NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT
HT Thích Thái Hòa

 

HT Thích Thái Hòa giảng tại Thiền Viện Chân Không 4, Luân Đôn vào chiều ngày 14-7-2017

Nam mô Phật đà da
Nam mô Đạt ma da
Nam mô Tăng già da

Thưa đại chúng, trước khi nghe pháp thoại, xin đại chúng ngồi ngay thẳng, thân và tâm có mặt trong nhau để chúng ta thiền tập, khiến cho ba nghiệp của tất cả chúng ta giờ này thanh tịnh. Nhờ ba nghiệp thanh tịnh mà đưa tới sự chuyển hóa những chủng tử tâm hành không lành mạnh thành những chủng tử tốt đẹp.

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”,

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với thân nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với thân nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với ngữ nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với ngữ nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với ý nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với ý nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ thân thể này không phải đơn thuần là của tôi, mà nó liên hệ với mọi người và mọi loài ở trong mọi không gian.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, thân thể này không những chỉ có riêng trong hiện tại mà còn liên hệ cả trong quá khứ và tương lai.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, những gì của tôi trong quá khứ đang có mặt với tôi hôm nay trong giờ phút này. Và những gì tương lai của tôi cũng bắt đầu có mặt với tôi trong giờ phút này.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, bóng đêm và ánh sáng, khổ đau và hạnh phúc, tất cả đều đang có mặt ở trong tâm tôi.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, thiền là phương pháp làm cho tâm tĩnh lặng, giúp tôi thấy rõ tôi hơn trong mọi hành xử của cuộc sống.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Khi nghe tôi thỉnh tiếng chuông, xin đại chúng khởi tâm buông xả, thiền tập.

Boong (tiếng chuông Chùa)….

Xin đại chúng chuyển động thân thể, xoa hai tay và làm các động tác như đã thường làm.

Khi nghe tiếng chuông, xin đại chúng ngồi ngay thẳng để nghe pháp thoại.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 14 tháng 7 năm 2017. Tôi lại gặp quý vị lần thứ hai tại Thiền viện Chân Không 4, thủ đô Luân Đôn. Với sự gặp gỡ này, tôi xin chia sẻ pháp thoại với đề tài “Nếp sống của người đệ tử Phật chúng ta”.

Thưa đại chúng, sở dĩ chúng ta được gọi là đệ tử Phật là vì chúng ta xác nhận đức Phật là Thầy của chúng ta. Chúng ta nương tựa vào Ngài mà học pháp, hiểu pháp, chứng nghiệm pháp. Vì chúng ta xác nhận đức Phật là Thầy chúng ta nên chúng ta nương tựa vào Tăng. Tăng là đoàn thể xuất gia gồm bốn vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni trở lên, sống hòa hợp với nhau trong thanh tịnh, để cùng đồng hành với chúng ta đi về nơi giải thoát, nơi giác ngộ. Do đó, chúng ta được gọi là đệ tử của đức Phật.

Đã là đệ tử của đức Phật, chúng ta cũng biến lời dạy của Ngài trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta phải biến lời dạy của Ngài trở thành nếp sống của chúng ta. Muốn vậy, người đệ tử Phật chúng ta phải thực tập những phương pháp sau đây:

Thứ nhất, định hướng trước khi đi. Là đệ tử Phật, chúng ta phải có định hướng trước khi đi. Đi đâu, chúng ta phải có định hướng. Trong đời sống, nếu có định hướng thì hành động của chúng ta sẽ không bị lạc lối. Nếu chúng ta sống mà không có định hướng thì sống sẽ bị lạc lối, lầm đường.

Người đệ tử Phật đi hướng nào? Chúng ta phải đi theo hướng của đức Phật. Đức Phật đã dạy chúng ta. Và sự chỉ dạy của đức Phật đối với chúng ta không phải là lý thuyết, mà chính là Ngài đã thực nghiệm và đã chứng nghiệm trước khi ngài dạy cho chúng ta.

Như Lai là gì? Như Lai là những gì Ngài nói thì Ngài đã làm. Và những gì Ngài đã làm thì Ngài mới nói. Nói và làm đúng với nhau, cho nên gọi là Như Lai. Những gì Như Lai nói thì Như Lai làm. Những gì Như Lai đã làm thì Như Lai mới nói. Nói và làm nhất như với nhau thì gọi là Như Lai, gọi là Phật, gọi là Thế Tôn.

Như vậy, định hướng của người đệ tử Phật là chúng ta phải nói theo cách nói của Như Lai, phải làm theo cách làm của Như Lai, để tạo ra hạnh hoa trái của Như Lai ngay trong đời sống này. Vì vậy sự chân thật, sống với chân thật, nói với chân thật, chết cho chân thật, đó là cái hướng của người đệ tử Phật. Và chúng ta phải thật tâm với sự chân thật đó trong đời sống chúng ta mỗi ngày.

Thưa đại chúng, ở nơi thủ đô Luân Đôn này, đi đâu mà không định hướng thì khó đạt tới đích mình muốn đến. Hai ngày chúng tôi đi thăm thủ đô Luân Đôn này, có anh Tâm Đạt, anh Thiện Hạnh (anh Mười) đưa chúng tôi đi, nhưng muốn đi đến đâu phải có định hướng, biết điểm đến đó là hướng nào, rồi phương tiện nào để đến đó và trên đường đi đến đó có bao nhiêu trạm xe điện, xe lửa, bao nhiêu đoạn đường đi bộ. Đi bộ phải đi như thế nào, lên xe điện ngầm phải đi như thế nào, phải ngồi ở toa nào, rồi xuống ở cửa nào.

Nếu mình không định hướng mà đi, thì sẽ đi lạc đường, đi mấy cũng không đến được chỗ muốn đến trong thủ đô Luân Đôn này. Và khi về mình cũng không biết đường nào để trở về lại nhà, nếu mình không nhớ địa chỉ nhà mình ở hướng nào.

Quý vị biết rằng, người đi không có định hướng, mất phương hướng trong cuộc sống, tâm trạng của họ rất lo lắng, rất sợ hãi. Cảm giác khi nào cũng cảm thấy bồn chồn khó chịu. Có khi nào quý vị đi mà bị mất phương hướng chưa? Đi trong thành phố Luân Đôn này mà mất phương hướng là mình bị lạc lõng giữa thế giới con người. Huống hồ trong cuộc sống mà chúng ta không có định hướng. Làm người mà không có định hướng, thì chúng ta làm người để làm gì? Trước khi đến đây, chúng ta là gì? Sau khi kết thúc cuộc đời này, chúng ta là gì? Đi về đâu? Vì vậy, người đệ tử Phật phải có định hướng, mà định hướng của chúng ta là Phật. Phật là chỗ định hướng cho hàng đệ tử Phật nương tựa, quay về, nhìn hướng đó mà đi. Và mỗi buổi sáng mai thức dậy, người đệ tử Phật phải làm gì trong định hướng đó?

