Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

B.2.2.36. BẤT PHÁT THỆ NGUYỆN GIỚI (giới không phát thệ nguyện)

Kinh văn:

Nếu Phật tử khi đã phát mười điều nguyện lớn trên đây rồi, phải giữ gìn giới cấm của Phật, tự thệ rằng: “Thà nhảy vào đống lửa, hố sâu, núi dao, quyết không cùng với tất cả người nữ làm điều bất tịnh để phạm điều cấm trong kinh luật của tam thế chư Phật.

Lại thề rằng: Thà lấy lưới sắt nóng quấn thân mình có nghìn lớp, nhất quyết không để thân này phá giới mà thọ những y phục của tín tâm đàn việt. Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp, quyết không để miệng phá giới mà ăn những thực phẩm của tín tâm đàn việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân này phá giới mà nhận lấy các thứ giường, ghế của tín tâm đàn việt. Thà trong một hai kiếp chịu cho cả trăm gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân này phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp, quyết không để thân này phá giới mà lãnh những phòng nhà, ruộng, vườn, đất đai của tín tâm đàn việt.

Lại phát thệ rằng: Thà dùng chày sắt đập thân này từ đầu đến chân nát như tro bụi, quyết không để thân này phá giới mà thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt.

Lại phát thệ rằng: Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét mắt mình, quyết không đem tâm phá giới này nhìn xem sắc đẹp của người. Thà lấy trăm nghìn dùi sắt đâm thủng lỗ tai của mình trải trong một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới này mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ngửi các mùi thơm. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ăn các thứ tịnh thực của người. Thà lấy búa bén chém chặt thân thể mình, quyết không đem tâm phá giới này mà tham mặc đồ tốt.

Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật. Nếu Phật tử không phát thệ những điều thệ này thời phạm khinh cấu tội.

Lời giảng:

Giới “không lập nguyện” ở trước là nói theo phương diện thuận, còn giới “không lập thệ” này là nói theo phương tiện nghịch.

Hành giả đã phát mười điều nguyện lớn như trên, nếu không tiếp tục lập thệ kiên cố để giữ vững chí hướng của mình thì giới hạnh không khỏi có chỗ khuyết tổn.

Vì thế, muốn cho giới hạnh được thanh tịnh, không ô nhiễm, không đến nỗi tùy duyên bị khuynh đảo, nên phải phát lập đại thệ. Nếu không như vậy thì nhất quyết không được. Vì lúc đầu tiên, tâm của hành giả rất là yếu kém. Muốn thực hành những lời nguyện của mình đã phát, nhất định phải có một lực lượng khác để duy trì tâm nguyện ấy, nhờ đó mà không đến nỗi nửa chừng phải thối thất. Phải biết sức mạnh của tập quán, tội ác của chúng ta từ vô thỉ hết sức mãnh liệt.

Do đó, muốn diệt trừ tội nghiệp quá khứ, mà không dùng đại thệ để giúp cho đại nguyện được kiên cố là điều rất khó khăn. Nếu dùng mười đại nguyện đã phát làm vị thầy đi trước dẫn đường, thì kế đó phải dùng năm đại thệ để giúp cho mười đại nguyện được kiên cố, khiến cho hành giả lúc tiến bước trên con đường đại Bồ Ðề được thản nhiên không bị khiếp sợ, để hoàn thành nhiệm vụ tu học Phật đạo.

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển ba mươi tám nói: “Nếu tỳ kheo không phát thệ chắc chắn khó thành Phật đạo được. Phước đức của thệ nguyện không thể so lường, tính kể vì nó có năng lực giúp cho hành giả đi đến cảnh giới Cam Lồ Tịch Diệt (Niết Bàn). Do đó, khi phát đại nguyện, tiếp theo phải phát đại thệ. Ðại nguyện như vị đạo sư đi trước dẫn đường để cho chí hướng tu học Phật đạo của hành giả được chắc chắn đạt đến mục đích. Ðại thệ như người đi sau, thúc đẩy để bảo đảm cho nguyện vọng ấy không bị lui sụt”.

Lại có lối giải thích khác rằng: “Lực dụng của nguyện là tiến đức tu thiện. Vì thế muốn tiến đức tu thiện mà không có nguyện lực là không được. Còn Thệ có công năng ngăn quấy, dứt dữ, cho nên muốn ngăn quấy, dứt dữ nếu không có đại thệ cũng không thể được. Nếu đem so sánh Thệ với Nguyện thì Thệ càng trọng yếu hơn. Vì đại thệ là sự phát tâm quyết định, dũng mãnh, kiên cố, nếu không đạt đến mục đích thì thệ quyết không buông bỏ, dừng nghỉ nửa chừng”.

