TÂY PHƯƠNG HIỆP LUẬN
Cư sĩ Viên Hoành Đạo soạn
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Trí Thông

 

Người chấp vào hình tướng , mê muội bản tâm thì mắc cái lỗi hữu vi. Kẻ chấp không, phá có, phóng túng buông lung thì sinh ra tai họa hiểm nghèo. Tổ Đạt Ma vì cứu người chấp tướng nên nói tội phước đều không. Ngài Vĩnh Minh vì phá sự si mê của kẻ trí tuệ ngông cuồng nên nói tất cả đều qui về muôn điều thiện như người sử dụng nước để dập tắt ngọn lửa, nếu nước tràn trề thì mắc cái nạn đắm chìm. Cỏ cây nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời nên được sum suê xanh tốt, nhưng nếu tiết trời gay gắt thì cỏ cây sẽ bị khô héo, lụi tàn. Giáo pháp của Như Lai cũng theo đây suy ra mà biết. Từ khi có năm tông phái thiền đến nay, sự đơn truyền thì hưng thịnh. Đến ngày nay, những kẻ ngông cuồng đến nỗi lầm lẫn cho rằng duy tâm đồng với thuyết vô vi của ngoại đạo, họ chấp chặt lời nói ấy cho là đúng. Do đó, họ hướng đến chỗ ma ngũ dục, không nghĩ đến việc ngài A Nan chưa đắc tận thông bị đầu đà Ca Diếp tẩn xuất trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Ma Đạt chỉ mang kiết sử vi tế còn bị Tôn giả quở trách. Tập khí dù còn mỏng như cánh con ve thì bảo sở vẫn còn xa tít mù khơi. Huống chi những kẻ tiêm nhiễm nhơ bẩn nhiều như gò đất, núi cao thì niềm vui thanh tịnh từ đâu mà thành tựu ?

Kinh Lăng già được truyền từ Đạt Ma chủ trương ngộ và tu đều được chú trọng. Thanh quy bắt đầu từ Bách Trượng chủ trương thực hiện cả việc ngộ thiền và trì giới. Tôi chưa từng nghe nói cương tông của nhất thừa cười chê việc giữ giới thanh tịnh; con cháu nhà thiền còn tham luyến việc đời.

Thuở xưa có một đạo sĩ đi ban đêm bị con quỉ dẫn vào mộ địa. Người nông phu thấy vậy dắt đạo sĩ vào nhà, rưới nước vào mặt cho tỉnh lại. Khi từ biệt, đạo sĩ nói với người nông phu rằng: “Tôi mang ân chủ nhân nhưng không biết lấy gì để trả, chỉ có hai lá bùa trừ quỉ, xin chủ nhân nhận lấy để gọi là sự đền ơn”. Ai nghe qua cũng tức cười. Người học ngày nay tham lam, giận dữ, tà kiến mạnh mẽ như ngọn lửa hung tàn mà muốn cởi mở sự trói buộc cho người khác. Sao lại mê lầm đến thế ! Tôi học đạo suốt mười năm cũng mang cái bệnh ngông cuồng này. Về sau may nhờ gặp cơ hội nên tạm có sự tỉnh ngộ, bèn quét sạch trần lao mà hướng tâm về Tịnh Độ. Ngoài thời khoá lễ tụng, nhân lúc rảnh rỗi, tôi lấy các bộ luận của các ngài Long Thọ, Thiên Thai, Trưởng Giả, Vĩnh Minh… chú tâm xem qua kỹ lưỡng, bỗng nhiên nghi ngờ tiêu tan, liền tin sâu pháp môn Tịnh Độ. Lại tỏ ngộ các hạnh sai biệt của các đại bồ tát như kẻ nghèo được kho vàng, vui mừng khôn xiết. Hoà Thượng Ngu Am và cư sĩ Bình Sảnh muốn tôi sưu tập các bộ luận nói về Tây Phương. Tôi bèn thuật lại những lời nói cốt yếu của cổ đức và phụ thêm kiến giải của mình, viết thành một tập sách lấy nhan đề là Tây Phương hiệp luận.

Tôi bắt đầu viết vào ngày 23 tháng 10 năm Kỷ Hợi (1594), đến ngày 22 tháng 12 thì hoàn tất. Chưa được mấy ai góp ý sửa chữa, ắt hẳn còn nhiều chỗ sơ sót, nhưng vì muốn làm phương tiện cho người sơ tâm nên rất mong được sự chỉ bảo của các bậc thiện tri thức.

