Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả
CHƯƠNG XI: TÁN THÁN NIỆM PHẬT
Đoạn văn diễn bày: Đối chiếu các pháp tu Tạp thiện để tán thán pháp Niệm Phật.
Trong “kinh Quán Vô Lượng Thọ” ghi rằng: “Nếu người nào niệm Phật nên biết người ấy là hoa Phân-đà-lợi (Hoa sen trắng trăm cánh quý hiếm) trong loài người; Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí là những thân hữu tối thắng, đến khi xả bỏ thân mạng được sanh vào nhà chư Phật (Cực Lạc), hội nhập đạo tràng Tịnh Độ”.
Trong “Quán Kinh Sớ” ghi rằng: Từ thời điểm niệm Phật cho đến khi được sanh vào nhà chư Phật đến nay, người ấy đã biểu hiện Niệm Phật Tam-muội với công đức siêu tuyệt, chẳng phải những công đức tu tập Tạp thiện mà có thể so sánh được. Ý nghĩa này xác minh năm điểm:
– Thứ nhất, xác minh về sự tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.
– Thứ hai, xác minh rằng, chỉ tán thán người nào tinh chuyên niệm Phật.
– Thứ ba, xác minh người nào niệm Phật không gián đoạn, thì người ấy rất hy hữu không có đối tượng để so sánh, nên dùng hoa Phân-đà-lợi để ví dụ. Được gọi “Phân-đà-lợi” là “Hoa đẹp” nổi tiếng trong cõi người, cũng là “Hoa hy hữu, Hoa đẹp hạng thượng thượng, Hoa đẹp tuyệt diệu” trong cõi người. Tương truyền hoa này được gọi là “Thái Hoa”. Qua đây, “Người nào niệm Phật” chính là người “Hiền thiện” trong cõi Người, cũng là “Người hiền thiện hạng thượng thượng, Người hiền thiện tuyệt diệu, Người hy hữu, Người tối thắng” trong cõi Người.
– Thứ tư, xác minh rằng, người nào tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường thân cận bảo hộ giống như Bạn hữu tri thức.
– Thứ năm, xác minh rằng, khi đang sống hành giả niệm Phật đã được lợi ích như thế, đến khi xả bỏ thân mạng lại được sanh về nhà chư Phật – tức cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Khi đã về đây, hành giả luôn được nghe pháp và đi cúng dường chư Phật khắp cả mười phương; cứ như thế cho đến thời điểm nhân quả tròn đầy, an trú đạo tràng Tịnh Độ dài lâu.
Hỏi thêm rằng: Trong “Quán Kinh” ghi: “Nếu người nào niệm Phật thì nên biết người ấy v.v…” đây là câu tóm tắt nói về người niệm Phật để tán thán họ; vậy, ý người giải thích như thế nào, khi nói: “Chẳng phải những công đức tu tập Tạp thiện mà có thể so sánh được”, tức nêu lên các “Pháp Tạp Thiện” để đối chiếu, rồi chỉ tán thán “Pháp Niệm Phật”?
Đáp: Ngôn từ đoạn văn ấy tuy súc tích nhưng ý nghĩa thì đã quá rõ. Bởi lẽ, trong nội dung của “Quán Kinh” đã trình bày về Định thiện, Tán thiện và pháp Niệm Phật, trong nội dung này, tiêu đích duy nhất vẫn chỉ là pháp Niệm Phật và được ví dụ như hoa Phân-đà-lợi. Do thế, đâu cần phải đem Tạp thiện để đối chiếu nhằm xiển dương công đức Niệm Phật là siêu tuyệt so với các pháp tu thiện khác! Nhưng mà, “Người niệm Phật chính là Người hiền thiện trong cõi Người”, là đối chiếu với người ác nhằm xiển dương người thiện; được gọi “Người hiền thiện hạng thượng thượng trong cõi Người” là đối chiếu với hạng hạ hạ để tán thán; được gọi “Người hiền thiện tuyệt diệu trong cõi Người” là đối chiếu với hạng thô ác để khen ngợi; được gọi “Người hy hữu trong cõi Người” là đối chiếu với hạng tầm thường để xưng tụng; được gọi “Người tối thắng trong cõi Người” là đối chiếu với hạng tối hạ liệt để tôn xưng.
Hỏi: Đã gọi Niệm Phật là “Hạng thượng thượng”, tại sao không nói người niệm Phật chỉ vãng sanh về phẩm Thượng Thượng mà còn nói vãng sanh về phẩm Hạ Hạ?
