LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG II
PHÁP GIỚI NHƯ HUYỄN

Pháp giới là vũ trụ này, và đồng thời cũng bao gồm tất cả những cảnh giới siêu xuất mà chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không mường tượng nổi.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm thứ 39 gọi là phẩm Nhập Pháp Giới. Trong đó, mô tả những bước đường tiến tu cầu đạo của ngài Thiện Tài đồng tử, lần lần chứng nhận thể tính của pháp giới.

Vậy thể tính của pháp giới là gì?

Kinh Kim Cang dạy: “Các pháp vốn không Thật không Hư”. Pháp giới tức là các pháp, các hiện tượng hữu hình hay vô hình, các cảnh giới… Pháp giới cũng không thật không hư, nó chỉ là như Huyễn, như Hóa. Vì sao?

Vì nó chỉ là Duy tâm sở hiện, chỉ là do Tâm biến hiện, chỉ là những Ảnh biến hiện của Tâm, của mỗi cái tâm chúng sanh mà thôi.

Đó là lời dạy căn bản của kinh Phật, là điểm giáo lý trung tâm và nòng cốt, mà người Phật tử cần ý hội. Điểm thắng giải đó khiến cho giáo lý chư Phật vượt lên trên tất cả những giáo lý khác… Cũng từ điểm đó mà xuất phát ra tất cả những điểm khác. Hoa tạng thế giới của Hoa Nghiêm cũng từ đó mà ra, hệ thống Duy Thức cũng từ đó mà ra, hệ thống Bát Nhã cũng từ đó mà ra. Neu người Phật tử lãnh hội được một phần nhỏ trong muôn lời dạy ấy, thì cũng đã lãnh hội được ý chí của chư Phật rồi.

Duy Tâm Sở Hiện ấy chính là Lăng Kính Đại Thừa. Nó bàng bạc trong tất cả các kinh Đại thừa, nó là cái màn phong đáy tầng của Kinh Đại Thừa… Song, những kinh giảng dạy, lý giải kỹ càng nhất về lý này là kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già và Hoa Nghiêm. Nhất là kinh Lăng Nghiêm.

Kệ Hoa Nghiêm dạy:

Tâm như người họa khéo,
Vẽ vời cảnh thế gian.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Các cảnh giới, các cõi vô số vô lượng nổi lên trong hư không. Và hư không nổi lên trong Chân tâm diệu minh, tương tự như một áng mây trắng nổi lên trên nền trời xanh mà thôi”.

Mở đầu một cuộc thuyết pháp tại Đông độ, ngài Đạt Ma cũng dạy ngay: “Tất cả thế giới được nghỉ trong tâm v.v… Tâm ơi Tâm, chỉ vì mi mà ta phải lao đao lặn lội…” Ngài cũng nhắc nhiều đến Vô thức, tức Tàng thức. Vì thực ra, pháp giới chẳng phải là gì khác, chỉ là Vô thức của mỗi chúng sanh mà thôi. Nhung hầu hết chúng sanh thuờng ngừng lại ở ý thức, tụ lìa bỏ Vô thức, nên quên mất điều ấy. Hầu hết chúng sanh, do sự suy động của những niệm-mê-mờ-câu-sanh-ngã-chấp tích lũy từ thời vô thủy, cùng thuờng ngừng lại ở căn thân của mình, đối lập căn thân đó với pháp giới, rồi lìa bỏ luôn pháp giới. Không biết rằng cái pháp giới mênh mang bát ngát đó, chính là diệu-sắc-thân của chính mình.

Tại Hoa Nghiêm hội, ngài Phổ Hiền cũng ân cần dạy rằng: “Người Phật tử chúng ta phải hiểu rằng thế gian này là Biến hóa, là Huyễn Hóa…”

Hãy lắng tâm suy ngẫm giây lát về cái bí ẩn của pháp giới, của cái vũ trụ này… Tỷ dụ như hiện nay, ta đang ngồi trong nhà, hoặc đi dạo ngoài phố. Ta thường có cái cảm tưởng là vững-vàng-chắc-chắn-ngay-thẳng, là vì ta đang đứng trên mặt trái đất. Sở dĩ có cảm tưởng như vậy, là vì nghiệp lực của chúng ta Tương Ưng với trái đất, và tạm thời, trái đất là nơi nương về của ta… Kỳ thực thì cái cảm tưởng vững-vàng-ngay-thẳng ấy chỉ là giả. Vì trái đất đương lôi chúng ta, và quay với một tốc độ không biết bao nhiêu ngàn cây số một giờ. Và ta vẫn đi ngang, đi ngửa, đi úp, đi sấp… mà chẳng hề hay biết. Nhưng ta vẫn có cảm tưởng vững vàng, vì nghiệp lực tương ứng với trái đất. Cũng như nghiệp lực của con cá tương ưng với nước, con chim tương ứng với hư không.

Vậy ta Nương về trái đất. Nhưng trái đất nương về đâu mà lừng lững hiện hữu tồn tại?… Trái đất ở trong thái dương hệ, nên quay xung quanh mặt trời, nương về mặt trời. Thái dương hệ là một tiểu thiên thế giới nói trong kinh, và núi Tu-di sơn rất có thể là cái guồng trục của thái dương hệ. Có điều là núi Tu-di được kết tập thành, do những quang minh khá vi tế, nên mắt thịt chúng ta không nhìn thấy. Khi có thiên nhãn sẽ nhìn thấy.

Đến lượt thái dương hệ. Thái dương hệ này lại phải nương về một hệ thống nào khác lớn hơn ở trong trung thiên thế giới, hoặc ở trong dải ngân hà.

Rồi tất cả những thế giới đó, lúc hình thành như những chiếc hoa nở, lúc tàn lụi như lá rụng, cứ thế xoay vần miên viễn, thì chúng nương về đâu ?

Chúng nương về hư không?
Vậy hư không nương về đâu?

Hư không này có vẻ như không có chỗ nương về, không có chỗ trụ. Hư không vô trụ, thì pháp giới cùng vô trụ. Vô trụ thì không thể tồn tại nổi một sát-na.

Nhưng thực ra thì hư không cùng pháp giới đều nương về cái bể tinh lực uyên nguyên, cái tạng quang-minh-uyên-nguyên của Pháp thân thường trụ, của Chân tâm diệu minh, của Thần-lực-hải của chư Phật, của Nguyện-lực-hải của chư Đại Bồ Tát, của Nghiệp-lực-hải của tất cả chúng sanh.

Bởi thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Pháp giới không ngằn mé này được an lập, là do thần lực hải của chư Phật, do nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát, do nghiệp lực hải của chúng sanh”.

Cả ba thứ “hải” đó đều là bất tư nghi. Nghiệp lực hải thuộc về vô minh, còn thần lực hải và nguyện lực hải là do tâm bình đẳng đại từ bi và trí tuệ Bát-nhã.

Đó là điểm chân lý tuyệt vời được xiển minh bởi hằng hà sa chư Phật. Chân lý tối thắng, vừa tuyệt vời, vừa bình dị hiển nhiên, nhưng cũng khó tin nhận.

