GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 5
TÔNG HOA NGHIÊM (phần 2)
IV. PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI cùng PHÁP GIỚI TAM QUÁN
Tông Hoa Nghiêm cho rằng pháp giới1 là duyên khởi vô tận2, và đều do một tâm phát hiện. Tác dụng của tâm không thể suy nghĩ luận bàn, rộng rãi vắng lặng, bao trùm pháp giới, sinh thành vạn hữu. Tất cả các pháp cùng làm duyên cho nhau mà sinh khởi, lớp lớp vô tận, một và nhiều dung nhau, lớn và nhỏ ở trong nhau3, một pháp tức là muôn pháp, muôn pháp tức là một pháp, dung thông cùng khắp, không chướng ngại nhau, như các viên ngọc báu trong tấm lưới của trời Đế Thích4 chiếu hiện lẫn nhau; đó gọi là “pháp giới duyên khởi”, hoặc “vô tận duyên khởi”. Tất cả mọi sự vật trong vô tận thế giới, khắp mười phương ba đời, đều là sự duyên khởi của một tâm này, bao quát tất cả, không hề bỏ sót.
Sơ-tổ Đỗ Thuận đã y theo pháp giới mà lập ra ba phép quán:
1) Chân không tuyệt tướng quán: Quán chiếu tất cả mọi sự vật đến tận cùng pháp giới, đều không ngoài nhân duyên sinh, đều là y tha khởi5(1), không có tự tánh, đồng qui về chân không bình đẳng(2), xa lìa mọi hình tướng. Tất cả sum la vạn tượng mà chúng sinh trông thấy, đều do vọng tình biến kế(3); cũng như con mắt bị đau nhìn thấy hoa đốm trên không trung, thật tánh của những hoa đốm ấy chỉ là hư không, một cái cũng không hề có. Quán chiếu như thế gọi là “chân không tuyệt tướng quán”.
2) Lí sự vô ngại quán: Đã thực tập phép quán chân không, tiêu trừ hết hình tướng hư vọng của các pháp, thấy được thật tánh của các pháp chỉ là chân như; nhưng cái chân như này lại có đầy đủ hai ý nghĩa bất biến và tùy duyên(4). “Bất biến” là đứng trên phương diện “thể” mà nói; “tùy duyên” là đứng trên phương diện “dụng” mà nói. Tại vì có đầy đủ hai mặt thể và dụng, cho nên từ trong chỗ ngưng đọng mà có thể sinh khởi ra vạn pháp, đó là thuộc về “sự”; mỗi sự mỗi vật đều lấy chân như làm tánh, đó là thuộc về “lí”. Lí có thể sinh ra sự, toàn sự tức là lí. Thực tập quán chiếu như thế, gọi là “lí sự vô ngại quán”.
3) Châu biến hàm dung quán: Đã biết tất cả sự tướng trong pháp giới đều do tính tùy duyên của chân như sinh khởi, vạn pháp đã được sinh khởi này hoàn toàn không xa cách tánh chân như, tánh đó nguyên một vị bình đẳng, không thể phân cách; vì nếu có thể phân cách thì không phải là chân như. Cho nên mỗi sự mỗi vật, cho đến hạt bụi nhỏ, đều hoàn toàn đầy đủ thể tánh chân như. Hành giả quán chiếu mỗi sự mỗi vật đều như thể tánh đó, dung thông toàn cả pháp giới, hàm nhiếp nhau, dung chứa nhau, trùng trùng vô tận. Trong anh cũng có tôi, trong tôi cũng có anh. Thực tập quán chiếu như thế, gọi là “châu biến hàm dung quán”.
V. BỐN PHÁP GIỚI
Vạn hữu đã phát sinh từ một tâm, thì một tâm dung nhiếp vạn hữu, từ đó mà có bốn loại pháp giới: 1, vạn pháp trong thế gian có hình tướng sai khác nhau, không pháp nào giống pháp nào, không thể lẫn lộn nhau, đó là “Sự pháp giới”; 2, lí thể chân như bình đẳng là nơi y cứ của vạn pháp, đó là “Lí pháp giới”; 3, chân như sinh khởi ra vạn pháp, cho nên vạn pháp cũng tức là chân như, lí thể và sự tướng dung chứa nhau, có đầy đủ trong nhau, thông suốt không chướng ngại, lí tức là sự, sự tức là lí, đó là “Lí Sự vô ngại pháp giới”; 4, các pháp hàm nhiếp nhau, trùng trùng vô tận, không chướng ngại nhau, một và nhiều tức là nhau, cái lớn cái nhỏ dung chứa nhau, nhấc lên một vật là đồng thời thu gồm toàn thể các vật khác, đầy đủ tương ứng, đó là “Sự Sự vô ngại pháp giới”.
