GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP HAI
Bài 30
TÌNH HÌNH TIÊU DIỆT PHẬT GIÁO của BA VUA VŨ và MỘT VUA TÔNG (phần 2)
Trong khi Vũ đế triệu tập hội nghị để bài xích Phật giáo thì nhiều vị cao tăng cũng đứng lên biện hộ. Sa môn Tri Huyễn(1) đã cực lực bác bỏ những luận điệu sai lầm của các đạo sĩ, cả nhà vua và đạo sĩ Trương Tân đều không thể bẻ gẫy được. Thế rồi nhà vua hạ chiếu phế trừ cả Phật và Đạo giáo, tất cả tự miếu đều bị đập phá, kinh điển và tượng Phật bị đốt sạch. Rồi vua cho xây “Thông-đạo quán”, tuyển chọn 120 vị nổi tiếng của cả Phật và Đạo giáo cho vào ở đó, bắt buộc tất cả phải mặc áo, đội mão, cầm hốt, mang giày, xưng là “đạo quán học sĩ”. Trên danh nghĩa là “quán thông hai tôn giáo Phật, Đạo”, nhưng sự thật thì Phật giáo bị áp bức, Đạo giáo được che chở; biến tăng già thành đạo sĩ, bắt buộc phải học Lão Trang. Lúc ấy chỉ riêng có ngài Tăng Mãnh(2) ở chùa Quả-nguyện tại Tân-châu, đất Thục, đã lên kinh đô luận về lí lẽ không nên bài trừ Phật giáo; pháp sư Tĩnh Yết(3) cũng yết kiến vua để nói lẽ phải trái, nhưng đều bị đuổi ra khỏi cung; còn Ngài Đạo Tích(4) ở Nghi-châu thì cùng với bảy vị tăng khác đã cùng nhau tuyệt thực cho đến chết ngay trong cung. Sự tích của quí ngài thật là tráng liệt!
Sau năm thứ 3 niên hiệu Kiến-đức1 thì chính sách tiêu diệt Phật giáo được thi hành, Phật pháp trong vùng Quan-Lũng2 đã bị phá trừ toàn diện. Năm thứ 6 Vũ đế đem quân tiêu diệt Bắc-Tề. Nhà vua tự cho rằng đó là hiệu quả của chính sách bài trừ Phật giáo, bèn triệu tập hơn 500 vị đại đức Phật giáo đã bị ép buộc hoàn tục, nói cho họ biết về lí do bài trừ Phật giáo. Các vị ấy vì sợ tai họa nên không dám nói năng gì; duy có ngài Huệ Viễn(5) đứng lên chống lại, biện luận rành rẽ cứng cỏi, làm cho nhà vua phải đuối lí, không trả lời được. Ngài đã nói một cách dõng dạc rằng: “Nay bệ hạ ỷ vào quyền lực mà mặc tình phá hoại Tam Bảo, đó là người tà kiến; địa ngục A-tì không thiên vị người sang kẻ hèn, bệ hạ chẳng lẽ không biết sợ?” Nhà vua nổi giận, trợn mắt ngó ngài Huệ Viễn, nói: “Nếu khiến cho trăm họ được an vui, trẫm cũng không từ cái khổ của địa ngục!” Ngài Huệ Viễn lại nói: “Bệ hạ dùng tà pháp để giáo hóa nhân dân, gây nên nhiều nghiệp khổ, trăm họ tất sẽ cùng với bệ hạ đồng đọa địa ngục, làm gì có chỗ an vui?!” Nhà vua liền ra lệnh đuổi hết tăng chúng ra, rồi triệt để tiêu diệt Phật giáo; hơn bốn vạn ngôi chùa ở Bắc-Tề đều biến thành nhà cửa của các vương công; hơn ba triệu tăng lữ đều phải hoàn tục. Chẳng bao lâu, Nguyên Tung bị ép chết; nhà vua cũng bị bệnh dữ, ghẻ lở khắp mình, rồi chết. Không đầy 3 năm sau, Dương Kiên3 giết vua Tĩnh đế, tự lên ngôi hoàng đế, nhà Bắc-Chu diệt vong.
Phật pháp ở thời đại nhà Đường cực thịnh. Các bậc cao tăng như Huyền Trang, Khuy Cơ của tông Pháp Tướng; Hoằng Nhẫn, Huệ Năng của tông Thiền; Thiện Đạo, Pháp Chiếu(6) của tông Tịnh Độ; Đạo Tuyên, Hoài Tố(7) của tông Luật; Hiền Thủ(8), Trừng Quán(9) của tông Hoa Nghiêm; Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, Bất Không của tông Mật, v.v… đều xuất hiện ở đời Đường. Đồng thời, nhân vì hoàng đế họ Lí, cùng họ với Lão Tử4, cho nên nhà Đường mới tôn thờ Lão Tử làm tiên tổ, và Đạo giáo cũng được triều đình hết sức bảo hộ. Phật giáo thì thường bị Đạo giáo bài xích, chèn ép; cho đến đời vua Vũ-tông thì phải gánh chịu cái nạn “Hội xương”5.
Vào năm đầu niên hiệu Hội-xương, vua Vũ tông cho triệu đạo sĩ Triệu Qui Chân cùng đồng môn cả thảy 81 người vào cung, thân nhận pháp lục6. Đạo sĩ Lưu Nguyên Tĩnh ở Hành-sơn cũng được nhà vua tin cẩn, phong chức Quang-lộc đại phu, kiêm học sĩ quán Sùng-huyền, cùng ở trong cung để tu luyện. Tể tướng Lí Đức Dụ đã giúp sức cho các vị đạo sĩ để bài trừ Phật giáo. Theo lời thỉnh cầu của các đạo sĩ, ông đã cho thi hành chính sách hủy diệt Phật giáo như sau: trừ hai thành Lạc-dương và Trường-an, mỗi nơi được lưu giữ 4 ngôi chùa; còn tất cả các châu, mỗi nơi chỉ giữ lại một ngôi chùa; ngoài ra phải phá hủy hết; về tăng lữ, chùa lớn được giữ lại 20 vị sư, chùa vừa được giữ lại 10 vị, chùa nhỏ chỉ giữ 5 vị, còn bao nhiêu phải hoàn tục hết; tài sản của chùa bị tịch thu để xây công sở, vàng bạc phải giao hết cho quan độ chi7, các tượng bằng sắt thì chế làm nông cụ, các tượng bằng đồng thì chế làm các đồ dùng bằng đồng và đúc tiền. Đó là việc xảy ra vào năm thứ 5 niên hiệu Hội-xương. Không đầy một năm sau thì đạo sĩ Qui Chân bị giết, tể tướng Đức Dụ bị giáng chức và bị giết, vua Vũ-tông vì uống kim đan của đạo sĩ mà bị mụt nhọt ở lưng, rồi chết.
Đường Vũ-tông băng, vua Tuyên-tông kế vị, lập tức ban lệnh đình chỉ việc phá hủy Phật pháp, nhưng cả Phật giáo và tôn thất nhà Đường đều không chấn hưng được nữa; trong thì xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai họ Ngưu và Lí8, ngoài thì bị họa phiên trấn, nhà Đường đã bị mất vào tay Chu Toàn Trung(10), rơi vào thời tao loạn Ngũ-đại(11). Đến nhà Hậu-Chu(12), vua Thế-tông9 lại hạ lệnh phá hủy Phật pháp, cấm dân chúng đi xuất gia, phá hủy 30.136 ngôi chùa, còn lại 2.700 ngôi, các pháp khí và tượng bằng đồng đều đem đúc tiền; may mà trong lãnh thổ của NgôViệt(13) vương10 ở phương Nam, Phật giáo vẫn còn được thịnh hành.
Ngoài ra, Tùy Dạng đế11(14) cũng bài Phật, cuối cùng có sa môn Đại Chí(15) ở Lô-sơn dâng sớ xin tự đốt thân để cứu Phật pháp, nhà vua thuận cho, nhân đó mà Phật pháp đã được bảo tồn. Lại nữa, vua Tống Huy-tông, vì tin lời đạo sĩ Lâm Linh Tố nên cũng hủy diệt Phật giáo12, nhưng rất may là chỉ trong một thời gian ngắn, nhân vì kinh thành bị nạn lụt, bèn tức tốc ban lệnh phục hồi chính sách cũ.