Trong bộ Tiểu Luật Tỳ Ni có bài kệ giúp chúng ta lúc thức dậy: Thùy miên thỉ ngộ, đương nguyện chúng sinh, nhất thiết trí giác, châu cố thập phương. Nghĩa là, ngủ nghỉ mới thức dậy, nguyện cho chúng sinh có tuệ giác nhìn khắp cả mười phương.

Người đệ tử Phật khi vừa ngủ dậy, phải đánh thức định hướng của mình trong ngày. Và khởi tâm từ bi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh cũng có định hướng trong ngày. Định hướng ấy chính là tâm toàn giác. Chúng ta phải sống với tâm toàn giác, với trí tuệ toàn giác. Và chúng ta thực tập nhìn một vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, dưới nhiều phương diện khác nhau, dưới nhiều điều kiện khác nhau. Muốn đi tới toàn giác, chúng ta phải thực tập giác ngộ từng phần, rồi bán phần, rồi mãn phần, rồi toàn phần.

Người đệ tử Phật mở mắt ra thức dậy là phải thức dậy cả thân và tâm. Thân thức dậy mà tâm không thức dậy, hay tâm thức dậy rồi mà thân chưa thức dậy, thì chúng ta phải quán sát, phải xem xét, phải điều chỉnh. Vì sao tâm thức dậy rồi mà thân chưa thức dậy? Bởi vì ngày hôm qua tâm mình đã lạm dụng thân mình, cho nên bây giờ tâm thức dậy rồi mà thân không thức dậy nổi.

Hoặc thân thức dậy rồi mà tâm không thức dậy nổi thì mình phải xem lại, ngày hôm qua mình đã có sai lầm gì đối với thân, mình đã có sai lầm gì đối với tâm để điều chỉnh thân tâm của mình, để thân ở trong sự toàn giác mà tâm cũng ở trong sự toàn giác. Đó là cách tu tập của chúng ta. Phải điều chỉnh thân tâm của chúng ta mỗi ngày, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy chứ chúng ta đừng sống như một cái máy đối với thân tâm chúng ta. Chúng ta đối với thân tâm chúng ta như một cái máy là có lỗi với chúng ta rất nhiều, bởi vì thân thể này là phước báo mà chúng ta từng tu tập trong quá khứ mới có hôm nay, mà chúng ta đối với thân này với tâm này như cái máy thì rất có lỗi với phước báo của chúng ta, rất có lỗi với cha mẹ chúng ta, rất có lỗi với thế giới con người chúng ta. Cho nên chúng ta phải sống trong tuệ giác mà không phải sống theo thói quen. Chúng ta đừng đi theo thói quen, ăn theo thói quen, uống theo thói quen và làm việc theo thói quen. Mà chúng ta phải ăn trong tỉnh giác, uống trong tỉnh giác, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc trong tỉnh giác. Tỉnh giác là Phật và tỉnh giác là định hướng tu tập của người đệ tử Phật chúng ta. Nếu giờ trước chúng ta làm chưa được, thì giờ sau phải nỗ lực làm cho được. Nếu lỡ quên đi thì chúng ta thực tập trở lại. Đó là định hướng mỗi ngày trong đời sống của người đệ tử Phật chúng ta.

Thứ hai là sử dụng các duyên để đi tới định hướng.

Khi đã có hướng đi rồi, đã có điểm đến rồi thì phải biết cách sử dụng các phương tiện, các điều kiện để đạt tới hướng của mình đã định, để đạt tới mục đích mình muốn đến. Cho nên duyên là điều kiện hỗ trợ. Có nhiều loại duyên, nhưng ở đây tôi chỉ nói bốn loại:

Thứ nhất là nhân duyên. Nhân là tác nhân. Duyên là điều kiện hỗ trợ để cho tác nhân sinh khởi. Vì vậy gọi là nhân duyên. Tâm mình muốn tỉnh thức là nhân. Điều kiện giúp mình tỉnh thức là duyên. Mình thực tập như vậy và sống được một ngày mấy tiếng đồng hồ ở trong tỉnh thức, đó là quả của nhân duyên trong sự thực tập tỉnh thức. Nếu ngày hôm nay mình thực tập sống được một giờ trong tỉnh thức, ngày mai mình thực tập sống được một giờ rưởi ở trong tỉnh thức, ngày mốt mình được hai giờ, tuần sau được ba giờ, tuần sau nữa được bốn giờ. Cứ như vậy mà tăng lên. Đến khi nào mình đạt được hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ ở trong sự tỉnh thức, thì đó là Phật, là Thế Tôn, là Như Lai.

Như vậy chúng ta phải mượn nhân duyên để thực tập phải không? Nhân duyên này nếu được huân tập thuần thục trong tâm mình sẽ tạo thành chủng tử giác ngộ.

Thứ hai là sở duyên duyên. Sở duyên duyên có nghĩa là duyên này dựa vào duyên khác để biểu hiện, duyên này nương vào duyên khác để biểu hiện. Duyên này duyên vào một đối tượng khác, một nhân duyên khác để biểu hiện ước muốn tu học của mình, ước muốn tỉnh giác của mình, ước muốn giải thoát của mình, gọi là sở duyên duyên.

Có người chồng thấy người vợ tu dễ thương quá, người chồng cũng muốn tu cho dễ thương như người vợ, hoặc người vợ thấy người chồng tu dễ thương quá và đem lại an lạc cho mình quá, cho nên người vợ cũng muốn tu như người chồng. Người chồng đã tu có an lạc trước rồi, người vợ muốn tu theo. Như vậy người chồng là sở duyên để làm duyên cho người vợ phát tâm tu tập, phát tâm hướng tới đời sống cao thượng. Và ngược lại. Cho nên gọi là sở duyên duyên. Nhờ sở duyên duyên mà nuôi dưỡng được nhân duyên, tức là chủng tử tu tập của chúng ta. Đó là duyên thứ hai mà chúng ta rất cần. Hoàn cảnh, môi trường tu tập rất cần thiết cho ước muốn tu tập của chúng ta có điều kiện dựa vào và phát triển.

