GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 34
BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO (phần 1)

Mục đích tối hậu của người tu hành là thành Phật, chứng niết bàn. Nhưng biển sinh tử thì sâu, đường giác ngộ thì xa, ở khoảng giữa đó, nếu không nhờ đến tư lương1 thì không thể đạt được hiệu quả. Tư lương tuy có rất nhiều thứ, nhưng trọng yếu nhất không ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo được chia làm bảy nhóm: 1) Bốn lãnh vực quán niệm; 2) Bốn sự cần mẫn; 3) Bốn phép như ý; 4) Năm khả năng; 5) Năm sức mạnh; 6) Bảy yếu tố giác ngộ; 8) Tám nguyên tắc hành động chân chính. Ba mươi bảy pháp trong bảy nhóm này có công năng giúp cho đạo nghiệp tăng tiến, cho nên gọi là “đạo phẩm”, hay “trợ đạo phẩm”(1).

Hàng tiểu thừa, khi đã tu năm phép quán dừng tâm2 để cho tâm không còn bị tán loạn, nên tiếp tục tu bốn lãnh vực quán niệm, để cho trí tuệ được khai mở chiếu sáng; đó là cùng vận dụng ĐỊNH và TUỆ, để mong khế hợp với xa ma tha3 và tì bát xá na4.

Bốn lãnh vực quán niệm (“niệm xứ” cũng gọi là “niệm trú”, hay “niệm xứ quán”) gồm có: 1) Quán niệm nơi thân thể: quán niệm thân thể là dơ bẩn. Phải quán sát thân ta và thân của tất cả chúng sinh, trên dưới trong ngoài đều dơ dáy, xấu xa, không sạch sẽ. Khi đã thành công trong phép quán niệm này, sẽ thấy chán bỏ sắc thân mà có được sự trong sạch của niết bàn. 2) Quán niệm nơi cảm thọ: quán niệm cảm thọ(2) là đau khổ. Phải quán sát trong cảm thọ vui có “hoại khổ”5, trong cảm thọ khổ có “khổ khổ”, trong cảm thọ không vui không khổ6 thì có “hành khổ”7(3). Khi đã thành công trong phép quán niệm này, sẽ thấy chán bỏ thế gian mà có được niềm vui của niết bàn. 3) Quán niệm nơi tâm thức: quán niệm tâm ý là vô thường. Phải quán sát cái tâm hư vọng, sinh diệt từng sát na, vô thường cùng cực. Khi đã thành công trong phép quán niệm này, sẽ sinh tâm “vô trụ”(4) mà có được tính thường hằng của niết bàn. 4) Quán niệm nơi đối tượng của tâm thức: quán niệm đối tượng của tâm thức là vô ngã. Phải quán sát các pháp đều do nhân duyên sinh, không có tự tánh, ngã và những cái thuộc về ngã đều không thật có. Khi đã thành công trong phép quán niệm này, sẽ chán bỏ cái ngã giả dối mà có được cái ngã của niết bàn.(5)

Bốn sự cần mẫn là tâm chân chính và siêng năng trong việc dứt ác tu thiện. Lại gọi là “bốn ý đoạn”, nghĩa là bốn việc này phải do ý chí quyết định mà chấm dứt hành động. Lại gọi là “bốn chánh đoạn”, nghĩa là đoạn trừ hẳn tính biếng nhác.

Lại gọi là “bốn chánh thắng”, nghĩa là trong những pháp chính thật để sách lệ thân ngữ ý thì bốn pháp này là hơn hết. 1) Những tâm ý ác và hành động ác đã phát sinh, hãy đoạn trừ ngay. 2) Những tâm ý ác và hành động ác chưa phát sinh, đừng để cho chúng sinh khởi. 3) Những tâm ý thiện và hành động thiện đã phát sinh, hãy mau làm cho chúng tăng trưởng lên. 4) Những tâm ý thiện và hành động thiện chưa phát sinh, hãy mau làm cho chúng sinh khởi.

