KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Hán dịch: Vu-điền Tam Tạng Sa-môn Thật-xoa-nan-đà đời Đường
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận
QUYỂN THƯỢNG
1/. Phẩm Thần Thông Tại Cung Trời Đao-lợi
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết Pháp cho mẫu thân.
Lúc bấy giờ, bất khả thuyết bất khả thuyết, tất cả chư Phật cùng đại Bồ-Tát Ma-ha-tát từ vô lượng thế giới ở mười phương đều đến hội họp và tán thán Đức Phật Thích-ca-mâu-ni có thể ở trong đời ác năm trược, hiện sức đại trí tuệ thần thông chẳng thể nghĩ bàn để điều phục chúng sanh cang cường, khiến cho họ biết pháp nào khổ, pháp nào vui. Rồi mỗi vị đều sai thị giả đến vấn an Thế Tôn.
Khi ấy Đức Như Lai mỉm cười và phóng ra trăm ngàn vạn ức vầng mây hào quang lớn. Như là:
– vầng mây hào quang đại viên mãn,
– vầng mây hào quang đại từ bi,
– vầng mây hào quang đại trí tuệ,
– vầng mây hào quang đại Bát-nhã,
– vầng mây hào quang đại tam-muội,
– vầng mây hào quang đại cát tường,
– vầng mây hào quang đại phước đức,
– vầng mây hào quang đại công đức,
– vầng mây hào quang đại quy y,
– vầng mây hào quang đại tán thán.
Sau khi phóng ra bất khả thuyết vầng mây hào quang như thế, Ngài lại phát ra đủ loại âm thanh vi diệu. Như là:
– tiếng Bố Thí Ba-la-mật,
– tiếng Trì Giới Ba-la-mật,
– tiếng Nhẫn Nhục Ba-la-mật,
– tiếng Tinh Tấn Ba-la-mật,
– tiếng Thiền Định Ba-la-mật,
– tiếng Bát-nhã Ba-la-mật;
– tiếng từ bi,
– tiếng hỷ xả,
– tiếng giải thoát,
– tiếng vô lậu,
– tiếng trí tuệ,
– tiếng trí tuệ lớn,
– tiếng sư tử hống,
– tiếng sư tử hống lớn,
– tiếng mây sấm,
– tiếng mây sấm lớn.
Sau khi phát ra bất khả thuyết bất khả thuyết âm thanh như thế, có vô lượng ức thiên long quỷ thần từ Thế Giới Ta-bà và cõi nước phương khác cũng đến tụ tập tại cung trời Đao-lợi. Như là:
– trời Tứ Thiên Vương,
– trời Đao-lợi,
– trời Tu-diệm-ma,
– trời Đâu-suất-đà,
– trời Hóa Lạc,
– trời Tha Hóa Tự Tại;
– trời Phạm Chúng,
– trời Phạm Phụ,
– trời Đại Phạm;
– trời Thiểu Quang,
– trời Vô Lượng Quang,
– trời Quang Âm;
– trời Thiểu Tịnh,
– trời Vô Lượng Tịnh,
– trời Biến Tịnh;
– trời Phước Sanh,
– trời Phước Ái,
– trời Quảng Quả,
– trời Vô Tưởng,
– trời Vô Phiền,
– trời Vô Nhiệt,
– trời Thiện Kiến,
– trời Thiện Hiện,
– trời Sắc Cứu Cánh,
– trời Đại Tự Tại;
– Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ;
Tất cả thiên chúng, long chúng, và các chúng quỷ thần đều đến hội họp.
Lại có những vị thần ở cõi nước phương khác cùng Thế Giới Ta-bà. Như là:
– thần biển,
– thần sông,
– thần kênh rạch,
– thần cây,
– thần núi,
– thần đất,
– thần ao suối,
– thần lúa mạ hạt giống,
– thần ngày,
– thần đêm,
– thần hư không,
– thần trên trời,
– thần ăn uống,
– thần thảo mộc.
Các vị thần như thế đều đến hội họp.
Lại có những đại quỷ vương ở cõi nước phương khác cùng Thế Giới Ta-bà. Như là:
– Ác Mục Quỷ Vương,
– Đạm Huyết Quỷ Vương,
– Đạm Tinh Khí Quỷ Vương,
– Đạm Thai Noãn Quỷ Vương,
– Hành Bệnh Quỷ Vương,
– Nhiếp Độc Quỷ Vương,
– Từ Tâm Quỷ Vương,
– Phước Lợi Quỷ Vương,
– Đại Ái Kính Quỷ Vương.
Các quỷ vương như thế đều đến hội họp.
Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử Bồ-Tát Ma-ha-tát:
“Ông hãy quán sát hết thảy chư Phật Bồ-Tát cùng thiên long quỷ thần ở thế giới này, thế giới khác, quốc độ này, quốc độ khác, nay đã đến hội họp tại cung trời Đao-lợi như thế, ông biết số ấy là bao nhiêu chăng?”
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Dù con dùng thần lực tính đếm trong ngàn kiếp thì cũng không thể biết được.”
Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:
“Cho dù Ta dùng Phật nhãn để quán sát mà vẫn còn không tính xuể. Đây đều là do Địa Tạng Bồ-Tát từ kiếp xa xưa đến nay đã độ, đang độ, sẽ độ, đã thành tựu, đang thành tựu, hoặc sẽ thành tựu.”
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Từ thuở quá khứ xa xưa, con đã tu thiện căn và chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngại. Khi nghe Phật nói, con lập tức tín thọ. Còn hàng tiểu quả Thanh Văn, thiên long bát bộ cùng những chúng sanh ở đời vị lai, tuy nghe lời thành thật của Như Lai, nhưng chắc sẽ sanh lòng hoài nghi. Cho dù họ có lễ kính và thọ trì đi nữa, nhưng vẫn không tránh khỏi việc phỉ báng.