Thứ ba là đẳng vô gián duyên. Duyên này hỗ trợ tương tục không gián đoạn. Tỉnh giác của mình mà gián đoạn thì vọng niệm có cơ hội chen vào. Nhưng nếu thực tập tỉnh giác không gián đoạn, có nghĩa là đi mình cũng thực tập, đứng mình cũng thực tập, nằm mình cũng thực tập, ngồi mình cũng thực tập, ăn mình cũng thực tập, uống mình cũng thực tập, làm việc mình cũng thực tập. Chính sự thực tập liên tục như vậy nuôi tâm tỉnh giác của mình, nuôi hạnh muốn tu tập của mình liên tục không gián đoạn. Đó gọi là đẳng vô gián duyên.

Ngày hôm qua, chúng tôi tới thăm Trụ sở BBC tại Langham, Luân Đôn. Ý hướng muốn đến đó chúng tôi phải nuôi dưỡng liên tục. Và phương tiện giúp chúng tôi đi từ trạm xe này đến trạm xe khác là có lên có xuống, có đổi xe này có sang trạm kia. Nhưng ý hướng muốn đến thăm BBC là ý hướng liên tục. Nhờ vậy, cuối cùng chúng tôi tới thăm được Trụ sở của đài BBC.

Cái gì đưa chúng tôi tới thăm được BBC? Trước hết là ý muốn của chúng tôi muốn tới thăm. Sau đó là những phương tiện, điều kiện hỗ trợ liên tục để khiến chúng tôi tới thăm được BBC như ước muốn của chúng tôi. Như vậy, đẳng vô gián duyên đã hỗ trợ cho nhân duyên của chúng tôi thành tựu.

Tu cũng vậy, mình đã phát tâm tu, lấy hướng Phật là hướng của mình thì mình phải nhắm tới hướng đó và sử dụng mọi phương tiện giúp mình đi tới đích đó. Và tôi biết, có nhiều đường, nhiều cách đi tới Trụ sở BBC, không phải chỉ có một đường. Nếu mình đi cách này không được thì đi cách khác. Mình vận dụng duyên này không được thì vận dụng duyên khác.

Chúng tôi muốn đi thăm tòa nhà bảo tàng của các nhà thiên văn học ở Luân Đôn này. Chiều hôm qua, chúng tôi đi nửa đường, phải đi lui vì điều kiện không cho phép. Sáng nay chúng tôi tiếp tục đi tới chỗ chúng tôi muốn tới và đi bằng con đường khác, phương tiện khác. Và đúng là sáng nay, chúng tôi đã đứng ở tòa nhà bảo tàng thiên văn học của các nhà bác học đầu tiên của Anh.

Chúng ta phải nuôi dưỡng ý hướng liên tục, còn phương tiện thì có thể vận dụng bằng cách này hay cách kia. Nếu mình sống mất định hướng thì các duyên chẳng những không giúp mình được gì mà còn làm cho mình rối rắm thêm. Cho nên phải có định hướng. Có định hướng rồi, có nhân duyên rồi, còn phải có sở duyên duyên, phải có đẳng vô gián duyên. Người ưa tu thì tu chơi, không ưa thì thôi, thì không ai giúp nổi. Phật cũng bó tay. Cho nên mình phải nuôi dưỡng ý hướng tu tập liên tục, còn duyên thì tùy theo điều kiện để có thể vận dụng.

Thứ tư là tăng thượng duyên. Tăng thượng duyên là duyên hỗ trợ tích cực khiến cho từ nhân sinh ra quả một cách nhanh chóng đúng như ước nguyện của mình. Duyên tăng thượng này vừa có thuận vừa có nghịch. Nó thuận với cái thiện thì nó nghịch với cái ác. Nó thuận với các ác thì nó nghịch với cái thiện.

Trên con đường tu học, chúng ta phải vận dụng bốn duyên này để nuôi dưỡng định hướng tu học của người đệ tử Phật trong tất cả mọi hoàn cảnh. Không những vận dụng bốn duyên này để tu tập giải thoát giác ngộ, mà bốn duyên này mình cũng vận dụng để thành tựu phước báo nhân thừa, tức là phước báo cõi người; phước báo thiên thừa, tức phước báo cõi trời; phước báo của hàng Thanh văn thừa, tức phước báo của các bậc thánh; phước báo của các bậc Duyên giác, tức các bậc tự mình giác ngộ mà không khởi tâm giáo hóa chúng sinh. Và cũng vận dụng bốn duyên này vào công trình, hạnh nguyện Bồ tát đạo của chúng ta trong Bồ tát thừa.

Vận dụng vào Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa để làm gì? Để đi tới Phật thừa, tức là cứu cánh tu học của chúng ta. Là đích điểm mà người đệ tử Phật chúng ta phải hướng đến.

Tóm lại, yêu cầu thứ hai là vận dụng các duyên.

Điều kiện thứ ba là phải có tuệ giác, hay có trạch pháp giác để vận dụng các duyên.

Quý vị thấy hai cộng với hai là mấy? -Là bốn.

Có mấy phương pháp để đi tới con số bốn? Nếu người học mẫu giáo, chỉ biết phép cộng thì chỉ có 2 cộng 2 là 4 (2+2=4). Người giỏi về phép nhân thì 2 nhân 2 là 4 (2×2=4), phải không? Người giỏi phép trừ, thì:

10 trừ 6 còn 4 (10 – 6 = 4);

8 trừ 4 còn 4 (8 – 4 = 4);

6 trừ 2 còn 4 (6 – 2 = 4);

5 trừ 1 còn 4 (5 – 1 = 4);

5,5 trừ 1,5 còn 4 (5,5 – 1,5 = 4);

1 triệu trừ 999.996, còn 4 (1.000.000 – 999.996 = 4).

Như vậy, khi chỉ học phép cộng thì chỉ biết có hai công hai là bốn. Nhưng nếu biết phép trừ thì mình có rất nhiều cách để đạt tới con số bốn, phải không? Và nếu mình học cách nhân hay học cách chia cũng có vô số cách để đạt tới con số bốn. Như vậy, quý vị thấy có rất nhiều duyên.

Ngài Huyền Quang, đệ tam Tổ Trúc Lâm, khi chưa đổ Trạng nguyên, cha mẹ đi hỏi vợ cho ngài, không ai chịu gã con gái vì chê ngài xấu, nghèo. Nhưng khi ngài học và thi đỗ Trạng nguyên rồi thì vua đòi gã công chúa, quan cũng đòi gã Thiên Kim tiểu thư, nhà giàu cũng muốn gã con gái cho ngài, cuối cùng ngài than một câu “khó khăn thì chẳng ai tìm, đến khi đỗ Trạng, tám nghìn nhân duyên”. Lời than của ngài Huyền Quang, Trúc Lâm tam Tổ, đã nhắc chúng ta: Người chê trong thói đời, nhắc chúng ta rằng nhân duyên không phải chỉ có một mà khi hội đủ điều kiện, có vô số. Cho nên chúng ta phải có tuệ giác, phải có tỉnh giác, phải có trạch pháp giác để chọn nhân duyên nào, điều kiện nào giúp nuôi dưỡng được tuệ giác của chúng ta, nuôi dưỡng được định hướng tu học của chúng ta. Bởi vì phiền não của chúng ta cũng từ nhân duyên mà sinh ra thì cũng từ nhân duyên mà nó diệt. Cho nên nhân duyên không phải chỉ có bốn, mà từ nơi bốn đó sinh ra vô số.

