SỰ BIẾN ĐỔI TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ

Nguyên tác: Liên Sanh
Việt dịch: Việt dịch: Thích Quảng Ân

 

Tịnh độ tông tôn đại sư Lô Sơn Huệ Viễn thời Đông Tấn làm Sơ tổ. Bởi vì, ngài Huệ Viễn đã tổ chức thành lập Liên xã hơn 123 người, đề xướng pháp môn niệm Phật. Nhưng ngài Huệ Viễn đã đề xướng pháp môn niệm Phật như thế nào? Hiện tại Thánh điển của Tịnh độ tông được tôn thờ không ngoài kinh Vô lượng thọ, kinh Thập lục quán, kinh Tiểu A-di-đà. Căn cứ vào kinh Tiểu A-di-đà thì có trì danh niệm Phật; căn cứ vào kinh Thập lục quán thì có quán tưởng niệm Phật. Ngoài ra, căn cứ vào kinh Vô lượng thọ, kinh Niết-bàn tam-muội, kinh Văn Thù bát-nhã … thì có thật tướng niệm Phật. Đối với ba phương pháp niệm Phật này, hiện tại phương pháp trì danh niệm Phật là thông hành nhất.

Kinh Tiểu A-di-đà được ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào năm thứ tư niên hiệu Hoằng Thỉ đời Diêu Tần (402 CN). Căn cứ theo trong nguyên văn nói thì thời gian mà ngài Huệ Viễn thành lập Liên xã là “ngày 28 ất mùi (tháng 7 đầu), ngày mồng một mậu thìn, tháng 7 (tháng 7 nhuận) năm Nhiếp đề cách1”. Lấy ngày mồng một tháng nhuần để chứng minh thì đúng với năm đầu tức là năm Nhâm Dần, niên hiệu Nguyên Hưng (Đông Tấn), cũng chính là năm thứ tư niên hiệu Hoằng Thỉ đời Diêu Tần, rất có thể ngài lấy kinh Tiểu Di-đà đã được dịch để khích lệ mọi người tu tập. Nhưng căn cứ vào tư tưởng của bài tựa trong thi tập “Niệm Phật tam-muội” mà ngài Huệ Viễn đã trước tác thì hiển nhiên chẳng phải là dùng phương pháp “trì danh niệm Phật”. Còn kinh Thập lục quán do ngài Cương-lương-da-xá dịch vào đời Lưu Tống, là thời gian sau này. Hơn nữa, ngài Huệ Viễn xây dựng đài Bát-nhã ở chùa Đông Lâm và thành lập Liên xã trước tượng Phật Di-đà tại đài Bát-nhã, đây là nơi xác thực ngài Huệ Viễn đã đề xướng phương pháp “Thật tướng niệm Phật”.

Chúng ta đã tôn thờ ngài Huệ Viễn là Sơ tổ, thì ngay trong kỳ tích, sự trước tác, lý luận và tư tưởng Tịnh độ của ngài chúng ta cũng phải phát huy và làm rạng rỡ thêm.

Tư tưởng Tịnh độ và Hành môn (pháp môn tự lực tu hành) ở Trung Quốc được truyền bá rộng rãi, trải qua ba giai đoạn khác nhau. Tư tưởng Tịnh độ vào cuối đời Hậu Hán mới truyền vào Trung Quốc. An Thế Cao là người đầu tiên dịch ra bộ kinh Vô lượng thọ vào thời Hán Hoàn Đế (năm 147). Về sau, ngài Chi-lâu-ca-sấm cũng dịch bộ kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác (bản dịch thứ hai của bộ kinh Vô lượng thọ) và kinh Bát-chu tam-muội vào thời Hán Linh Đế (năm 168). Đồng thời, ngài Chi-lâu-ca-sấm lại là người đầu tiên dịch kinh Đạo hạnh bát-nhaõ. Trong thời kỳ này, tư tưởng Tịnh độ đều lấy tư tưởng Bát-nhã, Pháp hoa và Tịnh độ kết hợp với nhau, có thể nói chú trọng về phương pháp “Thật tướng niệm Phật”. Như thời Đông Tấn, Trúc Pháp Khoáng đã lấy kinh Pháp hoa làm “Tam hội qui một”, kinh Vô lượng thọ làm nhân Tịnh độ, và còn dùng hai bộ này để ngâm vịnh. Nếu có đại chúng thì ngài giảng giải, còn khi một mình thì ngài đọc tụng. Với tình huống này mãi đến cuối đời Đông Tấn có đại sư Đông Lâm Huệ Viễn mới tập đại thành.

