增 壹 阿 含 經
KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
Đông Tấn Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hiệu Đính: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
PL 2541 – TL 1997
TẬP I
VIII. PHẨM A-TU-LA
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có thân hình to lớn không ai hơn vua A-tu-la. Tỳ-kheo nên biết, thân hình A-tu-la, cao lớn tám vạn bốn ngàn do tuần, miệng rộng một ngàn do tuần. Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc này là lúc vua A-tu-la muốn xâm phạm mặt trời, liền hóa thân lớn gấp đôi mười sáu vạn tám ngàn do tuần, đến trước mặt trời, mặt trăng. Vua Nhật Nguyệt trông thấy, ai nấy sợ hãi, ở chỗ mình không an ổn. Vì sao thế? Vì thân hình A-tu-la rất đáng sợ. Vua Nhật Nguyệt kia vì sợ hãi nên không phát ra ánh sáng nữa. Nhưng A-tu-la chẳng dám tới trước bắt mặt trời, mặt trăng. Vì cớ sao? Oai đức của Nhật Nguyệt có thần lực rất lớn, thọ mạng rất dài, nhan sắc đoan chánh, hưởng vui sướng vô cùng. Muốn biết thọ mạng dài ngắn, thì tuổi thọ của Nhật Nguyệt trụ một kiếp. Hơn nữa phước đức chúng sanh ở đây trợ giúp, khiến vua Nhật Nguyệt không bị A-tu-la thấy để xúc não.
Bấy giờ A-tu-la ôm lòng buồn lo mà biến mất. Như vậy, này các Tỳ-kheo, tệ ma Ba-tuần luôn ở sau lưng các Thầy, tìm phương tiện làm hư hỏng căn lành. Ba-tuần liền hóa ra những sắc, tiếng, mùi, vị, xúc chạm, và pháp cực kỳ huyền diệu lạ lùng, muốn làm mê loạn ý các Tỳ-kheo. Ba-tuần nghĩ rằng: “Ta sẽ bắt được cơ hội thuận tiện về tai, mũi, miệng, thân, ý”. Bấy giờ, Tỳ-kheo tuy thấy pháp lực tình cực diệu, tâm vẫn không nhiễm trước. Bấy giờ tệ ma Ba-tuần ôm lòng buồn lo rồi lui đi. Vì sao thế? Ðó là do oai lực của Như Lai, bậc A-la-hán. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, vì chẳng gần sắc, tiếng, mùi, vị, xúc và pháp.
Bấy giờ Tỳ-kheo thường học điều này: Nhận sự tín cúng của người thật là rất khó, nếu không thể tiêu hóa thì sẽ rơi vào năm đường, không đến được đạo Vô thượng Chánh chân, cần nên chuyên ý, người chưa được hãy được, chưa đắc hãy đắc, người chưa độ hãy độ, người chưa chứng hãy dạy dỗ khiến cho thành tựu quả chứng.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu chưa được tín thí thì chớ khởi nghĩ tưởng, đã được tín thí thì tiêu hóa ngay, chớ khởi nhiễm trước. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, sẽ làm nhiều lợi ích cho người, đem an ổn đến cho chúng sanh, thương xót những người ngu tối, muốn khiến cho Trời, Người được phước đức. Thế nào là một người? Nghĩa là Đức Phật, Như Lai, bậc A-la-hán Tam-miệu-tam-bồ-đề. Ðó là một người xuất hiện ở đời, làm nhiều lợi ích cho người, đem an ổn đến cho chúng sanh, thương xót người ngu tối, muốn khiến cho Trời, Người được phước đức.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có một người nhập đạo trong thế gian và cũng sẽ có Nhị đế, Ba cửa giải thoát, chân pháp Tứ đế, Ngũ căn, Sáu tà kiến tiêu diệt. Thất giác ý của hiền thánh, Tám đạo phẩm, Chín nơi cư trú của chúng sanh, Mười lực của Như Lai, Mười một từ tâm giải thoát liền xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, liền có một người nhập đạo trong thế gian, cũng có Nhị đế, Ba cửa giải thoát, chân pháp Tứ đế, Ngũ căn, Sáu tà kiến tiêu diệt, Bảy giác chi (ý) của Hiền Thánh, Tám đạo phẩm, Chín nơi cư trú của chúng sanh, Mười lực của Như Lai, Mười một từ tâm giải thoát liền xuất hiện ở đời. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường khởi lòng cung kính đối với Như Lai, cũng nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở đời. Thế nên, các Tỳ-kheo nên có lòng tin đối với Phật, chớ có nghiêng lệch. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt. Bấy giờ kẻ phàm ngu, vì bị cái thấy vô minh này trói buộc, những nẻo sanh tử chẳng biết như thật, xoa vần qua lại từ đời này đến đời sau, từ kiếp này đến kiếp khác, không cởi bỏ được. Nếu lúc đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời thì vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy nhớ thừa sự chư Phật. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có Ba mươi bảy phẩm xuất hiện ở đời. Thế nào là Ba mươi bảy phẩm? Nghĩa là Tứ ý chỉ, Tứ ý đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác ý, Bát chân hành liền xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường nên thừa sự Phật, và nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người mất hẳn ở đời, phần đông nhân loại ôm lòng buồn lo, Trời, Người đều mất bóng mát chở che. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người nếu mất hẳn ở đời, phần đông nhân loại ôm lòng buồn lo, Trời, Người đều mất bóng mát che chở. Vì sao thế? Nếu đức Như Lai diệt độ ở đời, Ba mươi bảy phẩm cũng lại diệt hẳn. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường cung kính Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời, bấy giờ Trời và Người đều được thấm nhuần ánh sáng, sẽ có lòng tin đối với giới, văn, thí, huệ. Ví như mùa thu, ánh trăng tròn đầy không có bụi vẩn, chiếu khắp mọi nơi. Ðây cũng như thế. Nếu đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Trời và Người sẽ được thấm nhuần ánh sáng, có lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ. Như mặt trăng tròn đầy chiếu khắp tất cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời. Bấy giờ Trời và Người sẽ đều đông đúc, chúng sanh ở ba đường ác liền tự giảm đi. Ví như cõi nước lúc có Thánh vương cai trị, nhân dân trong thành đó đông mạnh, nước láng giềng sẽ yếu sức hơn. Ðây cũng như thế. Nếu như Như Lai xuất hiện ở đời, ba đường ác sẽ tự giảm bớt. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy tin tưởng Phật. Thế nên này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có một người xuất hiện ở đời không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không có ai có thể sánh kịp. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ đều đầy đủ cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tu-la, ích, một đường,
Ánh sáng và tăm tối,
Ðạo phẩm, mất hẳn, tin,
Ðông đúc, không sánh bằng.