
Nên ta nói chúng sinh
Pháp chúng sinh như vậy
Đạo ấy là vô thượng.
Hoặc tâm, hoặc chúng sinh
Hoàn toàn không thủ đắc
Đây là nghĩa đệ nhất
Bậc Đại Từ đã thuyết.
Các vị Đại Bồ-tát
Đại thí chủ thế gian
Vì thường tu bố thí
Nên gọi là thí chủ.
Nếu pháp không thủ đắc
Nên các pháp đều không
Khi ấy tu bố thí
Là Bồ-tát không trí.
Nếu pháp không thủ đắc
Ở trong pháp cao thấp
Do chẳng còn kinh sợ
Nên gọi Chân thí chủ
Nếu pháp không thủ đắc
Thì pháp không nghĩ bàn
Đây gọi Chân trì giới
Các pháp không chỗ nương.
Cõi Phật không nghĩ bàn
Vì các Bồ-tát nói
Kẻ ngu không hiểu biết
Giới cấm không thanh tịnh.
Nhẫn nhục với chúng sinh
Chúng sinh không chấp giữ
Đây là Nhẫn vô thượng
Nên ở trong pháp nêu.
Nếu tâm không chấp giữ
Cũng không có phân biệt
Đây là nhẫn vô thượng
Vì pháp không thủ đắc.
Nếu khi sinh mệt mỏi
Bồ-tát nên xa lìa
Là tinh tấn vô thượng
Theo tên gọi mà nêu.
Thân tâm luôn tinh tấn
Không nương vào các pháp
Đây là tinh tấn nhất
Vì các Bồ-tát nói.
Bồ-tát trong các pháp
Nếu không sinh mệt mỏi
Không dụng công, tinh tấn
Là tinh tấn vô thượng.
Nơi các pháp trong, ngoài
Tâm tánh không thủ đắc
Tâm ấy khéo điều hòa
Vì tâm không chấp giữ.
Duyên dựa cũng do tâm
Tự tánh không thật có
Không tâm Tam-ma-đề
Nên gọi là Tam-muội.
Thiện Thệ là ta nói
Tam-ma-bạt-đề này
Nếu không lìa pháp ấy
Ta nói khéo điều phục.
Không dùng trí tuệ biết
Pháp có ít tự tánh
Tự tánh cùng với pháp
Cả hai hoàn toàn không.
Không chấp tất cả pháp
Cảnh giới của tâm thức
Không dùng trí biết pháp
Tự tánh rốt ráo không.
Nếu biết được như vậy
Là niệm lực Bồ-tát
Hành trong nghĩa đệ nhất
Phi cảnh giới thế gian.
Tất cả chúng không thật
Mà vì nói chánh pháp
Ở trong đại chúng kia
Không khởi tưởng chúng sinh.
Chúng sinh ấy như huyễn
Huyễn này thảy đều không
Khi nghe nói như vậy
Không sinh tưởng chướng ngại.
Hoặc các pháp ta, người
Cả hai đều là không
Nghe nói pháp như vậy
Không sinh tưởng chướng ngại
Hai pháp trong và ngoài
Nẻo hành của bậc Trí
Tâm không có cao, thấp
Cùng tất cả thế gian.
Hết thảy pháp vô ngại
Như dấu giữa hư không
Tự tánh pháp cũng thế
Như dấu giữa hư không.
Bồ-tát biết như vậy
Gọi là khéo thông suốt
Hiểu rõ tất cả pháp
Biết nẻo hành chúng sinh.
Chúng sinh không nắm bắt
Cầu pháp cũng như thế
Trí biết rõ các cõi
Cõi ấy hoàn toàn không.
Ta nói nhập môn này
Hành nơi đạo Vô thượng
Chứng đạo như vậy rồi
Rõ các hành chúng sinh.
Cõi nước và muôn loài
Cả hai đều không thật
Trí bậc nhất như vậy
Biết tất cả các pháp.
Ở các pháp trong ngoài
Trí tuệ không chỗ chấp
Xa lìa, không chấp pháp
Đó gọi là cõi thật.
Pháp ấy không nghĩ bàn
Gọi là pháp chư Phật
Pháp kia không thật có
Không cũng hoàn toàn không.