Có người do nhân quá khứ đã từng tu học, cho nên đời nay thấy Phật là cảm mến, thấy tăng là ngưỡng mộ, thấy pháp là hành trì. Và họ đã tu học nhiều đời rồi, nhưng chưa đủ duyên nên chưa có điều kiện để biểu hiện thôi. Hễ đủ duyên là hạt giống nó trổi dậy, nó biểu hiện, nó thích ứng. Như trường hợp Lục Tổ Huệ Năng, chỉ là một chàng tiều phu gánh củi, nhưng khi nghe một vị tụng kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ ra. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm là đừng khởi tâm kẹt dính, vướng mắc vào bất cứ đối tượng nào khi mình nhận thức qua nhãn thức, khi mình nhận thức qua nhĩ thức, khi mình nhận thức qua tỷ thức, khi mình nhận thức qua thiệt thức, khi mình nhận thức qua thân thức và khi mình nhận thức qua ý thức. Đừng kẹt mắc bất cứ đối tượng nào do các nhận thức đem lại thì mới đi tới được tuệ giác hoàn toàn. Đâu phải một sớm một chiều mà ngài ngộ được điều đó. Ngài ngộ được điều đó có nghĩa là nhân duyên ở trong Phật pháp của ngài đã nhiều đời nhiều kiếp rồi. Đến giờ phút đủ duyên thì tuệ giác biểu hiện một cách toàn hảo. Có đôi người cũng vin vào câu chuyện ngài Lục Tổ Huệ Năng mà nhác học, nhác tu, rồi đem mình mà so sánh với Tổ, là sai lầm hoàn toàn. Nhớ nghe! Nhân duyên của mình khác với nhân duyên của ngài Huệ Năng.

Duyên đến với đạo mỗi người mỗi khác. Có nhiều vị phải dập đầu bễ trán ra mới tới được với đạo, êm đềm không tới được. Ngày nào cũng thâu tiền, rồi gởi ngân hàng. Thấy ngày nào cũng vào cả cho nên đâu có dễ tới với đạo. Đùng một cái, sự nghiệp không còn gì hết. Khi đó mới ngộ được đạo, mới bắt đầu tìm Phật mà tới. Đức Phật nói “phú quý học đạo nan”. Giàu có học đạo khó lắm. Vì sao? Vì không có thì giờ để nhớ tới Phật. Chỉ có thì giờ nhớ tới công việc và tiền mà không nhớ Phật. Nhưng tiền đó, đức Phật dạy là của năm nhà nghe! Tài sản mà chúng ta đang có là của năm nhà:

Thứ nhất là chồng/vợ phá tán. Chồng làm giỏi, vợ đánh bài. Hay vợ làm giỏi, chồng đánh bài. Tiêu tan hết. Vợ giỏi cỡ nào mà chồng đánh bài thì tài sản có còn không? Ông chồng giỏi đến mấy mà vợ đánh bài thì tài sản có còn không?

Thứ hai là con phá tán. Cha mẹ làm ra bao nhiêu tiền con phá tán, con ăn chơi, con bệnh tật. Đủ thứ trên đời.

Thứ ba là bị giặt cướp. Thứ tư là bị chánh quyền tịch thu. Thứ năm là bị nước trôi lửa cháy. Cho nên đức Phật nói tài sản của thế gian này thuộc về của năm nhà, không phải của mình đâu!

Giàu có, nếu không quán chiếu được giáo lý duyên khởi, giáo lý nhân duyên, thì khó tu. Duyên đủ thì có tất cả, mà duyên tán thì không có gì hết. Duyên đủ thì Thầy trò ngồi đây nói chuyện với nhau. Đến 5g, mọi người có đến thiền viện Chân Không này tìm thầy Thái Hòa, tìm mọi người trong đạo tràng cũng không tìm ra. Tất cả đều là “Nhạn quá trường không”. Quý vị nhớ không? Đừng hẹn 5g hay 6g tới đây nghe pháp nghe. Tìm một bóng người cũng không có và muốn vào nơi đây cũng không ai cho vào.

Đức Phật nói “giàu có tu khó”. Thế thì nghèo dễ tu sao? Nghèo cũng không dễ tu đâu. Cho nên đức Phật nói: “phú quý học đạo nan, bần cùng học đạo diệc nan”. Nghèo học đạo cũng khó lắm. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha chết không bằng hết gạo”, có tâm đâu mà tu. Ăn bữa sáng là nghĩ đến bữa trưa. Bữa trưa ăn xong là nghĩ đến buổi tối. Ăn buổi tối xong, lo không biết ngủ ở đâu? Đầu luôn luôn nghĩ tới chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện nhà ở. Có thì giờ đâu mà nghĩ chuyện tu. Như vậy, chuyện tu dành cho ai? Dành cho người nghèo hay dành cho người giàu?

Tu không dành cho người giàu, cũng không dành cho người nghèo, mà dành cho những người có nhân duyên tu hành và đã từng gieo duyên đó nhiều đời. Quý vị ở đây có phải là hạng người giàu không? Có phải là hạng người nghèo không? Là hạng người nào? -Là hạng người có phước đức nhiều đời. Không dễ chút nào.

Mình phải quán chiếu nhân duyên, để thấy mình làm được chuyện gì ở trong thiện pháp tốt đẹp là tự vui mừng cho chính mình và nuôi dưỡng nhân duyên đó mỗi ngày, để hôm nay mình có nhân duyên, ngày mai nhân duyên của mình lại càng tốt hơn, càng sáng hơn, càng quý hơn. Mình phải có tuệ giác để biết vận dụng duyên tốt vào trong đời sống hằng ngày của mình.

Đức Phật dạy mình phải quán thân người khó được để trân trọng thân người đang có đây để tu học. Thân người khó được, mà mình được, thì phải tiếp tục nuôi dưỡng nó như thế nào.

