GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 20
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN (phần 1)

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN1

1. Phật dạy chư vị tì kheo: Trước đây Như Lai nói vô thường, khổ, không, vô ngã, đó là phương tiện. Hôm nay Như Lai nói thường, lạc, ngã, tịnh. Vô thường là chúng sinh, thường là pháp thân; khổ là ngoại đạo, lạc là niết bàn; vô ngã là sinh tử, ngã là như lai; bất tịnh là pháp hữu vi, tịnh là chánh pháp; đó gọi là “bốn đức niết bàn”. Nếu một pháp nào đó là thật, là chân, là thường, là tự chủ, là y tự tánh của nó không biến đổi, pháp đó gọi là NGÃ.

2. Phật dạy: Như Lai đem pháp vô thượng phó chúc cho thầy Đại Ca Diếp. Đại chúng hãy y chỉ vào thầy ấy.

3. Phật bảo Bồ-tát Ca Diếp(1) đồng tử2 rằng: Thầy tì kheo thọ trì chánh pháp, nếu trách cứ, khuyên bảo được người phá hoại chánh pháp, khiến cho họ tu tập pháp lành, thì được phước vô lượng. Lại nữa, thân pháp tánh của Như Lai là pháp thường hằng, là bất diệt, là niết bàn. Do những ý nghĩa ấy, ba viên ngọc quí Phật Pháp Tăng là thường hằng, không có tướng biến đổi; vì nếu có biến đổi thì ba sự quay về thanh tịnh sẽ không có nơi nương tựa.

4. Người ăn thịt, tất cả chúng sinh ngửi thấy hơi thịt trên thân thể người ấy, thảy đều sợ sệt. Bởi vậy không nên ăn thịt.

5. Pháp thân của Như Lai, từ lâu đã thành Phật, từ lâu đã nhập cảnh giới đại niết bàn, không có sinh tử. Nhưng đại niết bàn thì không thể nghĩ bàn, có thể thị hiện ra mọi chủng loại để cứu độ chúng sinh. Tám tướng thành đạo đều là vì phương tiện mà thị hiện ở thế gian, kì thật, Như Lai là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi.

6. Như Lai là vị đại y vương, ở nơi quốc độ này nói giáo pháp đại thừa, để chữa trị cho chúng sinh bị những mũi tên độc phiền não dâm nộ. Chữa trị xong rồi lại đến các quốc độ có bệnh khác, thị hiện làm Phật để tiếp tục chữa trị, cho nên gọi là “đại bát niết bàn”, hay cũng gọi là “giải thoát”.

7. Nếu có người nói rằng, đức Phật Thích Ca nhận cái thân kết thai do sự ái dục của cha mẹ, làm vị thái tử, cưới vợ sinh con, rồi xuất gia tu hành, thành Phật v.v…; đó là ma nói. Nếu nói Phật từ lâu đã nhập niết bàn, pháp tánh bất động, không có đến đi; tám tướng thành đạo đều là vì hóa độ chúng sinh mà quyền biến thị hiện; đó là Phật nói, là lời nói hiểu biết sâu xa ý nghĩa của Như Lai.

8. Bốn pháp y cứ là: y cứ vào giáo pháp chứ không y cứ vào người nói pháp(2); y cứ vào ý nghĩa chứ không y cứ vào lời nói(3); y cứ vào trí chứ không y cứ vào thức(4); y cứ vào kinh liễu nghĩa chứ không y cứ vào kinh bất liễu nghĩa(5). Như kinh nói vô thường, khổ, không, vô ngã, đó là bất liễu nghĩa, là vì phương tiện mà nói; mà niết bàn là thường, lạc, là không phải không, là có ngã, là như lai thường trú, đó là liễu nghĩa.

9. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới nhiên hậu mới thấy; do thấy được Phật tánh mà chứng thành chánh giác.

10. Bốn sự điên đảo là: vô thường mà cho là thường, thường lại cho là vô thường; khổ mà cho là vui, vui lại cho là khổ; vô ngã mà cho là ngã, ngã lại cho là vô ngã; bất tịnh mà cho là tịnh, tịnh lại cho là bất tịnh.

11. Tất cả các pháp, trừ niết bàn ra, không hề có một pháp nào là thường; hiểu biết tự thân có Phật tánh, đó gọi là thường. Tuy theo tất cả khế kinh mà tu định, nhưng nếu chưa nghe kinh Đại Niết Bàn này, thì đều tin rằng tất cả đều là vô thường. Một khi đã nghe kinh này rồi, thì dù có phiền não cũng như không có phiền não, đều có thể làm lợi ích cho tất cả trời và người, vì sao thế? Vì đã hiểu rõ tự thân vốn có Phật tánh vậy.