VI. BỐN LOẠI DUYÊN KHỞI
Về vạn pháp duyên khởi, có bốn loại kiến giải khác nhau: Tiểu thừa giáo chủ trương “nghiệp cảm duyên khởi”, nghĩa là vạn pháp đều do sự cảm ứng của nghiệp lực mà sinh khởi; Đại thừa Thỉ giáo chủ trương “a-lại-da duyên khởi”, đó là giáo nghĩa của Tướng tông, giải thích rằng, thức a-lại-da chứa giữ vô lượng chủng tử của vạn pháp, tất cả căn thân khí giới đều từ thức đó mà sinh khởi; Đại thừa Chung giáo chủ trương “chân như duyên khởi”, nghĩa là chân như tùy duyên mà sinh khởi vạn pháp; Nhất thừa Viên giáo chủ trương “pháp giới duyên khởi”, nghĩa là tất cả mọi sự vật trong khắp pháp giới, hữu vi và vô vi, sắc và tâm đều tồn tại trong nhau, cả quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả đều thành một đại duyên khởi, do một pháp mà thành tất cả pháp, do tất cả pháp mà khởi sinh một pháp, tất cả pháp đều không thoát khỏi mối quan hệ hỗ tương để có thể từ chỗ không có mà tự sinh khởi một cách độc lập. Đây chính là quan điểm bất đồng giữa tông Hoa Nghiêm với ba giáo vừa nói trên(5). Lại nữa, trong năm giáo do tông này phân chia, thì chỉ có Đại thừa Đốn giáo là chưa nói tới duyên khởi, đó là vì loại giáo ấy xa lìa ngôn thuyết, văn tự, tâm tưởng, không nói tới giáo tướng vậy.
CHÚ THÍCH
1. “Pháp” tức các pháp, “giới” tức ranh giới; các pháp đều có tự thể và ranh giới khác nhau, gọi là “pháp giới”. Vì vậy, mỗi một pháp gọi là pháp giới, mà gọi tổng quát vạn hữu cũng là pháp giới.
2. Mọi sự vật đều do các duyên hợp lại mà sinh khởi, gọi là “duyên khởi”; vạn sự vạn vật trong pháp giới cùng làm duyên cho nhau mà sinh khởi, lớp lớp vô tận, gọi là “duyên khởi vô tận”.
3. Nghĩa là một vật hàm nhiếp nhiều vật, nhiều vật cũng hàm nhiếp một vật, vật lớn có thể ở trong vật nhỏ, vật nhỏ cũng có thể dung chứa vật lớn.
4. Trời Đế Thích treo tấm lưới toàn bằng ngọc báu để trang sức cung điện, ánh sáng của các hạt ngọc chiếu rọi lẫn nhau, một hạt ngọc chiếu hiện tất cả hạt ngọc, tất cả hạt ngọc hiện hết trong một hạt ngọc; mỗi một hạt ngọc đều như vậy, ảnh hiện trùng trùng vô tận.