Cho nên, cái pháp giới bao la không ngằn mé này, chỉ trụ ở trên đầu một sợi lông, treo trên đầu một Tâm Niệm… Pháp giới chỉ là ảnh tượng khởi lên do một niệm mê mờ vô thủy của chúng sanh. Khi một chúng sanh biết quay đầu lại, chuyển Mê thành Giác, thì những ảnh tượng pháp giới ấy lập tức biến đi đối với chúng sanh ấy. Và chúng sanh đó sẽ chuyển thành một bậc Chúng sanh Lớn, bước vào Sự-sự-vô-ngại-pháp-giới.

Thiết tưởng cần đi sâu hơn nữa vào những lời kinh xưa, để lý giải cái pháp giới vừa như-như, lại vừa như-huyễn này.

Kệ Lăng Già dạy:

Pháp giới như không hoa
Sự vật đều như huyễn
Thế gian hằng như mộng…

Trong pháp hội Đại Bát Nhã, Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu sau :

– “Các cõi, các cảnh giới, các thân căn chúng sanh… đều như huyễn, như hóa, như mộng, như ảo, như bào, như ảnh, như lộ như điển… như một giấc chiêm bao, như làn khói tỏa, như bọt tụ, như ảo ảnh nước ngoài sa mạc, như tiếng vang, như hoa trong gương, như trăng đáy nước, như một tuồng ảo hóa bày ra bởi một tên đại phù thủy ngồi xổm ở ngã tư đường…”

Bài kệ sau đây cũng tuyên xướng chân lý:

Phật pháp như đại hải
Còn rộng và sâu hơn,
Chẳng có gì thoát khỏi
Thiên la địa võng này.
Mọi vật đến từ đó
Đột hiện rồi đột tan,
Tương tự như bào ảnh
Chẳng khác một giấc mơ.
Kẻ mê muốn nắm bắt
Như nắm bắt hư không,
Tựa như đường chim bay
Mịt mùng không vết tích…

Lý Duy-tâm-sở-hiện này, tuy mênh mang bao trùm các cõi, nhưng cũng có thể thấy gồm trong mấy chữ: Chân Tâm, Bất Giác, Động Niệm, Quang Minh, Biến Hiện, Tương Ưng.

Do sự suy động của những ngọn gió Vô minh bất giác, thì biển Tâm động niệm, vọng động và nổi sóng, biến thành muôn vàn những đợt sóng nhấp nhô chập chồng, mỗi đợt tự lìa mình ra khỏi biển cả. Động niệm ấy cũng làm phát xuất vô lượng quang minh cùng quang minh quyến thuộc, những quang minh này kết tập lại, biểu hiện thành những thân căn và khí thế giới, và thân-căn cùng khí thế giới này bao giờ cũng tương ưng với nghiệp lực của sự khởi niệm… Do đó, căn và cảnh không thể nào lìa nhau được, vì đều là sự biểu hiện của cái Diệu Tâm nhiệm mầu mà thôi.

Cũng bởi vậy, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhân động mà có quang minh, nhân Quang Minh mà có hình sắc, nhân hình sắc mà có mùi hương v.v…”

Suy ngẫm kỹ, thì thấy không thể có một Chân lý nào khác để lý giải về cái bí ẩn của vũ trụ và kiếp sống.

Trong bộ kinh Lăng Già, bộ kinh mà ngài Đạt-ma mệnh danh là bộ kinh Tâm Ấn, lúc khởi đầu, Ngài Bồ Tát Đại Huệ đã mang ra hỏi Phật 108 câu hỏi.

– 108 câu hỏi này bao gồm tất cả pháp giới hữu hình và vô hình, bao gồm tất cả những sự vật, trong đó có nhiều sự vật khá kỳ dị. Tỷ dụ như hiện tượng Rừng Nam Nữ, tức là một khu rừng bên Ấn Độ trong núi Tuyết Sơn, nơi đó có thứ cây sinh ra hai thứ trái, một thứ trái giống hình người nam, một thứ giống hình người nữ. (Ngài Đại Huệ hỏi Phật: Có bao nhiêu vi trần trong một thân căn chúng sanh? Thế nào là cực vi? Thế nào là sát-na? Thế nào là thời gian?… Tại sao lại có Rừng Nam Nữ?)… Đồng thời cũng bao gồm tất cả những bậc tu chứng, cùng những triết thuyết của mọi trường phái ngoại đạo và thế luận.

Phật đã khởi lòng từ ái trả lời khá dài, nhưng tựu trung, câu trả lời của Ngài chỉ thấu gọn trong một chữ “Phi” mà thôi.

“Sanh tức là phi sanh, bất sanh là phi bất sanh, thường là phi thường, vô thường là phi vô thường, đoạn là phi đoạn, khứ là phi khứ, lai là phi lai, hữu là phi hữu, không là phi không, tưong tục là phi tương tục, đồng thời là phi đồng thời, trước sau là phi trước sau, sát na là phi sát na, thời gian là phi thời gian, không gian là phi không gian, minh sơ là phi minh sơ, thần ngã là phi thần ngã, nhân duyên là phi nhân duyên, tự nhiên là phi tự nhiên, cực vi là phi cực vi, vật là phi vật, tưởng là phi tưởng, ý niệm là phi ý niệm v.v…”

Đọc thì thấy rất bí ẩn, khó hiểu, trái ngược… vì chúng ta vẫn còn quá nhiều trong vô thức, những tập khí tình thức thông thường của phàm phu. Tựu trung là ý của Ngài muốn dạy như vầy:

– “Xét đến bờ mé tột cùng của Chân tâm diệu ninh, cũng là Trí tuệ Bát nhã, cũng là Như Lai tạng xuất triền, cùng là Chơn thiệt tế, cũng là Thật tướng… thì bổn lai chẳng có vật gì cả. Không vật, không cảnh giới, không chúng sanh, không Bồ Tát, không Phật, không có đường tu chứng, không có đắc, không có người đọc, không có quả sở đắc, không mê, không ngộ. Vì các pháp bổn lai vẫn Rỗng lặng, Như Như… Như Ta đây, Ta cũng như chư Phật, vẫn ngồi diễn nói lịch kiếp tu hành, mà Ta vẫn ngồi ở nơi Không hải. Vì tuy diễn nói các kiếp tu hành vô lượng, Ta không hề có một sát-na rời bỏ cái Tâm không tịch ấy.

Vì lẽ nào?

Chỉ là vì Ta thường trú ở trong những cơn đại tam-muội rất sâu, rất rốt ráo, mà tất cả các trường phái ngoại đạo chưa hề lãng vãng được đến ngưỡng cửa. Ta đã vượt hết thảy các bờ mé của mọi Vọng Tưởng, dù là vọng tưởng kiên cố, hay vọng tưởng hư minh u ẩn. Nên ta nhìn thấy rõ cái then chốt sinh cơ của vũ trụ, của pháp giới này. Nhìn thấy và chứng nhập. Ta và pháp giới này vừa là một, vừa là khác. Khi ta an trụ trong cái biển Pháp thân thường trụ, thì Ta với Pháp giới là một. Nhưng khi Ta hiển hiện sắc tướng làm Phật Thích Ca Mâu Ni đi ta bà các cõi thị hiện thành Chánh giác, để thành tựu căn lành của chúng sanh, thì Ta lại có vẻ khác với pháp giới.

