ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.4.2.4. Tụng phát huệ (trùng tụng về chuyện phát huệ)

(Kinh) Tức ư mộng trung kiến vô biên, giác lai tiện đắc lợi căn nhĩ. Ưng thị kinh giáo lịch nhĩ văn, thiên vạn sanh trung vĩnh bất vong. Dĩ thị Đại Sĩ bất tư nghị, năng sử tư nhân hoạch thử huệ.

()即於夢中見無邊覺來便得利根耳。應是經教歷耳聞千萬生中永不忘。以是大士不思議能使斯人獲此慧。

(Kinh: Liền trong mộng thấy vô biên thân, tỉnh giấc liền được tai nhạy bén. Từ đấy, kinh giáo thoảng qua tai, ngàn vạn đời sau mãi chẳng quên. Chính vì Đại Sĩ chẳng nghĩ bàn, khiến cho người ấy đắc huệ này).

Trước hết là phần Trùng Tụng, sau đó, kết lại lời dạy. Đấy là sức tổng trì sâu rộng của Đại Sĩ, có thể khiến cho kẻ độn căn trở thành lợi căn, kẻ ngu thành trí huệ. Vì thế gọi là “chẳng thể nghĩ bàn” (Đường Cao Tăng Truyện chép: Vào đời Tùy, ở chùa Cảnh Không tại Tương Châu, có Sầm xà-lê, họ Dương, người xứ Lâm Nguyên. Sư dựng gian nhà tụng kinh bên suối nơi núi Tán Cái ở phía Tây của chùa. Mỗi lần sư tụng kinh Kim Quang Minh, cảm tứ thiên vương đến nghe. Về sau, sư đọc kinh tạng, đều chẳng hề quên mất. Nay há chẳng đúng như vậy ư?)

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.5. Tụng chuyển ác tướng (trùng tụng về chuyện chuyển tướng ác)

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.5.1. Tụng trú dạ ác sự (trùng tụng về chuyện ác suốt ngày đêm)

(Kinh) Bần cùng chúng sanh cập tật bệnh, gia trạch hung suy, quyến thuộc ly. Thụy mộng chi trung tất bất an. Cầu giả quai vi, vô xứng toại.

()貧窮眾生及疾病家宅凶衰眷屬離。睡夢之中悉不安。求者乖違無稱遂。

(Kinh: Chúng sanh bần cùng và bệnh tật, nhà cửa hung suy, quyến thuộc lìa. Ngủ nghê luôn bị chẳng an lành. Cầu mong trái ý, chẳng thỏa lòng).

Ý nghĩa dễ hiểu.

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.5.2. Tụng tu nhân an lạc (trùng tụng về chuyện tu cái nhân để đạt được an lạc)

(Kinh) Chí tâm chiêm lễ Địa Tạng tượng, nhất thiết ác sự giai tiêu diệt, chí ư mộng trung tận đắc an, y thực phong nhiêu, thần quỷ hộ.

()至心瞻禮地藏像一切惡事皆消滅至於夢中盡得安衣食豐饒神鬼護。

(Kinh: Chí tâm chiêm lễ tượng Địa Tạng, hết thảy chuyện ác đều tiêu diệt, thậm chí trong mộng đều được  yên, cơm  áo  dư  dật, thần  quỷ  hộ).

“Y thực phong nhiêu” (áo cơm dư dật) là do quỷ thần làm chủ. Như sách thế gian viết: “Thiên Bình Lại chủ trì sự sung túc, Lạp Phán Quan chủ trì sự tiết kiệm”. Do nay chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái thánh tượng Địa Tạng thì áo cơm tăng nhiều, khiến cho người eo hẹp được dư dật, người thiếu khuyết được dồi dào.

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.6. Tụng an thủy lục (trùng tụng chuyện đi đường bộ lẫn đường thủy đều an ổn)

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.6.1. Tụng kinh lịch ác sự (trùng tụng những chuyện ác phải trải qua)   

(Kinh) Dục nhập sơn lâm cập độ hải, độc ác cầm thú, cập ác nhân. Ác thần, ác quỷ, tịnh ác phong, nhất thiết chư nạn, chư khổ não.

()欲入山林及渡海毒惡禽獸及惡人。惡神惡鬼並惡風一切諸難諸苦惱。

(Kinh: Muốn vào núi, rừng, và vượt biển, cầm thú độc ác, và người ác. Ác thần, ác quỷ, cùng gió dữ, hết thảy các nạn, các khổ não).