CHÚ THÍCH
1. Kiến-đức là niên hiệu của vua Vũ đế nhà Bắc-Chu.
2. Quan-Lũng là đất Quan-trung và Lũng-tây, tức hai tỉnh Thiểm-tây và Cam-túc.
3. Vua Tùy Văn đế họ Dương, tên Kiên, ban đầu làm quan ở triều đình Bắc-Chu, được phong tước Tùy công. Khi vua Tuyên đế băng, ông phò tá vua Tĩnh đế, và được tiến tước vương. Chẳng bao lâu, ông đã giết vua, tự lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Tùy.
4. Lão Tử là tên người, sống cùng thời với Khổng Tử. Ông họ Lí, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy Viết Minh, là tổ của Đạo giáo.
5. Hội-xương là niên hiệu của vua Đường Vũ-tông. Phật giáo gọi việc tiêu diệt Phật giáo của Vũ-tông là pháp nạn Hội-xương.
6. Bài văn cơ mật của Đạo gia gọi là “lục”.
7. Độ chi là tên chức quan, chuyên trông coi về việc thuế má và thu chi tiền bạc.
8. Đời Đường, Ngưu Tăng Nhu cùng với cha con Lí Cát Phủ, Đức Dụ không dung nhau. Hai bên tranh chấp nhau đến 40 năm, sử gọi là “Ngưu Lí đảng tranh”.
9. Vua Chu thời Ngũ-đại họ Sài, tên Vinh, tại vị 6 năm thì chết.
10. Tiền Lưu, người Lâm-an, giẹp các loạn Hoàng Sào, Lưu Hán Hoằng và Đổng Xương, có công, được phong làm Việt vương, rồi lại được phong Ngô vương. Khi nhà Đường mất, ông lại nhận phong của vua Thái-tổ nhà Hậu-Lương, xưng là Ngô-Việt vương, truyền đến đời cháu là Tiền Thúc thì bị Tống tiêu diệt.
11. Năm thứ 5, Dạng đế hạ chiếu bắt buộc các tăng đồ không có đức hạnh phải hoàn tục, các tự viện dư thừa phải phá hủy. Ngài Đại Chí ở Lô-sơn đã dâng sớ xin vua ngưng thi hành chiếu chỉ này, và xin tự thiêu thân để báo đền ơn nước. Nhà vua y chuẩn, ngài bèn dùng vải tẩm sáp quấn quanh mình, rồi tự thiêu.
12. Vua Huy-tông tin theo Đạo giáo, các đạo sĩ Từ Tri Thường, Từ Thủ Tín, Lưu Hỗn Khang, Lâm Linh Tố v.v… rất được ân sủng. Nhà vua tự xưng là giáo chủ đạo quân hoàng đế, gọi chùa Phật là “cung”, đốt hết kinh Phật, gọi Phật là “đại giác kim tiên”, gọi Bồ-tát là “tiên nhân đại sĩ”, gọi tăng là “đức sĩ”, bắt phải mặc áo đạo sĩ và bị sắp hạng sau đạo sĩ. Nhưng không bao lâu thì ban sắc phục hồi nguyên trạng.
PHỤ CHÚ
01) Tri Huyễn (?-?): Theo Tục Cao Tăng Truyện (sa môn Đạo Tuyên, đời Đường, soạn) thì tên vị cao tăng này là Trí Huyễn, nhưng theo Phật Tổ Thống Kỉ (sa môn Chí Bàn soạn vào đời Tống) thì tên ngài lại là Tri Huyền; còn ở đây thì tác giả ghi là Tri Huyễn. Ngài người Ích-châu (Tứ-xuyên), sống vào thời đại Nam-Bắc-triều sang đến đời Tùy. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, đến kinh đô Trường-an tham học, chỉ vài năm thì nổi tiếng khắp kinh thành, cho đến Lạc-dương. Khi vua Vũ đế nhà Bắc-Chu (557-581) muốn hủy diệt Phật giáo để ủng hộ Đạo giáo, ngài đã mạnh dạn đứng lên biện bác, chống đối, cả nhà vua và đạo sĩ Trương Tân đều bị ngài khuất phục. Tuy rất ghét ngài, nhưng nhà vua cũng phải nể phục, không dám có ý hại ngài. Khi chính sách tiêu diệt Phật giáo được chính thức thi hành, ngài bèn lánh nạn sang nước Bắc-Tề. Năm 576, Chu Vũ đế tiêu diệt nhà Bắc-Tề, lại ban lệnh triệt hạ Phật giáo tại đất này, ngài phải tạm thời cải dạng sống đời thường dân. Đến khi nhà Tùy khởi nghiệp (năm 581), ngài lại xuất hiện, trú tại chùa Hiếu-ái. Ngài viên tịch năm 102 tuổi.
02) Tăng Mãnh (507-588): Ngài họ Đoàn, quê ở Kinh-dương (thuộc tỉnh Thiểm-tây), xuất gia từ thuở nhỏ, thông tuệ khác thường. Đời vua Văn đế nhà Tây-Ngụy (535-551), ngài được mời vào cung giảng kinh Bát Nhã, cả triều đình đều kính ngưỡng đạo phong của ngài. Năm 557, nhà Bắc-Chu diệt nhà TâyNgụy. Dưới đời vua Minh đế (559-560) của triều đại này, ngài vẫn được vua mời thuyết pháp ở trong cung. Sang đời vua Vũ đế (561-578) thì lệnh phá hủy Phật giáo được ban hành. Ngài liền vào thẳng cung điện, cùng vua và đạo sĩ Trương Tân biện giải chánh tà, khuyên vua không nên phá hủy Phật giáo. Nhưng vì nhà vua đã quyết tâm tôn phụng Đạo giáo và tiêu diệt Phật giáo, nên đã không nghe theo lời khuyên giải ấy. Ngài bèn lánh về chốn dân dã sống mai danh ẩn tích. Năm 581, tể tướng Dương Kiên soán ngôi vua Bắc-Chu, tự xưng đế, sáng lập triều đại nhà Tùy (581-619), ban chiếu phục hưng Phật giáo. Liền đó vua Tùy Văn đế (tức Dương Kiên, tại vị 581-604) cho sứ giả đi tìm, thỉnh ngài về kinh đô trú trì chùa Đại Hưng-thiện, phong chức Tùy quốc đại thống tam tạng pháp sư, ủy thác trách nhiệm hoằng hưng Phật pháp, danh tiếng lừng lẫy. Nhờ vậy mà Phật giáo đã hưng thịnh rực rỡ trong thời đại nhà Tùy. Ngài thị tịch năm 588, thế thọ 82 tuổi.
03) Tĩnh Yết (534-578): Ngài họ Trịnh, quê ở Vinh-dương (tỉnh Giang-tô), năm 17 tuổi cùng bạn đi chùa, xem tranh vẽ cảnh địa ngục, liền quyết chí xuất gia, được thiền sư Hòa ở chùa Ngõa-quan (tỉnh Giang-tô) xuống tóc. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài theo pháp sư Cảnh học Đại Trí Độ Luận, rồi theo học với quí vị Phạn tăng trong 10 năm, tinh tường cả Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Ngài ẩn cư ở núi Chung-nam, đồ chúng theo học rất đông. Bấy giờ vua Chu Vũ đế nghe lời đạo sĩ Trương Tân, muốn hủy diệt Phật giáo, ngài liền đến cửa cung dâng biểu can gián, nói rõ lẽ nghiệp báo, nhưng vua không nghe, đuổi ngài ra khỏi cung. Ngài dẫn môn nhân trở về núi Chung-nam, vào tận nơi sâu hiểm, kiến tạo 27 ngôi chùa cho tăng chúng cư trú. Công việc xong, năm 578, ngài ngồi trên tảng đá, dùng dao tự cắt thịt, mổ bụng, đem gan ruột treo lên cành cây, rồi hai tay bưng quả tim mà viên tịch; bấy giờ ngài mới 45 tuổi đời. Vua Chu Vũ đế cũng chết trong năm đó.