Đức Phật dạy mình phải quán chiếu người bạn lành khó được. Cho nên khi giao tiếp với ai thì phải nghĩ nhân duyên tốt đẹp của mình với người bạn đó mới có sự gặp gỡ này. Vậy thì phải nói với nhau như thế nào? Đừng nói với nhau theo bản năng, đừng nói với nhau theo thói quen mà phải nói với nhau trong sự tỉnh giác, trong sự trân trọng trong giây phút gặp gỡ này để sự gặp gỡ này làm tiền đề cho sự gặp gỡ tiếp theo tốt đẹp hơn. Đó là tính biện chứng trong tư duy triết học. Đó là tính biện chứng trong đạo lý nhân quả mà chúng ta phải biết, phải trân trọng. Mình gặp nhau ở nơi đây rồi mình phải chia tay, mỗi người đi theo nghiệp chủng của mình, đi theo nghề nghiệp của mình, đi theo cách sống của mình. Thì tại sao mình không tạo duyên tốt, nói một lời tốt đẹp với nhau, nghĩ những gì tốt đẹp cho nhau, mà lại nói những lời khó nghe với nhau, nghĩ những gì không đẹp cho nhau. Để làm gì?

Khi ý thức được nhân duyên của mình trong tuệ giác, bằng sự tỉnh giác, thì mọi sự việc chung quanh chúng ta đều có ý nghĩa, đều có giá trị mà chúng ta cần phải trân trọng. Mình không trọng người khác mà buộc người khác trọng mình, điều đó có xảy ra không? Mình không trọng người khác mà buộc người khác trọng mình, điều đó có không bao giờ xảy ra. Mình không lắng nghe người khác mà buộc người khác phải lắng nghe mình, điều đó không bao giờ xảy ra. Phải không?

Tại sao vô lý như vậy? Tại sao mình không biết lắng nghe người khác mà buộc người khác phải nghe mình? Cái vô lý đó đi từ tà kiến, bởi vì không nhận thức được cuộc sống là sự tương quan duyên khởi. Ai có chánh kiến, người đó thấy được các pháp tương quan duyên khởi. Đức Phật dạy: Ai thấy được pháp duyên khởi, người ấy thấy được Phật. Ai không thấy được pháp duyên khởi, người ấy không bao giờ thấy được Phật. Cho nên thấy Phật chính là thấy các pháp tương quan duyên khởi. Và bản chất của duyên khởi là sự rỗng lặng ở bên trong, là tâm rỗng lặng. Do tâm rỗng lặng đó làm nền tảng cho các pháp sinh khởi. Nếu trong đầu mình đầy thành kiến, đầy tri kiến, đầy kiến thức chấp ngã thì mình không nghe ai hết, mình chỉ nghe theo kiến chấp của mình thôi. Khi đã nghe theo kiến chấp của mình mà không chịu lắng nghe ý kiến từ những phía khác thì trước sau gì mình cũng là người cô đơn nhất, khổ đau nhất, thất bại nhất. Thất bại vì không hiểu được tính duyên khởi ở nơi chính chúng ta, ở nơi mọi người chung quanh, ở nơi thế giới này.

Thứ tư, tâm người đệ tử Phật khác với người đời, tướng khác với người đời, nếp sống cũng khác với người đời. Tâm người đệ tử Phật làm cái gì không thủ lợi về mình mà làm lợi ích cho đa số. Làm vì lợi ích đời này và đời sau cho chính mình và đa số. Vì họ thực tập mỗi ngày cho nên trở thành nếp sống, nếp nghĩ, cách hành động của người con Phật. Và tướng của người con Phật nhanh nhẹn nhưng không vội vã, sắc bén mà không lưu manh, không thủ đoạn. Người đời phần nhiều sắc bén thì hay thủ đoạn, hay lưu manh. Nhưng người con Phật sắc bén, thông minh mà không ngụy biện. Lanh lợi mà không hấp tấp, không vội vã. Phản ứng tức thì mà không rơi vào tập khí vô minh, phiền não. Người con Phật là vậy đó. Cần đi chậm thì đi chậm, cần đi nhanh thì đi nhanh, cần bay thì nhảy một cái là qua bên kia bờ. Gọi là ứng xử tức thì.

Nhưng cần đi chậm để có kết quả thì mắc gì đi nhanh? Cần đi nhanh để có kết quả thì mắc gì đi chậm? Có đôi người nói tu là phải đi chầm chậm, tôi cười. Nói tu là phải đi nhanh tôi cười. Có cái gì được hay không được đâu? Vấn đề không phải là được hay không được mà vấn đề là chậm đó đưa tới gì, nhanh đó đưa tới gì? Nhanh mà an toàn, mắc gì không nhanh? Chậm mà an toàn mắc gì không chậm? Phản ứng mà đưa lại kết quả cho nhiều người, mắc gì không phản ứng? Thuận theo mà đưa lại kết quả cho nhiều người, mắc gì không thuận theo? Phải không quý vị?

Con Phật đấy! Tâm khác người đời, hành xử cũng khác người đời. Giữ gìn được nếp sống người con Phật ở trong thế giới mê lầm, giữ được sự tỉnh giác trong sự mê lầm, phải có Phật giáo, phải có pháp hành trì, phải có tăng yểm trợ. Muốn sống tỉnh giác, muốn sống an lạc, hạnh phúc, phải có Phật, pháp, tăng trong đời sống hằng ngày của mình.

Và điều mà chúng tôi muốn nói với quý vị thêm một phần nữa, là chúng ta phải giữ giới mỗi ngày trong đời sống chúng ta.

Quý vị có muốn sống lâu không? Có muốn giàu có không? Có muốn xinh đẹp không? Có muốn có danh dự không? Có muốn có trí tuệ thông minh không? Đi mua năm chất liệu đó ở đâu? Ở siêu thị nào? Có siêu thị nào trên thế gian có khả năng bán năm chất liệu đó cho chúng ta? Có nước văn minh hiện đại nào mà trong siêu thị họ bán cho mình năm chất liệu sống lâu, giàu có, xinh đẹp, danh dự, thông minh, trí tuệ?

Mình văn minh lắm mà! Sao lại không có năm chất liệu đó. Không có siêu thị nào có năm chất liệu đó. Và không bao giờ họ chế tạo ra được năm chất liệu đó, ngoại trừ mình phát tâm giữ giới theo lời Phật dạy. Chỉ có giữ giới của Phật dạy mới chế tác ra được năm chất liệu đó mà thôi.