Trụ trong tam-muội sâu, Ta nhìn rõ và biết chắc chắn rằng mọi vật, cảnh giới, thân căn, chỉ là do sự Biến Hiện của tự tâm, của Chân tâm diệu minh, suy động bởi gió nghiệp lực tích lũy từ vô thủy… Đó là thông điệp vi mật của chu Như Lai, mà nay Ta hiển bày cho các ông và cho chúng sanh đời sau, khiến cho Phật chủng không dứt đoạn… Các truờng phái ngoại đạo chưa thể hiểu nổi đến Chân lý đó. Họ thường chấp rằng các cực vi của tứ đại đã tạo thành thế giới, hoặc thời gian tạo ra thế giới, hoặc thần ngã sanh ra thế giới, hoặc tự nhiên có thế giới. Ngoại đạo cũng có thiền định, có tam-muội, cũng xiển minh được ít nhiều chân lý. Nhưng không phải là chân lý rốt ráo tối thắng. Họ chưa biết đến tột mé cội gốc, mới chỉ nhìn thấy mấy thứ hoa lá hoặc cành cây. Họ chưa biết đến lý Duy tâm sở hiện. Họ còn chấp rằng có cái này sanh ra cái kia, có sanh có bất sanh, có thường có đoạn, có ta có vật, có người, có chúng sanh, có thọ mạng, có đường tu, có quả đắc. Còn ở trong bờ mé của ý niệm, của vọng tưởng.

Không biết rằng cái Thực-tại-cuối-cùng vốn linh minh vắng lặng, tuyệt đường ngôn ngữ, bặt hết ý niệm và vọng tưởng. Phải lìa hết vọng tưởng mới chứng nhập được.

Vì thế nên đối với các ông, Ta đưa ra chữ Phi này. Để ngăn đón phá trừ, khuyến tấn các ông lìa bỏ các ngôn từ danh tướng. Lìa bỏ lời để ý hội lấy nghĩa. Nghĩa là gì? Nghĩa là lìa bỏ mọi vọng tưởng. Có lìa bỏ mọi ý niệm, mọi vọng tưởng thì mới có thể thầm khế hợp, mới chứng nhập được Giác thể cuối cùng… Chứng nhập Giác thể hay Chân tâm để làm gì? Là để có Trí tuệ tối thắng, và đồng thời có Tâm Đại Bi khởi diệu dụng vô cùng, ôm trọn pháp giới không ngằn mé này vào trong Diệu-sắc-thân của mình…”

Nói tóm lại, thì Ngài đưa ra một chữ Phi để phá bỏ mọi danh tướng, mọi ý niệm, mọi vọng tưởng. Vì ý niệm nào cũng chỉ là vọng tưởng, và sự vật nào cũng chỉ là một ý niệm tạo nên do cái vọng thức phân biệt của con người hay của một chúng sanh nào khác… Pháp giới chỉ là do Tự tâm biến hiện, chỉ là một trường biến hiện liên miên bất tuyệt Tương Tợ Tương Tục của Tâm chuyển thành Thức. Rồi trong cái màn ảo ảnh liên miên và bao la đó, vọng thức của con người cắt xén lấy một số ảnh tượng có vẻ tương tợ tương tục. Vì chúng biến hiện tượng tợ tương tục nên chúng hình như có khoác một hình tướng. Vọng thức con người liền chộp lấy hình tướng đó, tạo thành một ý niệm rồi khoác cho nó một Tên Gọi (danh tướng), ôm khư khư lấy nó, nhất định coi nó là có, cho nó là Vật, tồn tại độc lập và riêng biệt với mình. Trong khi chính thức, chúng chỉ là những ảnh tượng biến hiện nên một cách tương ưng do những chủng tử nghiệp lực của chính tâm thức mình mà thôi.

Do đó, xét đến cùng, thì mọi sự vật chỉ là những ý niệm, những ngôn từ danh tướng của vọng thức của chúng sanh. Vi trần cũng chẳng phải là vi trần, chỉ là một ý niệm về vi trần, nên tạm gọi là vi trần thôi. Thế giới chẳng phải là thế giới, chỉ là ý niệm về thế giới, nên tạm gọi thế giới. Sát-na cũng chẳng phải sát-na, chỉ là ý niệm về sát-na, nên tạm gọi sát-na. Thời gian cũng chỉ là một ý niệm. Ông A, bà B cũng đều là những ý niệm do vọng thức phân biệt tạo nên… Sanh ra cũng chỉ là một ý niệm vọng tưởng, vì thực ra chẳng có cái gì có thể sanh ra cái gì cả. Vì chỉ là nhân duyên biến hiện. Vì chỉ là Biến Hiện. Bất sanh cũng vậy. Thường đoạn cũng vậy. Có không cũng vậy. Minh sơ hay Thần ngã cùng vậy, chỉ là ý niệm ngôn từ.

Ý niệm hay ngôn từ đều còn là rỗng tuếch, vì chỉ gợi lên được đôi chút hình tướng bóng dáng, mà không sao khế họp nổi với cái Giác thể cuối cùng… Cần phải lìa bỏ mọi ý niệm mới thầm khế họp được.

Cần phải luôn luôn niệm cái Vô Niệm. Nghĩa là luôn luôn tu duy, quán tưởng rằng mọi vật đều là do sự biểu hiện của Tự Tâm. Cho nên, ngài Mã Minh dạy rằng: “Giữ Chánh niệm tức là luôn luôn quán tưởng Lý Duy tâm sở hiện…”

Tuy khởi đầu, Phật đưa ra một chữ Phi bí hiểm như vậy, nhưng sau đó, trong pháp hội Lăng Già, Ngài đã giảng giải rất kỹ càng… Giảng giải về cái diễn trình của Tâm, của Như-Lai-tạng-xuất-triền chuyển biến thành Tàng thức, thành cái biển sóng ào ạt nhấp nhô của tánh thức. Giảng giải về Tam tế Lục thô của Vô minh Bất giác. Giảng giải về ngôn từ danh tướng. Rồi giảng về các thế luận, các lý luận của mọi trường phái ngoại đạo. Và giảng về các địa tu chứng, về Pháp thân Phật, về Báo thân và về các Hóa thân của Phật. Trong khi giảng, Ngài luôn luôn nhắc tới Lý Biến Hiện của Tâm.

Pháp hội Lăng Già triệu nhóm những bậc Bồ Tát, căn cơ đã thuần thục, nên lời kinh thường cô đọng khó hiểu… Trong kinh này, Phật cùng chỉ thẳng rằng Tàng thức chính là Như Lai tạng, Tàng thức toàn Vọng cũng chính là Chơn, Mê ngộ cùng một Thể, chỉ cần biết Chuyển là Tàng thức sẽ biến thành Bạch tịnh thức, tức là Như Lai tạng.