Đáp: Há ở trước không nói: “Người tu pháp Niệm Phật thì sẽ sanh về trong phạm vi Chín phẩm” hay sao?- Nghĩa là, ở trước đã trích dẫn trong “Vãng sanh Yếu Tập” rằng: “Tùy sự tu tập của mỗi người hoặc thù thắng hay hạ liệt thì sẽ sanh về một trong Chín phẩm tương xứng”. Thêm nữa, người phạm tội rất nặng là Ngũ nghịch, có thể nhờ Niệm Phật để diệt tội mà sanh vào phẩm Hạ bậc Hạ, còn các pháp tu khác thì không có năng lực ấy; bởi lẽ, duy nhất chỉ có năng lực Niệm Phật mới trừ diệt được các tội lỗi rất nặng; do vậy, vì đối chiếu với người cực ác tối hạ nên mới nói có pháp tu cực thiện tối thượng. Tương tợ, như cơn bệnh vô minh cội rễ kia ngoài kho thuốc “Trung đạo” ra, không có bất cứ một loại thuốc nào có thể chữa trị được; giờ đây, cơn bệnh cực nặng Ngũ nghịch cội rễ này cũng chỉ nhờ kho thuốc Niệm Phật, ngoài kho thuốc Niệm Phật ra, chẳng có một loại thuốc nào chữa trị bệnh ấy được. Do thế, trong “Nhị Giáo Luận”, Đại sư Hoằng Pháp đã trích dẫn “kinh Lục Ba La Mật” rằng: “Thứ ba là Pháp Bảo, nghĩa là, trong quá khứ vô lượng chư Phật đã thuyết giảng Chánh pháp, hôm nay Ta tiếp tục giảng gồm tám vạn bốn ngàn các pháp nhiệm mầu uẩn áo, giúp những chúng sanh có duyên điều phục và thuần thục tâm tánh của mình, trong đó kể cả các đại Đệ tử của Ta như A-nan-đà v.v… các vị này chỉ được nghe qua một lần là ghi nhớ và hành trì không sai sót. Nội dung được thuyết giảng ấy gồm Năm tạng: Thứ nhất, Tố-đát-lãm1; thứ hai, Tỳ-nại-da2; thứ ba, A-tỳ-đạt-ma3; thứ tư, Bát-nhã Ba-la-mật4; thứ năm, Đà-la-ni5. Năm loại tạng này để giáo hóa chúng sanh, tùy theo căn cơ của từng hạng để thuyết giảng cho họ. Nếu hạng người nào thích chốn núi rừng sống cuộc đời yên tĩnh để tu Thiền định, thì thuyết giảng cho họ về tạng Tố-đát-lãm. Nếu hạng người nào thích tu luyện Oai nghi, hộ trì Chánh pháp, tạo sự hòa hợp nhất quán trong chúng Tăng để Phật pháp trú thế lâu dài, thì thuyết giảng cho họ về tạng Tỳ-nại-da. Nếu hạng người nào thích thuyết giảng Chánh pháp và tìm hiểu tánh tướng đến chỗ rốt ráo sâu xa, thì thuyết giảng cho họ về tạng A-tỳ-đạt-ma. Nếu hạng người nào thích tu tập trí tuệ chân thật Đại thừa, lìa xa chấp thủ phân biệt Ngã-Pháp, thì thuyết giảng cho họ về tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Nếu hạng người nào không thể thọ trì khế Kinh, Giới-Luật, Luận, Bát-nhã; hoặc hạng người tạo nhiều ác nghiệp, như Tứ trọng, Bát trọng, Ngũ Vô gián, phỉ báng Kinh điển Đại thừa, Nhất-xiển-đề v.v… muốn đoạn tận các tội lỗi sâu nặng ấy, để sớm được giải thoát an trú Niết-bàn, thì thuyết giảng cho họ về tạng Đà-la-ni. Năm tạng Phật pháp này dụ như Sữa (Nhủ), Sữa cô (Lạc), Cờ-rem (Sanh tô), Bơ (Thục tô) và Phô-mát ngon bổ (Đề-hồ). Khế Kinh như Sữa, Giới-Luật như Sữa-cô, Luận như Cờ-rem, Bát-Nhã như Bơ, Mật giáo như Đề-hồ. Mùi vị của Đề-hồ xuất phát từ Sữa, Sữa cô,… chứa mùi vị vi diệu bậc nhất có thể đoạn trừ tất cả bệnh tật, giúp thân tâm con người được an lạc. Mật giáo xuất phát từ khế Kinh, Giới-Luật v.v… là giáo pháp tối thượng bậc nhất, có thể đoạn tận các tội lỗi sâu dày giúp chúng sanh giải thoát sanh tử, sớm chứng Niết-bàn đạt Pháp thân an lạc.” Trong này, tội Ngũ Vô gián chính là tội Ngũ nghịch, nếu không có vị thuốc vi diệu Đề-hồ thì bệnh Ngũ vô gián rất khó trị liệu. Pháp Niệm Phật cũng tương tợ như thế, trong giáo nghĩa tu tập vãng sanh thì Niệm Phật Tam-muội giống như Đà-la-ni (Mật giáo), cũng giống như Đề-hồ, nếu không nhờ vị thuốc Đề-hồ Niệm Phật Tam-muội, thì bệnh tình sâu dày của Ngũ nghịch rất khó trị liệu. Hành giả cần hiểu rõ như thế.