Đức Phật dạy, người muốn sống lâu phải giữ giới không sát sanh. Không những giữ giới không sát sanh rồi mà còn phải tôn trọng sự sống của chính mình, tôn trọng sự sống của mọi người, tôn trọng sự sống của muôn loài, tôn trọng sự sống của muôn vật, tôn trọng sự sống của thiên nhiên. Mình có tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống mới giữ giới không sát sanh. Cho nên giữ giới không sát sanh là khởi điểm giúp mình sống lâu, giúp mọi người sống lâu, giúp môi trường của mình sống lâu. Sống lâu không phải do cầu nguyện. Không ai có quyền cho mình sống lâu, ngoại trừ mình phát tâm giữ giới không sát sanh, và ngoại trừ mình khuyến khích nhau giữ giới không sát sanh, khuyến khích nhau tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống của cá nhân, cộng đồng, môi trường và của thiên nhiên.

Như vậy quý vị thấy chất liệu chế tác ra đời sống lâu dài, một sự sống có ý nghĩa, một sự sống có giá trị là phải bắt nguồn từ nơi giới pháp mà đức Phật dạy. Hôm nay mình còn cầu nguyện ai cho mình sống lâu nữa không, còn kiếm thuốc trường sanh bất tử nữa không? Mình phải gieo nhân sống lâu, tạo duyên sống lâu thì hoa trái sống lâu mới xuất hiện trong đời sống chúng ta.

Thứ hai. Giàu có. Thật sự, không thể giàu có được nếu chúng ta có tâm gian tham, trộm cắp. Chúng ta muốn giàu có thì giữ giới không trộm cắp. Và phải biết tôn trọng tài sản của mình làm ra. Ăn tiêu một cách hợp lý. Cung, cầu một cách thích ứng. Và tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ tài sản của người khác. Bảo vệ tài sản mà trời đất đã hiến tặng cho con người của chúng ta. Và nên nhớ, quả đất này là của muôn loài chúng sinh, không phải chỉ là của loài người. Cho nên loài người đừng lạm dụng quả đất này và bốc lột nó một cách vô trách nhiệm. Quả đất này là của tất cả sinh vật, thực vật. Cây cũng cần đất sống, và nó sống đúng với nhân duyên của nó để mỗi mùa nó phải làm gì cho sự hiện hữu của nó có giá trị, có ý nghĩa. Con người, với lòng tham của mình, tự cho rằng mình có quyền sử dụng trái đất này và tài sản của trái đất này theo ý của mình là sai lầm, là sự lạm dụng quá mức. Và lạm dụng như vậy, con người sẽ nhận lấy những hậu quả không lường về cuộc sống của chính mình.

Cho nên muốn giàu có, mình phải giữ giới không trộm cắp. Không trộm cắp tài sản của người khác và không tiêu thụ tài sản của mình làm ra một cách phung phí. Không tiêu thụ tài sản của thiên nhiên là bảo đãm tài sản cho muôn loài. Bởi vì tất cả muôn loài đều thừa hưởng tài sản của trời đất, của thiên nhiên. Không phải chỉ có con người. Nhưng con người đã lạm dụng trí năng của mình để thực hiện lòng tham của mình. Và còn nói một câu rất anh cả khi lạm dụng: “vật dưỡng nhân” – muôn vật là để nuôi con người. Thế thì con người nuôi ai? Mọi vật làm hữu ích cho con người, con người làm hữu ích cho ai? Đặt câu hỏi như vậy như là một công án của thiền để tu tập.

Chiều hôm kia, tôi, chị Pháp Nguyên, anh Tâm Đạt, anh Thiện Hạnh đi thăm Bảo tàng viện British Museum. Vào trong Bảo tàng viện, chúng tôi đã chỉ cho anh Tâm Đạt bức tranh vẽ một con người khi hết duyên làm người rồi, nằm xuống, chó gặm xương, gà mổ thịt, những con vật khác tới đưa sừng húc nơi con người. Như vậy vật dưỡng nhơn, bức tranh này cho thấy bây giờ nhơn lại dưỡng vật.

Cho nên thiên nhiên này là tài sản chung của muôn loài, mà con người lạm dụng nó bởi trí năng tham dục của mình. Khi con người đã có trí năng tham dục như vậy, lạm dụng tài sản thiên nhiên như vậy, gây thiệt hại cho muôn loài không ít.

Sóng thần, động đất, núi lửa, … tất cả những thứ đó là phản ảnh lòng tham của con người một cách vô đáy. Vì vậy, đức Phật dạy chúng ta muốn giàu có thì phải biết đủ để thưởng thức cuộc sống. Không biết đủ thì không bao giờ thưởng thức được cuộc sống.

Mình có nhân duyên làm ra được nhiều tài sản thì phải biết thương những người nghèo khó hơn, chia sẻ với họ, giúp đỡ họ. Đã có đôi người có lòng nhân ái, không những thương người mà còn thương con vật, bảo vệ con vật. Có đôi người bảo vệ cả rừng hoa, cả rừng cây. Ở bên Đức có tục lệ rất hay. Khi gia đình sinh ra một người con trai. Lên 13 tuổi, người cha dắt người con trai đó vào rừng và trồng một cái cây để khẳng định rằng sự có mặt của người con trai đó đã làm lợi ích cho thiên nhiên, đã đóng góp vào cho thiên nhiên trước khi lớn lên. Một cái nhìn rất hay.

Cho nên mình muốn giàu có với tài sản, giàu có với cuộc sống, giàu có với nhận thức, giàu có với hiểu biết, giàu có với tình cảm, thì chúng ta phải giữ giới không trộm cắp. Và chia sẻ tài sản của mình cho những người chung quanh. Tài sản này không chỉ là vật chất mà còn tài sản mang giá trị tinh thần.

Thứ ba là muốn xinh đẹp phải giữ giới không tà hạnh. Khi tà hạnh là tâm không chính. Tâm không chính tạo ra thân không chính. Không tà hạnh là nhân xinh đẹp. Càng giữ giới này từ thô đến tế, từ cạn đến sâu, từ đơn giản đến cao thâm, tinh tế thì chính giới này chế tác cho mình 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Cho nên muốn xinh đẹp phải giữ giới không tà hạnh, có nghĩa là sống đời sống đoan chính.

Thứ tư là muốn có danh dự phải giữ giới không nói dối. Muốn có uy tín phải giữ giới không nói dối. Nói dối thì mất uy tín. Nói dối thì có thể lừa người được một lần, hai lần, ba lần thôi chứ không thể lừa nữa được.

Cho nên phải giữ giới không nói dối. Phải nói những lời từ ái, những lời hòa hợp, những lời đoàn kết, những lời yêu thương thì từ đó có uy tín. Người có uy tín tạo ra vật chất chân thật, nói và làm chân thật. Trẻ em thất vọng đối với người lớn là thất vọng cái gì? -Bởi vì người lớn hứa với nó mà không làm. Trẻ em thích người lớn làm những gì mình đã nói. Mình mất uy tín là vì hứa mà không làm, hoặc nói hay mà làm dở, nói đúng mà làm sai.