Ðức Phật dạy đại chúng rằng: “Nếu Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, thì đã phát mười điều nguyện lớn trên rồi, phải giữ gìn giới cấm của Phật chế lập!” Kế đến tiến thêm một bước nữa là phải đại thệ này. Thông thường nói “thệ nguyện” thì từ “thệ” thường đứng trước từ “nguyện”. Nhưng thực ra nguyện phải đi trước và thệ đi sau.

Tại sao vậy? Cổ đức đã nêu một thí dụ để giải thích như sau: “Nguyện như ngựa có dây cương, Thệ là dùng roi để thúc giục nó. Cũng thế, Bồ Tát mong cầu quả vô thượng Bồ Ðề, nếu không có tính quyết định của sức đại thệ nguyện thì khi gặp hoàn cảnh trái nghịch, hoặc lúc gặp hoàn cảnh không được thuận lợi, chắc chắn sẽ bị thối chuyển, vì không có động lực và biện pháp gì để vượt qua. Bấy giờ sẽ trở thành vị Bồ Tát bại hoại”.

Cho nên nếu đã phát mười đại nguyện rồi, kế tiếp phải nhất quyết lập đại thệ để những điều nguyện đã phát được thêm phần kiên cố, dù gặp hoàn cảnh nào cũng tìm đủ mọi cách vượt qua.

Vấn đề phát thệ có năm loại như sau:

1. Thệ không làm việc phi phạm hạnh:

Nghĩa là thà đem thân này gieo vào đống lửa lớn, hố sâu, núi dao. Hai chữ “ninh dĩ” (thà đem) là lời khẩn thiết, kiên thệ, nghĩa là: thà làm việc này, nhất quyết không làm việc kia.

Phải biết rằng: chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, do dâm dục là cội gốc, là tên đệ nhất đao phủ. Ðồng thời phải biết bổn nguyên tâm địa vốn là thanh tịnh. Sự làm ô nhiễm tâm địa ấy dù có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phải nhìn nhận rằng bất tịnh hạnh là nguyên nhân lớn nhất làm ô nhiễm tâm địa bổn nguyên.

Vì thế, đầu tiên phải phát thệ rằng: “Thà đem thân thể tôi gieo vào đống lửa lớn đương cháy hực hỡ, phải chịu khổ thiêu đốt da phồng thịt rã, hoặc đem thân tôi gieo vào hầm hố sâu, ròng rã chịu thống khổ từ trên cao rơi xuống, bị hãm hại đến chết hoặc đem thân tôi kéo chạy trên núi đao kiếm, chịu những thống khổ bị đâm chém, gan ruột tan nát, cho đến trăm nghìn thứ thống khổ khác bức bách. Tôi nguyện trong đời này thà cam chịu các thứ thống khổ nói trên, cũng không cho là khổ, nhất quyết không dám hủy phạm kinh luật thanh tịnh của tam thế chư Phật đã tuyên thuyết, để “cùng với tất cả nữ nhân làm điều bất tịnh”.

Tại sao lại nói vấn đề này một cách quá nghiêm trọng như vậy?

Vì trong giới có dạy: “Lửa dữ, núi dao chỉ làm thiệt hại sinh mạng trong một thời kỳ ngắn ngủi này, còn việc dâm nhiễm với nữ nhân làm cho hành giả bị đọa vào địa ngục thọ vô lượng thống khổ, lại còn làm thương tổn cho pháp thân huệ mạng”. Ngoài ra, trong bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Phát Ẩn của tổ Liên Trì cũng nói: “Về việc dâm nhiễm phải phát thệ trước tiên, vì thân này sinh ra từ nơi dâm dục. Dâm sự thành tựu là do nữ nhân. Bể ân ái thêm sâu rộng, cội gốc sanh tử càng kiên cố không gì hơn nữ sắc. Do đó, phải phát thệ đoạn trừ dâm dục đầu tiên.
Lò hồng, gươm bén chỉ hại sắc thân một thuở, còn nữ sắc là mật ngọt ở trên dao bén, làm cho huệ mạng bị trầm luân trong muôn kiếp. Vì thế nế đem so sánh với nỗi thống khổ bên trên, thì thà nhẫn thọ khổ này chớ quyết không đi làm việc kia…”

Nguyên do chúng sanh bị trầm luân trong khổ hải từ vô thỉ, không thể vượt ra ba cõi, thoát sanh tử luân hồi, chính là do sự trói cột của nữ sắc.

