SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 11: HUYỄN HỌC
Ngài Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người hỏi rằng: “Người huyễn học Bát-nhã ba-la-mật cho đến Bố thí ba-la-mật, người huyễn học bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng có được Nhất thiết chủng trí hay chăng?” Thì con phải giải đáp thế nào?
Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Phật hỏi lại ông, ông nghĩ thế nào thì đáp thế đấy. Này Tu-bồ-đề, sắc với huyễn có khác nhau chăng? Thọ, tưởng, hành, thức và huyễn có khác nhau chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không khác!
–Này Tu-bồ-đề! Từ nhãn cho đến ý, từ sắc cho đến pháp, từ nhãn giới cho đến ý thức giới và huyễn có khác nhau chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không khác!
–Này Tu-bồ-đề! Sáu pháp Ba-la-mật, bốn Niệm xứ đến mười tám pháp Bất cộng và huyễn có khác nhau chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không khác nhau!
–Này Tu-bồ-đề! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và huyễn có khác nhau chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không khác! Vì sao? Vì sắc chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác sắc, sắc tức là huyễn, huyễn tức là sắc. Cho đến vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là huyễn, huyễn tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
–Này Tu-bồ-đề! Huyễn có cấu uế, có thanh tịnh chăng? –Bạch Đức Thế Tôn, không!
–Này Tu-bồ-đề! Huyễn có sinh, có diệt chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không!
–Này Tu-bồ-đề! Nếu huyễn chẳng sinh, chẳng diệt thì huyễn này có thể học Bát-nhã ba-la-mật để được Nhất thiết chủng trí chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không!
–Này Tu-bồ-đề! Năm ấm giả danh có phải là Bồ-tát chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, phải!
–Này Tu-bồ-đề! Năm ấm giả danh có sinh, diệt, cấu uế, thanh tịnh chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không!
–Này Tu-bồ-đề! Nếu các pháp nào chỉ có tên gọi, chẳng phải thân, ngữ, ý, chẳng phải thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng cấu uế, chẳng thanh tịnh, thì có thể học Bát-nhã ba-la-mật được Nhất thiết chủng trí hay chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không!
–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát có thể học Bát-nhã bala-mật như vậy thì sẽ được Nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì chúng đều là không thật có.
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát phải học Bát-nhã ba-lamật như vậy để được thành Phật, vì không thật có. Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật như thế để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như người huyễn. Vì sao? Nên biết rằng năm ấm tức là người huyễn, người huyễn tức là năm ấm.
–Này Tu-bồ-đề! Năm ấm ấy học Bát-nhã ba-la-mật có được Nhất thiết chủng trí chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì năm ấm này tánh không thật có. Tánh không thật có cũng là chẳng thật có.
–Này Tu-bồ-đề! Năm ấm như mộng, như ảo ảnh, như tiếng vang, như sóng nắng, như sự biến hóa, học Bát-nhã ba-lamật có được Nhất thiết chủng trí chăng?
–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì tánh của mộng cho đến tánh của sự biến hóa là không thật có, tánh không thật có cũng chẳng thật có. Sáu căn cũng giống như vậy. Năm ấm tức là sáu Căn, sáu Căn tức là năm ấm. Vì những pháp ấy đều là nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không, nên chẳng thật có.
Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát mới phát tâm nghe nói về Bát-nhã ba-la-mật có kinh sợ rụt rè hay không?
–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát mới phát tâm đối với Bát-nhã ba-lamật, nếu không có phương tiện cũng chẳng gặp được
Thiện tri thức thì có khi kinh sợ, có khi rụt rè.
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là phương tiện mà Bồ-tát thực hành theo đó được chẳng kinh sợ, chẳng rụt rè đối với Bát-nhã ba-lamật?
–Này Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đúng với tâm của Nhất thiết chủng trí, quán tướng vô thường của năm uẩn cũng chẳng thật có, đó gọi là có phương tiện.
Quán tướng khổ, tướng vô ngã của năm uẩn cũng chẳng thật có, đó gọi là có phương tiện.
Quán tướng không, tướng vô tướng, tướng vô tác của năm uẩn cũng chẳng thật có, đó gọi là có phương tiện.
Quán tướng xa lìa, tướng vắng lặng của năm uẩn cũng chẳng thật có, đó gọi là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật có phương tiện.
Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật quán tướng vô thường của năm uẩn cũng chẳng thật có, quán tướng khổ, tướng vô ngã, tướng vô tướng, tướng vô tác, tướng xa lìa, tướng vắng lặng của năm uẩn cũng chẳng thật có. Bấy giờ, Đại Bồ-tát nghĩ rằng: “Ta nên vì tất cả chúng sinh mà giảng nói tướng vô thường cũng chẳng thật có, tướng khổ, tướng vô ngã cho đến tướng vắng lặng cũng chẳng thật có, đó gọi là Bố thí ba-la-mật của Đại Bồ-tát.”