04) Đạo Tích (?-?): Chúng tôi chưa tra cứu được tiểu sử của ngài; chỉ thấy ở sách Tục Cao Tăng Truyện, trong mục nói về ngài Tĩnh Yết, có đoạn ghi rằng: “Lúc bấy giờ có sa môn Đạo Tích ở Nghichâu, cũng đứng ra can gián, nhưng nhà vua đã không nghe theo. Ngài liền cùng với 7 vị bạn tăng lễ sám trước tượng Phật Di Lặc liền trong 7 ngày, không ăn uống, rồi cùng nhau đồng viên tịch. Ngài Tĩnh Yết biết rằng Phật pháp tất bị tiêu diệt, không có cách nào lay chuyển được vị vua bạo ngược, nên đã dẫn hơn 30 môn nhân vào núi Chung-nam…”
05) Huệ Viễn (523-592): Ngài họ Lí, quê ở Đôn-hoàng (tỉnh Cam-túc), năm 13 tuổi theo sa môn Tăng Tư xuất gia; năm 16 tuổi lại theo luật sư Trạm đến Nghiệp-đô (kinh đô của nhà Đông-Ngụy, và sau đó là nhà Bắc-Tề, tức nay là huyện Lâm-chương, tỉnh Hà-bắc), học thông cả kinh điển đại, tiểu thừa. Năm 20 tuổi ngài thọ giới cụ túc với sa môn Pháp Thượng, rồi theo sa môn Đại Ẩn học tập Tứ Phần Luật; sau đó lại chuyên thờ ngài Pháp Thượng làm thầy để tu học. Về sau ngài dời về chùa Thanh-hóa ở Cao-đô (nay là huyện Tấn-thành, tỉnh Sơn-tây), đồ chúng cùng nhau xây dựng giảng đường để ngài giảng kinh. Gặp lúc vua Chu Vũ đế diệt nhà Bắc-Tề, ban lệnh đốt kinh hủy tượng và tăng chúng phải hoàn tục, không ai dám can gián, thì ngài một mình đứng lên cùng vua biện bác. Dù vua không bẻ gẫy được ngài, nhưng vẫn cho lệnh hủy diệt Phật giáo ở Bắc-Tề. Biết không thể làm gì được, ngài bèn vào núi lánh nạn. Sau khi nhà Tùy hưng khởi, ngài lại xuất hiện, mở đạo tràng hoằng hóa tại Lạc-dương, tăng chúng qui tụ theo học đông đúc; vua Tùy Văn đế bèn ban sắc phong ngài làm sa môn đô thống ở Lạc-dương, ủy thác trách nhiệm phục hưng Phật giáo. Sau đó nhà vua lại thỉnh ngài về kinh đô Trường-an, trú tại chùa Hưngthiện, để nhà vua và triều thần được thân cận học hỏi; rồi nhà vua lại cho xây chùa Tịnh-ảnh để ngài mở đạo tràng giảng dạy; nhân đó mà ngài được gọi là “Tịnh-ảnh tự Huệ Viễn”, để phân biệt với ngài Tuệ Viễn (334-416) ở Lô-sơn. Ngài viên tịch năm 592, thế thọ 70 tuổi; trước tác của ngài gồm có: Đại Thừa Nghĩa Chương, Thập Địa Kinh Luận Nghĩa Kí, Pháp Hoa Kinh Sớ, Đại Bát Niết Bàn Kinh Nghĩa Kív…, cả thảy 20 bộ, gồm hơn 100 quyển.
06) Pháp Chiếu: Các sử liệu đều không ghi rõ các chi tiết về niên đại cũng như quê quán của ngài; chỉ biết rằng, ở thời đại nhà Đường, dưới triều vua Đại-tông (762-779), ngài thường vân du ở vùng ĐôngNgô, nhân đó mà ngưỡng mộ đạo phong của đại sư Tuệ Viễn (đã viên tịch từ lâu) ở Lô-sơn, bèn vào núi xin theo tu tập pháp môn “niệm Phật tam muội”. Sau đó ngài đến núi Nam-nhạc, xin thờ đại sư Thừa Viễn (712-802, tổ thứ ba của tông Tịnh Độ) làm thầy. Năm 767 ngài đến cư trú tại chùa Vân-phong ở Hành-châu. Một hôm ngài trông thấy trong bát cháo của ngài hiện rõ đám mây năm sắc, trong đám mây ấy lại có hình ảnh ngôi chùa Đại-thánh Trúc-lâm. Một hôm khác, cũng lại ở trong cái bát ấy, ngài trông thấy hình ảnh các chùa ở núi Ngũ-đài cùng các thắng tướng của cảnh giới Tịnh-độ. Mùa hạ năm 769 ngài đến chùa Hồ-đông (cũng ở Hành-châu), mở đạo tràng tu “ngũ hội niệm Phật”, và cảm nhận được sự hiện diện của đức Phật A Di Đà cùng chư vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền. Năm sau ngài đến chùa Phậtquang ở núi Ngũ-đài, bỗng có hai vị đồng tử xuất hiện dẫn đường, ngài mới thấy rõ các cảnh vật đã từng thấy trong bát cháo mấy năm trước; lại được hai đức Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền trao truyền yếu môn niệm Phật.
Ngài là người đã mô phỏng theo tiếng gió lay động cành cây phát ra năm thứ âm thanh, được diễn tả trong kinh Vô Lượng Thọ, mà sáng lập ra pháp môn tu gọi là “ngũ hội niệm Phật”. Ngài thường qua lại các địa phương trong khoảng từ núi Ngũ-đài cho đến kinh thành Trường-an để hoằng dương Phật pháp, nhất là hướng dẫn tu tập pháp môn niệm Phật do ngài sáng lập. Sau khi viên tịch, ngài được vua ban thụy hiệu là “Đại-ngộ Hòa-thượng”. Người đương thời cho rằng, ngài chính là hậu thân của đại sư Thiện Đạo (613-681). Trước tác của ngài có Tịnh Độ Ngũ Hội Niệm Phật Tụng Kinh Quán Hạnh Nghi và Tịnh Độ Ngũ Hội Niệm Phật Lược Pháp Sự Nghi Tán.
07) Hoài Tố (634-707): Ngài họ Phạm, quê ở Kinh-triệu (huyện Tây-an, tỉnh Thiểm-tây), từ thuở nhỏ đã tỏ ra thông tuệ khác thường, khí độ rộng rãi. Năm 12 tuổi ngài xin xuất gia với pháp sư Huyền Trang, chuyên học kinh, luận. Sau khi thọ giới, ngài lại theo đại sư Đạo Tuyên để học bộ Tứ Phần Luật Hành Sự Sao; sau lại xin nhập làm môn hạ của đại sư Đạo Thành (đệ tử của đại sư Pháp Lệ) để học Tứ Phần Luật Sớ. Sau một thời gian học tập, ngài thấy các chú sớ của cổ nhân, nghĩa lí chưa được toàn hảo, cho nên đã soạn bộ Tứ Phần Luật Khai Tông Kí, sửa chữa những sơ suất của người trước, làm thành học thuyết riêng, được người đời gọi đó là “Tân Sớ” (để phân biệt với bộ Tứ Phần Luật Sớ của ngài Pháp Lệ trước đó). Từ đó ngài trở thành tổ khai sáng của Đông Tháp Luật tông – cùng với Tướng Bộ tông của ngài Pháp Lệ và Nam Sơn tông của ngài Đạo Tuyên, được người đương thời gọi chung là “Luật học tam đại tông”. Lúc đầu ngài trú tại chùa Hoằng-tế ở Trường-an; năm 676 ngài vâng chiếu vua về trú tại chùa Tây-thái-nguyên, đồ chúng vân tập tu học đông đảo. Ngài viên tịch năm 707, thế thọ 74 tuổi. Trước tác của ngài có: Câu Xá Luận Sớ, Di Giáo Kinh Sớ, Tứ Phần Tì Kheo Giới Bản Sớ, Tăng Yết Ma, Ni Yết Mav…
08) Hiền Thủ (643-712): Ngài cũng có tên là Pháp Tạng, họ Khang, người Hoa gốc Khang-cư. Tổ tiên của ngài vốn ở nước Khang-cư, đến đời ông nội thì cả gia tộc đều dời sang Trung-quốc, cư trú tại Trường-an. Thuở nhỏ ngài thờ đại sư Trí Nghiễm (602-668) làm thầy, nghe giảng kinh Hoa Nghiêm, liền thâm nhập được huyền chỉ của kinh. Sau khi đại sư Trí Nghiễm viên tịch, ngài xin y chỉ với đại sư Bạc Trần (sư huynh của ngài); lúc đó ngài đã 28 tuổi. Ngài thông thạo Phạn ngữ và các ngôn ngữ khác ở miền Tây-vức, nên đã được vua cử tham dự dịch trường của pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713), trước sau dịch được Tân Hoa Nghiêm Kinh, Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh,v… cả thảy hơn chục bộ. Ngài cũng đã từng giảng cho nữ hoàng Vũ Tắc Thiên nghe về thâm nghĩa của giáo lí “thập huyền duyên khởi”, đã dùng ngay tượng con sư tử vàng ở góc điện làm ví dụ, làm cho bà thấu hiểu nghĩa lí một cách dễ dàng, mau lẹ; sau đó, ngài đã dùng chính đề tài này mà soạn thành chương “Sư Tử Vàng” (Kim Sư Tử). Ngài đã dành hầu trọn cuộc đời để giảng dạy kinh Hoa Nghiêm, và hoàn thành việc tổ chức nền giáo học Hoa Nghiêm; bởi vậy, ngài đã được tôn làm vị tổ thứ ba của Hoa Nghiêm tông.