Phật nói kinh này tại cung vua Dạ Xoa, trên đỉnh núi cao chót vót không lối vào, nhìn xuống mặt biển sâu. Đỉnh núi cao tượng trưng cho pháp môn tâm-địa cao vòi vọi. Biển cả tiêu biểu cho biển tâm thanh tịnh, phản chiếu hết thảy vũ trụ. Nhưng khi ngọn gió vô-minh-bất-giác nổi lên, thì sóng thức cũng nổi lên ào ạt mịt mùng…

Bộ kinh được kết thúc bằng một phẩm chót nói về giới cấm ăn thịt. Không được ăn thịt chúng sanh… Chắc là tại loài Dạ-xoa ham ăn thịt người, và trong khi nghe kinh, vẫn có thứ Dạ-xoa thấy đói bụng lại khởi tâm muốn đi kiếm thịt ăn…

Đọc những kinh như Lăng Già, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm… ta sẽ thấy rằng chỉ có một Bậc Đại Giác mới có thể nói nổi những lời kinh như vậy. Phải là một Bậc, ngồi dưới gốc Bồ Đề, thị hiện thành Chánh giác, thâu suốt tất cả pháp, siêu xuất tất cả cõi, mới nói được như vậy. Lời diễn giải như nước chảy mây trôi, và văn chương nhiều khi siêu tuyệt… Bởi thế, chúng ta cần đảnh lễ, cần phải niệm. Niệm Phật, niệm Kinh, niệm Tăng. Và niệm niệm chớ sanh nghi.

Vậy thì pháp giới vừa là Như Như vừa là Như Huyễn.

Lối nhìn của các loài chúng sanh đối với pháp giới là tùy theo mức độ tâm thức, mức độ đạo lực của chúng sanh đó.

Kẻ phàm phu thì nhìn sự vật, nhìn pháp giới, thấy như có thực, thấy có cái này sanh ra cái kia, thấy có mẹ sanh ra con, thấy cây sanh ra bông lá, thấy chất sữa sanh ra chất lạc và tô, thấy cái trống và tay người cầm dùi sanh ra tiếng trống.

Nhưng kỳ thực thì chẳng có cái gì có thể sanh ra cái gì được cả. Vì sao? Là vì chính nó đã vô thường, niệm niệm sanh diệt, nên chẳng có tự thể gì, thì làm sao mà sanh ra một cái khác được? Bởi vậy, pháp giới chỉ có thể là biến hiện.

Người có tâm thức cao hơn một chút nữa, khi nhìn pháp giới, thì thấy nó là nhân duyên tương sanh tương diệt. Nhưng lối nhìn này cũng chỉ mới là quyền nghĩa thôi, chưa phải là nghĩa cứu cánh.

Xét đến tột cùng ngằn mé, đến bờ mé của Tận nhập vào Vô tận, bờ mé của Vô minh nhập vào Chơn thiệt thể, thì pháp giới chỉ có thể là Biến Hiện, chỉ là sự biến hiện của Vô minh bất giác, của vô lượng vọng tưởng tích lũy từ thời vô thủy, huân tập trong Tàng thức thành những chủng tử vô hình vô ảnh, nhưng khi thời tiết chín mùi, đã làm nở ra những ảnh tượng pháp giới tương ứng với nghiệp lực của mình mà thôi.

Bởi thế nên mỗi chúng sanh đều đeo theo một ảnh tượng tương ứng và Riêng Biệt về pháp giới. Nhưng hầu hết chúng sanh đều không hay biết, cứ lầm tưởng rằng cái pháp giới đó là ở ngoài mình, và tồn tại một cách khách quan độc lập, không dính dáng gì đến mình hết.

Điều khiến cho phàm phu chúng ta dễ chấp rằng pháp giới là có thực, là các sự vật chung quanh ta đều có vẻ chắc nịch, lưu ngại, ù lỳ, cố định, rất khó chuyển hóa. Chúng ta thường tin ở giác quan của mình, nhất là xúc giác. Cái gì sờ thấy, mó thấy thì không thể không thực được. Mắt và tai còn có thể có ảo giác được, chứ tay sờ mó thì khó có ảo giác. Cũng tương tự như tông đồ Thomas xưa kia hoài nghi nói rằng: “Tôi chỉ tin là Chúa Ki-tô sống lại, khi nào chính tay tôi được sờ mó những vết thương đóng đinh câu rút trên người Chúa…”. Nhưng thực ra, thì cái cảm giác chắc-nịch-ngăn-ngại-ù-lỳ ấy cũng chỉ là một cảm giác hư minh. Sự vật có vẻ kiên cố, nhưng nó cũng chỉ là một kiên cố vọng tưởng thôi. Vì sao? Vì sự vật nào cũng là do những quang minh thô kệch, chuyển động chậm lại, cô đọng lại, và kết tập nên. Và quang minh thì phát xuất do tâm tưởng, tập khí tâm tưởng tích lũy từ vô thủy liên kết tập thành những kiên cố vọng tưởng là sự vật… Vậy nên, sự vật chỉ là những dấu vết biến hiện của tâm chúng sanh, những ký hiệu (signe) của tâm chúng sanh. Và những bậc nào đã lìa được mọi vọng tưởng, thì sẽ bước vào bình diện của những quang minh vi diệu nhất, sẽ có đại thần lực, có thể sử dụng quang minh để chuyển hóa Vật, chuyển hóa pháp giới một cách dễ dàng như đại lực sĩ co duỗi cánh tay mà thôi.

Pháp giới bao la không ngằn mé này, trụ trên đầu một sợi lông, treo trên đầu một Tâm Niệm. Một niệm Mê Mờ Vô Thủy, một niệm vô minh câu sanh.

Chìa khóa của Chân Lý Chư Phật là ở hai chữ: Động Niệm. Tâm của chúng sanh luôn luôn bập bềnh dao động, không ngừng nghỉ, niệm niệm vi tế tiếp nối. Và sự động niệm ấy làm phát hiện lên những ảnh tượng pháp giới. Tương tự như những làn sóng biển li ti nhấp nhô, mỗi đợt sóng làm phát hiện một ảnh tượng lệch lạc của mặt nhật… Nếu một chúng sanh nào bặt được sự động niệm vi tế ấy, thì ảnh tượng pháp giới cũng bặt luôn đối với chúng sanh ấy.

Nhưng tại sao cái niệm ấy lại Vô Thủy?

Vô thủy là không có bắt đầu. Niệm ấy vô thủy, là vì ngọn gió Vô minh hằng khởi, không hề ngừng nghỉ. Tưong tự như trên mặt biển đầy sóng ào ạt, thì biết cái nào là đợt sóng đầu tiên? Vả lại, hai chữ Thủy Chung cũng chỉ là một cặp ý niệm đối đãi, do vọng thức của chúng sanh dựng lập nên. Chúng sanh nhìn sự vật, thì thấy sự vật hình như có sanh có diệt, có bắt đầu có chung cuộc. Nên hay hỏi tại sao lại vô thủy. Nhưng khi chúng sanh đó đưa tâm thức của mình tới bờ mé của sanh diệt nhập vào vô sanh, thì tự sẽ thấy câu hỏi trước của mình chỉ là câu hỏi của một kẻ ngủ mê.