Kinh Diệu Tý nói về rắn độc, có một nanh, hai nanh, ba nanh, và bốn nanh khác nhau. Gặp rắn một, hai nanh thì nọc độc còn có thể trị được. Nếu ba nanh, chết nhiều, sống ít. Bốn nanh, chắc chắn chết, chẳng cứu được. “Ác nhân” là bọn trộm cướp, lục lâm, là lũ chặn đường cướp bóc. “Ác thần” tức hết thảy các vị thần ở núi non, sông ngòi, rừng sâu, tùy tiện ra oai tác quái. “Ác quỷ” tức loài quỷ La Sát ăn thịt người. “Ác phong” là gió lốc, sóng thần như trong kinh Thỉnh Quán Âm đã nói. Theo kinh Nhân Vương Bát Nhã, có sáu loại gió: Đen, đỏ, xanh, trời, đất, và lửa.  

Biệt Hành Sớ giảng: “Gió được gọi là đen vì rất đáng sợ”. Kinh Tăng Hộ chép: “Tật phong, mãnh lãng, một nịch, phá hoại, ngạ quỷ sở đạm, hiểm chi thậm hỹ!” (Gió mạnh, sóng dữ, chìm đắm, phá hoại, ngạ quỷ ăn nuốt, hiểm ác cùng cực). Những điều khác dễ hiểu!

3.3.1.2.2.2.2.4.2.2.6.2. Tụng xưng danh lợi ích (trùng tụng lợi ích do xưng danh)     

(Kinh) Đản đương chiêm lễ cập cúng dường, Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng, như thị sơn, lâm, đại hải trung, ưng thị chư ác giai tiêu diệt.

()但當瞻禮及供養地藏菩薩大士像如是山林大海中應是諸惡皆消滅。

(Kinh: Chỉ nên chiêm lễ và cúng dường, tượng Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ, như thế núi, rừng, và biển cả, các điều tai ác đều tiêu diệt).

Kinh Bảo Vũ chép: “Vân hà Bồ Tát như sư tử hống? Thí như sư tử hao hống chi thời, ác thú, dã can các ư phương xứ kinh hãi trì tẩu, nhất thiết ác thú vô năng tổn hoại” (Bồ Tát như sư tử rống là như thế nào? Ví như lúc sư tử gầm rống, hết thảy ác thú, linh cẩu ở các nơi đều kinh hãi, rảo chạy, hết thảy ác thú chẳng thể tổn hoại) là nói về chuyện này. Ứng Nghiệm Truyện chép: “Hơn năm trăm người từ ngoại quốc đến nước Sư Tử, giong thuyền sang Phù Nam[1]. Bỗng gặp gió lốc, đọa vào nước quỷ, sắp bị ăn sạch. Mọi người trong thuyền hoảng sợ, niệm Quán Âm. Trong đó có một sa-môn Tiểu Thừa chẳng chịu xưng danh. Quỷ chụp lấy sa-môn ấy, ông ta run rẩy, bắt chước mọi người xưng niệm, cũng được thoát nạn”. Quán Âm đã ứng nghiệm như thế, ngài Địa Tạng cũng lợi ích như thế. Vì thế, xưng danh, chiêm ngưỡng, lễ bái, các điều ác tiêu diệt.

3.3.1.2.2.2.2.4.2.3. Kết tụng, phổ cáo lưu bố (kết lại lời trùng tụng, bảo khắp mọi người lưu thông, truyền bá)

3.3.1.2.2.2.2.4.2.3.1. Khuyến thính Địa Tạng thần lực (khuyên hãy nghe thần lực của Địa Tạng)

(Kinh) Quán Âm chí tâm thính ngô thuyết. Địa Tạng vô tận bất tư nghị. Bách thiên vạn kiếp thuyết bất châu, quảng tuyên Đại Sĩ như thị lực.

()觀音至心聽吾說。地藏無盡不思議。百千萬劫說不周廣宣大士如是力。

(Kinh: Quán Âm chí tâm nghe ta nói. Địa Tạng vô tận chẳng nghĩ bàn. Trăm ngàn vạn kiếp nói chẳng trọn, rộng tuyên Đại Sĩ sức như thế).