Ngoài ra ngài còn chú thích các kinh Lăng Già, Mật Nghiêm, Phạm Võng, và luận Khởi Tín. Ngài cũng đã phỏng theo cách thức của tông Thiên Thai, đem các hệ tư tưởng của Phật giáo phân làm “ngũ giáo thập tông”, trong đó, hệ thống tư tưởng Hoa Nghiêm được ngài cho là cao sâu bậc nhất. Ngài viên tịch năm 712 (năm đầu đời vua Đường Huyền-tông), thế thọ 70 tuổi. Trước tác của ngài rất nhiều, như: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Kí, Hoa Nghiêm Liệu Giản, Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương, Hoa Nghiêm Cương Mục, Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương, Đại Thừa Mật Giáo Kinh Sớ, v.v… cả thảy hơn 20 bộ.
09) Trừng Quán (738-839): tức là ngài Thanh Lương (xin xem lại chú thích số 11, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I, Hạnh Cơ dịch và chú thích bổ túc).
10) Chu Toàn Trung (852-912): Ông vốn tên là Chu Ôn, quê ở huyện Đảng-sơn, tỉnh An-huy. Năm 877
(đời vua Đường Hi-tông, 874-888) ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Hoàng Sào lãnh đạo, nhiệm chức Đồng-châu phòng ngự sứ. Năm 882 ông phản Hoàng Sào, về đầu nhà Đường, được vua Hi-tông ban cho tên mới là Toàn Trung, chức Hà-trung hành doanh chiêu thảo sứ. Nhờ có công đàn áp quân khởi nghĩa, ông lại được thăng chức Tuyên-vũ tiết độ sứ. Ông tiếp tục đánh giẹp các cuộc nổi dậy khác, cuối cùng, vào năm 903 (đời vua Đường Chiêu-tông, 889-904), ông vào kinh đô Trường-an giết hết các hoạn quan, được vua phong làm Lương vương. Qua năm sau (904), ông giết vua Chiêu-tông, lập thái tử Lí Chúc lên kế vị, tức Chiêu-tuyên đế (904-907), vị vua cuối cùng của vương triều Đường, tự phong mình làm tướng quốc. Năm 907, Chu Toàn Trung phế bỏ hoàng đế Lí Chúc, diệt nhà Đường, tự lập làm hoàng đế, đổi tên mình thành Chu Hoảng, đổi quốc hiệu là Lương – sử gọi đó là nhà Hậu-Lương, đóng đô ở Biện-kinh (nay là huyện Khai-phong, tỉnh Hà-nam), chẳng bao lâu sau lại dời đô về Lạc-dương. Năm 912, ông bị người con thứ là Chu Hữu Khuê giết chết để cướp ngôi; nhưng sau đó (913) Khuê lại bị em là Chu Hữu Trinh giết để kế thừa ngôi vua của cha.
11) Ngũ-đại: Đó là một thời kì lịch sử của Trung-quốc, kéo dài 54 năm (907-960). Sau hơn 300 năm thống nhất dưới hai vương triều Tùy và Đường (581-907), đến đây, Trung-quốc bị phân rẽ thành hai miền Bắc và Nam: Lãnh thổ ở phương Bắc thì chỉ có một nước nhưng do 5 triều đại kế tiếp nhau thống trị; trong khi đó, lãnh thổ ở phương Nam thì lại bị chia thành 10 nước nhỏ cùng nhau cai trị. 5 vương triều kế tiếp nhau cai trị ở phương Bắc là: Hậu-Lương (907-923), Hậu-Đường (923-936), Hậu-Tấn (936-946), Hậu-Hán (947-950), và Hậu-Chu (951-960); sử gọi đó là “Ngũ-đại”. 10 nước chia nhau cai trị ở phương Nam là: Sở (907-951, ở Hồ-nam ngày nay), Tiền-Thục (908-925, ở Tứ-xuyên ngày nay), Ngô-Việt (908-982, ở Triết-giang ngày nay), Nam-Hán (917-971, ở Quảng-đông ngày nay), Ngô (918937, ở An-huy ngày nay), Nam-bình (924-963, ở Hồ-bắc ngày nay), Mân (933-945, ở Phúc-kiến ngày nay), Hậu-Thục (934-965, ở Tứ-xuyên), Nam-Đường (937-958, ở Giang-tô ngày nay), và Bắc-Hán (951979, ở Sơn-tây, thuộc miền Bắc); sử gọi đó là “Thập-quốc”. Vì thời đại này gồm có 5 triều đại (ngũ đại) ở phương Bắc và 10 nước (thập quốc) ở phương Nam, nếu chỉ gọi là thời “Ngũ-đại” thì không chính xác, cho nên các sử gia cận đại đã gọi đây là thời đại “Ngũ-đại Thập-quốc”.
12) Hậu-Chu: là vương triều cuối cùng của thời “Ngũ-đại” (vừa nói ở trên), do Quách Uy kiến lập. Uy vốn là quan khu mật sứ của vương triều Hậu-Hán. Năm 951 ông khởi binh lật đổ nhà Hậu-Hán, tự lập làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu, đóng đô ở Khai-phong – sử gọi đó là Hậu-Chu; tồn tại chỉ có 9 năm thì bị nhà Tống tiêu diệt.
13) Ngô-Việt: là một trong 10 nước của thời Ngũ-đại Thập-quốc (vừa nói ở trên), do Tiền Lưu kiến lập. Lưu vốn là một viên tướng của triều Đường, vào cuối đời Đường được phong làm Trần-hải tiết độ sứ. Năm 908 ông được nhà Hậu-Lương phong làm Ngô-Việt vương, rồi tự lập quốc, xưng là Ngô-Việt quốc vương, đóng đô ở Hàng-châu. Nước này tồn tại được 75 năm, đến năm 982 thì bị nhà Tống tiêu diệt.
14) Tùy Dạng đế (589-617): tên là Dương Quảng, tức vị vào năm 605, là vua đời thứ nhì của nhà Tùy. Ông là con thứ của vua Tùy Văn đế (581-604), nhưng tính tình bạo ngược và xa xỉ vô độ. Sau khi lên ngôi, ông quyết định bỏ kinh đô Trường-an, để dời về Lạc-dương, việc xây cất cung điện mới, vườn thượng uyển, các li cung v.v…, tốn phí quốc khố, lao khổ nhân dân, không bút mực nào tả xiết! Rồi vì mê thích phong cảnh ở Giang-tô, ông lại bỏ kinh đô Lạc-dương để dời xuống Dương-châu, gọi là Giang-đô. Ông cũng ham dùng binh, nào bình Đột-quyết, Thổ-cốc-hồn; nào phạt Chiêm-thành; nào gây chiến tranh với Triều-tiên, nhân dân đã phải vừa cung cấp người cho lính chiến, lại phải cống nạp của cải tiền bạc cho chiến phí, làm cho sức người sức của đều kiệt quệ, trong ngoài ta oán, trộm cướp, giặc loạn nổi lên khắp nơi; những kẻ hào kiệt nhân đó mà khởi dậy, mỗi người chiếm cứ một nơi, chờ cơ hội để lật đổ nhà Tùy mà dựng nghiệp lớn.