Vậy niệm ấy là vô thủy. Và pháp giới bao la này, phát hiện từ niệm ấy, cũng là vô thủy, và thường là vô chung. Chỉ trừ đối với bậc nào đã lìa bỏ hết vọng tưởng, hết khởi niệm, thì pháp giới cũng tự bặt dứt, và như thế, trở thành hữu chung đối riêng với bậc ấy.

Nhưng tại sao lại gọi là niệm Mê Mờ, niệm Vô-minh-câu-sanh hay Sanh-tướng-vô-minh?

Niệm ấy mê mờ, vì là Vô minh, là Bất giác. Đây là cái điểm bí ẩn nhất của mọi Bản thể luận, vì nó ở bờ mé của Phổ biến nhập vào Chân-thiệt tế, của Nhiều nhập vào Một… Trong Luận Khởi Tín, ngài Mã Minh dạy: “Do không thật biết pháp Chân nhu, nên tâm bất giác nổi lên, khởi vọng niệm. Song vọng niệm vì không có thật thể, nên chẳng tới Bản giác Chân như…”

Vậy thì cái Vô-minh-bất-giác đó nó không có thật thể, không nguyên nhân, nó nổi lên nhu một cái bóng mờ, một làn sương tỏa, nổi lên như hốt như hoảng, như một cơn mê sảng. Tương tự như anh chàng Diễn-nhã-đạt-đa trong kinh Lăng Nghiêm, soi gương thấy mình có đầu có mặt, bỗng cái gương lệch đi, không thấy đầu nữa, bèn tưởng là mình mất đầu, phát cuồng chạy đi kiếm cái đầu.

Thực ra thì trong Chân tâm diệu minh, chẳng có một vật gì cả, và chân tâm vẫn lặng lẽ thường tịch chiếu soi, trong sáng đến tột bực. Nhưng bỗng nhiên, một niệm mê mờ, một cơn mê sảng nổi dậy, quên rằng chính mình vốn là Trong sáng tột bực, lại muốn quay lại soi sáng chiếu soi vào chính mình… Một niệm mê mờ nổi lên, thì vô lượng niệm mê mờ đều nổi lên. Do đó, cái Minh trong sáng tột bậc chuyển thành cái hư minh, và Chân tâm bị bao phủ ngăn che bởi những màn vô minh lớp lớp, cũng chuyển thành Tàng thức, cội nguồn của sanh diệt. Và những niệm mê mờ ấy cứ trùng trùng nổi lên, tích lũy từ những kiếp vô thủy, trở thành vô vàn tập khí chủng tử huân tập trong Tàng thức. Hư minh quay lại tự chiếu soi, nên liền phân thành năng sở, và Ngã chấp, Ngã tướng nổi lên tưong tự như một cơn lốc hư minh. Đã có năng thì phải có sở, có ngã thể thì có khách thể, có trong thì có ngoài… nên các pháp, các hiện tượng đều trùng trùng nổi dậy, phát hiện vô cùng vô tận, tương tự như vô vàn những Vô minh câu sanh, hay vô-minh-uyên-nguyên này cũng được kinh Phật gọi là Nghiệp tướng vô minh. Nó cực kỳ vi tế nhỏ nhiệm u ẩn, nó lại hằng khởi nên rất bất tư nghi. Vì thế, đến bậc Đẳng giác Bồ Tát cũng còn một phần vô minh này chưa gột sạch được. Lối sở hành của nó cũng rất vi tế u ẩn. Khi nó vọng khởi, thì nó Chuyển thành một phần gọi là Năng hiện, và một phần gọi là Sở hiện. Năng hiện là cái phần hư minh muốn chiếu soi, và Sở hiện là phần bị chiếu soi, nên hay hiện ra các thứ cảnh giới. Ba phần này gọi là tam tế, tức là ba tướng vỉ tế của Vô minh chuyển hiện… Chỉ có những bậc Bồ Tát cao từ đệ bát địa trở lên, mới tế nhận được những sở hành này.

Tam tế này chuyển dần xuống thành Lục thô, tức là những tướng chuyển hóa thô kệch hon, tương đối dễ tế nhận hơn. Tức là chuyển dần từ chỗ vi tế vô hình tới chỗ hữu hình… Đó đều là sự hiện hành và biến hiện của những tập khí chủng-tử-vọng-tưởng-tích-lũy trong Tàng thức.

Trong cái diễn trình hiện tượng hóa từ tế đến thô này, cái mê-muội-vi-tế kết lại thành hư không, cái thiên-lưu biến-dịch kết lại thành thời gian kiếp số, cái mê-muội-tối-tăm-thô-kệch-lưu-ngại kết lại thành vật. Cái tối-tăm-thô-kệch này tức là cái si-mê-kiên-cố, nó lóng lại và kết thành vật và khí thế giới, như trong kinh Lăng Nghiêm nói. Còn cái si-mê-vọng-tưởng có ít nhiều linh minh phân biệt thì kết lại thành thân căn của các loài chúng sanh.

Về khí thế giới, thì những cõi sắc và Vô sắc thường phát hiện trước, rồi mới đến Dục giới. Vì Dục giới thô kệch hơn… Giữa khoảng hư không vô cùng tận, bỗng nổi lên những cơn gió nghiệp mênh mang bát ngát, thổi tròn như những cơn lốc, gọi là phong luân. Phong luân nương trên hư không. Rồi những thủy luân, hỏa luân cũng nổi lên bạt ngàn rào rạt, nương trên phong luân và cũng tương tự như những cơn lốc. Rồi các địa luân xuất hiện, nương trên thủy luân… Bốn thứ đại này, tuy có hình tướng, nhưng cũng đều do sự biến hiện của Vô minh vọng tưởng, của Chân tâm, nên đều chu biến khắp nơi. Khi nào nhân duyên đầy đủ và chín mùi, do sức nghiệp chiêu cảm, thì chúng hiện ra như những cơn lốc hư minh.

Thực ra, thì giữa khí thế giới tạm gọi là vô tình, với các loại hữu tình, không hề có ngằn mé ranh giới gì tuyệt đối cả. Ngằn mé chỉ là do mức độ tâm thức, mức độ đạo nhân của một loài chúng sanh nào mà thôi. Đối với một loài chúng sanh, thì bờ mé của hữu tình đến chỗ này, nhưng đối với một loài khác, thì bờ mé lại đến chỗ kia. Đối với loài người, bờ mé hữu tình ngừng ở cỏ cây sỏi đá. Nhưng đối với một con thi trùng sống trong thân người, thì nó tưởng trái tim là núi Tu-di, và bãi nước canh trong bao tử là biển Nam Hải… Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng cây và đá lâu năm có thể thành tinh được… Và đối với một bậc Đại Bồ Tát, thì bậc đó thấy rằng sơn hà đại địa, các cõi, và vô vàn chúng sanh chúng ta cũng đều ngụp lặng trong diệu-sắc-thân của bậc đó. Bởi vậy, kinh dạy rằng: “Cõi là thân, thân là cõi”. Tùy ở mức độ đạo nhãn. Và kệ Hoa Nghiêm nói:

Trong cõi các loại thân chúng sanh
Trong thân lại có các loại cõi
Trời người các loài đều riêng khác
Phật đều biết rồi đem giảng dạy…

Nay đến các loài hữu tình, hay tạm gọi là hữu tình… Một niệm-mê-mờ nổi lên, thì vô lượng niệm-mê-mờ đều nổi lên. Niệm mê mờ vô lượng, nên chúng sanh vô lượng. Tùy theo những tập-khí vọng-tưởng-điên-đảo-nhiễm-ô mà biến hiện thành các loài. Loài có nhiều căn, loài có ít căn, loài có dục, loài không dục, loài có tưởng, loài không tưởng, loài có thân hào quang, loài có thân tạp thực thô kệch v.v… Như chúng ta là người có thân tạp thực bệnh hoạn khổ lụy. Cái đó chẳng phải là ngẫu nhiên, mà chỉ là do những tập khí hoài niệm tích lũy từ vô thủy. Cái hư minh kiên cố nhất, trong thời gian hoài thai, thâu góp những cơn lốc cực vi thô kệch để kết tập lại thành thân căn sắc tướng của ta. Còn cái hư minh u ẩn hơn thì kết lại thành thọ-tưởng-hành-thức.

Mỗi chúng sanh trở thành một lăng-kính-ảnh-hiện, một trung-tâm-ảnh-hiện (centre, hay prisme de miroitament). Vì nó vốn là một cơn lốc hư minh, nên nó ảnh hiện vũ trụ, ảnh hiện thân căn của mình, ảnh hiện nên cái ảo giác là có ngã. Chấp là có ngã, rồi chấp là có pháp, có vật, có hiện tượng bên ngoài… Mức độ ảnh hiện của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng sanh thì có nhiều khác biệt, nhưng mỗi mỗi đều có ảnh hiện. Và tùy theo nghiệp lực, mỗi chúng sanh đều ảnh hiện vũ trụ thành một ảnh tượng Riêng Biệt Của Mình. Ảnh tượng về không gian, thời gian, về các hiện tượng cũng khác biệt. Chánh báo, y báo khác biệt…

Tóm lại, đối với mỗi chúng sanh, pháp giới bao la này chỉ là những ảnh-tượng-như-huyễn-như-hóa-chập-chồng-duyên- khởi, trùng trùng ảnh tượng, trùng trùng thẩm thấu, trùng trùng biến ảo. Các cảnh giới đều chỉ là những ảnh-biến-hiện của cái Thức của chúng sanh, và xét tột cùng hơn nữa, chúng đều là những ảnh-biến-hiện của vô-minh-vọng-thức, và vô minh thì không rời Bản giác, vốn là cái bóng mờ của Chân-tâm-diệu-minh.

Hầu hết chúng sanh không biết rằng hình tướng là do tâm niệm khởi lên. Bèn chấp là có, có mình, có người có vật… Trải qua a-tăng-kỳ kiếp, rong ruổi theo những hình bóng đó, khởi thêm ra đủ các thứ tâm tưởng tham-ái-sân-si-mạn-nghi-tà-kiến, tranh giành xâu xé cưóp đoạt những hình bóng. Các tâm tưởng đó lại huân tập trở lại vào Tàng thức, tạo thêm những tập-khí-chủng-tử nghiệp-lực, sau này lại nở ra hiện hành ở các kiếp khác, thành những căn thân và khí thế giới khác. Nên các chúng sanh tự quyện lấy nghiệp, như con tằm quyện trong cái kén, và nghiệp đeo theo chúng sanh như bóng theo hình… Cho mãi đến khi nào, gặp được một bậc thiện tri thức chỉ bày cho biết cái u ẩn mầu nhiệm của tâm niệm, hoặc gặp kinh chỉ bày cho cái bí ẩn của Chân tâm, thì lúc bấy giờ mới biết Hồi Đầu, quay đầu lại để nhìn vào những tâm niệm của mình, để coi xem tại làm sao chúng lại có thể biến hiện thành hình tướng được…

Lăng-kính-ảnh-hiện những ảnh-tượng-như-huyễn-như-hóa-trùng-trùng-duyên- khởi.

Đó tạm gọi là mường tượng diễn tả pháp giới.

Xưa kia, tại cổ Trung Hoa, một vị nữ bạo chúa nổi tiếng là hoang dâm vô độ, hoàng hậu Võ Tắc Thiên, lại đến thưa hỏi ngài Đại sư Pháp Tạng rằng: Cảnh giới Hoa Nghiêm là như thế nào? Đại sư bèn lấy một cây nến lớn, thắp giữa một căn phòng rộng, xung quanh ngọn nến có bày la liệt những tấm gương trùng trùng lớp lớp, rồi nói rằng: “Thưa lệnh bà, cảnh giới Hoa Nghiêm cũng hơi tương tự như vậy”.

Đây là tạm ví dụ cảnh như-huyễn-ảnh-tượng.

Vào ngày nay, chúng ta có thể thay đổi sự xếp đặt khác hơn nữa. Thay thế những tấm gương bằng phang đó bằng trùng trùng lớp lớp những tấm gương có nhiều màu sắc: xanh vàng đỏ trắng…, nhiều hình thù: gương lồi, lõm, méo, nhiều cạnh, ít cạnh. Và mọi thứ lăng kính ấy đều lay động di động… Và tất cả đều óng ánh những ảnh-tượng-màu-sắc, thành một cảnh tượng psy-chedelic, thì tương tự như cảnh giới Hoa Nghiêm hơn.

Nhưng ví dụ nào cũng chỉ là thô kệch, tạm bợ. Vì cảnh giới đó thì nói chẳng xiết, ví dụ chẳng cùng.

Mỗi chúng sanh đều đeo theo một mức độ ảnh hiện riêng biệt, về chánh báo y báo, về thân căn quốc độ. Mức độ đó có thể là cao hoặc thấp, bao la mênh mang hoặc hạn cuộc ngắn ngủi.

Đối với những loài côn trùng chẳng hạn, như giun, dế, chuồn chuồn… thì tâm thức trì trệ ở mức độ rất thấp kém, nhưng chúng vẫn là những lăng kính ảnh hiện, và sự ảnh hiện này chỉ có thể là một đơn sơ hạn cuộc. Thời gian, không gian đối với chúng cũng đơn sơ, và ảnh tượng về vũ trụ cũng vậy.

Tiến đến những loài như chó, ngựa, voi, hạc… thì mức độ tâm thức của chúng đã cao hơn nhiều nên những ảnh tượng về vũ trụ chắc là phải bao la bát ngát hơn nhiều.

Đến loài người thì lại càng cao hơn nữa rất nhiều. Đến chư Thiên, thì những ảnh tượng pháp giới càng phát triển bao la mịt mùng hơn nữa.

Đến một bậc Bồ Tát lớn, thì những ảnh tượng về pháp giới lại càng xuất hiện mịt mùng, vi diệu và mầu nhiệm hơn rất nhiều.