“Chí tâm” như đã giải thích trong phần trước. Do vậy, khuyên chí tâm lắng nghe là vì: Sự đã là vô tận chẳng thể nghĩ bàn, nếu chẳng ngầm khế hợp Tam Đế đến tột cùng, há có thể thấu triệt cùng tột để hiểu cùng tận tạng sâu mầu của Đại Sĩ ư? “Vô tận” tức là Tam Đế trong Viên Giáo. Nếu nói “Sắc tức Không”, chẳng phải là Sắc diệt Không, mà là vô tận thuộc về Không của Viên Giáo. Nếu nói “hết thảy các pháp nhân duyên quả báo vô tận”, cho đến “thảy đều có thể dung chứa hết thảy Phật pháp, cho nên gọi là vô tận”; đấy là vô tận thuộc về Giả của Viên Giáo. Nếu nói “pháp dù tận hay bất tận đều là tướng vô tận”, tướng vô tận chính là Không. Không chính là chẳng có tận và bất tận. Vì thế biết “chẳng phải là tận, chẳng phải là vô tận” chính là ý nghĩa của vô tận thật sự; đấy là vô tận thuộc về Trung trong Viên Giáo. Vô tận như thế há có thể nghĩ bàn ư? Do đó, trăm ngàn vạn kiếp, vi trần nói, cõi nước nói, hăm hở nói, vẫn chẳng thể nói trọn hết chuyện ấy. Vì vậy, ta nay trong đại hội trời, rồng, vì họ rộng tuyên dương sức oai thần của ngài Địa Tạng như thế. Hai chữ “như thị” (như thế) cũng là nói về Tam Đế. Nếu không, làm sao có thể hiển lộ các thứ nhân duyên của Địa Tạng Bồ Tát, không gì chẳng phải chính là Không, Giả, Trung. Vì thế, chẳng đáng gọi là “sức chẳng thể nghĩ bàn như thế” ư?

3.3.1.2.2.2.2.4.2.3.2. Tổng tụng văn chiêm lợi lạc (trùng tụng  chung  về chuyện thấy nghe được lợi lạc)

(Kinh) Địa Tạng danh tự nhân nhược văn, nãi chí kiến tượng chiêm lễ giả, hương, hoa, y phục, ẩm thực phụng, cúng dường bách thiên thọ diệu lạc. Nhược năng dĩ thử hồi pháp giới, tất cánh thành Phật siêu sanh tử.

()地藏名字人若聞乃至見像瞻禮者香華衣服飲食奉供養百千受妙樂。若能以此迴法界畢竟成佛超生死。

(Kinh: Nếu ai được nghe danh Địa Tạng, cho đến thấy tượng bèn chiêm lễ, cúng hương, hoa, y phục, thức ăn, sẽ hưởng diệu lạc trăm ngàn kiếp. Công đức nếu hồi hướng pháp giới, rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử).

Bốn câu đầu nhằm tổng kết những chuyện như nghe danh hiệu, chiêm ngưỡng tượng v.v… ắt được hưởng trọn sự vui mầu nhiệm trong đường trời, người. Hai câu sau, kết lại “nếu đem [công đức của] những điều trên đây hồi hướng pháp giới, ắt sẽ siêu sanh tử thành Phật, do trọn đủ bốn lợi ích Tất Đàn”. Vì cớ gì vậy? Do danh hiệu Địa Tạng v.v… là vì thế giới mà nói phân biệt, có thể khiến cho chúng sanh được lợi ích Hoan Hỷ. Nếu ai nấy đều vì người khác mà nói danh tướng v.v… sẽ có thể khiến cho mọi người được lợi ích Sanh Trưởng Điều Thiện. Nếu năm tướng suy của chư thiên hiện ra, cho đến kẻ bôn ba nơi đường hiểm mà xưng danh, lễ tượng, sẽ chuyển tai họa thành cát tường, [tức là] có thể khiến cho mọi người đạt được lợi ích Phá Ác. Nếu dùng những chuyện trên đây để hồi hướng Đệ Nhất Nghĩa Đế, sẽ có thể khiến cho người khác được lợi ích Nhập Lý.

