GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 32
TÔNG CÂU XÁ(1) (phần 1)

I. LUẬN CÂU XÁ và TÔNG CHỈ CỦA BỘ LUẬN NÀY

Khoảng 900 năm sau ngày Phật nhập diệt, Bồ- tát Thế Thân đã rút lấy giáo nghĩa về “CÓ” trong Kinh tạng mà soạn ra bộ luận A Tì Đạt Ma Câu Xá, gọi tắt là luận Câu Xá, để hiển dương chân lí CÓ của các pháp. “A-tì” nghĩa là đối, “đạtma” nghĩa là pháp(2) “câu-xá” nghĩa là tạng; hợp chung lại có nghĩa là Đối Pháp Tạng(3). Từ “đối” có hai nghĩa: một, đối hướng niết bàn; hai, đối quán tứ đế.(4) Từ “pháp” cũng có hai nghĩa: một, pháp thắng nghĩa, tức niết bàn; hai, pháp pháp tướng, tức tứ đế.(5) “Đối pháp” tức là dùng trí tuệ vô lậu để quán sát lí tứ đế mà chứng quả niết bàn; đó là chủ trương của bộ luận này.

Luận Câu Xá chia làm 9 phẩm, 8 phẩm đầu trình bày nhân quả hữu lậu và vô lậu(6) của vạn pháp; 1 phẩm sau cùng nói rõ về lí vô ngã. Nhân vì nghiệp lực trong vũ trụ không bao giờ diệt mất, cho nên vạn pháp đều là thật có; còn như con người, đó là do các pháp hòa hợp giả tạm mà thành, cho nên ở trong các pháp, sự thật là không có cái ngã hư vọng. Cái nhìn “ngã không pháp hữu” ấy chính là ý chỉ chủ yếu của bộ luận này.

Vào thời đại nhà Trần, ngài Tam Tạng Chân Đế1 đã đem bộ luận này truyền vào Trung-quốc, rồi lại phiên dịch và soạn sớ(7); người học bèn y cứ vào đó mà lập thành tông phái, về sau dần dần bị mai một. Vào thời đại nhà Đường, tại chùa Từân(8), đại sư Huyền Trang đã dịch lại bộ luận này gồm 30 quyển, truyền cho môn đồ, sang cả nước Nhật-bản. Giáo nghĩa của bộ luận này như sau:

II. 75 PHÁP

Tông này, đối với vũ trụ vạn hữu, một cách tổng quát, đã lập ra 5 vị, bao gồm 75 pháp. 5 vị là: 1) Sắc pháp, có 11 pháp, tức các thứ sắc chất có đầy đủ trong hai báo2 y và chánh của chúng ta: trong thì có 5 căn, ngoài thì có 5 trần. 2) Tâm pháp, có 1 pháp, tức tác dụng của 6 thức. 3) Tâm sở hữu pháp, gọi tắt là tâm sở pháp, có 46 pháp, là thuộc tính của tâm vương3. 4) Bất tương ưng hành pháp, có 14 pháp, không có hình tướng như sắc pháp, cũng không phải vô hình như tâm vương và tâm sở; chúng là những huyễn tượng biến hóa trong vũ trụ vạn hữu, không phải vật, không phải tâm, không tương ưng với ba pháp sắc, tâm vương và tâm sở. 5) Vô vi pháp, có 3 pháp, tức những pháp tịch nhiên thường trú, không sinh diệt, không biến hóa. Trên đây cộng lại có tất cả 75 pháp, nội dung của chúng được trình bày trong biểu sau đây:

VŨ TRỤ VẠN HỮU

  1. Hữu Vi Pháp (có 4 nhóm):
    1. Sắc Pháp (gồm 11 pháp):
      • 5 căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân
      • 5 cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc
      • vô biểu sắc4
    2. Tâm Pháp (gồm 1 pháp): cũng gọi là Tâm Vương Pháp, tức nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thân thức, ý thức
    3. Tâm Sở Pháp (gồm 46 pháp):
      • đại địa pháp5(9): thọ, tưởng, tư, xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, thắng giải, tam ma địa6
      • đại thiện địa pháp7(10): tín, bất phóng dật, khinh an, xả, tàm, quí, vô tham, vô sân, bất hại, cần8
      • đại phiền não địa pháp9(11): si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử10 – đại bất thiện địa pháp(12): vô tàm, vô quí
      • tiểu phiền não địa pháp11(13): phẫn, phú, xan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu12
      • bất định địa pháp13(14): tầm, từ, thùy miên, ố tác, tham, sân, mạn, nghi14
    4. Bất Tương ưng Hành Pháp(15) (gồm 14 pháp): đắc, phi đắc, đồng phận, Vô-tưởng quả,

Vô-tưởng định, diệt tận định, mạng căn, sinh, trụ, dị, diệt, văn thân, danh thân, cú thân15

  1. Vô Vi Pháp(16) (gồm 3 pháp): trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, hư không vô vi16 Tổng cộng có 75 pháp.