5. Xin xem lại chú thích số 9, bài 27, sách Trung Cấp.
PHỤ CHÚ
1) Y tha khởi: tức tự tánh “y tha khởi”, hay tự tánh “duyên khởi”, là một trong ba tự tánh (chân tướng) của vạn pháp do tông Duy Thức thành lập. Khi quán sát về chân tướng của vạn pháp, các nhà Duy Thức Học phân tích có ba tự tánh như sau: 1) Tự tánh “y tha khởi” (nói đủ là “y tha duyên nhi sinh khởi”), tức là nương vào những vật khác mà sinh khởi. Một vật không thể nào từ hư vô mà tự mình sinh ra một cách độc lập, mà phải do nhiều vật khác (duyên) hợp lại mới sinh ra nó. Tất cả vạn pháp đều như vậy, đều nương vào nhau mà sinh thành, tồn tại và hoại diệt. 2) Tự tánh “biến kế sở chấp”: tức là bị gán cho bởi nhận thức sai lầm của con người. Vạn pháp là đối tượng nhận thức của con người, mà nhận thức này thì hoàn toàn là vọng tưởng phân biệt, luôn luôn sai lầm, cho nên gọi là “biến kế”. Vạn pháp vốn bình đẳng, không có những tính chất đối đãi như tốt xấu, cao thấp, rộng hẹp, lớn nhỏ, dơ sạch, xấu đẹp, v.v… Nhưng sở dĩ vạn pháp bị coi là có tốt xấu, cao thấp, xấu đẹp, v.v… đều là do nhận thức sai lầm của con người. 3) Tự tánh “viên thành thật”: tức là tính chất viên mãn, thành tựu và chân thật của vạn pháp. Đó chính là bản thân, thể tính, hay chân tướng của vạn pháp, hoàn toàn không do tâm ý tạo tác ra. Với tự tánh này, vạn pháp không sinh không diệt, không thêm không bớt, không dơ không sạch, không lớn không nhỏ v.v…, không thể nhận thức bằng khái niệm, không thể diễn tả bằng lời nói. Vạn pháp hiện hữu như thế đó, trong cách thức của chúng, không qua trung gian của vọng tưởng phân biệt, của nhận thức sai lầm của con người. Bản chất nhận thức của con người là “biến kế” (vọng tưởng phân biệt). Vậy người tu học phải thực tập quán chiếu tính “y tha khởi” của vạn pháp để diệt trừ mọi nhận thức sai lầm (tính biến kế) về vạn pháp, ngay lúc đó thì chân tướng “viên thành thật” của vạn pháp liền hiển lộ.
2) Chân không bình đẳng: Đã là chân không thì không có nhiều ít, cao thấp, dài ngắn, rộng hẹp, tốt xấu v.v…, hoàn toàn bình đẳng.
3) Vọng tình biến kế: tức là biến kế chấp. Vạn pháp là đối tượng của nhận thức con người, vì nhận thức ấy hoàn toàn là vọng tưởng phân biệt, cho nên vạn pháp mới có lớn nhỏ, tốt xấu, còn mất v.v… Do vậy, nhận thức của con người được gọi là “vọng tình biến kế”, hay “biến kế chấp”; còn vạn pháp (tức đối tượng của nhận thức) thì gọi là “biến kế sở chấp”. (Xem lại phụ chú số 1 ở trên.)
4) Bất biến tùy duyên: Tự tánh viên thành thật của vạn pháp (xem lại phụ chú số 1 ở trên) cũng được gọi là pháp tánh hay chân như. Chân như chính là thực thể của vạn pháp, nó không sinh không diệt, vô vi thường trú, cho nên gọi nó là “bất biến” (không bao giờ biến đổi). Đó là về mặt bản thể, nhưng về mặt ứng dụng thì nó lại tùy theo các duyên mà khởi động, làm hiển hiện ra vạn pháp thiên hình vạn trạng khắp trong vũ trụ, cho nên gọi nó là “tùy duyên”. Đó là hai mặt mà cũng là hai ý nghĩa của pháp tánh hay chân như – bất biến thì vô vi, không sinh diệt; tùy duyên thì hữu vi, sinh diệt. Đối lại, khi nói “tùy duyên bất biến” thì có nghĩa là vạn pháp tuy do nhân duyên sinh khởi, nhưng thực thể của chúng vốn là thường hằng, bất biến.
5) Tức Tiểu thừa giáo, Đại thừa Thỉ giáo và Đại thừa Chung giáo.
BÀI TẬP
1) Tất cả mọi sự vật trong vô tận thế giới, khắp mười phương ba đời đều do cái gì duyên khởi?
2) Quán chiếu như thế nào thì gọi là “lí sự vô ngại quán”?
3) Hãy trình bày về bốn pháp giới và ý nghĩa của chúng.
4) Hãy giải thích thế nào là “a-lại-da duyên khởi”, thế nào là “pháp giới duyên khởi”.
5) Vì sao Đại thừa Đốn giáo không nói tới duyên khởi?