KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN TRUNG
Phẩm 9: THANH VĂN
Phật bảo A-nan:
–Vì sao Như Lai khen ngợi Bồ-tát là Thanh văn? Vì Bồ-tát Đại sĩ khai mở, dẫn dắt vô số người không thể tính kể, khiến họ được nghe Phật pháp, phân biệt kinh sách, nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát giúp họ nghe Phật đạo là thanh tịnh, không buông lung nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát còn giúp họ nghe pháp cam lộ an lạc vô vi, làm cho Căn, Lực, Giác ý, ý dừng ý dứt đầy đủ các việc ấy mau đạt đến trí tuệ giác ngộ nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát cũng giúp họ đạt được Không tuệ, thân không bền chắc. Những hạng chúng sinh ám độn mê muội bị phiền não che lấp không thể lãnh hội được. Vì sao? Nên biết rằng tham đắm thân mình, gồm có các nhập, như mắt có là vì có sắc, xét rõ như thế thì được mắt Phật, mắt ấy thấy khap chẳng thể suy nghĩ bàn luận. Mắt không có chỗ nương tựa, rốt ráo mắt này đạt được tất cả các pháp, nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát xem các pháp ấy như là tiếng gọi của âm vang, không được chấp vào tiếng, không có người nói, cũng chẳng có người nghe. Không có mùi mà tưởng là có mùi nên cũng không có ngửi. Ví như có người nằm ngủ thấy mình trong giấc chiêm bao được ngửi đủ loại mùi nhưng thật ra thì không có mùi nào cả, đó chỉ là sự nhận lầm do tư tưởng tạo ra. Tất cả các thứ mùi mà con người được ngửi, đều ví như giấc mộng chẳng có gì là lâu bền cả. Người đã hiểu rõ được âm thanh ấy thì gọi là Thanh văn.
Đối với vị của lưỡi thì vị ấy cũng là không. Như cục thịt thì được gọi là lưỡi, người trí biết rõ không bị vị làm lầm. Ví như chùm bọt nước, để lìa các luận nên không thể ví dụ. Kẻ sáng suốt xem xét sự việc liền hiểu là không thật có và chẳng thể được. Còn kẻ giữ chặt cái ý tưởng chấp đắm về mùi vị thì sẽ gây ra tội ác không nghĩ về sáu giới để phân biệt vị tâm được rộng mở, ý không buông lung. Người đã tỏ rõ về điều ấy thì tâm tưởng vô vi, thảy đều nhận rõ, tức là nghĩa, đã nghe, nghe được pháp Không này nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát hiểu rõ các nhập, thấu đạt điều đó là không thì thân tự nhiên vắng lặng, không hề có pháp nào sinh, mà không biết chỗ sinh vô sinh, bất sinh chính là đạo Thánh, nên gọi là Thanh văn. Nếu pháp đã nghe đều không thật có, hiểu thân tự nhiên không sinh, không diệt nên gọi là Thanh văn.
Bồ-tát nghe việc bố thí là để thực hành chánh pháp, không thể suy nghĩ bàn luận, Đức Phật đã đi trên con đường này mà đạt đến Phật đạo. Bồ-tát khởi tâm bố thí nhưng không hề thấy là mình có khởi tâm, đi theo nẻo vô ý mong đạt đến trí tuệ Phật. Vì sao? Vì như có người trồng cây thì chắc chắn sẽ hái được quả, nhưng cũng chẳng thấy có quả. Âm thanh nói quả, nghe bố thí y phục, thức ăn, tính kể vật bố thí, thí cho rất ít. Tất cả sự thí xả thì pháp thí là hơn hết.
Bồ-tát trong khi bố thí không hề tham tiếc, cũng không mang cái ý tưởng là mình có bố thí, tuy có người chịu ân huệ nhưng không được mong cầu, ví như người huyễn hóa không có tâm ý, cũng chẳng có nhớ nghĩ.
Bồ-tát muốn trở thành người tu hành thì không được có ý tưởng mình là người bố thí. Vì sao? Vì bố thí không mong cầu thì mới thuận hợp với đạo pháp, nên gọi là Thanh văn.
Lìa các âm thanh cùng tất cả bụi bặm đều không còn gì để nghe được. Lìa các pháp hữu vi, vì không thể dùng âm thanh để nghe nhận Phật pháp, phải nhận biết mọi tiếng vang đều không có chỗ nương tựa. Vì sao? Vì tiếng được tạo ra nhờ hai yếu tố, tuy có hai yếu tố ấy hợp lại nhưng thực ra là không có thật, chỉ do nhân duyên nên thành ra có hai yếu tố ấy. Vì nhằm để giáo hóa con người nên phải dùng đến Pháp âm, nên gọi là Thanh văn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Khiến cho vô số người
Nghe được pháp vô niệm
Nên gọi là Thanh văn
Bồ-tát luôn mạnh mẽ.
Nghe được đạo vắng lặng
An nhiên, không buông lung
Vô lượng người nghe pháp
Nên gọi là Thanh văn.
Nghe điềm nhiên an ổn
Mọi dục lạc không đắm
Nên gọi là Thanh văn
Đến vắng lặng vô vi.
Nghe được Giác, Căn,
Lực Đầy đủ ý đoạn dứt
Tự rốt ráo việc ấy
Nên gọi là Thanh văn.
Nghe thân vốn là không
Chẳng thể được bền chắc
Kẻ ngu si quyến luyến
Nên cần phải hiểu rõ.