Vì thế, trong kinh Ðại Niết Bàn có dạy: “Nếu có Bồ Tát nào dù không giao hợp với nữ nhân, chỉ cùng nhau nói cười đùa giỡn, hoặc ở ngoài vách tường lắng nghe tiếng khua động vòng xuyến của nữ nhân, cho đến để ý dòm ngó cảnh nam nữ dẫn nhau đi… Vị Bồ Tát này đã hủy phá tịnh giới, hoen ố phạm hạnh. Giới thể đã bị tạp nhiễm, nên không được gọi là đầy đủ tịnh giới”.

Nghe tiếng, thấy hình còn làm cho giới hạnh bị tạp nhiễm, ô uế, huống chi sanh khởi niệm bất tịnh ư?

Tại sao trong kinh Niết Bàn nói Bồ Tát cùng với nữ nhân cười cợt, giỡn hớt cũng gọi là hủy phạm tịnh giới?

Vì dâm dục có nhiều hình thức chứ không phải chỉ có việc giao hợp. Như bài tụng thứ mười hai trong luận Câu Xá có nói về tướng trạng dâm dục của chư thiên cõi Lục Dục như sau:

Lục thọ dục: giao, bão,
Chấp thủ, tiếu, thị dâm!

Nghĩa là sự hưởng thọ dục lạc ở cõi trời Dục Giới có năm thứ: giao hợp, ôm, nắm tay, cười giỡn, liếc ngó.

Cõi trời Tứ Thiên Vương thứ nhất và cõi Trời Ðao Lợi thứ hai, nam nữ giao hợp gọi là dâm dục.

Cõi trời Dạ Ma thứ ba, nam nữ ôm nhau là dâm dục.

Cõi trời Ðâu Suất thứ tư, nam nữ nắm tay nhau gọi là dâm dục.

Cõi trời Lạc Biến Hóa thứ năm, nam nữ cười giỡn gọi là dâm dục.

Cõi trời Tha Hóa Tự Tại thứ sáu, nam nữ dòm ngó nhau gọi là dâm dục.

Việc hành dâm của thiên nhơn trong cõi trời Lục Dục khác nhau vì phước nghiệp của mỗi cõi hơn kém nhau, nên sự hành dâm giữa nam nữ có sự thô, tế khác nhau. Còn ở nhân gian thì gồm đủ cả. Ðầu tiên thì liếc, ngó, cười cợt, đụng chạm, dần dần đến sự giao hợp, tức hoàn thành dâm nghiệp, phạm căn bản Ba La Di tội.

Vì thế muốn tránh khỏi dâm nghiệp thì với những cử chỉ bất chánh như dòm ngó v.v… phải tránh hẳn để khỏi phạm căn bản trọng tội, mà phải chiêu cảm lấy khổ quả ở địa ngục A Tỳ (dịch giả nhất tâm thành kính mong quý đại sĩ cố gắng lưu tâm đề phòng).

Như vậy phải làm thế nào để khỏi bị nữ sắc cám dỗ?

Vấn đề này có một sự tích sau đây:

Thời quá khứ có một vị tỳ kheo độc thân, tọa thiền niệm Phật trên một cánh đồng vắng.

Một hôm, ma biến hóa thành một mỹ nhân quyến rũ, mê hoặc để tỳ kheo làm hạnh bất tịnh với nó. Tỳ kheo dùng kệ đáp rằng:

Vô tu tệ ác nhân,
Thuyết thử bất tịnh ngữ.
Thủy phiêu, hỏa phần chi,
Bất dục kiến, văn nhữ!

Dịch:

Con người tệ ác không biết thẹn,
Thốt ra những lời bất tịnh ấy.
Thà bị nước trôi cùng lửa cháy,
Không muốn nghe thấy những lời ngươi nói.

Ma nghe tỳ kheo nói kệ trên rồi, hết sức tán thán rằng:

Nước trong bể cả có thể cạn khô,
Non Tu Di có thể lay động,
Bậc thượng nhân chí hướng kiên cường,
Tôi không cách gì mê hoặc được.

Nam nữ là một đại vấn đề ở thế gian, đúng theo pháp để khống chế nó thật không phải là việc dễ dàng. Vì thế, khi Ðức Phật còn tại thế, đối với những vị xuất gia không thể nghiêm trì tịnh giới, muốn xả giới hoàn tục; Ngài chẳng những không ngăn cản, lại còn sẵn lòng chấp thuận. Ðó là vì Phật muốn bảo vệ sự thanh tịnh cho Tăng đoàn, không muốn những người không biết hổ thẹn, phạm giới, lại ở trong Phật pháp làm những hành động phá hoại đạo pháp.