Hỏi: Nếu như vậy, những người tạo tội nhẹ hơn, như Thập ác… tại sao phải khuyên họ niệm Phật?
Đáp: Niệm Phật Tam-muội vốn đã tận diệt tội nặng, huống gì tội nhẹ! Tu tập các pháp khác thì không như thế, có thể diệt trừ tội nhẹ mà không thể diệt trừ tội nặng, có thể chỉ diệt trừ một tội mà không thể diệt trừ hai tội. Còn pháp Niệm Phật dù tội nhẹ hay tội nặng đều bị diệt trừ; nghĩa là, tất cả tội lỗi không có tội nào là không được đoạn trừ, tương tợ như vị thuốc A-già-đà6 luôn trị lành hết thảy bệnh tật. Do thế, pháp Niệm Phật là vua của hết thảy Tam-muội (Chánh định). Qua đây, phối xét từng trường hợp vãng sanh với Chín phẩm, thì hạng Ngũ nghịch hồi tâm niệm Phật sẽ có thể vãng sanh lên phẩm Thượng bậc Thượng; hạng tu tập các diệu hạnh cũng có thể vãng sanh xuống phẩm Hạ bậc Hạ; hạng phạm tội nhẹ như Thập ác…, hay phá Giới nhẹ đều có thể vãng sanh từ bậc Hạ lên bậc Thượng; hạng phát tâm Bồ Đề, thông hiểu Nghĩa đệ nhất cũng có thể vãng sanh từ bậc Thượng xuống bậc Hạ. Nghĩa là, một pháp vãng sanh đều sẵn đủ Chín phẩm, nên phẩm vãng sanh nếu nói tóm tắt thì có đến 91 phẩm. Với ý nghĩa này, Đại sư Ca Tài bảo: “Sự tu tập của chúng sanh thì có ngàn pháp, hành giả vãng sanh cũng có vạn phẩm”. Do thế, khi gặp một đoạn văn nói về vãng sanh thì đừng cố chấp.
Như thế, pháp Niệm Phật chính là hạnh tu tối thắng. Vì thế, mới dùng hoa Phân-đà-lợi làm tỷ dụ, với dụ này hành giả cần ghi nhận kỹ ý nghĩa sâu kín ấy. Thêm nữa, hành giả niệm Phật lại được hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí luôn thân cận bảo hộ như bóng theo hình, không giây phút rời xa, còn tu tập các pháp khác thì không được như thế. Thêm nữa, người niệm Phật sau khi xả bỏ thân mạng nhất định được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, còn tu tập các pháp khác thì không nhất định.
Xét về năm điểm phước đức tốt đẹp vừa trình bày ở trên, trong đó luôn được sự bảo hộ của hai vị Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí, đây là “Sự lợi ích trong hiện tại”; bên cạnh, khi được vãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc, đến khi thành tựu quả vị Phật Đà, đây là “Sự lợi ích trong tương lai”.
Lại nữa, Thiền sư Đạo Xước đã kiến lập “Hai sự lợi ích đầu và cuối” của hạnh tu Niệm Phật. Trong “An Lạc Tập”ghi rằng: Những người tinh chuyên niệm Phật không gián đoạn, khi thọ mạng kết thúc, chắc chắn được vãng sanh, đây gọi là “Sự lợi ích đầu”. Được gọi là “Sự lợi ích cuối” theo “kinh Quán Âm Thọ Ký” bảo rằng: Đức Phật A Di Đà trú thế rất dài lâu, trải qua vô số kiếp; tuy vậy, cũng có thời điểm Ngài diệt độ-Bát Niết-Bàn; duy chỉ hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí vẫn trú thế cõi An Lạc để tiếp dẫn tất cả chúng sanh trong mười phương, sự trú thế của hai Bồ Tát có thời gian tương đương với đức Di Đà. Dù vậy, hết thảy chúng sanh trong thế giới Ta Bà hầu hết không ai thấy được đức Phật Di Đà, duy nhất chỉ có một hướng, đó là thuần nhất xưng niệm danh hiệu của Ngài để được vãng sanh, thì luôn được thấy Ngài; vì rằng, hiện nay Ngài chưa diệt độ, đây chính là “Sự lợi ích cuối vậy”.
Tóm lại, chúng ta nên ghi nhận rõ, hành giả niệm Phật thì “Đời hiện tại và tương lai” sẽ đón nhận “Hai sự lợi ích đầu và cuối” như đã trình bày trên.