III. 5 UẨN HÀM NHIẾP TẤT CẢ PHÁP HỮU VI

Tất cả chúng sinh, tâm sinh ở bên trong, cảnh ứng ở bên ngoài, các pháp nhân đó mà sinh khởi. Môn loại các pháp tuy nhiều, nhưng không ra ngoài phạm vi 72 pháp hữu vi vừa nêu trên; mà cũng tức là không ra ngoài phạm vi 5 uẩn. Hay nói cách khác, 75 pháp trên đây đều được chứa đựng trong 5 uẩn, như được trình bày trong biểu sau đây:

CHÚ THÍCH

1. Ngài Chân Đế quê ở Tây Ấn-độ, đến Trung-quốc vào năm thứ 2 niên hiệu Đại-đồng, đời Lương (lúc đó ngài hơn 30 tuổi); năm 71 tuổi, ngài viên tịch. Xin xem lại chú thích số 12, bài 23 ở trước.

2. Xin xem chú thích số 3, bài 24, sách Sơ Cấp.

3. Xin xem chú thích số 2, bài 19.

4. Khi thọ giới, một loại sắc thể được tạo ra để làm mạnh ba nghiệp. Sắc thể này cũng do sắc pháp của bốn đại sinh ra, cho nên gọi là “sắc”; hình tướng bề ngoài không hiển rõ, cho nên gọi là “vô biểu”. Vì nó có công năng “phòng phi chỉ ác” cho nên nhờ đó mà sinh ra giới thể. Loại vô biểu sắc này, tuy không giống như các loại sắc có tính chất ngại khác, nhưng nhân vì do sắc pháp của bốn đại sinh ra, nên nó được thu nhiếp trong sắc pháp. Đó là giáo nghĩa Hữu tông tiểu thừa.

5. Đại địa pháp cũng gọi là “biến đại địa pháp”. Tất cả tâm thiện ác gọi là “đại địa”. Các pháp tâm sở của đại địa (tức 10 tâm sở thọ v.v…) cùng tương ưng với tất cả tâm mà sinh; bởi vậy, khi tâm động thì tất khởi tác dụng, cho nên gọi là “đại địa pháp”.

6. Thọ là tác dụng lãnh thọ 3 cảnh khổ, vui và không khổ không vui. Tưởng là tưởng tượng sự vật. Tư là niệm khởi lên trước khi hành động. Xúc là cùng với cảnh giới tiếp xúc với nhau, tức là 3 pháp căn, cảnh và thức khởi tác dụng hòa hợp. Dục là ước muốn, có ý mong cầu. Tuệ là trí phân biệt, phán đoán, chọn lựa khi đối trước cảnh vật. Niệm là đối với những gì đã huân tập trong quá khứ, đều nhớ rõ, không quên. Tác ý là đối trước cảnh khởi sự chú ý, cảnh giác. Thắng giải là kiến giải thù thắng, tức hiểu rõ, không hoài nghi. Tam ma địa cũng dịch là tam muội, nghĩa là chánh định, tức tác dụng khiến tâm chuyên chú vào một cảnh.