Nếu theo đúng pháp xả giới hoàn tục, tương lai vẫn có thể xuất gia trở lại, làm vị xuất trần thượng sĩ. Nếu ở trong Phật pháp mang lốt xuất gia mà hủy phá căn bản đại giới thì không thể thành pháp khí, mong cầu thoát ly sanh tử luân hồi.

 

Lời phụ:

Trong Luật Tạng và kinh A Hàm nói: khi Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng quý tỳ kheo đi dạo nơi một cánh đồng lớn, thấy lửa bốc cháy dữ dội. Nhân đó, ngài vì quý tỳ kheo mà nói thí dụ gieo mình vào đống lửa lớn.

Quý tỳ kheo sau khi nghe Phật dạy, những vị căn tánh đã thuần thục, tập nhiễm ái dục đã được nhẹ nhiều, liền đoạn diệt phiền não về ái dục.

Trái lại, những vị căn tánh chưa thuần thục, nghĩa là phiền não ái dục còn sâu nặng, sanh lòng lo sợ, hoảng hốt, nên đồng nguyện xả giới xin hoàn tục.

Ðức Phật vẫn hoan hỷ cho phép không ngăn cản. Vì ngài không muốn quý tỳ kheo cố gắng ở trong đạo mà làm việc phá hoại đạo pháp, chớ thật lòng không phải Ngài muốn cho quý thầy hoàn tục.

Cho đến bậc Thánh Nhân Sơ Quả, Nhị Quả (Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm), đối với kiến hoặc phiền não đã hoàn toàn đoạn diệt, nhưng tập chủng dâm nhiễm vẫn còn thì cũng nên hoàn tục cưới vợ, nhất quyết không được ở trong đạo mà làm việc phá giới. Vì theo đúng pháp hoàn tục thì tương lai, nếu muốn, vẫn được xuất gia trở lại. Nếu một khi căn bản trọng giới đã phá rồi thì nhất định không phải là đạo khí (khí là vật dụng, đạo là đạo pháp. Nghĩa là thân này ví như vật dụng để thành tựu đạo pháp). Nếu thân phá giới thì chẳng khác gì vật hư bể, không dùng được nữa. Hơn nữa, không thể nào mang tướng trạng của thánh hiền (hình tướng người xuất gia) mà đi làm việc bỉ ổi, đê hèn, ô uế và nhơ bẩn này.

Với điều phát thệ trên (đoạn dục nhiễm), Bồ Tát xuất gia hoàn toàn phát thệ đoạn việc tà dâm mà thôi.

Thế nên Bồ Tát xuất gia phải hết sức tự xét mình: Nếu chủng tử ái nhiễm nhẹ thì rất quý, hoặc nếu dù nặng nề nhưng có thể khéo léo cố gắng, kềm chế thì có thể ở lại trong Tăng Ðoàn. Còn vị nào phiền não, ô nhiễm quá cường thịnh không thể tự kềm chế thì nên mau mau xả giới hoàn tục, phải hết sức thận trọng, không nên ở trong đạo mà làm việc phá giới.

Xả giới hoàn tục, dù hiện tại phải mất hẳn địa vị tỳ kheo, sa di, nhưng vẫn được làm Bồ Tát ưu bà tắc, tương lai có thể trở lại xuất gia. Nhưng nếu giới thể một phen đã hủy phá rồi, thì tất cả giới tỳ kheo, sa di, Bồ Tát, đến cả Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm, đều không cho phép thọ. Dù trong giới Bồ Tát có cho phép trường hợp phạm tội trọng, phải sám hối cho đến khi nào thấy được hảo tướng thì mới được tái thọ. Nhưng thấy được hảo tướng không phải là chuyện dễ dàng. Vậy cần phải suy nghĩ thật kỹ và thật thận trọng!

Dịch giả thành kính y theo bộ Phạm Võng Hợp Chú cung kính thuật lại để kính dâng quý đại sĩ xuất gia và tại gia, nhất là quý vị xuất gia, phải y theo lời Phật dạy, cố gắng giữ gìn giới luật.

Ðối với quý đại sĩ tại gia, Phật đã từ bi mở ra pháp Nhân Thừa Ngũ Giới, chỉ cấm tà dâm, không cấm chánh dâm. Vì vậy, đối với giới tà dâm phải cố gắng đoạn trừ, đừng để sa chân vào đường tội lỗi, như lời dạy của tiên đức:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận,
Tái hồi đầu thị bách niên thân.

Dịch:

Một bước sa chân ngàn thuở hận,
Ngoảnh lại phù sinh kiếp đã rồi.

2. Thề không luống thọ cúng dường

Khi thọ sự cúng dường của tín thí chủ, quyết phải đem lại phước lợi cho người. Nếu chỉ thọ dụng của người một cách tổn hao mà không lợi ích gì cho thú chủ, gọi là uổng thọ hay luống thọ.