Thể theo người xưa, tôi chia ra đại khái mười chương:

1. Cõi nước.
2. Duyên khởi.
3. Bộ loại.
4. Giáo tướng.
5. Lý đế.
6. Xứng tánh.
7. Vãng sinh.
8. Kiến võng.
9. Tu trì.
10. Thích dị.

Chương I
CÕI NƯỚC

Pháp thân bình đẳng y báo, chánh báo đan xen lẫn nhau.  Mười phương cõi Phật nhơ, sạch không có sai biệt.  Chỉ vì hạnh nghiệp của chúng sinh bất đồng nên các đức Phật hóa hiện có khác nhau , hoặc nói quyền, hoặc nói thật, hoặc nói thiên, hoặc nói viên, hoặc nói tạm, hoặc nói thường, hoặc nói tiệm, hoặc nói đốn, như vầng trăng tỏa chiếu lung linh xuống muôn ngàn dòng sông thì mỗi lượn sóng nhấp nhô cũng phản chiếu một bóng trăng, như một căn phòng có muôn ngọn đèn, ánh sáng của một ngọn đèn này đều soi chiếu tất cả những ngọn đèn kia.  Cũng vậy, chân lý thì chỉ có một nhưng sự tướng có đến vô vàn.  Nếu không dẫn nhiều kinh văn thì chúng sinh nắm bắt qui tắc ở đâu ?  Vì thế, đứng về phương diện các giáo, tôi trình bày đại khái mười môn:

– Tịnh độ khắp tất cả chỗ.
– Tịnh độ duy tâm.
– Tịnh độ hằng chân.
– Tịnh độ do biến hiện.
– Tịnh độ ở cõi trời Sắc Cứu Cánh.
– Tịnh độ do phân thân.
– Tịnh độ dựa vào thân tha thọ dụng.
– Tịnh độ ở các phương.
– Chỉ một tâm này có đủ bốn cõi tịnh độ.
– Tịnh độ tiếp nhận tất cả loài hữu tình khắp mười phương không thể nghĩ bàn.

1/ Tịnh độ khắp tất cả chỗ

Tịnh độ khắp tất cả chỗ tức là cõi nước bản báo của các đức Phật.  Tịnh độ này có mười thế giới Hoa Tạng.  Thế giới cuối cùng của Hoa Tạng nào cũng đều có mười cõi rộng lớn như số vi trần thế giới Phật thanh tịnh, trang nghiêm;  mỗi cõi rộng lớn này lại có các cõi nhỏ như số vi trần thế giới Phật bao quanh, mỗi lớp càng tăng lên gấp bội.  Mỗi thế giới Hoa Tạng đều đầy cả hư không, xen lẫn vào nhau, dung hợp nhơ sạch trùng trùng vô tận.  Nếu như pháp mà bàn luận thì một ngọn cỏ, một cội cây, một mảy lông, một mảy bụi, mỗi mỗi đều đầy đủ cả pháp giới vô tận này.  Phật và chúng sinh không hai, không khác.  Hoặc có người nói đây là Thật báo trang nghiêm của chúng sinh ở cõi Cực Lạc, là thật giáo không đồng với quyền giáo cầu sinh về tịnh độ ở phương khác.  Hoặc nói rằng, chúng sinh tuy đủ Thật báo này nhưng ngặt vì không thể tự chứng chân như vô tánh, nên mãi ở trong đêm dài không thấy được mặt trời, lăn lóc trong biển khổ mênh mông, không biết đến bao giờ mới đến bờ.  Tuy nói rằng ở địa ngục khởi tâm diệu giác thì quả Phật hiện bày ở cõi địa ngục, nhưng mà giường sắt, cột đồng ở trước mắt thì sao?  Như ngạ quỉ chết khát ở ven biển, như người nghèo đếm tiền ở hang vàng.  Chỉ thấy cảnh tượng hư ảo kia, vì lẽ gì cho là thật ?  Nếu không nhờ phương tiện từ quyền vào thật thì chúng sinh đâu có ngày chứng nhập Tỳ lô ?