7. Mười pháp này tương ưng với tất cả tâm thiện mà sinh khởi, nên chúng được gọi là “đại thiện địa pháp”.

8. Tín là chỉ cho tín ngưỡng; nhân có tín ngưỡng mà khiến cho tâm thanh tịnh. Bất phóng dật là tinh tấn, không phóng đãng. Khinh an là cả hai phương diện thân và tâm đều nhẹ nhàng an vui. Xả là tâm bình thường, chính trực, bình đẳng, thuộc trong hành uẩn; nhân vì cảm thọ không khổ không vui trong thọ uẩn cũng gọi là “xả” – tức “xả thọ”, cho nên tâm sở xả ở đây cũng được gọi là “hành xả”. Tàm là tự thấy hổ thẹn vì biết cả học thức và đức hạnh của mình chưa đầy đủ, từ đó mà sinh tâm hành thiện. Quí là tự thấy hổ thẹn vì biết làm việc ác sẽ bị người khác trách móc, chê cười, từ đó mà sinh tâm ngăn ngừa việc ác. Vô tham là biết đủ mà không tham cầu. Vô sân là đối trước nghịch cảnh vẫn an nhiên, không khởi tâm sân hận. Bất hại là không để tâm làm hại người khác, cũng không làm những việc gì gây tổn hại cho người khác. Cần là khi tu thiện pháp thì tâm luôn hăng hái, siêng năng.

9. Đại phiền não địa pháp là 6 thứ phiền não do hoặc mà sinh khởi.

10. Si cũng gọi là vô minh, tức ngu si, không sáng suốt. Hôn trầm tức tâm luôn nặng trĩu, không phấn chấn, làm chướng ngại cho sự tu quán. Trạo cử tức tâm luôn sôi nổi, vọng động, không yên tĩnh, làm chướng ngại cho sự tu chỉ.

11. Tiểu phiền não địa pháp là 10 thứ phiền não do tâm nhiễm ô sinh khởi.

12. Phẫn tức là phẫn nộ. Phú nghĩa là che dấu điều xấu của mình, không cho người khác biết. Xan là keo kiệt, không chịu bố thí. Tật là ganh ghét đối với việc tốt của người khác. Não là buồn giận người khác. Hại là bức hại người khác. Hận là chứa giữ oán hận trong lòng. Siểm là không ngay thẳng, ngoài mặt thì tỏ vẻ cung kính, nhưng trong lòng thì ác độc. Cuống là ngụy trang như người có đức hoặc thành thật để đạt được địa vị. Kiêu là ỷ mình có tài năng hoặc giàu sang mà kiêu ngạo đối với người khác.

13. Bất định có hai thuyết: một, 8 pháp này không nhất định là thiện hay ác; hai, 8 pháp này không thuộc vào 5 địa trước, là những pháp đặc thù, cho nên gọi là bất định.

14. Tầm là tìm cầu sự lí một cách cạn cợt. Từ là suy xét sự lí một cách sâu xa. Ố cũng gọi là hối, tức là, sau khi đã làm một việc gì, liền sinh tâm hối, chán ghét việc mình đã làm; nếu làm việc thiện mà hối thì thuộc về ác, nếu làm ác mà hối thì thuộc về thiện, cho nên được liệt vào loại tâm sở bất định.

15. Phàm vật gì thuộc về ta thì gọi là đắc; trái lại là phi đắc. Đồng phận cũng gọi là chúng đồng phận, như đồng là người thì quả báo đồng nhau, đồng là trời thì quả báo cũng cùng loại như nhau; tức là thật pháp khiến cho chúng sinh trong cùng một loài thì có quả báo đồng nhất. Vô-tưởng quả là pháp làm cho chúng sinh ở trong cõi trời Vô- tưởng, tâm và tâm sở đều diệt hết. Vô-tưởng định tức là vô tâm định mà những người ngoại đạo tu tập để đạt được Vô-tưởng quả. Diệt tận định cũng gọi là diệt thọ tưởng định, hoặc diệt định, là cảnh giới định tối cao trong “cửu thứ đệ định” mà hàng thánh giả tu tập; chủ yếu là diệt hai tâm sở thọ và tưởng, sau cùng thì cả 6 thức và các tâm sở tương ưng cũng đều diệt hết. Mạng căn là pháp duy trì mạng sống. Sinh, trụ, dị, diệt: mọi vật, trước vốn không, nay có, gọi là sinh; hiện còn tồn tại, gọi là trụ; hình thái bước vào lúc suy tàn, gọi là dị; do hiện tại mà trở thành quá khứ, gọi là diệt. Văn thân là văn tự, danh thân là danh tự, cú thân là danh và văn liên hiệp lại thành câu.

16. Dùng chân trí chọn lựa Phật pháp, tu tập đạt đến quả niết bàn, chứng nhập cảnh giới vô vi, gọi là trạch diệt vô vi. Phàm sự không do nhân duyên sinh, hoặc có nhân mà thiếu duyên nên rốt cuộc không sinh, phù hợp với tông chỉ vô vi, gọi là phi trạch diệt vô vi. Hư không biến khắp mọi nơi; đã là hư không thì tự nhiên không sinh diệt biến hóa, gọi là hư không vô vi.