Ráng học để nói cho đúng, mà làm sai hết, thì cái học đó vô dụng. Cho nên muốn có uy tín thì phải giữ giới không nói dối, không nói thêm bớt, không nói trau chuốc, không nói thô lỗ.

Và muốn có trí tuệ, thông minh, thì đừng uống rượu, đừng sử dụng những độc tố gây tê liệt trí não. Rượu là ngôn ngữ ngày xưa, trong đó có chất làm tê liệt trí não của chúng ta. Nhưng rượu ngày nay không chỉ là rượu đơn thuần như ta hiểu, mà ngay những hình ảnh nhãm nhí trên mạng internet cũng làm cho ta tê liệt ý thức. Nhiều trẻ em ghiền chơi game trên mạng và nhiều trẻ em đã mất mạng sống. Cho nên game cũng là một loại rượu say người và có thể chết người. Bất cứ cái gì chúng ta sử dụng mà làm tê liệt ý thức chúng ta, làm chúng ta không còn biết ta là ai, người chung quanh chúng ta là gì, cuộc sống của chúng ta đi về đâu. Không còn những ý thức nữa thì tất cả những thứ làm mê hoặc chúng ta đều là rượu cả.

Đức Phật dạy không uống rượu là để nuôi dưỡng ý thức tỉnh giác của chúng ta, nuôi dưỡng tuệ giác của chúng ta. Và nhờ không uống rượu, chúng ta có tuệ giác, mới bảo vệ được giới không sát sanh, tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống. Mới ý thức được nhân quả do trộm cắp đem lại và chúng ta nguyện không làm việc trộm cắp. Mới ý thức được nhân quả do nghiệp tà dâm đem lại, mới làm thay đổi được ý tưởng tà hạnh của chúng ta. Và ý thức được hậu quả do nói dối đem lại mà giữ được giới không nói dối.

Dù là Phật tử hay không phải là Phật tử, dù là người Anh, người Việt, hay người Hoa, dù là người cực giàu hay người cực nghèo, hễ ai sát sanh thì người đó bị quả báo đưa tới sự yểu mạng trong tương lai. Ai trộm cắp sẽ đưa tới sự nghèo đói trong tương lai. Ai tà hạnh sẽ đưa tới sự tật nguyền, xấu xí trong tương lai. Ai nói dối thì người đó mất uy tín hiện tại và tương lai. Ai uống rượu hay sử dụng độc tố say sưa, người đó mất đi ý thức trong sáng, trí tuệ trong sáng.

Có hiến pháp của quốc gia văn minh nào ca ngợi sự giết hại không? Có những đất nước hiện nay bỏ luôn mức án tử hình. Không có đất nước nào ca ngợi chuyện trộm cắp. Không có đất nước nào trong hiến pháp ca ngợi sự tà dâm, tà hạnh. Không có đất nước văn minh nào ca ngợi việc nói dối.

Năm điều đức Phật dạy nếu chúng ta giữ gìn thì tạo thành nếp sống hoàn hảo của chúng ta trong phước báo cõi người này. Từ đó chúng ta mới tiến lên được phước báo cõi trời, mới tiến lên được phước báo của các bậc Thánh, của Bồ tát và chư Phật.

Sống lâu mà nghèo thì làm gì có hạnh phúc! Giàu mà chết sớm, làm gì có hạnh phúc! Sống lâu mà đi đâu ai cũng coi thường, làm gì có hạnh phúc! Giàu có mà đi tới đâu ai cũng khinh thì giàu có làm gì? Anh giàu thì anh hưởng, anh có giúp gì cho ai đâu mà người ta biết ơn anh, quý trọng anh. Cho nên giàu rồi phải biết mở bàn tay ra chia sẻ với những người nghèo khó hơn.

Có người đẹp, khiến người ta thích vì đẹp, nhưng nghèo. Có người đẹp mà không hiểu biết gì hết. Có người thi hoa hậu, nhưng hỏi Trưng Trắc, Trưng Nhị của Việt Nam sống vào thời nào, không biết. Như vậy, đẹp về thể xác mà xấu về mặt trí thức, xấu về mặt hiểu biết, thì cái đẹp đó không hoàn hảo.

Phải có phước báo mới được làm người. Đức Phật dạy làm người, phải có năm chất liệu: sống lâu, giàu có, xinh đẹp, danh dự và trí tuệ. Ai có đầy đủ năm chất liệu đó mới là mẫu người lý tưởng. Trong năm chất liệu đó, thiếu cái nào phải lo tu tập và điều chỉnh.

Khi đã đủ năm chất liệu đó rồi, phải nâng nó lên một mức cao hơn nữa, đó là phước báo cõi trời. Có phước báo cõi trời rồi nâng nó lên nữa thành phước báo của các bậc Thánh. Nâng nó lên nữa thành phước báo của các vị Bồ tát. Và nâng nó lên nữa thành phước báo của chư Phật.

Cho nên mình phải có định hướng để tu học. Con của Phật phải lấy Phật làm chuẩn. Các chuyến xe nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa là để chở mình đi đến địa vị Phật. Mình đừng kẹt nơi các thừa đó mà không tới được địa vị Phật. Mình phải thực tập mỗi ngày.

Trong kinh Nikaya, Đức Phật có dạy một bài kinh tên là Trạm xe. Tức là đi xe này rồi, đến trạm bước xuống để lên một xe khác. Đến trạm khác, bước xuống để lên chuyến xe khác, khi nào đến A-la-hán, Phật mới hoàn tất chuyến xe của đời mình. Cho nên đời này tu không được thì gieo duyên cho đời sau tu tiếp, rồi đời sau, đời sau nữa và nguyện gặp nhau trong đạo tràng tu tập. Lỡ một đời này làm vợ chồng thôi, đời sau làm thiện hữu tri thức với nhau mà tu. Nếu còn tiếp tục làm vợ chồng nữa thì đức Phật dạy trong đời sống vợ chồng, dục lạc thế gian vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều. Phải không các anh các chị?

Mình biết rồi. Do đó mình nguyện, đời đời kiếp kiếp sinh ra ở đâu cũng được lòng bà con quyến thuộc trong ánh đạo từ bi, thực hành chánh pháp, lợi lạc muôn loài. Do lời nguyện đó mà mình sanh ra nơi nào cũng được ở trong ngôi nhà Phật pháp, được nhìn cuộc đời bằng con mắt Phật pháp, nhìn mọi người bằng con mắt từ bi, để tất cả oán thù do dục ái đem lại được giải tỏa. Bởi vì tất cả dục lạc của thế gian, đức Phật đã nhắc đi nhắc lại, đó là khúc xương khô, mà vì mình thèm thịt quá cho nên gặm khúc xương khô, cạp hoài mỏi răng mà không có chút thịt nào để ăn. Hay là như ghẻ hờm mà hơ trên lửa. Khi hơ thì đã ngứa, xong rồi thì ngứa lại mà tay thì gần như bỏng, rất rát. Đó là sự nguy hiểm của các dục mang lại.