Đáp: Nếu đứng về phương diện nghi thức giáo hóa của các đức Phật thì có thể được, nhưng trong cõi Thật tướng không có lời nói thừa thãi này.  Tỳ lô giá na dịch là khắp tất cả chỗ.  Khắp tất cả chỗ tức là biểu hiện nghĩa Vô Lượng Thọ.  Do đó, Tỳ lô giá na đâu có hơn kém.  Như Lai vì  một số phàm phu chấp chặt vào hình tướng nên nói có A Di Đà ở phương Tây cũng như trong kinh Đại Vân, Phật A Di Đà nói với một vị bồ tát rằng : “ Có Phật Thích Ca ở thế giới Ta Bà”.  Phật Thích Ca đang làm giáo chủ thì Phật Thích Ca khắp tất cả chỗ, còn Phật A Di Đà là một chỗ của tất cả chỗ.  Lại nữa, Phật A Di Đà  đang làm giáo chủ thì Phật A Di Đà khắp tất cả chỗ, còn Phật Thích Ca là một chỗ trong tất cả chỗ, như  một người lấy chính mình làm bản vị thì mọi người đều là người khác.  Nếu lấy người khác làm bản vị thì mình là kẻ nằm trong tất cả mọi người.  Vì nghĩa này cho nên tự, tha không đứng vững được.  Tự, tha không đứng vững tức là tự cũng khắp tất cả chỗ, tha cũng khắp tất cả chỗ, đâu có phương khác đáng chấp.  Cho nên, Tỳ lô giá na ở phương Tây không có tự, tha.  Tại sao vậy ?  vì Tỳ lô không thể không khắp tất cả.  Nếu nói quyền, nói phương tiện thì có cái không trùm khắp.  Có cái không trùm khắp thì nghĩa Tỳ lô không đứng vững được.

2/ Tịnh độ duy tâm

Ngay khi tự chứng thì bản thể vô tâm tức là tịnh độ.  Kinh Duy Ma Cật nói rằng : “Này Bảo Tích ! Tâm ngay thẳng là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh không có tâm dối trá được sinh về nước kia.  Tâm thâm sâu là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh công đức viên mãn được sinh về nước kia.  Tâm bồ đề là tịnh độ của bồ tát; khi bồ tát thành Phật, chúng sinh tu pháp đại thừa được sinh về nước kia”.  Kinh văn nói rất nhiều, ở đây không thể nào dẫn chứng hết được.  Đại loại nói rằng: “Chúng sinh muốn sinh về tịnh độ thì phải thanh tịnh tâm của mình.  Tùy theo tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”.

Tâm tức là tâm của cõi nước (độ).  Cõi nước (độ) tức là cõi nước của tâm. Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, vì vốn tự nhiên như vậy. Lời nói này chẳng lẽ không phải là lời giải thích về Tây Phương sao? Có nhiều người chấp tâm cho rằng Tịnh Độ ở ngoài tâm khiến cho pháp môn này bị xem là thấp kém, chỉ tiếp dẫn căn cơ ngu độn.  Niệm tức là tâm thì niệm Phật chẳng lẽ không phải là tịnh tâm sao?  Tâm vốn bao hàm cõi nước thì Liên Bang nào phải ở ngoài tâm.  Thế nên, nếu đứng về phương diện sự tướng thì Tịnh Độ không trái nghịch với lý duy tâm.  Nói Tịnh Độ ở ngoài tâm thì làm trở ngại về việc độ khắp chúng sinh.

3/ Tịnh độ hằng chân

Tịnh độ hằng chân là chỉ tịnh độ trên hội Linh Sơn.  Đức Phật đã chỉ dẫn bồ tát quyền giáo trong tam thừa để khiến cho những người tin mà chưa thấy, biết được tịnh độ này tuy nhơ bẩn nhưng hằng trong sạch.  Tánh của nhơ bẩn vốn vắng lặng, tướng của phàm tục thường không.  Vì vốn vắng lặng nên bồ tát ở chỗ nhơ uế mà tâm thường lặng lẽ.  Vì thường không nên bồ tát bước vào cõi đời trần tục mà tâm thường rỗng không, chính là hiển bày nghĩa Tịnh.  Chỉ vì biển chấp của chúng sinh mênh mông khó lặng, dây thức dễ buộc, cho nên nghe nói đến nghiệp vốn không thì tâm tư phóng túng mà tạo nghiệp.  Nghe nói hạnh không có bản chất chân thật thì tâm ý buông thả, thực hiện những việc mờ ám.  Những người này phạm vào chỗ quở trách của Vĩnh Gia, rơi vào chỗ đọa lạc của Thiện Tinh (đọa địa ngục)  cho đến khi sống bị pháp luật thế gian trừng trị, đến khi chết làm quyến thuộc của ma, thường thường là như vậy.