 

PHỤ CHÚ

01. Tông Câu Xá: là một trong 13 tông phái ở Trung-quốc, lấy bộ luận Câu Xá làm giáo nghĩa chủ yếu để lập tông. Luận Câu Xá là một trong 500 bộ luận tiểu thừa do ngài Thế Thân (thế kỉ thứ 5 TL) trước tác trước khi ngài chuyển tư tưởng sang đại thừa. Mục đích ngài tạo bộ luận này là nhằm dứt bỏ những điều sai lầm trong giáo thuyết truyền thống của Hữu bộ, cũng như đả phá thái độ cố chấp hẹp hòi của các vị luận sư thuộc bộ phái này. Bộ luận này, về sau đã được các ngài luận sư Tuệ Đức, Thế Hữu, An Tuệ, Trần Na, Xứng Hữu, Tăng Mãn, v.v… kế tục nhau chú sớ xiển dương, tạo thành kỉ nguyên mới cho giáo nghĩa của Hữu bộ. Vào năm 561 (dưới triều đại nhà Trần, Trung-quốc), ngài Chân Đế đã phiên dịch bộ luận này ra Hán văn với tên A Tì Đạt Ma Câu Xá Thích Luận, và soạn sớ để giải thích; rồi lại được các ngài Tuệ Khải, Tuệ Tịnh, Đạo Nhạc kế tiếp nhau chú sớ để truyền bá. Năm 654 (dưới triều đại nhà Đường), bộ luận này lại được ngài Huyền Trang dịch một lần nữa với tên A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận (đương thời gọi đó là Tân Câu Xá, và gọi bản dịch của ngài Chân Đế lúc trước là Cựu Câu Xá), và được 3 vị đệ tử là Phổ Quang, Pháp Bảo và Thần Thái (đương thời gọi là Câu Xá tam gia) soạn sớ giải và truyền bá mạnh mẽ; làm cho bộ luận này trở thành bộ luận căn bản để xây dựng giáo nghĩa cơ sở mà thành lập tông Câu Xá tại Trung-quốc. Tông Câu Xá rất được thịnh hành trong thời đại nhà Đường, nhưng sau đó thì bị thất truyền. Ngoài bộ luận Câu Xá là bộ luận chủ yếu ra, tông Câu Xá còn tham bác giáo nghĩa bốn bộ kinh A Hàm và các bộ luận Đại Tì Bà Sa, A Tì Đàm Tâm, Tạp A Tì Đàm Tâmv…

02. Chữ “đối” ở đây có nghĩa là đối diện; bao hàm hai ý nghĩa: đối quán và đối hướng. Đối quán là đối diện quán sát; đối hướng là đối diện hướng tới. “Pháp” của Phật dạy không ngoài hai loại tổng quát: pháp vô lậu thắng nghĩa (niết bàn) và pháp hữu lậu pháp tướng (tứ đế). Quán sát pháp tướng và chứng nhập niết bàn thì gọi là “đối pháp” (a-tì-đạt-ma – abhidharma).

03. Đối Pháp Tạng: tức bộ luận Câu Xá do ngài Thế Thân trước tác. “Đối Pháp” là chỉ cho các bộ luận Phát Trí và Lục Túc (Pháp Uẩn Túc, Tập Dị Môn Túc, Thi Thiết Túc, Thức Thân Túc, Phẩm Loại Túc, Giới Thân Túc); “Tạng” là chỉ cho bộ luận Câu Xá. Vì bộ luận Câu Xá hàm nhiếp diệu nghĩa của các bộ luận Phát Trí, Lục Túc, cho nên nó được gọi là “Đối Pháp Tạng” – đó là tên dịch từ tên tiếng Phạn “A Tì Đạt Ma Câu Xá” (Abhidharmakosa).

04. Đối hướng niết bàn: tức đối diện hướng tới niết bàn. Đối quán tứ đế: tức đối diện quán sát lí tứ đế. Đối hướng và đối quán là hai ý nghĩa của chữ “đối”; niết bàn và tứ đế là hai ý nghĩa của chữ “pháp” – hợp các ý nghĩa lại gọi là “đối pháp”, cũng tức là ý nghĩa của chữ Phạn “a-tì-đạt-ma” (abhidharma).