Lại thệ rằng: “Ðến lúc đông thiên, trời quá lạnh rét, nếu tôi nghiêm trì cấm giới được thanh tịnh thì thọ sự cúng dường y phục của tín thí không có gì là không được. Tôi thà lấy lưới sắt nóng quấn trên thân mình có nghìn lớp để thân này da thịt bị cháy phỏng rã rời, nhưng không cho sự kịch khổ ấy là đau khổ, quyết không dám để thân này phá giới, thọ những y phục của tín tâm đàn việt cúng dường.

Ðàn việt sở dĩ cúng dường y phục cho tôi là vì tôi là phước điền tăng thanh tịnh, nên thí chủ muốn đến để cúng dường cầu phước. Nếu tôi đã hủy phá giới pháp của Như Lai, làm mất hẳn tư cách của vị phước điền tăng, tôi không được phép tiếp thọ cúng dường y phục của đàn việt” (chẳng những đối với y phục, mà cả với thức ăn uống cũng vậy).

Lại thệ rằng: “Lúc tôi bị bụng đói như cào mà không tìm được món gì để ăn, thà miệng này nuốt hoàn sắt nóng cháy đỏ, hoặc lúc tôi bị khát khô cổ, thà miệng này uống nước đồng sôi, hoặc gan ruột, lục phủ, ngũ tạng rục rã nát tan. Những nỗi thống khổ ấy không phải chỉ trong phút chốc mà phải chịu đựng lâu dài đến trăm nghìn kiếp. Dù phải thọ khổ như thế, nhưng tôi vẫn cố gắng nhẫn thọ, chớ quyết không để miệng phá giới ăn các thức uống ăn của tín tâm đàn việt cúng dường. Thí chủ vì cầu phước mà mang đồ đến cúng dường, tôi nay không có phước đức, thì không nên tiếp thọ sự cúng dường ấy. Nếu thọ dụng các thức uống ăn này làm sao tiêu hóa được?”

Lại thệ rằng: “Khi tôi cảm thấy mỏi mệt cần có giường chiếu nghỉ ngơi, thà đem thân này nằm trên đống lửa lớn hoặc trên tấm sắt nóng, để chịu thống khổ da phồng, thịt rã, xương cốt tiêu tan, quyết không dám để thân này phá giới, thọ các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt cúng dường”.

Ðàn việt vì cầu phước mà cúng dường các thứ giường ghế cho bạn. Nếu bạn tự thấy mình không có phước đức, thì không nên tiếp thọ sự cúng dường của đàn việt.

Lại thệ rằng: “Lúc tôi bệnh hoạn, phải có thuốc men để trị liệu, thà đem thân này chịu cả ba trăm gươm giáo đâm vào thân mình, bị thống khổ như vậy, không phải chỉ trong thời gian ngắn mà phải trải qua thời gian lâu xa một hai kiếp. Dù bị khổ cực điểm như vậy, nhưng tôi vẫn sẵn sàng cam tâm nhẫn thọ, quyết không dám để thân này phá giới, thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt cúng dường”.

Ðàn việt cúng dường thuốc men trị liệu cho thân thể chúng ta đuọc khỏi bệnh khoẻ mạnh, chủ ý là muốn chúng ta tu hành để họ được phước. Chúng ta lại không đúng như pháp dụng công tu niệm, lại còn phá tịnh giới của Như Lai, thì làm sao dám tiếp thọ sự cúng dường của người?

Lại phát thệ rằng: “Nếu tôi cần nơi cư trú để tu hành và các phòng xá v.v… thì phải đúng như pháp, nghiêm trì giới cấm của Phật. Nếu không, thà đem thân này nhảy vào vạc dầu sôi, trải qua thời gian trăm nghìn kiếp, thọ các thống khổ, quyết không dám để thân này phá giới, lãnh thọ những phòng nhà, ruộng vườn, đất đai của những đàn việt có tín tâm cúng dường”.

Nên nhận thức chân thực rằng: Các vật nói trên đều là của thí chủ cần dùng, nhưng vì muốn cho người xuất gia tròn trách nhiệm hóa độ chúng sanh và hoàn thành đạo nghiệp, nên họ phát tâm cúng dường.

Nếu bản thân của vị xuất gia không theo đúng pháp, thực hành công hạnh tự lợi, lợi tha thì thử hỏi làm sao dám thọ nhận của đàn na, tín thí?