Duy nguyện Thế Tôn hãy rộng nói về lúc ở Nhân Địa, Địa Tạng Bồ-Tát Ma-ha-tát đã tu hạnh và lập nguyện gì mà có thể thành tựu những việc chẳng thể nghĩ bàn?”
Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:
“Ví như mỗi cỏ cây, lùm rừng, lúa gai, trúc lau, núi đá, và vi trần trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, mỗi vật làm thành một sông Hằng. Rồi mỗi hạt cát trong mỗi sông Hằng làm thành một thế giới, và mỗi vi trần trong mỗi thế giới đó làm thành một kiếp. Rồi mỗi vi trần chứa trong mỗi kiếp ấy làm hết thành một kiếp nữa. Thời gian Địa Tạng Bồ-Tát đã chứng quả Thập Địa đến nay còn gấp ngàn lần nhiều hơn số thí dụ trên. Hà huống là khi Địa Tạng Bồ-Tát còn đang ở bậc Thanh Văn và Bích-chi-phật.
Này Văn-thù-sư-lợi! Uy thần và thệ nguyện của vị Bồ-Tát đó không thể nghĩ bàn. Vào đời vị lai, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của vị Bồ-Tát này, hoặc tán thán, hay chiêm lễ, hoặc xưng danh hiệu, hay cúng dường, cho đến tô vẽ, khắc chạm, đắp sơn hình tượng, thì người ấy sẽ được sanh lên trời Tam Thập Tam 100 lần và vĩnh viễn không đọa vào ác đạo.
Này Văn-thù-sư-lợi! Vào thuở quá khứ xa xưa bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp về trước, Địa Tạng Bồ-Tát Ma-ha-tát đây là con trai của một đại trưởng giả. Lúc ấy trong đời có Đức Phật, hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Khi trưởng giả tử thấy tướng hảo ngàn phước trang nghiêm của Phật, nên mới hỏi Đức Phật kia đã tu hạnh nguyện gì mà được tướng tốt đó.
Khi ấy Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo trưởng giả tử rằng:
‘Nếu muốn chứng được thân tướng này thì phải trải qua một thời gian lâu dài để độ thoát hết thảy chúng sanh thọ khổ.’
Này Văn-thù-sư-lợi! Lúc đó, trưởng giả tử do nhân ấy mà phát nguyện rằng:
‘Từ nay cho đến tận vị lai không thể tính kể số kiếp, con sẽ vì những chúng sanh tội khổ trong lục đạo mà rộng thiết lập phương tiện, khiến cho họ đều giải thoát hết, rồi sau đó con mới tự mình thành Phật Đạo.’
Từ khi lập đại nguyện ở trước Đức Phật kia đến nay đã trải qua trăm ngàn vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp mà ngài vẫn còn làm một vị Bồ-Tát.
Lại vào thuở quá khứ bất khả tư nghị a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy trong đời có Đức Phật, hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Thọ mạng của Đức Phật kia là 400 ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp.
Trong thời Tượng Pháp có một người con gái dòng Bà-la-môn nhiều đời tích phước sâu dày, mọi người đều kính mến, và đi đứng nằm ngồi có chư thiên hộ vệ. Tuy nhiên, người mẹ của cô lại tin theo tà đạo và thường khinh chê Tam Bảo.
Thuở ấy Thánh Nữ dùng đủ mọi phương tiện để khuyến dụ mẫu thân, hầu khiến cho bà sanh chánh kiến. Thế nhưng, mẹ của Thánh Nữ chưa hoàn toàn tin hẳn thì chẳng bao lâu mạng chung và thần hồn bị đọa vào Địa Ngục Vô Gián.
Khi ấy Thánh Nữ Bà-la-môn biết mẹ khi còn sống không tin nhân quả, nên chắc phải theo nghiệp mà sanh vào ác thú. Và thế là, cô bán nhà cửa và mua nhiều hương hoa với những đồ lễ cúng, rồi làm đại cúng dường ở trước các tháp tự của Phật. Trong một ngôi chùa kia, cô trông thấy hình tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai được đắp vẽ uy dung và đoan nghiêm.
Khi đó Thánh Nữ Bà-la-môn chiêm lễ Tôn dung và sanh tâm kính ngưỡng bội phần, rồi tự nghĩ thầm:
‘Đức Phật là bậc Đại Giác và đầy đủ Nhất Thiết Trí. Nếu Ngài còn tại thế, thì sau khi mẹ mình mất, giả như mình đến thưa hỏi Phật, tất sẽ biết được nơi mẹ đã thác sanh.’
Khi đó Thánh Nữ Bà-la-môn mủi lòng khóc hồi lâu và chiêm ngưỡng quyến luyến Đức Như Lai. Bỗng nhiên cô nghe trên không trung có tiếng bảo rằng:
‘Này Thánh Nữ đang khóc kia, thôi đừng quá bi ai! Ta nay sẽ chỉ cho biết chỗ thác sanh của mẹ con.’
Thánh Nữ Bà-la-môn chắp tay và hướng lên không trung mà bạch rằng:
‘Chẳng hay đức thần nào đã giải vơi lòng âu lo của tôi như thế? Từ khi mẫu thân của tôi mất đến nay, tôi ngày đêm thương nhớ, nhưng không biết đâu để hỏi cho rõ nơi cõi giới mà mẹ tôi đã sanh về.’
Bấy giờ trên không trung lại có tiếng bảo Thánh Nữ:
‘Ta là Đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà con đang chiêm lễ đó. Bởi thấy con thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sanh nên Ta đến chỉ bảo.’
Khi nghe tiếng ấy xong, Thánh Nữ Bà-la-môn liền nhảy choàng lên nên té xuống và khiến cho các khớp tay chân đều tổn thương; những người bên cạnh liền đỡ Thánh Nữ lên. Một hồi lâu sau cô mới tỉnh lại và bạch cùng hư không rằng:
‘Cúi mong Đức Phật từ bi thương xót, xin hãy mau nói cho con biết chỗ thác sanh của mẹ con. Nay thân tâm của con sắp chết mất.’