12. Như Lai thương xót chúng sinh bị trúng tên độc của các hữu3, vì vậy mà có sự lo lắng. Bồ-tát Ca Diếp bạch Phật rằng: Nếu Như Lai có sự buồn lo thì không được xưng là bậc Đẳng Chánh Giác. Phật bảo Bồ-tát Ca Diếp: Tất cả đều có nhân duyên, tùy theo nơi nào có chúng sinh có duyên được hóa độ, Như Lai sẽ thị hiện thọ sinh vào nơi ấy, nhưng thật ra là không có sinh; cho nên Như Lai được gọi là pháp thường trụ.

13. Lúc chánh pháp sắp diệt thì kinh này diệt trước tiên. Sau khi kinh này mất rồi thì tất cả các kinh điển đại thừa khác thảy đều mất hết.

14. Tất cả các hàng Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, ở đời vị lai, đều phải qui hướng về cảnh giới đại niết bàn, ví như trăm sông đều chảy về biển cả. Vì vậy cho nên ba thừa đều là thường, không phải vô thường; vì ý nghĩa ấy mà giữa ba thừa cũng có sai biệt, cũng không sai biệt.

15. Như Lai phải có mặt khắp nơi; giả sử con quạ và con cú mèo cùng đậu một cành, con rắn, con chuột, con sói cùng ở một hang, chúng nó hòa thuận nhau như tình huynh đệ; chừng nào hạng người nhất xiển đề thành Phật, tất cả chúng sinh đều thành Phật, lúc đó Như Lai mới vĩnh viễn nhập niết bàn.

 

CHÚ THÍCH

1. Tiếng Phạn “ma ha bát niết bàn na”, dịch nghĩa chữ “ma-ha” là đại, là khen ngợi cái đức tịch diệt; “bát” là nhập, qui thú; “niết bàn” là diệt, tức diệt phiền não và thân tâm; “na” là tức, ý nói là an tức (yên nghỉ); hợp lại là “đại nhập diệt tức”, gọi tắt là “đại bát niết bàn”, là chỉ cho đức Phật độ thế đã xong, qui về cảnh giới viên tịch. Đây là kinh Niết Bàn đại thừa, do đức Thích Tôn nói lúc sắp nhập diệt, ngài Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc-Lương, tên là Bắc Bản Niết Bàn, gồm 40 quyển.

2. Trong kinh thường xưng Bồ-tát là “đồng tử”, lí do thứ nhất, Bồ-tát là người con chân chính của bậc Pháp Vương; lí do thứ hai, không có ý niệm dâm dục, giống như đứa con nít ở đời. Vì vậy, từ “đồng tử” hoàn toàn không phải dùng để chỉ cho con nít.

3. Do nhân mà có quả sinh ra, cho nên quả cũng được gọi là “hữu”; như gọi ba cõi là “ba hữu”, hay “chín hữu” v.v…, nghĩa là có phiền não sinh tử vậy.

 

PHỤ CHÚ

(01) Bồ-tát Ca Diếp: là một vị đại trí thức, một trong các vị đương cơ (đối tượng chính) để Phật nói kinh Đại Niết Bàn; không phải là tôn giả Đại Ca Diếp (một trong 10 vị đệ tử lớn của đức Phật, đã được đức Phật truyền cho Chánh Pháp Nhãn Tạng trong pháp hội Pháp Hoa), mà chỉ là trùng họ mà thôi. Trong phần thứ 3 của phẩm “Thọ Mạng” (quyển 3), kinh Đại Bát Niết Bàn (ngài Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc-Lương) có giới thiệu vị Bồ-tát này trong pháp hội Niết Bàn (tại rừng Ta-la song thọ, ngoại thành Câu-thi-na, trong giờ phút đức Phật sắp nhập niết bàn): “Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị đại Bồtát, vốn là người ở tụ lạc Đa-la (Tara – gần thành Xá-vệ), họ Đại Ca Diếp, thuộc dòng Bà-la-môn……”. Theo Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần, quyển hạ (ngài Nhã Na Bạt Đà La dịch vào đời Đường), lúc đức Phật sắp nhập niết bàn thì tôn giả Đại Ca Diếp cùng với 500 đệ tử đang ở tại núi Kì-xà-quật (gần thành Vương-xá). Trong thiền định, ngài biết đức Thế Tôn nhập niết bàn, bèn tức tốc dẫn 500 đệ tử đi ngay về thành Câu-thi-na. Lúc ngài đến nơi thì đức Phật nhập diệt đã 7 ngày, nhưng lễ trà tì chưa cử hành được vì ai đốt lửa cũng không cháy. Đợi ngài về tới, chính tay ngài châm lửa thì lửa mới cháy, lễ trà tì mới viên mãn. 