Bốn phép như ý nguyên là bốn pháp thiền định, nghĩa là tu tập bốn pháp này thì có thể phát lộ thần thông(6) như ý muốn8. Ở trước, bốn lãnh vực quán niệm là tu trí tuệ; bốn sự cần mẫn là tu tinh tấn; ở đây, bốn pháp này là tu định tĩnh. Trong quá trình tu tập, trí tuệ và cần mẫn tuy quan trọng, nhưng nếu định lực yếu kém thì cũng không thể đạt được thần thông; cho nên cần phải tu định để được phối hợp. Lại gọi là “bốn phép thần túc” (“thần” là cái đức linh diệu, “túc” có nghĩa là nơi nương tựa), nghĩa là cái đức linh diệu nương nơi định mà phát sinh, giống như cái thân nhờ có chân mà đứng được vậy. 1) Phép như ý “dục”, nghĩa là lòng mong muốn tu tập để đạt chánh quả, lúc nào cũng tăng tiến. 2) Phép như ý “niệm”, nghĩa là niệm niệm chuyên nhất, trụ nơi chánh lí. 3) Phép như ý “tấn”, nghĩa là tinh tấn tiến thẳng tới trước, công phu không bị gián đoạn. 4) Phép như ý “tuệ”, nghĩa là tâm ý không còn tán loạn, ánh sáng chân thật chiếu rọi lên, xa lìa các tư tưởng hư vọng.

 

CHÚ THÍCH

1. “Tư” là giúp đỡ; “lương” là lương thực. Tu hành cũng giống như đi xa, cần có các thứ như căn lành, phước đức, chánh pháp v.v… làm lương thực để giúp đỡ, mới có thể thành đạt, cho nên gọi là “tư lương”.

2. Tức là năm pháp đình chỉ tâm niệm, dùng pháp quán sát sự tướng để đối trị: 1) Người nhiều tham dục thì quán “bất tịnh”, nghĩa là quán sát tất cả căn thân và khí giới đều không sạch sẽ –để đối trị tâm tham dục; 2) Người nhiều sân hận thì quán “từ bi”, nghĩa là quán sát tất cả tình trạng đáng thương của chúng sinh đau khổ –để đối trị tâm sân hận; 3) Người nhiều ngu si thì quán “nhân duyên”, nghĩa là quán sát tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sinh khởi, nhân trước quả sau, lớp lớp rõ ràng –để đối trị tâm ngu si; 4) Người tâm thường tán loạn thì quán “sổ tức”, nghĩa là theo dõi hơi thở ra vào, mỗi hơi ra vào đếm một, và đếm thầm như thế từ một đến mười –để đối trị tâm tán loạn; 5) Người nhiều nghiệp chướng thì quán “niệm Phật”, nghĩa là quán sát các tướng tốt nơi thân Phật và các thứ công đức tốt đẹp của Phật – để đối trị các nghiệp chướng.

3. Dịch là “chỉ” hay “tịch tĩnh”, nghĩa là đối trước các hoàn cảnh ô nhiễm hay thanh tịnh, tâm đều không dao động.

4. Dịch là “quán”, nghĩa là dùng trí tuệ để quán sát các sự lí.

5. Một trong ba thứ khổ, tức là sự đau khổ phát sinh khi cuộc vui đã tàn.

6. Một trong năm cảm thọ. Hoàn cảnh không thuận không nghịch, không vui không khổ, gọi là “xả”.

7. Một trong ba thứ khổ. “Hành” có nghĩa là trôi chảy, tức là thân tâm tuy không cảm thấy lo, mừng, vui, khổ, nhưng mỗi niệm mỗi niệm cứ trôi chảy, không có sát na nào đứng yên, đó chính là đau khổ.

8. “Phát thông” nghĩa là khai phát thần thông.