Khi ấy Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo Thánh Nữ rằng:
‘Sau khi cúng dường xong, con hãy mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng và tư duy đến danh hiệu của Ta, thời sẽ liền biết chỗ thác sanh của mẹ con.’
Sau khi lễ Phật xong, Thánh Nữ Bà-la-môn lập tức trở về nhà.
Vì thương nhớ mẹ nên Thánh Nữ ngồi ngay thẳng và niệm danh hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua suốt một ngày một đêm, hốt nhiên cô chợt thấy mình đến một bờ biển. Nước trong biển đó sôi sùng sục và có nhiều thú dữ toàn thân bằng sắt. Chúng bay qua chạy lại và rong đuổi trên biển. Cô trông thấy hàng trăm ngàn vạn những kẻ nam người nữ chìm nổi trong biển và bị các thú dữ tranh nhau bắt ăn thịt.
Cô lại thấy quỷ dạ-xoa với nhiều hình thù khác nhau. Hoặc nhiều tay, nhiều chân, nhiều đầu, nhiều mắt, miệng răng chìa ra ngoài, bén nhọn như kiếm. Chúng lùa đuổi các tội nhân đến gần thú dữ, hay tự chúng vồ lấy và bẻ đầu cuộn chân thành muôn loại hình tướng đến chẳng dám nhìn lâu.
Khi đó Thánh Nữ Bà-la-môn do nhờ sức niệm Phật nên tự nhiên không kinh sợ.
Lúc ấy có một quỷ vương đi đến tên là Vô Độc, cúi đầu nghênh tiếp và bạch Thánh Nữ rằng:
‘Lành thay, Bồ tát! Do duyên sự gì mà ngài đến chốn này?’
Thánh Nữ Bà-la-môn liền hỏi quỷ vương rằng:
‘Đây là nơi nào?’
Vô Độc đáp:
‘Nơi này là núi Đại Thiết Vi, ở phía tây của tầng biển thứ nhất.’
Thánh Nữ hỏi:
‘Tôi nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thật chăng?’
Vô Độc đáp:
‘Thật có địa ngục!’
Thánh Nữ hỏi:
‘Nay tôi làm thế nào mà đến được chốn địa ngục?’
Vô Độc đáp:
‘Nếu không phải do sức uy thần, thì phải do nghiệp lực. Ngoài hai điều này ra, quyết không có cách nào khác đến được.’
Thánh Nữ lại hỏi:
‘Vì nhân duyên gì mà nước ở đây sôi sùng sục và có nhiều người tội cùng các thú dữ như thế?’
Vô Độc đáp:
‘Đây là những chúng sanh làm ác ở Diêm-phù-đề vừa mới chết. Bởi vì đã quá 49 ngày mà không có ai kế tự để làm công đức, hầu cứu vớt khổ nạn cho họ, và lúc sanh thời lại không làm được nhân lành nào, cho nên bây giờ, họ cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm địa ngục. Tự nhiên, họ phải đi qua biển này trước.
Về phía đông của biển này 100.000 do-tuần, lại có một cái biển. Những sự thống khổ ở đó còn gấp bội chốn này. Phía đông của biển ấy, lại có một cái biển nữa. Những sự thống khổ ở đó càng trội hơn.
Do nhân làm ác của ba nghiệp mà chiêu cảm và gọi chung là biển nghiệp, chính là chốn này vậy!’
Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương Vô Độc:
‘Thế còn địa ngục ở đâu?’
Vô Độc đáp:
‘Ở trong ba cái biển đó đều là đại địa ngục. Chúng nhiều đến số trăm ngàn, mỗi ngục đều khác nhau. Về địa ngục lớn thì có 18, bậc kế có 500, tất cả đều hết sức thống khổ và độc ác khôn lường. Bậc kế nữa có đến ngàn trăm và cũng thống khổ vô lượng.’
Thánh Nữ lại hỏi đại quỷ vương:
‘Thân mẫu tôi mới mất gần đây, nhưng tôi không biết thần hồn của bà ấy đã đi về đâu.’
Quỷ vương hỏi Thánh Nữ:
‘Thân mẫu của Bồ-Tát khi còn sống quen làm những nghiệp gì?’
Thánh Nữ đáp:
‘Thân mẫu tôi tà kiến, khinh chê Tam Bảo. Hoặc có lúc tạm tin nhưng rồi chẳng kính. Mặc dầu mới mất đây, nhưng tôi vẫn không biết nơi bà ấy đã sanh về?’
Vô Độc hỏi:
‘Thân mẫu của Bồ-Tát tên họ là gì?’
Thánh Nữ đáp:
‘Thân phụ và thân mẫu tôi đều thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Thân phụ tôi tên là Thi-la Thiện Hiện, còn thân mẫu tên là Duyệt-đế-lợi.’
Vô Độc chắp tay và thưa với Bồ-Tát rằng:
‘Xin thánh giả hãy trở về bổn xứ và chớ thương nhớ lưu luyến. Tội nữ Duyệt-đế-lợi sanh lên trời đến nay đã ba ngày rồi. Nghe nói nhờ có con hiếu thuận, vì mẹ mà cúng dường tu phước và bố thí chùa tháp thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng phải chỉ thân mẫu của Bồ-Tát được thoát khỏi địa ngục, mà trong ngày đó, các tội nhân vô gián cũng được an lạc và thảy đồng vãng sanh.’
Khi nói xong, quỷ vương chắp tay rồi cáo lui.
Thánh Nữ Bà-la-môn như mộng chợt tỉnh, rõ biết việc đã xảy ra, và liền ở trước tháp tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà lập hoằng thệ nguyện:
‘Từ nay cho đến tận kiếp vị lai, con nguyện sẽ vì những chúng sanh tội khổ mà dùng đủ mọi phương tiện để khiến họ đều được giải thoát.’ ”
Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:
“Vô Độc Quỷ Vương thuở đó, nay chính là Tài Thủ Bồ-Tát; còn Thánh Nữ Bà-la-môn, nay là Địa Tạng Bồ-Tát.”