Khi tu hành như vậy
Không chấp vào đời này
Trí ấy luôn thuận hợp
Gọi là trí chư Phật.
Các pháp không nghĩ bàn
Đối pháp, lý không thật
Vì pháp này không có
Pháp Phật gọi giác ngộ.
Chư Phật và pháp Phật
Tất cả đều không chấp
Không chấp ở Bồ-đề
Gọi là trí chư Phật.
Thừa này là Đại thừa
Thâu tóm mọi pháp môn
Độ thoát các thế gian
Thế gian không thủ đắc.
Tất cả các thế giới
Hiện có các chúng sinh
Bồ-tát vì cầu pháp
Đều gần gũi cung kính
Quán sâu các pháp ấy
Pháp Phật không nghĩ bàn
Vì không chấp các pháp
Người này chứng Bồ-đề.
Bồ-đề cùng với pháp
Tất cả đều không tướng
Người quán xét như vậy
Có thể chứng pháp Phật.
Khi quán xét như thế
Không chấp vào thế gian
Nhờ tâm không chấp giữ
Nên chứng đắc Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Tư Duy! Các Đại Bồ-tát, người chưa đầy đủ sự trang nghiêm, nay ta sẽ giảng nói. Nếu người nào được nghe pháp môn như vậy mà không sợ hãi, nên biết người ấy đã gần với đạo tràng, gần với cảnh giới của Phật, trụ vào đạo giải thoát không chướng ngại. Quán xét khắp mười phương mà tâm không chỗ chấp giữ, chính là chư Phật dùng tâm đại Từ, đại Bi và pháp Bất cộng để thể hiện, không nương vào sự che chở của tướng quán đảnh. Người nghe nói pháp môn thâm diệu như thế mà sinh tâm tin tưởng vui thích thì Như Lai thảy đều thấy, biết. Ở trong kinh này, người nào không tin hieu, Như Lai cũng đều biết rõ. Nếu người tin nhận kinh này thì người ấy là đệ tử của Phật, Như Lai là thầy của người đó. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ta đã ngồi đạo tràng
Đạo tràng hoàn toàn không
Vì không chấp Bồ-đề
Nên an trụ trong trí.
Pháp ấy không chướng ngại
Thể pháp rốt ráo không
Nếu pháp hoàn toàn không
Khi giải thoát mới biết.
Ở trong tất cả pháp
Trí tuệ nên thành Phật
Các pháp và trí tuệ
Đây là điều Phật thuyết.
Phàm phu vọng phân biệt
Lời nói chấp có, không
Chư Phật không phân biệt
Bồ-tát và bậc Trí.
Quan sát các thế gian
Thế gian hoàn toàn không
Thế gian luôn vắng lặng
Trí quán cũng như vậy.
Chúng sinh cùng với Phật
Không có tướng phân biệt
Do không có phân biệt
Gọi là từ vô thượng.
Hết các cõi chúng sinh
Chỗ Từ bi phát khởi
Bi ấy không thật sự
Bi cùng với sự thật.
Cảnh giới phàm phu này
Như thước, tấc trong không
Xưa không, nay cũng không
Thế gian cũng như vậy.
Gọi là Bi vô thượng
Đấy là pháp Vô thượng
Gọi là pháp chư Phật
Cầu chúng, không thủ đắc.
Lời nói của Thiện Thệ
Đấng Đạo Sư vô thượng
Cầu sắc không thể đạt
Như vậy pháp không sắc.
Tùy thế gian nên thuyết
Hư không không giới hạn
Nơi nơi không chấp giữ
Pháp chư Phật cũng thế.
Tùy thế gian nên thuyết
Trí tuệ vô thượng này
Trí tuệ không nắm giữ
Vì trí không thủ đắc.
Trí kia cũng không thật
Bờ này hay bờ kia
Vì hình tướng nên thuyết
Vì chấp giữ nơi tướng.
Không hành pháp thâm diệu
Nên biết trong pháp này
Tất cả đều bình đẳng
Nếu người dùng tướng nói.
Chẳng phải tri thức thiện
Chúng này hoặc chúng kia
Nếu nói có người cầu
Vì chấp tướng mà nêu.