(02) Y cứ vào giáo pháp, không y cứ vào người nói pháp: Giáo pháp là lời Phật dạy, là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, đạt được tuệ giác siêu việt, giải thoát sinh tử luân hồi; cho nên đó là nơi y cứ, nương tựa đáng tin cậy của người tu học Phật. Còn người nói pháp chỉ là người có khả năng giảng nói, trao truyền giáo pháp ấy, có thể là một vị tu hành chân chính, giới hạnh thanh cao, mà cũng có thể là người chỉ có thông minh học giỏi, nói năng hoạt bát, mà giới hạnh không có, tư cách tầm thường, không xứng đáng làm bậc thầy gương mẫu. Cho nên, người tu học y cứ vào giáo pháp để tu hành là điều chắc chắn phải có; nhưng không nhất thiết là phải trông cậy vào người nói pháp.

(03) Y cứ vào ý nghĩa, không y cứ vào lời nói: “Ý nghĩa” ở đây là nội dung đích thật của chân lí, là thật tánh của vạn pháp. Nó thoát ra ngoài sự diễn đạt của suy tư, khái niệm và ngôn ngữ. Lời nói dù có rõ ràng, chính xác đến mức độ nào đi nữa thì vẫn là cái khung hạn hẹp, gò bó, không đủ khả năng làm hiển lộ “ý nghĩa” của thực tại. Vì vậy, lời nói chỉ được xem là phương tiện cần thiết để đạt tới thật tánh của vạn pháp. Mục đích tối hậu của người tu học Phật là chứng nhập thật tánh của vạn pháp (tức ý nghĩa, nội dung đích thật của chân lí); cho nên, “ý nghĩa” mới là chỗ y cứ đích thực của người tu học. Ý nghĩa đã đạt được thì lời nói không cần thiết nữa.

(04) Y cứ vào trí. không y cứ vào thức: “Trí” là trí tuệ, và “thức” là tác dụng nhận thức. Khi tâm còn ở trạng thái ô nhiễm, mê muội, sai lầm thì gọi là “thức”; và khi đã được rèn luyện, chuyển biến trở thành thanh tịnh, sáng suốt, không còn sai lầm thì gọi là “trí”. Tính chất của nhận thức luôn luôn là biến kế chấp, cho nên chỉ đạt được tự tính biến kế sở chấp của sự vật. Chỉ có dùng trí tuệ quán chiếu tự tính y tha khởi của sự vật thì mới thấy được tự tính viên thành thật của vạn pháp mà thôi. Vậy người tu học Phật không nên trông cậy vào cái biết của thức (chỉ là vọng tưởng phân biệt), mà chỉ y cứ vào cái thấy chứng ngộ của trí (tuệ giác) mà thôi.

(05) Y cứ vào kinh liễu nghĩa, không y cứ vào kinh bất liễu nghĩa: Các loại kinh Phật hướng dẫn người tu học đi thẳng vào chân tướng của vạn hữu một cách mau lẹ, dứt khoát, trọn vẹn, gọi là kinh liễu nghĩa (kinh điển đại thừa). Các loại kinh điển khác không đề cập đến chân tướng của vạn hữu, hoặc có đề cập nhưng không trực tiếp chỉ thẳng một cách dứt khoát, trọn vẹn, mà chỉ là dùng phương tiện để hướng dẫn từ từ, chậm chạp, dành cho hạng người cơ trí chậm lụt, thấp kém, thì gọi là kinh bất liễu nghĩa (kinh điển tiểu thừa). Người tu học theo con đường đại thừa là “kiến tánh thành Phật”, cho nên chỉ lấy kinh liễu nghĩa làm chỗ y cứ, mà không nên trông cậy vào kinh bất liễu nghĩa; đó cũng là chủ ý của đức Phật trong các bộ kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bànv…

 

BÀI TẬP

1) Bốn đức niết bàn là gì?

2) Vô thường là gì? Thường là gì? Khổ là gì? Vui là gì? Vô ngã là gì? Ngã là gì? Bất tịnh là gì? Tịnh là gì?

3) Đức Thích Tôn đem giáo pháp vô thượng phó chúc cho ai?

4) Vì sao nói ba viên ngọc quí Phật Pháp Tăng là thường?

5) Vì cớ gì mà không nên ăn thịt?

6) Liên quan đến sự tích ứng hóa của đức Thích Tôn, ma nói thế nào? Phật nói thế nào?

7) Bốn pháp y cứ là gì? Bốn sự điên đảo là gì?