2/. Phẩm Phân Thân Hội Họp
Lúc bấy giờ, phân thân của Địa Tạng Bồ-Tát ở những nơi có địa ngục trong trăm ngàn vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới đều đến tụ tập tại cung trời Đao-lợi. Do thần lực của Như lai nên mỗi phân thân từ phương xứ của mình và cũng có ngàn vạn ức na-do-tha các chúng sanh đã được giải thoát ra khỏi nghiệp đạo, họ đều cùng cầm theo hương hoa đi đến cúng dường Phật. Những chúng sanh đồng đến kia đều do Địa Tạng Bồ-Tát giáo hóa và vĩnh viễn chẳng còn thối chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Các chúng sanh ấy từ kiếp xa xưa đến nay đã lưu chuyển trong vòng sanh tử và chịu khổ nơi lục đạo không chút tạm ngưng. Nhờ lòng từ bi rộng lớn và thệ nguyện thâm sâu của Địa Tạng Bồ-Tát nên ai cũng đều chứng quả. Lòng họ hân hoan khi đến trời Đao-lợi và chiêm ngưỡng Đức Như Lai, mắt không muốn rời một thoáng.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nhấc cánh tay sắc vàng xoa lên đỉnh đầu phân thân của Địa Tạng Bồ-Tát Ma-ha-tát đã đến từ trăm ngàn vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới mà nói lời như vầy:
“Ta ở trong đời ác năm trược giáo hóa các chúng sanh cang cường như thế, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà quy chánh. Nhưng trong mười thì có một hoặc hai vẫn còn bám theo các tập khí ác. Ta cũng phân ra trăm ngàn ức thân và dùng đủ mọi phương tiện.
Những ai có thiện căn lanh lợi thì khi nghe liền tín thọ. Những ai có trồng nhân quả lành thì cần khuyên bảo mới thành tựu. Những ai có căn tánh ám độn thì phải giáo hóa rất lâu mới quay về. Những ai có nghiệp thâm trọng thì chẳng hề sanh lòng kính ngưỡng.
Ta phân thân độ thoát những hạng chúng sanh như vậy, mỗi mỗi đều sai biệt.
– Hoặc hiện thân nam tử.
– Hoặc hiện thân nữ nhân.
– Hoặc hiện thân trời rồng.
– Hoặc hiện thân quỷ thần.
– Hoặc hiện thân núi rừng, dòng nước, đồng bằng, sông hồ, khe suối, giếng nước mà làm lợi ích người và khiến đều độ thoát.
– Hoặc hiện thân Thiên Đế.
– Hoặc hiện thân trời Phạm Vương.
– Hoặc hiện thân vua Chuyển Luân.
– Hoặc hiện thân cư sĩ.
– Hoặc hiện thân quốc vương.
– Hoặc hiện thân tể tướng.
– Hoặc hiện thân quan thần.
– Hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Cho đến các thân Thanh Văn, La-Hán, Bích-chi-phật, và Bồ-Tát mà dùng để hóa độ, chớ chẳng phải chỉ dùng độc nhất thân Phật hiện ra trước họ đâu.
Ông quán sát Ta đã trải qua bao kiếp cần lao khổ nhọc để độ thoát các chúng sanh cang cường mắc tội khổ và khó giáo hóa như vậy. Những ai chưa được điều phục thì tùy theo nghiệp mà ứng theo quả báo.
Nếu khi họ bị đọa vào ác thú để chịu thống khổ thì ông nên nhớ nghĩ đến Ta. Nay tại cung trời Đao-lợi, Ta ân cần phó chúc: hãy khiến cho chúng sanh ở Thế Giới Ta-bà, từ đây cho đến lúc Đức Di-lặc xuất thế, thảy đều làm cho họ giải thoát, vĩnh viễn xa lìa các ách khổ, và sẽ gặp Phật thọ ký.”
Lúc bấy giờ, hết thảy phân thân của Địa Tạng Bồ-Tát trong các thế giới hợp nhập thành một hình, rơi lệ thương luyến và bạch Đức Phật rằng:
“Từ kiếp xa xưa đến nay, con nhờ Đức Phật tiếp dẫn nên mới được thần lực không thể nghĩ bàn và đầy đủ đại trí tuệ. Phân thân của con biến khắp trăm ngàn vạn ức Hằng Hà sa thế giới. Trong mỗi thế giới lại hóa hiện trăm ngàn vạn ức thân. Mỗi thân hóa độ trăm ngàn vạn ức người, khiến họ quy y, cung kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, và đạt đến Niết-bàn an vui.
Những chúng sanh nào ở trong Phật Pháp, dù chỉ làm việc lành chừng bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc nhỏ như sợi lông tơ, thì con dần dần sẽ độ thoát và làm cho họ được lợi ích lớn. Duy nguyện Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà lo lắng nữa.”
Và như thế, ngài bạch với Đức Phật đến ba lần.
“Duy nguyện Thế Tôn chớ vì những chúng sanh ác nghiệp đời sau mà lo lắng nữa.”
Lúc bấy giờ Đức Phật ngợi khen Địa Tạng Bồ-Tát rằng:
“Lành thay, lành thay! Ta sẽ hỗ trợ điều ông vui làm để ông có thể thành tựu các thệ nguyện rộng lớn đã phát từ kiếp xa xưa đến nay. Khi việc quảng độ chúng sanh hoàn tất, ông liền chứng Bồ-đề.”
3/. Phẩm Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên
Lúc bấy giờ Phật mẫu Ma-da Phu Nhân chắp tay cung kính và hỏi Địa Tạng Bồ-Tát rằng:
“Thưa thánh giả! Chúng sanh ở châu Diêm-phù tạo các nghiệp sai khác và thọ quả báo ứng, việc ấy như thế nào?”