Từ đời Lưu Tống về sau, ngài Cương-lương-da-xá dịch bộ kinh Thập lục quán, đồng thời ngài còn dịch bộ kinh Quán dược vương dược thượng. Ngoài ra, còn có các ngài khác dịch rất nhiều về Quán kinh, như: Tống Đàm-ma-mật-đa dịch kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát và kinh Quán Hư Không Tạng Bồ-tát, Tống Tự Cừ Kinh Thanh dịch kinh Di-lặc thượng sanh v.v… Nhân đây, phương pháp “Quán tưởng niệm Phật” này dần dần trở nên hưng thịnh và lấy ngài Đàm Loan (Bắc Ngụy) làm người tiêu biểu. Đại sư Đàm Loan là người nhiều năm chú giải kinh điển Phật Giáo, đã từng đến đạo gia Hoằng Cảnh học được phép Tiên thuật, nhưng trong tâm không được an ổn. Sau đó ngài đến Bồ-đề-lưu-chi thỉnh giáo, ngài Bồ-đề-lưu-chi dạy tu tập theo Thập lục quán cầu sanh Tịnh độ. Vì thế, ngài liền bỏ phép thuật tu Tiên và về ở tại chùa Huyền Trung, núi Thạch Bích, Phần Châu, kiến lập đạo tràng Cửu phẩm thập quán. Ngài trước tác “Vãng sanh luận chú”, “Lễ Tịnh độ thập nhị kệ” (mười hai bài kệ lễ Tịnh độ) v.v…, đến cuối nhà Tùy đầu đời Đường mới chuyển hướng trì danh niệm Phật. Đời nhà Tùy, ngài Đạo Xước thiền sư khi đến chùa Huyền Trung thấy di tích đạo tràng của đại sư Đàm Loan mà phát tâm, nhưng ngài Đạo Xước thiền sư hành trì cả phương pháp “Quán tưởng niệm Phật” và “Trì danh niệm Phật”. Cả cuộc đời của ngài giảng kinh Thập lục quán gồm hai trăm lần. Hiện tại, chúng ta dùng chuổi hạt để niệm Phật, đó là phương pháp của ngài truyền lại, như ngày xưa niệm Phật bằng hạt đậu cũng chính do ngài sáng chế ra. Ngài trước tác “An lạc tập” gồm hai quyển, sau đời Đường, đại sư Thiện Đạo mới truyền rộng phương pháp Trì danh niệm Phật và mãi lưu truyền cho đến ngày nay. Đời Đường Võ Tôn thì Phật pháp bị tiêu diệt nên trước tác của ngài Đàm Loan và Đạo Xước ở Trung Quốc bị thất truyền. Do vậy, người đời sau rất ít người biết đến hai vị đại sư Đàm Loan và Đạo Xước, ngay cả tên tuổi của họ không có trong hàng các vị Tổ Sư theo tông Tịnh độ của Trung Quốc.

Xưa nay, tư tưởng Tịnh độ vốn là cộng đồng Phật giáo Đại thừa, nên ở phần cuối trong kinh Hoa nghiêm lấy mười nguyện Phổ Hiền để hướng đến Cực lạc làm phần tổng kết.