05. Pháp thắng nghĩa, pháp pháp tướng: Ý nghĩa tổng quát của chữ PHÁP đã được trình bày trong phụ chú số 1, bài 6, sách Giáo Khoa Phật Học Cấp Một (Hạnh Cơ biên dịch và chú thích bổ túc). Đặc biệt ở đây, theo bộ luận Câu Xá, chữ PHÁP được định danh một cách chính xác là “lí pháp” và “quả pháp”. Lí pháp tức là lí tứ đế (khổ tập diệt đạo) và quả pháp tức là quả niết bàn. Lí pháp tứ đế chính là tánh và tướng của vạn pháp, nên được gọi là “pháp pháp tướng” (pháp tướng pháp); quả pháp niết bàn có tánh thiện, thường hằng (thắng) và có thật thể (nghĩa), nên được gọi là “pháp thắng nghĩa” (thắng nghĩa pháp).

06. Nhân quả hữu lậu và nhân quả vô lậu: Trong giáo lí Tứ Đế, cặp nhân quả khổ (quả) và tập (nhân) trình bày những sự thật trong phạm vi ba cõi, nên gọi là “nhân quả hữu lậu”; cặp nhân quả diệt (quả) và đạo (nhân) nói tới cảnh giới giải thoát niết bàn, nên gọi là “nhân quả vô lậu”.

07. Sớ: Chữ “sớ” ở đây tức là “nghĩa sớ”, là tên gọi chung cho các công trình và sách vở liên quan đến việc chú giải Kinh Luật Luận. Bởi vì Ba Tạng thánh điển nghĩa lí sâu xa, nếu không giải thích thì người học rất khó hiểu rõ, cho nên cần phải chú thích, giải nghĩa để giúp cho người học dễ dàng thông suốt; như các tác phẩm Pháp Hoa Nghĩa Sớ, Tứ Phần Luật Sớ, A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận Sớv… Đôi khi lời “sớ” của người trước chưa được rõ ràng lắm, người sau lại giải thích thêm cho tinh tường hơn, thì sự chú giải cho những lời sớ như vậy, được gọi là “sao”; như các tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, Tứ Phần Tì Kheo Ni Sao, Câu Xá Luận Tụng Sớ Sao, v.v…

08. Chùa Từ-ân: cũng gọi là Đại Từ-ân, là ngôi chùa cổ tọa lạc tại phía Nam thành Tây-an, tỉnh Thiểmtây, tức trong phạm vi kinh đô Trường-an xưa. Chùa này nguyên được xây cất từ thời đại nhà Tùy, tên là Vô-lậu (có thuyết nói là chùa Tịnh-giác). Năm 648 (dưới triều vua Đường Thái-tông), thái tử Lí Trị (sau này là vua Đường Cao-tông), vì muốn báo đáp từ ân cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, đã ra công xây lại ngôi chùa Vô-lậu ấy, to lớn hơn, mĩ lệ hơn, và đổi tên thành Từ-ân tự. Chùa chia ra hơn 10 viện, gồm hơn 1.000 gian, trang nghiêm tráng vĩ. Chùa xây cất xong, thái tử thân hành đến lễ Phật, và sắc độ 300 vị tăng, cung thỉnh 50 vị danh đức về cư trú để trông coi Phật sự và giảng dạy cho tăng chúng. Ngài Huyền Trang (du học Ấn-độ về nước từ năm 645) được cung nghinh lên địa vị thượng tọa, vừa chỉ đạo mọi việc tổng quát trong chùa, vừa phiên dịch kinh điển. Ở góc Tây Bắc của chùa có xây Phiên-kinh viện, tất cả các kinh, tượng cùng xá lợi do ngài Huyền Trang mang từ Ấn-độ về, đều được trưng bày nơi đó. Tại viện Phiên-kinh này, ngài Huyền Trang đã dịch được hơn 40 bộ kinh luận, gồm hơn 400 quyển, được người đương thời xưng là Từ Ân tam tạng. Ngài cũng xây một ngôi tháp gạch, 5 tầng, 4 mặt, cao 300 thước (tức gần 100 mét), người đời sau gọi đó là tháp Đại-nhạn. Ngài Huyền Trang viên tịch, đệ tử lớn của ngài là

Khuy Cơ kế thế, đã sáng lập tông Pháp Tướng tại chùa này, được người đời xưng là Từ Ân đại sư. Về sau, trải qua nhiều tai biến, chùa bị hư nát điêu tàn, chỉ có ngôi Đại-nhạn tháp là còn nguyên vẹn. Đến đời vua Khang Hi nhà Thanh (1662-1722), chùa mới được trùng tu, hiện còn đến ngày nay.