Đức Phật dạy: Đệ tử của Như Lai thấy vị ngọt của các dục, thấy sự nguy hiểm do các dục đem lại, tìm cách vượt ra khỏi bằng sự tu tập giữ năm giới của mình. Bằng sự tu tập tin Phật, tin pháp, tin tăng, nương tựa vào Phật, pháp, tăng. Và làm cho tham dục, sân dục, si dục, kiêu mạn dục … tất cả các dục đó lặn xuống để cho tâm ở trong sự tỉnh tại hoàn toàn, mình sẽ có an lạc và hạnh phúc.

Đó là pháp thoại chúng tôi chia sẻ với quý vị chiều hôm nay./.

 

CÂU HỎI

1-Đạo Phật dạy vô thường, vô ngã và nghiệp. Vậy có phải nghiệp là cái ngã của chúng ta không?

-Vì sao gọi là vô thường? Vì sao gọi là vô ngã? Vì sao gọi là nghiệp?

Vô thường là vì các pháp do duyên khởi, nó tương tác với nhau. Trong cái sinh có cái diệt, trong cái diệt có cái sinh. Cho nên vô thường không phải đơn thuần sinh hay đơn thuần diệt, mà vô thường có nghĩa là trong cái sinh có cái diệt, trong cái diệt có cái sinh.

Bởi vì các pháp do duyên khởi. Cái gì duyên khởi, cái đó vô thường.

Đức Phật dạy vô ngã vì các pháp do duyên khởi. Cái này tương tác với cái kia. Cái kia tương tác với cái này mà biểu hiện ra sự hiện hữu. Không có cái “ngã” nào đơn thuần tồn tại, mà tất cả mọi sự đều tương tác lên nhau. Cái gì tương tác lên nhau, biểu hiện cùng nhau, cái ấy không có tự ngã, không có tự thể.

Nghiệp cũng vô thường, nghiệp cũng vô ngã. Nhờ nghiệp vô thường nên mình mượn các duyên mà tu để thay đổi nghiệp xấu trở thành nghiệp tốt. Nếu nghiệp mà thường thì mình tu mấy cũng không thành. Nhờ vô thường nên mình tu để chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Chuyển nghiệp sanh tử thành nghiệp giải thoát.

Nghiệp cũng là duyên khởi, cho nên nghiệp không phải là ngã. Nghiệp không tự dưng mà có. Nghiệp do tác ý rồi điều khiển thân và miệng làm theo bản ý của mình mà đưa tới nghiệp quả. Cho nên nghiệp quả cũng do duyên mà khởi, nghiệp nhân cũng do duyên mà khởi. Cái gì duyên khởi, cái ấy vô thường. Cái gì do duyên mà khởi, cái ấy vô ngã. Cho nên nghiệp không phải là ngã.

Mình tu là để chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Và chuyển thiện nghiệp hữu lậu thành nghiệp vô lậu, giải thoát.

Khi mình đi qua một trạm xe, mình cà thẻ vào cây trụ thì cửa mở cho mình lên xe. Nếu không có thẻ thì lấy gì mà cà. Có thể, có cây trụ để cà mà không có qui luật thì làm sao cà cho có kết quả. Cho nên không có động tác nào đơn thuần, mà tất cả các động tác đều là tương tác duyên khởi. Cho nên không có cái “ngã” nào trong nghiệp của mình mà chỉ có nhân duyên sinh khởi mà thôi. Đủ duyên thì nó biểu hiện, hết duyên thì nó mất.

2-Được biết Hòa thượng làm thơ rất hay và ngâm thơ cũng rất hay. Xin Hòa thượng ngâm cho chúng con nghe một bài thơ của ngài.

–  Đạo hữu Tâm Đạt ngồi xuống đi, thầy sẽ ngâm thơ cho. Thầy có năm tập thơ. Tập thứ nhất là Sương đọng ven trời. Tập thứ hai là Đường mây. Tập thứ ba là Trường ca cho em. Tập thứ tư là Như dấu chim bay. Tập thơ thứ năm là Giọt nắng ngàn khơi. Và còn nhiều bài thơ chưa xuất bản

Bài thơ tựa là Chút tình thôi

Từ phố thị, ta đi về trầm mặc;
Nghe triền non chim hót điệu vô tranh;
Nhìn đá lặng, dòng sông xưa vẫn chảy;
Ta yêu đời vì biển mặn non xanh.

Đời là vậy, mà tình ta vẫn vậy,
Chút tình chung trang trải giữa tang hồ;
Ấm lữ khách giữa chiều đông quạnh quẽ;
Mát nhân sinh giữa nắng hạ điêu tàn.

Quá khứ đi rồi, tương lai ảo mị,
Hiện tại nào làm bến đỗ thời gian!
Chút tình thôi, xin ai đừng vắt cạn,
Để sông xưa còn mãi với trăng ngàn!

***

Tối thứ bảy 15/07/2017, tại thành phố Bath, UK trong buổi trà đàm chia tay, Hòa Thượng đã ngâm bài thơ “Chân Không nẽo về” để tặng các Phật tử Thiền viện Chân Không:

Chân Không ngay giữa phố phường,
Giữa chân thường, giữa vô thường thế gian
Mây lùa hạt nắng lang thang
Để cho diệu hữu còn vang tiếng cười
Bụi hồng rẽ một đường chơi
Vẽ sương mù giữa cảnh đời lênh đênh
Cỏ thơm phơi giữa ráng hồng
Lăng già ánh nguyệt Chân Không nẽo về./.

Các Phật tự tại London kính ghi tả

NẼO VÀO CHÂN KHÔNG
Kính họa bài: CHÂN KHÔNG NẼO VỀ của HT Thích Thái Hoà đã tặng cho các Phật tử Thiền viện Chân Không 4, Luân Đôn .

Chân Tâm giữa chốn bụi đường
Như như bất động tâm thường an nhiên
Vào ra thanh thoát bình yên
Cỏ cây hoa lá cũng nghiêng cúi chào
Nụ hồng tỏa ngát hương màu
Giữa không gian thoáng y màu tung bay
Vầng mây biến chuyển đổi thay
Người đi vẫn nhớ nẽo vào Chân Không .

Thơ: Đệ tử Tánh Thiện
(Texas, 24-7-2017)