Một chương sau đây, khi bàn tới vấn đề thời gian và không gian, sẽ cố gắng suy luận kỹ càng hơn về những điểm này… Có điều chắc chắn là những chúng sanh lớn, có mức độ tâm thức cao, đều có thể nhìn thấy tất cả những cảnh giới ở mức độ thấp hơn.

Trong khi những chúng sanh mức độ thấp, khó thể nhìn thấy, hoặc không thể nhìn thấy những cảnh giới cao được.

Bởi vậy, nên trong kinh thường nói rằng: “Tất cả các cảnh giới, từ thô kệch cho đến vi diệu, đều Không Thật, Không Hư”.

Chúng đều Không Thật. Vì sao? Là vì trước hết, các vật đều vô thường, niệm-niệm-sanh-diệt-biến-đổi. Chúng như những đám mây vân cẩu, trùng trùng theo nhân duyên khởi lên, rồi lại theo nhân duyên diệt đi. Sau nữa, là vì chúng không có thực tại gì nhất định hết, và bao giờ cũng phải tùy thuộc vào cái tâm thức thấy nghe hay biết của chúng sanh đứng nhìn nó. Tỷ dụ như một con sông. Loài người chúng ta cùng có một số lớn nghiệp lực tưong đồng (kinh gọi là Cộng nghiệp), nên ai ai cũng nhìn và cho đó là một giòng sông. Những loài ngạ quỷ, do sức chiêu cảm của một cộng nghiệp khác, lại nhìn thấy khác, cho nó là một giòng lửa, uống vào thì cháy cổ họng. Chư Thiên nhìn, lại cho nó là ngọc lưu ly. Loài rồng nhìn, lại thấy những điện đài lầu các… Lại tỷ dụ như núi Tu Di. Chư Thiên trở lên thì có thể nhìn thấy núi chúa này, nên cho nó là thật.

Nhưng từ loài người trở xuống đều không nhìn thấy núi đó, nên cho là không thật.

Bởi thế, các cảnh giới đều không phải là thật thực sự. Vì nếu là thật, thì phải có một thực tại nhất định, bất biến, và bất cứ loài nào cũng phải nhìn thấy. Nhưng vì chúng chỉ là Biến Hiện, nên không thể bất biến được.

Nhưng chúng cũng không phải là Hư… Vì sao? Là vì một cảnh giới bao giờ cũng có một số loài chúng sanh nhìn thấy được, hoặc nghe thấy nó, hoặc ngửi, nếm, sờ mó nó được, chấp nó là có, rồi khởi ra đủ mọi thứ vui buồn, phiền não… Do đó, chúng không phải là Hư… Tỷ dụ như trong kinh thường nói rằng: Khi Phật thuyết một thời pháp lớn, hoặc khi một Đại Bồ Tát đi qua một nơi nào, thì Đất thường rung động sáu cách. Sự chấn động sáu cách đó, phàm phu chúng ta đâu có hay biết, nhưng các vị đã vào được một thứ tam-muội nào đó, thì thấy biết sự chấn động. Bởi vậy, không phải là Hư.

Tóm lại, tất cả mọi cảnh giới, từ thô kệch đến vi diệu, từ chúng sanh bé nhỏ đến các bậc chúng sanh lớn như Phật, Bồ Tát… đều Như huyễn, đều chỉ là biến hiện, đều không thật không hư, vì đều chỉ là Vọng Hiện của những tập khí chủng tử của Tàng thức, do nghiệp lực chiêu cảm. Nhưng nếu kẻ hành giả quán tưởng sâu hon nữa, tới chỗ bờ mé, thì sẽ chuyển được tất cả Vọng ấy. Sẽ thấy toàn Vọng tức là Chân, và mọi pháp, mọi cảnh giới vốn Như Như, bản lại rỗng lặng…

Để kết thúc chương này, thiết tưởng cần nói rõ hơn về Cộng nghiệp và Biệt nghiệp (hay Dị nghiệp) của một loài chúng sanh.

Tỷ dụ như loài người. Kiếp này, chúng ta vào khoảng ba tỷ người trên trái đất này, đều được sanh làm người cả. Đó vẫn không phải là ngẫu nhiên. Mà chỉ là vì trong vô lượng kiếp, chúng ta đã tích lũy trong Tàng thức những tập-khí-chủng-tử đại để giống nhau, tương ứng với tâm thức của loài người. Đến kiếp này, thời tiết chín mùi, những chủng tử ấy hiện hành, Nở Xòe ra trên biển pháp thân, nên chúng ta cùng sanh là người, mang một ảnh tượng thân căn đại để giống nhau, và một ảnh tượng về quốc độ đại để giống nhau… Những chủng tử nghiệp lực đại để tương đồng đó gọi là Cộng nghiệp. Nó khiến cho chúng ta khi nhìn giòng sông, trái núi, con chó… thì ai ai cũng cho là giòng sông, trái núi, con chó, chứ không cho là cái gì khác. Thấy người, thì đều cho là người… Nhưng không thấy được quỷ thần, không thấy núi Tu-di, vì nghiệp lực khác biệt, nên đa số người đều nghĩ rằng quỷ thần và núi Tu-di chắc là không có.

Nhưng trong cái Cộng nghiệp này, vẫn có rất nhiều cái Biệt, cái Dị, tức là Biệt nghiệp… Tỷ dụ: như cùng nhìn một trái núi, người này thấy núi xanh xanh, người kia thấy núi xanh biếc. Người nhìn núi thấy buồn, người nhìn thấy vui thích. Đó là Dị vi tế. Còn nhiều cái Dị thô kệch và rõ rệt hơn nhiều. Có người đẹp, người xấu, người thông minh trí tuệ, người chậm chạp học trước quên sau. Người sanh ra đã mù, què, câm, ngọng điếc: đó phần đồng đều là những kẻ vừa mới phải chịu dư báo trong loài súc sanh, rồi mới thoát lên làm người. Có người mới năm, sáu tuổi đã soạn các nhạc phẩm, đã có ít nhiều ức niệm về một vài kiếp trước của mình. Có người nhìn thấy quỷ thần, hoặc chỉ tu ít lâu, đã đắc quả Tu-đà-hoàn, có thể nhìn thấy các cõi trời Dục giới và Sơ thiền.

Có kẻ ngủ hay thấy ác mộng, rên khóc kêu la. Có kẻ lại hay có hảo mộng, hay mộng thấy hoa sen cùng các bậc thượng thiện nhân… Có kẻ, như triết gia Sartre, chỉ chích một mũi thuốc ma túy mescaline, bị luôn ảo giác trong sáu tháng liền, lúc nào cũng nhìn thấy một con cua to tướng ngọ nguậy ở ngay trước mắt mình. Có kẻ, cũng chích thuốc đó, lại thấy một ảo giác quái dị khác… Có kẻ, tập quán tưởng lạc nẻo, lại thấy một con nhện to tướng treo trước mắt.

Nói chung, Biệt nghiệp rất nhiều. Càng đi sâu vào tâm thức càng phát hiện nhiều biệt nghiệp nở ra từ Tàng thức.