Ở Ấn Độ, ngài Bồ-tát Long Thọ là bậc Cao đức của Pháp tánh tông và trước tác của ngài có “Lễ A-di-đà Phật kệ”; ngài Bồ-tát Thế Thân là bậc Cao đức của Pháp tướng tông, trước tác của ngài có “Vãng sanh luận”. Thời nhà Hán, đại sư Tam Tổ Thiên thai Trí Giả có sớ giải Quán kinh …

Tư tưởng Tịnh độ và pháp môn niệm Phật ở thời cổ đại tuy được truyền bá phổ biến rộng rãi nhưng không có Tịnh độ tông chuyên môn. Tịnh độ tông được thành lập rất muộn, sự thể là vào thời đại Nguyên, Minh. Hiện tại tôn sùng mười Tổ của Tịnh độ tông cũng là trải qua thời Tống, Nguyên, Minh dần dần phát triển mà được hình thành. Bắt đầu là đời Nam Tống, pháp sư Tông Hiểu lập Liên xã gồm bảy Tổ. Trong bộ “Phật tổ thống ký” của Tống Chí Bàn, ngoài việc chuyên nói về Thiên thai tông còn đề cập đến năm tông phái: Đạt-ma (Thiền); Hiền Thủ, Từ Ân, Quán Đảnh (Mật), Nam Sơn. Tịnh độ không lập tông mà lấy ngài Huệ Viễn, Đạo Xước, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiểu Khang, Diên Thọ, Tỉnh Thường làm bảy Tổ của Liên Xã. Ở quyển 26 (Phật tổ thống ký), trong đó có nó: “Pháp sư Tứ Minh Thạch Chi Tông Hiểu lấy những vị đồng tu Tịnh nghiệp (Tịnh độ) qua các thời đại, có công đức cao dày mà lập thành bảy vị Tổ”. Ngài Tông Hiểu, Chí Bàn đều là học giả của Thiên thai tông, lại lập bảy Tổ Liên Xã, chẳng qua hai ngài hành trì và truyền dạy giáo pháp về Tịnh độ, lúc này chưa có gọi Tịnh độ tông.

Đến triều đại nhà Nguyên, chùa Đông Lâm có sự phổ độ, nhân vì lúc này Bạch liên giáo mượn danh nghĩa Phật giáo để lợi dụng làm các việc riêng; rồi soạn “Liên tông bảo giám” mười quyển, lại trước tác “Lô Sơn phục giáo tập” một quyển và tự xưng là Bạch liên tông. Song chỉ nói một cách ước lược mà chưa xác định Tổ, chỉ ở trên văn tự. Đến thời Tống Cao Tông, thiền sư Tử Nguyên đề xướng niệm Phật, soạn “Bạch liên sám pháp” và còn vào triều đình giảng về tông chỉ niệm Phật. Từ đây về sau, danh xưng Tịnh độ tông dần dần ổn định. Các tổ chức về Tịnh độ tông chỉ lược nói nhưng chưa khẳng định. Đến giữa triều đại nhà Thanh, mới lấy bảy Tổ Liên xã và kết hợp danh xưng Tịnh độ tông lại với nhau, tăng thêm đại sư Liên Trì đời nhà Minh, đại sư Tỉnh Am đời Thanh (Khang Hy), lập thành chín Tổ Liên xã. Sau đó, lại thêm thiền sư Tế Tỉnh đời Càn Long, xưng thành mười Tổ Tịnh độ. Đây chính là nguyên nhân lập nên các Tổ của Tịnh độ tông. Nếu như căn cứ theo lời tường thuật của người đời nhà Đường, đối với sự lưu truyền của hành giáo Tịnh độ thì cùng với đây có sự thêm bớt.