Ngài Địa Tạng đáp:
“Trong ngàn vạn thế giới cùng các quốc độ, hoặc có địa ngục, hoặc không địa ngục, hoặc có người nữ, hoặc không người nữ, hoặc có Phật Pháp, hoặc không Phật Pháp, cho đến Thanh Văn, Bích-chi-phật cũng đều như thế. Cho nên tội báo ở địa ngục cũng chẳng giống nhau.”
Ma-da Phu Nhân lại bạch với Bồ-Tát rằng:
“Nay tôi muốn nghe về tội báo chiêu cảm nơi ác thú ở châu Diêm-phù.”
Ngài Địa Tạng đáp:
“Thánh Mẫu! Xin hãy lắng nghe và lãnh thọ, tôi sẽ nói sơ về việc đó.”
Phật Mẫu bạch rằng:
“Kính mong thánh giả hãy nói!”
Lúc bấy giờ Địa Tạng Bồ-Tát nói với Thánh Mẫu rằng:
“Danh hiệu của những tội báo ở Nam Diêm-phù-đề là như vầy:
Nếu có chúng sanh nào bất hiếu với cha mẹ hoặc thậm chí giết hại, thì sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián cho đến ngàn vạn ức kiếp cũng không có kỳ hạn ra khỏi.
Nếu có chúng sanh nào làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, hoặc chẳng tôn kính Kinh Điển, thì cũng sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián cho đến ngàn vạn ức kiếp cũng không có kỳ hạn ra khỏi.
Nếu có chúng sanh nào xâm chiếm, làm tổn hại Thường Trụ, ô nhục Tăng Ni, hoặc tình tứ hành dâm trong chốn Già-lam, hoặc giết hoặc hại, những kẻ như thế sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián cho đến ngàn vạn ức kiếp cũng không có kỳ hạn ra khỏi.
Nếu có chúng sanh nào giả làm Sa-môn nhưng tâm chẳng phải Sa-môn, phá hoại, lạm dụng Thường Trụ, dối gạt hàng cư sĩ, vi phạm giới luật, hoặc tạo đủ thứ ác nghiệp, những kẻ như thế sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián cho đến ngàn vạn ức kiếp cũng không có kỳ hạn ra khỏi.
Nếu có chúng sanh nào trộm cắp tài vật, lúa gạo, thức ăn nước uống, y phục của Thường Trụ, cho đến các đồ vật không cho mà lấy, thì sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián cho đến ngàn vạn ức kiếp cũng không có kỳ hạn ra khỏi.”
Ngài Địa Tạng nói rằng:
“Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm các tội như thế thì sẽ đọa vào năm Địa Ngục Vô Gián, cầu mong tạm ngưng nỗi thống khổ trong một niệm cũng chẳng được.”
Ma-da Phu Nhân lại bạch với Địa Tạng Bồ-Tát rằng:
“Vì sao gọi là Địa Ngục Vô Gián?”
Ngài Địa Tạng nói rằng:
“Thánh Mẫu! Trong dãy núi Đại Thiết Vi có những địa ngục. Địa ngục lớn có 18. Bậc kế có 500. Mỗi ngục có danh hiệu riêng. Bậc kế nữa có đến ngàn trăm. Danh tự cũng đều khác. Còn Địa Ngục Vô Gián thì ở bên trong ngục thành với chu vi là 80.000 dặm. Thành đó toàn bằng sắt và cao 10.000 dặm. Trên thành có lửa cháy, không hở trống một chỗ nào. Trong thành ấy, các ngục nối liền với nhau và danh hiệu đều sai biệt.
Duy chỉ có độc nhất một ngục tên là Vô Gián. Ngục đó chu vi là 18.000 dặm. Ngục tường cao 1.000 dặm và đều là làm bằng sắt. Lửa từ trên bắn xuống, lửa ở dưới bốc lên. Trên tường có rắn sắt và chó sắt phun ra lửa, đuổi bắt chạy qua lại.
Trong ngục có một cái giường, rộng đầy 10.000 dặm. Một người thọ tội thì tự thấy thân mình nằm chật cả giường. Ngàn vạn người thọ tội thì cũng tự thấy thân mỗi người nằm chật trên giường. Do các nghiệp chiêu cảm nên thọ báo như vậy.
Lại có các tội nhân phải chịu những sự thống khổ bị trăm ngàn quỷ dạ-xoa cùng ác quỷ, miệng răng như kiếm, mắt như điện chớp, và chúng dùng móng tay bằng đồng tha kéo người tội.
Lại có quỷ dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào thân người tội, hoặc trúng miệng mũi, hoặc trúng bụng lưng. Sau đó chúng quăng tội nhân lên không trung rồi dùng cây kích hứng lấy, hoặc để họ trên giường.
Lại có chim ưng sắt ăn mắt người tội.
Lại có rắn sắt siết cổ tội nhân. Chân tay và khắp khớp xương bị cây đinh dài đóng vào. Lưỡi bị kéo ra để cày bừa. Ruột bị moi ra và chém đứt. Miệng bị đổ nước đồng nung. Toàn thân bị sắt nóng quấn quanh. Ngàn vạn lần chết đi sống lại. Nghiệp cảm như thế, trải qua ức kiếp cũng đừng mong ra khỏi.
Khi thế giới này hư hoại thì sanh nhờ qua thế giới khác. Khi thế giới đó hư hoại thì thứ tự chuyển ký phương khác. Khi phương khác hư hoại thì xoay vần chuyển gửi. Sau khi thế giới này đến kiếp thành thì sanh về trở lại. Tội báo của Vô Gián, việc ấy là như vậy.
Lại có năm sự nghiệp cảm nên gọi là Vô Gián. Những gì là năm?