09. Đại địa pháp: nói cho đủ là “biến đại địa pháp”, là từ mà luận Câu Xá dùng để gọi chung 10 loại tác dụng tâm lí (tâm sở) luôn luôn tương ưng với tất cả tâm, và cùng tâm đồng thời phát khởi. Vì 10 tâm sở này có công dụng rất lớn, thông khắp cả 3 tâm thiện, bất thiện và vô kí, nên chúng được gọi là “đại pháp”. “Địa” là chỉ cho tâm vương (tất cả các chữ “địa” trong các từ tiếp theo sau cũng đều chỉ cho tâm vương). Vì 10 tâm sở có công dụng rất lớn đó nương tựa, hiện hành trên mảnh đất tâm, cùng với tâm đồng thời sinh khởi, nên gọi là “đại địa pháp”. 10 loại tâm sở đó là: 1) thọ: cảm thọ (khổ, vui và không khổ không vui); 2) tưởng: tưởng tượng, ghi lấy tướng trạng sai khác của cảnh trước mặt; 3) tư: suy tư, tạo tác; 4) xúc: sự tiếp xúc do căn, cảnh và thức hòa hợp phát sinh; 5) dục: mong cầu; 6) tuệ: khả năng phân biệt, phán đoán, chọn lựa; 7) niệm: ghi nhớ không quên; 8) tác ý: cảnh giác, để ý; 9) thắng giải: hiểu rõ, xác định; 10) tam ma địa: chuyên chú vào một đối tượng.

10. Đại thiện địa pháp: là từ mà luận Câu Xá dùng để gọi chung 10 tâm sở thiện tương ưng và cùng sinh khởi với tâm vương. 10 tâm sở đó là: 1) tín: tin tưởng, làm cho tâm lắng sạch; 2) bất phóng dật: chăm chú tu các pháp lành; 3) khinh an: khiến tâm an ổn, nhẹ nhàng; 4) xả: khiến cho tâm buông bỏ mọi niệm chấp trước, đối với các pháp đều bình đẳng; 5) tàm: biết sùng kính người có tài đức, tự hổ thẹn mình tài đức không bằng người; 6) quí: biết sợ quả báo của tội lỗi, đối trước người khác, tự thấy hổ thẹn về những tội lỗi của mình đã làm; 7) vô tham: không ham muốn đối với thuận cảnh; 8) vô sân: không giận dữ trước nghịch cảnh; 9) bất hại: không có tâm làm hại người khác; 10) cần: siêng năng tu thiện pháp.

11. Đại phiền não địa pháp: tức 6 tâm sở ác làm não loạn lòng người, thường xuyên có mặt trong khắp tất cả các tâm nhiễm ô. 6 tâm sở đó là: 1) si (hay vô minh): ngu si, không sáng suốt, không thấy rõ sự thật, không phân biệt được phải quấy, chánh tà; 2) phóng dật: buông lung, lêu lổng, ưa thích làm điều ác; 3) giải đãi: lười biếng, không cố gắng trong việc bỏ ác làm lành; 4) bất tín: không tin nhân quả, tâm không lắng sạch; 5) hôn trầm: tâm nặng nề, trì trệ, hôn ám, không kham nổi các việc lành; 6) trạo cử: tâm luôn chao động, sôi nổi, không điềm tĩnh.

12. Đại bất thiện địa pháp: tức 2 tâm sở ác tương ưng với tất cả tâm ác: 1) vô tàm: không tự biết xấu hổ đối với những tội lỗi mình đã làm, cũng không biết sùng kính các bậc tôn đức; 2) vô quí: không biết hổ thẹn với người khác khi mình làm lỗi, cũng không biết e sợ tội lỗi.