PHỤ CHÚ

1. Trợ đạo phẩm: “Đạo” là con đường dẫn đến thành quả giác ngộ, giải thoát, niết bàn. “Phẩm” là các phẩm loại, phương pháp, hay pháp môn sai khác nhau. “Trợ” là giúp đỡ. Có 37 pháp môn tu tập giúp cho hành giả tiến đến đạo quả giác ngộ, giải thoát, niết bàn; gọi là “37 phẩm trợ đạo”, hoặc “37 đạo phẩm”.

2. Thọ: “Thọ” tức là cảm giác, thọ nhận. Từ này đã được giải thích ở “phụ chú” số 2, bài 25; ở đây chúng tôi xin nói thêm: Thông thường thì cảm thọ được chia làm ba loại (khổ, vui và không khổ không vui), nhưng cũng có thuyết chủ trương gom lại, chỉ còn một loại cảm thọ (nhất thọ) mà thôi. Thuyết này cho rằng, tuy thọ có lạc thọ, nhưng khi niềm vui đã tàn thì lại rơi vào đau khổ, cho nên thuộc về “hoại khổ”; tuy có xả thọ, nhưng xét kĩ thì đó chẳng qua là một phương diện của khổ đau (vì niệm niệm liên tục trôi chảy, không có giây phút nào đứng yên), gọi là “hành khổ”; còn khổ thọ thì dĩ nhiên là khổ, được gọi là “khổ khổ”. Tất cả đều là khổ, cho nên chỉ có một loại thọ là khổ thọ mà thôi. (Xin xem mục “Ba loại khổ” tiếp theo sau.)

3. Ba loại khổ (tam khổ): Khổ là một thứ cảm thọ (cảm giác), là trạng thái đau đớn, khó chịu, bất như ý khi thân tâm bị bức bách. Y vào tính chất, khổ được chia làm ba loại: 1) Những hoàn cảnh trái ngang, những điều bất như ý, những sự bách hại, v.v… gây ra những cảm giác khó chịu, đau đớn, buồn phiền nơi thân tâm con người; cái khổ đó gọi là “khổ khổ”. 2) Những hoàn cảnh thuận lợi, những điều như ý có đem lại niềm vui cho con người. Nhưng đó chỉ là niềm vui tạm bợ. Khi niềm vui đã tàn thì lại sinh tiếc nuối, khổ đau; cái khổ đó gọi là “hoại khổ”. 3) Mọi vật trong vũ trụ vốn không có tính chất khổ, vui; tâm ý con người cũng có lúc không cảm thấy khổ hay vui; nhưng vì do nhân duyên sinh, nên chúng vô thường, biến đổi, sinh diệt, trôi chảy không ngừng, gây ra đau khổ, phiền muộn một cách âm thầm, vi tế, thâm sâu, mà con người không tỉnh giác nên không nhận biết; cái khổ đó gọi là “hành khổ”.

4. Tâm vô trụ: Dù ở hoàn cảnh nào, dù đứng trước đối tượng nào, tâm vẫn không chấp trước vào bất cứ một thứ gì. Tâm không chấp trước vào đối cảnh thì không bị ràng buộc, không bị biến đổi, sinh diệt; trái lại, sẽ được tự tại, giải thoát, thể ngộ được chân lí như thật của thực tại vạn hữu. Kinh Kim Cang có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”. Lục-tổ Tuệ Năng nhờ nghe được câu kinh này nơi Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn mà tâm trí triệt ngộ, được truyền y bát để đi về phương Nam hành đạo.