1. Ngày đêm thọ tội đến trọn số kiếp, không lúc nào gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.
2. Một người cũng chật cả ngục mà nhiều người cũng đầy khắp, cho nên gọi là Vô Gián.
3. Có những tội khí, như chỉa, gậy; chim ưng, rắn, sói, chó; giã, mài, cưa, đục, chém, chặt; chảo dầu sôi, võng sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt; miếng da sống quấn trên đầu, sắt nóng tạt vào thân; đói nuốt viên sắt; khát uống nước sắt. Quanh năm đến trọn số kiếp na-do-tha, khổ sở liên tục, không chút gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.
4. Chẳng kể kẻ nam người nữ, mọi rợ man di, già trẻ sang hèn, hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, hễ tạo nghiệp thì thảy đều chiêu cảm thọ tội như nhau, cho nên gọi là Vô Gián.
5. Nếu đọa vào địa ngục này thì từ lúc mới vào cho đến trăm ngàn kiếp, trong một ngày một đêm có muôn lần chết đi và muôn lần sống lại, cầu tạm ngưng chừng một niệm cũng không được. Trừ phi nghiệp đã hết, rồi mới được thọ sanh. Do vì liên miên như thế, cho nên gọi là Vô Gián.”
Địa Tạng Bồ-Tát nói với Thánh Mẫu rằng:
“Đó là kể sơ về Địa Ngục Vô Gián như thế. Nếu rộng nói về tên của các tội khí ở địa ngục cùng những sự thống khổ thì trong một kiếp cũng chẳng thể nói hết.”
Khi Ma-da Phu Nhân nghe xong, lòng ưu sầu, chắp tay, đảnh lễ và lui ra.
4/. Phẩm Nghiệp Cảm của Chúng Sanh ở Diêm-phù-đề
Lúc bấy giờ Địa Tạng Bồ-Tát Ma-ha-tát bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Con nương nhờ sức uy thần của Phật Như Lai mà có thể phân thân hình này đến khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu bạt tất cả chúng sanh mắc nghiệp báo. Nếu không phải do sức đại từ của Như Lai thì con không thể nào biến hóa được như vậy. Nay con lại được Phật phó chúc:
‘Từ đây cho đến khi Vô Năng Thắng thành Phật, hãy khiến cho các chúng sanh trong lục đạo đều được độ thoát.’
Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Xin nguyện Ngài chớ lo lắng.”
Lúc bấy giờ Phật bảo Địa Tạng Bồ-Tát:
“Hết thảy chúng sanh nào còn chưa giải thoát thì tánh thức bất định. Tập khí ác kết nghiệp; tập khí thiện kết quả. Làm thiện làm ác đều duyên cảnh mà sanh nên luân chuyển trong năm đường và không chút tạm ngưng. Họ trải qua số kiếp như bụi, si mê lầm lạc, chướng nạn bủa vây, như cá bơi trong lưới trôi theo dòng nước chảy. Tuy tạm thoát ra nhưng mắc vào lưới trở lại. Do những chúng sanh như thế mà Ta lo nhớ. Nhưng đã có ông từ nhiều kiếp phát thệ nguyện hoằng thâm để rộng cứu độ những kẻ mắc tội ấy, vậy Ta còn âu lo gì nữa?”
Khi nói lời ấy xong, trong Pháp hội có một vị Bồ-Tát Ma-ha-tát tên là Định Tự Tại Vương, bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Địa Tạng Bồ-Tát đã phát thệ nguyện gì mà nay được Thế Tôn ân cần ngợi khen như thế? Duy nguyện Thế Tôn hãy lược nói.”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Định Tự Tại Vương Bồ-Tát:
“Lắng nghe, lắng nghe và khéo tư duy! Ta sẽ phân biệt giảng giải cho ông.
Vào thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ na-do-tha bất khả thuyết kiếp về trước, lúc ấy có Đức Phật, hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật đó thọ 60.000 kiếp.
Khi chưa xuất gia, ngài là vua của một nước nhỏ và kết bạn với vua của nước lân cận. Cả hai ngài đồng tu hành Thập Thiện và mang lợi ích tới chúng sanh. Nhưng dân chúng trong nước láng giềng lại tạo nhiều nghiệp ác, thế nên hai vị quốc vương luận nghị tìm kế và quảng thiết phương tiện. Một vị vua phát nguyện:
‘Tôi nguyện sớm thành Phật Đạo để độ hết những kẻ ấy, không sót một ai.’
Còn vị vua kia phát nguyện:
‘Giả như tôi chẳng trước độ hết những kẻ tội khổ, làm cho họ được an lạc, cho đến đắc Bồ-đề, thì tôi nguyện chưa thành Phật.’ ”
Phật bảo Định Tự Tại Vương Bồ-Tát:
“Vị vua phát nguyện sớm thành Phật, đó chính là Đức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn vị vua phát nguyện vĩnh viễn cứu độ chúng sanh tội khổ và vẫn chưa chịu thành Phật, đó là Địa Tạng Bồ-Tát.
Lại vào thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có Đức Phật xuất thế, hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Đức Phật đó thọ 40 kiếp.
Trong thời Tượng Pháp của Đức Phật ấy có một vị A-la-hán phước đức cứu độ chúng sanh. Nhân đi tuần tự giáo hóa, ngài gặp một người nữ tên là Quang Mục, thiết bày thức ăn cúng dường.
Vị La-Hán hỏi:
‘Con muốn cầu điều chi?’
Quang Mục đáp:
‘Vào ngày mẹ con mất, con có tu phước hầu cứu bạt, song vẫn chưa rõ mẫu thân con đã thác sanh về đâu?’
Vị La-Hán thương cảm nên nhập định quán sát thì thấy mẹ của Quang Mục bị đọa tại ác thú và chịu đại khổ cùng cực.
Vị La-Hán hỏi Quang Mục:
‘Mẫu thân con lúc sanh tiền đã làm những nghiệp gì, mà nay phải ở trong ác đạo chịu cực khổ như thế kia?’