Đại đa số chúng ta thường đều tin rằng: Có một vũ trụ bên ngoài, khách quan, tồn tại độc lập, riêng biệt với ngã thể của mình. Như trái núi kia, nó kiên cố vững chắc như vậy, thì nó phải là có, và sau khi ta chết rồi, chắc rằng trái núi vẫn lừng lững như vậy, và vô vàn kẻ khác vẫn nhìn thấy nó.

Đây là cái điểm bí ẩn của những cảnh giới gọi là Khách quan. Điểm này đã ám ảnh khá nhiều các triết gia hiện sinh, (nhất là Simone de Beauvoir), mà họ cũng không tìm được lối lý giải.

Điểm bí ẩn đó chỉ nằm trong hai chữ: Cộng nghiệp.

Do sự nở ra của những chủng tử nghiệp tương đồng, nên mỗi loài chúng sanh, tỷ dụ loài người, đều chiêu cảm những ảnh tượng thế giới tương đồng. Tất cả những ảnh tượng đó, tuy Riêng Khác của mỗi người, nhung vẫn xem-lẫn-lồng-lại-với-nhau một cách tương-tợ- tương-tục… khiến cho mỗi người chúng ta đều lầm tưởng rằng có một thế giới khách quan riêng biệt, độc lập với tâm thức mình. Kỳ thực, thì nó chỉ là một trường biến hiện của cái Thức của mình mà thôi.

Khi thấy một trái núi lừng lững kiên cố như vậy, rồi lại thấy ai ai cũng gọi là trái núi, thì ta rất dễ yên chí rằng nó có một thực tại khách quan riêng biệt… Nhất là khi ta nghĩ rằng, sau khi mình chết rồi, thì trái núi vẫn lừng lững còn đó, và vô vàn kẻ khác vẫn tiếp tục ngắm nhìn nó… Kỳ thực thì khi ta chết rồi, nghiệp-lực-người bặt đi, và chuyển sang một nghiệp-lực-mới nở ra, hoặc của thân trung ấm, hoặc của thân thọ sanh sau. Nghiệp-lực-người bặt đi, thì những ảnh tượng về trái núi cùng thế-giới-người của ta cũng bắt buộc phải bặt đi, để chuyển sang những ảnh tượng mới phù hợp và tương ưng với nghiệp mới nở ra.

Còn những kẻ khác còn sống lại sau ta, vì nghiệp-lực-người của họ chưa hết hiện hành, nên họ bắt buộc vẫn phải nhìn thấy trái núi và thế giới ấy… Hãy tạm Giả thiết rằng nếu không còn người nào nữa, thì trên nguyên tắc, trái núi ấy không còn phát hiện nữa. Nhưng đó chỉ là một giả thiết không thể có được (hypothèse impossi-ble, purement idéale), vì nếu tỷ dụ trái đất người đi, trở thành một hành tinh chết như kiểu mặt trăng, thì tạm gọi rằng không còn một sinh vật nào nữa theo sự hiểu biết của người. Nhung vẫn còn vô vàn những chư Thiên, quỷ thần, hoặc chúng sanh phi nhon mà mắt người không nhìn thấy. Và dưới nhãn quan của những chúng sanh ấy, trái núi vẫn có thể phát hiện được. Và người Phật tử chúng ta cần luôn luôn nhớ rằng có vô lượng những loài chúng sanh dị loại với loài người.

Thiết tưởng cần nêu thêm một giả thiết nữa, để soi sáng cái bí ẩn của cái gọi là Khách Quan. Tỷ dụ như tại một xứ sở hẻo lánh nào đó, có chừng độ 200.000 người sống với nhau. Trong số đó, có một người bị cái ảo giác, luôn luôn nhìn thấy một con vật hình thù quái dị bò lổm ngổm chung quanh mình. Người đó kể chuyện cho những kẻ khác nghe, thì những kẻ khác đều cười, cho là ảo giác… Nhưng nếu tất cả 200.000 người ấy đều bị chung một ảo giác đó, và bị liên miên, thì chắc là họ sẽ bắt đầu nghĩ rằng con vật quái dị có thể là có thật. Và nếu trong vô lượng kiếp, ảo giác ấy cứ triền miên huân tập trong Tàng thức của những người ấy, thì đến một kiếp nào đó, vọng-tưởng-kiên-cố ấy sẽ trở thành ảnh-tưọng-kiên-cố, có thể trông thấy sờ mó thấy. Và những người ấy sẽ coi ảnh tượng ấy như một thực tại khách quan, tồn tại độc lập ngoài mình…

Chắc có người sẽ thắc mắc: Nếu vũ trụ này quả thực chỉ là sự Biến hiện của Thức, của tâm niệm của mỗi chúng sanh, vậy thì tại sao chúng ta lại không thể dùng ý chí, dùng tâm niệm để thay đổi chuyển hóa nó được?

Câu trả lời cũng giản dị. Chỉ là vì những tâm niệm của chúng ta, thường đều là tán loạn yếu, kém. Những ảnh tượng Vật kia đều là những vọng tưởng tích lũy từ vô thủy, nay trở thành kiên cố, thì làm sao có thể lấy những tâm niệm tán loạn yếu kém trong chốc lát mà chuyển hóa được?! Nhưng nếu ta phát tâm vững chắc, quán tưởng nhất tâm và lâu dài, thì sẽ chuyển hóa được. Vì vật nào cũng chỉ được kết tập bởi quang minh của tâm thức mà thôi.

Do đó, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật bảo bà Hoàng hậu Vi Đề Hy rằng: “Người còn là phàm phu, tâm tưởng yếu kém, nên chưa thể nhìn thấy cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Nhưng chư Như Lai có phương tiện là khiến người có thể trông thấy được.” Và trong các pháp hội Đại thừa, trước khi nói kinh, Phật thường hay phóng quang, dùng tâm lực vô biên của mình, để nâng tâm thức của tứ chúng lên những mức độ cao hơn. Bởi thế, những người có túc duyên gặp Phật, nghe diệu âm của Phật, thường đắc quả rất nhiều…

Pháp giới treo trên đầu một tâm niệm, là do Tự tâm Biến Hiện.

Đó là thông điệp vi mật của chư Như Lai ba đời, mười phương.

Ở thời vắng Phật này, nếu người nào nghe nói về Pháp giới Như Huyễn và Lý Duy tâm sở hiện, mà không sanh tâm kinh nghi lại có được một niệm tín giải, hiểu rằng vũ trụ là ảnh tượng và mình cũng là ảnh tượng biến hiện từ những tâm niệm dao động bập bềnh… thì người đó chắc đã trồng túc duyên từ rất nhiều kiếp số.

Vì kệ Hoa Nghiêm, phẩm Hiền Thủ, dạy rằng:

Tất cả phàm phu ở thế gian
Người hưởng Đại Thừa rất khó gặp
Người hưởng Đại Thừa còn là dễ,
Người tin Pháp này lại khó hơn…
Có người tay bưng mười quốc độ,
Đứng giữa không gian trọn mười kiếp
Việc người này làm chưa là khó,
Tin được Pháp này mới là khó…
Nơi mười cõi vi trần số chúng
Cho vật sở thích trọn một kiếp
Phước đức người này chưa là thắng
Người tin Pháp này mới tối thắng…