Ðức Phật vẫn cho phép chúng tăng thọ nhận sự cúng dường của thí chủ, nhưng ở đây nói “thệ không luống thọ sự cúng dường” không có nghĩa là không cho chúng tăng thọ sự cúng dường của thí chủ, mà là muốn cho chúng tăng phát thệ nghiêm trì tịnh giới của Như Lai, không được hủy phá. Nếu đem thân phá giới mà tiếp thọ sự cúng dường của thí chủ thì tuyệt đối không được.

Trong kinh Bảo Tích, Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng: “Này Ca Diếp! Ta thường nói: Thà dùng tấm sắt nóng làm y phục, chứ không nên đem thân phá giới này mặc chiếc ca sa. Thà nuốt hoàn sắt nóng cháy đỏ, chứ không nên dùng miệng phá giới mà ăn các thứ uống ăn của tín thí”, chính là ý này vậy.

Cổ đức có dạy: “Nếu giới pháp của mình có chỗ khuyết tổn, thì một hạt gạo, một hạt muối, cũng không dễ gì tiêu được. Phá giới mà thọ dụng của thí chủ thì làm sao có thể đầy đủ theo chỗ mong cầu của tín thí? Vì thế phải hết sức thận trọng!”

3. Thệ không luống thọ sự cung kính

Một vị Bồ Tát đầy đủ công hạnh tự lợi, lợi tha, tất nhiên được sự cung kính, tôn trọng của quảng đại quần chúng, nhưng bản thân của vị Bồ Tát phải kiện toàn mọi mặt mới được. Tức là vị Bồ Tát phải đúng như pháp nghiêm trì tịnh giới của Như Lai, không được hủy phạm.

Trái lại, nếu thọ nhận sự cung kính lễ bái của thí chủ mà không thực hành được điều quy định, thì không dễ gì nói cho suông trôi qua được. Cho nên lại phát thệ rằng: “Vì sự cung kính, tôn trọng của mọi người, trước tiên tôi phải tự tôn, tự trọng chính mình. Vì thế, hôm nay tôi thà để cho người lấy chày sắt rất nặng đập thân này từ đầu đến chân nát như tro bụi, quyết không dám để thân này phá giới, thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt”.

Cung kính lễ bái là việc làm cầu phước tiêu tội. Vì thế, nếu bạn là một vị tu hành đức hạnh cao siêu, đáng lý phải tiếp thọ sự cung kính của mọi người, để cho mọi người được tiêu trừ tội chướng, phước đức tăng trưởng. Nếu tự biết mình không có đức hạnh như vậy, thì không dám tiếp thọ sự cung kính, lễ bái của người.

4. Thệ sáu căn không nhiễm ô

Sáu căn gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Sáu căn này có tác dụng kiến, văn, giác, tri. Ðối với sáu căn được khai thành năm thệ như sau:

* Thệ nhãn căn thanh tịnh: Nhãn căn dùng để phân biệt sắc trần. Trời sanh con người có đôi mắt để xem mọi vật. Nếu dùng mắt để xem kinh Phật, tượng Phật, tất nhiên điều đó là rất tốt, còn xem sắc đẹp con người thì nhất định không được.

Nên lại phát nguyện rằng: “Nếu khi tôi dùng nhãn căn đối với sắc trần, thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm, giáo khoét đôi mắt mình, khiến tôi không thể trông thấy bất cứ cảnh vật gì, quyết không đem tâm phá giới này nhìn ngắm sắc đẹp của người, để không bị sắc đẹp bên ngoài cám dỗ, làm việc phá giới của Như Lai”.

Tập khí của chúng sanh từ vô thỉ thường hay khuấy nhiễu, phá rối hành giả. Không muốn cho nó nhìn ngắm sắc đẹp mà nó lại rất thích nhìn ngắm, dù nhìn đến cả trăm ngàn lần vẫn không nhàm chán. Ðây là nguyên nhân khiến chúng sanh trầm luân trong sanh tử, trôi lăn trong sáu đường, không biết tìm phương nào tự cứu!

* Thề nhĩ căn thanh tịnh: Nhĩ căn dùng để phân biệt âm thanh. Nếu dùng tai để nghe kinh pháp, lẽ đương nhiên rất tốt, nhưng nếu nghe những khúc nhạc du dương, đồi trụy của thời đại thì không thể được.

Cho nên lại phát thệ rằng: “Nếu khi tôi dùng nhĩ căn, đối với thinh trần đắm nhiễm thì thà lấy trăm nghìn dùi sắt đâm thủng lỗ tai mình, trải qua thời gian lâu xa một, hai kiếp, chịu các thống khổ, để cho tôi không còn nghe bất cứ âm thanh gì, tôi sẵn sàng cam tâm nhẫn thọ, quyết không đem tâm phá giới này nghe tiếng hay, giọng tốt, không để cho tiếng tốt giọng hay cám dỗ làm điều phá giới”.