Kia chẳng tri thức thiện
Hoặc cho pháp là có
Trư bỏ đạt pháp không
Đồng tử! Pháp của ta.
Không được nói như vậy
Vì ta đã biết khổ
Trong tánh không khổ não
Nếu người nói như thế.
Không ở lâu pháp này
Các pháp vốn không tập
Gọi chúng là có tập
Nếu nói đoạn về tập.
Thì xa lìa pháp này
Nếu ở pháp định ấy
Vốn không, mà phân biệt
Ở trong pháp vốn không.
Xưa nay không có diệt
Nếu vì phân biệt nói
Vốn không, nay sao diệt?
Đồng tử! Con nên biết.
Thấy ấy chẳng chánh kiến
Người tu tập về đạo
Vì cầu nên diễn nói
Phó chúc cho người cầu.
Tu học ở trong đạo
Ta nói các Bồ-tát
Bậc đại trí tiếng tăm
Ở vào đời vị lai.
Hiểu được nghĩa sâu ấy
Nếu người trì kinh này
Bậc tối thắng đã thuyết
Gieo trồng nhiều căn lành.
Vì tất cả chúng sinh
Giảng thuyết Tu-đa-la
Bậc trí đã thọ trì
Người này đời vị lai.
Hộ trì chánh pháp Ta
Nói người ở pháp ấy
Trụ như không phân biệt
Như đấy là Bồ-đề
Bồ-đề không thủ đắc.
Khi Đức Phật thuyết giảng pháp này, Đồng tử Thiện Tư Duy chứng được pháp Nhẫn vô sinh, vô cùng vui mừng, cho là đạt được điều chưa từng có. Lúc chư Phật thường vì Bồ-tát mà thọ ký là hiện bày việc hy hữu. Bấy giờ, từ trong miệng Đức Thế Tôn phóng ra các hào quang gồm những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tím, pha lê, tỏa chiếu khắp tất cả vô lượng the giới, trên lên đến cõi Phạm thế. Sau khi tỏa chiếu khắp các thế giới xong thì trở về chỗ Phật, xoay quanh Đức Phật ba vòng rồi nhập vào Phật đảnh. Lúc ấy, đại địa chấn động đủ sáu cách. Ở giữa hư không có các Thiên chúng mưa xuống nhiều hoa trời, trầm thủy, hương bột, trổi lên các thứ âm nhạc trời với âm thanh vi diệu, tam thiên thế giới đều thanh tịnh, trang nghiêm giống như cõi Uất-đan-việt.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cung kính chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Như Lai thị hiện việc hy hữu này? Nếu không có duyên cớ thì Như Lai không thị hiện tướng lành ấy.
Tôn giả A-nan nói kệ:
Đạo sư vô thượng trong loài người
Không duyên, không hiện điều diệu kỳ
Nguyện xin Thế Tôn vì chúng nói
Tướng tốt này là nhân duyên gì?
Chư Thiên cùng ở giữa hư không
Cúng dường Bậc Tối Thắng vô thượng
Vô cùng vui mừng mà tán thán
Khéo thuyết pháp môn thắng vi diệu.
Như Uất-đan-việt ở phương Bắc
Đủ loại hoa đẹp để trang nghiêm
Các hào quang ấy cũng như vậy
Chiếu khắp cõi này đều nghiêm tịnh.
Các pháp của Phật cũng như thế
Vì chư Bồ-tát mà thọ ký
Phóng hào quang lớn, sáng đẹp này
Chiếu khắp mười phương nhập vào đảnh.
Bậc Mâu-ni Vô Thượng Tinh Tấn
Hiện hào quang này – việc hy hữu
Như Lai do đâu phóng hào quang?
Xin nguyện Đại Bi vì con nói.