Quang Mục đáp:
‘Tánh của mẹ con chỉ thích ăn cá, ba ba cùng trứng và con của các loài ấy. Hoặc chiên, hoặc nấu, tha hồ mà ăn. Nếu tính đếm số sanh mạng đó thì gấp hơn ngàn muôn.
Thưa Tôn giả từ mẫn! Con phải làm thế nào để giải cứu mẫu thân.’
Vị La-Hán thương xót nên dùng phương tiện khuyên Quang Mục rằng:
‘Con nên chí thành niệm Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và đắp vẽ hình tượng của Ngài, thời người sống cùng kẻ đã khuất đều sẽ được phước báo.’
Khi Quang Mục nghe xong thì liền xả bỏ những đồ yêu quý và tìm người vẽ hình tượng Phật để cúng dường. Rồi với lòng cung kính, cô khóc thương khi chiêm lễ hình tượng Phật. Bỗng nhiên vào nửa đêm, cô mộng thấy thân màu vàng kim sáng chói của Phật lớn như núi Tu-di, phóng đại quang minh và bảo Quang Mục rằng:
‘Thân mẫu con chẳng bao lâu nữa sẽ sanh vào nhà con và khi vừa biết đói lạnh thì liền biết nói.’
Sau đó, người nữ tỳ trong nhà sanh một bé trai và chưa đầy ba ngày thì nó đã biết nói; đầu của đứa trẻ cúi xuống than khóc, nó nói với Quang Mục rằng:
‘Sanh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào các đại địa ngục. May nhờ phước lực của người nên mới được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, và lại thêm thọ mạng ngắn ngủi. Khi đến năm 13 tuổi thì tôi sẽ phải đọa vào ác đạo. Người có phương kế gì khiến tôi được thoát miễn chăng?’
Khi Quang Mục nghe lời ấy, cô biết chắc là mẹ mình và không còn nghi gì nữa nên nghẹn ngào khóc thương mà nói với con của nữ tỳ rằng:
‘Nếu là mẹ tôi thì hẳn rõ đời trước đã làm nghiệp tội gì mà phải đọa vào ác đạo như thế?’
Con của nữ tỳ đáp:
‘Do hai nghiệp, đó là giết hại và hủy báng nên phải thọ báo. Nếu không nhờ phước lực của người cứu bạt khổ nạn, thì tôi vẫn còn chưa giải thoát bởi nghiệp đó.’
Quang Mục hỏi:
‘Những tội báo trong địa ngục ra sao?’
Con của nữ tỳ đáp:
‘Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn. Dù cho cả trăm ngàn năm thì cũng khó mà kể hết.’
Khi nghe xong, Quang Mục nghẹn ngào rơi lệ và bạch với hư không rằng:
‘Nguyện cho thân mẫu con vĩnh viễn thoát khỏi chốn địa ngục. Khi mãn 13 tuổi thì sẽ không còn trọng tội và cũng chẳng phải trải qua các ác đạo. Cúi mong mười phương chư Phật từ bi thương xót, lắng nghe con nay vì mẹ mà phát lời thệ nguyện quảng đại.
Nếu thân mẫu con được vĩnh viễn lìa khỏi tam đồ và hàng hạ tiện, cho đến cùng kiếp không phải thọ thân người nữ nữa, thì con xin đối trước tượng của Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát nguyện rằng:
Kể từ hôm nay cho đến trăm ngàn vạn ức kiếp về sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các chúng sanh chịu tội khổ ở địa ngục cùng tam ác đạo, con nguyện sẽ cứu bạt và làm cho họ rời xa địa ngục, chốn súc sanh xấu ác, và các loài ngạ quỷ. Chỉ khi nào những kẻ mắc tội báo như thế đều đã thành Phật hết, thời sau đó con mới thành Chánh Giác.’
Khi phát nguyện xong thì liền nghe Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai bảo rằng:
‘Này Quang Mục! Con quả có lòng đại từ mẫn, khéo vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế. Ta quán sát thấy mẹ con lúc mãn 13 tuổi, khi xả báo thân ấy rồi thì sẽ sanh làm một vị Bà-la-môn và sống lâu đến trăm tuổi. Sau khi hết báo thân đó, mẹ con sẽ sanh về cõi nước Vô Ưu, thọ mạng lâu dài đến không thể tính kể số kiếp. Và sau cuối cùng sẽ thành tựu Phật quả, quảng độ trời người nhiều như cát sông Hằng.’ ”
Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương:
“Vị La-Hán phước đức độ Quang Mục thuở đó, nay chính là Vô Tận Ý Bồ-Tát. Thân mẫu Quang Mục tức là Giải Thoát Bồ-Tát. Còn Quang Mục là Địa Tạng Bồ-Tát đây vậy. Từ kiếp xa xưa trong quá khứ, ngài đã có lòng từ mẫn như thế và phát thệ nguyện nhiều như số cát sông Hằng để rộng cứu độ chúng sanh.
Trong đời vị lai, nếu có nam tử nữ nhân nào không làm việc lành mà làm việc ác, thậm chí chẳng tin nhân quả, tà dâm vọng ngữ, nói đâm thọc, nói lời ác, hoặc hủy báng Đại Thừa, thì những chúng sanh với nghiệp tội như vậy tất sẽ đọa ác thú.
Nhưng nếu họ gặp bậc Thiện Tri Thức khuyên bảo quy y Địa Tạng Bồ-Tát trong thời gian chừng khảy móng tay, thì các chúng sanh này liền được giải thoát tội báo của tam ác đạo. Nếu họ có thể chí tâm quy y, cung kính, chiêm lễ, và tán thán, rồi dùng hương hoa, y phục, mọi thứ châu báu, hoặc thức ăn nước uống như thế để phụng sự, thì trong trăm ngàn vạn ức kiếp về sau họ sẽ thường ở tại các cõi trời để thọ hưởng an vui thù thắng vi diệu. Giả như thiên phước đã hết và sinh xuống nhân gian, thì trong trăm ngàn kiếp họ thường làm đế vương và có thể nhớ các việc nhân quả của đời trước.