Hai mắt không thấy gì
Không nghe cũng như vậy
Chúng sinh bị kiến chấp
Che lấp, chẳng rõ ràng.
Nếu đạt được mắt Phật
Diệu dụng chẳng nghĩ bàn
Thấu đạt thảy là không
Khai hóa kẻ mê tối.
Vô số người nghe kinh
Các pháp không có sinh
Do đấy được gọi tên
Xưng hiệu là Thanh văn.
Không có điều nghe, nhận
Cũng như tiếng vang gọi
Chẳng thấy có người nói
Cũng lại không người nghe.
Sở dĩ gọi Thanh văn
Khiến mọi người nghe, nhận
Rõ gốc chẳng có nghe
Không bị tiếng mê hoặc.
Ví như người nằm mộng
Được ngửi vô số hương
Thức giấc chẳng có gì
Rõ toàn ngửi hư không.
Rõ hương cũng như thế
Không hề có ngửi hương
Vô số kẻ thất chí
Bồ-tát chỉ đường sáng.
Lưỡi cũng không nơi dựa
Cục thịt chẳng biết vị
Ví phỏng rõ được vị
Lưỡi cũng sẽ nhận rõ.
Không nương các tưởng này
Đẹp cho là hung dữ
Sáu giới chẳng nên nghĩ
Nhận rõ các thứ vị.
Bồ-tát rất mạnh mẽ
Mắt nhìn phân biet được
Nhân nghe mà đạt pháp
Nên gọi là Thanh văn.
Tự nhận rõ thân mình
Thảy đều không, tự nhiên
Rõ được hư vô này
Ắt không khởi, không sinh.
Nếu không có phát khởi
Thì hiểu Thánh đạo này
Giúp chúng sinh nghe pháp
Nên gọi là Thanh văn.
Chấp thân, lời vốn tịnh
Không thân, chẳng thật có
Như thế chẳng có người
Nghe đó là Thanh văn.
Giống như huyễn hóa sinh
Diệt hết thời cũng không
Nếu có thấy hình tướng
Rõ ấy là Thanh văn.
Hạnh nghe việc bố thí
Pháp thí chẳng nên nghĩ
Theo đúng con đường Thánh
Mới thành tựu Phật đạo.
Tùy cội gốc gieo trồng
Được quả cũng như thế
Thí chẳng thể nghĩ bàn
Thành đạo lớn: vô niệm.
Thí cơm áo phước mỏng
Pháp thí cao rộng hơn
Không hề có tiếc rẻ
Đó là đường tuệ Thánh.
Tâm không hề vọng tưởng
Bố thí không đắm trước
Người bố thí như thế
Mau được thành Phật đạo
Dứt bỏ mọi vọng tâm
Tai không chấp chỗ nghe
Vượt qua mọi giả hợp
Nên gọi là Thanh văn.
Do gọi có tiếng vang
Giả sử không đắm tiếng
Thì đối các bậc Thánh
Phật pháp không gì hơn.
Những người không nghe tiếng
Tất cả không nương tựa
Không hai, không giơi hạn
Xướng âm có Thanh văn.
Vô số Phật nói pháp
Khiến người nghe tiếng pháp
Coi chỗ nghe như vang
Người vui thành Phật đạo.
Khéo đến các cõi Phật
Điều nghe chẳng vọng loạn.
Hiểu mọi cõi bình đẳng
Thế Tôn không ai hơn.
Thấu đạt khắp tam thiên
Chỗ trụ như hư không
Cõi tịch bao người nương
Nếu Nê-hoàn không tướng
Người đời hay chấp trước
Chỗ dựa có bốn đại
Thảy đều là hư không
Nê-hoàn là nghĩ tưởng.
Rõ mọi loài như vậy
Biết chẳng thể bền chắc
Vốn không có sinh tử
Chẳng diệt, hết phiền não.
Muôn vật chẳng rốt ráo
Coi người chẳng thật có
Các pháp ấy vắng lặng
Chưa hề thấy các cõi.
Khiến mọi người nghe được
Sớm tối cũng như thế
Không khởi các vọng niệm
Ta hóa độ nhân gian.
Khiến người được nghe pháp
Như thế là đệ tử
Học rộng, không học rộng.
Nên khen là Thanh văn.
Kẻ dũng nhớ chuyện cũ
Nghe nhận pháp tối thượng
Xem kinh không phân biệt
Hết thảy tất cả pháp.
Âm thanh giảng rõ ràng
Cứu độ tất cả hội
Nói pháp vì chúng sinh nghe
Đó chính là Thanh văn.
Giảng về cõi vô vi
Thanh tịnh chẳng buông lung
Quán kỹ không nói pháp
Phật pháp cũng như vậy.
Thấy pháp chẳng xa cách
Điều Phật luôn khen ngợi
Pháp ấy cũng chẳng gần
Do đó không nương tựa.
Cho nên bảo đệ tử
Nghe, vâng theo lời dạy
Giáo hóa độ chúng sinh
Khiến họ được nghe pháp.
A-nan! Ta vì thế
Giảng nói độ Thanh văn
Tạm gọi là đệ tử
Đều Bồ-tát, Đại sĩ.
Phật bảo A-nan:
–Cho nên Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác khen ngợi Bồ-tát là Thanh văn. Nên biết ý nghĩa ấy cũng là phương tiện khéo léo.
KINH PHẬT THUYẾT A-DUY-VIỆT TRÍ GIÀ