Đức Phật liền vì Tôn giả A-nan nói kệ:
Đồng tử Thiện Tư Duy
Ở chỗ Đức Như Lai
Khắp trồng các căn lành
Sẽ làm Bậc Chánh Giác.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Đồng tử Thiện Tư Duy này, vào đời vị lai sẽ được cúng dường vô số ức Phật, ở chỗ các Đức Phật luôn tin tưởng, cung kính, dùng đủ các thứ thực phẩm, y phục, đồ nằm, thuốc thang để cúng dường Đức Phật kia. Sau khi các Đức Phật đó nhập Niết-bàn thì đều thâu lấy xálợi, xây dựng tháp báu lớn cao trăm ngàn do-tuần, lấy tất cả vật báu để trang hoàng, dùng những hoa thơm, lọng báu, phướn báu, chiênđàn, trầm thủy, đủ loại vị hương, nhạc hay để ca tung, cúng dường tán thán chư Như Lai kia… và sẽ được thành Phật hiệu là Tịnh Nguyệt, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói kệ:
Các cõi nước mười phương
Châu báu đầy trong đó
Dùng những châu báu ấy
Cúng dường chư Như Lai.
Thế gian Vô Thượng Sư
Lời nói của Thế Tôn
Người nghe và thọ trì
Được công đức nhiều hơn.
Tôn giả Tuệ mạng Xá-lợi-phất dùng kệ bạch Phật:
Pháp thâm diệu, thù thắng
Bậc Tối Thắng đã thuyết
Kinh này gọi là gì?
Chúng con kính thọ trì.
Ở trong pháp môn ấy
Không nói một pháp không
Có cũng không thủ đắc
Pháp thù thắng đã thuyết.
Tất cả pháp hữu lậu
Cùng với pháp vô lậu
Ở đây không thủ đắc
Kinh vi diệu đã thuyết.
Tất cả pháp hữu vi
Cùng với pháp vô vi
Cả hai không thủ đắc
Trong kinh này đã nêu.
Thế Tôn – Vô Thượng Sư
Nêu về tất cả hành
Tất cả không thủ đắc
Trong kinh này đã nêu.
Pháp Đức Phật đã thuyết
Ở đây cũng không thuyết
Chỗ thuyết rất vi diệu
Cầu ngã không thể được.
Các cõi nước mười phương
Pháp Thế Tôn đã nói
Thế gian không tự thể tánh
Trong kinh này đã nêu.
Đạo Sư – Đấng Vô Thượng
Nguyện xin vì con nói
Kinh này gọi là gì?
Chúng con sẽ thọ trì.
Nghe lời như vậy rồi
Phật bảo Tuệ mạng Xá-lợi-phất:
Kinh này tên Đảnh Vương
Đảnh ấy hoàn toàn không
Đại trí! Ông phải biết
Nên thọ trì như vậy.
Nếu có thể thọ trì
Pháp tối thắng đã giảng
Người ấy có thể biết
Chư Thiên và người đời.
Khi Phật thuyết pháp này
Trăm vạn người trong chúng
Các căn lành tăng trưởng
Đều phát tâm Bồ-đề.
Nhờ được nghe kinh ấy
Pháp thâm diệu, vô thượng
Chúng này ắt sẽ chứng
Vô thượng giữa thế gian.
Ở trong pháp sâu xa
Đều hiểu rõ tất cả
Chúng sinh chắc sẽ được
Thọ trì câu, chương này.
Nếu có thể thọ trì
Kinh Đảnh Vương đã thuyết
Ở trong tất cả pháp
Không sinh tâm mong cầu.
Trong ấy không một nhẫn
Cũng không nhẫn thứ hai
Nếu pháp không thủ đắc
Cũng không pháp để nêu.
Nếu có thể thọ trì
Tu-đa-la Đảnh Vương
Nhờ quan sát pháp này
Có thể sinh biện tài.
Nếu người tín nữ trí
Có thể trì kinh ấy
Chuyển đổi được thân nữ
Thành tựu pháp trượng phu.
Dùng một biết tất cả
Nhờ biết tất cả ấy
Các pháp Đà-la-ni
Trong kinh này đã nêu.
Giảng thuyết hết thảy pháp
Dung nạp được tất cả
Như vậy nói phần này
Ánh sáng pháp chiếu khắp.
Mỗi mỗi các thế gian
Đủ loại tên nên biết
Giảng nói ở khắp nơi
Pháp ấy không nắm bắt.
Pháp không theo duyên dựa
Cầu chúng không thể được
Tất cả pháp như vậy
Tổng trì đạt an lạc.