13. Tiểu phiền não địa pháp: tức 10 loại phiền não tính chất giống như đại phiền não, đến địa vị tu đạo mới đoạn trừ được. Những tâm sở này chỉ tương ưng với ý thức vô minh, và mỗi tâm sở chỉ hiện hành riêng biệt, chứ tất cả không sinh khởi cùng lần, nên gọi là “tiểu phiền não”. 10 tâm sở đó là: 1) phẫn: tính hay nổi giận trước những sự việc không hài lòng, hoặc tổn hại, mất mát, do người khác, hoàn cảnh, và ngay cả loài vật gây ra; 2) phú: tính hay che dấu những tội lỗi mình gây ra, vì tự ái, vì sợ mất danh dự, vì lợi lộc, hay vì dối gạt người khác; 3) xan: tính keo kiệt, tham tiếc tiền của, không muốn san sẻ cho kẻ khác, ngay cả những kiến thức của mình cũng không muốn truyền đạt cho ai biết; 4) tật: ganh ghét khi thấy người khác có tiền của, có tài năng, có đức hạnh, danh tiếng, v.v… hơn mình; 5) não: tính nóng nảy, buồn bực khi nghe người khác khuyên răn về những hành động xấu xa của mình; 6) hại: tính độc hại, lúc nào cũng muốn bức hại người khác; 7) hận: ngậm hờn kết oán trong lòng đối với những người gây bất lợi cho mình; 8) siểm: dua nịnh bợ đỡ, làm bộ cúi lòn để mong hưởng lợi, mà không kể gì phẩm giá của mình, không giữ gìn danh dự của gia tộc hay tông môn mình; 9) cuống: dối trá mê hoặc người, mưu mô lừa gạt người; 10) kiêu: tự đắc về những gì mình có được, cho đó là cao tột, rồi khinh chê người.

14. Bất định địa pháp: tức 8 loại tâm sở không thuộc thiện, không thuộc ác như các tâm sở trên kia, nhưng tùy lúc, tùy trường hợp mà chúng có thể là thiện, là ác, hoặc là vô kí, nên gọi là “bất định”: 1) tầm: suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí; 2) từ: suy tư, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí; 3) thùy miên: ngủ, hôn muội, uể oải; 4) ố tác (tức là hối): hối hận về những việc mình đã làm; 5) tham: thấy gì vừa ý thì muốn chiếm đoạt; 6) sân: đối trước việc không vừa ý thì nổi giận; 7) mạn: tự cao, kiêu ngạo; 8) nghi: ngờ vực, do dự.

15. Bất tương ưng hành pháp: nói đủ là “tâm bất tương ưng hành pháp”, là 14 pháp (theo luận Câu Xá) không tương ưng với tâm pháp, vì vậy chúng khác với tâm sở. Chữ “hành” ở đây chỉ cho hành uẩn, tức là 14 pháp này thuộc về hành uẩn (trong năm uẩn) chứ không thuộc sắc pháp, cũng không thuộc vô vi pháp.

14 pháp đó là: 1) đắc: cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình – ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, ướt, trong suốt, lưu nhuận v.v…; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (hay đạt) được một vật – ví dụ: tôi có (được) quyển sách, tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt (được) giác ngộ v.v…; 2) phi đắc: tính cách hoặc năng lực ngược lại với pháp “đắc” ở trên; 3) đồng phận (tức chúng đồng phận): tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất; 4) vô tưởng quả: tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm và tâm sở đều tiêu mất (đây chính là loại niết bàn mà ngoại đạo chấp thủ); 5) vô tưởng định: sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng; 6) diệt tận định: tu định rốt ráo, diệt hết thọ và tưởng, chứng thánh quả A-la-hán; 7) mạng căn: tính cách từ đó thọ mạng được duy trì; 8) sinh: tính cách từ đó các pháp được sinh thành; 9) trụ: tính cách từ đó các pháp được tồn tại; 10) dị: tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại; 11) diệt: tính cách từ đó các pháp bị tiêu diệt; 12) danh thân: các tên gọi để chỉ cho sự vật; 13) cú thân: những lời nói để diễn tả sự vật; 14) văn thân: văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về danh thân và cú thân ở trên.