Này Định Tự Tại Vương! Địa Tạng Bồ-Tát có sức đại uy thần chẳng thể nghĩ bàn để rộng làm lợi ích cho chúng sanh như thế. Chư Bồ-Tát các ông nên ghi nhớ Kinh này và lưu truyền rộng rãi.”
Ngài Định Tự Tại Vương bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Xin Ngài chớ lo lắng. Ngàn vạn ức Bồ-Tát Ma-ha-tát chúng con đều có thể nương uy thần của Phật mà rộng nói Kinh này để làm lợi ích cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề.”
Khi Định Tự Tại Vương Bồ-Tát bạch với Đức Thế Tôn xong, ngài chắp tay cung kính, đảnh lễ và lui ra.
Lúc bấy giờ bốn vị Thiên Vương của bốn phương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Địa Tạng Bồ-Tát từ kiếp xa xưa đến nay đã phát đại nguyện như thế, nhưng vì sao cho đến nay ngài vẫn còn chưa độ hết và lại phải phát thêm quảng đại thệ nguyện? Duy nguyện Thế Tôn thuyết giảng cho chúng con.”
Phật bảo bốn vị Thiên Vương:
“Lành thay, lành thay! Ta nay sẽ vì sự lợi ích rộng lớn của các ông và hàng trời người ở hiện tại cùng vị lai mà nói về những việc phương tiện của Địa Tạng Bồ-Tát ở Thế Giới Ta-bà tại châu Diêm-phù-đề; ngài ở trong sanh tử từ bi cứu bạt và độ thoát hết thảy chúng sanh tội khổ.”
Bốn vị Thiên Vương thưa rằng:
“Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Chúng con vui thích muốn nghe.”
Phật bảo bốn vị Thiên Vương:
“Địa Tạng Bồ-Tát từ kiếp xa xưa đến nay đã và đang độ thoát chúng sanh. Do vì thệ nguyện chưa hoàn tất và từ mẫn chúng sanh tội khổ ở thế giới này. Lại quán thấy trong vô lượng kiếp về vị lai, các nghiệp nhân cứ liên miên mãi không dứt. Cho nên vị Bồ-Tát này ở Thế Giới Ta-bà, trong châu Diêm-phù-đề, lại phát thêm trọng nguyện và dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện để giáo hóa họ.
Này Tứ Thiên Vương!
– Nếu Địa Tạng Bồ-Tát gặp kẻ sát sanh thì nói quả báo là chết yểu.
– Nếu gặp kẻ trộm cắp thì nói quả báo là bần cùng khổ sở.
– Nếu gặp kẻ tà dâm thì nói quả báo là sanh làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương.
– Nếu gặp kẻ ác khẩu thì nói quả báo là quyến thuộc tranh đấu.
– Nếu gặp kẻ hủy báng thì nói quả báo là không lưỡi miệng lở.
– Nếu gặp kẻ nóng giận thì nói quả báo là xấu xí tàn tật.
– Nếu gặp kẻ keo kiệt thì nói quả báo là sở cầu trái nguyện.
– Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ thì nói quả báo là đói khát đau cổ.
– Nếu gặp kẻ săn bắn bừa bãi thì nói quả báo là điên cuồng mất mạng.
– Nếu gặp kẻ ngỗ nghịch cha mẹ thì nói quả báo là trời đất giết chết.
– Nếu gặp kẻ thiêu đốt núi rừng thì nói quả báo là cuồng mê đến chết.
– Nếu gặp cha mẹ hoặc cha mẹ kế ác độc thì nói quả báo là đời sau bị roi quất.
– Nếu gặp kẻ giăng lưới bắt thú vật con thì nói quả báo là cốt nhục phân ly.
– Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo thì nói quả báo là mù điếc câm ngọng.
– Nếu gặp kẻ khinh mạn giáo Pháp thì nói quả báo là vĩnh viễn ở chốn ác đạo.
– Nếu gặp kẻ phá hoại hoặc lạm dụng Thường Trụ thì nói quả báo là ức kiếp luân hồi ở địa ngục.
– Nếu gặp kẻ ô nhục Phạm hạnh hoặc vu khống chư Tăng thì nói quả báo là vĩnh viễn ở chốn súc sanh.
– Nếu gặp kẻ nung đốt, chém chặt, và giết hại chúng sanh thì nói quả báo là luân hồi thọ lại.
– Nếu gặp kẻ phạm giới phá trai thì nói quả báo là sanh làm cầm thú đói khát.
– Nếu gặp kẻ phá hủy đồ dùng phi lý thì nói quả báo là sở cầu thiếu hụt.
– Nếu gặp kẻ cống cao ngã mạn thì nói quả báo là sanh làm kẻ hạ tiện bị sai khiến.
– Nếu gặp kẻ nói đâm thọc tranh đấu thì nói quả báo là không lưỡi hoặc trăm lưỡi.
– Nếu gặp kẻ tà kiến thì nói quả báo là sanh chốn biên địa.
Tập khí xấu từ nghiệp thân, khẩu, ý của chúng sanh ở Diêm-phù-đề kết tạo thành trăm ngàn báo ứng như vậy. Nay Ta chỉ nói sơ lược. Do nghiệp cảm của chúng sanh ở Diêm-phù-đề sai khác nên Địa Tạng Bồ-Tát phải dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa họ.
Trước tiên, những chúng sanh này sẽ thọ quả báo như thế. Sau đó, họ đọa vào địa ngục và trải qua số kiếp mà không có kỳ hạn ra khỏi. Vì thế các ông hãy hộ nhân hộ quốc và đừng để các nghiệp mê hoặc chúng sanh.”
Khi nghe xong, bốn vị Thiên Vương rơi lệ than thở, chắp tay và lui ra.
卍 Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện – Hết quyển thượng