5. Thường – Lạc – Ngã – Tịnh: Hành giả khi đã thành công trong bốn pháp quán niệm này thì sẽ đạt được bốn đức của niết bàn (cũng tức là bốn đức của pháp thân Phật): Quán niệm về tính chất dơ bẩn (bất tịnh) để thể nhâp được đức trong sạch (TỊNH); quán niệm về tính chất khổ đau (khổ) để thể nhập được đức an vui (LẠC); quán niệm tính chất biến đổi sinh diệt (vô thường) để thể nhập được đức thường hằng (THƯỜNG); quán niêm tính chất duyên sinh, không có tự ngã (vô ngã) để thể nhập được đức tự tại giải thoát (NGÃ). Thể tính của cảnh giới niết bàn hay pháp thân Phật là thường trụ, không sinh không diệt, cho nên gọi là “thường”. Cảnh giới niết bàn hay pháp thân Phật đã xa lìa vĩnh viễn mọi khổ đau, luôn luôn an trụ trong niềm vui tịch diệt giải thoát, cho nên gọi là “lạc”. Cảnh giới niết bàn hay pháp thân Phật vượt khỏi cả hai loại vọng chấp hữu ngã và vô ngã, hoàn toàn tự tại vô ngại, không bị ràng buộc bởi bất cứ pháp hữu vi nào, cho nên gọi là “ngã”. Cảnh giới niết bàn hay pháp thân Phật đã xa lìa mọi vô minh phiền não, rốt ráo trong sạch, không bao giờ còn một chút cấu nhiễm nào, dù vi tế đến đâu, cho nên gọi là “tịnh”. Thật ra, nếu quán chiếu đến chỗ rốt ráo, thì bất cứ một đức nào cũng đã bao hàm cả ba đức kia: nói đến đức “thường” thì tức nhiên đã bao gồm có lạc, ngã và tịnh; nói đến đức “lạc” thì tức nhiên đã bao gồm có thường, ngã và tịnh; v.v…

6. Thần thông: là sức tác dụng siêu nhân gian, vô ngại tự tại, không thể nghĩ bàn, do tu tập thiền định mà đạt được. Thông thường, thần thông có năm tác dụng: 1) Mắt thấy thấu suốt tất cả những cảnh tượng khổ vui, lớn nhỏ, ở gần hoặc ở xa trong thế gian, không có gì làm cho ngăn cách (thiên nhãn thông); 2) Tai nghe tất cả những âm thanh vui buồn trong thế gian, không có gì ngăn trở được (thiên nhĩ thông); 3) Biết rõ tâm ý người khác đang suy nghĩ những việc thiện, ác, v.v… (tha tâm thông); 4) Đến đi tự tại, biến hóa tùy ý, không có gì làm trở ngại (thần túc thông); 5) Biết rõ các kiếp trước của mình và chúng sinh (túc mạng thông). Nếu dứt trừ hoàn toàn các kiến và tư hoặc (phiền não) trong ba cõi thì đạt thêm một loại thần thông cao tột, gọi là “lậu tận thông”. Chỉ có bậc A-la-hán trở lên mới đạt đủ sáu thứ thần thông (lục thông) như vậy; các hành giả dưới quả vị A-la-hán chỉ có thể đạt được tối đa là năm thứ thần thông ở trước mà thôi. Riêng ba loại túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông của chư Phật và A-la-hán là vi diệu thù thắng tột bực, cho nên chúng được gọi đặc biệt là “ba minh” (tam minh).

 

BÀI TẬP

1) Ba mươi bảy đạo phẩm được chia làm bảy nhóm, tên của bảy nhóm đó là gì?

Bảy nhóm đó là: bốn lãnh vực quán niệm (tứ niệm xứ); bốn sự cần mẫn (tứ chánh cần); bốn phép như ý (tứ như ý túc); năm khả năng (ngũ căn); năm sức mạnh (ngũ lực); bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi); tám nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo).

2) Tên của năm phép quán dừng tâm là gì? Đối trị những gì?