16. Pháp vô vi và pháp hữu vi: Luận Câu Xá chia vạn pháp làm hai loại tổng quát: hữu vi và vô vi.

a) HỮU VI nghĩa là có tạo tác. Tất cả các hiện tượng (các pháp) do nhân duyên hòa hợp mà sinh thành, do con người làm ra, đều mang tính chất sinh diệt biến đổi, đều bị chi phối bởi bốn tướng thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, hay sinh lão bệnh tử, đều là pháp hữu vi. Theo đó, trong 75 pháp do luận Câu Xá thuyết minh, thì 72 pháp thuộc 4 nhóm (vị) sắc pháp (11 pháp), tâm pháp (1 pháp), tâm sở pháp (46 pháp) và tâm bất tương ưng hành pháp (14 pháp), đều thuộc pháp hữu vi.

b) VÔ VI nghĩa là không tạo tác. Trái lại với pháp hữu vi, các pháp không do nhân duyên sinh, không sinh diệt biến đổi, không bị chi phối bởi các tướng thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, hay sinh lão bịnh tử, đều là pháp vô vi. Theo luận Câu Xá thuyết minh, có 3 pháp thuộc về loại pháp vô vi:

1) Hư không vô vi: Bản tính của hư không là không chướng ngại. Hư không trải khắp mười phương thế giới mà không làm chướng ngại cho bất cứ một sự vật nào, cũng không bị bất cứ sự vật nào làm cho chướng ngại. Trong hư không, mọi vật sinh ra thì có mặt, tiêu diệt thì mất đi; tuy hiện tượng tùy thời gian mà biến hóa, tùy không gian mà thay đổi vị trí, nhưng hư không vẫn thường trụ bất động, không hề biến hóa chuyển di, cho nên nói hư không là vô vi. Cũng cần để ý, cái hư không trong quan niệm thông thường, cái khoảng không chúng ta thấy trước mặt, không phải là hư không vô vi mà luận Câu Xá nói ở đây. Nó cũng là một loại sắc pháp (hữu vi) hiện hữu trong không gian mà thôi, có sinh có diệt, có thay đổi biến hóa, vẫn nằm trong khái niệm của con người; hư không vô vi vượt ra ngoài khái niệm, chúng ta không thể dùng ý thức của con người mà biết được.

2) Trạch diệt vô vi: Do dùng trí tuệ quán chiếu để diệt trừ mọi sự ràng buộc của phiền não vô minh mà hiển bày cảnh giới không tịch (niết bàn). Cảnh giới không tịch này xưa nay vốn hằng hữu, bất sinh bất diệt – cho nên gọi là vô vi; nhưng chỉ vì vô minh phiền não che khuất mà chưa hiển lộ ra được; nay nhờ tuệ giác quét sạch vô minh mà nó lại hiện rõ ra, cho nên gọi là “trạch diệt vô vi”.

3) Phi trạch diệt vô vi: Đây là pháp vô vi không cần phải dùng trí tuệ tiêu diệt vô minh mới hiển bày, mà là thể tính không tịch vốn có hiển nhiên. Tất cả mọi vật đều sinh ra từ lúc chúng chưa có – tức là từ vị lai. Bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ cũng phải sinh khởi theo lịch trình thuận tự: từ vị lai để đi đến hiện tại (có sinh), rồi từ hiện tại đi về quá khứ (có diệt). Không có vật nào mà không đến từ vị lai, và đó chính là sự sinh khởi của pháp hữu vi. Nhưng cũng có những pháp không có nhân để phát sinh, hoặc có nhân mà thiếu duyên thì cũng không thể sinh khởi được; như thế có nghĩa là, những pháp ấy phải dừng lại ở vị lai, không tiến đến hiện tại – tức không sinh – được. Nếu vĩnh viễn thiếu duyên thì pháp ấy vĩnh viễn không sinh; đã không sinh thì tất nhiên cũng không diệt. Pháp không sinh không diệt là pháp vô vi. Pháp vô vi này không phải do dùng trí tuệ dứt trừ lậu hoặc để chứng đắc, nên gọi là “phi trạch diệt vô vi”.

 

BÀI TẬP

1. Hãy giải thích tên bộ luận A Tì Đạt Ma Câu Xá.

2. Hãy giải thích hai chữ “đối pháp”.

3. Ở trong các pháp, cái gì là vô ngã? Ý chỉ chủ yếu của luận Câu Xá là gì?

4. 75 pháp được chia làm 5 vị. 5 vị đó là những gì?

5. Hãy giải thích các từ sau đây: vô biểu sắc, đại địa pháp, bất định địa pháp, và bất tương ưng hành pháp.

6. Hãy giải thích các từ sau đây: tam ma địa, khinh an, xả, trạo cử, phú, kiêu, tầm, từ, ố tác, đồng phận, và phi trạch diệt vô vi.

7. Trình bày bằng đồ biểu, chỉ rõ 5 uẩn hàm nhiếp 72 pháp hữu vi.