Than ôi!  muốn cho tất cả mọi người trên quả đất này đều thành bồ tát thì lời nói phải thật sự có lợi ích.  Bồ tát trong thiên hạ thì ít, phàm phu thì nhiều.  Vì vậy, lời nói đem lại lợi lạc cho thiên hạ thì ít mà gieo rắc tai hại cho thiên hạ thì nhiều.

4/ Tịnh độ do biến hiện

Trong kinh Pháp hoa, Phật ba lần biến hiện cõi Ta Bà thành tịnh độ, di chuyển các trời, người ở phương khác.  Trong kinh Duy Ma, Thế Tôn sử dụng ngón chân ấn xuống mặt đất, lập tức ba ngàn đại thiên thế giới biến thành trăm ngàn trân bảo trang nghiêm.  Đây là Như Lai tạm thời biến hiện cũng là sự tự nhiên như vậy thôi.  Trí tuệ như Thu Tử (Xá Lợi Phất) đối với Tịnh Độ cũng giống như người đui mù.  Chúng sinh căn cơ kém cỏi không làm sao thấy được cõi ấy.  Hơn nữa, trời người bị đem để ở phương khác, vì họ hoàn toàn không có nhân duyên tiếp dẫn nên thần lực tạm hiện rồi mất, thì đâu phải là tịnh độ thường hằng; đâu bằng tịnh bang An Dưỡng thường trụ qua số kiếp nhiều như hạt bụi, và từ phụ A Di Đà không bỏ sót người gây tạo mười điều ác !  Rõ ràng có thể biết được cõi nước hơn kém.

5/ Tịnh độ ở cõi trời Sắc Cứu Cánh

Như Lai ở cõi trời Sắc Cứu Cánh thành chánh đẳng giác thì cõi trời này trở thành tịnh độ Thật báo.  Luận Khởi tín ghi: “Ở cõi trời Sắc Cứu Cánh, bồ tát thành tựu công đức viên mãn sẽ hiện thân cao lớn hơn hết thảy thế gian”.

Câu nói ấy có nghĩa là một niệm tương ứng với tuệ thì tức khắc quét sạch bóng tối vô minh, mệnh danh là nhất thiết chủng trí, tự nhiên có nghiệp dụng không thể nghĩ bàn, có thể hiện thân khắp cả mười phương để làm lợi ích cho chúng sinh.  Hòa thượng Pháp Tạng nói: “Tại sao báo thân thọ dụng của bồ tát lại trụ ở cõi trời này?  Vì mười địa thọ báo thân làm mười vua trời, địa thứ mười thọ thân vua cõi trời này, tức là ngay thân này thị hiện thành bồ đề”.  Vị trời này tuy nói là vô lậu nhưng vẫn chưa bằng người ở Liên Bang ra khỏi ba cõi.  Tại sao vậy?  Vì còn ở cõi trời Sắc Cứu Cánh.

6/ Tịnh độ do phân thân

Kinh Niết bàn ghi: “Phật bảo Cao Quý Đức Vương:  Thiện nam tử ! Về hướng Tây cách thế giới Ta Bà này khoảng ba mươi hai cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng, có thế giới mệnh danh là Vô Thắng giống như thế giới Cực Lạc ở phương Tây.  Ta ở thế giới ấy xuất hiện ở đời để giáo hóa chúng sinh và Ta cũng đang ở thế giới này vận hành bánh xe pháp”.

Lại nữa, kinh Ương Quật ghi:“ Phật nói với Ương Quật rằng:

– Ta cư trú ở bờ mé vô sinh mà ông không biết.

Ương Quật hỏi:

– Nếu cư trú ở bờ mé vô sinh thì tại sao Thế Tôn hạ sinh ở cõi này?

Thế Tôn đáp:

– Có Phật ở phương Đông, ông hãy đến hỏi Phật kia.

Ương Quật đến hỏi, Phật kia đáp:

– Phật Thích Ca chính là thân ta”.