Trong những hào kiệt này, thì lưu thú (tức thái thú) Thái-nguyên phủ Đường quốc công Lí Uyên (566635) là hùng mạnh hơn cả. Năm 617, ông đã cùng với ba người con (Kiến Thành, Thế Dân, Nguyên Cát), khởi binh chiếm thành Trường-an (lúc này vua Tùy Dạng đế đang ngự ở Giang-đô), tôn người cháu nội của Dạng đế là Dương Hựu (mới 12 tuổi) lên ngôi hoàng đế, tức Cung đế (617-618); còn Dạng đế thì phong làm thái thượng hoàng. Năm 618, tại cung điện ở Giang-đô, Dạng đế đã bị một viên thuộc tướng đột nhập vào cung giết chết. Tại Trường-an, khi nghe được tin đó, Đường quốc công Lí Uyên cũng bắt ép Cung đế phải thoái vị, nhường ngôi cho mình. Như thế là nhà Tùy chấm dứt, Lí Uyên lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đường, đóng đô ở Trường-an.
Tùy Dạng đế, trong cung cách cai trị thì độc tài, bạo ngược và xa xỉ như vậy, nhưng về phương diện tín ngưỡng thì ông lại là một Phật tử đã góp công đức lớn lao (tuy không sánh bằng phụ hoàng của ông là Tùy Văn đế) trong công cuộc phục hưng Phật giáo. Ông mộ đạo từ khi tuổi còn niên thiếu. Năm 591 (lúc đó đương nhiệm chức tổng quản Dương-châu) ông đã phát tâm thọ giới Bồ-tát với đại sư Trí Khải. Sau đó ông đã cho xây cất tại Dương-châu hai ngôi đạo tràng, thỉnh nhiều vị cao tăng danh đức vãng lai hoằng hóa. Năm 600, sau khi được lập làm thái tử, ông vẫn tiếp tục xây dựng chùa tại kinh đô và chú trọng công việc hoằng pháp của chư tăng. Sau khi lên ngôi vua, ông thiên đô về Lạc-dương, lại tiếp tục kiến tạo chùa tháp; rồi ban lệnh, những ngôi chùa lớn đều đổi danh xưng là “đạo tràng” (ví dụ: trước gọi là chùa Tuệ-nhật, thì nay gọi là đạo tràng Tuệ-nhật). Ông lại còn cho xây ngôi Hồng-lô tự Tứ-phương quán để làm nơi cư trú và học tập cho các du học tăng ngoại quốc. Đó là về mặt xây dựng; mặt khác ông lại nghiêm khắc ban lệnh sa thải tăng ni, và buộc chư tăng phải kính lễ đế vương. Có người cho rằng, vì mục đích canh tân Phật giáo, nên nhà vua đã hạ lệnh sa thải các tăng ni không học thức, không đức hạnh. Còn lệnh bắt chư tăng phải kính lễ đế vương thì đã bị các bậc cao tăng (như đại sư Trí Khải chẳng hạn) thượng biểu phản bác, cuối cùng vua cũng phải nghe theo. Nhưng cũng vì những sắc lệnh có phương hại đến tăng đoàn, mà có người cho rằng, ông cũng là người đã có những hành động đàn áp Phật giáo.
15) Đại Chí (?-?): Ngài họ Cố, quê ở Cối-kê, là đệ tử của đại sư Trí Khải (538-597). Dưới đời vua Tùy Văn đế (581-604), ngài trú tại Lô-sơn, chuyên tu hạnh đầu đà. Vào đời Tùy Dạng đế, nhà vua ra lệnh nghiêm cấm chư tăng sống đời “du phương” hoặc “ẩn dật”. Ngài lo lắng cho pháp vận suy vi, bèn xuống núi vào kinh xin yết kiến vua, biện bạch can gián. Ngài nguyện đốt một cánh tay của mình để xin vua sùng hưng Tam Bảo, bãi bỏ những sắc lệnh làm thương tổn đến Phật pháp. Tùy Dạng đế chấp thuận lời thỉnh cầu ấy. Ngài bèn lên núi Tung, nhịn ăn 3 ngày, rồi dựng giàn lửa để đốt một cánh tay. Đốt xong, ngài lại ngồi nhập định 7 ngày, rồi viên tịch. Lúc đó ngài mới 47 tuổi.
BÀI TẬP
1) Vua Vũ đế nhà Bắc-Chu đã biến tăng sĩ thành đạo sĩ như thế nào?
2) Khi Vũ đế phá trừ Phật giáo, trong Phật môn có những sự tích tráng liệt nào? 3) Sau khi Vũ đế đánh chiếm nước Bắc-Tề, ông đã phá hủy Phật giáo ở đó như thế nào? Về sau cả vua tôi đã phải chịu ác báo ra sao?
3) Hãy kể tên hai, ba vị cao tăng của mỗi tông phái Phật giáo vào thời ThịnhĐường.
4) Vì sao trong thời đại nhà Đường, Đạo giáo đã được triều đình hết sức bảo hộ?
5) a/ Vì sao vào năm thứ 5 niên hiệu Hội-xương Phật giáo bị phá hủy? b/ Vua tôi đã tạo nên kì pháp nạn Hội-xương, về sau đã phải chịu ác báo như thế nào?
6) Vua Thế-tông của nhà Hậu-Chu đã bách hại Phật giáo như thế nào?
7) Vua Tống Huy-tông đã tin Đạo giáo và áp chế Phật giáo như thế nào?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 28, 29 và 30
1. Nhìn tổng quát về cách phán giáo của các tông phái, đó chẳng qua chỉ là mỗi tông phái tôn sùng những kinh điển và giáo lí mà họ tự chọn và cho là loại giáo pháp liễu nghĩa duy nhất, rồi nâng lên thành loại giáo nghĩa đệ nhất: như tông Thiên Thai thì cho hai bộ kinh Pháp Hoa và Niết Bàn là giáo pháp viên đốn; tông Hiền Thủ thì cho kinh Hoa Nghiêm là viên giáo; tông Pháp Tướng thì cho kinh Giải Thâm Mật là loại giáo pháp đại thừa trung đạo; tông Tịnh Độ cho pháp môn niệm Phật đầy đủ cả tự lực và tha lực mới là con đường dễ đi; tông Luật lấy chủng tử làm giới thể, nâng Giới Luật lên hàng đại pháp nhất thừa viên đốn; tông Chân Ngôn cho rằng Mật giáo mới chính là cảnh giới nội chứng của đức Như Lai, v.v… Vì kiến giải của họ là như vậy, lòng tôn sùng của họ là như vậy, cho nên tự nhiên ngôn thuyết của họ chắc chắn cũng như vậy; điều đó được gọi là “người trí thì thấy trí, người nhân thì thấy nhân”; hoàn toàn không phải là tự khoe, mà chính là mỗi người đều có đầy đủ lí do của họ. Quốc sư Thanh Lương(1) đời Đường nói: “Pháp vũ của đức Như Lai chỉ có một vị, tuy có tùy cơ mà trình bày giáo pháp khác nhau, nhưng cuối cùng cũng qui về một sự thật duy nhất, thì có gì để phân chia?” Mấy câu nói này quả thật là những tiếng gầm sư tử ở trong đạo pháp của chúng ta.
2. Nhà Bắc-Ngụy tiêu diệt Phật giáo, tội ấy không thể đổ hết lên một mình vua Thái-vũ đế. Tăng già không giữ giới luật, có nhiều hành vi quái đản vượt khỏi phạm vi của người tu hành; vì vậy, đối với sự việc trên, sự thật họ phải chịu phần lớn trách nhiệm. Xin hỏi: Chùa Phật mà chứa giữ binh khí để làm gì? Có kinh điển nào dạy điều ấy đâu! Vậy phải chăng họ đã phạm giới sát? Chùa Phật mà cất chứa các dụng cụ nấu rượu để làm gì? Có kinh điển nào dạy điều ấy đâu! Vậy phải chăng họ đã phạm giới uống rượu? Chùa Phật mà lại cho các quan lại và những người giàu có gửi nhờ tài vật, kinh điển nào dạy như thế? Vậy có phải là họ đã phạm giới không được giữ vàng bạc châu báu chăng? Tăng già mà không tu hành, phá các đại giới căn bản, làm những việc không đúng phép, có tang chứng cụ thể, lại bị kẻ quyền thần dèm siểm, thì nhà vua không hạ lệnh diệt Phật làm sao được!