Trên thế gian có lắm điều thật quái lạ, là đại đa số người khi được khuyên nên nghe kinh, nghe pháp, họ đều nói là công việc quá bề bộn, không có thì giờ rảnh. Nhưng họ lạy say sưa nghe những khúc nhạc hiện đại suốt ngày, không bao giờ cảm thấy uổng phí thời gian… Càng nghe họ càng thấy tinh thần càng đam mê ưa thích nên trong kinh gọi là “nghiệp chướng sâu nặng”.

* Thệ tỷ căn thanh tịnh: Tỷ căn dùng để phân biệt hương trần. Nếu dùng mũi để ngửi giới hương, định hương, lẽ đương nhiên rất tốt. Nhưng nếu dùng mũi để ngửi các mùi hương thế tục thì không được.

Nên lại phát thệ rằng: “Khi tôi dùng mũi ngửi hương trần thì thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ mũi mình, khiến tôi phải thọ sự thống khổ hết sức nặng nề. Tôi nguyện sẵn sàng thọ nhận vô điều kiện, quyết không đem tâm phá giới này ngửi các mùi thơm thế tục”.

Kinh văn nói “các mùi thơm” ở đây là chỉ các thứ nước hoa ở thế gian mà nam nữ thường dùng để cám dỗ và mê hoặc người khác phái. Khi bạn ngửi những thứ nước hoa ấy, tự nhiên sẽ bị nó lôi cuốn rồi vô tình tùy thuận theo nó. Cho nên dùng tâm phá giới ngửi các thứ nước hoa tuyệt đối là không được, cần phải nhất quyết tránh xa, để khỏi phải vì nó mà trái phạm giới cấm của Như Lai.

* Thệ thiệt căn thanh tịnh: Thiệt căn dùng để phân biệt vị trần, khả năng phân biệt này rất nhạy, nên được dùng để thọ dụng các thứ uống ăn. Khi nếm vị ngon thì thích ăn nhiều, nếm vị dở không ngon thì ăn ít. Tất cả mọi người trên thế gian, có thể nói, thông thường đều như vậy, nhưng với người Phật tử đã biết thì không được như vậy.

Cho nên lại phát thệ rằng: “Khi tôi dùng thiệt căn đối với vị trần, thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, tuy là hết sức đau đớn, nhưng tôi nguyện sẵn lòng thọ nhận sự đau khổ ấy, quyết không dám đem tâm phá giới này ăn các thứ tịnh thực của người cúng dường”.

Phải biết rằng: Ăn uống cốt là để duy trì sự sống, thế nên chỉ cần ăn uống để trợ giúp cho thân này mạnh khỏe là đủ. Không nên dùng tâm trái với giới hạnh, phân biệt thức ăn ngon dở mà thọ dụng.

* Thệ thân căn thanh tịnh: Thân căn dùng để phân biệt các cảm giác đối với xúc trần. Khi tiếp xúc với ngoại cảnh tốt đẹp, thỏa mãn ý thích của mình, thì khởi tâm ưa muốn; nếu ngược lại thì sanh lòng chán ghét. Ðây cũng là một thông bệnh của mọi người. Nhưng đối với Phật tử thì nhất quyết không được.

Cho nên lại phát thệ rằng: “Khi tôi dùng thân căn đối với xúc trần, thà lấy búa bén chặt chém thân thể của mình, chịu các thứ đau khổ không tả xiết, nhưng tôi nguyện sẵn sàng nhẫn thọ, quyết không dám đem tâm phá giới này tham mặc đồ tốt”.

“Ðồ tốt” là chỉ cho những loại y phục, mền, nệm v.v… bằng hàng lụa, sa, tố, gấm, vóc mềm mịn, êm ái. Bất cứ người nào khi va chạm vào chúng đều sanh tâm ưa thích, không muốn xa rời. Ðấy cũng là một thông bệnh của người đời, nhưng đối với Phật tử đã biết sự tai hại của nó, cần phải tránh xa.

Như trên đã nói về năm căn tiếp xúc với năm trần, tức là cảnh giới ngũ dục. Người Phật tử đối với cảnh giới ngũ dục nếu có tâm nhiễm trước thì hoàn toàn bất lợi cho chính mình, vì nó là nguồn gốc tạo các tội ác.

Nên trong kinh Di Giáo, Ðức Phật dạy: “Giặc ngũ căn có thể làm cho chúng sanh bị khổ nhiều đời, nhiều kiếp. Tai hại ấy rất lớn, thế nên cần phải thận trọng cho lắm!”

