TƯỚNG SUY TĂNG ĐỒ THỜI MẠT PHÁP
Hư Vân thượng nhân
Trích: Chương 6: HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH
HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Thứ ba 23/1/1955 Â.L Ất Mùi
Đời có câu: Tú tài là tội đồ của Khổng tử, Hoà thượng là tội đồ của Phật… Mới nghe qua có thể cho đây là lời nói quá. Nhưng bây giờ nhìn hiện tượng mạt pháp, mới hiểu làm lục quốc mất, chính là lục quốc, không phải tại Tần. Hại Tần cũng do Tần, chứ không phải do thiên hạ. Còn làm Phật pháp diệt là đệ tử Phật chứ không phải do đạo nào khác. Nay nhân đáp lời người hỏi, tiện thể giải bày những khúc mắc luôn.
Hỏi: – “Hiện nay muốn thay đổi năm tháng Phật lịch, chẳng dùng ngày mùng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật được chăng?”
Đáp: Pháp vận Phật Thích Ca được chia làm ba thời kỳ: chánh, tượng, mạt. Chánh pháp, tượng pháp mỗi thời đều kéo dài một ngàn năm. Riêng mạt pháp là một vạn năm. Thời kỳ chánh, tượng đã qua rồi, còn mạt pháp đến nay đã qua 982 năm rồi. Nhưng mạt cũng có thể không? Làm sao có thể không? Nếu được nhiều người ủng hộ thì Phật pháp trường tồn vạn cổ, về sự tướng tuy có phân: chánh, tượng, mạt, nhưng nếu người sống chân chánh ngay trong thời mạt, thì mạt cũng thành chánh. Còn nếu tự sinh lui sụt, dù sống trong thời chánh pháp cũng có thể biến chánh thành mạt. Trong kinh tả thời mạt pháp có đủ tướng suy: hiện nay đều đã xuất hiện. Hiện tượng Tăng, Ni lập gia đình (tăng thú ni giá), ca sa đổi thành bạch y, bạch y lên Thượng tòa. Tỳ kheo xuống Hạ tòa – đây là những tướng suy mạt pháp đã hiện. Pháp Phật Thích Ca tính đến lúc con người thọ 30 tuổi thì pháp Đại thừa diệt. Lúc người ta thọ 20 tuổi thì pháp Tiểu thừa diệt. Lúc người thọ 10 tuổi thì chỉ còn sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Vào thời điểm mạt pháp, những pháp Phật thuyết đều sẽ bị diệt hết. Đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, thứ đến là Kinh Bát Nhã Tam Muội. Chẳng hạn như theo kiến giải cư sĩ Âu Duơng Cánh Vô, ông cho Kinh Lăng Nghiêm là “Bách nguỵ thuyết”, (trăm điều hư ngụy) và phản đối Kinh Lăng Nghiêm. Còn vị pháp sư nọ ở Hương Cảng nói: Kinh Hoa Nghiêm, Viển Giác, Pháp Hoa và Khởi Tín Luận… thảy đều là giả, Đây chính là hiện tượng mạt pháp.
Thuở quá khứ sau khi Phật Ca Diếp nhập diệt, chư thiên đem Tam tạng Thánh giáo củaa Ngài kết tập cất giấu rồi tạo tháp cúng dường. Thời Đường, chư thiên mách cho Luật sư Tuyên biết ở Nam Cao Tứ Đài, Chung Nam, chính là chỗ chứa kho tàng Thánh tích. (Kinh Tạng Tượng Phật Ca Diếp thời mạt pháp được cất ở đó, hiện nay có 13 vị Bồ tát Viên Giác đang gìn giữ tại hang này. Đến nay mỗi khi đến tháng chạp, trên không vang rền tiếng trống trời).
Năm trước Hiệp Hội Trung Quốc Phật Giáo mở Đại hội, mọi người bàn: “Phật pháp diệt là do đệ tử Phật làm diệt”.