Đại ý lời trích dẫn trên nói rằng tịnh độ kia là cõi Thật báo của Phật, còn cõi này là cõi Phật phân thân.  Tuy làm sáng tỏ cảnh giới y báo của một Phật, nhưng chưa đủ nghĩa nhiếp phục để giáo hóa chúng sinh.  Bởi vì chỉ có phần của Phật mà chưa có phần của chúng sinh, cho nên tịnh độ ấy chưa thù thắng.

7/ Tịnh độ dựa vào thân tha thọ dụng

Kinh Phạm Võng ghi: “Hôm nay, ta là Lô xá na ngồi trên đài sen xung quanh có ngàn cánh hoa.  Trên ngàn cánh hoa hiện ngàn Phật Thích Ca.  Mỗi cánh hoa lại có trăm ức cõi nước, mỗi cõi nước có một Phật Thích Ca…” Vì các vị sơ địa có khả năng biến hiện trăm cõi Phật, nên hoa có trăm cánh.  Nhị địa có khả năng biến hiện ngàn cõi Phật, nên hoa có ngàn cánh.  Tam địa, hoa có vạn cánh.  Tứ địa, hoa có ức cánh.  Cứ thế tăng lên gấp bội.  Vì vậy, dựa vào thân tha thọ dụng mà hiện bày cảnh giới của y báo, chỉ có các bậc nhập vào những địa này  mới thấy, chứ không phải như trên hội Liên Trì, chúng sinh niệm Phật được mười niệm liền thấy cảnh giới Phật thanh tịnh trang nghiêm.

8/ Tịnh độ ở các phương

Tại phương Đông có Phật Dược Sư, tại phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, tại phương Thượng có Phật Hương Tích, vị Phật nào cũng đều có tịnh độ.

Các kinh nói rất nhiều về tịnh độ của các đức Phật đều là Thật báo trang nghiêm.  Ở đây không thể nào ghi đầy đủ được.  Trong kinh, hoặc có khi Phật vận dụng thần lực tạm thời hiện ra, hoặc có khi các đại bồ tát đến cúng dường các đức Phật.  Vì các đức Phật kia chưa có thệ nguyện tiếp dẫn chúng sinh, cho nên chúng sinh không có nhân duyên sinh về các cõi ấy, chẳng hạn như thế giới Diệu Hỷ, Phật Thích Ca tuy có nói đến vãng sinh nhưng chưa nghe nói đến Phật Vô Động (ở thế giới Diệu Hỷ) tiếp dẫn tất cả chúng sinh.  Hơn nữa, thế giới Diệu Hỷ có các núi như núi Thiết Di, núi Tu Di và có quỉ thần, phụ nữ.  Vì thế, nên biết, thế giới Diệu Hỷ thanh tịnh trang nghiêm không bằng An Dưỡng.

Lại như Dược Sư Như Lai dùng mười hai lời đại nguyện để cứu vớt chúng sinh, trong kinh Phật cũng khuyên người có niềm tin nên sinh về nước kia.  Xét cho cùng, năng lực thệ nguyện của Dược Sư Như Lai phần nhiều là cởi mở tất cả nỗi khổ đau, buồn phiền để đưa chúng sinh đến chỗ an lạc tuyệt đối.  Nhưng, chưa bằng A Di Đà Như Lai chỉ dùng một pháp Niệm Phật để tiếp dẫn tất cả mọi người niệm Phật vãng sinh về tịnh độ của Ngài.

9/ Chỉ một tâm này có đủ bốn cõi tịnh độ

1. Cõi Phàm thánh đồng cư.
2. Cõi Phương tiện hữu dư.
3. Cõi Thật báo vô chướng ngại.
4. Cõi Thường tịch quang.

9.1- Cõi Phàm thánh đồng cư có Đồng cư uế độ và Đồng cư tịnh độ.

– Đồng cư uế độ có phàm, có thánh ở chung với nhau.  Phàm, thánh đều có hai hạng.

– Hai hạng của phàm là chúng sinh dữ, tức là chúng sinh trong bốn đường dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a tu la ) và chúng sinh thiện tức là trời, người.

– Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh.  Thật thánh là các thánh nhân thuộc bốn đạo quả: bậc bích chi Phật, bậc thất địa trong thông giáo, bậc thập trụ trong biệt giáo, bậc thập tín hậu tâm trong viên giáo.  Những vị này tuy dứt phần kiến tư hoặc nhưng sắc thân, quả báo vẫn còn, nên đều gọi là thật. Quyền thánh là các vị pháp thân bồ tát và diệu giác Phật cư trú ở các cõi:  Phương tiện, Thật báo, Tịch quang.  Vì làm lợi ích cho kẻ hữu duyên nên ứng sinh vào cõi Đồng cư.  Vì tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền.

Những bậc thánh ấy ở chung với chúng sinh trong bốn đường dữ, cho nên gọi là uế độ.  Lại nữa, Đồng cư tịnh độ như trong cõi nước Cực Lạc có chúng sinh, trong cõi nước Diệu Hỷ có núi Thiết Vi, nam nữ.  Vì những cõi nước này không có bốn đường dữ, nên mệnh danh là tịnh độ.

Tôi xét thấy,  cõi Đồng cư uế độ đã có các vị thánh cũng có thể coi là Đồng cư Tịnh độ, như thế giới Ta Bà ở tại lớp thứ mười ba của thế giới Hoa Tạng, cũng có thể gọi thế giới Ta Bà là thế giới Hoa Tạng.

9.2 – Cõi Phương tiện hữu dư  là chỗ cư trú của bậc nhị thừa và ba bậc bồ tát (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng) phá kiến tư hoặc, chứng phương tiện đạo, nhưng trần sa biệt hoặc và vô minh chưa quét sạch.  Những vị này do xả bỏ thân phần đoạn mà sinh ở ngoài ba cõi nên mệnh danh là Hữu dư.  Thích luận nói rằng: “Ngoài ba cõi có tịnh độ, đây là chỗ sinh về của các vị thanh văn, bích chi Phật thọ thân pháp tánh, không còn phần đoạn sinh tử”.

9.3 – Cõi Thật báo vô chướng ngại là nơi không cò nhị thừa,. chỉ thuần là bậc pháp thân bồ tát cư trú. Những vị này đã dứt hết trần sa  hoặc, đang phá vỡ từng phần vô minh nên được quả báo chân thật.  Nhưng vì chưa quét sạch mây mù vô minh nên còn nhuận nghiệp vô lậu, thọ báo thân pháp tánh.  Tịnh độ này cũng mệnh danh là Quả báo độ.  Kinh Nhân vương nói rằng: “Tam hiền, thập thánh trụ quả báo”.

Sở dĩ mệnh danh Thật báo là vì những đại sĩ ấy do quán  thật tướng, phát sinh được vô lậu chân thật, thọ hưởng quả báo thù thắng, bảy chất liệu quí báu trang nghiêm, đủ cả ngũ trần tịnh diệu . Mệnh danh vô chướng ngại là vì sắc, tâm không hai; mảy lông, cõi nước dung thông không ngại.  Kinh Hoa nghiêm thuyết minh thế giới nhân đà la võng chính là cảnh giới này.

9.4 – Cõi Thường tịnh quang là lý pháp giới như như được trí giác ngộ cùng tột chiếu soi, mệnh danh là cõi nước, cũng mệnh danh là pháp tánh độ.  Thế nhưng, chỉ một Phật tánh chân như chứ không phải thân, không phải cõi nước (độ) mà nói là thân, là cõi nước.  Lìa thân không có cõi nước, lìa cõi nước không có thân.  Đây là cảnh giới mà các đức Như Lai du hóa.

Sách Diệu Tông ghi: “Kinh luận nói đến tịch quang vô tướng chính là tâm đã xóa sạch tướng nhiễm ô, chướng ngại chứ không phải như thái hư rỗng rang, không có một vật.  Bởi vì ba hoặc (Kiến, tư, vô  minh) thanh tịnh tuyệt đối nên y báo, chánh báo, sắc, tâm tỏ rạng vô cùng”.  Đại kinh nói rằng: “Do diệt sắc ấy  nên được thường sắc, thọ , tưởng, hành, thức cũng theo đây suy ra mà biết”.  Kinh Nhân vương mệnh danh là ngũ ấm của pháp tánh.  Đây là quả tột cùng.

SƠ ĐỒ TÓM TẮT BỐN CÕI TỊNH ĐỘ

I. Phàm Thánh đồng cư

1/ Đồng cư uế độ:

a/ Phàm cư
a1-Chúng sinh dữ: chúng sinh bốn đường dữ
a2- Chúng sinh thiện: trời, người

b/Thánh cư
b1-Thật thánh:
-Bậc Bích chi Phật
-Bậc thất địa
-Bậc thập trụ
-Bậc thập tín hậu tâm

b2- Quyền thánh: các vị pháp thân Bồ tát, diu giác Phật thị hiện vào cõi Đồng Cư.