Nếu pháp không thủ đắc
Trong pháp chẳng có, không
Đấy là tánh các pháp
Gọi đó là Tổng trì.
Nếu có thể thọ trì
Kinh Đảnh Vương đã thuyết
Hào quang người trì pháp
Chiếu soi khắp mọi nơi.
Tất cả pháp thâm diệu
Pháp ấy không nắm bắt
Nếu pháp không thủ đắc
Cũng không ở có, không.
Nếu người đủ trí tuệ
Biện tài không chướng ngại
Mới biết được nghĩa này
Hoàn toàn không có thật.
Như rồng A-nậu-đạt
Giữa không, phun mưa lớn
Nước chẳng từ bên ngoài
Sức không thể nghĩ bàn.
Nếu muốn biết các pháp
Phân biệt không chướng ngại
Học Tu-đa-la này
Không nương tựa các pháp.
Ở trong pháp môn ấy
Pháp không từ đâu đến
Tất cả pháp không sinh
Trong kinh nay đã nói.
Ví như ánh mặt trời
Tỏa chiếu khắp mọi nơi
Kinh này cũng như vậy
Chiếu khắp tất cả pháp.
Nếu Tỳ-kheo biện tài
Nên thọ trì kinh này
Học Tu-đa-la ấy
Kinh Đảnh Vương vi diệu.
Có thể mau chứng đắc
Biện tài không nghĩ bàn
Tu học kinh này rồi
Làm lợi ích cho đời.
Có người đối kinh này
Có thể tin, tùy hỷ
Pháp Tổng trì khó được
Vì không biết nghĩa lý.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Nếu không tu pháp này
Hành nghiệp hư dối khác
Rời rất xa pháp ta.
Ở trong đệ tử ta
Nếu người tu kinh này
Chính là mắt của đời
Không có ai sánh bằng.
Như vua trời Đao-lợi
Hay che chở thế gian
Kinh này cũng như vậy
Làm nhà cửa của đời.
Như ở đỉnh Tu-di
Thấy rõ khắp các cõi
Như thế trụ kinh này
Quán xét tất cả pháp.
Như đêm sao Hỏa hiện
Tất cả đều thấy rõ
Hào quang người trì kinh
Tối thắng trong các pháp.
Ví như ánh mặt trời
Tỏa chiếu khắp nơi chốn
Kinh này cũng như vậy
Diệt trừ hết thảy tối.
Như trăng giữa hư không
Chiếu sáng mà không trụ
Kinh này cũng như vậy
Chiếu khắp mười phương cõi.
Ấn này là ấn pháp
Tất cả ấn đã ấn
Ấn này ở thế gian
Là các bậc Bồ-tát.
Như ấn trong hư không
Xưa không, nay cũng không
Hư không cùng với ấn
Cả hai là phân biệt.
Như vậy pháp chư Phật
Trong kinh này đã nêu
Chư Phật không thể thuyết
Pháp cũng lại như vậy.
Như vua sắp mạng chung
Truyền ngôi cho thái tử
Ra lệnh các quần thần
Phò tá cho thái tử.
Như vậy, Thánh pháp tài
Bậc Thánh đã giữ gìn
Truyền trao cho A-nan
Vì các Bồ-tát nói.
Người hộ trì kinh này
Là các bậc Bồ-tát
Người thành tựu căn lành
Luôn gan bó kinh ấy.
Nếu có thể thọ trì
Và diễn nói giảng rộng
Người ấy ắt thành Phật
Chắc chắn không có nghi.
Nếu người cầu biện tài
Với pháp không nương tựa
Nên thọ trì, giảng nói
Pháp môn Đảnh Vương thắng.
Nói về pháp thế gian
Tức gọi là Bồ-đề
Như vậy không sai biệt
Thông đạt về kinh này.
Đối với các thế gian
Người ấy không nghi hoặc
Thọ trì được kinh này
Cũng vì người khác nói.
Nghe kinh như vậy xong
Hiểu biết pháp chư Phật
Dùng pháp thâm diệu ấy
Làm lợi ích chúng sinh.
Khi Phật thuyết kinh này
Chư Phật đều tán thán
Lành thay! Đấng Vô Thượng
Lời nói rất vi diệu.