Thật ra chính phủ chẳng để ý anh diệt hay không diệt. Lúc mở hội, chính phủ phái người đến dự. Trong hội nhiều giáo đồ thảo luận xôn xao, bởi vì những giáo đồ này đã đề xướng rằng: Các giáo lý trong Kinh Phạm Võng, Tứ Phần Luật, Bá Trượng Thanh Quy… làm hại chết nhiều thanh niên nam nữ nên cần phải thủ tiêu. Còn nói Đại lãnh y là y phục Hán tục, không phải Tăng phục nên ngày nay Tăng nhân cần phải sửa đổi, không được mặc, nếu còn mặc chính là bảo thủ chế độ phong kiến. Họ còn tuyên bố tự do tín ngưỡng, tin đạo tự do, nên chuyện tăng lập gia đình… hay ăn thịt uống rượu… đều phải để tự do, không ai được quản. Tôi nghe nói, không thể làm thinh, bắt buộc phải phản đối. Họ cũng bất đồng với ngày Lễ Tắm Phật. Không chịu công nhận mùng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật. Tôi cứ y theo pháp bổn nội truyền: Từ thuở Pháp sư Ma Đằng viết sớ trình vua Minh: “Phật thuộc tuổi Giáp Dần, sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Chu Chiêu Vương 24.
Trong Ngụy thư, Sa môn Đàm Mô Tối cũng viết: “Phật sinh ngày mồng tám tháng tư năm Chu Chiêu Vương 24 và Nhập Niết Bàn ngày 15 tháng 2 năm Mục Vương 52. Năm, tháng, đã được ghi rõ ràng như thế, bao triều đại đều tôn thờ không đổi. Năm Giáp Dần thời Chu Chiêu Vương tính đến nay đã 2582 năm, hiện tại bọn họ muốn đổi thành là 2502 năm. Xưa nay Khổng Tử, Lão Tử sinh sau Phật, giờ họ lại đem Khổng, Lão sắp cho sinh trước Phật. Tôi lúc đó trong Đại hội, cùng tranh luận với họ về Giới luật, Niên hiệu, Hán phục.,, và không chấp nhận huỷ bỏ thay đổi gì…
Khi hai Tôn giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đem Phật pháp từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc. lúc đó cách Phật nhập diệt còn chưa xa. Đương thời tại chùa Bạch Mã. Ban đêm nhìn về phía Đông thấy có ánh hào quang lạ lùng, Ma Đằng chỉ ra chỗ A Dục Vương chôn dấu xá lợi Phật. Minh đế lập tháp để cho Phật giáo, Lão giáo tranh tài ưu liệt, Ma Đằng bay lên không hiện đủ thần thông biến hoá. Pháp Lan xuất Đại pháp âm, tuyên dương pháp Phật. Trí huệ thần thông cao tột của hai Tôn giả này chẳng lẽ không thể nói rõ năm, tháng sinh của Phật hay sao? Sau này chư vị Cao tăng như Ma Thập, Pháp Hiển, Huyền Trang, Đạo Tuyên, tuy có nhiều thuyết, song cũng không khẳng định là phải thay đổi chỉnh sửa gì. Cho đến năm Dân Quốc thứ 2, cư sĩ Chương Thái Đàm cùng các cư sĩ… triệu tập khai mở Đại Hội Vô Giá tại chùa Pháp Nguyên Bắc Kinh, thảo luận ngày Lễ Vía Phật và nghị quyết mồng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật. Hiện nay phần đông thế giới đều áp dụng theo lịch này và chính phủ cũng không hề bảo Phật giáo phải thay đổi. Tôi chủ trương phải dùng Phật lịch của mình. Đúng hay không đúng, phải y theo nếp xưa mà công bố.
Sửa đổi rất không tốt, thế mà bọn họ lại ương ngạnh muốn thay đổi những ngày Lễ vía của Phật. Tất cả đều không thể được! Họ không đồng ý dùng mồng 8 tháng 4 làm Lễ Tắm Phật mà đòi đổi thành 15 tháng 4. Luật Phạm Võng thuộc thời Hoa Nghiêm, Tứ Phần Luật thuộc thời A Hàm họ đều đòi huỷ. Bá Trượng Thanh Quy từ thời Đường tới nay được thiên hạ tôn kính phụng hành, họ lại muốn sửa đổi. Đại lãnh y được đắp từ thời Hán đến nay họ cũng muốn đổi nốt. Hãy xem, như thế thì có phải là mạt pháp hay không chứ? Do vậy tôi mới cùng họ tranh luận.
