1. KHÁI QUÁT CHỮ VIẾT TÂY TẠNG

Chữ Tây Tạng được khởi xướng bởi vua Songtsen Gampo (Khí Tông Lộng Tán hay Tùng Tán Cán Bố, 617-699). Xuất phát từ việc ông lấy hai công chúa là tín đồ Phật giáo, hai người này được cho là hiện thân của Tara Xanh và Tara Trắng, và họ đã mang lại sự ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển Phật giáo tại đây. Songtsen Gampo nhận thức rằng cần phải có hệ thống chữ viết để xiển dương đạo Phật tại Tây Tạng. Vì lý do này, vào năm 632 ông đã cử tể tướng Thonmi Sambhota (Đoan Mỹ Tam Bồ Đề) cùng các môn sinh đến Kashmir (thuộc Tây Bắc Ấn Độ thời bấy giờ) để học Phạn văn. Thonmi đã học chữ Phạn từ vị thầy Devavidya-simha (Thiên Minh Sư Tử) [trong một số tài liệu khác thì lại ghi nhận rằng Thonmi đã sang Nalanda để học chữ Phạn]. Sau khi trở về nước Thonmi đã sáng chế ra chữ viết Tây Tạng.

Bảng chữ cái Tây Tạng hiện thời bao gồm:

– 30 phụ âm.
– 4 nguyên âm.
– Một số chữ bổ sung để viết tiếng Sanskrit.

Chữ viết Tây Tạng có nhiều biến thể như UchenUmeBamyik v.v. Hiện nay, kiểu Uchen là kiểu chữ chính dùng để ghi tiếng Tây Tạng. Các bảng sau thể hiện các chữ cái Uchen cùng với chữ Latin phiên theo kiểu Wylie mở rộng (xem tài liệu đính kèm). 

2. FONT CHỮ TÂY TẠNG

Các font chữ có chứa ký tự Tây Tạng không nhiều. Font Arial Unicode MS tuy có chứa các ký tự Tây Tạng, nhưng lại gặp sự cố khi thể hiện trên văn bản. Hiện nay, ba font chữ phổ biến được dùng để thể hiện chữ Tây Tạng là:

– Microsoft Himalaya
– Jomolhari
– Tibetan Machine Uni

Font Microsoft Himalaya là font của Microsoft và được tích hợp vào hệ điều hành Windows Vista, Windows 7 và Windows 8 

3. HỆ THỐNG PHIÊN CHỮ TÂY TẠNG SANG LATIN

Từ lâu các học giả phương tây đã thực hiện việc phiên chữ Tây Tạng sang dạng Latin để việc nghiên cứu, học tập thứ chữ này được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do tiếng Tây Tạng có âm đọc đa dạng và không tuân theo quy tắc cấu tạo chữ cố định, do đó họ gặp phải khó khăn đó là:

– Nếu phiên theo đặc tính kết hợp ký tự (diễn chữ) thì không thể hiện được cách phát âm.

– Nếu phiên theo đặc tính phát âm (diễn âm) thì không thể hiện được sự kết hợp ký tự.

Từ năm 1959 Wylie Turrell đã thành lập một hệ diễn chữ. Hệ thống này về sau được sử dụng rộng rãi và mang tên Wylie. Tuy nhiên nó thiếu một số chữ để phiên tiếng Sanskrit. Để khắc phục tình trạng này, thư viện Tibetan–Himalaya của đại học Virginia đã phát triển thành hệ thống Wylie mở rộng (Extended Wylie Tibetan System – EWTS).

Còn về các hệ diễn âm thì có rất nhiều hệ thống khác nhau, bao gồm các hệ thống thuộc các tổ chức hoặc hệ thống tự phát của cá nhân. Nhưng tất cả đều không có sự thống nhất và cũng không dựa trên một tiêu chuẩn chung nào. Điều này đã tạo nên sự rắc rối cho người nước ngoài học hoặc đọc tiếng Tây Tạng. 

4. VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG VIỆC PHIÊN ÂM TIẾNG TÂY TẠNG

Vấn đề phát sinh đầu tiên là tiếng Tây Tạng không tương đồng giữa chữ viết và tiếng nói. Hệ thống chữ viết Tây Tạng tuy là hệ thống được nghiên cứu chế tạo, nhưng nó hầu như không mô tả được lối phát âm của bất kỳ địa phương nào (khác với chữ Quốc Ngữ của Việt Nam cũng được hình thành sau này nhưng nó diễn tả sự phát âm rất tốt). Hơn nữa, Tây Tạng có rất nhiều tiếng nói địa phương nên vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Đã vậy, khi phiên âm ra chữ Latin thì hầu như không có chuẩn chung và “mạnh ai nấy phiên” cho nên sự phức tạp lại tiếp tục nhân lên.

Hệ thống phiên Wylie tuy rất tiện lợi cho việc thể hiện kết cấu chữ nhưng nó không thể dùng để đọc đúng âm Tây Tạng. Trong một bài viết trên trang Thư viện Tibetan – Himalaya của Đại học Virginia nhận định rằng trong tiếng nói Tây Tạng có rất nhiều các chữ không được phát âm trong khi đọc. Bởi vì lý do này mà hình thức phiên từ vựng Tây Tạng theo đối chiếu ký tự qua dạng Latin sẽ làm cho người ta không đọc được tiếng Tây Tạng. Chẳng hạn từ: བསྒྲུབས được đối chiếu từng ký tự để diễn ra chữ Latin (theo hệ Wylie) là BSGRUBS, nhưng lại được phát âm là /DRUP/. Ngoài ra các trường hợp khác như DBUCAN được đọc là /U-CHEN/ hay DBUMED được đọc là /U-MÊ/…

Và trang thư viện này nhận định về hậu quả của vấn đề phiên âm một cách tự phát: “Hậu quả là người đọc phải đối phó một cách chóng mặt với hàng tá các hệ thống diễn âm. Chẳng hạn có một tên riêng nhân vật được phiên theo kết cấu chữ là dongrub thì có một loạt sự khác biệt trong các hệ thống phiên diễn như: /Dondup/, /Döndrup/,/Dondrup/, /Dhondup/, /Dhundup/, /Tondup/, /Tondub/, /Thöndup/ v.v”

Thư viện Tibetan – Himalaya của Đại học Virginia cũng đã tạo ra một hệ thống diễn âm được gọi là hệ thống THL. Ngoài ra còn có một hệ thống diễn khác là Pinyin (bính âm), đây là hệ thống chính thức dùng để phiên âm tiếng Tây Tạng tại Trung Quốc. Hệ thống Pinyin được cho là diễn tả rất chuẩn sự phát âm tiếng Tây Tạng theo tiếng địa phương Lhasa, chỉ có một điều là nó không diễn tả thanh điệu. 

4/2013
Tống Phước Khải

5. VIẾT & GÕ CHỮ TÂYTẠNG 

5.1 – Tài liệu hướng dẫn chữ viết & sử dụng bộ gõ:

>>CHỮ VIẾT TÂY TẠNG & CÁCH GÕ TRÊN MÁY TÍNH<<

5.2 –  Link download bộ gõ chữ Tây Tạng – Uchen TPK keyboard:

>>BỘ GÕ CHỮ TÂY TẠNG

———————————————————

THƯ VIỆN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TÂY TẠNG:

http://www.digitalhimalaya.com/collections/journals/bot/index.php?selection=0



KINH MẬT GIÁO