Năm phép quán dừng tâm (ngũ đình tâm quán) là năm phương pháp quán sát sự tướng để theo đó mà đối trị: 1) Quán bất tịnh: quán sát thấy rõ tính chất dơ bẩn của căn thân cũng như mọi vật trong thế gian, để đối trị tâm tham dục; 2) Quán từ bi: quán sát thấy rõ những khổ đau đáng thương của tất cả mọi người mọi loài, để đối trị tâm sân hận; 3) Quán nhân duyên: quán sát thấy rõ tính chất duyên sinh cùng mối liên hệ nhân quả của vạn pháp, để đối trị tâm ngu si; 4) Quán sổ tức: theo dõi và đếm hơi thở ra vào, để đối trị tâm tán loạn; 5) Quán niệm Phật: quán sát thân tướng tốt đẹp, công đức trang nghiêm của chư Phật, để đối trị bao nghiệp chướng của bản thân mình.

3) Giải thích “xa ma tha” và “tì bát xá na”.

“Xa-ma-tha” là dịch âm tiếng Phạn, dịch ra tiếng Hán là “chỉ”, hay “tịch tĩnh”, nghĩa là dừng tâm loạn động lại, không duyên vào bất cứ cảnh gì (dù xấu hay tốt), để cho tâm lắng đọng, vắng lặng. “Tì-bát-xá-na” là dịch âm tiếng Phạn, dịch ra tiếng Hán là “quán”, nghĩa là dùng trí tuệ để quán sát sự lí.

4) Những gì là bốn lãnh vực quán niệm? Mỗi lãnh vực quán niệm là quán sát như thế nào? Khi quán sát thành công thì hiệu quả ra sao?

Bốn lãnh vực quán niệm gồm có: 1) Quán niệm nơi thân thể. Phải quán sát để thấy rõ thân thể của ta cũng như của mọi loài đều là xấu xa, dơ bẩn, không sạch sẽ (bất tịnh). Khi quán sát thành công thì sẽ thấy chán bỏ sắc thân mà có được sự trong sạch (tịnh) của niết bàn. 2) Quán niệm nơi cảm thọ. Phải quán sát để thấy rõ trong cảm thọ khổ có “khổ khổ”, trong cảm thọ vui có “hoại khổ”, trong cảm thọ không khổ không vui có “hành khổ”; tất cả cảm thọ đều là đau khổ (khổ). Khi quán sát thành công thì sẽ thấy chán bỏ thế gian mà có được niềm vui (lạc) của niết bàn. 3) Quán niệm nơi tâm thức. Phải quán sát để thấy rõ tâm ý chỉ là hư vọng, biến chuyển không ngừng, sinh diệt từng sát na (vô thường). Khi quán sát thành công, sẽ sinh tâm vô trụ mà có được đức thường hằng (thường) của niết bàn. 4) Quán niệm nơi đối tượng của tâm thức. Phải quán sát để thấy rõ các pháp đều do nhân duyên sinh, không có tự thể, ngã và những cái thuộc về ngã đều không thật có (vô ngã). Khi quán sát thành công, sẽ không vướng mắc vào cái ngã giả dối, mà có được cái đại ngã (ngã) của niết bàn.

5) Bốn sự cần mẫn là làm bốn công việc gì?

Bốn sự cần mẫn là siêng năng làm bốn việc sau đây: 1) Những tâm ý và hành động ác đã phát sinh, hãy lập tức đoạn trừ ngay; 2) Những tâm ý và hành động ác chưa phát sinh thì đừng để cho chúng phát sinh; 3) Những tâm ý và hành động thiện đã phát sinh, hãy làm cho chúng tăng trưởng mãi; 4) Những tâm ý và hành động thiện chưa phát sinh, hãy tạo điều kiện giúp cho chúng phát sinh.

6) Hãy kể tên và giải thích bốn phép như ý.

Bốn phép như ý gồm có: 1) Dục: là lòng mong muốn tu tập để đạt chánh quả; 2) Niệm: niệm niệm chuyên nhất, trụ nơi chánh lí; 3) Tấn: tinh tấn tiến thẳng tới trước, công phu không bị gián đoạn; 4) Tuệ: tâm ý định tĩnh, ánh sáng chân thật chiếu rực lên, xa lìa mọi vọng tưởng.