Tôi nói: – Muốn thay đổi chăng là các vị phải tự thay đổi kia. Phật là người Ấn Độ, nước Ấn một năm phân làm ba quý, một quý có 4 tháng. Còn nước Trung Hoa một năm phân làm bốn quý, một quý có ba tháng. Nước ta có phân niên hiệu, hàng can hàng chi Giáp, Tý… còn Ấn Độ thì không. Cho nên chuyện “Cải triều hoán đại”, không những làm sai lệch loạn bậy, mà càng khiến việc thêm rối rắm mù mờ. Ngài Huyền Trang ở tại Ấn độ 18 năm cũng chưa từng khẳng định phải chỉnh lại niên đại. Tiền nhân đã thực hành những ngày lễ này cả một, hai ngàn năm rồi. Một khi đổi sửa, rất là không hay. Chúng ta sao cứ tự làm khổ mình, muốn đổi lung tung như vậy?
Tôi cùng Lý Nhậm Triều bàn bạc, tuyên bố những thay đổi trong Phật môn này chính là do hạng Hoại giáo đồ yêu sách, gây rối – Chính phủ nếu chẳng làm chủ thì những giáo đồ này sẽ mặc tình làm loạn làm càn, như thế sẽ khiến Phật giáo đồ Quốc tế phát sinh hoài nghi.
Chính phủ mời tôi lên kinh, dự Đại Hội Chiêu Đãi Phật Giáo Quốc Tế. Tôi đâu thể để cho nhóm Hoại giáo đồ làm loạn, sửa quy luật Phật chế được?
Các ông Lý Nhậm Triều v.v.. khuyên tôi hãy nhẫn nhục. Chính phủ thấy việc ầm ỹ đến không thể không can dự vào, liền hỏi nguyên cớ sửa đổi. thế là có người lên tiếng:
-Tăng Ni muốn mặc y hoại sắc.
Chính phủ hỏi: -Hoại sắc là sao?
Pháp sư Năng đáp:- Cà sa là hoại sắc, ngoài ra thì không phải.
Mọi người nghe xong đồng thanh nói: – Vậy thì chỉ lưu Cà sa và thủ tiêu mọi thứ khác!
Tôi buộc phải lên tiếng: “Pháp sư Năng nói không sai! Phạn ngữ gọi Ca sa, Tàu gọi Hoại sắc. Ca sa có ba loại: Ngủ Thất Y Đại Y. Còn có thêm một áo trong và quần. Ấn Độ dùng ba y, còn quần? Theo phong thổ nước ta thì chính là Khố y.
Những Y này là vật tuỳ thân, ngủ cũng dùng, chết cũng không rời.
Tại Ấn Độ khí hậu nóng, còn Trung quốc khí hậu lạnh, cho nên bên trong mặc tục phục không cho có màu mè và đem tục y nhuộm thành hoại sắc, hễ làm Phật sự thì đắp Ca sa ở ngoài. Ca sa thì không mặc thường, xem như rất tôn kính. Từ triều đại Tống, Kim, Nguyên… biến Hán y thành Tăng y đến nay chưa hề sửa. Hán y đổi thành Tăng y được gọi là Đại lãnh y, chính là Y hoại sắc (cà sa) nếu muốn phân định giới hạn giữa đạo và đời thì không nên sửa đổi, còn nếu sửa đổi Đại lãnh y tức là khiến tăng, tục thành bất phân, giới tuyến hai bên nhìn không ra.
Chính phủ nghe tôi nói vậy, tán thành đồng ý. Còn bảo “Phật luật Tổ quy” chẳng nên sửa đổi, hơn nữa còn phải giữ gìn và bảo tồn. Và thông báo tạm kết thúc họp.
Chư vị xem đây có phải là Tăng nhân tự hủy Phật pháp chăng? Hư Vân tôi già yếu, khó thể hộ đạo lâu. Rất hi vọng Tăng già có đầy đủ Chánh tri kiến để cùng nhau góp sức cứu vãn Phật giáo giữa cơn sóng cuồng. Được vậy Phật pháp mới không hoại diệt.