Ở đây vì muốn chặt đứt nguồn gốc tội ác này, khiến cho các thiện căn công đức được tăng trưởng, cho nên Phật dạy phải phát ra những điều thệ này để không phải tùy thuận theo nó, không bị nó cuốn lôi.

Ở đây có người hỏi rằng: Nói là “thệ sáu căn thanh tịnh không ô nhiễm”, tại sao không thấy nói đến ý căn?

Vì ý căn là pháp vô hình vô tướng, còn pháp trần là cảnh sở duyên của nó, cũng không thể nắm cầm, sờ mó được. Thế nên không thể nói giống như năm căn kia. Hơn nữa, ở trong những lời phát thệ trên, lời thệ nào cũng đều có câu: “Không đem tâm phá giới này…” như vậy, tâm ở đây chính là Ý, do đó, đã bao hàm Ý căn trong đó rồi vậy. Cho nên không cần nói riêng.

Nếu lúc năm căn tiếp xúc với năm trần mà tâm không nhiễm trước, phá giới, thì là đã được sáu căn thanh tịnh. Do đó, giới này gọi là thệ sáu căn thanh tịnh, không nhiễm ô.

5. Thệ vì hóa độ chúng sanh:

Lại phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật”. Bồ Tát đã phát nguyện lập thệ như trên, không phải để mong cầu sự an lạc cho cá nhân mình, mà chính là vì hóa độ tất cả chúng sanh trong pháp giới, khiến cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật.

Ðiều đại thệ: “Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật” này có thể nói là nó thể hiện tính chất chân chính trong bản hoài độ sanh của Bồ Tát. Nếu không có điều thệ nguyện này hồi hướng cho mình và người đồng thành Phật đạo, thì những lời thệ nguyện kia, nếu không thành tựu được phước báo nhân thiên, thế gian thì cũng chỉ được mức thành tựu thánh quả xuất thế của Tiểu Thừa mà thôi. Nếu muốn hoàn thành vô thượng Phật quả thì không thể được.

Có lập thệ phát nguyện như vậy mới gọi là vị Bồ Tát chân chính. Trái lại, nếu làm một vị Bồ Tát không phát những điều thệ này thì phạm khinh cấu tội.

Nếu đem Tam Tụ Tịnh Giới phối hợp với giới này thì có sự tương ứng như sau:

– Nghiêm trì giới cấm của Phật thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.

– Phát các thệ nguyện thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.

– Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật thuộc về Nhiếp Chúng Sanh Giới.

Cho nên nghiêm trì giới này là đầy đủ Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát, trái lại, phạm giới này tức là hủy phạm Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát vậy. Vì thế, Phật tử không được viện bất cứ lý do gì để không phát thệ.

Về phương diện Tánh và Giá tội, nên chỉ có trường hợp ngăn cấm mà không có trường hợp khai miễn. Giới này cả thất chúng Phật tử đều phải tuân giữ, tu học. Nhưng năm chúng xuất gia đều tiếp thọ sự cúng dường của thí chủ nên tương đồng, còn hai chúng tại gia vì không có việc thọ nhận sự cúng dường nên không đồng với chúng xuất gia.

Riêng đối với hoằng thệ thứ năm: “Thệ hóa độ chúng sanh”, thì cả hai chúng Bồ Tát xuất gia và tại gia đều tương đồng. Vì Bồ Tát dù xuất gia hay tại gia đều phải lập thệ hóa độ chúng sanh.

Về phương diện khác nhau giữa hành giả Ðại Thừa và Tiểu Thừa, đối với hoằng nguyện độ sanh, hành giả Ðại Thừa nếu không phát hoằng thệ này nhất quyết không được. Trong khi hành giả Tiểu Thừa chỉ cốt chuyên lo tu học để cầu giải thoát cho cính mình, nên không lập hoằng nguyện này thì cũng không trái với giới hạnh của mình.

Giới trước Phật dạy phát tất cả nguyện: nguyện phải hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng v.v… Giới này, cuối cùng Phật dạy: “Thệ nguyện độ tất cả chúng sanh đều được thành Phật”, có thể nói, trước sau đều dạy đủ. Ðây thật là sự lưu lộ từ tâm đại từ bi của Ðức Phật. Cho nên hành giả Bồ Tát đã phát đại Bồ Ðề tâm, quyết phải vâng theo lời Ðức Phật đã từ bi chỉ dạy. Dùng mười đại nguyện làm người dẫn đường đi trước, dùng năm đại thệ làm người đi sau thúc đẩy, để hoàn thành đại hạnh tự lợi, lợi tha của Bồ Tát vậy.