Cho nên, nếu nói Thái-vũ đế hại tăng sĩ, thì phải nói ngược lại là chính tăng sĩ đã hại Thái-vũ đế. Tự mình gây chuyện để lụy đến vua quan, tội đó dù phải đọa địa ngục đến ngàn vạn kiếp cũng không có gì là oan uổng! Chúng ta chỉ cần xem: Thái-vũ đế lúc ban đầu đã dùng ưu lễ mà đãi ngộ thiền sư Tuệ Thỉ; lại thỉnh hai vị thiền sư Quân Cao và Huyền Cao làm thầy của thái tử; thì đủ thấy ông đối với Phật giáo vốn có thiện cảm. Giả sử khi ông đến Trường-an, được thấy chư tăng trong chùa giới luật tinh nghiêm, oai nghi tề chỉnh, thì chắc chắn là ông phát sinh lòng thành kính, dù có mười ông Thôi Hạo cũng chỉ là vô dụng thôi. Thế mới biết, giới luật chính là thọ mạng của Phật pháp; khi giới luật đã bị phá hoại thì Phật pháp liền bị tiêu diệt. Thật đáng sợ thay!
3. Nếu bảo “không cày ruộng, không nên ăn”, thì chủ trương này rất giống với chủ trương của Hứa Hành(2) thời Mạnh Tử(3). Như thế thì các bậc đế vương của thời cổ đại như Đường Nghiêu, Ngu Thuấn(4), Hạ Võ(5), Thành Thang(6), Văn vương(7), Vũ vương(8), cùng Chu Công(9), Khổng Tử, họ đều không hề cày ruộng, chẳng lẽ đều không có tư cách để ăn cơm ư? Rồi những người thuộc các giới trong xã hội ngày nay như thợ thuyền, buôn bán, học sinh, binh sĩ, cũng như các quan lại, công nhân viên chức, họ đều không cày ruộng, cũng đều không có tư cách để ăn cơm ư? Nói theo chủ thuyết đó, thì loại người không đủ tư cách để ăn cơm có nhiều lắm, đâu phải chỉ có tăng sĩ mà thôi! Cho nên chúng ta chỉ cần hỏi như vầy: Người này có làm việc không? Và công việc đó có giúp ích gì cho nhân quần xã hội không? Nếu quả là có ích, thì không cần phải cày ruộng, người đó cũng đã có đủ tư cách để ăn cơm vậy. Ông Hàn Dũ chỉ biết tăng sĩ cần ăn, mà không biết được những công việc mà tăng sĩ từng làm. Hai ngàn năm qua, nếu không có Phật giáo, thì phong hóa của xã hội Trung-hoa sợ rằng không thể nào tốt đẹp như ngày nay chúng ta thấy. Các tăng sĩ Phật giáo đã có những nỗ lực lớn lao, giúp tu sửa lòng người trở nên ngay chánh, làm cho phong tục trở nên tốt đẹp, bổ cứu những sai sót của chính trị và luật pháp quốc gia, thậm chí còn giúp cho con người chấm dứt khổ đau, vượt vòng thế tục. Những người như thế mà ngay cả cơm rau đạm bạc cũng không được ăn, thì xin hãy nói bằng tiếng nói của lương tâm, điều đó có quá đáng chăng?
4. Không hiểu rõ Phật giáo mới muốn tiêu diệt Phật giáo; khi đã hiểu rõ Phật giáo rồi, thì đem lòng sùng bái sợ còn không đủ, nói gì đến muốn phá hoại! Ở trong cửa Phật mà không chịu hoằng dương Phật pháp cho quần chúng, thì nhất định quần chúng sẽ vĩnh viễn bị ngăn cách với Phật môn, rồi sinh ra nghi ngờ, cừu hận; và nếu quả thật có tình trạng đó, thì số người kế tục những hành động của “tam Vũ nhất Tông” sẽ nhiều vô kể! Huống chi những kẻ ngoại đạo, ngoại giáo, những người theo chủ nghĩa duy vật, và những kẻ luôn luôn nhìn Phật giáo bằng cặp mắt thù hận, khi một trong những hạng người này nắm được quyền bính trong tay, há lại không muốn tiêu diệt Phật giáo ư! Cho nên, hoằng dương Phật pháp, làm cho người không biết trở thành người có chánh tri chánh kiến, đó là gián tiếp bảo toàn Phật pháp. Tự thân hành giả cũng luôn quán niệm các pháp vô thường mà nhanh chóng làm cho Phật pháp ngày càng sáng rỡ. Trong lúc thân thể còn đang tráng kiện, hãy nỗ lực tu hành. Tu một ngày là phải chắc chắn một ngày. Tất cả các pháp do nhân duyên sinh, chưa bao giờ có pháp nào vượt ra khỏi định luật “sinh trụ dị diệt”. Thân chúng ta là như vậy; tất cả sự vật ở mọi hoàn cảnh cũng đều như vậy.
5. Sau khi Phật giáo được truyền đến Trung-quốc, Đạo giáo đã một mực đối đầu quyết liệt. Lần thứ nhất là dưới thời vua Hán Minh đế(10), do các vị đạo sĩ ở các núi “ngũ-nhạc”(11) như Chử Thiện Tín v.v…, đã tâu vua xin tỉ thí với Phật giáo; đầu mối của sự ganh đua phát xuất từ đó. Sau đó, vào thời Bắc-Ngụy, vua Thái-vũ đế bài trừ Phật giáo là do đạo sĩ Khấu Khiêm Chi và người học trò của ông là Thôi Hạo; thời Bắc-Chu, vua Vũ đế tiêu diệt Phật giáo là do đạo sĩ Trương Tân; thời Đường, vua Vũ-tông bài Phật là do đạo sĩ Triệu Qui Chân; thời Tống, vua Huytông diệt Phật là do đạo sĩ Lâm Linh Tố. Xét về nguyên nhân của thái độ thù nghịch đó, chỉ cần có 8 chữ là nói lên tất cả, đó là: “quan niệm khu vức, vấn đề chén cơm”! Và đó đều là tác dụng phát sinh ra do tâm chấp ngã. Từ xưa đã vậy, ngày nay càng mạnh. Khó lắm, hai thứ chấp ngã và pháp(12) thật không dễ phá trừ, cho nên chúng sinh cũng không dễ thành Phật.
6.Trách nhiệm của tăng già, nói một cách đại lược, gồm có:
1) Bảo trì pháp thống, không để bị suy đồi;
2) Chùa tháp, Phật tượng, kinh điển, pháp khí v.v…, phải bảo tồn và ứng dụng;
3) Hoằng dương Phật pháp, giúp cho mọi người có được chánh tri kiến;
4) Hướng dẫn người đời qui y Tam Bảo, tu tập để vượt thoát nhà lửa ba cõi;
5) Tự mình tu tập giáo pháp xuất thế gian;
6) Tu sửa thế đạo nhân tâm trở nên thuần chánh, bổ túc những điểm yếu kém của nền chính trị, cũng như những điều thiếu sót của luật pháp quốc gia.
Cứ theo 6 loại công tác vừa nêu trên, thì trách nhiệm của tăng già quả thật không phải là nhẹ. Nếu những trách nhiệm ấy đều được thực thi viên mãn, thì sự thành tựu sẽ lớn lao, trọng yếu gấp bao nhiêu lần đối với việc làm của các giới nông gia, công nhân và thương mại. Tăng già đã tự nguyện lìa xa gia đình riêng tư, từ bỏ năm thứ dục lạc, chấp nhận gánh vác các trách nhiệm nặng nề như trên, tại sao lại không đáng được ăn một chén cơm? Các vị tăng phạm pháp, lẽ đương nhiên phải bị xử trị theo pháp luật, nhưng tuyệt nhiên không nên hành động giống như vua Thái-vũ nhà Bắc-Ngụy – thấy một chùa không giữ giới luật, liền giết hết tăng ni, hủy diệt Phật pháp toàn quốc! Hành động đó cũng giống như: nhân một người phạm pháp mà giết cả nhân dân toàn quốc. Hành động như thế có hợp lí chăng?