2/ Đồng cư tịnh độ: cõi Cực Lạc

II. Cõi Phương tiện hữu dư: chỗ cư trú của bậc nhị thừa và ba bậc Bồ tát (Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng) chứng phương tiện đạo.

III. Cõi Thật báo vô chướng ngại: chỗ cư trú của bậc pháp thân Bồ tát.

IV. Cõi Thường tịch quang: cảnh giới mà các đức Như Lai du hóa.

Tuy nhiên , mười phương cõi nước tùy theo tâm tư mỗi vị mà thấy khác nhau; thất bảo, cát đá ngay đấy thấy có sai biệt.  Tráp Xuyên nói rằng: “Cực Lạc có bốn cõi bất đồng.  Tại sao vậy?  Vì đứng về phương diện trời, người tức là hai cõi trước (cõi Phàm thánh đồng cư, cõi Phương tiện hữu dư).  Đứng về phương diện Bồ tát, Phật tức là hai cõi sau (Cõi Thật báo vô chướng ngại, cõi Thường tịch quang)”.  Nên biết, thân Phật cao sáu mươi vạn ức trăm triệu hằng sa do tuần cũng không ngại gì có thân một trượng sáu.  Hoa Tạng hải hội vô biên cõi Phật cũng không ngại gì cõi nước có sông Ni Liên Thiền.  Tại sao vậy?  Vì tự nhiên như vậy, chứ không phải do thần lực biến hiện.

10/ Tịnh độ tiếp nhận tất cả hữu tình khắp cả mười phương không thể nghĩ bàn.

Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà có công đức rộng lớn như biển cả, có bi trí rộng lớn như biển cả, có nguyện lực rộng lớn như biển cả.  Nếu nói đầy đủ thì giả sử trên từ các đức Phật, bồ tát, thanh văn, bích chi Phật, trời, người, ngạ quỉ, súc sinh khắp cả mười phương thế giới, dưới đến loài sâu bọ và tất cả vật vô tri như cỏ cây, ngói đá, mảy bụi cực nhỏ, mỗi  mỗi đều có đầy đủ vô lượng miệng, trong mỗi miệng đều có đầy đủ vô lượng lưỡi, trong mỗi lưỡi đều có phát ra vô lượng âm thanh, nói mãi, nói nhiều, nói hăng.  Nói như vậy trải qua trăm ức vạn thời kỳ vô số như cát bụi cũng không thể nào nói hết được.  Bây giờ xin giải thích sơ lược qua năm nghĩa sau đây:

  1. Thân, cõi nước không thể nghĩ bàn.
  2. Tánh, tướng không thể nghĩ bàn.
  3. Nhân, quả không thể nghĩ bàn.
  4. Đến, đi không thể nghĩ bàn.
  5. Cứu cánh không thể nghĩ bàn.

1- Thân, cõi nước không thể nghĩ bàn

Trong thân A Di Đà có vô lượng chúng sinh, trong thân chúng sinh có vô lượng A Di Đà.  Cõi nước cũng đại loại như vậy.  Cho nên, một chúng sinh niệm A Di Đà thì  một A Di Đà hiển hiện.  Nhiều chúng sinh niệm A Di Đà thì nhiều A Di Đà hiển hiện.  Chúng sinh niệm A Di Đà trong mỗi niệm thì mỗi niệm A Di Đà hiển hiện.  Nếu trong thân của chúng sinh không có A Di Đà thì A Di Đà không thể hiển hiện, như trong cái kính lúp dùng lấy lửa từ mặt trời không thể nào tìm được nước, vì sẵn không có.  Nếu trong thân A Di Đà không có chúng sinh thì A Di Đà cũng không thể nào hiển hiện, như người đàn bà không sinh đẻ được (thạch nữ) mà mong cầu sinh con thì không bao giờ được, vì không thích hợp .  Do đó, trong một thân bao hàm một thân, trong một thân bao hàm tất cả thân.  Trong  một cõi nước bao hàm một cõi nước, trong một cõi nước bao hàm tất cả cõi nước.  Thân, cõi nước đan xen lẫn nhau trùng trùng vô tận.