Nhưng mỗi điều đều hồi hướng cho pháp giới, ấy là vì Địa Tạng chỉ có danh tự. Tánh của danh tự là Không, chẳng trụ trong, ngoài, chặng giữa, nhưng hóa hiện hình bóng. Tánh của hình tượng cũng là lìa, giống như hình tướng trong gương, hay hoa đốm trên hư không. Cúng dường những thứ như hương, hoa v.v… thì Thể của chúng là nhân duyên, chẳng lìa Trung Đạo Phật Tánh. Hưởng diệu lạc trong trăm ngàn kiếp, Thọ Ấm rỗng tuếch, rốt cuộc chẳng có người thọ, đều là do sức của hồi hướng pháp giới. Vì thế, sách Ma Ha Chỉ Quán nói: “Nếu suy lường một pháp, liền hiểu thấu pháp giới, thấu đạt tột cùng, rốt ráo theo chiều dọc lẫn chiều ngang, Lý Sự trọn đủ, thượng cầu, hạ hóa đều trọn đủ trong ấy, thì mới gọi là phát Bồ Đề tâm. Bồ Đề là Đạo, Đạo có thể thông đạt bờ kia theo chiều ngang lẫn chiều dọc, gọi là Phát Tâm Ba La Mật”. Vì thế, rốt ráo được thành tựu Pháp Thân Phật của Viên Giáo, vĩnh viễn vượt thoát Phần Đoạn và Biến Dịch Sanh Tử. Do đó, cần phải mỗi mỗi đều hồi hướng pháp giới!

3.3.1.2.2.2.2.4.2.3.3. Kết khuyến Quán Âm cáo bố (kết lại, khuyên Quán Âm bảo ban, lưu truyền)

(Kinh) Thị cố, Quán Âm nhữ đương tri. Phổ cáo Hằng sa chư quốc độ.

()是故觀音汝當知。普告恆沙諸國土。

(Kinh: Vì thế, Quán Âm hãy nên biết. Bảo khắp Hằng sa các quốc độ).

“Thị cố” (vì thế): Thừa tiếp ý nghĩa của tám sự việc được nói trên đây, ý nói: Vô tận chuyện chẳng thể nghĩ bàn như thế, nếu chẳng phải do chính bản thân ông, Quán Âm, thì [người khác] làm sao có thể biết được? Sao có thể nói được? Vì thế, khuyên ông hãy nên bảo ban trọn khắp. Nói “phổ cáo” (bảo ban trọn khắp) tức là hãy nên lưu truyền khắp chín pháp giới. Nói “chư quốc” tức là há hạn cuộc trong cõi Đồng Cư ư? Do vậy biết: Pháp môn Địa Tạng bao trùm pháp giới, không gì ra ngoài, tột cùng chiều dọc, trọn khắp chiều ngang, đều cùng quy hướng.

***

[1] Phù Nam (Nokor Phnom, nghĩa là “thành đô trên núi”) là một quốc gia cổ ở Đông Nam Á, thuộc địa bàn của Nam Việt Nam, phía Nam Cao Miên. Thời cực thịnh, vương quốc này bao gồm cả phần lớn phía Nam Thái Lan. Quốc gia này tồn tại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu, kinh đô là Vyādhapura, tôn Bà La Môn giáo làm quốc giáo. Sử Trung Hoa chép Phù Nam có nền thương mại rất phồn thịnh và giao thương với các xứ Ấn Độ, do có nhiều sản vật quý như vàng, bạc, đồng, sắt, trầm hương, ngà voi, chim két năm màu, đậu khấu v.v… Di chỉ Óc Eo tại Việt Nam cho thấy Phù Nam đã giao thương với nhiều nước, vì trong số các cổ vật, có cả tiền cổ của La Mã. Sử Trung Hoa chép nữ vương khai quốc tên là Liễu Diệp (Neang Nak Soma). Về sau, có một người tên là Hỗn Điền (Kaundinya Preah Thong) người xứ Kiểu Quốc đem binh thuyền tấn công. Liễu Diệp đem thủy quân nghênh chiến, Hỗn Điền dùng cung tên bắn xuyên qua thuyền của nữ vương. Nữ vương thua trận, phải lấy Hỗn Điền làm chồng. Hỗn Điền trở thành quốc vương thứ hai. Theo sử Trung Hoa, đến thế kỷ thứ sáu, quốc vương Chân Lạp (Chenla, vốn là một thuộc quốc của Phù Nam) là Ba Phạt Bạt Nam (Bhavavarman) dấy binh, đánh bại Phù Nam, biến Phù Nam thành thuộc quốc của Chân Lạp. Thái tử xứ Phù Nam phải lưu vong, chạy sang Java, lập ra vương triều Sơn Đế (Śailēndra). Tuy thế, các nhà nghiên cứu bác bỏ thuyết này, cho rằng vương triều Sơn Đế có cùng danh xưng với các vua Phù Nam chỉ là chuyện trùng hợp.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