7. Những kẻ phá hoại Phật pháp thường hay gặp những tai họa lạ lùng, nhưng đó không phải là do Phật, Bồ-tát trách phạt. Phật, Bồ-tát nếu khởi tâm sân hận, thì cũng cầm bằng như kẻ phàm phu mê muội, trách phạt người ta xong thì thích thú, khoan khoái. Nếu quả thật Phật, Bồ- tát mà như thế thì Phật pháp đã tiêu vong từ lâu rồi! Vậy, mang tai họa là vì các lí do: Thứ nhất, Phật pháp nối liền huệ mạng của hữu tình; cho nên hủy diệt Phật pháp cũng tức là cắt đứt huệ mạng của tất cả chúng sinh. Thứ nhì, Phật pháp có khả năng chấm dứt khổ đau của thế gian, cứu độ hữu tình vượt thoát luân hồi ba cõi; cho nên hủy diệt Phật pháp cũng tức là làm cho chúng sinh vĩnh viễn chìm trong biển khổ, không có ngày siêu thoát. Thứ ba, Phật pháp chính là ruộng phước của người đời, làm cho những ai biết “tùy hỉ công đức” thì đời sau hưởng đầy an lạc; cho nên hủy diệt Phật pháp cũng tức là phá hoại ruộng phước của mọi người, làm cho không ai được an lạc. Ở đây chỉ xin nêu lên ba lí do quan trọng như vậy. Thế thì, tội ác của người phá hoại Phật pháp còn nặng gấp ngàn vạn lần tội ác của người phạm tội thập ác, ngũ nghịch; thậm chí có thể nói, tội ác phá hoại Phật pháp không gì có thể so sánh được. Cho nên, kẻ phá hoại Phật pháp, giả sử họ có được phước thọ, thì chắc chắn cũng sẽ bị cướp đoạt hết sạch, rồi thân chuốc tai họa, đâu cần tới Bồ-tát trách phạt! Đến như quí vị thần Hộpháp, vì lòng sân chưa dứt nên đôi khi cũng quở phạt. Điều này có thật, cũng như các ông cảnh sát trị an phải trừng trị những người dân gây rối loạn; việc ấy đâu có gì lạ!
8. Lão Trang chủ trương thanh tịnh vô vi, học thuyết đó nguyên rất gần với Phật giáo. Tôi tin rằng, nếu hai ngài Lão Tử và Trang Tử gặp đức Thích Ca, chắc chắn sẽ hoan hỉ tán thán, chứ nhất định không xung đột. Ví dụ, Lão Tử nói: Đạt đến chỗ rốt ráo rỗng không, giữ tâm hoàn toàn tĩnh lặng, làm những việc không làm; còn Trang Tử thì nói: Li Chu và Trí đều không tìm được huyền châu, chỉ có Tượng Võng tìm được(13). Những lời nói đó thật phù hợp với pháp ấn niết bàn tịch tĩnh(14) và hành tướng của trí vô phân biệt(15) trong giáo lí đạo Phật. Về sau, nhân vì có những lợi hại trong mối quan hệ, mà Đạo giáo đã nhìn Phật giáo như cái gai trong mắt, rồi tìm mọi dịp để bài xích; nhưng không phải họ bài xích vì giáo nghĩa của đạo Phật không đủ để độ người, mà vì Phật giáo đã đoạt mất cái địa vị của họ. Đầu mối của tình trạng ganh ghét dai dẳng thật sự đã phát xuất từ đó; bởi tín đồ Đạo giáo vào thời đó đều học theo Trương Đạo Lăng, còn Lão Trang thì chẳng còn ai biết tới. Một ý niệm bài xích vừa khởi lên, liền đánh trúng những phiền não căn bản của ác tâm như tham, sân, si, mạn, ác kiến(16) v.v…, và các phiền não tùy thuộc như phẫn, hận, não, cuống, kiêu, hại, tật, vô tàm, vô quí, bất chánh tri, tán loạn(17) v.v…, đều đồng thời khởi theo. Được thua gì chưa biết, mà tư lương của ba đường dữ đã có tức thì; đại họa nếu không ở ngay trước mắt, cũng bám liền vào thân sau. Thành ra, người tu đạo rốt cục lại tu vào ba đường dữ; dù đó không phải là ý nguyện của thuở ban đầu, nhưng sự thật rốt cục là như thế đó. Ngày xưa đã như vậy, mà ngày nay cũng như vậy. Tai hại lắm, cái tâm sân hận, tật đố, thật không nên có!
CHÚ THÍCH (của người dịch)
(01) Quốc sư Thanh Lương: tức đại sư Trừng Quán. (Xin xem lại phụ chú số 9, bài 30 ở trên.)
(02) Hứa Hành (?-?): là một nhà tư tưởng của thời Chiến-quốc (475-221 tr. TL), đại biểu cho phái Nông-gia (một trong “cửu lưu thập gia” ở thời đại Chiến-quốc). Ông là người nước Sở, năm sinh năm mất đều không rõ, chỉ biết ông sống cùng thời với Mạnh Tử (khoảng 372-289 tr. TL). Ông chủ xướng thuyết: “Người hiền cùng cày với dân chúng mà ăn.”, hoặc: “Mỗi người cần phải trồng lúa gạo, sau mới ăn.”. Ông từng đến nước Đằng (nay thuộc tỉnh Sơn-đông) du thuyết để truyền bá tư tưởng của ông. Ông phê bình vua nước Đằng rằng, những kho lẫm đầy ắp của nhà vua là do ăn cướp của dân mà có, không xứng đáng là ông vua hiền. Ông có 90 người đệ tử, đều mặc áo vải thô, và sinh sống bằng nghề bện giày, đan chiếu. Tư tưởng của ông tuy phản ảnh được nguyện vọng của giới nông dân, nhưng lại không thích hợp với đời sống thực tế của mọi giới trong xã hội đương thời, cũng không phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, nên đã không được ai thực hành.
(03) Mạnh Tử. (Xin xem lại chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 22, 23 và 24”, sách GKPHI.)
(04) Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. (Xin xem lại chú thích số 7, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 4, 5 và 6”, sách GKPH II, q. thượng.)
(05) Hạ Võ. (Xin xem lại chú thích số 11, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1, 2 và 3”, sách GKPH I.)
(06) Thành Thang. (Xin xem lại phụ chú số 2, bài 3, sách GKPH II, q. thượng.)
(07) Văn vương: Trong các nước chư-hầu của vương triều Thương (1562?-1066? tr. TL), có một nước rất hùng mạnh, là nước Chu, kinh đô là Cảo-kinh (nằm ở phía Tây Nam thành phố Tây-an, tỉnh Thiểmtây ngày nay). Tới đời vua Trụ (vua cuối cùng của nhà Thương), nước Chu có một bậc vua hiền minh, tài giỏi, tên là Cơ Xương. Do có người dèm pha, ông đã bị vua Trụ bắt giam ở ngục Dữu-lí. Các bề tôi của ông bèn đem nhiều gái đẹp, châu ngọc, lụa quí, dâng hiến cho vua Trụ, nên ông được thả trở về nước; lại được phong làm Tây-bá (tức là nước Chu ở phía Tây nước Thương, được thay nhà Thương làm bá chủ chư hầu). Vua Trụ thường sai ông đi dẹp loạn. Ông đánh đâu thắng đó, rồi nhân tiện mở mang bờ cõi nước Chu, chiếm cứ toàn bộ vùng đồng bằng Quan-trung, tiến dần đến Hà-đông, Hà-nam. Lúc bấy giờ, vua Trụ ngày càng hoang dâm, bạo ngược, đã bị nhiều chư hầu chán ghét, không phục tùng; trong khi đó, Cơ Xương thì ngày càng hiền đức, trọng dụng nhân tài, nên đã có đến hai phần ba trong số các chư hầu bỏ nhà Thương, mà qui phục về với ông. So ra, lúc ấy thế lực của ông đã hùng mạnh hơn vua Trụ, nhưng ông vẫn giữ lòng trung thành với vua Trụ, chứ không lợi dụng thời cơ để diệt nhà Thương. Sau khi ông mất, con ông là Cơ Phát nối làm Tây-bá, bèn thống lãnh chư hầu khởi binh tiêu diệt nhà Thương, tự lên ngôi thiên tử, xưng là Vũ vương (tức Chu Vũ vương), kiến lập vương triều Chu (1066?-256 tr. TL), truy tôn ông là Văn vương (sử thường gọi là Chu Văn vương).