Dựng cờ pháp lớn ấy
Cờ pháp không nghĩ bàn
Nên dùng bốn câu kệ
Vì chúng sinh giảng rõ.
Kinh không nghĩ bàn này
Nếu vì người khác thuyết
Nên quán pháp vô lượng
Pháp quán không nghĩ bàn.
Chư Phật – Bậc Vô Thượng
Đoạn sạch tất cả pháp
Đều cùng thuyết kinh này
Pháp môn không nghĩ bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ này xong, bảo Tôn giả A-nan:
–Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nghe pháp này rồi, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói rõ thì sẽ được công đức rất nhiều, vô lượng, không thể cùng tận. Ví như hư không không có giới hạn. Như vậy, này A-nan! Nếu người đối với pháp môn sâu xa này mà thọ trì, đọc tụng dù chỉ một bài kệ bốn câu lại vì người khác giảng rõ thì công đức của người ấy cũng lại như vậy không thể nêu bày hết.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:
Pháp thâm diệu vô biên
Kinh này nói nghĩa lớn
Người thọ trì, thuyết giảng
Nên khéo giữ gìn kinh.
Nếu vì phân biệt nói
Hư không hãy còn tận
Công đức của kinh này
Không thể nói hết được.
Nếu thọ trì kinh ấy
Tức là đã cúng dường
Tất cả chư Như Lai
Trong mười phương thế giới.
Khắp cõi nước mười phương
Hiện có Đại Mâu-ni
Người thọ trì kinh này
Tức lễ bái cúng dường.
Bậc đầy đủ mười hiệu
Trong cõi nước mười phương
Nếu người nghe kinh ấy
Tức là đã cúng dường.
Chư Thế Tôn quá khứ
Và chư Phật vị lai
Bậc Chánh Giác hiện tại
Trong thế giới mười phương.
Nếu có người thọ trì
Kinh Như Lai đã thuyết
Đều là đã cung dường
Đấng Mâu-ni Sư Tử.
Dùng của báu cúng dường
Đấy là trí thế gian
Người thọ trì kinh này
Là trí tuệ vô thượng.
Nếu người dùng châu báu
Đầy khắp mười phương cõi
Đem dâng cúng chư Phật
Phước đức ấy rất nhiều.
Nếu đối với kinh này
Khéo học, vì người nói
Cúng dường của người này
Phật nói là bậc nhất.
Trong pháp ta đã nêu
Cầu Phật không chấp giữ
Ở đấy không sợ hãi
Tức là cúng dường Phật.
Cúng dường bậc nhất ấy
Thế gian không sánh kịp
Nếu người không hủy báng
Cũng gọi là cúng dường.
Chư Phật cùng với pháp
Mong cầu không thể được
Cúng dường bậc nhất này
Bậc Toi Thắng đã thuyết.
Chánh Biến Tri Nhiên Đăng
Dùng pháp này cúng dường
Đây cúng dường bậc nhất
Vì các Bồ-tát nói.
Ta đối với Phật kia
Nhờ sự cúng dường ấy
Sau đó được thọ ký
Đời vị lai thành Phật.
Nếu muốn cầu Phật đạo
Đứng đầu nơi chúng sinh
Tịnh tu hành đạo này
Mà cúng dường Đạo Sư.
Cúng dường như vậy rồi
Không lâu chứng Bồ-đề
Nên hành cúng dường ấy
Thông đạt tất cả pháp.
Cúng dường bậc nhất ấy
Tất cả pháp chư Phật
Chư Thế Tôn, Đạo Sư
Tất cả đều chứng đắc.
Được vào cảnh giới Phật
Trí Phật không nghĩ bàn
Ta gầm tiếng sư tử
Nhận thế gian cúng dường.
Gầm tiếng sư tử rồi
Tất cả pháp không sợ
Độ vô lượng chúng sinh
Vào Niết-bàn vô lậu.
Đức Phật giảng nói kinh này xong, Đồng tử Thiện Tư Duy và các Tỳ-kheo, tất cả hàng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… ở thế gian nghe lời Phật thuyết giảng đều vô cùng vui mưng, tin nhận phụng hành.