Đời Diêu Tần, ngài Cưu-ma-la-thập dịch kinh A-di-đà2, trong đó có nói: “Những đàn chim ấy, ngày đêm sáu thời, tiếng hót hòa nhã, diễn ra các pháp: Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần, và nhiều pháp khác (Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp)”. Vào đời nhà Đường, ngài Huyền Trang dịch kinh Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ3 (tức là bản dịch khác về kinh A-di-đà), cũng nói: “Như thị chúng điểu, trú dạ lục thời, hằng cộng tập hội xuất hòa nhã âm. Tuỳ kỳ loại âm tuyên dương diệu pháp, sở vị thậm thâm niệm trú, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác, đạo chi đẳng vô lượng diệu pháp”. Khảo cứu về ý nghĩa của ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì đây là ba mươi bảy phẩm thành đạo nghiệp. Trong bản dịch thời Tần (của ngài Cưu-ma-la-thập) ở trước có khuyết ba khoa mười hai phẩm pháp, như vậy ba mươi bảy đạo phẩm có thiếu; thế thì đạo nghiệp có thành không? Huống gì bản dịch đời Đường (của ngài Huyền Trang) được nêu ra một cách rõ ràng trọn vẹn. Phần nhiều người đời đối với đây mà sanh lòng nghi ngờ, nên biết rằng ba mươi bảy Đạo phẩm được giải thích theo hai cách: chiều rộng và chiều sâu.

Đứng về phương diện chiều rộng mà luận: Phàm phu mới phát tâm tu hành cần phải thực hành đầy đủ theo ba mươi bảy Đạo phẩm, cho đến ở ngôi vị Thập địa, Đẳng giác, Bồ-tát cũng vẫn tu ba mươi bảy Đạo phẩm. Và thế giới Ta bà, thế giới Cực lạc cũng vẫn phải tu ba mươi bảy Đạo phẩm. Giả sử có thế giới cao hơn thế giới Cực lạc thì cũng phải tu tập theo ba mươi bảy Đạo phẩm. Bởi vì đạo nghiệp tuy có trình độ cao thấp không đồng, nhưng đều phải từ ba mươi bảy phẩm pháp này mà thành tựu đạo quả, đây là giải thích theo chiều rộng vậy. Còn đối với cách giải thích theo chiều sâu: Quả vị tư lương do tu tập Tứ niệm trụ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc. Quả vị Gia hành do tu tập Ngũ căn, Ngũ lực. Quả vị Kiến đạo do tu tập Thất giác phần. Quả vị Tu đạo do tu tập Bát thánh đạo. Cho nên, do tu tập ba mươi bảy Đạo phẩm viên mãn mà thành Phật.

Ngài Huyền Trang đã dịch văn kinh theo nghĩa chiều rộng, nên liệt ra đây đủ ba mươi bảy Đạo phẩm. Ngài Cưu-ma-la-thập dịch văn kinh theo nghĩa chiều sâu, chính là muốn nói chúng sanh trong thế giới Ta bà tu hành pháp muốn niệm Phật tất phải ngay trong pháp môn này hoàn thành tư tưởng: Tứ niệm trụ, Tứ chánh đoạn, Tứ thần túc. Sau đó mới có thể vãng sanh về thế giới Cực lạc tấn tu Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần. Bởi vì, chúng sanh ở thế giới Cực lạc nhất định là A-bệ-bạt-trí (bất thối chuyển). Do đó, người niệm Phật phải chú ý đến việc quan sát Ngũ uẩn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đoạn trừ phiền não nghiệp ác một cách mãnh liệt, tăng trưởng thiện pháp thiện nghiệp, dục, tinh tấn, chuyên chú, tư duy mà nỗ lực đạt đến Nhất tâm bất loạn, đây mới là người niệm Phật chơn chánh. Trong văn dịch đời Tần có hàm ý rất sâu sắc nên mới lược bỏ bớt ba khoa trước. Vì vậy, đối với pháp môn niệm Phật phải tha thiết, ân cần khẩn cầu sự chỉ giáo. Đây là điều mà người niệm Phật phải chú ý một cách triệt để không thể thiếu sót.