(08) Vũ vương: tức Chu Vũ vương, tên là Cơ Phát, con của Chu Văn vương. Sau khi nối ngôi làm vua nước Chu và nối chức cha làm Tây-bá, ông cho xây mới Cảo-kinh bên bờ sông Phong; rồi sau vài năm chuẩn bị binh lực, ông hội chư hầu bàn kế diệt nhà Thương. Bá Di và Thúc Tề (con vua nước Cô-trúc) can gián, ông không nghe. Bá Di, Thúc Tề không phục ông, bỏ vào núi Thú-dương ở ẩn. Ông liền thống lãnh hầu hết chư hầu, cất quân đánh vua Trụ. Trụ là ông vua vô đạo, bấy giờ đã bị mọi người ghét bỏ, không còn ai giúp sức, thế cùng lực kiệt, bèn tự đốt mình trong cung mà chết. Cơ Phát tiến chiếm kinh đô của nhà Thương, rồi tiếp tục đánh chiếm các địa khu chủ yếu; thế là nhà Thương chấm dứt (1065? tr. TL), ông thu binh trở về Cảo-kinh, tự đặt mình lên ngôi bá chủ thiên hạ, xưng là Vũ vương, chính thức kiến lập vương triều Chu. Hai năm sau, ông bị bệnh chết.
(09) Chu Công: tức Chu Công Đán, em ruột của Chu Vũ vương, chú của Chu Thành vương. Sau khi Vũ vương băng, con là Thành vương được triều thần tôn lên ngôi kế vị. Vì Thành vương tuổi còn quá nhỏ, nên Chu Công được cử làm phụ chính, trông coi việc nước. Tuy là vai chú của Thành vương, nhưng ông đã hết lòng trung thành với vua, tận lực giúp vua trị nước, dẹp hết các giặc loạn, sửa đổi chế độ, đặt định các quan chức ở triều đình, luật pháp nghiêm minh, chế định lễ nhạc về quan hôn tang tế, phong cấp các chư hầu…, làm cho nền văn minh Trung-hoa trở nên rực rỡ. Do công đức lớn lao đó, ông đã được các sử gia đời sau đặt vào hàng “ba vị thánh của nhà Chu” (gồm có Văn vương, Vũ vương và Chu Công).
(10) Hán Minh đế (6-75 s. TL). (Xin xem lại chú thích số 16, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 16, 17 và 18”, sách GKPH II, q. thượng.)
(11) Ngũ-nhạc: là từ gọi chung để chỉ cho 5 ngọn núi danh tiếng ở Trung-quốc, gồm một ngọn ở trung ương và bốn ngọn ở bốn hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. 1) Tung sơn (Trung-nhạc, cũng gọi là Tung-cao, Tung-thất, Tung-thiếu, Tung-khâu, hay Tung-nhạc), tọa lạc tại phía Bắc huyện Đăng-phong, tỉnh Hànam, hình dáng cao lớn, đầu Đông gọi là Thái-thất, đầu Tây gọi là Thiếu-thất; 2) Thái sơn (Đông-nhạc), tọa lạc tại trung bộ tỉnh Sơn-đông, lịch triều đế vương Trung-quốc đều cử hành lễ phong-thiện (cúng tế trời đất hàng năm) trên đỉnh núi này; 3) Hành sơn (Nam-nhạc), tại tỉnh Hồ-nam; 4) Hoa sơn (Tâynhạc), tọa lạc tại phía Nam huyện Hoa-âm, tỉnh Thiểm-tây, nhân vì phía Tây có núi Thiếu-hoa, nên Hoa sơn cũng được gọi là núi Thái-hoa; tương truyền, trên đỉnh núi có ao, trong ao có hoa sen nghìn cánh, nên có tên là Hoa sơn; 5) Hằng sơn (Bắc-nhạc), cũng gọi là Thường sơn, ngọn chính nằm ở phía Tây Bắc huyện Khúc-dương, tỉnh Hà-bắc.
(12) Hai thứ chấp ngã và pháp (ngã pháp nhị chấp): là hai kiến chấp sai lạc về NGÃ và PHÁP. Đối với con người, không biết đó là do năm uẩn giả hợp mà hình thành, sinh tử vô thường, mà chấp trước cho rằng có một cái ngã (chủ thể) thường còn, một cái ta chân thật; đó gọi là “chấp ngã”. Đối với vạn pháp, không biết đó là do nhân duyên hòa hợp phát sinh, như huyễn như hóa, mà chấp trước cho rằng tất cả đều là chân thật; đó gọi là “chấp pháp”. Khởi niệm chấp ngã thì phát sinh phiền não chướng; khởi niệm chấp pháp thì phát sinh sở tri chướng.
(13) Huyền châu là hạt châu màu đen, là loại ngọc rất quí. Đạo gia thường dùng chữ “huyền châu” để chỉ cho Đạo. Li Chu là tên một người có cặp mắt rất sáng, nhìn thấy rất xa. Trí là tên một người rất thông minh. Tượng Võng là nhân vật không thật có, trông tựa như có hình mà kì thật là không có; ám chỉ cho sự vô tâm. Thiên “Thiên Địa” trong sách Trang Tử có nói: “Hoàng Đế đi chơi làm mất hạt huyền châu. Sai Trí đi tìm, tìm không thấy; sai Li Chu đi tìm, tìm không thấy; sai Khiết Cấu (tượng trưng cho sức mạnh) đi tìm, tìm không thấy; sai Tượng Võng đi tìm, thì tìm được. Hoàng Đế nói: Lạ thay! Chỉ có Tượng Võng mới tìm được ư?” Câu trên, hiểu theo giáo lí đạo Phật thì có nghĩa: Dù thông minh tài trí đến thế nào đi nữa, nhưng với tâm vọng động thì không bao giờ thấy được Đạo; mà chỉ có VÔ TÂM (tức là buông bỏ hết mọi khái niệm) mới thấy được Đạo (tức là cảnh giới niết bàn tịch tĩnh).
(14) Pháp ấn niết bàn tịch tĩnh: là một trong “3 pháp ấn”. (Xin xem lại chú thích số 11, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 19, 20 và 21”, sách GKPH II, q. thượng.)
(15) Trí vô phân biệt: là trí tuệ vô lậu, chân thật, bình đẳng, xa lìa mọi tướng chủ quan và khách quan, dứt tuyệt mọi khái niệm, mọi vọng tưởng phân biệt của nhận thức thế tục.
(16) Phiền não căn bản: Tất cả mọi đau khổ của chúng sinh đều do sáu thứ phiền não gốc rễ sau đây gây nên: 1) Tham: thấy gì vừa ý thì tham, muốn chiếm đoạt; 2) Sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận; 3) Si: vô minh, không sáng suốt; 4) Mạn: tự cao, kiêu mạn; 5) Nghi: ngờ vực, do dự; 6) Ác kiến: thấy biết sai lạc, không đúng sự thật. Sáu thứ phiền não gốc rễ này rất khó đoạn trừ.
(17) Phiền não tùy thuộc: Đây là các thứ phiền não phụ thuộc của sáu loại phiền não căn bản ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 thứ: 1) Phẫn: nóng giận, cộc cằn, bực tức; 2) Hận: oán hờn; 3) Phú: che dấu tội lỗi; 4) Não: buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên; 5) Tật: ganh ghét; 6) Xan: keo kiệt bỏn sẻn; 7) Cuống: dối gạt; 8) Siểm: nịnh hót, gièm pha; 9) Hại: có ý làm tổn hại người; 10) Kiêu: khoe khoang, tự kiêu, tự phụ; 11) Vô tàm: làm lỗi mà không biết tự xấu hổ; 12) Vô quí: tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn; 13) Trạo (điệu) cử: chao động không yên; 14) Hôn trầm: mê muội, dật dờ, trì trệ; 15) Bất tín: đa nghi, không tin tưởng; 16) Giải đãi: biếng nhác, bê trễ; 17) Phóng dật: buông lung, buông trôi; 18) Thất niệm: lãng quên, không có chánh niệm; 19) Tán loạn: xao xuyến, rối loạn; 20) Bất chánh tri: hiểu lầm, biết không chính xác.