GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP BA

Bài 13
TÔNG TAM LUẬN (phần 2)

IV. HAI SỰ THẬT

Tông này thành lập hai sự thật để giải thích tất cả ngôn giáo. Hai sự thật là: sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối1. Sự thật tuyệt đối chỉ cho lí thể thật tướng trung đạo, phá bỏ tất cả pháp, cho nên dứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành(1). Trong kinh luận, nếu nói không tu không chứng, không trí không đắc, lìa tánh lìa tướng, không có sở hữu, rốt ráo không; đó đều là thuận theo sự thật tuyệt đối mà nói. Sự thật tương đối chỉ cho tác dụng của sum la vạn tượng, kiến lập tất cả pháp, cho nên thánh phàm, lớn nhỏ v.v…, sai biệt rõ ràng. Trong kinh luận, nếu nói bốn sự thật, mười hai nhân duyên, sáu pháp qua bờ, việc thiện nên làm, việc ác đừng làm, nhân như thế, quả như thế, có niết bàn có thể đạt đến, có quả Phật có thể thành tựu; đó đều là thuận theo sự thật tương đối mà nói. Nếu không có sự thật tuyệt đối thì sa vào hữu vi, không phù hợp với lí lẽ tự tánh vắng lặng, đối với nghĩa lí của Phật pháp hiển nhiên là có chỗ không rốt ráo; cho nên không bỏ giả danh mà nói thật tướng. Nếu không có sự thật tương đối thì sa vào đoạn diệt, lại không phù hợp với tông chỉ dùng phương tiện độ sinh, trên phương diện thi thiết hiển nhiên là có chỗ không viên mãn, cho nên không dấy động pháp tánh bình đẳng mà kiến lập các pháp. Dựa vào các lí do nêu trên, tông này đã thành lập giáo nghĩa “hai sự thật” để bao quát tất cả ngôn giáo của đức Phật; như một bài kệ trong Trung Luận nói: “Chư Phật y hai đế, vì chúng sinh nói pháp: một là thế tục đế, hai đệ nhất nghĩa đế.” Do đó có thể biết, hai sự thật cần giúp nhau mà sử dụng, nếu thiên bên tuyệt đối hay thiên bên tương đối, đều không thể được.

V. BÁT BẤT TRUNG ĐẠO

Phá tà hiển chánh đã là cương lĩnh của tông này, nhưng tà vọng thì nhiều vô lượng vô số, tất cả những kiến giải tà vọng ấy đều không phù hợp với lí trung đạo, mà nói một cách khái quát, thường không ngoài tám khái niệm: sinh, diệt, thường, đoạn, một, khác (nhiều), đến, đi. Chỉ có lí thể chân như là không dính mắc vào tám khái niệm ấy. Do đó, tông này đã lập nên giáo nghĩa “bát bất” (8 câu phủ định), như Trung Luận nói: “Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không một cũng không khác, không đến cũng không đi; nói đó là nhân duyên, khéo diệt các hí luận2, con cúi đầu lạy Phật, đứng đầu trong các thuyết.” Tám câu phủ định: không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi, được gọi là “bát bất trung đạo”. Có điều nên chú ý là, thể tánh chân như xa lìa ngôn thuyết, dứt tuyệt hình tướng, cái gì được thành lập đều không khế hợp trung đạo. Nếu nói trên nghĩa rộng, những khái niệm cần nên phá bỏ thật không phải chỉ có tám, mà bất luận là chấp trước vào cái gì cũng đều gọi là tà, phải bị liệt vào danh sách những cái cần phá bỏ, chứ không riêng gì chấp sinh, chấp diệt, chấp thường, chấp đoạn, v.v…

VI. NƯƠNG VÀO SỰ THẬT TƯƠNG ĐỐI KIẾN LẬP 52 GIAI VỊ HÀNH CHỨNG

Tông này đã y cứ vào các giáo nghĩa “vô sở đắc” và “duyên khởi tánh không”3 trong các bộ kinh Bát Nhã mà lập thành một tông; cho nên không lập một pháp nào, có không đều phá, chỉ thẳng lí duyên khởi trung đạo4. Trí quán sát chân chánh “vô sở đắc” này tức là căn bản trí5, thân chứng cảnh giới hai không chân như6, năng và sở7 đều tiêu mất. Tuy vậy, tông này bàn về ý nghĩa thành Phật, lại nói có hai sự thật tuyệt đối và tương đối. Đứng trên sự thật tuyệt đối mà nói, tất cả các loài hữu tình xưa nay vốn là Phật, không mê không ngộ, trong trẻo vắng lặng. Bỏ ngoài cái này, nếu nói có quả Phật riêng để chứng thành, thì tức là trên đầu lại đặt thêm cái đầu8, trở thành hí luận. Nhưng nếu đứng trên sự thật tương đối mà nói, thì mê và ngộ rõ ràng khác nhau. Chúng sinh từ mê đến ngộ, phải trải qua công phu tu hành, nhiên hậu mới chứng quả; đến như muốn chứng quả vị Vô- thượng Chánhgiác, phải trải qua 52 giai vị, không thể nhảy vọt. Nay xin đem trình tự tu hành và chứng đắc liệt kê thành đồ biểu sau đây:

VII. PHÁ BỐN CHẤP

Do các ý nghĩa vừa trình bày trên, có thể biết rằng, tông này đối với các tà kiến ngoại đạo, thì dùng chánh quán bát bất để phá bỏ; đối với quan điểm chấp có của Tì Đàm thì dùng duyên khởi tánh không để phá bỏ; đối với quan điểm chấp không của Thành Thật thì dùng hai tạng, ba pháp luân và 52 giai vị thuộc sự thật tương đối để phá bỏ; đối với kiến chấp có sở đắc của hành giả đại thừa thì dùng không sở đắc để phá bỏ; khiến cho tất cả đều qui về trung đạo. Đó là tác dụng lớn để phá tà hiển chánh, ứng bệnh cho thuốc.

 

CHÚ THÍCH 

1. Xin xem lại hai chú thích số 1 và số 2, bài 18, sách Trung Cấp.

2. Xin xem chú thích số 6, bài 36, sách Sơ Cấp.

3. Tất cả sự vật nhờ duyên mà sinh khởi, thỉ tự thân của sự vật là do các điều kiện hòa hợp mà sinh, hoàn toàn không có tự tánh độc lập, cho nên nói là “duyên khởi tánh không”.

4. Duyên khởi tức là tánh không, tánh không mà hay duyên khởi, đó tức là cái nghĩa trung đạo. Trung đạo tức là trí tuệ bát nhã không phân biệt, cũng gọi là trí vô sở đắc.

5. Cũng gọi là như lí trí, vô phân biệt trí, chánh trí, chân trí. Vì để phân biệt với “hậu đắc trí”, cho nên nói là “căn bản trí”. Trí này có công năng phát sinh tất cả pháp lạc, là căn bản xuất sinh lòng đại bi và tất cả công đức, cho nên có tên là căn bản trí. Trí này không nương tựa nơi tâm, không duyên ngoại cảnh, thấy rõ tất cả pháp đều tức là chân như, cho nên phù hợp với chân lí, không có sai khác giữa năng duyên và sở duyên.

6. Các vị thánh ở hai thừa ngộ được lí không có nhân ngã, gọi nhân không, hay ngã không, hoặc sinh không. Cái cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ gọi là “ngã không chân như”. Hàng Bồ-tát ngộ được lí pháp không, cái cảnh giới chân như chứng được sau khi ngộ gọi là “pháp không chân như”; hợp lại gọi là “hai không chân như”.

7. Khi có hai pháp đối đãi nhau, pháp chủ động gọi là “năng”, như nói năng kiến, năng tác v.v…; pháp bị động gọi là “sở”, như nói sở kiến, sở tác v.v…; nói tắt là “năng sở”.

8. Câu này ví dụ cho sự việc trùng phức vô ích. Như người ta vốn đã có đầu, nếu lại đặt thêm lên trên một cái đầu nữa thì dư thừa mà lại không cần thiết.

9. Chữ “phục” nghĩa là chế phục; chữ “đoạn” nghĩa là dứt tuyệt. Chế phục hoặc nghiệp, khiến cho nó nhất thời không khởi dậy được, gọi là “phục”; dứt hẳn hạt giống hoặc, khiến cho nó rốt ráo không sinh khởi được, gọi là “đoạn”. Bốn trụ địa là kiến tư phiền não của ba cõi. Xin xem lại chú thích số 5, bài 11 ở trước.

10. Cái tâm khi mới nhập gọi là “sơ tâm”.

11. Mỗi một Địa đều có vô minh, cho nên mười Địa có mười lớp vô minh.

 

PHỤ CHÚ

1) Tâm hành: là chỉ cho tất cả những trạng thái, hoạt động, tác dụng, cùng những biến chuyển, chí hướng, ước nguyện, quyết chí của tâm.

2) Dục ái: luyến ái cõi Dục. – Sắc ái: luyến ái cõi Sắc. – Hữu ái: luyến ái ba cõi.

 

BÀI TẬP

1) Trong kinh luận, loại câu nói nào là thuận theo sự thật tuyệt đối mà nói? Loại câu nói nào là thuận theo sự thật tương đối mà nói? Hãy thử nêu ví dụ để chứng minh.

2) Chư Phật y theo hai sự thật, vì chúng sinh mà thuyết pháp, có bài kệ nào làm chứng? Hãy thử viết bài kệ ấy ra.

3) Bát bất trung đạo, “bát bất” là những gì?

4) Thế nào là “duyên khởi tánh không”?

5) Hãy giải thích: căn bản trí, chân như hai không, năng sở, phục đoạn.

6) Dùng biểu liệt kê trình tự của 52 giai vi thánh hiền, bao quát cả phục đoạn bốn trụ địa và mười lớp vô minh.