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng dùng tâm Thanh văn, Bích-chi-phật để quán năm uẩn, vô thường cũng chẳng thật có, cho đến chẳng dùng tâm Thanh văn, Bích-chiphật để quán năm uẩn, vắng lặng cũng chẳng thật có. Đó gọi là Trì giới ba-la-mật của Đại Bồ-tát.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật nhận lấy sự ưa thích đối với tướng vô thường, cho đến tướng vắng lặng của các pháp cũng chẳng thật có. Đó gọi là Nhẫn nhục bala-mật của Đại Bồ-tát.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật đúng với tâm của Nhất thiết chủng trí, quán tướng vô thường cho đến tướng vắng lặng của năm uẩn cũng chẳng thật có, chẳng rời bỏ, chẳng dừng nghỉ. Đó gọi là Tinh tấn ba-la-mật của Đại Bồ-tát.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật nghĩ rằng: “Chẳng vì không sắc nên sắc không, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến ý thức giới cũng giống như vậy, chẳng vì không ý thức giới nên ý thức giới là không, mà ý thức giới tức là không, không tức là ý thức giới. Bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng giống như vậy, chẳng phải vì không pháp Bất cộng nên pháp Bất cộng là không, nên pháp Bất cộng tức là không, không tức là pháp Bất cộng.” Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy nên không có kinh sợ, không có rụt rè.
Tôn giả Tu-bồ-đề bạch:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát được Thiện tri thức hộ trì nên chẳng kinh sợ, chẳng rụt rè?
Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Có Thiện tri thức giảng nói về sắc, cho đến ý thức giới, vô thường, khổ, vô ngã, cho đến vắng lặng, cũng đều chẳng thật có, gìn giữ thiện căn này, chẳng hướng về đường Thanh văn, đường Bích-chi-phật mà chỉ hướng về Nhất thiết chủng trí, đó gọi là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát.
Này Tu-bồ-đề! Có Thiện tri thức giảng nói tu bốn Niệm xứ cho đến tu mười tám pháp Bất cộng cũng chẳng thật có, giữ gìn thiện căn này chẳng hướng về đường Thanh văn, Bíchchi-phật, chỉ hướng về Nhất thiết chủng trí, đó gọi là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát vì không có phương tiện mà theo tri thức xấu ác nên kinh sợ, rụt rè khi nghe nói Bát-nhã ba-la-mật?
Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát lìa tâm của Nhất thiết trí mà tu Bát-nhã ba-la-mật nên được và nhớ Bát-nhã ba-la-mật này, cũng được và nhớ Thiền định ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Bố thí ba-la-mật.
Bồ-tát lìa tâm của Nhất thiết trí mà quán các pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, đối với pháp không ấy có nhớ, có được.
Bồ-tát lìa tâm của Nhất thiết trí mà tu bốn Niệm xứ, cho đến tu mười tám pháp Bất cộng cũng nhớ, cũng được.
Như trên đây là không phương tiện nên có kinh sợ, rụt rè khi nghe Bát-nhã ba-la-mật.
Này Tu-bồ-đề! Có tri thức xấu ác bảo Bồ-tát lìa bỏ sáu pháp Ba-la-mật, hoặc chẳng giảng nói về việc ma, chẳng giảng nói về ma tội, chẳng nói rằng ác ma hiện thân Phật, đến bảo Bồ-tát lìa bỏ sáu pháp Ba-la-mật mà nói rằng: “Này thiện nam, cần gì tu sáu pháp Bala-mật!” Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồ-tát.
Lại có ác ma hiện thân Phật đến chỗ Bồ-tát mà giảng nói kinh pháp theo Thanh văn, hoặc Trường hàng cho đến Luận nghị. Chẳng vì Bồ-tát mà nói việc ma, ma tội này, phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồ-tát.
Cũng chẳng vì Bồ-tát mà nói việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân Phật đến bảo Bồ-tát: “Này thiện nam, ông không có tâm Bồ-tát chân thật, ông chẳng phải là bậc không thoái chuyển, ông cũng chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Này Tu-bồ-đề, phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồ-tát.
Cũng chẳng giảng, chẳng dạy việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân Phật đến bảo Bồ-tát rằng: “Sắc không cho đến pháp Bất cộng không, Bát-nhã ba-la-mật không, cho đến Bố thí bala-mật không, vậy ông cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm gì!” Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồ-tát.
Cũng chẳng giảng, chẳng dạy việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân Bích-chi-phật đến bảo Bồ-tát rằng: “Mười phương đều trống không, trong đó chẳng có Phật, Bồ-tát và Thanh văn.” Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồtát.
Cũng chẳng giảng dạy việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân Hòa thượng A-xà-lê đến bảo Bồ-tát bỏ Nhất thiết chủng trí, bỏ đạo Bồtát, bảo Bồ-tát bỏ bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng, bảo Bồ-tát nhập không, vô tướng, vô tác để chứng quả Thanh văn, cần gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồtát.
Cũng chẳng giảng dạy việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân cha mẹ đến bảo Bồ-tát tinh tấn cầu chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, cần gì phải cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ phải chịu sinh tử trong vô lượng, vô số kiếp, phải bị chặt tay, chặt chân đau khổ.
Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồtát.
Có tri thức chẳng giảng chẳng dạy về việc ma, ma tội. Ác ma hiện thân Tỳ-kheo đến bảo Bồ-tát, Nhãn là pháp vô thường khả đắc cho đến ý là pháp vô thường khả đắc, nhãn khổ, nhãn vô ngã, không, vô tướng, vô tác, vắng lặng đều là pháp khả đắc cho đến ý cũng như thế, dùng pháp có thể thủ đắc để nói về bốn Niệm xứ cho đến dùng pháp có sở đắc để nói về mười tám pháp Bất cộng.
Này Tu-bồ-đề! Phải biết đây là tri thức xấu ác của Bồtát. Đã biết rồi thì phải lánh xa hạng tri thức xấu ác ấy.