2- Tánh, tướng không thể nghĩ bàn

Nếu lìa tánh mà nói tịnh độ thì tịnh độ ở ngoài tâm.  Đó là huyễn hóa.  Huyễn hóa là tướng đoạn diệt cho nên chúng sinh không sinh.  Nếu ngay nơi tánh mà nói tịnh độ thì tánh có hình tướng.  Đó là cố định.  Cố định tức là không biến đổi gì hết.  Vì không biến đổi, chúng sinh dù sinh mà cũng là không sinh.  Vì ngay nơi tánh tức là tướng, nên không có tánh thì không có tướng; hễ còn tồn tại tức là và không phải  thì đều hỏng.

3- Nhân, quả không thể nghĩ bàn

Nhân quả không thể nghĩ bàn có hai nghĩa:

a/ Nhân trước quả sau: Như niệm Phật là nhân, thấy Phật là quả.  Thấy Phật là nhân, thành Phật là quả.  Thành Phật là nhân, độ chúng sinh là quả.

b/ Nhân quả không có trước sau: ngay khi niệm liền đầy đủ cả thấy Phật, thành Phật, độ chúng sinh như con người tuổi từ ba mươi đến bốn mươi thì ba mươi là nhân, bốn mươi là quả.  Nhưng, từ ba mươi đến bốn mươi không có tướng gián đoạn.  Nếu không có bốn mươi thì không có ba mươi. Nếu không có ba mươi thì không có bốn mươi. Vì thế, nên biết, không thể nào lìa bỏ ba mươi đến bốn mươi được.  Nếu lìa bỏ ba mươi đến bốn mươi thì khoảng giữa có tướng gián đoạn, mà thân này của ta không có tướng gián đoạn.  Nếu từ ba mươi đến bốn mươi thì khoảng giữa có tướng tương tục, mà thân này của ta cho đến tướng tương tục cũng không tìm được.  Nhân quả niệm Phật cũng theo đây suy ra mà biết.

4-  Đến, đi không thể nghĩ bàn

Nếu Phật A Di Đà do thệ nguyện mà đến cõi Ta Bà để tiếp dẫn chúng sinh, thì chúng sinh do nhớ nghĩ đến Phật  mà sinh về cõi Cực Lạc.  Vì vậy có đến, đi; có đến, đi tức là có con đường đi; có con đường đi tức là có khó , dễ như người gần kinh đô yết kiến vua dễ dàng, người ở xa xôi yết kiến vua khó khăn.  Nếu giống như vậy thì niệm Phật cầu sinh về Tây Phương lẽ ra cũng có khó, dễ; nhưng thật ra con đưòng về Tịnh Độ đâu phải xa xôi.  Kinh Bát chu tam muội ghi: “Chẳng phải đợi đến khi lâm chung mới sinh về cõi Phật, vì Phật không đến, tôi cũng không đi”. Lại nữa, tiên đức có câu: “Sinh thì quyết định sinh, đi thì thật không đi”, như dóng trống Trời, mọi người xa gần đều nghe; như bóng trăng trong nước, đi về hướng Đông thì thấy nó hiện ở hướng Đông, đi về hướng Tây thì thấy nó hiện ở hướng Tây, nhưng thật ra thì nó không có đi đâu cả.

5- Cứu cánh không thể nghĩ bàn:

Như núi non soi bóng dưới đầm nước trong, như trăm hoa nở rộ dưới nắng xuân, như nghiệp lực của chúng sinh, như ánh sáng của vầng nhật nguyệt, như các căn trong thai mẹ, như ngã trong thân, như răng cứng lưỡi mềm, như mày ngang mũi dọc.

Sỡ dĩ mười phương các đức Phật hết lòng hết dạ đối với chúng sinh là vì muốn nói về cái pháp hiếm có khó tin này mà thôi.  Tuy có hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba ngàn đại thiên thế giới để tuyên dương, nhưng cũng chưa thể nói được trong  muôn một.  Khổng Tử có nói: “Đạo lý thông thường thì kẻ ngu dốt có thể biết được, nhưng nói đến chỗ vi diệu thì thánh nhân cũng không biết nổi”.  Đúng thay lời này!  Cho nên, vô lượng pháp môn chỉ cần lấy một pháp môn Tịnh Độ này là xâu suốt hết.